Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PIE ĐỆ NHẤT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 128270 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PIE ĐỆ NHẤT
Aleksey Nikolaievich Tolstoy

Chương 123

Trời chưa sáng rõ mà khắp nơi trong nhà đã nghe thấy tiếng cửa mở đóng ầm ầm và tiếng cầu thang kêu cót két, - bọn hầu gái kéo lê ngoài sân các thúng, gói, rương hòm đi đường. Vương hầu Roman Borisovich dùng bữa điểm tâm dọn tạm trên chiếc bàn có một cây nến mỡ bò soi sáng. Vừa ăn món xúp bắp cải chua, ông vừa ngoảnh lại, vẻ bất bình:

- Avdochia… Antonida, Olga! A, lạy Chúa!

Ông vác cái bụng lên, với lấy chai vodka. Lão quản gia cũng đã biến mất. Bỗng ông nghe thấy tiếng động, hình như có người nào ngã lăn xuống chân cầu thang.

- Thôi ngay, đừng làm ầm nữa, bọn quỷ thọt! A, lạy Chúa!

Antonida bước vào, đầu tóc rũ rượi, như một mụ rồ, mình mặc chiếc áo bông cũ của mẹ.

- Antonida, ngồi xuống, ăn đi

- A, cha bảo sao chứ?

Nàng vớ lấy chiếc khăn quàng lông tơ chạy bổ ra phòng ngoài. Roman Borisovich tìm xem có gì còn có thể ăn được nữa.

Trong phòng các cô con gái, ngay trên đầu ông, người ta đang kéo lê cái gì rồi đánh đổ làm bụi bậm từ trên ván rơi xuống. Cái gì thế? Phá nhà ư?… Ông lắc đầu dùng món cá chiên. Bà vương hầu Avdochia chạy xồng xộc vào phòng ăn, mình mặc áo bông, tùm lum trong mấy lớp khăn quàng dày. Bà lại ngồi sát bên tường, trên chiếc ghế Vơnidơ. Mặt bà méo xệch đi vì sợ: suốt đời bà chỉ mới dời khỏi Moskva có hai lần để đến tu viện Ba Ngôi và đến Novo-Ieruxalim. Nay bỗng chốc, một cuộc hành trình như vậy, mà lại quá hấp tấp vội vã.

- Tại sao bà lại quàng khăn sẵn như vậy? Cởi ra và ăn đi. Đi đường không ăn được đâu, ăn uống thảm hại lắm.

- Roman Borisovich, đi có xa lắm không?

- Tới Voronez, bà nó ạ.

- Trời ơi!

Bà nức nở, nhưng mắt ráo hoảnh. Từ trên gác, tiếng Olga réo xuống: "Mẹ ơi, mẹ nhét bộ tóc giả vào đâu rồi?". Avdochia đang ngồi vùng đứng dậy, như một chiếc lá bị gió cuốn rồi biến mất.

Điều duy nhất an ủi Roman Borisovich là ông biết rằng khắp Moskva chỗ nào cũng đều nhốn nháo như vậy. Vị vương hầu chấp chính, ông chúa và niềm kinh hãi của thủ đô, hôm qua đã công bố sắc chỉ của Sa hoàng: các quan chức trong triều cùng với vợ con họ, các thương gia, thân hào và các bậc thượng lưu trong xloboda Đức đều phải đến Voronez để dự hễ hạ thuỷ tàu "Định mệnh", chiếc tàu rất lớn, ngay ở nước ngoài cũng ít thấy có. Thời kỳ tuyết tan sắp tới, đường xá sẽ không đi lại được nên phải lên đường ngay để tranh thủ đi bằng xe trượt tuyết.

Tuy phải cố gắng nhiều, nhưng Roman Borisovich cũng bắt đầu hiểu biết về chính trị. Sau những ngày hội hè ầm ĩ tháng giêng, thư từ của viên đại sứ thần Emelian Ukrainsev từ Constantinop gửi về đã tới, báo tin Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng ký kết một hoà ước vĩnh cửu: họ chỉ yêu cầu những nhượng bộ không đáng kể để xoa dịu những kẻ bất bình; Emelian Ukrainsev còn làm cho họ phải thừa nhận rằng ta kiên quyết giữ nguyên tắc đã xác định ở hội nghị Carlovitz: "Bên nào bên nấy có gì giữ nấy". Nhưng đột nhiên, có chuyện gì đó đã xảy ra ở Constantinop, một kẻ thù không biết rõ là ai đã xen vào các cuộc đàm phán và người Thổ Nhĩ Kỳ hung hăng hơn hồi đầu, đã lên mặt: họ đòi phải hoàn lại cho họ Azop và thành phố Kazykerman với những pháo đài nhỏ trên sông Dniepr, họ muốn rằng các Sa hoàng Moskva phải nộp cống cho phiên vương xứ Krym như xưa. Còn về Mộ thánh thì họ cũng không thèm nói tới.

