Những người dân lành, buôn bán và thợ thủ công để xe trượt tuyết của họ lại ở ngoài cổng, bỏ mũ ra rồi leo lên chiếc cầu thang có mái che bắt đầu từ giữa sân, và bước vào lâu đài Preobrazenskoe. Các gosti (1) và các đại biểu của phường buôn thì đến đây bằng xe tam mã, xe trượt tuyết phủ thảm. Họ mạnh dạn bước vào, mình mặc áo cầu bằng dạ Hamburg, lót lông cáo.
Căn phòng cũ nát không được sưởi ấm. Những người mới đến nhìn trần nhà bị võng xuống và nứt nẻ, lần dạ đỏ bọc các ghế dài và các cánh cửa đã bị nhậy cắn .
Họ nói:
- Ngôi nhà chẳng đẹp gì lắm… Sự quan tâm chăm nom của các vị đại thần là thế đấy… Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc!
Người ta vội vã tập hợp các thương nhân lại theo danh sách đã ghi từng tên. Có nhiều người không đến, phải ăn bằng bát đĩa của giáo phái Nilo và hút thuốc lá. Các thương nhân nghi ngờ lý do mà Sa hoàng đã triệu tập họ vào cung.
"Người ta đã chôn đi một con quỷ nhưng con quỷ kia vẫn còn đó. Có lẽ hắn giết người còn chưa đủ"
Cách đây ít lâu, trên đoạn đầu đài ở Hồng trường, theo nhịp trống, một viên lục sự của viện Duma đã đọc sắc chỉ quan trọng dưới đây, "Hoàng thượng được biết là các gosti và các thương nhân khác: và tất cả các thương nhân cùng thợ thủ công ở các đại xã đã bị nhiều thiệt hại lớn do các tổng trấn, công chức các bộ và mọi loại công chức khác gây ra… Hoàng thượng rất nhân từ ra lệnh về vấn đề nầy: tất cả các vụ kiện cáo, các đơn thỉnh nguyện và các công việc buôn bán khác hoặc liên quan đến thuế má nộp cho Nhà nước, sẽ thuộc quyền hạn các xã trưởng do các thương nhân sẽ bầu ra theo ý họ trong một năm, chọn trong số những người chính trực và lương thiện. Một trong những xã trưởng đó sẽ được bầu làm chủ tịch trong một tháng… "Tại các thành phố, các đại xã và các xoloboda được lệnh bầu xã trưởng các zemstvo(2) chọn trong số những người tốt nhất, công minh nhất để xử án và thu thuế. Về thuế quan và thuế thu ở các quán rượu, các thương nhân cũng sẽ bầu lấy các xã trưởng để thu thuế. Các xã trưởng sẽ họp và điều khiển công việc buôn bán và thuế má tại một Hội đồng xã trưởng đặc biệt. Hội đồng nầy sẽ trình bày thẳng lên Sa hoàng các trường hợp tranh chấp và các đơn thỉnh nguyện không phải thông qua các bộ.
Hội đồng xã trưởng được phép sử dụng một toà lâu đài cũ của Sa hoàng tại điện Kreml, gần nhà thờ Thánh Jean người Tiên khu, có hầm, hình như trước đây chứa kho tàng của Ngân khố. Với một công việc có tầm quan trọng như vậy, các thương nhân Moskva chi tiêu không tiếc tay (mới đây thôi, vào điện Kreml họ vẫn phải để đầu trần, trong lòng run sợ; bây giờ, chính họ hội họp ngay ở đấy): họ lợp lại toà lâu đài cũ nát, làm một cái mái giả bạc, họ cho quét vôi lại cả phía ngoài lẫn phía trong, lắp kính vào các khoảng cửa thay thế các tấm mi-ca và đặt người của hẹ canh gác các cửa hầm.
Thoát được nạn phụ thu lạm bổ của các viên tổng trấn và sự bất công của các bộ, bây giờ các thương nhân lại phải trả gấp đôi số tiền đóng thuế trước. Đối với Ngân khố đó là một mối lợi rõ ràng. Nhưng đối với các thương nhân thì chưa chắc…
Quả thật là không thể sống nổi dưới ách bọn tổng trấn, bọn công chức và bọn thơ lại ở các Bộ, tham lam như bầy sói. Sơ ý một cái là chúng sẽ cắt cổ anh ngay, chúng sẽ lôi anh ra toà, chúng sẽ lột anh trần như nhộng; tại các thành phố khác và các đại xã, viên tổng trấn sẽ khảo đã anh ngoài sân nhà y cho đến khi anh phải chịu nghe theo y. Quả có thế thật.
