Đại nguyên soái Seremetiev tiến hành việc bao vây thành Yuriev một cách uể oải; ông không muốn gắng sức quá mức và cũng không muốn quân sĩ của mình mệt nhọc; hy vọng thắng quân Thuỵ Điển bằng cái đói. Piotr Alekseevich vo tròn những bức thư dài của ông ta, quẳng xuống gầm bàn. Ma quỷ đã thay đổi vị đại nguyên soái rồi; trong hai năm, ông đã chiến đấu táo bạo, hung tợn nữa là khác; bây giờ thì như một mụ đàn bả, ông ấp a ấp úng dưới chân thành quân Thuỵ Điển. Cuối cùng, khi đại nguyên soái Oginvy đến doanh trại Narva, - theo lời khẩn cầu của Patkun, tại Viên, Oginvy đã được thu dùng để giúp Moskva với tiền lương rất cao; ngoài lương thực, rượu cùng các thứ thực phẩm khác, mỗi năm ông ta còn được lĩnh thêm ba nghìn duca vàng, - thì Piotr Alekseevich trao quyền chỉ huy cho ông ta và sốt ruột, vội vã đi đến Yuriev.
Seremetiev không biết nhà vua tới; sau bữa ăn trưa, trong không khí oi bức của giờ ngọ, ông đang bình thản ngáy o o trong lều vải, giữa đám xe quân dụng, sau một bờ luỹ cao; Sa hoàng giật chiếc khăn tay ông ta che mặt để tránh ruồi, ông mới tỉnh giấc.
- Ngươi núp vào sau các chướng ngại vật cự mã mà yên trí ngủ. - Vua Piotr hét to, cặp mắt điên giận trợn lên - Đi, đưa ta đi xem các công trình công thành?
Vị đại nguyên soái khiếp vía đến nỗi nói không nên lời; ông không còn nhớ đã làm thế nào mà xỏ chân được vào ống quần; không tìm thấy bộ tóc giả và thanh gươm, ông cứ thế leo lên ngựa, đầu để trần. Kỹ sư quân sự Kobe chạy đến; còn ngái ngủ, y cài nhầm hết cả khuy chiếc áo chẽn may theo kiểu Pháp; từ khi vây thành, y đã ăn uống phè phỡn và nhở các món ăn Nga, khuôn mặt của y to bè bè: tất cả công việc của y làm được tốt chỉ có vậy. Piotr từ trên mình ngựa, giận dữ khẽ gật đầu chào y. Cả ba người đi ra trận địa.
Chẳng có gì vừa ý Piotr Alekseevich… Phía đông nơi đội quân công thảnh đóng doanh trại, tường thành rất cao, các tháp to ngang, lùn tè, đã được củng cố thêm, các bờ luỹ xây hình bán nguyệt nhô ra rất xa trên cánh đồng theo hình ngôi sao và các hào trước mặt luỹ đều dầy nước. Phía tây, thành phố được con sông Embac đầy nước bảo vệ một cách vững chãi. Phía Nam, trải dài một bãi sình lầy rêu phủ. Bằng những đường hào sâu và đường hầm tiếp cận, Seremetiev đã thận trọng tiến đần về phía thành nhưng còn cách xa, vì sợ đại bác Thuỵ Điển. Các khẩu đội pháo của ông bố trí lại càng ngu xuẩn hơn, - từ các trận địa pháo đó, ông đã cho hắn hai nghìn viên đạn trái phá vào thành phố; ông đã đốt cháy được vài túp lều nhưng tường thành thì chưa sây sát tí gì.
- Đại nguyên soái, ngươi có biết mỗi viên đạn trái phá tốn kém cho ta bao nhiêu không? - Piotr Alekseevich hỏi, nét mặt sa sầm. - Chúng ta đưa từ Ural đến! Ngươi có muốn ta trừ vào lương ngươi giá tiền hai ngàn viên đạn trái phá bắn vô ích đó không? - Nhà vua giật lấy ống nhòm ở nách đại nguyên soái, quan sát tường thành - Tường phía Nam thì thấp và cũ rồi. Đúng như ta đã nghĩ… - Nhà vua quay phắt về phía kỹ sư Kobe.
