Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PIE ĐỆ NHẤT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 137672 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PIE ĐỆ NHẤT
Aleksey Nikolaievich Tolstoy

Chương 129

Chốc chốc quân lính lại phải gò người kéo xe ngựa và đại bác ra khỏi bùn. Gió Tây thổi từ mấy ngày nay trong khi các đạo quân của tướng Vaide và tướng Artamon Golovin đang chậm chạp tiến về phía Tây, rải ra trên khoảng một trăm dặm. Sư đoàn Repnin vẫn chưa rời khỏi Moskva: hơn mươi lăm ngàn bộ binh và kỵ binh và khoảng mười ngàn xe ngựa.

Sương mù giá lạnh vương trên các ngọn cây trong rừng. Mưa đã làm rụng nốt những chiếc lá cuối cùng trên những cây phong và hoàn diệp liễu. Xe thụt đến tận trục bánh, nhiều con ngựa gãy chân trong bùn xanh trên các ngả đường sụt lở. Suốt dọc đường, xác ngựa chết thối nằm sóng sượt, bụng trương phình, chân chổng lên trời. Binh lính ngồi lặng thinh trên bờ các hào hố, - có giết họ, họ cũng không nhúc nhích. Đặc biệt bọn sĩ quan nước ngoài tỏ ra yếu sức; họ đã xuống ngựa từ lâu, áo khoác ngoài ướt sũng, bộ tóc giả đẫm nước, họ ngồi run lập cập giữa một đống đồ táp nham lộn xộn, dưới mui bằng vải gai của các xe ngựa.

Rời Moskva ra đi, đoàn quân trông thật đẹp mắt, mũ lông, áo chẽn, tất xanh. Nhưng tới gần biên giới Thuỵ Điển thì họ đã chân không giầy, quần áo bẩn thỉu, hàng ngũ xáo lộn. Khi họ vòng quanh hồ Inmen, nước dâng cao, tràn lên các cánh đồng cỏ bên hồ: một số lớn xe quân lương chìm nghỉm.

Tình trạng hỗn loạn đến nỗi các đoàn xe không theo kịp, đoàn nọ đi lẫn vào đoàn kia. Tới các trạm nghỉ, không sao nhóm được lửa, - trên đầu thì mưa dội xuống, dưới chân thì bùn lầy. Đám kỵ sĩ của đội cảnh vệ quý tộc còn tệ hại hơn cả quân thù; không khác gì đoàn châu chấu, chúng cướp lương thực của các làng lân cận.

Khi đi ngang qua bộ binh, chúng thét: "Tránh ra, đồ súc sinh!" Aleksey Brovkin, đại uý của trung đoàn tiên phong Von Sveden, thường chửi mắng và cầm gậy đánh bọn quý tộc nhỏ đi ngựa. Khó khăn và thiếu thốn thì nhiều nhưng trật tự thì kém.

Mãi tới sông Luga, gần biên giới, đoàn quân tiên phong mới thoát khỏi bùn lầy và hạ trại tại chỗ, chờ đoàn xe quân lương. Mọi người dựng lều, hong tạm quần áo khô được tí nào hay tí nấy. Binh lính nhắc đến những chiến dịch Azop; có người nhớ lại những cuộc hành quân của Vaxili Golixyn ở Krym. So sánh làm sao được: trước kia là đi qua những đồng cỏ phóng khoáng tiến về miền Nam ấm áp! Vừa đi vừa ca hát… Còn ở đây! Cái vùng nầy mới tệ hại làm sao! Toàn những bãi sình lầy ảm đạm, toàn là mây và gió. Sẽ phải đổ rà biết bao nước mắt mới chinh phục được cái vùng chết đói nầy.

Những đóng lửa đốt trước các lều bốc lên một làn khói cay xè. Binh lính vá víu áo quần, xuống bờ sông trơn tuột để giặt rũ. Giầy quân đội phát đã nát bươm.

Sung sướng thay những kẻ kiếm được giầy gai và tất cả còn những người khác thì phải lấy giẻ rách quấn chân. Chưa cần chiến đấu, một nửa số quân cũng có thể sẽ chết trước tháng mười một. Thỉnh thoảng lính kỵ lại dẫn về một tù binh Phần Lan, dây thừng thòng lọng ở cổ. Mọi người xúm quanh nó, hỏi nó bằng tiếng Nga và tiếng Tarta về đời sống của dân vùng nầy. Nhưng những gã Phần Lan nầy mới ngốc nghếch làm sao chứ: chúng chỉ chớp chớp mắt, lông mi như lông mi bê con và chẳng nói chẳng rằng. Người ta giải chúng đến lều của Aleksey Brovkin để lấy cung. Ít khi chúng được thả về. Người ta trói gô chúng lại, giải chúng đến đoàn xe quân lương, bán chúng lấy sáu mươi lăm kopeik, - bọn khỏe mạnh thì giá đắt hơn, - cho bọn chủ quán. Bọn nầy đem chúng bán lại ở Novgorod, nơi có đám nhân viên của bọn nhà thầu cho quân đội.

Aleksey Brovkin quản lý chặt chẽ đại đội của hắn: binh lính của hắn được ăn uống no đủ, hắn chỉ trừng phạt họ khi họ thực sự đáng tội, hắn ăn cùng với họ nhưng không tha thứ một sự cẩu thả nào. Ngày ngày thường có người nằm sấp, hai mông đít lột trần, kêu la trước lều của Aleksey vì bị đòn. Đang đêm Aleksey Brovkin thức giấc và đích thân đi kiểm soát các trạm gác có lần đi rón rén tới ria rừng, hắn lắng tai nghe: có tiếng cây cót két hoặc có lẽ là một con vật đang kêu rên. Hắn khẽ gọi. Hắn trông thấy lờ mờ một người lính đang ngồi trên một gốc cây đã đốn, tay ôm khẩu súng, má áp vào nòng. Aleksey hỏi gã:

- Ai đang phiên gác đấy?

Người lính bật dậy và thì thào:

- Chính tôi

- Ai đang phiên gác đấy? - Aleksey quát lên.

- Golikov Andriuska.

- Chính mi đã kêu rên phải không?

Người lính nhìn thẳng vào mặt Aleksey một cách kỳ quặc:

- Tôi không rõ?

- Tôi không rõ! Hừ, cứ thế đi, đồ mặt mẹt!

Đáng lẽ phải đánh gã, đúng thế… Aleksey nhớ lại ngọn lửa bốc cao trên khu rừng, trên ngôi nhà thờ sụp đổ lên đầu dám người bị thiêu sống và trên bãi tuyết sáng rực, gã nầy đang thất vọng vò đầu bứt tai. Aleksey đã ra lệnh giải gã đi cùng với gã mugic điên dại và lão già Nectari. Dọc đường, một đêm ngừng lại nghỉ dưới những cây tùng, Nectari đã trốn mất, - có ma quý biết lão trốn bằng cách nào. Andriuska Golikov nằm trong xe trượt tuyết, dưới tấm chiếu gai, bất tỉnh, chẳng ăn chẳng nói. Tại Povenez, trong đồn cảnh sát, khi hỏi cung, người ta lấy roi doạ quất gã, gã bỗng chồm lên:

- Tại sao lại hành hạ tôi? Người ta đã hành hạ tôi đủ rồi… Cứ làm như người ta chưa hảnh hạ ai bao giờ.

Và gã đã khai hết. Viên lục sự viết không kịp chấm mực nữa. Gã giật bỏ chiếc áo tu sĩ ngắn, chỉ vào những vết sẹo do các trận đòn để lại. Aleksey nhận thấy gã không phải là một con người thường, và lại có học. Hắn ra lệnh cắt tóc cho gã và dẫn gã đi tắm để đưa vào lính.

- Một người lính không được kêu rên… nhưng có lẽ mi ốm chăng?

Golikov cứng đờ người trong tư thế nghiêm, không trả lời. Aleksey giơ gậy lên doạ rồi đỏ đi. Golikov tuyệt vọng gọi:

- Thưa ngài đại uý?

Tiếng nói đó từ trong bóng tối vọng ra làm Aleksey rùng mình: chính bán thân hắn xưa kia cũng đã từng như thế. Hắn dừng lại và nghiêm giọng hỏi:

- Thế nào, còn cái gì nữa?

- Tôi sợ bóng tối, thưa ngài đại uý, tôi sợ cảnh vắng lặng đêm hôm… Sự lo sợ còn tệ hại hơn cái chết! Tại sao người ta lại dẫn chúng tôi đến đây?

Aleksey ngẩn người ra, hắn đi lại phía Golikov:

- Sao mi dám nói năng như thế, đồ vô lại! Với những lời lẽ như vậy, mi có biết mi đáng tội gì không?

- Aleksey Ivanovich, xin ngài cứ việc giết chết tôi ngay tức khắc… Chính bản thân tôi là kẻ thù tệ hại nhất của tôi… Sống như thế thì một con vật cũng đã chết toi từ lâu rồi… Thế giới nầy không muốn thu nhận tôi! Tôi đã xoay đủ mọi cách - cái chết cũng không vời đến tôi… Thật là vô lý… Súng của tôi đây, xin ngài đâm cho tôi một nhát lê!

Để đáp lại Aleksey nghiến răng đánh vào Andriuska vào mang tai - đầu anh ta lắc lư nhưng anh không than vãn một lời.

- Nhặt lấy mũ, đội vào. Đây là lần cuối cùng ta nói tử tế với mi, đồ vô thần, vô đạo… Mi đã theo học các thánh lão! À ra họ đã dạy mi khôn ngoan thế đấy! Mi là lính. Người ta bảo mi ra trận, mi phải đi. Người ta bảo mi chết, mi phải chết. Tại sao? Vì phải làm như vậy. Hãy đứng đó cho tới sáng… Nếu mi lại kêu rên và ta còn nghe thấy thì liệu hồn!

Aleksey bỏ đi không quay đầu lại. Trở về lều, hắn ngả lưng xuống đống rơm. Còn lâu mới tới sáng. Không khí ầm ướt nhưng trời không mưa cũng không gió. Hắn kéo chiếc chăn ngựa chùm lên đầu và thở dài "Đứa nào cũng im không nói, có thế, nhưng chúng vẫn nghĩ cá đấy thôi… A, cái bọn người nầy…".

Tên lính Fetka Mõm bẩn, vẻ mặt ủ rũ, lom khom đổ nước trong gầu vào tay Aleksey. Aleksey thổi vào nước lạnh buốt, da hắn sởn gai lên. Buổi sáng trời lạnh: trên đám cỏ đổ rạp, sương giá nom như xanh lơ, dưới gót những đôi ủng lớn, một thứ bùn quánh kêu lép nhép… Khói từ các đống lửa bốc lên cao giữa các dãy lều. Trung uý Leopondux Mirbac tỉnh dậy hãy còn ngái ngủ, tấm da cừu khoác trên chiếc áo có đính lon, không biết thét gì với hai người lính: hai người nầy người cứng đờ, mặt người lên, lo sợ.

- Phải quật cho chúng mầy một trận mới xong! - Y nhắc lại giọng khàn khàn. - Quỷ bắt chúng mầy đi!

- Schwein(1) - Y nắm lấy mặt một trong hai người lính, bóp chặt, đẩy anh ta. Xốc lại tấm da cừu trên vai, y bước về phía lều của Aleksey. Bộ mặt y đã lâu không cạo, sị ra, mi mắt húp híp.

- Không có nước nóng… Không có gì ăn… Không phải là một cuộc chiến tranh… Một cuộc chiến tranh chuẩn bị tốt thì người sĩ quan hài lòng. Tôi không hài lòng chút nào… Lính của ông toàn là lính tồi!

Aleksey không trả lời, đang bận lấy khăn mặt xoa mạnh hai bên má. Hắn khục khặc ho, mình mặc chiếc sơ mi nhem nhuốc, hắn giơ lưng ra cho Fetka: "Đấm đi!". Fetka lấy lòng bàn tay đấm đấm… "Mạnh vào"

Giữa lúc đó một chiếc xe chở nặng, mui làm bằng một tấm vải dày căng trên những khung vòng cung, từ trong rừng chạy ra. Sáu con ngựa màu lông khác nhau, bốc hơi dày đặc. Độ mươi kỵ sĩ, áo khoác ngoài bê bết bùn, theo sau. Chiếc xe lắc la lắc lư trên những gốc rạ đã bị dẫm nát, đi bước một tới chỗ trại quân. Aleksey vớ lấy chiếc áo chẽn, hắn vội quá đến nỗi không sỏ được tay áo. Hắn vớ lấy thanh gươm và chạy về phía các lều:

- Trống đâu, nổi trống tập hợp?

Chiếc xe đã đỗ lại. Vua Piotr bước xuống, đầu đội mũ cát két lông thú có che tai. Melsikov xuống sau, tấm áo choàng rộng màu đỏ tươi lót lông hắc điêu thử vướng vào đinh thúc ngựa hình sao. Các kỵ sĩ cũng xuống ngựa. Sa hoàng nheo mắt nhìn trại quân, hai bàn tay đỏ ứng thọc vào trong túi áo bông ngắn. Trong không khí trong suốt, tiếng kèn, tiếng trống vang lên giòn giã. Binh lính từ trên các xe nhảy xuống, từ các lều chạy ra, cài vội khuy áo, quàng dây đeo kiếm. Họ tập hợp thành ô vuông. Các trung uý cưỡi ngựa phi nước kiệu chạy dọc hàng quân, lấy gậy thúc họ, chừi bới bằng tiếng Đức. Aleksey Brovkin, tay trái đặt trên đốc gươm, tay phải cầm mũ, dừng lại trước mặt vua Piotr. Trong lúc hấp tấp hắn đã không tìm thấy bộ tóc giả. Sa hoàng vừa nói vừa nhìn qua đầu tóc rối bù của hắn:

- Đội mũ vào. Trong chiến dịch, người ta không bỏ mũ ra, đồ ngu. Đoàn xe chở thuốc súng của ngươi đâu rồi?

- Hiện ở lại bên hồ Inmen, thuốc súng bị ẩm hết thưa Ngài pháo thủ.

Vua Piotr đưa cặp mắt tròn xoe quay sang nhìn Melsikov. Y uể oái bóp bóp bộ mặt cạo nhẵn nhụi.

