Mưa đã tạnh, cuốn mây đi. Buổi tối ấm áp, toả mùi cỏ và khói. Xa xa, trong xloboda Đức, gióng giả tiếng chuông nhà thờ.
Vua Piotr ngồi trước cửa sổ kéo để mở, - trong phòng chưa thắp nến - đọc nốt các đơn từ. Gần cửa ra vào, cuối phòng ngủ, Nikita Demidov, thợ rèn ở Tula, đứng im không nhúc nhích, cái đầu hói điểm một vệt trắng trong phòng.
"Tâu bệ hạ, thực ra dân không còn dễ bảo như trước, và chỉ lỏng lẻo một chút là chúng nghĩ ngay rằng rồi ra đâu sẽ lại vào đấy như trước… - Bức thư do viên quan thu thuế Aleksey Kurchatov viết - Thương gia Matvei Suxtrov đã khai là hắn chỉ có vẻn vẹn hai ngàn rúp và hắn đã hoàn toàn bị phá sản. Nhưng hạ thần biết rằng tại nhà hắn ở Zaryadie, dưới sàn trong nhà xí chỉ còn đó cũng đã thấy xấu hổ rồi, - Matvei đã chôn bốn mươi ngàn đồng rúp vàng thừa hưởng của ông hắn để lại. Còn về tên Matvei thì hắn là một gã không có nghị lực; hắn chẳng tìm cách làm giàu thêm mà chỉ phung phí tiền vào rượu chè. Nếu không ngăn chặn, hắn sẽ phá tán hết cơ nghiệp. Tâu hoàng thượng, hãy ra lệnh cho hạ thần phái một viên môn lại với hai chục lính đến nhà tên Matvei ở Zaryadie để moi số tiền đó lên…".
Vua Piotr lắc mạnh đầu, đặt lá đơn xuống bậu cửa sổ bên trái để thi hành. Đơn thỉnh cầu tiếp theo là của viên pháp quan Miska Beklemisev, nét chữ run rẩy. Sa hoàng chỉ đọc thấy: "… kẻ hạ thần đã phụng sự tiên đế và vương huynh của hoàng thượng, đã qua nhiều chức vụ và đã được bổ nhiệm làm pháp quan ở Bộ tư pháp. Cho tới nay kẻ hạ thần vẫn giữ chức vụ pháp quan và là một pháp quan liêm khiết… Thái độ ngay thẳng thật thà của hạ thần khiến hạ thần mang công mắc nợ và rơi vào cảnh túng thiếu nghèo khổ. Tâu hoàng thượng hãy gia ân cho hạ thần, hãy tưởng lộ cho sự liêm chính của hạ thần và bổ nhiệm hạ thần làm tổng trấn một địa phương dù là ở Poltava cũng được".
Vua Piotr ngáp và ném lá đơn vào đống giấy bên phải. Ngoài ra còn có những tờ trình Belgorod và Xepsk gửi về, nói rằng các viên chức đủ các cấp, các nông nô và nông dân đã từ chối phục vụ Sa hoàng, cự tuyệt việc đóng tàu và đốn gỗ, bỏ trốn ở khắp nơi, ẩn náu vào các đồn luỹ Cô-dắc nhỏ ở miền sông Đông. Vua Piotr phê vào góc tờ trình: "Triệu các tống trấn Belgorod và Xepsk về và chất vấn kỹ càng".
Lại còn có một đơn thỉnh cầu thảm thiết của nông dân làm việc cho Nhà nước kiện viên tổng trấn Xukhotin ở Kungur: "… ngoài mọi thứ thuế khác ra, viên nầy đã thu của mỗi hộ tám lần ba kopeik bỏ túi; hắn đã niêm phong các nhà ở và nhà tắm; làm thế nào bây giờ? Đang vụ rét dữ, nhiều phụ nữ đã phải vào chuồng bò sinh nở, trẻ mới đẻ chết ngay, và tại đồn cảnh sát, viên tổng trấn túm vú phụ nữ, bóp đầu vú họ đến tóe máu ra, và còn hành hạ đủ đường".
Vua Piotr gãi gáy. Toàn thể cõi bờ rên xiết. Truất một tên tổng trấn nầy thì tên tổng trấn mới lại còn thậm tệ hơn… Tìm đâu ra người? Toàn những tên gian tham cả. Vua Piotr viết, chiếc bút lông ngỗng gãi giấy tóe mực: "Phải đến Kungur…".
Nhà vua quay về phía Demidov:
- Nikita, nếu ta bổ nhiệm ngươi làm tổng trấn, người có ăn cắp không?
Không rời khỏi chỗ, Nikita Demidov thận trọng thở dài:
- Tâu bệ hạ làm sao khác được. Làm chức vụ ấy phải thế.
- Thế thiếu người sao?