- Phải bắn trái phá vào đấy, phải phá tường và cổng thành ở đấy. Phải chiếm thành phố bằng ngả đó chứ không phải qua ngả phía Đông. Đừng có kiếm những chỗ thoải mái thuận tiện, những nơi khô ráo… Phải tìm kiếm chiến thắng, dù cho có phải sục vào bãi lầy ngập đến tận cổ!
Seremetiev không dám cãi lại, ông chỉ lúng búng:
- Cái đó tất nhiên… Thưa Ngài pháo thủ, Ngài có cương vị hơn để nhận xét… Chúng thần cũng đã suy nghĩ nhưng đã nhầm lẫn…
Kỹ sư Kobe kính cẩn lúc lắc đôi má, với một nụ cười ra vẻ ăn năn:
- Tâu bệ hạ, bức tường phía Nam cũng như cổng tháp, mà người ta gọi là "Cổng Nga" đều cũ cả, nhưng tuy vậy vẫn không thể đánh được vì chỉ có đi qua bãi lầy mới tiến đến gần được. Mà bãi lầy ấy thì không làm sao qua nổi!
- Không qua nổi à? Ai không qua nổi? - Piotr Alekseevich hét lên. Nhà vua lắc cái cổ dài ngoẵng, vung cái chân đã tụt ra khỏi bàn đạp. - Đối với người lính Nga, cái gì cũng có thể vượt qua được… Đây không phải là đánh cở tướng, chúng ta đang làm một chuyện sinh tử!
Nhà vua nhảy xuống ngựa, trải một tấm bản đồ lên cỏ - bản đồ thành phố - rút trong túi áo ra một cái bao, lấy ra com-pa, thước kẻ và bút chì. Nhà vua do đạc, đánh dấu. Đại nguyên soái và Kobe ngồi xổm bên cạnh.
Đây là chỗ các ngươi sẽ đặt tất cả các khẩu pháo!
- Sa hoàng trỏ vào ven bãi lầy trước "Cổng Nga". - Và bên kia sông, ngươi hãy đặt thêm đại bác tấn công. - Nhà vua thành thạo vạch đường bay của đạn trái phá từ các khẩu đội đến "Cổng Nga" và cầm com-pa đo lại.
Seremetiev ấp úng:
- Cái đó tất nhiên… khoảng cách như thế là vừa phải…
Kobe mỉm cười ra vẻ thông hiểu.
- Ta cho các ngươi ba ngày để thay đổi vị trí… Ngày mùng bảy khai hoả. - Vua Piotr xếp com-pa và thước vào túi đựng và định dút nó vào túi áo chẽn, nhưng trong túi áo lại có chiếc khăn tay màu đỏ thêu lá nho xung quanh; nhà vua bực tức rút khăn ra, nhét vào trong ngực.
Ba ngày ba đêm liền, nhà vua không để quân lính được dừng chân nghỉ tay. Ban ngày, dưới mắt quân Thuỵ Điển, toàn quân vẫn tiếp tục đắp công sự, đào chiến hào dưới làn đạn và trái phá, và đóng thang. Ban đêm họ bí mật, không đốt lửa, đóng bò vào đại bác, súng cối chuyển đến những nơi khác, ở ven bãi lầy và vượt qua cầu phao, sang bên kia sông; họ che giấu các khẩu pháo sau những bó củi cành và bờ luỹ.
Mặt trời vừa nhô lên trên khu rừng soi sáng các mái cũ kỹ của bức tường thành phía Nam, các lỗ châu mai ở ngọn tháp "Cổng Nga" vừa xuất hiện bên trên lớp sương mù bao phủ bãi lầy và những làn khói xanh lam của thành phố vừa mới bốc lên trong bầu không khí im lặng buổi sớm, - thì sáu mươi khẩu đại bác tấn công và súng cối hạng nặng làm rung chuyển cả trời đất, đạn đại bác nặng hai pud, trái phá có ngòi lửa bay vêo vèo qua bãi lầy. Các khẩu đội bên kia sông nổ súng ầm ầm như sấm. Quân thủ pháo của trung đoàn Ivan Zidok nấp sau làn khói súng, khiêng những bó củi cành chạy đến lấp bãi lầy.