Nhưng có nhiều người, lẽ dĩ nhiên là những kẻ khôn ngoan hơn, biết giữ mình và sống chẳng đến nỗi nào; họ đút lót các viên tổng trấn, gửi biếu tên lục sự nào đường, nào dạ, nào cá, mời tên thu thuế đến ăn những của trời cho. Bọn tổng trấn hoặc bọn công chức ở Bộ thậm chí ngay đến quỷ, cũng không thể biết được một nhà phú hào nào đó có bao nhiêu hàng, bao nhiêu tiền. Lẽ dĩ nhiên là bọn kiệt hiệt, sừng sỏ như Mitrofan Soron, người đáng đầu phường buôn, hoặc Aleksey Xvesnikov, đối với loại ấy thì mọi sự đã rõ ràng. Ngay đại giáo chủ cũng đến thăm họ. Họ thậm chí có thể sẵn sàng trả gấp ba chỗ tiến thuế nộp cho Hội đồng xã trưởng, nơi họ có danh vọng, uy quyền và trật tự. Nhưng còn những hạng như Vaska Reviakin chẳng hạn, thì sao? Cửa hàng sắt của hắn chỉ có khoảng mười kopeik mặt hàng; hắn ngồi đó và chùi mắt bằng một mánh giẻ. Nhưng những người am hiểu nói nếu tính cho đúng thì hắn có tới gần ba nghìn nông nô. Không những nông dân và thợ thủ công các đại xã mà cá nhiều thương nhân cũng là con nợ của hắn trên một danh sách cho vay nặng lãi. Không một thành phố nào, không một đại xã nào mà Reviakin không có một khoa chứa đồ sắt hoặc một cửa hàng, tất cả các cái đó đều đứng tên họ hàng hoặc thư ký của hắn. Không thể nào nắm được hắn: hắn nhớt và trơn như một con cá chuối. Hội đồng xã trưởng là một sự phá sản đối với hắn: hắn không thể nào che mắt được bọn đồng nghiệp.
Trong khi chờ đợi Sa hoàng ra, đám thương nhân to đầu thì ngồi trên các ghế dài, bọn lép nhép thì đứng.
Họ hiểu rõ: vậy là Sa hoàng cần tiền vì nhà vua muốn nói chuyện cởi mở với họ. Kể ra cũng không phải là sớm sủa gì… Những kẻ đến đây lần đầu tiên khiếp sợ nhìn cánh cửa có trang trí hình sư tử và chim chóc, bên cạnh nơi đặt ngai vàng (không có ngai vàng, chỉ thấy cái tán hoa).
Đột nhiên Sa hoàng ở cửa bên bước ra; nhà vua mặc một bộ quần áo Hà Lan, mặt đỏ, chắc vừa uống rượu xong. "Chào các vị, chào các vị", Sa hoàng nhắc đi nhắc lại, ra vẻ hiền hậu. Nhà vua bắt tay mọi người, vỗ vỗ vào lưng, vào đầu một số… Có nhiều người đi sau nhà vua: Mitrofan Sorin và Aleksey Xvesnikov (mặc áo nẹp kiểu Hungary); hai anh em Ioxif và Fedor Bazenin, nghiêm trang và bệ vệ, ria quăn, mặc áo dạ nước ngoài, hẹp vai; lão phú thương mới Ivan Artemist Brovkin, chân ngắn ngủn và vẻ mặt quan trọng, râu cạo nhẵn, đội bộ tóc giả màu nâu hồng dài đến tận rơn; viên lục sự Viện Duma Liubim Domnin nghiêm nghị và một người mà chẳng ai biết; cứ trông cách ăn mặc thì là thợ thủ công tầm thường ở đại xã với bộ râu kiểu di-gan, đầu hói. Anh ta rụt rè ra mặt, đi cuối cùng, sau tất cả những người khác.
Vua Piotr ngồi xuống một chiếc ghế dài, hai tay chống lên hai đầu gối dạng ra. "Ngồi xuống, ngồi xuống", nhà vua nói với các thương nhân đang tiến lại gần. Mọi người ngập ngừng. Nhà vua bắt đầu ra lệnh. Các bậc đàn anh liền ngồi ngay xuống. Viên lục sự viện Duma Liubim Domnin vẫn đứng, rút trong túi sau ra một sắc chỉ cuộn tròn và nhấm nhấm đôi môi khô. Hai anh em Ioxif và Fedor Bazenin liền đứng dậy, tay cầm mũ kiểu Anh úp lên bụng, và nghiêm trang nhìn xuống đất. Vua Piotr một lần nữa lại hất đầu về phía họ:
- A, nếu chúng ta có được nhiều người như họ. Ta muốn khen thưởng Ioxif và Fedor trước toàn thể Hội đồng. Ở Anh, ở Hà Lan, người ta khen thưởng những thương nhân tốt, những thợ tốt. Ta cũng muốn nhập tập quán nầy vào nước ta. Thế nào, ta làm thế có đúng không? - Nhà vua quay sang bên phải, bên trái và nhướn một bên lông mày - Tại sao các ngươi ngập ngừng không muốn nói? Các thương nhân, các ngươi phải bắt đầu sống theo nếp sống mới, đó là điều ta muốn.