- Đề nghị ông trả lời cho biết, - Melsitkov vừa nói vừa nhìn qua đầu Alioska. - Các đại đội khác của trung đoàn đâu? Đại tá Von Sveden đâu?

- Thưa tướng quân, các đại đội đó hiện đóng rải rác dọc sông, mé hạ lưu.

Melsikov vẫn nhếch mép, gật gù. Vua Piotr cau mầy không nói gì cả.

Cả hai người, tầm vóc cao lớn, đi qua những gốc rạ sắc về phía các ô vuông quân lính. Không rút tay khỏi túi áo, Sa hoàng nom có vẻ như lơ đãng ngắm nhìn bộ mặt gầy nhom xám xịt của đám lính, những cái mũ dạ tồi méo mó vì mưa gió. Áo chẽn nhàu nát, chân quấn giẻ rách. Chỉ có các trung uý người nước ngoài là ưỡn thẳng người, ra vẻ oai hùng.

Họ đứng như vậy một lúc lâu trước đội quân sắp thẳng hàng. Vua Piotr lắc mạnh đầu ngẩng lên:

- Chào các chú!

Các viên trung uý giận dữ quay lại phía quân lính. Một tiếng hô chuệch choạc vang lên trong hàng ngũ:

- Chúc sức khỏe Ngài pháo thủ.

- Có ai phàn nàn kêu ca gì không? - Vua Piotr vừa nói vừa tiến gần lại.

Binh lính đứng lặng thinh. Các viên trung uý, một tay đặt trên chiếc gậy chống cách xa người, ung chân trái tiên lên trước, chằm chằm nhìn Sa hoàng. Nhà vua liền nhắc lại, giọng xẵng hơn:

- Nếu ai có điều gì muốn kêu ca, hãy bước ra khỏi hàng không việc gì mà sợ.

Bỗng có tiếng thở dài, não nuột như một tiếng nức nở. Aleksey nhìn Golikov: khẩu súng ngọ nguậy trong tay gã những gã tự trấn tĩnh được và không nói gì.

- Ngày mai, ta sẽ tiến đánh thành Narva. Có rất nhiều việc phải làm, các chú ạ. Tên vua Thuỵ Điển Charles đang đích thân tiến về phía ta. Phải đánh bại hắn. Ta không thể đem Tổ quốc nộp cho hắn được.

Vùng nầy có Yam-Gorod, Ivan-Gorod, Narva - tất cả miền đất đai chạy ra tới biển là tổ quốc ta xưa kia. Chúng ta thắng càng chóng, sẽ càng sớm trở về nghỉ ngơi tại nơi trú quân mùa đông. Các chú rõ chưa?

Nhà vua nghiêm nghị trợn mắt. Binh lính im lặng nhìn Sa hoàng. Thật dễ quá, có gì mà không rõ. Một giọng nói buồn thảm khàn khàn từ trong hàng ngũ thốt lên: "Ta sẽ thắng, khoản người thì ta không thiếu". Melsikov vội tiến lên một bước để nhìn xem ai nói. Aleksey sững sờ cả người: chính là Fetka Mõm bẩn, tên lính tồi nhất.

- Ông đại uý… - Aleksey vội nhảy tới - Ta cám ơn đại uý về trật tự tốt trong đại đội của đại uý… Còn các chuyện khác không phải lỗi tại đại uý. Hãy phát cho mỗì người ba khẩu phần vodka.

Vua Piotr đầu cúi gằm xuống ngực, bước nhanh về phía xe ngựa. Melsikov nháy mắt với Aleksey, giờ đây y mới hạ cố nhận ông bạn cũ của mình: y rút bàn tay chải chuốt từ trong áo choàng lông thú ra, ôm hôn Alioska, và ghé vào tai bạn thì thầm:

- Tốt lắm, Piotr Alekseevich hài lòng đấy. Tại đơn vị của cậu không như các đơn vị khác… Nếu cậu lập công trước thành Narva thì sẽ được thăng đại tá đấy! Mình đã gặp Ivan Artemist ở Novgorod, ông cụ có nhờ mình chuyển lời chào cậu.

- Xin cảm ơn, Alekxandr Danilovich!

- Chúc cậu may mắn!

Nâng phía trước áo choàng lên, Melsikov chạy đuổi theo vua Piotr. Hai người lên xe. Xe chạy dọc theo bờ sông, tới nơi dòng sông lượn quanh khu rừng tùng, phản chiếu bầu trời lạnh lẽo.

Cách Narva hai dặm về phía hạ lưu, người ta dựng một chiếc cầu nổi vắt qua hai nhánh sông Narova ôm lấy hòn đảo Kampechom dài thườn thượt và sình lầy. Các trung đoàn kỵ binh của Seremetiev đã vượt qua cầu đó, tiến trên đường đi Revan để đánh địch.

Theo sau họ, các đơn vị của sư đoàn Trubetxkoi đã vượt sang tả ngạn. Cách các pháo đài của thành Narva một dặm, họ dừng lại đóng quân, cố thủ sau các xe quân lương. Quân lính đóng trong thành Narva không ngăn cản họ vượt sông, ó lẽ đội quân bị vây hãm trong thành có ít, không dám kéo ra nơi trống trải.

Ngày hai mươi ba tháng chín, toàn bộ đội quân tiên phong, rời con đường đi Yam-gorod, đổ vào cánh đồng ngổn ngang gò đống; khi xa xa, xuất hiện những ngọn tháp to bè bè cỏ mọc kín của Ivan-gorod, một ngôi thành cổ xưa kia của Ivan Hung đế, những ngôi nhà thờ xanh lơ trên có mũi tên, và những mái ngói của thành Narva, nhấp nhô bên kia sông, đạo quân tiến về phía đảo Kampechom và bắt đầu vượt qua sông những chiếc cầu rung rinh của dòng sông nước đục và chảy xiết.

Ngày hôm đó yên tĩnh. Mặt trời chỉ hơi lóe sáng, lờ mờ. Các nhà thờ xây bằng gạch ở Narva và Ivan- gorod kéo chuông báo động.

Trên con đường rải cát, rộng thênh thang, lồi lõm, gập ghềnh, binh lính nhốn nháo đổ về phía các cầu, quân xtreletz đầu đội mũ viền lông cáo mà Sa hoàng ghét cay ghét đắng, những xe ngựa bốn bánh gây nát vá víu tạm bợ, chở đầy thùng, bị, hòm, bánh mì mốc meo; những người mugic đánh xe, sau cuộc hành trình, áo quần rách bươm, quất đàn ngựa nhỏ bé gầy còm, mệt lử, vòng cổ làm bằng sợi gai; bên trên đám người nhấp nhô một lá cờ buộc vào cán hoặc một lá cờ hiệu ở đầu một ngọn giáo, hoặc cái chổi thông nòng súng trên vai một pháo thủ bị lạc đơn vị; một sĩ quan cưỡi ngựa, một vạt áo choàng vắt trên vai cấm gậy đánh vào đầu binh lính để mở đường. Con mắt lãnh chúa, áo bông mở phanh, khoác trên người áo giáp của ông nội, vừa phi ngựa nước đại vừa hét; theo sau gã, lính của gã tròn xoe nhe những thùng rượu trong bộ áo giáp nẹp bằng dạ khâu đột, lưng đeo cung tên kiểu Tarta nhấp nhổm trên lưng những con ngựa già hom hem.

Trên đường đi, mọi người đều quay đầu về phía một ngọn đồi trọc, ở cách xa đường, nơi Sa hoàng mặc áo giáp sắt, cưỡi một con ngựa xám, đang giương ống nhòm nhìn. Melsikov, bàn đạp chạm bàn đạp của Sa hoàng, một tay chống nạnh, cưỡi một con ngựa ô, mặt mầy tươi tỉnh, những chiếc lông cắm trên mũ sắt thếp vàng óng ánh của y phất phơ trước gió.

Đạo quân triển khai thành hình móng ngựa trước thành Narva cách xa một tầm súng đại bác, hai sườn dựa vào dòng sông Narova; các đơn vị thuộc sư đoàn Vaide đã chiếm lĩnh vị trí trên mé thượng lưu, ở chính giữa; dưới chân núi Hermansberg rậm rạp là sư đoàn Artamon Golovin; bên cánh trái, trước chiếc cầu bắc tới đảo Kampechom là các trung đoàn Xemionovski, Preobrazenski, và các trung đoàn xtreletz của Trubetxkoi. Lều của quận công Von Kroi được dựng lên ở đó, ông ta đi theo đạo quân với tư cách là cố vấn cao cấp. Vua Piotr và Melsikov vào nghỉ tại một căn nhà gỗ của ngư dân ở ngay trên đảo.

Dọc suốt trận tuyết, binh lính đào một đường hào sâu có lỗ khoét ở bờ, có ụ chiến đấu ở các góc và pháo đài quay ra phía ngoài để đề phòng quân Thuỵ Điển từ phía đường đi Revan tiến đến. Trước những pháo đài của thành Narva, quân Nga xây dựng những công sự cho pháp hãm thành. Kỹ sư Halac điều khiển các công trình. Các lỗ châu mai trên thành nhả ra những đám khói mù mịt, đại bác nổ ầm ầm trong không khí ẩm ướt mùa thu; đạn trái phá vạch trên bầu trời những dường vòng cung cao ngất, xì khói, rơi xuống, nổ tung bên cạnh xe ngựa, lều vải trong các hầm hố, binh lính ở đó nhảy vội cả ra ngoài. Đạn trái phá đã đốt cháy nhiều trại ấp có vườn hoa và vườn rau xung quanh.

Khói từ những đám cháy và các đống lửa của đạo quân đóng ngoài trời bốc lên thành một đám mây trắng và bị cuốn về phía thành phố, ở đó phụt ra những lưỡi lửa của đạn trái phá. Tư lệnh thành Narva là đại tá Hooc, một viên tướng dũng cảm và dày dạn kinh nghiệm.

Vua Piotr và kỹ sư Halac, cưỡi ngựa, lẩn trong vườn và núp sau những ngôi nhà, đi xem xét các pháo đài Toma, Gloria, Chriation và Triumf. Đôi khi hai người tới gần quá đến nỗi trông thấy cả khuôn mặt khắc khổ của bọn pháo thủ Thuỵ Điển qua những cửa súng trên thành. Không hấp tấp vội vã, nhưng lanh lẹn, chúng chuyển pháo đến, ngắm thận trọng.

- Bắn!

Viên đạn phăng phăng đè không khí, rít qua đầu. Mắt vua Piotr mở rộng, tròn xoe, các thớ thịt trên gò má căng lên nhưng nhà vua không cúi đầu. Kỹ sư Halac vốn đã từng trải nhiều, ông ta là một con người nghiêm trang, điềm tĩnh và không vui, thúc ngựa đúng lúc và lánh ra xa. Melsikov, ăn mặc lộng lẫy, vả lại chính hắn là mục tiêu của mỗi phát đạn địch, chỉ lắc lắc những chiếc lông cắm trên mũ; tính vốn huênh hoang, hắn thét bảo bọn pháo thủ: "Ngắm chệch rồi, Camarads(2)" và vỗ vỗ vào cổ con ngựa của hắn đang chồm. Khoảng năm chục long kỵ binh, to lớn như hộ pháp, râu ria rậm rạp đứng đó đợi không nhúc nhích: ai sẽ bị quả bóng đen quật phải đây.

Tường thành thì cao. Các pháo đài nhô ra theo hình cánh cung xây bằng đá tảng, vững chắc đến nỗi những quả đạn gang văng vào, vỡ tan như những quả hạt dẻ. Qua lỗ châu mai và cửa súng trên các cháp thò ra những họng pháo hạng nặng, thành Narva có ít nhất ba trăm khẩu loại nầy; quân đồn trú trong thành có khoảng hai nghìn bộ binh, kỵ binh và dân được vũ trang. Quân trinh sát đã nói láo khi bảo rằng chỉ cần một trận xung phong là chiếm được Narva.

Vua Piotr xuống ngựa ngồi lên một cái trống, và mở một tờ giấy đặt lên đầu gối. Miska, người liên lạc của nhà vua đưa ra một lọ mực. Halac, ngồi xổm bên Sa hoàng, ước lượng khoảng cách bằng mắt, bàn tay to lớn của vua Piotr cầm chiếc bút lông ngỗng, thận trọng vạch lên giấy những nét run rẩy. Melsikov đi đi lại lại trước hàng long kỵ binh ngồi trên ngựa sắp thành hình cánh cung.

- Mỗi pháo đài phải có mười lăm khẩu pháo hãm thành; và để chọc thủng tường thành phải có sáu mươi khẩu pháo đồng đen nặng bốn mươi tám livrơ - Halac nói, giọng đều đều, tẻ ngắt - Tồi ra cũng phải một trăm hai mươi nghìn viên đạn!

Vua Piotr nói:

- Hay lắm!

- Để gây ra những đám cháy trong thành; trước khi xung phong phải có ít nhất bốn mươi khẩu súng cối mỗi khẩu một nghìn viên đạn!

Vua Piotr vừa nói vừa ghi những con số:

- Đấy ở bên châu Âu, người ta lý luận như thế đấy.

- Mười thùng lớn đựng dấm để làm nguội các khẩu pháo. Chỉ có bắn liên tục, chỉ có một trận pháo kích dữ dội cửa tất cả các khẩu đội như đổ lửa địa ngục mới đánh bại được quyết tâm của những kẻ bị vây hãm trong thành. Thống chế De Lucxemburg dạy ta như vậy. Phải có mười lăm nghìn thủ pháo. Một nghìn thang xung phong cao mười hai arsin khá nhẹ để hai người có thể vác chạy được. Năm nghìn túi đựng len.

- Để làm gì?

- Để bảo vệ binh lính chống đạn súng hoả mai. Khi vây hãm thành Dunkeck, thống chế Voben nhờ có những túi len đó đã tiến được tới sát cổng thành, mặc dầu súng hoả mai bắn hết sức ác liệt vì đạn rất dễ dàng bị len mút mất.

Giọng do dự, vua Piotr vừa nói vừa ghi vào giấy:

- Được Danilys, cần có len đấy, năm nghìn túi!

Melsikov, chống hai tay lên đầu gối giạng ra, cúi xuống nhìn tờ tiấy phập phồng trước gió. Y bĩu môi:

- Thế thì xa xỉ quá, Myn Herz. Vả lại không thể tìm đâu ra len được. - Nói với Halac - Tại Azop, người ta chỉ dùng gươm để leo lên tường và đã chiếm được thành phố.