Piotr Alekseevich đang ở khẩu đội phía nam. Nhà vua không cần phải la hét, ra lệnh, nổi giận, mà chỉ mới kịp quay đầu, liếc nhìn các pháo thủ, miệng kêu "Ai-lu-lu, ai-lu-lu"… chỉ vừa kịp đọc rất nhanh một bài kinh Pate là các pháo thủ đã lấy chổi thông xong nòng súng đặt những gói thuốc súng vào rồi tọng đạn và ngắm
- Tất cả các khẩu đội bắn! - đại tá Nesaiev, người thấp lùn, trợn cặp mắt đỏ ngầu thét lên. Loạt súng đầu tiên thổi bay mất mũ và bộ tóc giả của ông ta.
- Cự ly vẫn y nguyên. Đưa mồi lửa lại… Bắn! - Các khẩu đội trưởng nhắc lại giọng oang oang như lệnh vỡ - Bắn!
Người ta trông thấy đạn trái phá nổ toang; các lỗ châu mai trên tháp đổ sập; mái tường thành bắt đầu bốc khói rồi bùng lửa; những ngôi nhà nhỏ trong thành trúng dạn trái phá bắt đầu bốc cháy. Chuỏng những ngôi nhà thờ nhọn lắc lư, kêu bính boong. Lính Thuỵ Điển mặc quân phục ngắn màu xám chạy ra cổng, mỗi lần có tiếng nổ lại nằm ẹp xuống. Chúng bắt đầu đắp một bờ luỹ, chúng kéo đến nào cột gỗ, nào thùng gỗ, bao bì… Đến tối ngày hôm đó, ngọn tháp và bức tường thành vẫn đứng vững. Piotr Alekseevich ra lệnh cho kéo pháo lại gần hơn nữa.
Trận pháo kích kéo dài sáu ngày liền. Lính thủ pháo của Ivan Zidok, lội trong bãi lầy ngập đến đầu gối, đến ngang thắt lưng, vừa lấp vũng lầy vừa dùng sọt đựng đầy đất đỡ trái phá và đạn địch. Người bị bắn chết chìm nghỉm ngay lập tức; quân sĩ cõng những kẻ bị thương đi. Quân Thuỵ Điển hiểu rõ nguy cơ ghê gớm đang đe doạ chúng nên đã đưa về phía nầy một phần pháo của những tháp khác và mỗi ngày lại tăng cường thêm hoả lực. Khói bao trùm cả thành phố.
Mặt trời đỏ lòm xói những tia nóng bỏng xuyên qua những đám khói thuốc súng bay mù mịt.
Piotr Alekseevich không rời khẩu đội pháo; người đen sì thuốc súng, nhà vua không tắm rửa, vừa chạy vừa qua quýt, tự tay phân phát vodka cho các đội pháo thủ. Nhà vua nằm ngay cạnh, dưới gầm xe kéo pháo, chỉ chợp mắt non một giờ đồng hồ trong tiếng nổ đinh tai của đại bác. Sa hoàng đã tống kỹ sư Kobe về trạm quân lương vì y thông thái thật nhưng lại hiền lành quá đáng "mà, những kẻ hiền lành thì ở đây chúng ta chẳng cần đến!".
Sẩm tối ngày mười hai rạng ngày mười ba tháng bảy, Sa hoàng cho gọi Seremetiev đến; trong những ngày đó, vị đại nguyên soái với toàn quân của mình đã làm náo động lên ở phía đông để uy hiếp quân Thuỵ Điển. Ông đã lấy lại dũng cảm, không rời khỏi yên ngựa, hay đánh lính, chửi rủa luôn miệng. Ông gặp Piotr Alekseevich bên cạnh một cỗ pháo im tiếng. Quanh nhà vua là những pháo thủ rậm ria - toàn những người quen biết cũ - những người vào thời các trò chơi quân sự trước thành Prexburg, kéo đại bác gỗ, nã củ cải và đạn trái phá bằng đất sét không phải để đùa đâu - vào kỵ binh của vương hầu chấp chính. Người thì đầu cuốn giẻ, kẻ thì quần áo rách toạc.
