Hai năm trôi qua. Những ai trước kia đã to mồm lớn tiếng thì nay phải ngậm tăm, ai đã cười thì nay im thin thít. Nhiều sự việc lớn lao và khủng khiếp đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Bệnh bắt chước phương Tây xâm nhập không gì cản nổi vào cuộc sống lờ đờ như ngái ngủ, những vết nứt ngày càng rộng mở; những thế lực không thể điều hoà được ngày càng xa nhau thêm.
Bọn triều thần và lãnh chúa quý tộc, bọn tăng lữ và quân xtreletz e sợ những sự đổi thay (những hoạt động mới, những con người mới); chúng thù ghét tính mau lẹ và phũ phàng của mọi sự đổi mới… "Thật không còn là một xã hội nữa mà là một quán rượu. Họ phá vỡ hết thảy, họ quấy rầy tất cả chúng ta… Một tên thương nhân gốc gác thấp hèn tìm cách chiếm lấy quyền bính. Mọi người không còn sống nữa mà lúc nào cũng hối hả.
Sa hoàng đã giao quyền bính cho quân ăn chơi trác táng và quân ăn hối lộ không hề biết sợ Chúa… Chúng ta đang lăn xuống vực thẳm. Nhưng những tay tháo vát, dòng dõi hèn kém đang ước muốn những đổi thay, cảm thấy bị châu Âu quyến rũ như thế bị bùa mê phép ngải, những người muốn vớt lấy dù chỉ là một hạt của dám bụi vàng đang bao bọc các nước phương Tây - những người nầy nói là họ không lầm về vị Sa hoàng trẻ tuổi: nhà vua chính là người họ đã chờ đợi bấy lâu nay. Sau thất bại và nhục nhã ở Azop, chàng thanh niên trác táng của Kukui đột nhiên trở nên chín chắn; thất bại, như chiếc hàm thiếc bằng thép, đã khiến nhà vua thuần tính hơn. Ngay những người thân cận nhất cũng không nhận ra nhà vua nữa. Đấy là một con người khác hắn bản tính, ương bướng, mải miết. Sau thất bại ở Azop, nhà vua chỉ xuất hiện một thời gian rất ngắn ở Moskva; ở thủ đô, mọi người cười khẩy: "Chuyện, giờ có còn là những trò chơi ở Kozukhovo nữa đâu".
Ngay sau đó nhà vua đi Voronez. Người ta đưa các thợ và các thợ thủ công trong khắp nước Nga về thành phố đó. Từng đoàn xe đi đến Voronez trên những con đường mùa thu. Những cây sồi cổ thụ của các khu rừng ven miền Voronez và ven bờ sông Đông đổ gục dưới lưỡi rìu. Người ta xây dựng những xưởng đóng tàu, những nhà kho, lán ở và khởi công đóng hai chiếc tàu chiến, hai mươi ba chiếc chèo tay và bốn chiếc thuyền phóng hoả. Mùa đông năm ấy rét dữ. Cái gì cũng thiếu. Người chết kể có hàng trăm. Ngay trong giấc mộng cũng không thể thấy một cảnh đày ải cực khổ như vậy. Người ta đuổi bắt bọn người bỏ trốn và xích chân tay họ lại. Giỏ thổi như bão lắc mạnh những xác người cóng lạnh lủng lẳng trên giá treo cổ. Có kẻ táo bạo đốt cháy các khu rừng vây quanh Voronez. Những nông dân dẫn các đoàn xe vận tải đã đâm chết đám lính hộ tống, chiếm lấy tất cả những gì có thể chiếm được, rồi bỏ trốn, lang thang đây đó… Trong các làng mạc, nông dân tự làm mình què quặt đi, tự chặt đứt một ngón tay để khỏi phải đi Voronez. Tất cả nước Nga cưỡng lại: quá thật thời đại của Quỷ vương đã đến. Thuế má, tô tức, tạp dịch cũ chưa đủ, bây giờ người ta lại còn lôi mọi người đi làm những công việc mới, không ai hiểu được. Bọn chúa đất nguyền rủa, chửi bới khi phải nộp tiền để đóng tàu bè; nhà kho trống rỗng. Đám tăng lữ áo trắng áo đen xì xào, rất bất bình: hiển nhiên là quyền thế đã rời khỏi tay họ và chuyển sang bọn người ngoại quốc và bọn vô lại trong nước, bọn người nguồn gốc hèn kém mới phất.
Khó khăn thay, những bước đầu của thế kỷ mới. Mặc dầu vậy, vào mùa xuân, thuyền bè cũng đóng xong.
Người ta đã mộ các kỹ sư và các chỉ huy trung đoàn từ Hà Lan sang. Ở Pasino và Chekask, người ta đã tích luỹ được những kho dự trữ lương thực lớn. Quân đội đã được bổ sung. Vào tháng năm, vua Piotr đi trên chiếc thuyền chèo tay mới, đặt tên là Prinxipium, dẫn đầu hạm đội xuất hiện trước tường thành Azop. Quân Thổ Nhĩ Kỳ bị bao vây bằng đường thuỷ và đường bộ, chống cự một cách tuyệt vọng, đánh lùi mọi cuộc tấn công.