Phía sau họ, trong hàng long kỵ binh, một con ngựa vùng vầy, một người thốt lên một tiếng kêu ú ớ. Mọi người quay đầu lại. Con ngựa trắng của một long kỵ binh, mình đè lên chân cố ngóc đầu dậy - một tia máu đen, to bằng ngón tay, phọt ra qua mũi. Đám long kỵ binh rậm ria, kinh hãi, liếc nhìn các bụi cây cách đó khoảng một trăm bước; từ đó toả ra những làn khói nhỏ. Vua Piotr, tay cầm bút đang giơ lên, ngồi sững y nguyên trên tang trống.

Trong tiếng đại bác nổ ầm ầm, một đơn vị kỵ binh đã lén xông ra qua cửa một ngọn tháp của thành Narva, lấp sau một chỗ nhỏ ra của pháo đài Gloria, và đã chạy men sau hàng rào các vườn rau. Theo sau chúng, khoảng năm mươi tên kỵ binh Đức, mặc áo giáp sát và mũ sắt dội sụp xuống tận mắt, cưỡi những con ngựa hồng to nặng, nháy ra. Chúng vung gươm, phi nước đại, trải ra trên cánh đồng thạch thảo, định bọc lấy cánh trái.

Alekxandr Danilovich, mắt mở thao láo, đưa mắt nhìn một giây, không hơn, cái trò nghi binh ấy; rồi hắn lao đến chỗ con ngựa ô, cởi áo choàng, quăng đi, nhảy lên yên. Hắn thét to, mặt đỏ tía: "Tuốt gươm ra!"

Hắn tuốt thanh gươm ra khỏi vỏ, thúc dinh ngựa hình sao, nằm rạp xuống cổ con ngựa nòi đang chồm lên, rồi lại thúc ngựa lao như bay về phía trước: "Long kỵ binh, hãy theo ta!" Melsikov và toàn thể đám long kỵ binh, lượn quanh Sa hoàng đang đứng bên chiếc trống, phi nước đại xông tới chặn đường bọn kỵ binh Đức, lúc đó bọn nầy đã ghìm ngựa và quay trở lại

Halac, mím chặt đôi môi mỏng, vẻ lo âu, giắt con ngựa cái màu xám bờm đen đang hoảng sợ lại gần Sa hoàng.

- Xin mời bệ hạ rời khỏi khu vực đạn bắn.

Vua Piotr nhún một chân nhảy lên yên. Nhà vua nhìn đội long kỵ binh và đội kỵ binh Đức đang tiến lại gần nhau. Quân ta phi ngựa thành một khối: phía trước, phất phơ chùm lông cắm trên cái mũ sắt sáng loáng của Alexaska; quân Thuỵ Điển đã tản ra ở đằng xa trên cánh đống; lúc đó bọn kỵ binh ở hai bên cánh, bỗng rẽ ngang, thúc ngựa và lấy sống gươm đánh ngựa. Nhưng chúng đã không kịp tập hợp lại. Vua Piotr thấy con ngựa ô của Alexaska lao cả ức vào con ngựa hồng của một tên kỵ binh Đức, tên nầy ngã ngựa, bám chặt lấy bờm

Chùm lông đỏ xuất hiện thoắc ở chỗ nầy, thoắc ở chỗ kia, giữa đám mũ sắt. Nhưng đội long kỵ binh đã xông đến như thác đổ và không dừng lại, tiếp tục phi nước đại. Họ vung kiếm lên như trò trẻ. Đằng sau họ; người chết nằm la liệt dưới đất: kẻ thì lắc lư cái đầu gục trên ngực, cố nhỏm dậy, kẻ thì ngọ nguậy đầu gối đang giơ cao. Nhiều con ngựa không người cưỡi, hốt hoảng phi nước đại, băng qua cánh đồng.

Halac cứ một mực kéo cương ngựa: "Tâu bệ hạ, ở lại đây nguy hiểm lắm", con ngựa cái màu xám, khuỵu chân, hất hậu. Vua Piotr lấy gót chân thúc vào hai bên sườn ngựa. Đi đã xa nhà vua vẫn ngoái cổ lại. Lúc nầy, bọn kỵ binh Đức phóng thục mạng bỏ chạy trước quân Nga: để chặn đường chúng chạy về phía thành phố, từ bên phải nhiều kỵ sĩ quần áo sặc sỡ, vừa phi ngựa qua những luống rạ màu nâu, vừa vung cao lưỡi kiếm cong của họ, với cái vẻ ngang tàng của người Tarta - đó là một số xotnia(3) của trung đoàn không chính quy của các nhà quý tộc. Từ dưới mái lợp ván gỗ che bờ tường thành, những khẩu súng hoả mai nhắm vào họ nổ đì đùng.

Sa hoàng và Halac tiến vào một khu rừng phong. Nhà vua hít không khí căng lồng ngực và cho ngựa đi bước một. Nhà vua tự trả lời những ý nghĩ của mình: "A, đúng, không phải là chuyện dễ".

- Tâu bệ hạ, xin có lời mừng bệ hạ, - Halac nói. - Bệ hạ có những kỵ sỹ rất xuất sắc.

- Rồi thì sao? Như thế chưa đủ… Nổi giận lên, phi nước dại, chém giết… Chỉ có thế thôi thì không đủ để chiếm được thành…

Vua Piotr giật cương, leo lên một ngọn đồi và trán nhăn lại, nhà vua đứng nhìn hồi lâu hàng quân và xe trải dài ra gần bảy dặm. Khắp nơi, từ các hào hố, những hòn đất bay lên uể oải. Tiếng kêu, tiếng chửi.

Mọi người không có việc làm xúm quanh những đống lửa bên những cỗ xe đã tháo ngựa. Đàn ngựa bé nhỏ, gầy nhom bị tròng chân lại. Những mảnh quần áo rách rưới phơi lòng thòng trên các bụi cây. Người ta có cảm giác như đạo quân to lớn nầy cử động và sống uể oải, miễn cưỡng.

- Đừng nghĩ đến việc đó trước tháng mười một, vô ích, - vua Piotr nói. - Chừng nào trời chưa băng giá thì chúng ta chưa có thể đưa pháo hãm thành đến được. Trên giấy tờ là một chuyện, trên thực tế lại là một chuyện khác

Nhà vua lại cho ngựa đi bước một và hỏi Halac về các chiến dịch và các trận công thành của các vị thống chế lừng danh, Voben và quận công De Lucxemburg, những bậc thầy của nghệ thuật quân sự. Nhà vua hỏi về các xưởng quân giới và các xưởng đúc pháo của Pháp.

Nhà vua lắc lắc cái cổ ngẳng của mình, bó chặt trong chiếc cà vạt vải.

- Tất nhiên… Ở đó, mọi việc đều được tổ chức chu đáo có sẵn sàng đủ mọi thứ… Hãy so sánh đường xá của họ và của chúng ta.

Melsikov nhảy qua các hào hố, phi nước đại tới;, đang còn hăng, hắn vui vẻ cười ha hả, cặp mắt long sòng sọc… Trên chiếc mũ sắt chỉ còn lại một chiếc lông độc nhất, bộ giáp đồng mang đầy vết tích gươm giáo. Hắn ghìm ngựa đứng sững lại, sườn con ngựa khó nhọc phập phồng:

- Thưa Ngài pháo thủ… Quân địch đã bị đánh lui và bị nhiều thiệt hại. Chưa được một nửa số kỵ binh Đức chạy thoát khỏi tay quân ta.

Trong lúc phấn khởi, dĩ nhiên hắn có khoác lác chút ít:

- Quân ta có hai người chết và vài người bị sây sát xoàng.

Vua Piotr thích thú nhìn Alexaska đến nỗi nhăn cả mũi lại; nhà vua nói:

- Tốt, ngươi là một chiến sĩ dũng cảm.

Buổi tối, các tướng lĩnh họp trong lều quận công Von Kroi: Artamon Golovin, kiêu kỳ và rất nghiêm nghị. ông là người đầu tiên sáng lập ra đội quân cận vệ trẻ; vương hầu Trubetxkoi - con cưng của các trung đoàn xtreletz - một nhà quý tộc đẫy đà và giàu có: Burtulin, tư lệnh đội cận vệ, lừng danh vì tiếng nói ầm ầm như sấm và quả đấm nặng nề, và Vaide, đầu hói, đang ốm thực sự, run rẩy trong cái áo khoác da cừu.

Khi Sa hoàng, Melsikov và Halac tới, quận công mời tất cả những người có mặt dự một bữa ăn xoàng tại chiến trường. Những món hiếm và thậm chí chưa từng thấy được dọn ra do một liên lạc viên của quận công đã đi kiếm các thứ đó tại Revan, rượu vang Pháp và vùng sông Ranh đổ ra như suối.

Quận công khoan khoái như cá trong nước. Ông cho thắp nến la liệt. Vung vấy bàn tay xương xẩu, ông thuật lại những trận đánh nổi tiếng mà chính ông, từ trên đỉnh cao một ngọn đồi chế ngự cả trận địa đẫm máu, một chân đặt lên một khẩu pháo đã vờ, ra lệnh cho quân giáp ky chọc thủng ô vuông của quân địch và kỵ binh đánh vào hai bên cánh, ông nhận chìm hàng sư đoàn chết đuổi dưới sông, ông đất phá các thành phố

Những người Nga, mắt nhìn xuống, vẻ lầm lì, ăn món măng non và món thịt băm của thành Stradburg.

Vua Piotr lơ đãng nhìn khuôn mặt éo cái mũi dài nghêu và bộ ria ướt của quận công. Lúc thì nhà vua gõ gõ nhịp trên bàn. Lúc thì vặn vặn xương vai như thể có cái gì làm nhà vua ngứa ngáy. Từ hồi đầu chiến dịch, người ta đã để ý thấy cái nhìn lơ đãng của Piotr Alekseevich.

- Narva! - Ông quận công vừa thốt lên vừa chìa cốc không cho viên quan hầu. - Narva! Chỉ cần một ngày pháo kích cho trúng và một trận xung phong ngắn gọn vào các pháo đài phía Nam… là chìa khoá thành Narva đặt trên chiếc khay bạc sẽ được dâng lên bệ hạ. Chỉ cần để đây một đơn vị đồn trú nhỏ và tung tất cả lực lượng của ta với đoàn kv binh triển khai ở hai bên cánh, đánh vào quân của vua Charles. Chúng ta sẽ dự bữa ăn nửa đêm ngày lễ Giáng sinh ở Revan, tôi xin lấy danh dự ra đảm bảo.

Vua Piotr rời khỏi bàn đứng dậy, đi vài bước, đầu cúi xuống để khỏi chạm vào vái lều; nhà vua nhặt dưới đất lên một cọng rơm rồi ngả mình nằm xuống giường của quận công - chiếc giường lấy của một trại ấp gần đấy. Nhà vua lấy cọng rơm xỉa răng.

- Halac đã trình ta bảng liệt kê những thứ cần thiết.

Mọi người ngừng ăn quay cả về phía Sa hoàng.

- Nếu chúng ta có tất cả những thứ nếu ra trong bản kê thì chúng ta sẽ chiếm được Narva. Chúng ta cần sáu mươi khẩu pháo hãm thành… - Nhà vua ngồi dậy rút trong ngực ra một tờ giấy nhầu nát ném lên bàn, trước mặt Golovin - Đọc đi… Trong lúc nầy, ta chưa có lấy một khẩu pháo tốt ở chiến luỹ. Revin đang chật vật trong bùn trước thành Tver với những khẩu pháo hãm thành… Hôm nay ta được biết là các khẩu súng cối đều nằm cả lại trên cao nguyên Vandai… Đoàn xe chở thuốc súng hiện nay còn ở trên hồ Inmen… Vậy các ngài nghĩ gì về việc đó, các ngài tướng soái?

Các viên tướng nhích một ngọn nến lại gần, cúi xuống đọc bản kê. Chỉ có Melsikov mỉm một nụ cười hiểm ác trước cốc rượu đầy tràn của mình, ngồi riêng ra một nơi.

Sau một lát im lặng, Sa hoàng nghiêm nghị, thong thả nói tiếp:

- Đây không phải là một doanh trại, đây là nơi tụ tập của bọn digan. Chúng ta đã chuẩn bị trong hai năm ròng… Vậy mà chẳng có gì sẵn sàng hết… Còn tồi tệ hơn cả trước thành Azop. Còn tồi tệ hơn cả thời Vaska Golixyn…

Alexaska gõ đinh thúc ngựa kêu lách cách, và cười, mồm rộng tới mang tai.

- Thằng vô lại Một doanh trại mà thế nầy à? Lính tráng thì thơ thẩn trong các đoàn xe quân lương… Đầy rẫy lũ đàn bà nông thôn, bọn con gái Phần Lan… Tiếng ồn ào. Sự lộn xộn… Lính tráng làm việc uể oải, trông chúng mà phát tởm… Bánh mì thì mốc xanh… Tại một số trung đoàn, thịt muối chỉ có đủ cho hai ngày… Thịt đâu cả? ở Novgorod à? Tại sao không có ở đây? Mùa mưa sắp bắt đầu, chỗ trú của binh lính đâu?

Trong lều chỉ nghe thấy tiếng nến nổ lép bép. Ông quận công không hiểu rõ vấn đề gì, tò mò hết nhìn Sa hoàng lại nhìn các viên tướng.

- Chúng ta rời khỏi Moskva ra đi đã hai tháng nay mà chúng ta vẫn chưa tới. Thế mà cũng gọi là chiến dịch? Các ngài có biết vua Charles đã bắt vua Chrixtian phải ký kết một hoà ước nhục nhã và nộp một món tiền là hai mươi lăm vạn đồng tiền vàng không? Hiện nay vua Charles đã cho cả đoàn quân đổ bộ lên Perno và đang tiến về Riga… Nếu giờ đây hắn đánh bại vua Auguste ở Riga thì đến tháng mười một, chúng ta phải đón hắn ở đây, trên đất nước chúng ta… Ta sẽ đón tiếp hắn ra sao?