Nikita nhún vai, vẻ muốn nói, lẽ dĩ nhiên, một mặt thì thiếu người.
- Người ta bẻ chân bẻ tay chúng trên cột điếu hình… - vua Piotr nói… Người ta cho chúng ăn lương hậu… Chúng vẫn cứ ăn cắp… - Nhà vua chấm bút vào lọ mực rồi viết, mặc dù trời đã tối mịt - Chúng không có lương tâm. Không liêm chính. Ta đã biến chúng thành những tên hề… Vì sao vậy? - Nhà vua quay về phía Nikita
- Tâu bệ hạ, kẻ no nê lại càng ăn cắp nhiều, càng táo tợn.
- Im đi, ngươi thật táo gan
- Thật đáng buồn, tâu bệ hạ… Bệ hạ than phiền, bệ hạ kêu thiếu người. Thế mà người ta đã lấy mất của thần mười một người thợ rèn trong số những người lành nghề nhất để bắt họ đi lính.
- Ai lấy?
- Ngài đại thần Romodanov của bệ hạ đấy ạ. Ông ta tới Tula cùng một số thư ký để lập những bản thống kê dân số… - Nikita dừng lại, ngập ngừng; y cố nhìn nét mặt vua Piotr nhưng không được, Sa hoàng quay lưng lại phía cửa sổ - Chẳng giấu gì bệ hạ, ở Tula đã xảy ra rất lắm chuyện? Những kẻ có tiền đều từ chuộc được. Romodanov đã sai một gã thư ký đến xưởng của hạ thần… Nếu hạ thần ở Tula khi đó, thì năm trăm rúp hạ thần cũng bỏ ra ngay để chuộc lấy những người thợ cả cừ như thế… Xin bệ hạ hãy gia ân cho hạ thần, thu xếp chọ hạ thần việc nầy… vì họ toàn là những thợ chế tạo vũ khí chẳng thua kém gì người Anh.
Vua Piotr nói qua kẽ răng:
- Viết cho ta một lá đơn!
- Xin tuân lệnh… Không, tâu bệ hạ, rồi sẽ tìm được thôi, nhất định được!
- Tốt… Nói cho ta hay việc của ngươi!
Nikita thận trọng bước lại. Việc nầy rất quan trọng.
Mùa đông đó, Nikita đã tới vùng Ural cùng với con trai là Ankinfi và ba nông dân tín đồ razkonic ở sa mạc Danilovo, chuyên về mỏ. Họ đã leo khắp các dãy núi Ural, từ Neviansk cho tới Tsuxovski Gorodki. Họ đã phát hiện hàng núi, sắt, đồng, quặng bạc, amiăng v.v…Những của cải đó cho đến nay chưa được khai thác.
Xung quanh là sa mạc. Nhà máy đúc duy nhất xây dựng hai năm trước đây theo lệnh của vua Piotr, trên sông Neva chỉ sản xuất được gần năm mươi pud, và vì thiếu đường xá nên ngay việc chuyên chở cái khối lượng nhỏ bé đó cũng khó, Viên quản lý, con lãnh chúa Daskov, chán nản, uống rượu ngày đêm, cả Protaxiev, tổng trấn Neviansk cũng vậy. Những thợ khỏe mạnh nhất bỏ trốn: chỉ còn lại những người gầy yếu. Các mỏ đã bị lấp kín quá nửa. Xung quanh là những rừng cây cổ thụ ao ngòi đầy vàng: chỉ việc múc nước lên và lấy áo lông cừu mà lọc cũng được. Thực khác hẳn xưởng của Nikita Demixov tại Tula, ở đó quặng nghèo và ít rừng (từ năm kia đã có lệnh cấm chặt cây sồi, tấn bì, phong… để đốt than), và cứ tên thơ lại nhiễu sự nào cũng nhúng mũi vào công việc của ta. Ở đây thì đất rộng mênh mông nhưng phải có nhiều vốn: vàng Ural, thưa dân, khó vào. Tâu bệ hạ, ta sẽ chẳng đi tới kết quả gì. Hạ thần đã trình bày với Xvesnikov, với Brovkin, với nhiều người khác nữa… Ngay các ông ấy cũng ngần ngại không dám bỏ tiền vào một việc bấp bênh như vậy,… Còn đối với hạ thần thì thật là bực mình: hạ thần chẳng khác gi tay sai của họ vậy… Là vì muốn khai thác vùng Ural phải bỏ vào đấy nhiều công của…
Nikita vội ngồi ghé xuống ghế và đôi mắt sâu hoắm nhìn nhà vua chằm chặp.
- Mùa hè nầy, ta cần mười vạn pud gang hòn, năm vạn pud sắt. Ta không có thì giờ đợi các ngươi bàn tán, suy nghì… Hãy lấy xưởng Neviansk, chiếm lấy tất cả Ural… Ta ra lệnh cho nhà ngươi!