Mononov, một nhà làm da giàu có, cúi đầu chào và hỏi:
- Tâu bệ hạ: "sống theo nếp sống mới" là thế nào ạ?
- Các ngươi phải bỏ cái thói quen sống riêng rẽ, người nào chỉ biết phận người nấy. Các đại thần của ta sống ần náu trong nhà như chồn. Các ngươi không được bắt chước họ, các ngươi là thương nhân? Các ngươi phải bỏ cái lối buôn bán đơn độc một mình và phải học tập buôn bán theo lối lập các công ty… Ở Hà Lan có công ty Đông Ấn, đấy là một điều tốt: họ chung nhau đóng tàu, họ mua chung, bán chung… Họ thu được những món lãi lớn. Ta phải học tập họ… Ở châu Âu có những viện hàn lâm về những vấn đế đó. Nếu các ngươi muốn, ta sẽ xây dựng một Sở hối đoái, chẳng kém gì Sở hối đoái ở Amsterdam. Hãy thành lập các công ty, xây dựng các xưởng máy. Khoa học của các ngươi hiện giờ chỉ vỏn vẹn có thế nầy thôi: không lừa dối thì không bán được gì.
Bỗng một thương nhân trẻ, mắt trìu mến nhìn Sa hoàng, lấy mũ đập vào cánh tay mình:
- Đúng thế, tâu bệ hạ, ở ta là như vậy!
Ngươi ta kéo vạt áo hắn để lôi hắn vào đám đông.
Quay đầu nhìn quanh, hắn nhún vai:
- Ô hay? Không đúng thế sao? Chúng ta chỉ sống bằng dối trá: chúng ta cân điêu, đo điêu.
Vua Piotr cười, chẳng vui vẻ gì, giọng trầm, miệng tròn xoe. Những người đứng bên cạnh nhà vua, theo phép lịch sự, cũng gượng gạo cười. Nhưng đột nhiên nhà vua ngừng bặt tiếng cười và nghiêm khắc nói:
- Các ngươi buôn bán đã hai trăm năm nay mà chẳng học được gì. Các ngươi cứ chạy quanh sự giàu có. Vẫn cảnh nghèo khổ đó, vần tình trạng mình trần thân trụi. Kiếm được một kopeik, các ngươi vào quán bỏ ra uống rượu ngay. Có đúng không nào?
- Tâu bệ hạ, không phải lúc nào cũng thế, - Mononov nói.
- Không. Đúng là như thế! - Hai lỗ mũi nhà vua phập phồng - Các ngươi hãy đi ra nước ngoài, hãy xem xét các thương nhân bên đó. Trông họ cứ như vua chúa! Ta không có thì giờ đợi được các ngươi tự học lấy những điều ấy. Có những con lợn phải gí mõm vào máng mới ăn… Tại sao người ngỏại quốc cứ quấy rầy ta Họ xin ta để cho họ thầu cái nầy, thầu cái nọ… Gỗ, quặng, đánh cá… Tại sao người của ta lại không làm được như vậy? Ở Voronez, có một người đến gặp ta, có quỷ biết được hắn ở đâu tới. Hắn đã nói với ta rất nhiều, hắn trình bày với ta những dự định to lớn! Hắn nói: đất nước bệ hạ là cả một mỏ vàng. Nhưng thần dân của bệ hạ thì nghèo khổ… Vì sao? Ta chẳng trả lời gì cả. Ta hỏi các ngươi: có phải người của ta sinh ra khác họ không? - Nhà vua trợn trừng nhìn các thương nhân - Chúa đã chẳng cho ta những con người kiểu khác. Vậy thì phải lo liệu xoay xở với những người của ta có. Có đúng không nào? Đôi khi đối với ta, người Nga như một cái xương mắc trong họng,… Mắc ngang họng.
Tai nhà vua vểnh lên, gân cổ sắp co lại. Ivan Artemist ngồi bên cạnh nhà vua, bèn nói, giọng dịu dàng nghe như hát:
- Người ta đã đánh đập người Nga nhiều, đánh bừa đánh bãi, biến họ thành những con quái vật.