Artamon Golovin, cấp bậc cao nhất và lâu năm nhất bọn, đứng dậy vừa cúi chào vừa nhíu đôi lông mày trắng xoá:

- Tâu bệ hạ, nhờ ơn Chúa…

Vua Piotr ngắt lời, một mạch máu căng phồng trên trán:

- Chúng ta cần có pháo. Cần có đạn trái phá? Một trăm hai mươi nghìn viên đạn pháo. Phải có thịt muối, lão già ngu ngốc kia

Mưa lại trút xuống, không ngớt, liền trong mười lăm ngày ròng rã. Những đám sương mù dày đặc từ biển bay vào. Nước ngập các nơi trú quân, nước nhỏ giọt trong các lều vải, người ta chẳng còn biết tránh ẩm ướt gió lạnh đêm hôm vào nơi nào nữa. Toàn thể doanh trại ngập bùn đến thắt lưng. Binh lính mắc bệnh ỉa chảy, sốt; đêm đêm hàng chục xe mang xác chết đi chôn ở cánh đồng.

Từ trong thành, địch không ngừng nã pháo và các loại súng khác vào đoàn quân vây thành. Thường thường vào tang tảng sáng, địch lại xông ra đột kích: quân Thuỵ Điển giết các lính gác, bò tới các nơi trú quân, ném thủ pháo vào binh lính đang ngủ. Ngày ngày, vua Piotr cưỡi ngựa đi thăm các công sự. Lặng lẽ nghiêm nghị áo choàng đẫm ướt, vành mũ rũ xuống, từ trong màn mưa hiện ra trên con ngựa xám, nhà vua dừng lại, đưa đôi mắt lờ đờ nhìn quanh rồi thủng thẳng bước một xa dần trên cánh đồng lầy lội, và biến vào sương mù.

Các đoàn xe chậm chạp tới. Báo cáo cho biết họ gặp nhiều khó khăn: nông dân đã hết sạch trơn, nên họ buộc phải lấy xe cộ của các diền chủ và các tu viện.

Ngựa thì bẹ nhỏ, gầy nhom rơm cỏ cho ngựa thì mục nát và tình hình một ngày một trầm trọng thêm vì những trận mưa lớn và đường xá lầy lội. Có tin đồn là trong căn nhà gỗ của ngư dân, Sa hoàng đã tự tay đánh tổng quản dốc quân nhu đến chết ngất, và đã ra lệnh treo cổ viên phó tổng quản đốc. Về lương thực, tình hình như có khá hơn đôi chút. Và trong doanh trại cũng trật tự hơn phần nào. Bọn tướng tá chẳng ra gì: người Nga thì chậm chạp quá, vốn sống theo lề thói cũ, họ lại ngu ngốc và ba hoa. Còn bọn tướng tá nước ngoài thì chỉ biết có một việc: nốc vodka để chống lại sự ẩm thấp và đánh đập bừa bãi, chẳng cần biết đúng hay sai.

Duy có một điều chắc chắn là vua Charles sau khi đổ bộ lên Perno quay về phía Riga. Hắn chỉ cần xuất hiện cũng chinh phục được các hiệp sĩ xứ Livoni và dồn được quân của vua Auguste lùi sang Kurlan còn vua Auguste thì hiện đang ở Warsawa, giữa cái tầng lớp quý tộc bị chia rẽ vì những sự tranh chấp và từ đó nhà vua đã cử mật sứ đến gặp Sa hoàng xin tiền, xin quân Cô-dắc, xin pháo, xin bộ binh… Trước thành Narva, mọi người đều biết sẽ phải chạm trán với quân Thuỵ Điển vào tiết băng giá đầu tiên.

Seremetiev dẫn đầu bốn trung đoàn kỵ binh không chính quy, được vội vâ phái đi tiến công địch, tiến đến tận Vedenberg và đánh tan được đạo quân án ngữ của Thuỵ Điển, nhưng đột nhiên, ông rút lui về phía hẻm núi Pihajogi, cách Narva khoảng bốn mươi dặm, và từ đó viết thư về cho Sa hoàng:

"Thần đã rút lui không phải vì sợ hãi mà là để tránh tổn thất cho quân ta. Trước Vedenberg có những đầm lầy ghê gớm và những khu rừng mênh mông bát ngát. Cỏ ngựa không những ở vùng đó mà cả ở các vùng lân cận đều bị thối nát hết. Và điều làm thần lo sợ hơn cả là bị mất liên lạc với Narva… Còn bệ hạ bực bội vì thần đốt phá làng mạc và giết dân Phần Lan thì xin bệ hạ cứ yên tâm: thần có đốt một số nhỏ làng mạc cốt để cho địch không tìm được nơi trú ẩn. Hôm nay thần đã ra lệnh cấm từ giờ trở đi, không được phá phách vùng đó nếu không có lệnh đặc biệt. Tại nơi thần đang đóng quân ở Pihajogi, địch không thể nào lọt qua mắt thần được. Thần sẽ không lùi nữa và ở nơi đây chúng thần sẽ hy sinh đánh đến cùng, xin bệ hạ cứ tin như vậy".

Sau đó, chẳng biết may hay rui cho quân Nga, trời nổi gió Bắc. Trong một ngày, gió xua tan hết sương mù ẩm ướt, mặt trời thấp lè tè, le lói chiếu sáng nơi trú quân chìm ngập trong bùn. Trong thành phố, một con gà trống vang lóe lên trên đỉnh tháp một ngôi nhà thờ.

Băng giá khiến đất chắc lại. Các đoàn xe chở đạn dược dần dần tới nơi. Hai mươi cặp bò kéo đến những khẩu đại bác lừng danh: khẩu "Sư tử" và khẩu "Gấu", mỗi khẩu nặng ba trăm hai mươi pud: những khẩu súng đó đã được Andrey Sokhov và Xemion Dulbinka đúc một trăm năm trước đây ở Novgorod. Những khẩu trái phá, những khẩu súng cối ngắn, có thể bắn những viên đạn nặng ba pud, trườn đi trên những bánh to và thấp nom y tựa những con rùa. Tất cả bộ binh đều súng ống sẵn sàng, tất cả các trung đoàn kỵ binh đều lên ngựa, kiếm tuốt trần, đề phòng quân Thuỵ Điển xông ra đột kích.

Hai trăm người dùng dây thừng kéo khẩu "Sư tử" và khẩu "Gấu" đưa lên luỹ chính, đối diện với những pháo đài phía Nam của thành. Suốt đêm hôm ấy, các khẩu trái phá và súng cối được đặt vào vị trí.

Trong thành, quân địch cũng không ngủ, chuẩn bị đánh lui cuộc tấn công của đối phương; trên các tường thành lập lòe những ngọn đèn con, quân canh gọi nhau í ới.

Tang tảng sáng ngày mồng năm tháng mười một, vua Piotr leo lên đồi Hecmansberg, có ông quận công và các tướng soái theo sau. Gió buốt căm căm, doanh trại còn chìm đắm trong cảnh chạng vạng, ánh mặt trời đỏ lóe đọng trên những mái nhà nhọn hoắc của thành phố và trên lỗ châu mai các tháp. Ở chân đồi, những tia lửa dài lóe lên, súng đại bác nổ vang, rung chuyển cả cánh đồng, đạn trái phá vạch những đường cánh cung tóe lửa bay về phía thành phố, khói phủ kín doanh trại và các bức tường thành. Vua Piotr hạ thấp ống nhòm và phình lỗ mũi, gật đầu ra hiệu cho Halac. Halac cho ngựa tiến lại gần tặc tặc lưỡi:

- Hỏng. Đạn đi không được xa. Thuốc súng chẳng ra gì?

- Làm thế nào bây giờ?

- Ngay tức khắc phải tăng liều thuốc… Miễn là các khẩu pháo đủ sức chịu nổi

Sa hoàng phóng xuống chân đồi, vượt qua chiếc cầu rút và lao qua cổng làm bằng rầm gồ sồi, phi ngựa qua rào gỗ và các chướng ngại vật cự mã. Ở khẩu đội trung tâm, pháo thủ tưới nước pha dấm vào nòng súng dài nghêu của khẩu "Sư tử" và khẩu "Gấu". Khẩu đội trưởng là người Hà Lan Yakov Vintesievec, một thuỷ thủ già béo lùn với bộ râu dài nhét vào trong cổ áo; y tiến lại gần Sa hoàng và bình tĩnh nói.

- Cái thứ nầy chẳng ra gì… Cái thứ thuốc súng nầy chỉ để bắn chim sẻ thì tốt. Nó chỉ tóe ra khói và bồ hóng

Vua Piotr cởi bỏ áo choàng, áơ chẽn, sắn ống tay áo lên và cầm lấy chổi thông nòng súng của pháo thủ, thọc mạnh lau nòng súng đầy bồ hóng.

- Nhồi thuốc!

Từ dưới hầm, các pháo thủ làm dây chuyền, chuyền tay nhau những gói thuốc súng bọc trong giấy màu xám.

Vua Piotr xé một góc gói thuốc, dốc thuốc vào lòng bàn tay, và giận dữ thở phì phì như mèo. Nhà vua nhét sáu gói vào nòng súng

Yakov Vintesievec nói:

- Như thế nguy hiểm đấy ạ!

- Câm mồm, câm mồm… Đưa đạn đây!

Vua Piotr tung tung trên tay viên đạn tròn nặng trĩu, lăn nó vào nòng súng rồi ấn mạnh chiếc chổi thông nòng lèn chặt viên đạn. Nhà vua ngồi thụp xuống để ngắm, - quay một chiếc ốc.

- Châm ngòi! Tránh cả ra.

"Gấu" nổ một tiếng như xé màng tai, khạc ra lửa, nặng nề giật lùi lại trên đôi bánh bằng gang và chúi nòng xuống: Viên đạn bay đi, nom như một quả bóng cứ bé dần; đá trên tháp pháo đài Gloria bắn tung tóe, một cửa pháo trên thành đổ ụp.

Yakov Vintesievec nói:

- Ồ khá đấy.

- Cứ tiếp tục như thế!

Vua Piotr mặc áo chẽn vào rồi phi ngựa đến chỗ khẩu dội súng trái phá. Lệnh được truyền tới tất cả các khẩu đội phải tăng gấp rưỡi liều thuốc nổ. Tiếng gầm của một trăm ba mươi khẩu pháo lại làm rung chuyển mặt đất… Từ các khẩu súng cối, họng súng nghếch lên trời, một ngọn lửa kinh khủng tóe ra. Khi gió đã xua tan những đám khói, người ta thấy hai ngôi nhà cháy bùng bùng trong thành phố. Loạt súng thứ hai đã có kết quả tốt. Nhưng ngay sau đấy, người ta được biết tại trận địa pháo phía Tây có hai khẩu mới đúc ở xưởng của Lev Kirilovich tại Tula đã vỡ tan; trục giá súng của nhiều khẩu đã rạn nứt. "Cái đó sẽ xét sau… Ta sẽ tìm ra thủ phạm… Cứ như thế mà tiếp tục bắn đi!"

Trận bắn phá Narva đã mở đầu như vậy kéo dài và dài không ngừng đến tận ngày mười lăm tháng mười một.

Fenten, đầu bếp của Sa hoàng, vừa bực bội làu nhàu vừa làm món trứng tráng trên những thanh củi nhỏ đặt trước lò. Gã phụ bếp đã phải phi ngựa đến tận vùng lân cận Yamburg, kiếm mãi mới được một chục trứng nhưng trứng đều ung cả.

- Mi làu nhàu cái gì thế? Cho hạt tiêu vào, Fenten, cho hạt tiêu vào!

- Tâu bệ hạ, thần nghe thấy rồi. Hạt tiêu ạ!

Vua Piotr ngồi tựa lưng vào bức tường lò nóng bỏng. Chi có chỗ đó là ấm. Trong căn buồng xép, sau bức vách, nơi Sa hoàng và Alexaska ngủ, gió vẫn lọt qua các kẽ tường - Giờ đây, giữa nửa đêm, người ta nghe thấy tiếng gió gào và cánh chiếc cối xay bên cạnh ngôi nhà nhỏ trên đảo kêu ken két. Những thanh củi nhỏ gỗ phong nổ lách tách nghe vui tai. Anh chàng Fenten béo lùn và hay càu nhàu đã bày thực phẩm ra trước lò thỉnh thoảng lại ngửi. Ánh lửa đỏ rực chiếu sáng cái mũi to cau có.

- Nầy Fenten, nếu quân Thuỵ Điển bắt được mi làm tù binh thì sao?

- Tâu bệ hạ, thần nghe đây!

- Chúng sẽ kêu ầm lên, a, a, tên đầu bếp của Sa hoàng đấy? Và chúng sẽ treo ngươi chân mi lên.

- Vâng, thì chúng cứ việc treo thần lên. Thần biết rõ bổn phận của thần là thế nào!

Gã lấy một chiếc khăn lau tay sạch phủ lên mặt bàn bằng gỗ ván, đã lung lay; đặt lên bàn một cái bình nhỏ bằng sành đựng rượu nặng hoà với hạt tiêu, cắt chiếc bánh mì đen nguội ra từng khoanh. Sa hoàng ngậm tẩu hút từng hơi ngắn, thán phục nhìn các động tác khéo léo, mềm dẻo, nhanh nhẹn của Fenten; chân gã đi ủng dạ và mình mặc áo bông, ngoài thắt một chiếc tạp dề.

- Ta không nói chơi đâu, điều ta nói về quân Thuỵ Điển là ta nói thật đấy… Mi nên thu xếp đồ lề của mi lại cho gọn gàng thì hơn!

Fenten liếc nhìn Sa hoàng. Gã đã hiểu: vua Piotr không nói đùa. Gã nhấc chiếc chảo có đựng trứng tráng từ bếp lò, đặt thẳng lên bàn, rót vodka vào cốc thiếc:

- Tâu bệ hạ bữa ăn đã dọn xong!

Gió làm rung chuyển cả ngôi nhà nhỏ. Ngọn nến chập chờn, Melsikov ồn ào bước vào:

- Thời tiết xấu quá!

Hắn nhăn mặt, tháo nút đai và hơ tay sưởi trên đống củi nhỏ phía trước lò.

- Ông ta sẽ tới ngay đây

Nhà vua hỏi:

- Nhịn ăn mà đến à?