Nikita vểnh chòm râu cằm kiểu Digan và nhà vua nhích lại gần y:
- Ta không có nhiều tiền, nhưng về việc nầy, ta sẽ đưa tiền cho nhà ngươi. Ta sẽ sáp nhập những xóm làng vào nhà máy. Ta sẽ ra lệnh mua người cho nhà ngươi tại các địa hạt của các lãnh chúa… Nhưng cẩn thận đấy! - Nhà vua giơ ngón tay dài lên đe Nikita hai lần - Sắt ta trả bọn Thuỵ Điển mỗi pud một rúp, nhà ngươi sẽ phải bán cho ta với giá là ba mươi kopeik.
Nikita vội vã trả lời.
- Không thể được ạ. Không thể làm được. Năm mươi kopeik!
Vua Piotr tròn xoe đôi mắt lòng trắng xanh nhạt; trong một phút, nhà vua giận dữ nhìn Nikita rồi nói:
- Được ta sẽ liệu sau. Mà ta nhìn thấu tâm gan ngươi rồi, đồ kẻ cướp… Ngươi sẽ phải trả ta tất cả bằng gang và sắt trong một thời hạn ba năm. Ta thấy nhà ngươi táo gan thật… Nhưng nhớ đấy, ta quyết sẽ bề gãy chân tay nhà ngươi trên bánh xe nhục hình, ta cam đoan là như vậy!
Nikita khẽ đằng hắng và giọng như rít trong cổ, nói:
- Hạ thần quyết sẽ trả hết tiền của bệ hạ trước thời hạn, xin cam đoan như vậy!
Một buổi tối thật kỳ lạ, - vua Piotr không biết đi đâu. Nhà vua liếc nhìn mớ giấy tờ chưa đọc đến và định ra lệnh thắp nến nhưng rồi nghĩ lại, nằm dài trên bậu cửa sổ, thò đầu ra ngoài.
Trời đã tối mà người ta có cảm tưởng như nóng bức hơn. Nước từ trên cành lá nhỏ xuống từng giọt, từng giọt. Một làn sương nhẹ toả trên cỏ… Vua Piotr hít thở không khí nực mùi cây cỏ căng nhựa. Một giọt nước rơi xuống gáy, nhà vua rùng mình từ đầu tới chân, chậm rãi lấy lòng bàn tay xoa vết ướt trên cổ.
Trong cảnh tịch mịch mùa xuân, mọi vật đều ngủ, một giấc ngủ lo âu. Không đâu thấy có ánh sáng: xa xa, từ xoloboda của quân lính vọng tới tiếng hô kéo dài của lính gác: "Vểnh t…ai tai nghe!" Vua Piotr cảm thấy uể oải mỏi mệt, dường như chân tay đều tê dại. Tim nhà vua tì lên bậu cửa sổ đập rất mạnh. Chỉ có mỗi việc là nghiến chặt hai hàm răng lại mà chờ đợi. Chờ đợi, chờ đợi… Tựa một người đàn bà nhu nhược trong đêm khuya tĩnh mịch, nhấc đầu khỏi cái gối nóng hổi để nghe một tiếng guốc tưởng tượng. Từ sáng đến giờ công việc chẳng ra làm sao cả. Người ta mời nhà vua tới ăn bữa tối tại nhà Melsikov, nhà vua đã không đi: Ta đánh cuộc vào giờ nầy họ đang tiệc tùng ở đó! Chưa bao giờ lại khó khăn như hiện nay. Giờ đây tất cả là chờ đợi, biết chờ đợi… Vua Auguste trong một lúc liều lĩnh dại dột đã lao vào chiến tranh không biết chờ đợi và đang sa lầy trước thành Riga. Chrixtian nước Đan Mạch cũng thế, không biết chờ đợi; đó là lỗi của hắn
- Đó là lỗi của hắn, lỗi của hắn, - vua Piotr vừa lẩm bẩm vừa giương to mắt nhìn ra những bụi tử đinh hương tối om, nặng trĩu nước mưa. Có người nào đó ngọ nguậy ở đằng kia; chắc hẳn tên lính hầu đang ghẹo gái… Hôm đó đại tá Langhen, do vua Auguste phái tới, đã đem đến những tìn tức đáng lo ngại: con sư tử con Thuỵ Điển đột nhiên đã nhe nanh… Cầm đầu một hạm đội lớn, hắn đã xuất hiện trước đồn luỹ kinh thành Copenhagen và đòi thành phố phải đầu hàng. Vua Chrixtian kinh hoảng, không dám nghênh chiến và đã tiến hành thương lượng. Trong lúc đó, vua Charles đã cho mười lăm nghìn bộ binh đổ bộ lên phía sau quân Đan Mạch đang bao vây pháo đài Honxten. Quân Thuỵ Điển tràn vào Đan Mạch như vũ bão. Người Thuỵ Điển cũng như mọi người khác, không ai có thể tưởng tượng được rằng thằng bé phóng đãng ấy, chàng thanh niên ẻo lả ấy bỗng chốc đã tỏ ra thông minh và dũng cảm như một vị tướng thực sự.