Nhận được những tin đó, vua Piotr đâm bổ đi Voronez. Alekxandr Danilovich, sau khi tắm trong phòng hơi nước để rã nết hơi men của những yến tiệc bữa trước, lên chiếc xe ngựa lộng lẫy và đi khắp một lượt các nhà thương gia lớn. Hắn ân cần nói với họ: "Phải giúp hoàng thượng gỡ ra khỏi chuyện mắc mớ nầy. Nếu đến mùa xuân, hạm đội hùng mạnh của ta không uy hiếp được bọn Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ không có hoà bình. Tất cả những cố gắng của ta từ trước tới nay tan thành mây khói".

Về phần mình, tại điện Kreml, Lev Kirilovich, giọng đầy nước mắt, nói với các đại thần: "Ta có thể chịu một nỗi nhục như vậy được chăng? Nộp cống như trước cho tên phiên vương Krym, và mỗi kỳ xuân đến lại đợi bọn rợ Tarta tràn vào những vùng đất đai phì nhiêu nhất của ta ư? Liệu có chịu để cho bọn Thổ Nhĩ Kỳ và bọn Thiên Chúa giáo xúc phạm. Mộ thánh không? Như thời Minin và Pozaski(1), chúng ta sẽ hiến đến chiếc áo lót cuối cùng của chúng ta để xây dựng hạm đội Voronez vĩ đại".

Các công ty đóng tàu lại phải mở hầu bao. Ở Moskva có những lời đồn đại rùng rợn về chiến tranh sắp xảy ra đến nơi: người ta nói là toàn thế giới, hoặc gần như thế, đang nổi dậy, vũ khí lăm lăm trong tay để chém giết lẫn nhau. Bọn nước ngoài sục sạo như bày chuột nhắt, đến Moskva rồi lại ra đi, phao tin khắp châu Âu rằng Moskva không còn là nơi trú ngụ yên lành của đạo Cơ đốc chân chính như xưa kia nữa: Moskva chật ních binh lính và súng ống; vị Sa hoàng trẻ tuổi tỏ ra nhiều tham vọng, các cố vấn của nhà vua thì kiêu căng… Moskva đang lao xuống dốc.

Mới đây, tại điện Kreml, Roman Borisovich không kịp suy nghĩ, đã hứa cung cấp đủ lương thực dự trữ một năm cho công trường đóng tàu "Định mệnh". Vênh váo, bừng bừng tinh thần mẫn cán, ông hét vào mặt Lev Kirilovich: "Tôi sẽ thân chinh lên ngựa nhưng danh dự hoàng thượng sẽ được bảo toàn!". Và ngay lúc đêm hôm, khi xuống hầm bí mật của mình với một cây nến, ông moi ở dưới đất ẩm lên một chiếc nồi chôn ở một xó, lấy ra một trăm năm mươi rúp, đếm từng kopeik một, - phần đóng góp của ông vào công ty, - ngay lúc đó, một mình trong hầm, mân mê từng đồng kopeik dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn nến, ông cũng không để cho những nghịch ý lung lạc. Vương hầu Buinoxov đã khác hẳn xưa, ông đã thông hiểu hơn trước. Ông đã nén chặt, khoá kỹ những nghịch ý trong lòng. Cũng chỉ vì những nghịch ý đó mà vương hầu Lykov đã bị thất sủng, nằm tại quê nhà. Vương hầu Xtepan Belovenski, cái lão ngu ngốc ấy, nhân lúc say đã thét lên trong một bữa tiệc tại dinh vương hầu chấp chính: "Sao, ông cũng cấm tôi suy nghĩ như tôi muốn ngay cả trong giấc mơ ư? Người ta đã cạo nhẵn má tôi, tôi phải mặc quần chẽn, theo kiểu Pháp, nhưng còn về phần hồn, thì đây nầy…" Và ông đã làm một cử chỉ tục tĩu lấy ngón tay làm lõ chó giơ ra… Vương hầu chấp chính chỉ cười gằn, vẻ mặt gườm gườm. Ngày hôm sau một sắc chỉ ra lệnh cho vương hầu Xtepan đi nhận chức tổng trấn ở Putxtozesk.