- Ông ta đang ngủ. Thần chẳng chờ đợi gì, cứ kéo ông ta ra khỏi giường

Alexaska ngồi đối diện với vua Piotr và xem lại cái bàn có vững chãi không. Hắn rót vodka, uống và lắc đầu. Trong một lát, hai người im lặng ngồi ăn. Vua Piotr khẽ nói:

- Chậm quá mất rồi… Chẳng còn sửa chữa được gì nữa.

Alexaska nuốt vội, đáp lại:

- Nếu hắn ở cách đây một trăm dặm và nếu Seremetiev không chặn được hắn lại, thì ngày kia hắn sẽ tới đây. Ta cứ ra ngay nơi đồng trống, làm sao mà kỵ binh của ta lại không thắng được? - Hắn tháo khuy cổ và quay về phía Fenten - Còn ít xúp bắp cải nào không? - Hắn lại tự tay rót cho mình một cốc rượu thứ hai - Quân của hắn nhiều lắm là mười ngàn người - bọn tù binh thề trên Kinh thánh là như vậy. Lẽ nào ta lại vụng về đến thế được? Thật là bực mình!

- Thật là bực mình, vua Piotr nhắc lại. - Trong hai ngày, ngươi không thể làm cho người ta trở nên thông minh được đâu… Nếu tình hình trở nên bất lợi ở Narva thì ta sẽ chặn hắn lại ở Pskov và ở Novgorod.

- Myn Herz, chỉ nghĩ đến việc đó cũng đã là có tội rồi!

- Thôi được, thôi được…

Hai người nín lặng. Fenten ngồi xổm, thổi than cho hồng, hãm bia trong chiếc cà mèn đồng.

Trước thành Narva, tình hình trở nên bất lợi. Trong hai tuần, quân Nga đã bắn phá thành phố, đã nổ mìn, đã đào đường hầm để lấn dần tới - mà vẫn không phá nổi tường thành, cũng không đốt cháy được thành phố. Các tướng lĩnh không dám quyết định xung phong.

Trong số một trăm ba mươi khẩu pháo thì một nửa đã bị vỡ hoặc bị hỏng. Hôm qua, người ta đã kiểm lại kho: trong các hầm pháo chỉ còn đủ thuốc súng và đủ đạn trái phá cho một ngày, vậy mà các đoàn xe chở thuốc súng vẫn còn ì ạch tận đâu đó tại vùng lân cận Novgorod.

Quân Thuỵ Điển cố đi gấp tới bằng con đường đi Revan và giờ đây có lẽ chúng đang giao chiến tại hẻm núi Pihajogi với Seremetiev. Quân Nga bị kẹp trong thế gọng kìm, - giữa pháo binh của thành Narva và quân của vua Charles đang tiến đến.

- Chúng ta làm ầm ĩ quá… Cái đó thì ta giỏi lắm - vua Piotr quăng chiếc thìa. - Chúng ta chưa học được cách điều khiển chiến tranh. Chúng ta đã không bắt đầu bằng những việc đúng đắn… Tất cả những cái nầy chẳng có giá trị gì. Muốn một khẩu pháo bắn được tốt ở đây phải nhồi thuốc tận Moskva… Hiểu chưa?

Alexaska nói:

- Khi nãy đi ngựa qua doanh trại, thần có nghe thấy binh lính đại đội một trò chuyện quanh đống lửa. Họ chờ đợi quân Thuỵ Điển. Cả doanh trại đều xôn xao. Họ nguyền rủa các tướng soái ghê lắm… Một tên nói: "Viên đạn thứ nhất, tớ sẽ dành cho thằng trung uý của tớ…".

- Tướng soái gì cái lũ ấy! - Mắt vua Piotr long lên. Họ chỉ được cái kéo cờ đi diễu trên tường thành thì giỏi thôi. Bọn tổng trấn… mục nát cả rồi

Lức đó, Alexaska nhìn trộm Sa hoàng, thận trọng nói:

- Piotr Alekseevich… Bệ hạ hãy giao quân cho thần trong ba ngày tới! Thần xin thề là…

Làm như không nghe thấy, vua Piotr lấy túi thuốc lá trong túi áo. Nhà vua vừa lấy ngón tay nén thuốc vừa khẽ bảo:

- Bắt đầu từ ngày mai Von Kroi sẽ là tổng tư lệnh. Hắn là một thằng ngốc hoàn toàn, nhưng được đào tạo ở bên Âu: hắn là một võ tướng. Dưới quyền hắn, bọn nước ngoài trong quân đội ta sẽ cảm thấy phấn chấn hơn… Hãy chuẩn bị đi, nghe chưa? Tang tảng sáng ta sẽ lên đường!

Nhà vua thở rồi kéo cây nến lại châm tẩu. Alexaska khẽ hỏi:

- Piotr Alekseevich, ta đi đâu?

- Đi Novgorod.

Cuối cùng Sa hoàng nhìn vào cặp mắt xanh trong, tròn xoe vì kinh ngạc của Alexaska. Bỗng nhà vua đỏ mặt tía tai, mạch máu căng phồng trên trán nhớp nháp mồ hôi, và cố ghìm cơn giận dữ:

- Thằng ranh con nầy, ngươi chẳng mất gì, không như ta… Ngươi tưởng rằng thành Narva là khởi đầu và kết thúc sao? Chiến tranh chỉ mới bắt đầu thôi… Ta phải thắng… Nhưng với quân đội kia thì không thể nào được… Hiểu chưa? Cần phải bắt đầu từ hậu phương, từ những xe ngựa của các đoàn vận tải… Phi ngựa, gươm tuốt trần chẳng là cái quái gì hết… Đồ ngốc, ngươi muốn tỏ ra dũng cảm hơn Charles chăng?" Cúi đầu xuống! - Một vẻ giận dữ điên cuồng thoáng hiện trên mặt nhà vua. - Ta cấm ngươi nhìn ta như vậy!

Alexaska không tuân lệnh, không cúi đầu xuống; một sự hổ thẹn chua xót làm nước mắt hắn trào ra, một giọt lăn trên gò má rắn rỏi của hắn. Vua Piotr nheo mắt nhìn hắn trừng trừng. Hai người đều nín thở. Bỗng nhà vua khẽ cười, ngả người về đằng sau, tựa lưng vào tường và thọc hai tay vào túi.

Nhà vua nhại giọng nói của Alexaska:

- "Myn Herz", anh bạn tâm tình thân thiết của ta ơi. Nhà ngươi hổ thẹn cho ta ư? Hãy kiên nhẫn. Nếu còn xảy ra chuyện gì nữa là mọi người sẽ quay mặt đi mà bảo rằng: ông ta sợ vua Charles, ông ta đã bỏ quân đội ù té chạy về Novgorod, như xưa kia trốn vào tu viện Ba Ngôi… Thôi được… Hãy chùi mõm đi. Ra đón các vị khách của ta: các ngài tướng soái đã tới!

Tiếng lính gác hô. Tiếng vó ngựa gõ trên mặt đất băng giá. Bên ngoài, lập lòe ánh đuốc. Ông quận công bước vào, đinh thúc ngựa kêu lách cách, theo sau là các tướng soái mặt hoảng hốt và đỏ ửng vì gió rét: có chuyện gì xảy ra vào lúc đêm hôm khuya khoắc thế nầy?

Vua Piotr gật đầu chào họ rồi bước lại chỗ quận công ôm hôn ông ta. Nhà vua giơ tay ra hiệu cho Melsikov cầm lấy cây nến rồi đi vào buồng xép, sau bức vách gỗ ván.

Vào đến trong buồng, Melsikov đặt cây nến xuống một chiếc bàn con, ngổn ngang giấy tờ và rắc đầy sợi thuốc lá vụn. Mọi người đều đứng; vua Piotr ngồi xuống, cầm lấy một tờ giấy và mấp máy môi, nghiêm nghị nhấm đọc lại những dòng chữ nguệch ngoạc, lấm tấm tàn thuốc. Nhà vua dằng hắng rồi chẳng nhìn ai, lên tiếng đọc giọng cương quyết, nghiêm khắc:

- In Gottes Nanlen(4), nhân danh Chúa. Vì đức Sa hoàng có công việc cực kỳ quan trọng đòi hỏi, phải rời khỏi quân đội, ta giao quân đội cho điện hạ quận công Von Kroi, theo những điều khoản dưới đây…

Ông quận công lúc đó đứng sát ngay bên bàn, rung đùi. Vua Piotr nhìn cái đùi gầy nhom bó chẽn trong ống quần dạ trắng rồi nhìn hai bàn tay khắng khiu, đang nắm đốc kiếm bằng vàng.

- Khoản thứ nhất: Điện hạ quận công được bổ nhiệm làm thống tướng… Thứ hai, tất cả các tướng sĩ cho đến binh lính đều phải tuân lệnh quận công như tuân lệnh chính Đức Sa hoàng vậy… Thứ ba… - Nhà vua cất cao giọng - Phải làm tất cả để chiếm ngay Narva và Ivan-gorod… Thứ tư… Trong trường hợp các tướng sĩ hoặc binh lính bất tuân thượng lệnh, có quyền trừng phạt như thần dân, cho đến và kể cả xử tử.

Vua Piotr nhìn các tướng qua đầu ông quận công: Vaide tỏ ý tán thành, gật đầu; vương hầu Trubetxkoi phùng đôi má đẫm mồ hôi; mái tóc bạc trắng, cắt ngắn của Buturlin lay động trên vầng trán ngắn:. Artamon Golovin cúi đầu, dường như tủi nhục và tai hoạ đã đè nặng trên vai.

- Ngoài ra, điện hạ quận công sẽ tìm hiểu cặn kẽ về viện binh của quân Thuỵ Điển. Khi biết rõ là vua Charles đã tới và nếu lực lượng của y tỏ ra hùng hậu thì phải theo dõi y chặt chẽ, không để y lọt được vào thành Narva, và nhờ ơn Chúa phù hộ, tìm cách đánh bại y. Nhưng nếu có thể, đợi viện binh đến vẫn là hơn cả.

Nhà vua hạ thấp tờ giấy xuống và nói với ông quận công:

Repnin và viên Hetman chỉ huy đội quân Cô-dắc cùng các đoàn xe chở đạn dược hiện cách đây vài ngày đường… - Nói với Golovin - Ngồi xuống và chép lại sạch sẽ.

Có người gõ cửa phòng chờ. Melsikov, vẻ lo âu, lách ra, đi sang bếp. Có người nào đó bước vào qua cánh cửa để mở, cùng với tiếng gió rít, tiếng la hét ầm ĩ của nhiều người ở xa xa lọt vào. Vua Piotr, xô một người đứng đó, bước vào bếp.

- Cái gì thế? - nhà vua thét lên giọng dữ dội.

Một người trai trẻ đứng trước nhà vua; mặt mũi hốc hác, nhưng hồng hào như một cô gái, mũi hếch, mắt táo tợn; trên tai mớ tóc vàng hoe bết máu đã đông lại.

Melsikov nói rất nhanh;

- Pavel Yaguzinski, trung uý, hậu cần của Boris Petrovich Seremetiev.

- Thế sao?

Nét mặt người trai trẻ run lên, y ngẩng mặt về phía Sa hoàng:

- Tâu bệ hạ, Boris Petrovich sai hạ thần đến xin chỉ thị của bệ hạ về nơi đóng quân của các trung đoàn.

Vua Piotr nín lặng. Các tướng soái hốt hoảng, chen chúc nhau trước cửa phòng xép.

Melsikov vội vàng mặc chiếc áo bông ngắn.

- Chúng đã nhục nhã bỏ chạy, chạy từ Pihajogi trốn về đây, mất cả mũ… Thế mà cứ tự hào là quý tộc?

Sáng ngày 17 tháng mười một, các trung đoàn chế ngoại của đội cảnh vệ quý tộc được các trạm gác cho biết là đêm qua, quân tuần tra Thuỵ Điển tránh các đường hẻm đã men theo bờ biển lọt vào sau lưng họ, trên đường đi Revan. Thế là hàng ngũ xáo trộn, bất chấp lệnh của Boris Petrovich Seremetiev, họ bỏ Pihajogi, sợ bị cắt đứt với đại quân: Seremetiev phóng ngựa đuổi kịp các đơn vị đã bị hôn loạn, ông nắm lấy dây cương, gào thét, lấy roi quất cả người lẫn ngựa, nhưng những người đến sau cứ xô tôi ngựa của Boris Petrovich quay cuồng trong đảm loạn quân đang ào ào chạy trốn.

Ông chỉ tập hợp được vài đơn vị để bảo vệ hậu quân, ngăn không để một phần đoàn xe rơi vằo tay quân Thuỵ Điển. Quân Thuỵ Điển xuất hiện vào lúc mặt trời mọc, trên khắp các ngọn đồi đá, mình mặc áo giáp sắt, đầu đội mũ sắt có mui. Quân Thuỵ Điển không đuổi theo họ. Các trung đoàn quý tộc phi ngựa chạy trốn. Đến đêm, họ tới trước hàng rào của doanh trại Narva: Các trạm gác trên đồn luỹ, trong đêm tối, tường họ là quân địch, nổ súng. Đám kỵ sĩ điên cuồng thét lên: "Bạn đây bạn đây…" Toàn thể doanh trại ồn ào như một tổ ong.

Trung uý Pavel Yaguzinski được phép vào doanh trại bèn phi ngựa đến gặp Sa hoàng. Một trận gió lạnh buốt thổi ào ào. Các sĩ quan quý tộc, đã xuống ngựa, đứng ở bên kia hàng rào, trước cái cầu rút đã được kéo lên. Từ trên các hàng rào có tiếng gọi họ: "Nầy, các ngài quý tộc, sao các ngài chạy đến đây nhanh thế? Các ngài muốn đến hãm thành chăng, các ông bạn thân mến?". Khắp doanh trại, tiếng trống nổi lên, ánh lửa đi lại nhấp nhô, lính kỵ mã cầm đèn lồng phi ngựa chạy. Tại các trung đoàn và các đại đội, bên quân kỳ, sắc chỉ của Sa hoàng được đọc lên, báo tin nhà vua giao quân đội cho quận công quang vinh và bách chiến bách thắng Von Kroi. Mọi người lặng ngắt, bàng hoàng và lo sợ. Chẳng mấy chốc, tin đồn truyền đi là Sa hoàng đã rời khỏi doanh trại và quân Thuỵ Điển, binh lực hùng hậu, đóng ở cách đấy có năm dặm.