Ngoài ra Langhen còn đệ trình một yêu cầu lên vua Auguste, vua Ba Lan, đề nghị giúp tiền: cứ theo lời ông ta thì có thể làm cho dân Ba Lan nổi dậy, thúc đẩy họ tham chiến, với điều kiện là giao cho vị giáo trưởng và viên hetman của triều đình khoảng hai vạn đuca để họ phân phát cho bọn lãnh chúa. Langhen, nước mắt giàn giữa, khẩn khoản van nài vua Piotr đừng chờ đợi ký kết hoà ước xong với Thổ Nhĩ Kỳ mới tham chiến.
Nghe tất cả những chuyện đó, vua Piotr ngứa ngáy cả người. Nhưng không thể thế được. Không thể can thiệp vào chiến cuộc được khi mà phiên vương Krym còn đó, ở sau lưng mình. Phải đợi chờ thời cơ… Hồi nãy, Ivan Brovkin vừa tới, kể lại là tại hội đồng xã trưởng đã xảy ra một sự huyên náo lớn: Xvesnikov và Sorin đã bắt đầu bí mật vơ vét lúa; họ đang vội vã cho chở số lúa đó bằng đường thuỷ và đường bộ đến Novgorod và Pskov. Giá lúa mì đã tức khắc tăng thêm ba kopeik. Reviakin thét lên với họ: "Các anh điên à, vùng Ingri còn chưa thuộc về ta, và bao giờ mới thuộc về ta: Các anh sẽ để thối lúa của các anh tại Novgorod và Pskov một cách vô ích thôi…". Nhưng họ đã trả lời ông ta: "Đến mùa thu, vùng Ingri sẽ về ta, kỳ tuyết đầu mùa, chúng tôi sẽ cho chở lúa đến Narva…".
Các bụi cây ầm ướt bỗng đung đưa, những giọt nước mưa rơi xuống lộp bộp. Hai bóng người cựa quậy.
"Ồ không, anh yêu quý của em… Bỏ em ra, bỏ em ra…"
Cái bóng nhỏ bé hơn lùi lại, rồi bỏ chạy, nhẹ nhàng, chân không giầy… Cái bóng kia, cái bóng dài (đó là Miska, tên lính chạy giấy) đuổi theo, đôi ủng lớn bì bõm trong bùn. Dưới cây bồ đề, hai cái bóng dừng lại, rồi lại: "Ô, không, anh yêu quý của em…".
Vua Piotr cúi ra ngoài khuôn cửa sổ, người thò ra tới gần thắt lưng. Tại một chỗ đất trũng, sau những cây liều xám xịt, trăng tròn đang mọc, lờ mờ sau làn sương mù. Trên cánh đồng nổi lên rõ nét những đống rơm, những lùm cây; dải sông nhờ nhờ màu sữa… Mọi vật hình như vẫn đó đã hàng bao thế kỷ nay: bất động, không thay đổi, huyễn hoặc… Và hai cái bóng kia dưới cây bồ đề tối om, vẫn thì thầm vội vã, nhắc đi nhắc lại mãi một câu ấy.
- Mi có thôi đi không hả? - Vua Piotr thét lên, giọng ồ ồ - Miska! Ta tuốt xác mi bây giờ?
Người con gái núp vào thân cây bồ đề. Không đầy một phút sau, người lính chạy giấy rón rén leo lên cầu thang kêu cót két bốn bậc một và gãi gãi vào cửa.
- Thắp nến lên, nhà vua ra lệnh. - Lấy cho ta cái tẩu!
Vua Piotr vừa hút thuốc, vừa đi đi lại lại, nhặt một tờ giấy trên bàn, gí gần vào ngọn nến rồi lại vứt tờ giấy đi. Trời mới bắt dầú tối. Đi nằm, ngủ ư? Chỉ mới nghĩ đến chuyện đó thôi đã thấy là kỳ! Khói thuốc lá bị hút ra phía cửa sổ để ngỏ, uống theo gờ khung cửa rồi bay vào đêm tối mát mẻ.
- Miska!
Người lính chạy giấy vội nhảy vào; hắn có đôi má phính, chiếc mũi tẹt và cặp mắt ngớ ngẩn.