Khi bánh mì và thuốc súng cạn sạch, chúng đã đầu hàng. Ba nghìn vệ binh do tên bây(1) Haxan Araxlanov dẫn dầu, rời bỏ thành Azop bị tàn phá.
Trước hết đó là một chiến thắng đối với chính người trong nước: Kukui đã thắng Moskva. Lập tức những bức thư lời lẽ hoa mỹ được gửi đến hoàng đế Leopol, đến vị đại thống lĩnh thành Vơnidơ, đến vua nước Phổ. Ở đầu cầu Kamen bắc qua sông Moskva, Andrey Andreevich Viniux cho dựng một khải hoàn môn. Trên đó đứng giữa đống cờ quạt và vũ khí là một con chim ưng hai đầu ở dưới có hàng chữ như sau: "Chúa phù hộ chúng ta, không ai có thể chiến thắng chúng ta được. Và sẽ không ai chiến thắng nổi chúng ta!".
Những tượng thần Herquyn và thần Mars(2) thếp vàng cao ba xagien đứng đỡ vòm khải hoàn môn. Ở dưới là tên pasa của thành Azop và tên murza(3) Tarta bằng gỗ sơn, mình mẩy đeo đầy xiềng xích với lời Chú thích: "Trước kia chúng ta giao chiến trong thảo nguyên. Giờ đây khó khăn lắm chúng ta mới chạy thoát được quân đội của Moskva".
Ở hai bên khải hoàn môn, trên những khung vải rộng có vẽ thần biển Neptun với lời Chú thích: "Tôi cũng vậy, tôi xin chúc mừng hoàng thượng nhân dịp chiếm thành Azop và cũng xin thần phục hoàng thượng". Ở bên kia, bức tranh vẽ lại cảnh quân Nga đã đánh bại quân Tarta ra sao: "Than ôi, Azop đã mất chúng tôi dành bỏ chạy".
Cuối tháng chín, người đứng đông nghịt hai bên bờ sông Moskva và trên các mái nhà: từ phía bên kia sông, đội quân chiến thắng Azop đi dưới khải hoàn môn vượt qua cầu. Đi đầu là đại vương - trùm đạo tay cầm thanh kiếm và cái khiên ngồi trên cỗ xe có sáu ngựa kéo. Theo sau là bọn ca sĩ, bọn người thổi sáo, bọn người lùn, bọn thơ lại, bọn đại thần, quân lính.
Tiếp đến mười bốn con ngựa thắng yên cương lộng lẫy của Lơfo, có người cầm cương dắt đi. Bản thân Lơfo mặc áo giáp, cầm trong tay tấm bản đồ thành Azop, đứng trên cỗ xe trượt tuyết thếp vàng của Sa hoàng lướt đi trên lớp băng mỏng của đường phố. Rồi lại đến bọn đại thần, bọn thơ lại, lính chiến, thuỷ thủ, những viên phó đô đốc mới Lima và De Lozier. Viên đại thần Sein, người thấp lùn, mặt to bè bè, ngồi ườn ngực trên một cỗ chiến xa Hy Lạp giữa một đám nhạc công đánh chũm choẹ đồng ầm ĩ; khi sắp mở chiến dịch Azop lần thứ hai, hắn đã được phong làm đại nguyên soái để bịt mồm bọn quý tộc đại thần. Sau hắn, người ta cầm cán kéo lê dưới đất mười sáu lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ tên tù binh Tarta khổng lồ Alatyk bị giải đi, nhấp nháy cặp mắt xếch nhìn đám đông và nhe răng giận dữ: nó bị mọi người hò reo chế diễu. Theo sau trung đoàn Preobrazenski là một cỗ xe tứ mã mang theo một giá xử giảo, tên phản bội Jakov Hanxen, đứng ở dưới chân giá, dây thòng lọng quàng vào cổ: bên cạnh hắn hai tên đao phủ cầm kìm tra tấn, dập lại kêu loảng xoảng và vung roi lên. Rồi đến các kỹ sư, các người đóng tàu, thợ mộc, thợ rèn. Sau quân xtreletz đến tướng Gorden cưỡi ngựa, rồi đến bọn tù binh Thổ Nhĩ Kỳ choàng vải liệm người chết. Tám con ngựa trắng kéo một cỗ xe bằng vàng hình chiếc thuyền. Đi bộ trước cỗ xe là vua Piotr, mình mặc áo thuỷ thủ, đầu đội mũ ba cạnh bằng dạ có cắm lông chim đà điểu. Dân chúng ngạc nhiên nhìn bộ mặt tròn trĩnh, cái thân hình cao lênh khênh hơn cỡ người bình thường; nhiều người vừa làm dấu phép vừa nghĩ đến những tin đồn đại khủng khiếp và bí mật về Sa hoàng.