Không một ai ngủ được. Họ đốt lửa, ngọn lửa tan tác trước gió. Sáng tới, người ta đưa quân của Seremetiev sang bên cánh phải. Không được vào bên trong hàng rào, họ bày trận ngay bên bờ sông Narova ở mé thượng lưu phía trên thành phố, nơi dòng nước gào thét dữ dội ở chỗ thác đổ, giữa những hòn đảo nhỏ. Trời sáng rõ, không thấy quân Thuỵ Điển. Những đội trinh sát không phát hiện thấy địch đâu cả; quân của Seremetiev thì thề sống thề chết là địch đã đuổi họ bén gót từ Pihajogi.

Giữa tiếng kèn đồng rè rè om xòm, quận công Von Kroi, mặc chiếc bào lộng lẫy, gậy thống chế chống bên sườn và theo sau ông, cách nửa mình ngựa là các tướng Golovin, Trubetxkoi, Buturlin, hoàng tử xứ Imerexi và vương hầu Yakov Dolgoruki, đi một vòng doanh trại.

Quận công lấy cạnh bao tay vuốt vểnh bộ ria quặp, hô lớn với quân lính: "Chào các bạn dũng cảm! Chúng ta thề hy sinh vì Sa Hoàng!". Tại tất cả các trung đoàn, quân lệnh được đọc lên giữa tiếng trống rền:

"Đêm nay, một nửa quân dội sẽ phải súng ống sẵn sàng… Tang tảng sáng, mỗi người sẽ nhận được hai mươi bốn viên đạn. Khi mặt trời mọc, toàn quân sẽ đứng thành hàng và sau ba phát trái phá báo hiệu, nhạc sẽ cử, trống sẽ nổi và sẽ cắm tất cả cờ lên các công sự. Cách địch dưới ba mươi bước mới được nổ súng…".

Tối đến, gió xoay chiều sang hướng Tây và thổi từ phía biển vào. Trời đã rét. Lợi dụng đêm tối, tướng Thuỵ Điển Ribinh có hai kỵ binh đi theo, quấn dạ vào vó ngựa, bí mật lần tới hàng rào, đo bề sâu hào và bề cao luỹ của doanh trại quân Nga.

Aleksey Brovkin, bụng đói meo, gió thổi buốt thấu xương, đi đi lại lại trên bờ luỹ - ba bước đằng trước lại ba bước đằng sau, ngay bên lá cờ hiệu của đại đội.

Bờ luỹ chạy dài trên bảy dặm, binh lính đóng rất thưa. Tiếng kèn đồng vang lên, trống đánh dồn dập.

Súng đại bác, súng hoả mai đều nạp đạn sẵn, mồi bốc khói nghi ngút. Cờ bay phấp phới trước gió trên các công sự. Lúc đó vào hồi mười một giờ sáng

Aleksey thắt chặt dây lưng. Vị tổng tư lệnh mới không bỏ sót điều gì ngài chỉ quên có vấn đề nuôi quân.

Lâu nay binh lính và sĩ quan cấp dưới nhá toàn bánh mì khô mốc, dốc túi dốt để nhặt vụn bánh. Đêm hôm đó, quân lính chẳng được phát gì hết, kể cả bánh mì khô.

Họ đứng sừng sững trên bờ luỹ như bù nhìn giữ dưa. Đại đội của Brovkin chỉ còn tám mươi người khỏe mạnh.

Đã có một thời gian, Aleksey khao khát được chiến đấu, dẫn đại đội xông pha nơi lửa đạn, cướp cờ địch… "Cảm ơn Aleksey, ta thăng nhà ngươi lên cấp đại tá". Giờ đây hắn chỉ mong muốn có một điều: chui vào một cái hầm hôi thối nhưng ấm áp, nuốt một cà mèn cháo nóng bỏng

Mắt hấp háy trước gió, Aleksey thét người lính đứng gần đó nhất là Golikov:

- Làm cái gì mà đứng ngẩn ra thế? Đứng cho ngay ngắn nào!

Golikov không nghe thấy; gã so hai vai che manh áo rách tơi tả: nghểnhh bộ mặt có cái mũi nhọn hoắc lạnh cứng, tưởng chừng như gã đang trông thấy thần chết… Những binh lính khác cũng vậy, như đàn chó xù lông, nhìn cả về phía đồi Hecmansberg. Bên trên đồi giữa những đám mây đang lướt qua, mặt trời thấp lè tè xuất hiện rồi lại biến đi ngay. Giữa những gốc cây đã đốn và những cây phong trụi lá, lay động trước gió, những người mang nặng đang tiến bước. Người từ trong rừng đổ ra mỗi lúc một nhiều. Họ ném túi dốt và ba lô vác trên vai xuống đất rồi chạy về phía trước, sắp thành những hàng rộng và dày đặc. Những cỗ pháo do sáu ngựa kéo tới cỗ thì kéo thẳng xuống phía đồn luỹ trung tâm, những cỗ khác thì vượt qua suối phóng về phía những công sự vững mạnh của Vaide, những cỗ khác thì phi nước đại băng qua cánh đồng về phía bên phải. Sáu đội bộ binh xếp thành hàng trên đồi Hecmansberg. Kỵ binh từ trong rừng đổ ra sắp hàng đôi áo giáp sắt ánh lên nhờ nhờ. Aleksey cuống quít thét lên:

- Nổi hiệu trống cấp báo ngay!

Những hạ sĩ quan rậm ria vội nhảy choàng lên luỹ, họ kéo mũ ba cạnh xuống sát mắt đề gió khỏi thổi bay đi mất. Trống đánh rền. Leopondux Mirbac hoan hỉ chẳng hiểu vì sao, vừa trỏ vừa gọi Aleksey: "Trông kìa, tên cưỡi ngựa kia là vua Charles đấy?" Các đội quân Thuỵ Điển, hàng ngũ chỉnh tề và đều tăm tắp trông thật khủng khiếp, dường như chúng không phải là những con người mà là những sinh vật vô tri vô giác, bất tử, từ trên đồi tràn xuống, hàng ngũ chúng nửa lam nửa đen, lắc lư lay động… Xa xa trên một ngọn đồi, có năm sáu kỵ sĩ đứng; một kỵ sĩ người mảnh khảnh, đứng trước những người khác giơ tay vẫy: một số quân ky phóng ngựa về phía hắn rồi lại lao xuống đồi, phi nước đại về phía các đội quân.

Gió thổi uốn cong các cán cờ lớn cờ nhỏ trên luỹ, tiếng trống dồn nghe thật não lòng. Một đám mây tuyết xám xịt màu chì từ phía biển dâng lên nhanh ching che kín cả bầu trời. Bốn cỗ pháo có ngựa kéo phi tới và cách nào hai trăm bước thì quay ngang, chĩa nòng vào đại đội của Brovkin. Phần trước xe được tháo ra, những xe đạn màu xanh được đưa tới và cũng quay ngang.

Những tên lính vạm vỡ, quân phục màu lam thẫm, từ chỗ ngồi trên xe nhảy xuống và đứng ngay vào bên các cỗ pháo. Một đội bộ binh hàng ngũ thẳng tắp, chạy đến; nhiều người ve áo màu trắng, nhảy ra đứng trước

Những lưỡi kiếm vung lên lóe sáng, ra lệnh, hàng ngũ quân Thuỵ Điển dày đặc thêm tản ra hai bên khẩu đội pháo nằm rạp xuống đất, những tảng đất bay lên tung tóe

Aleksey lấy tay làm loa, thét to, át cả tiếng gió thổi: "Các trung uý… Hãy ra lệnh cho các hạ sĩ quan Hãy nói lại với binh lính… Chỉ nổ súng khi có lệnh, trái lệnh sẽ bị xử tử". Leopondux Mirbac, chân đi ủng vừa dài vừa to, chạy trên bờ luỹ y quát tháo bằng tiếng Đức, tay giơ gậy lên doạ… Fetka Mõm bẩn - rậm râu, gớm guốc, nom đúng là một con ngáo, dữ tợn nhe răng ra. Leopondux đánh vào đầu hắn. Gió thổi lật các vạt áo chẽn, một chiếc mũ bay tít lên cao.

Aleksey quay về phía khẩu đội pháo của hắn: "Bắn đi nhanh lên!" Cuối cùng, một tiếng nổ nặng nề, xé tai, vang lên… "Á! Cái bọn trời đánh nầy! Chúng không biết bắn…" Để trả đũa, bốn cỗ pháo Thuỵ Điển giật lùi lại và khạc lửa… Cách đấy nửa dặm, khẩu "Sư tử" và khẩu "Gấu" oai vệ lên tiếng như sấm nổ với kiểu cách riêng của chúng… "A, pháo ta bắn yếu quá". Bốn cỗ ngựa phi nước đại quay trở lại, các khẩu pháo được mắc vào và kéo đến gần luỹ hơn. Các pháo thủ Thuỵ Điển chạy theo súng; rồi lau nòng, nạp đạn và nhảy một bước tránh ra - hai tên bên bánh xe, tên thứ ba quỳ xuống, mồi cầm ở tay. Một tên, ve áo màu trắng, giơ cao thanh kiếm… Một loạt đạn nổ… Bốn quả đạn trúng vào rầm gỗ thông ở hàng rào: tiếng kim khí rít lên, gỗ vụn bay tung tóe. Aleksey lùi lại, ngã xuống. Hắn vội chồm dậy… Trong giây lát, nhưng rất rõ, chắc hắn sẽ nhớ suốt đời, hắn nhìn thấy: trên cánh đồng mấp mô đất tảng, một người trẻ tuổi, khẳng khiu như cái que, ngồi rất thẳng trên con ngựa xám phi nước đại dọc theo đường hào. Người đó đội chiếc mũ ba cạnh nhỏ; dưới mũ, một cái túi da nhỏ nẩy nẩy trên lưng, hai chân duỗi thẳng ra phía trước, không như kiểu người Nga, bàn chân thọc sâu vào bàn đạp tới gót, bộ mặt choắc, ngạo nghễ quay về phía quân Nga đang nổ súng bên kia rào; theo sau hắn, khoảng hai mươi quân giáp kỵ, cưỡi những con ngựa xương xẩu, phi thành hai hàng kép đều tăm tắp, đầu người nọ không hề vượt khỏi đầu người kia…

"Lạy Chúa, hãy nhủ lòng thương chúng con!" - Chính Golikov đã thốt ra tiếng kêu tuyệt vọng đó.

Đám mây thấp không mấy chốc phủ kín bầu trời. Trời tối sầm lại rất nhanh. Màn tuyết bao trùm cả doanh trại lẫn hàng ngũ quân giáp kỵ đang phi và các đơn vị Thuỵ Điển đang tiến bước. Giữa tiếng gió gào, đại bác bắn ình oàng, lóe lên những ánh lửa lập lờ. Hàng rào gỗ kêu răng rắc, vỡ tung ra từng mảnh. Những quả đạn rít điên cuồng bay qua đầu. Bão tuyết xoáy tít, một làn tuyết rơi chéo, lạnh buốt, táp vào mặt, bưng kín cả mắt. Chẳng còn trông thấy gì nữa: cả những việc xảy ra phía trước, bên kia hào, lẫn những việc đã bắt đầu từ mười lăm phút qua trong doanh trại.

Một tên lính của một đại đội khác, cắm đầu chạy như một thằng điên, đâm sầm vào Aleksey…, Aleksey ôm lấy hông hắn… Hắn kêu lên như người bị ma bắt: "Chúng ta đã bị phản!" Hắn vùng ra khỏi tay Aleksey rồi biến vào trong cơn bão tuyết. Lúc đó Aleksey mới nhận thấy, qua màn lốc tuyết, hình như có những mớ củi khô rơi tõm xuống hào. Vuốt mạnh tuyết bám vào mặt, Aleksey thét lên:

- Bắn! Bắn!

Dưới hào đã lúc nhúc những tên lính nhanh nhẹn. Lính thủ pháo Thuỵ Điển, tuyết táp vào lưng đã chạy đến, lấy sọt đất lấp đày hào rồi bước qua và chẳng cần đến thang, leo lên rào.

Aleksey còn trông thấy: sau khi nổ súng, Golikov lùi lại và đâm lưỡi lê ra phía trước… Một gã cao lớn, tuyết lấm tấm đầy người, nhảy qua rào, nắm lấy lưỡi lê: Golikov co khẩu súng lại, gã kia cũng kéo… Aleksey rít lên và vung kiếm đâm gã nầy một nhát xuyên qua người như chọc tiết lợn. Nhiều tên khác nhảy qua rào liên tiếp như thể cơn bão tuyết đẩy chúng tới.

Aleksey cầm kiếm đâm tới tấp, đâm vào không khí, đâm vào thịt mềm nhũn… Bỗng hắn bị một đòn đau nổ đom đóm mắt, tối tăm cả mặt mũi; đầu hắn, tất cả mặt hắn như bẹp gí xuống

Golikov không còn nhớ mình đã lăn xuống hào ra sao… Hắn bò lổm ngổm, một nỗi kinh hoàng thú vật thúc hắn… Có người nào đó vung hai tay chạy qua, hai gã Thuỵ Điển vai rộng, điên khùng đuổi theo, lưỡi lê lăm lăm trong tay… Golikov nằm ép xuống đất như một con bọ hung… "Ôi những con người mới hung dữ làm sao!" Hắn ngẩng đầu lên, tuyết ập vào đầy miệng hắn. Hắn chồm đứng dậy, loạng choạng, đâm sầm vào hai bóng người. Fetka Mõm bẩn, nằm đè lên Leopondux Mirbac, đang tìm cách cố bóp cổ hắn… Leopondux giật râu Fetka… "Mầy không thoát tay tao đâu, thằng quỷ sứ!" Fetka vừa rên lên, vừa lấy vai đè Mirbac xuống… Golikov bỏ chạy… "Ôi, những con người mới hung dữ làm sao!".