- Liệu hồn với bọn con gái đấy? Thế nghĩa là thế nào? - Nhà vua bước lại gần hắn: hiển nhiên là nếu nhà vua có đánh hắn với bất cứ cái gì tiện tay vớ được thì Miska cũng sẽ chẳng hiểu gì - Chạy mau, bảo đánh xe ra cho ta. Mi sẽ đi theo ta.
Trăng đã mọc trên cánh đồng, những giọt nước mưa lấp lánh trên đám cỏ xanh lam. Con ngựa vừa thở vừa liếc mắt về phía các bụi cây hình thù lờ mờ. Vua Piotr lấy dây cương quất ngựa. Bánh xe làm bùn bắn lên tung tóe; nước từ các rãnh sâu loang loáng như gương vọt lên. Chiếc xe chạy qua phố Kukui đã yên giấc, nơi đây chẳng khác gì bao năm trước kia, hoa thuốc lá trong các khu vườn xinh xắn vẫn toả hương thơm nồng. Tại nhà Anna Monx, sau rặng bồ đề cành lá sum suê thấy có ánh sáng qua những hình trái tim khoét ở cánh cửa.
Anna Ivanovna, mục sư Xtrum, Kornigxeg và quận công Von Kroi, đang đánh bài dưới ánh sáng hai ngọn nến. Thỉnh thoảng mục sư Xtrum lại nhồi thuốc lá vào mũi rồi rút ra một chiếc khăn mùi soa kẻ ô vuông và hắt hơi một cách khoái trá, - cặp mắt ướt của ông vui vẻ nhìn mọi người. Quận công Von Kroi chăm chú xem bài của mình, đăm chiêu chớp chớp đôi mi không lông; bộ ria mép thõng xuống, đã từng chứng kiến mười lăm trận đánh lừng lẫy, vểnh lên, sát gần lỗ mũi. Anna Ivanovna, mặc bộ áo trong nhà màu xanh da trời, cánh tay mũm mĩm để trần tới khuỷu, kim cương lóng lánh ở tai và trên dải nhung đeo ở cổ, khẽ cau trán tính nước bài. Kornigxeg lịch sự, xoa phấn, chỉnh tề, lúc thì mỉm cười âu yếm với Anna, lúc thì khẽ mấp máy đôi môi, tìm cách mách nước.
Chắc chắn là mọi trận bão táp có tràn qua cũng chẳng hề khuấy động căn phòng yên ấm nầy, nơi đây thoang thoảng hương vani và sa nhân, pha vào bánh mì nhỏ, nơi đây ghế bành và đi-văng đã được choàng bao vải và đồng hồ thủng thẳng tích ta tích tắc. Mục sư Xtrum, vừa thở dài vừa đưa mắt nhìn lên trần, nói: "Chúng tôi xin gọi: nhép". "Pích", quận công Von Kroi tiếp lời tựa hồ ông ta đang rút thanh kiếm gỉ ra khỏi bao nửa chừng. Kornigxeg khẽ nghểnh sau lưng Anna Ivanovna, để nhìn bài, dằn từng lời, giọng ngọt ngào: "Còn chúng tôi, chúng tôi lại xin gọi "Cơ".
Vua Piotr vào qua lối cửa sau, bất chợt mở cửa. Quân bài trong tay Anna Ivanovna rơi xuống. Mọi người hấp tấp đứng dậy. Rất tự chủ, Anna Ivanovna thốt lên một tiếng vui mừng; miệng cười tươi như hoa, nàng cúi rạp mình xuống chào, hôn tay Sa hoàng và áp bàn tay nhà vua vào ngực mình phủ tấm khăn san nửa kín nửa hở.
Nhưng vua Piotr thoáng thấy trên khóe mắt xanh trong như có một ánh kinh hoàng. Lưng khom khom, nhà vua bước về phía đi-văng:
- Cứ chơi đi ta sẽ ngồi hút thuốc ở đây.
Nhưng Anna Ivanovna, thoăn thoắc trên đôi gót giầy nhọn hoắc đã chạy lại bàn, xoá lộn đống bài.
- Chúng thần chơi để giải buồn thôi… A, Piotr, thật là sung sướng, bệ hạ bao giờ cũng đem lại niềm vui, sự hoan hỉ cho cái nhà nầy… - Nàng vỗ tay như trẻ con - Chúng ta ăn bữa tối đi
- Ta không muốn ăn, - Sa hoàng càu nhàu, miệng gặm đầu cán tẩu. Cơn giận dữ đang dâng lên như một cục tròn chẹn lấy cổ, nhà vua cũng chẳng hiểu tại sao.
Nhà vua liếc nhìn những bao choàng ghế, chiếc khung thêu và những cuộn len… Một nếp nhăn nhỏ rõ nét hiện ra trên vầng trán thanh thản của Ansen, đây là lần đầu tiên nhà vua nhận thấy nếp nhăn đó.