- Đồ ngu! - Vua Piotr kêu lên. - Đồ ngu! - Và nhà vua huých lão một cái vào mạng sườn.
- Thần có nói gì đâu? Ivan Artemist nói tiếp, vẻ mặt càng ngớ ngẩn hơn.
Trong một phút, nhà vua giận giữ nhìn Brovkin, nhìn bộ mặt lão bóng nhẫy mỡ, đôi mắt chớp chớp một cách ngu xuẩn, nụ cười ngốc nghếch. Nhà vua bợp lão vào trán.
- Vanka, chưa ai ra lệnh bảo ngươi làm hề đâu?
Nhưng rõ ràng là nhà vua đã tự hiểu rằng bực tức cáu kỉnh trước đám thương nhân là không nên. Thương nhân không phải là đại thần: bọn nầy không có chỗ nào mà trốn, không thể bỏ lãnh địa của họ vào túi mà đi được còn gã thương nhân thì như một con ốc sên: hơi nguy hiểm là hắn đã co vòi lại và biến ngay mất với vốn liếng… Quả nhiên căn phòng lặng ngắt. Ivan Artemist nheo cặp mắt quỷ quyệt nhìn Sa hoàng.
Vua Piotr bảo viên lục sự:
- Liubim, đọc đi.
Hai anh em Bazenin một lần nữa lại trang nghiêm nhìn xuống. Liubim Domnin liền đọc, giọng chậm rãi, khô khan, eo éo:
"Sắc chỉ nầy được ban ra để tưởng lệ sự mẫn cán và cẩn thận trong việc đóng tàu… Năm ngoái, tại làng Vovsuga, Iosif và Fedor Bazenin đã tự động xây dựng một nhà máy cưa chạy bằng cối xay nước theo kiểu Đức, không phải nhờ đến thợ nước ngoài, để xẻ gỗ thành ván và đưa lên Arkhagensk bán cho thương nhân ngoại quốc và Nga. Họ đã xẻ gỗ, chuyển lên Arkhagensk và bán sang bên kia đại đương. Họ có ý định đóng tàu và du thuyền ở cạnh nhà máy cưa để chuyên chở ván gỗ và các hàng hoá Nga khác sang bên kia đại dương, Và trẫm, đại hoàng đế, đã ra lệnh cho họ đóng tàu và du thuyền ở làng họ. Trẫm đã ra lệnh miễn thuế quan về mọi thứ họ nhập từ nước ngoài vào để đóng tàu. Họ có thể tự do bỏ tiền túi ra thuê thợ nước ngoài và thợ Nga. Đóng xong, tàu sẽ được vũ trang bằng đại bác và đạn được để tự vệ chống bọn cướp và tàu buôn nước ngoài".
Viên lục sự đọc rất lâu. Đọc xong, hắn cuộn tròn sắc chỉ lại, với dấu ấn đính theo rồi đặt vào lòng bàn tay trao cho Ioxif và Fedor. Hai anh em nhận sắc chỉ, tiến lại gần vua Piotr và cúi rạp xuống chào, lặng lẽ, trang nghiêm, trịnh trọng. Nhà vua nắm vai họ, nâng họ dậy, và ôm hôn cả hai người, nhưng không áp má theo phong tục cũ của các Sa hoàng mà hôn lên miệng rất mạnh.
- Điều đáng khen là họ là những người đi bước đầu, - nhà vua nói với các thương nhân, đưa mắt sục sạo tìm người thợ thủ công ở đại xã, có bộ râu di-gan, đầu hói mà không ai biết tên. - Demidyx?
Người thợ huých mạnh khuỷu tay, rẽ lấy một lối đi trong đám đông.
- Demidyx, hãy chào các thương nhân đi… Đây là Nikita Demizov Altufiev - thợ rèn ở Tula. Hắn chế tạo súng ngắn và súng trường tốt không kém gì súng Anh. Hắn biết đúc gang và tìm quặng. Nhưng cánh hắn ngắn quá. Các thương nhân hãy nói chuyện với hắn và suy nghĩ đi. Ta là bạn hắn đấy. Nếu cần, ta sẽ cho đất đai và làng mạc. Demidyx, cần gì cứ nói, ta bảo lãnh cho nhà ngươi.
Chú thích:
(1) Những thương nhân giàu có được chính phủ giao cho một số quyền hành. - Chú thích của tác giả -
(2) Chính quyền địa phương do giai cấp quý tộc và các tầng lớp hữu sản bầu ra dưới chế độ Sa hoàng.