Piotr Alekseevich ngồi trên giá khẩu đại bác bằng đồng đen lớn nhất, khẩu "Hoả xà", đúc ở Tula: để làm nguội khẩu đại bác, đã phải đổ gần hai chục thùng dấm mà nó vẫn cháy xèo xèo. Vua Piotr đang nhai bánh mì và giọng nói hăm hở hấp tấp, đang phân tích công việc hoàn thành trong ngày hôm đó… Bức tường phía Nam thế là cuối cùng đã bị phá vỡ ở ba chỗ; kẻ địch không thể bịt kín được những lỗ hổng đó nữa. Pháo thủ Inhat Kurotskin đã nã trúng nhiều phát trái phá vào góc trái ngọn tháp bên cổng…
- Cứ như là đóng đinh ấy! Có phải đúng thế không nào? Hả? - Piotr Alekseevich kêu lên, giọng ồ ồ như giọng gà trống, - Cả một góc tháp đã đổ sụp và toàn bộ cái tháp sắp sập đến nơi rồi.
- Inhat, mi ở đâu, ta không thấy, lại gần đây. - Nhà vua đưa cho người lính pháo thủ cái tẩu thuốc cán đã bị gặm mòn. - Ta không tặng mi đâu. Ta chẳng còn cái tẩu nào trong người cả. Nhưng rít một hơi đi… giỏi lắm! Nếu chúng ta sống sót, ta sẽ không quên mi. Inhat Kurotskin, một người có vẻ trầm tĩnh, ria rậm, bỏ chiếc mũ ba cạnh ra, đỡ lấy cái tẩu, lấy móng tay cạo cạo nõ; khuôn mặt hắn hằn lên những nếp nhăn hóm hỉnh.
- Nhưng mà, tâu bệ hạ, chẳng có lấy một sợi thuốc nào trong nầy cả?
Các pháo thủ khác phá lên cười. Piotr Alekseevich rút túi đựng thuốc ra: không còn một tí thuốc nào. Vừa lúc đó đại nguyên soái đến. Piotr Alekseevich mừng rỡ:
- Boris Petrovich, ngươi có gì để hút không? Ở khẩu đội của ta chẳng có vodka, mà cũng chẳng có thuốc lá. - Các pháo thủ lại cười - Phiền ngươi…
Seremetiev cúi chào lễ phép đưa nhà vua cái túi đựng thuốc xinh xắn có đính ngọc trai.
- A, cảm ơn… Nhưng hãy cho pháo thủ Inhat Korutskin cái túi ấy… Inhat, ta cho mi đấy, còn cái tẩu con thì trả lại ta, nhớ đấy nhé!
Nhà vua bảo các pháo thủ đi ra chỗ khác và nhai bánh mì khô rau ráu một lúc lâu. Đại nguyên soái, gậy tì vào sườn, im lặng đứng trước nhà vua.
- Boris Petrovich, không thể đợi thêm được nữa, - vua Piotr nói, giọng đổi khác. - Quân lính đang cáu kỉnh đấy! Đã mấy ngày nay lính thủ pháo phải nằm trong bãi lầy… Gian khổ thật? Ta sẽ đốt các thùng nhựa thông lên và ta sẽ bắn suốt đêm. Ngươi hãy tiếp viện ngay cho ta một tiểu đoàn tân binh Moskva của trung đoàn Xamokhvalov, họ lầm lì ít lời nhưng dũng cảm… Còn ngươi thì hãy vì Chúa mà cố hết sức vào, nhưng không nên hy sinh quân sĩ vô ích… Tang tảng sáng, ta sẽ xung phong… (Seremetiev buông thõng cánh tay cầm gậy và làm dấu thánh giá). - Cho ông lui, ông bạn ạ.
Khi ở ven bãi lầy và bên kia sông, những thùng nhựa thông cháy rực lên thì tất thảy các khẩu đội đều nổ súng liên hồi, quân Thuỵ Điển chưa từng nghe thấy thế bao giờ. Cổng thành đổ sập. Từ bờ luỹ, từ các hàng rào và các chướng ngại vật cự mã mánh gỗ bắn ra tung tóe. Quân Thuỵ Điển chờ đợi một cuộc tấn công trong ngay đêm ấy; nhìn qua các lỗ thủng ở tường thành, dưới ánh sáng lập lòe của nhựa thông cháy, là cả một khối lưỡi lê tua tủa đang lay động, mũ sắt, cờ xí. Khắp thành phố kéo chuông báo động.