- Ồ Pite, thế ta bày ra một trò vui gì vậy… - Một lần nữa, trong khóe mắt nàng thoáng có một vẻ gì thiểu não.
Vua Piotr ngồi im. Mục sư Xtrum, sau khi nhìn chiếc đồng hồ treo rồi xem giờ ở chiếc đồng hồ bỏ túi, lên tiếng; "Trời ơi, đã quá hai giờ rồi", rồi ông vớ lấy quyển kinh để trên bậu cửa sổ. Quận công Von Kroi và Kornigxeg cũng cầm lấy mũ. Ansen giọng van nài quá cái mức cần thiết của phép lịch sự, vừa bẻ ngón tay vừa kêu lên:
- Ồ, xin các vị đừng về vội!
Vua Piotr thở ra, tia lửa từ chiếc tẩu tóe lên. Chân nhà vua như đang muốn co dúm lại. Nhà vua đứng phắt dậy và bước nhanh, đi ra, đóng sầm cửa lại. Ansen thở mỗi lúc một gấp, và lấy khăn tay che mặt: Kornigxeg rón rén chạy đi kiếm một cốc nước. Mục sư Xtum thận trọng lắc đầu. Quận công Von Kroi xáo trộn bộ bài trên bàn.
Hơi nước từ các mái nhà gỗ, từ đường phố đang khô bốc lên, dưới các vũng nước là một màu trời xanh thẳm. Tiếng chuông gióng giả: hôm đó là ngày hội ngày chủ nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh; những người bán bánh ngọt và những người bán rượu bia réo gọi chào khách. Từng đám người vô công rỗi nghề, phần lớn say mềm, thất thểu lang thang đây đó. Trên bức tường đô nát của thành phố, giữa những lỗ châu mai, những gã thanh niên mặc sơ mi mới cầm sào đầu buộc xơ gai, xua đuổi lũ chim bồ câu. Đàn chim trắng xoá lấp lánh trên trời xanh, giỡn chơi, nhào lộn, bổ xuống.
Khắp nơi, sau những hàng rào cao, dưới những cây bồ đề và liễu màu xám, sạch trơn sau trận mưa đêm, những cây đu lên lên xuống xuống: khi thì những cô gái bím tóc phất phơ, tung bay tới cành lá, khi thì một lão già phóng đãng đầu hói đu đưa một mụ béo tròn, ngồi trên tấm ván mồm kêu the thé.
Con ngựa đi bước một trên đường phố. Đôi mắt vua Piotr sâu hoắm nét mặt lầm lì. Mặt trời sưởi ấm lưng nhà vua. Miska - gã chạy giấy - đã ngồi trong xe chờ
Sa hoàng suốt đêm, luôn luôn cố hất đầu ngẩng lên cho khỏi rũ xuống ngủ. Đám đông giãn ra tránh đường cho ngựa; chỉ có một người qua đường, nhận ra được Sa hoàng vội lột mũ, cúi rạp xuống tận đất chào chiếc xe đang xa dần.
Bữa đêm, khi ra khỏi nhà Anna Monx, vua Piotr đã đến nhà Melsikov. Nhưng nhà vua chỉ đứng nhìn những cánh cửa sổ lớn treo rèm, vẳng ra tiếng nhạc và tiếng la hét om sòm của bọn sâu rượu. "A, ma quỷ bắt chúng đi!". Nhà vua cầm dây cương quất ngựa rời khỏi sân nhà Melsikov và quay xe chạy về phía Moskva, về phía xloboda của quân xtreletz. Ngựa mới đầu chạy nước kiệu nhanh rồi sau phi nước đại.
Sa hoàng cho dừng xe trước một ngôi nhà bề ngoài có vẻ xoàng xĩnh; trên cổng có cắm cây sào đầu buộc một túm rơm. Vua Piotr quẳng dây cương cho Miska rồi đập vào cánh cửa nhỏ nhà vua sốt ruột dẫm dẫm chân trên đống phân gây thành tiếng ộp oạp. Nhà vua đấm mạnh vào cửa. Một người đàn bà ra mở. Miska nhác thấy mụ cao lớn, mặt tròn, mặc áo dài cộc tay màu sẫm. Mụ thốt lên và ôm lấy má. Vua Piotr cúi xuống, bước vào trong sân, đóng sập cửa lại.
Miska đứng trên xe, thấy ánh sáng xuất hiện ở hai cửa sổ nhỏ, tít trên cùng căn nhà gỗ. Rồi người đàn bà vội vã đi ra thềm gọi to:
- Luka, ê, Luka
Giọng một ông lão đáp lại:
- Cái gì thế?
- Luka, đừng để ai vào đấy, nghe không?
- Thế ngộ người ta tìm cách phá cửa vào thì sao?
- Thế ông không phải là đàn ông à?