Roman Borisovich vốn có thừa khôn ngoan. Nhưng liệu người ta phải khôn ngoan đến thế nào mới có thể đeo đẳng được tất cả các ý đồ điên rồ của Sa hoàng Piotr? Tưởng đâu như ngay đêm hôm, Sa hoàng cũng không chịu nằm yên một chỗ: nhà vua không để cho mọi người yên thân được. Toàn thể Moskva phải cấp tốc đến Voronez… Để làm gì? Để ngủ trên ghế dài, trong những túp nhà gỗ thảm hại chật chội, ăn uống thiếu thốn. Để uống vodka với đám thuỷ thủ ư? Còn phụ nữ? Lôi họ đến đó làm gì? Ôi lạy Chúa!

Roman Borisovich nốc cạn một cốc rượu nữa để dập tắt những ý nghĩ đang day dứt ông. Ánh sáng ban mai đã ló trên kính cửa. Mấy con quạ nhỏ đỗ xuống ngọn cây trơ trụi trước cửa sổ. Dù Sa hoàng có ra sức khuấy động cái cảnh yên lành của ta thì ánh sáng xanh buổi sớm mai vẫn là thứ ánh sáng thời ông cha ta, vẫn những đám mây ửng hồng sau những mái nhà tròn… Roman Borisovich rống thầm trong bụng, môi mím chặt. Ngoài sân có tiếng nhạc ngựa loong coong: bọn mã phu vừa thắng xe, vừa quát tháo bầy ngựa

Toàn thể gia đình đi trên hai chiếc xe trượt tuyết che kín - ba xe khác chở quần áo và lương thực theo sau - Tiếng nhạc ngựa lanh lảnh như báo trước nỗi buồn của cuộc hành trình. Đường đi Kolomna, rất đông người qua lại, khấp khểnh gồ ghề; mỗi dặm được đánh dấu bằng một cột đỏ; giữa những cột đó là hàng cây bạch dương mới trồng. Antonida và Olga ngồi đếm cột và bạch dương - các cô chẳng còn cách giải trí nào khác trên đường; dưới ánh nắng tháng ba, tuyết được phủ một lớp vỏ băng rắn chắc; xa xa xuất hiện những cánh rừng màu nâu - Theo điểm quạ đậu trên cây bên đường, các cô đoán sẽ có những cuộc tao ngộ nên duyên. Trên xe trượt tuyết thứ hai che kín, Roman Borisovich, vai đè nặng lên vợ, ngáy khò khò, mỗi lần xe xóc môi lại rung rung. Cuộc hành trình vô sự.

Đoàn xe dự định dừng lại làng Ulianino, cách Moskva năm mươi dặm đề ăn sáng. Những mái rạ bên dưới khe chưa xuất hiện thì một xe trượt tuyết cao, che kín, mui da, đóng sáu con ngựa màu nâu, với hai gã xà ích, phóng vùn vụt vượt qua xe nhà Buinoxov.

Một gia nhân, vẻ mặt thẫn thờ uể oải, tùm hum trong mấy lớp áo lông hắc điêu thử, đưa mắt hờ hững liếc qua tấm kính nhỏ ở cửa xe nhìn các cô gái đang tò mò, nhốn nháo ngó xem ai.

Antonida, thò đầu ra khỏi chiếc áo bông của mẹ kêu lên:

- Mụ Monx, mụ Monx. Olga nhìn xem kìa, có một kỵ sĩ đi với mụ… - Thực vậy, trong xe đang lướt rất nhanh người ta thoáng nhìn thấy một bộ mặt cạo nhẵn trên mũ có một nẹp vàng.

- Không phải là Kornigxeg thì em cứ nổ con ngươi! - Olga nói.

Antonida đập mạnh bao tay vào nhau;

- Em bảo sao? Trời, con mặt dày!

- Chị lạ lắm à? Nó là một con ngựa cái, một con người Đức… Cả Moskva xì xào về Kornigxeg, chỉ có vua là mù thôi!