Trong một cái hào, sau các bó củi cành, Piotr Alekseevich khuỵu hai đầu gối nhìn vào ống nhòm. Đứng cạnh nhà vua là viên đại tá trẻ tuổi Ivan Zidok, người vùng Oriel, trông giống một gã di-gan - cặp mắt đen láy sáng quắc, đôi môi rung rung, hắn giận dữ nghiến răng ken két mà không hay biết. Đêm tối ngắn ngủi; bên kia khu rừng, phía trời Đông đã ngả dần sang màu xanh lục và sao đã lặn hết. Không thể chờ đợi thêm được nữa. Song Piotr Alekseevich vần chần chừ. Bỗng Ivan Zidok thốt lên từ đáy lòng tiếng "Ồ-ồ-ồ!" não nuột và lắc lắc cái đầu núi gục xuống. Piotr Alekseevich nắm lấy vai hắn:
- Đi!
Ivan Zidok nhảy qua các bó củi cành, và lom khom chạy qua bãi lầy. Ngay lập tức, một quả pháo sáng rít lên xèo xèo, bay vụt lên trời nổ tung ra thành những đốm lửa xanh lè; một quả pháo sáng thứ hai bắn lên, rồi một quá thứ ba. Đại bác đã ngừng bặt. Không khí im lặng đè lên mọi người. Giữa những tảng đất màu đen nhờ nhờ đỏ, quân lính bắt đầu đứng dậy; chân thụt xuống bùn, họ nặng nề tiến về phía cổng thành. Giờ đây, cả bãi lầy động đậy lúc nhúc quân lính. Từ bờ sông, các đại đội tân binh Moskva lưỡi lê lăm lăm chĩa ra phía trước đến tiếp viện cho họ… Piotr Alekseevich hạ ống nhòm xuống, hít không khí qua kẽ răng, nhăn mặt: "Ồ, ồ". Từ bờ luỹ bị phá vỡ, năm khẩu đại bác còn nguyên vẹn nhả đạn thẳng vào lính thủ pháo của Ivan Zidok đang tấn công. Một giọng điên giận, đơn độc thét lên trên bãi lầy: "Hu-ra-a-a!"… Qua lỗ thủng của tường thành, quân Thuỵ Điển nhảy ra; tựa hồ vui sướng đến điên cuồng: chỉ còn nghe thấy tiếng thét tiếng gào, tiếng binh khí loảng xoảng. Gần bốn nghìn con người chiến đấu dưới chân tường và trước cổng thành.
Piotr Alekseevich ra khỏi hào và đi trên lớp rêu, đôi ủng nặng mút bùn oàm oạp; nhà vua lục lọi các túi có lẽ để tìm ống nhòm đã đánh rơi mất hay vũ khí chăng
Viên đại tá Nesaiev bé nhỏ đến gặp nhà vua:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ đừng lại đấy!
Hai người đều nhìn về một phía.
Piotr Alekseevich bảo hắn:
- Cho gọi thêm viện binh đến!
- Tâu bệ hạ, không cần đâu ạ
- Ta bảo ngươi cho gọi thêm viện binh!
- Dạ, thưa không cần thiết… Quân ta đã chiếm được các khẩu đại bác của chúng rồi.
- Ngươi nói láo!
- Dạ, thưa không, thần thấy rất rõ!
Quả vậy, một khẩu đại bác, rồi hai khẩu bắn về phía cổng thành… Đám người đông nghịt đang chiến đấu, lay động rồi ùa vào thành phố qua các lỗ hổng
Nesaiev nói, cặp mắt trợn trừng, giàn giụa nước mắt:
- Tâu bệ hạ, giờ thì sẽ kịch liệt đấy?
Điên tiết vì thấy cuộc tấn công khó khăn đến thế và quân Thuỵ Điển đã giết mất nhiều người của họ một cách vô ích, lính thủ pháo và tân binh Moskva đâm chém, đuổi đánh quân địch qua các ngõ hẻm đến tận quảng trường trung tâm của thành phố. Đến đấy trong cơn tức giận, họ giết luôn cả bốn người lính đánh trống của viên tư lệnh thành Yuriev cử đến để đánh hiệu trống thỉnh hàng. Và chỉ có người lính kèn trèo lên ngọn tháp của vọng lâu thổi chiếc kèn đồng đến vỡ tung lồng ngực để xin đầu hàng mới ngăn được cuộc chém giết lại một cách khó nhọc mà cũng không phải là ngay tức khắc.