- Được tôi sẽ lấy gậy đánh đuổi họ.
Miska tự nhủ: "A, đúng, ta hiểu rồi".
Một lát sau, ba người đội mũ lính xtreletz từ một ngõ ngang đi tới, quan sát con đường vắng tanh, tràn ngập ánh trăng, rồi tiến thẳng về phía cổng. Miska nghiêm giọng bảo họ:
- Đi đi!
Bọn xtreletz có vẻ hung ác, lại gần chiếc xe:
- Thằng nầy là thằng nào thế? Sao nó lại mò vào xloboda vào giờ nầy?
Miska thì thầm, giọng hăm doạ:
- Nầy các chú mầy, cút ngay cho nhanh!
- Cái gì? - một gã trong bọn say hơn những gã kia, dữ tợn quát. - Mầy muốn làm chúng tao sợ chắc?
- Tao biết mầy ở đâu đến rồi… - Hai gã kia túm lấy vai hắn, thì thầm - Đầu mầy cũng vậy, cũng treo trên sợi tóc thôi. Hãy khoan, hãy khoan…
Bọn hắn lôi hắn đi, không để hắn sắn tay áo:
- Người ta chưa treo cổ được hết bọn tao đâu… Chúng tao cũng có nanh có vuốt chứ!
- Cả thằng nầy cũng có thể đem ra đóng nõ vào đít nó được đấy. - Hai gã kia đánh vào gáy hắn làm rơi chiếc mũ và kéo hắn vào trong ngõ.
Lát sau, ánh đèn ở cửa sổ tắt phụt. Không thấy vua Piotr ra. Phía bên kia cổng, thỉnh thoảng lão Luka lại uể oải phe phẩy cái đuổi muỗi. Rồi bốn bề lại im lặng. Con ngựa, mệt lử, rũ đầu xuống. Qua giấc ngủ, Miska nghe thấy tiếng gà gáy. Ánh trăng mỗi lúc một thêm lạnh lẽo. Ở đầu phố, ánh rạng đông hoe hoe vàng rồi ngả màu hồng. Một lần nữa, Miska lại thức giấc vì có tiếng thì thầm: một lũ trẻ con - trong số đó có vài đứa cởi truồng xúm quanh xe. Nhưng Miska vừa mở mắt ra thì cả bọn đã bỏ chạy, vung vẩy ống tay áo và giơ ra những gót chân đen sì. Mặt trời đã lên cao.
Vua Piotr bước qua chiếc cửa nhỏ đi ra, mũ đội sụp xuống tận mắt. Nhà vua húng hắng ho khù khụ và cầm lấy dây cương. "Bây giờ thì dễ chịu hơn rồi!" nhà vua nói, giọng trầm, rồi thúc ngựa đi nước kiệu.
Khi ra khỏi Moskva, chạy tới một cánh đồng xanh mướt thì thấy ở xa xa thấp thoáng những nóc nhà nhọn hoắc của xloboda người Đức, và phía sau, tựa hồ như ở tít chân trời có những áng mây trắng như tuyết, vua Piotr lên tiếng nói:
- Đấy bọn chạy giấy các mi là phải làm như thế! Ta mà còn bắt được mi đêm hôm trai gái như thế nữa ta sẽ nhốt mi vào trong nhà để xe. - Và nhà vua phá lên cười, hất mũ ra sau gáy.
Hai người đuổi kịp một bán đại đội lính so vai rụt cổ trong những bộ áo chẽn màu nâu. Chân họ đều buộc những túm cỏ và rơm; họ đi lộn xộn, lưỡi lê chạm nhau lách cách. Viên đội thét lên: "Nghiêm!" Vua Piotr xuống xe, nắm vai một người lính rồi lại nắm vai một người khác, bắt họ xoay người, sờ lần áo da cứng đơ như giấy bồi.
- Thật là cứt! - nhà vua thét lên, trợn mắt nhìn viên đội mặt đầy trứng cá - Ai cung cấp những bộ áo chẽn nầy?
- Bẩm thưa Ngài pháo thủ, xưởng Xukharepski cung cấp những bộ áo chẽn đó đấy ạ.
- Cởi ra! - Sa hoàng túm lấy người lính thứ ba, gầy nhom mũi nhọn hoắc. Nhưng thấy khuôn mặt ngài pháo thủ tròn xoe, với bộ ria đen vểnh người, cúi xuống nhìn mình, người lính khiếp đảm như thề bị bóp cổ.
Bạn đồng ngũ của anh ta liền giật lấy khẩu súng, mở móc gài dây đeo, cởi chiếc áo chẽn của anh ta ra. Vua Piotr cầm lấy cái áo, ném vào trong xe: không nói thêm một lời, nhà vua lên xe và cho ngựa phi nước đại về phía dinh Melsikov.