Đạo quân trung tâm của Thuỵ Điển - bốn nghìn quân thủ pháo - dữ dội đổ ập xuống đầu sư đoàn Artamon Golovin… Trận chiến đấu bên rào gỗ kéo dài mười lăm phút… Quân Nga tối tăm mặt mũi vì cơn bão, rã rời vì đói, mất hết tin tưởng vào cấp chỉ huy, không hiểu tại sao lại phải bỏ mình trong cánh địa ngục bão tuyết nầy, đã rút lui khỏi luỹ…

"Anh em ơi, chúng đã bán rẻ chúng ta… Đánh chết bọn sĩ quan đi!" Họ bắn loạn xạ, chạy lung tung trong doanh trại, người nọ dè lên người kia trong các chiến hào đầy ắp tuyết và trên những sọt đất bảo vệ các khẩu pháo. Họ đẩy lùi các trung đoàn của Trubetxkoi và cuốn họ theo. Hàng ngàn người chạy về phía các cầu, về chỗ bến qua sông.

Quân Thuỵ Điển không đuổi theo họ lâu, sợ bị lạc trong bão tuyết, giữa cái doanh trại mênh mông nầy.

Tiếng kèn đồng rè rè khẩn thiết gọi chúng trở lại ngay bờ luỹ. Nhưng một phần quân thủ pháo đã tới hàng rào cự mã - sau hàng rào nầy là đoàn xe… Bọn lính thủ pháo hét lên: "Mit Gottes Hilfel(5) Nhân danh Chúa", và nhảy vào chiếm đoàn xe lương thảo. Dưới những tấm vải gai phủ tuyết, chúng tìm thấy những thùng thịt muối đã thối và những thùng vodka. Trên một nghìn lính thủ pháo ở lì tại đó cho đến khi trận đánh kết thúc, bên những thùng rượu đã bị chọc thủng… Quân Nga chạy cuống cuồng giữa đám xe ngựa: người thì bị chém chết, người thì chỉ bị đánh đuổi.

Tiếp sau bộ binh, đội kỵ binh xông vào doanh trại qua cổng đã bị phá vỡ và lao thẳng đến pháo đài chính.

Hai khẩu đại bác "Sư tử" và "Gấu" bị chiếm ngay, pháo thủ bị chém chết. Viên chỉ huy Yakov Vintesievec bị thương ở đầu, nộp gươm hàng. Các khẩu đại bác quay nòng về phía Đông, nhả đạn vào các công sự của Vaide.

Ở đây quân Thuỵ Điển vấp phải một sự kháng cự quyết liệt; Vaide đã bố trí tất cả sư đoàn của mình bên các hàng rào gỗ thành bốn hàng dày dặc; bản thân ông cầm một ngọn giáo sĩ quan, tự tay đâm ngã những tên quân Thuỵ Điển đang leo lên. Binh lính, đứng sau, nạp đạn vào súng hoả mai, những người đứng trước bắn liên tục… Hào đầy xác chết và người bị thương. Khi đạn đại bác từ phía pháo đài chính bắn đến và khi mọi người nhận ra tiếng gầm của các khẩu "Sư tử" và "Gấu", Vaide liền phi ngựa lên bờ luỹ: "Anh em, hãy giữ vững trận địa!" Một viên đạn trái phá nổ ngay dưới chân ngựa; giữa đám tuyết bay tung tóe, trong làn khói mù mịt, mọi người trông thấy ngựa của ông chồm lên rồi ngã vật xuống.

Các trung đoàn kỵ binh của Seremetiev bị dồn về phía sông giữa các hàng rào của Vaide và khu rừng.

Những cơn lốc tuyết đập vào mặt mọi người; sau lưng họ dòng sông Narova gầm thét. Khu rừng xào xạc, đe doạ. Các kỵ binh không còn nhìn thấy gì, không còn hiểu gì hết. Về phía bên phải, từ xa vọng lại tiếng súng đại bác mỗi lúc một rền hơn… Gần ngay cạnh, trên các hàng rào, một loạt súng hoả mai nổ, tiếng kêu, tiếng rên la hấp hối ghê rợn đến nỗi tóc của con cái bọn quý tộc dựng đứng lên dưới mũ.

Boris Petrovich đứng ở trên đồi, giữa đoàn quân. Ông đã nhét chiếc ống nhòm vào túi. Ông chỉ lờ mờ nhìn thấy tai ngựa của mình… Không sao biết được tình hình xảy ra trong doanh trại. Ông chờ đợi mãi không thấy có lệnh của vị thống tướng. Hoặc ông nầy đã quên khuấy mất đoàn kỵ binh quý tộc, hoặc họ không tìm ra đoàn quân, hoặc một tai hoạ đã xảy đến.

Tiếng súng nổ vang bên cánh trái, chắc từ phía khu rừng bắn tới. Boris Petrovich nhướn mình trên bàn đạp lắng tai nghe. Ông gọi vương hầu trẻ tuổi Rostovski:

- Nầy anh bạn, hãy lấy bốn trăm quân kỵ, phi tới khu rừng và đánh bật bọn địch ra khỏi nơi đó… Với sự phù hộ của Chúa…

Vương hầu rét cóng trong bộ giáp sắt và chiếc mũ sắt, đáp lại điều gì không rõ và lao xuống đồi… Một khẩu đại bác từ khu rừng bắn ra. Một tiếng kêu vang lên, tiếng rên rĩ của một người hấp hối. Và đột nhiên, từ bên phải, bên trái và phía trước, một loạt súng hoả mai nổ, đạn bay vun vút. Boris Petrovich quay lại để ra lệnh: "Gươm tuốt trần, tiến lên. Nhờ ơn Chúa phù hộ…" Nhưng chẳng còn ma nào mà ra lệnh: ngựa nghẽo đang lùi cả lại, leo lên đồi… Hàng ngàn tiếng thét lên: "Hỏng rồi, hỏng rồi, chạy đi, vượt qua sông thôi". Boris Petrovich chẳng còn làm gì hơn được; để khỏi bị chết bẹp, ông cũng đành phải quay ngựa lại. Ông nhắm mắt, oà lên khóc nức nở, giật cương.

Những tiếng kêu gào, những tiếng thét man rợ. Đầu ngựa ngẩng cao nhấp nhô, bờm ngựa bù xù, lưng người lấm tấm tuyết, ào ào đổ xuống phía sông. Bờ sông dốc đứng, ngựa vùng vằng, khuỵu chân, lê mông, tụt xuống; những con ùa tới sau xéo lên những con trước, nhảy chồm qua những con đã ngã xuống… Trên dòng nước vàng khè, dưới màn tuyết mù mịt, quay cuồng những đầu ngựa, những mặt người đang nghẹn thở; những bàn tay giơ cao trên nước xoáy, co quắp chới với trong không khí… Thêm hàng trăm kỵ binh nhảy xuống sông Narova, bơi, giãy giụa giữa dòng nước chảy xiết, chết đuối.

Con tuấn mã của Boris Petrovich leo lên được một hòn đảo con, giữa dòng sông, và đứng đó một lúc, bụng thở phập phồng, rồi thận trọng, lại lao xuống nước nhe răng ra bơi và đưa chủ lên bờ bên kia.

Cơn bão tuyết phủ kín trận địa có lẽ còn nguy hiểm cho quân Thuỵ Điển nhiều hơn là đối với quân Nga. Sự liên lạc giữa các đội quân tấn công bị đứt, lính thông tin cuống cuồng trong trận lốc tuyết, uổng công tìm kiếm các tướng lĩnh và nhà vua. Kế hoạch táo bạo - đánh bật hai cánh quân địch bằng những cuộc tấn công dữ dội, rồi bao vây địch và dồn chúng lùi về phía thành dưới hoả lực của các pháo đài - kế hoạch nầy đã thất bại. Khu trung tâm của quân Nga bị chọc thủng ngay tức khắc, quân của Artamon Golovin đã hỗn loạn rút lui và biến mất trong cơn bão táp nhưng quân hai bên cánh đã chống cự quyết liệt không ngờ, nhất là bên cánh phải, nơi có các trung đoàn Xemionovski và Preobrazenski là những trung đoàn xuất sắc nhất.

Hơn ba tiếng đồng hồ đã trôi qua mà tiếng súng vẫn không ngớt. Tuyết quay cuồng rơi xuống rất dày.

Phải kết thúc thắng lợi trận đánh trước khi trời đổ tối. Nếu không, bốn tiểu đoàn quân Thuỵ Điển hiện đã lọt vào trung tâm doanh trại Nga, bị tiêu hao và mệt mỏi, có thể đến lượt mình sẽ bị bao vây và tàn sát, nếu quân Nga rốt cuộc dám xông ra khỏi hàng rào; theo một sự tính toán thận trọng, chúng hãy còn những đơn vị nguyên vẹn ở hai bên cánh khoảng mười lăm ngàn người.

Khi trận đánh bắt đầu, vua Charles chỉ huy ba tiểu đoàn quân giáp ky, đứng ở giữa các đạo quân của Xtenboc và Mayden để quan sát cuộc tấn công đồng thời vào trung tâm và vào cánh phải quân Nga. Chính ở đó nhà vua đã bất kỳ bị cơn bão ụp xuống. Các đơn vị tấn công đã biến mất sau một màn tuyết: thậm chí không còn trông thấy ngọn lửa ở họng các khẩu pháo. Vua Charles ngẩng đầu lên, nghiến răng, say sưa lắng nghe những tiếng ầm ầm của cuộc chiến đấu. Viên sĩ quan thủ pháo đã chọc thung khu trung tâm và đang đánh đuổi quân Nga về phía doanh trại. Vua Charles nắm lấy vai viên sĩ quan và thét vào tai hắn:

- Về nói với tướng Renxkjon, nhà vua ra lệnh ngừng đuổi địch, chiếm đóng pháo đài chính, chuẩn bị phòng ngự và đợi lệnh của ta.

Nhà vua phái hết lính liên lạc nầy đến lính liên lạc khác tới cánh phải gặp Slipenbac đang tấn công trận tuyến kiên cố của Vaide một cách vô hiệu quả.

"Hãy nói với tướng Slipenbac là nhà vua rất lấy làm lạ!". Vua Charles ra lệnh tiếp viện cho Slipenbac hai đại đội dự trữ, nhưng người ta không tìm thấy hai đại đội đó và không phái được viện quân đi. Quân Thuỵ Điển tấn công dữ dội vào hàng rào đã bị phá vỡ một nửa; tướng Vaide bị thương vì một mảnh đạn trái phá; quân Nga tiếp tục chống cự bằng bất cứ vật gì vớ được.

Nguy cơ mỗi lúc một tăng. Hôm trước tại hội nghị quân sự, tất cả các tướng lĩnh đều lên tiếng phản đối cuộc hành binh điên rồ trước thành Narva: với một vạn quân lính đói khát mệt lừ, lại phải vác nặng, cuộc tấn công diễn ra nhanh quá đến nỗi phải bỏ cả các đoàn xe quân lương lại, xông vào một đội quân năm vạn người nấp sau những công sự kiên cố… Như thế thật là liều lĩnh… Nhưng vua Charles đã nói: "Kẻ nào tiến công là kẻ ấy thắng: nguy hiểm làm sức mình tăng lên gấp bội, ngày mai các ngươi sẽ giải Sa hoàng Piotr về tới lều ta…". Nhà vua trình bày với các tướng lĩnh cách bố trí quân: nhà vua đã trù liệu trước tất cả mọi việc trừ cơn bão tuyết.

Dướn mình trên yên ngựa, người phủ đầy tuyết, vua Charles nghếch mũi lên, lắng nghe tiếng ồn ào của trận đánh. Nhà vua say sưa với mối hiểm nghèo. Ngay cả cuộc săn gấu ở khu rừng Kungxo cũng không thể bì được cái trò chơi nầy. Gió ầm ầm đưa lại những tiếng nổ từ cánh trái, nơi hai tiểu đoàn lính thủ pháo của tướng Lovenhop đang tấn công vị trí của các trung đoàn Xemionovski và Preobrazenski. Có thể nào, cả ở đó nữa, tại điểm quyết định nhất ấy, cũng chưa thu được thắng lợi sao?

Vua Charles quay lại nắm lấy dây cương ở đầu một con ngựa, Vì bão tuyết nhà vua không trông thấy cả ngựa lẫn người cưỡi, và hét to ra lệnh tiếp viện cho Lovenhop bốn đại đội dự trữ. Đầu con ngựa lắc mạnh, ngẩng lên rồi biến mất. Người ta cũng không tím thấy các đại đội đó và như thế là không có quân đi tiếp viện. Tiếng súng nổ ở cánh trái mỗi lúc càng thêm dữ dội. Một kỵ binh trắng toát từ trong cơn lốc tuyết nhảy ra.

- Tâu bệ hạ… Tướng Lovenhop xin tiếp viện.

- Ta đã phái đi bốn đại đội rồi kia mà… Lạ quá!

- Tâu bệ hạ… các hàng rào gỗ đã bị phá huỷ, hào đã bị sọt đất và xác chết lấp kín… Nhưng quân Nga cố thủ sau các chướng ngại vất cự mã… Chúng điên khùng vì sợ hãi và máu.. Chúng gào thét nguyền rủa và nhảy xổ vào mũi lê. Tướng Lovenhop đã bị nhiều vết thương và tiếp tục dẫn đầu quân lính, đi bộ chiến đấu.

- Chỉ đường cho ta!

Vua Charles thúc ngựa; cúi rạp xuống cố ngựa để chống lại tuyết và gió, nhà vua phi nước dại, bàn đạp chạm sát bàn đạp của viên sĩ quan, tiến về phía tiếng súng nổ, bên cánh trái. Gió rét như cắt, nhưng lại như reo lên trong lòng vua Charles… Say sưa với gió, tuyết và tiếng súng nổ ầm ầm… nhà vua thấy thèm muốn phóng lưỡi kiếm vào làn da thịt sống… Viên sĩ quan vừa thét lên cái gì đó vừa chỉ một vệt vàng trải dài trên tuyết ở phía trước mặt… Đó là lòng một con suối phủ tuyết. Vua Charles thúc gót vào bụng ngựa, con vật nặng nề vượt qua bãi tuyết vàng nhưng sa xuống một chỗ lầy; càng muốn ngoi lên nó lại càng thụt đít xuống sâu hơn và thở phì phì trong gió tuyết. Vua Charles nhảy xuống; chân trái nhà vua thụt vào lớp bùn quánh đến tận bẹn. Nhà vua giật mạnh chân ra khỏi chiếc ủng lớn, rơi mất cả mũ, cả kiếm, bò lồm cồm sang bờ bên kia; trên bờ, viên sĩ quan đã xuống ngựa, giơ tay ra, lôi nhà vua lên.