Quân đội diễu qua Moskva đi đến Preobrazenskoe. Chẳng bao lâu bọn đại thần được lệnh đến đó để họp. Trong buổi họp của viện Đại Duma, trái với quy tắc và tục lệ có những người ngoại quốc, tướng lĩnh, đô đốc và kỹ sư cũng tham dự, vua Piotr tuyên bố với đám đại thần bằng một giọng rắn rỏi:
- Nữ thần Tư mệnh(4) xưa nay chưa bao giờ xuống gần phía Nam như bây giờ, lúc nầy đang đi giữa chúng ta, sung sướng thay kẻ nào nắm được tóc nữ thần. Vì vậy cho nên, hỡi các vị đại thần, các ngươi cần quyết định như sau: Azop đã bị tàn phá, đốt cháy, nay cần được xây dựng lại và cần có một đội quân quan trọng đóng ở đấy. Taganrok, cái pháo đài ta vừa xây gần đó cũng vậy, cần phải được sửa sang cho tốt và có người ở. Và còn một điều nầy phải làm nữa: chúng ta chiến đấu dưới biển tiện lợi hơn trên bộ nên phải xây dựng một hạm đội bốn mươi chiến thuyền hay hơn nữa. Tàu phải được trang bị đầy đủ, phải có đại bác, súng nhỏ vì đó là những tàu chiến. Cách đóng tàu như thế nầy: vị giáo trưởng và các tu viện sở hữu tám nghìn hộ nông dân - sẽ nộp một chiếc tàu. Các vị đại thần và tất cả các quan trong triều sở hữu một vạn hộ nông dân - một chiếc tàu. Thương nhân, thợ thủ công và các xloboda sẽ đóng mười hai chiếc tàu lớn. Để làm việc đó các vị đại thần, các tăng lữ, các quan trong triều và thương gia sẽ thành lập ba mươi lăm phường hội phải bỏ tiền ra thuê một số thợ cả người ngoại quốc, những người thông ngôn, thợ rèn lành nghề. Một người thợ mộc lành nghề, một hoạ sĩ và một thầy thuốc có tủ thuốc đầy đủ.
Sau đó vua Piotr ra lệnh đánh một thứ thuế thân đặc biệt để lấy tiền đào kênh Volga - Đông và ra lệnh bắt tay ngay vào việc đào kênh không được chậm trễ.
Đám đại thần vung tay vung chân song đều tuân lệnh không cãi lại. Sự vội vã ấy làm đám đại thần khổ sở, song họ thấy rõ là có bàn cãi cũng vô ích: vua Piotr đã quyết định mọi việc từ trước cả rồi. Ngồi trên ngai vàng, nhà vua không phải là nói nữa mà là giận dữ sủa lên, các tướng lĩnh của nhà vua mặt cạo nhẵn nhụi, gật gù bộ tóc giả tán thưởng. Chà, thật là gay? Quanh Preobrazenskoe là cả một doanh trại trú quân thực sự: nào tiếng kèn, tiếng trống, nào những bài hát của lính tráng. Tóm lại người ta buộc viện Duma của các đại thần ngồi họp toát mồ hôi ra chỉ là vì tôn trọng tục lệ cổ xưa mà thôi. Chẳng lâu la gì nữa, rồi Sa hoàng sẽ chẳng cần gì đến cái viện đó.
Quả vậy, một sự việc lớn xảy ra ngay sau đó rất đơn giản, không cần đến quyết định của các quan đại thần: đại vương - trùm đạo và là thư ký riêng của Sa hoàng thảo một sắc lệnh, sai quân lính đưa đến cho năm trăm thanh niên con nhà quý tộc dòng dõi thế phiệt nhất của Moskva: lệnh truyền cho họ phải ra nước ngoài để học toán pháp, kỹ thuật xây dựng công sự, đồn luỹ, đóng tàu và các khoa học khác (mà, nhờ ơn Chúa, từ đời vua Vladimir chí thánh, người ta không cần dùng đến). Trong nhiều toà nhà ở Moskva, người ta than phiền về sắc lệnh đó nhưng những kẻ được lệnh không dám xin bãi bỏ đi, mà cũng không dám viện cớ ốm đau để từ chối. Người ta trang bị cho các chàng thanh niên, ban phúc lành cho họ, từ biệt họ dường như họ đang đi vào cõi chết. Mỗi thanh niên có một người lính đi theo để hầu hạ và đưa tin cho gia đình. Rồi vào vụ nước lũ mùa xuân, họ lên đường đi đến những xứ sở xa xôi và kỳ diệu.
Một trong những dapife đó là Piotr Andreevich Tolstoy, con rể của Treokurov. Hắn đang mong muốn, bằng bất kỳ giá nào, chuộc tội đã tham gia vào vụ nổi loạn của quân xtreletz.
Chú thích:
(1) Danh hiệu tướng lĩnh cao cấp hoặc tỉnh trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
(2) Hai thần tượng trưng cho sức mạnh và cho chiến tranh.