Người lính mất áo run cầm cập, như người mất hồn nhìn chiếc xe xa dần trên đường đầy cỏ mọc. Viên đội cầm gậy đẩy anh ta:
- Golikov, ra khỏi hàng và đi cuối cùng… Nghiêm! - Mồm há hốc, viên đội ngửa cổ hét vang qua cánh đồng. - Chân trái, co, chân phải, rơm. Nhớ đấy… Bước đều, bước! Cỏ, rơm, cỏ, rơm…
Chính xưởng sản xuất dạ của Ivan Brovkin, mới cất trên bờ sông Neglinaia, gần cầu các Nguyên soái đã cung cấp dạ cho xưởng may quân đội Xukharepski.
Melsikov và Safirov có góp cổ phần trong đó. Bộ Preobrazenski đã xuất một món tiền đặt trước là mười vạn rúp để xưởng nầy cung cấp dạ cho quân đội.
Melsikov đã khoe với Sa hoàng là họ sẽ cung cấp một loại dạ không kém gì dạ Hamburg. Thực ra họ đã nộp loại dạ một nửa làm bằng xơ gai và bông. Alexaska Melsikov, xuất thân trong giới trộm cắp, đã là một tên trộm cắp và đến nay vẫn là một tên trộm cắp. "Hãy chờ đấy!".
Vua Piotr nghĩ thầm, sốt ruột lắc lắc dây cương.
Alekxandr Danilovich, ngồi trên giường, uống nước dưa chuột muối sau bữa chè chén đêm trước, tiệc tùng đến quá sáu giờ sáng - cặp mắt xanh của hắn mờ đục, đôi mi sưng húp. Viên tư tế của dinh Melsikov, biệt hiệu là Pedrila, một gã hộ pháp, giọng nói và hình thù tựa một con dã thú; cao hai thước và to như một cái thùng, đứng trước mặt Melsikov, tay cầm chén nước muối. Pedrila ái ngại, lấy ngón tay ngoáy ngoáy vào trong chén:
- Ngài ăn một quả dưa chuột nhỏ đi, đây…
- Xéo ngay!
Piotr Paplovich Safirov, - mặt mũi thông minh, tròn xoe như chiếc bánh tráng, có vẻ mặt hiền lành giả dối đang ngồi trước giường lộng lẫy, tay cầm một hộp thuốc lá mở nắp sẵn sàng. Hắn khuyên nên chích ít máu - khoảng nữa cốc - hoặc đặt đĩa vào gáy.
- A, ông bạn Alekxandr Danilovich thân mến, ông dùng các loại rượu quý nặng nầy vô độ là ông tự giết mình đấy!
- Xéo nốt đi, cả ngươi nữa!
Viên tư tế là người đầu tiên trông thấy Sa hoàng qua cửa sổ: "Nhà vua đang nổi giận, nếu tôi không lầm".
Cả bọn chưa kịp định thần lại thì vua Piotr đã bước vào phòng ngủ, chẳng chào hỏi ai, nhà vua đi thẳng tới chỗ Alekxandr Danilovich và gí chiếc áo lính vào mũi hắn:
- Đây là loại dạ tốt hơn dạ Hamburg, hử? Câm ngay, đồ kẻ cướp, câm ngay, dẫu sao ngươi cũng không thể cãi được nữa.
Sa hoàng túm lấy ngực áo sơ mi đăng-ten của Melsikov lôi hắn tới bức tường, và khi Alekxandr Danilovich đã đứng tựa vào đó, mồm há hốc, nhà vua liền tát hắn túi bụi hết má nầy đến má kia, - đầu Melsikov cứ lắc qua lắc lại. Trong cơn thịnh nộ, Sa hoàng vớ lấy chiếc gậy dựng bên lò sưởi, thẳng tay nện Alexaska gãy cả gậy. Sau đó quay về phía Safirov, - y đã biết thân quỳ xuống chiếc ghế bành. Nhà vua thét trên đầu y:
- Đứng dậy.
Safirov choàng đứng lên!
- Ngươi sẽ đem bán tất cả cái dạ khốn nạn nầy sang Ba Lan cho vua Auguste, theo giá ta đã trả các ngươi. Hẹn cho ngươi một tuần. Nếu không xong, ta sẽ lột trần ngươi ra mà quất! Rõ chưa?
- Tâu bệ hạ, thần xin bán xong sớm hơn.
- Để bù vào đấy các người và Vanka Brovkin sẽ phải nộp cho ta loại dạ tốt.
- Myn Herz, lạy Chúa tôi - Alexaska vừa nói vừa lau rớt rãi, máu mũi chảy ròng ròng - chúng thần đã có lần nào dám dối trá bệ hạ? Thật lôi thôi cái chuyện dạ nầy?