Cứ như thế, với độc một chiếc ủng và đầu trần, vua Charles leo lên con ngựa gầy gò đang run rẩy, mình phủ một lớp băng cứng rồi thúc con vật bằng chiếc đinh ngựa duy nhất, nhà vua phi nước đại về phía có tiếng súng nổ, những tiếng kêu man rợ, gần ngay đó. Con ngựa nhảy vọt qua các đống tuyết, đó là những người chết hoặc bị thương… Trước mặt nhà vua, những bóng người lờ mờ chạy đi chạy lại… Một khẩu pháo gầm lên, khạc lửa… Bỗng vua Charles trông thấy ngay bên cạnh, đám quân thủ pháo của mình, hàng ngũ lộn xộn; họ chống súng đứng đấy, vẻ mặt rầu rĩ, nhìn về phía xa xa, nơi bên kia bãi tuyết bị dẫm nhoe nhoét, đẫm máu, sau những xác chết, sừng sững những cọc chôn nghiêng và nhọn hoắc của các hàng rào cự mã. Sau hàng rào, quân Nga dày đặc như một bức tường, nghiêng ngả lay động… Chúng hò hét, điên cuồng, giơ nắm đấm và vung súng lên. Rõ ràng là một đợt tấn công vừa bị đánh lui.

Vua Charles thúc ngựa lại chỗ đám lính thủ pháo. Tiếng nhà vua hét: "Đưa ta một thanh kiếm" vang lên như một phát súng lục. Bọn lính thủ pháo quay lại, nhận ra vua Thuỵ Điển… Nhà vua ngồi trên yên, cúi xuống, giơ tay, mấy ngón tay xòe ra:

- Một thanh kiếm?

Một người giúi đốc một thanh kiếm vào tay nhà vua.

- Hỡi binh sĩ? Danh dự của vua các ngươi là ở đây, tại những hàng rào cự mã nầy… Các ngươi phải chiếm lấy Các ngươi hãy xô quân dã man hèn hạ kia nhào xuống dòng Narova. - Nhà vua vung kiếm, lập tức một tiếng kèn đồng vang lên giòn giã, rồi một tiếng kèn nữa, lại một tiếng kèn nữa mà người ta không trông thấy người thổi vì bão tuyết - Hỡi binh sĩ! Chúa và vua các ngươi đang ở đây, cùng với các ngươi! Ta dẫn đầu! Hãy theo ta!

Vua Charles phi nước đại xông tới, trên bãi tuyết đẫm máu. Những tiếng hét ghê rợn vang lên sau lưng nhà vua: "Nhân danh Chúa!" Từ phía bên kia hàng rào cự mã, tiếng súng bắn ra lẹt đẹt. Vua Charles nhằm một tên lính Nga to lớn như hộ pháp, cái đầu to cúi xuống, đang đứng giữa một lỗ hổng do đạn đại bác phá thủng ở hàng rào cự mã… Vua Charles cười gằn giật ngựa chồm lên: gã lính Nga nét mặt bỗng trở nên hung dữ phóng lưỡi lê vào ức ngựa như phóng một cái chĩa… Vua Charles nằm dài trên lưng ngựa, cảm thấy mình trôi tuột xuống; nhà vua gắng hết sức dướn người lên, đâm phập lưỡi kiếm vào ngực gã hộ pháp…

Nhưng vừa nhảy xuống đất, nhà vua loạng choạng. Chung quanh toàn là những tiếng thét, tiếng sắt loảng xoảng, tiếng đâm chẻm túi bụi, tiếng gẫy răng rắc.

Nhà vua bị xô đẩy, ngã xuống. Một chiếc ủng nặng nề dẫm lên lưng nhà vua gí nhà vua xuống tuyết… Nhưng ngay lập tức người ta nâng vua Charles dậy, xốc nhà vua đi. Đầu óc nhà vua rối bời, vua Charles tỉnh lại trên giá một khẩu đại bác, dưới một chiếc áo khoác của lính, hôi thối đến lợm mửa. Kèn nổi lệnh rut lui: Vua Charles hất tung chiếc áo, ngồi dậy.

- Cho ta đôi ủng, ta mất ủng rồi… ủng và ngựa.

Các trung đoàn xáo lộn của Golovin và Trubetxkoi, sợ bị cắt mất đường ra bến, chạy ra bờ sông và lao lên trên chiếc cầu ghép bằng thuyền, người đông đến nỗi chiếc cầu phao võng xuống: dòng nước vàng khè của sông Narova, nổi sóng to vì gió Tây, tung tóe qua lan can cầu. Ở đó, trong dòng nước ngầu bọt dưới màn tuyết, xác người, xác ngựa của đội kỵ binh Seremetiev trôi lềnh bềnh, bị chết đuối khi qua sông, cách đó năm dặm về phía thượng lưu: sóng dồn xác người lại thành đống dọc chiếc cầu đã võng xuống. Đám người gào thét từ bờ thúc tới. Chiếc cầu chòng chành võng thêm về bên phải, nước tràn qua các tấm ván lan can gẫy răng rắc, thừng gai bắt đầu đứt, các nhịp cầu ở đoạn giữa hoàn toàn bị ngập, vỡ tung. Những người ở trên cầu ngã xuống dòng nước gầm thét, nơi xác người xác ngựa đang quay lộn. Tiếng kêu la vang lên nhưng phía sau, mọi người vẫn cứ xô tới. Binh lính ngã xuống sông Narova hàng trăm người cho đến khi nửa chiếc cầu bị gãy đôi dạt vào bên bờ lầy bùn.

Xa xa, gần dòng sông, sừng sững chiếc lều của quận công Von Kroi, phía sau các trung đoàn Preobrazenski và Xemionovski. Một cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra đã hơn hai tiếng đồng hồ trên các chướng ngại vật cự mã phía Nam và phía Tây doanh trại. Không tài nào chỉ huy ra lệnh được trong cái địa ngục tuyết nầy… Trong lều hai tay ôm đầu, đại tá Blumbec béo phệ, chỉ huy trung đoàn Preobrazenski đang ngồi ở bàn. Thỉnh thoảng hắn lại thở hồng hộc. Trước mặt hắn, Halac âu sầu nhấp nháy cặp mi, nhìn cây nến, bình thản đợi lúc phải chìa đốc gươm, cúi đầu chào nộp gươm cho một sĩ quan Thuỵ Điển.

Ông quận công bước vào lều, chiếc áo cầu bằng dạ nai khoác ngoài áo giáp, lấm tấm tuyết: lưỡi trai chiếc mũ sắt hất lên, ria thõng xuống như thạch nhũ, cặp môi run run:

- Quỷ đi mà dẫn bọn Nga chó lợn nầy ra trận? - y thốt lên. - Thiếu tá Cuningam và thiếu tá Gaxt đã bị bóp cổ chết trong hầm của họ… Đại uý Vanbrec thì bị cắt cổ chết lăn ra kia, chỉ cách lều nầy độ mười lăm bước… Sa hoàng giao cho ta cái đạo quân nầy là khôn ngoan lắm! Thật là một đám súc sinh!

Halac vội vã đứng dậy và vạch bức thảm che lối vào. Một cơn lốc tuyết ập vào trong lều. Tiếng ồn ào của một đám đông hàng ngàn người át cả tiếng súng.

Quận công Von Kroi lao ra khỏi lều. Phía dưới, người ta nhận rõ hình thù chiếc cầu bị sóng đánh dạt vào bờ, nhiều người đang la thét. Bên phải nơi hàng rào của doanh trại đâm xuống sông, người đông vô kể, cuống cuồng nhốn nháo

- Mặt trận trung tâm đã bị chọc thủng, - Halac, nói, - đó là các trung đoàn của Golovin

Binh lính leo lên hàng rào, một vài nhóm lẻ tẻ chạy về phía lều.

- A, trời ơi! - quận công kêu lên. - Lên ngựa, các ngài! - y hất bỏ chiếc áo cầu bằng da nai, bộ áo giáp làm y khó cử động. - Giúp ta với, trời ơi!

Quận công Von Kroi, Halac, và Blumbec, lên ngựa, đi xuống phía sông và men theo sông lầy lội, nặng nề phi ngựa, về phía Tây, phía quân Thuỵ Điển đang nổ súng, để tự nộp mình làm tù binh, đề tự cứu lấy tính mạng họ đang bị đám tàn quân điên khùng đe doạ.

***

Đêm đã xuống. Gió đã dịu, tuyết mềm nhũn rơi xuống dày đặc. Thỉnh thoảng lại đoành một tiếng súng nổ đơn độc. Một cảnh tĩnh mịch như ở nghĩa địa bao trùm nơi đóng quân của người Nga. Không một ngọn lửa… Riêng ở khu trung tâm, tại đoàn xe quân lương chúng đã chiếm được, bọn lính thủ pháo Thuỵ Điển say khướt, đang hát ầm ĩ, giọng ồ ồ. Từ những thùng gỗ đang cháy, ngọn lửa bốc lên chiếu sáng màn tuyết trắng đang dần dần phủ kín bọn lính đã say mềm nằm bất tỉnh và các xác chết.

Artamon Golovin, Trubetxkoi, Buturlin, Buturlin, hoàng tử xứ Imerexi và Yakov Dolgoruki họp hội nghị.

Mười đại tá, trong số đó có con danh tướng Gorden và con trai của Franx Lơfo, các trung tá, thiếu tá, đại uý, trung uý - tất cả tám mươi sĩ quan chỉ huy - cưỡi ngựa hoặc đi bộ, tụ tập trước lều, nơi các vị tướng đang họp. Người ta vừa mới cử người đi điều đình với vua Charles - vương hầu Kozloski và thiếu tá Pien - nhưng họ đã rơi vào tay binh lính của họ, những người nầy nhận ra họ và họ đã bị giết chết.

Trong lều, dưới ánh lửa một thanh củi nhỏ, Artamon Golovin nói:

- Các chiến luỹ đã bị chọc thủng, ông thống tướng đã chạy trốn. Cầu gãy hết, các xe chở thuốc súng bị quân Thuỵ Điển chiếm mất cả… Ngày mai, ta không thể tiếp tục chiến đấu được nữa… Nhờ đêm tối, chừng nào quân Thuỵ Điển chưa trông thấy thảm hoạ của ta thì ta còn có thể dành được ở vua Charles những điều kiện rộng rãi, cứu lấy vũ khí và binh lính của ta… Ivan Ivanovich - ông cúi chào Buturlin - ông hãy đến gặp vua Thuỵ Điển và nói với nhà vua là để tránh đổ máu, - dòng máu của những người theo đạo Cơ đốc, - chúng ta muốn hai bên cùng rút, ta thì trở về lãnh thổ của ta, còn nhà vua thì trở về đất nước của nhà vua!

- Thế còn đại bác? Phải nộp ư? - Buturlin hỏi, giọng khàn khàn.

Không ai lên tiếng trả lời, các vị tướng cúi gằm mặt xuống. Khuôn mặt của Golovin, con người vốn kiêu hãnh, co dúm lại, vì đau khổ. Yakov Dolgoruki, ngăm ngăm đen, môi dày, vừa nói vừa nhướn cao cặp lông mày.

- Việc gì phải dài dòng vô ích… Nhục nhã đến thế nầy là hết mức rồi, còn gì mà xấu hổ nữa… Ta đầu hàng thôi.

Buturlin bật viên đá lửa của hai khẩu súng ngắn đánh cách một cái, đút súng vào thắt lưng, kéo mũ sụp xuống tận mất và bước ra khỏi lều:

- Lính kèn!

Một sĩ quan chạy lại:

- Thế nào, Ivan Ivanovich, ta hàng sao? Ivan Ivanovich, chúng tôi không sợ chết… Nhưng chết vì chính tay quân mình thì thực là khổ tâm

Vua Charles và các tướng lĩnh tiếp Buturlin tại một cái ấp cách nơi quân Nga đóng một dặm. Cũng như quân Nga, quân Thuỵ Điển lo ngại cho ngày hôm sau.

Sau khi hoạch họe để làm mẽ, họ đồng ý để toàn bộ quân Nga vượt qua trở lại sông Narova với vũ khí và cờ xí nhưng phải để lại đại bác và xe lương thảo. Để làm tin, họ buộc phải đưa tất cả các tướng tá và sĩ quan Nga đến ấp nầy, còn quân lính thì họ để mặc cho trở về nhà, tuỳ theo lượng Chúa… Buturlin muốn thảo luận. Nhưng vua Charles nói với nụ cười chế giễu:

- Chính vì tình nghĩa với người anh em của ta là Sa hoàng Piotr mà ta cứu vớt các vị tướng lĩnh lẫy lừng của ông ta khỏi cơn cuồng giận của quân lính. Ở Narva, các ngài sẽ yên ổn hơn và được ăn uống no nê hơn là ở trong quân đội các ngài.

Đành phải nhận tất cả các điều kiện. Một đơn vị quân giáp kỵ Thuỵ Điển phi ngựa đi tìm các con tin.

Công binh Thuỵ Điển đốt những đống lửa ở ngoài trời, và bắt tay ngay vào việc dựng một chiếc cầu để tống khứ quân Nga sang bên kia sông càng sớm càng hay. Các trung đoàn Xemionovski và Preobrazenski rời khỏi nơi đóng quân trước tiên: họ vượt qua cầu với cờ xí và vũ khí trong tiếng trống đánh: tất cả quân lính, cao lớn, ria rậm, bước đi, vẻ mặt rầu rĩ. Họ khiêng thương binh trên vai. Khi sư đoàn Vaide sắp sửa qua sông, quân giáp kỵ Thuỵ Điển tiến lại gần, hầm hầm đòi phải nộp vũ khí. Quân Nga vừa nguyền rủa chửi bới vừa vứt súng xuống đất. Còn các trung đoàn khác thì chúng chỉ nổ súng xua đuổi.

Tang tảng sáng, tàn quân Nga gồm bốn mươi lăm ngàn người - đói khát, chân không giầy, không người cầm đấu, lộn xộn bước đi trên con đường về. Các pháo đài của thành Ivan-gorod bắn theo vài quả trái phá.

 

Chú thích:

(1) Con lợn (tiếng Đức).

(2) Các bạn.

(3) Đơn vị gồm một trăm quân kỵ.

(4) Nhân danh Chúa (tiếng Đức).

(5) Nhân danh Chúa.
 

<< Chương 128 | Chương 130 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 479

Return to top