- Con đĩ ấy, phải lấy roi mà đánh tuốt xác ra ở nơi công cộng!

- Rồi nó cũng đến cái nước đó thôi!

Tới làng, hầu hết sân nào cũng có xe đỗ, qua các cổng nhà mở ngỏ, họ trông thấy xe trượt tuyết của các vị đại thần. Mấy phụ nữ nông dân đuổi bắt gà trên các đống tuyết nhớp phân. Roman Borisovich nổi xung với vợ:

- Đấy, cứ sửa soạn mãi đi, mẹ con bà thật là đồ ngốc, lẽ ra phải đi từ tờ mờ sáng… Bây giờ làm sao mà tìm ra được một nhà còn chỗ.

Ông ra lệnh cho xà ích đánh xe tới ngôi nhà gỗ của Sa hoàng. Năm xưa, người ta cất những quán trọ có bốn cửa sổ, với một thềm chính diện năm bậc, tại mỗi trạm nghỉ trên đường đi tới Voronez. Những người phụ trách các quán đó phải có sẵn đồ ăn thức uống dự trữ và trước hết phải chăm nom không để có gián, vì nhà vua rất sợ.

Người phụ trách quán trọ, một bước nhảy ra tới thềm, đầu dội bộ tóc giả, gươm đeo bên sườn. Hắn xua tay về phía các xe đang đỗ lại: "Chật ních cả rồi, chật ních cả rồi, không còn chỗ đâu". Roman Borisovich, vẻ quan trọng, gạt hắn ra và bước vào phòng ngoài. Vợ và các cô con gái theo sau. Người phụ trách bước theo, mồm lầu bầu. Quả là hai căn phòng, bên phải và bên trái phòng ngoài, đã đầy người. Áo bông, ủng da, mũ, gươm ngổn ngang, chất đống trên sàn; bọn hầu gái rối rít mùi súp bắp cải sực lên.

- Cha ạ, đây là nơi nhân vật quan trọng ở đấy, - Olga thì thầm. Chính Roman Borisovich cũng thấy rõ là nên lặng lẽ rút khỏi đây. Bỗng từ buồng bên phải, nới các trang công tử đầu đội tóc giả đang cười đùa, nghe thấy có người nói tiếng Nga lơ lớ giọng Đức.

- Quận chúa Olga, quận chúa Antonida, mời các quận chúa ngồi vào bàn với chúng tôi.

Các bộ tóc giả giạt cả ra. Trên bàn đã bày biện sẵn, Anna Monx, mặc áo đỏ và đội mũ đi đường, cầm chiếc cốc cao có chân rót đầy rượu, quay về phía các cô gái, vừa mỉm cười vừa lên tiếng gọi… Các trang công tử viên sứ thần cử Xăc Kornigxeg, người cháu viên công sứ Thuỵ Điển ở Moskva Knipercron là Kacle Knipercron, và một người Pháp nữa mà các cô quận chúa không biết - vội vã săn đón giúp các cô quận chúa cởi bỏ áo bông mặc ngoài. "Xin các vị đừng phiền, chúng tôi tự cởi lấy được". Các cô vội trút bỏ các bộ đồ của mẹ rồi giúi vào một đống áo bông khác. - "Mẹ ơi, rồi mẹ xem, chúng con không tha thứ được cho mẹ cái nhục nầy đâu". Khoác tay các công tử, các cô bối rối bước vào, cúi chào lia lịa.

Một cậu bé tóc đen sẫm, mắt to, mồm mở, đang ngồi trên ghế dài, quay lưng về phía cửa kính mờ vì hơi nước. Cái đầu ẻo lả, ngoẹo xuống một bên vai, cậu bé uể oải nhìn những con người thân hình cao lớn, béo tốt, má đỏ, và rõ ràng là làm cậu chói tai vì những lời nói tiếng cười ồn ào của họ. Cậu bé mặc bộ áo chẽn nhỏ của trung đoàn Preobrazenski, màu lục tươi, một thanh gươm nhỏ khoác chéo vai, chân cậu bé đi ủng nhỏ bằng dạ trắng, không chạm tới sàn.

Roman Borisovich, nấc lên ngay từ ngưỡng cửa, thành kính bước lại gần cậu bé trạc mười tuổi đó, quỳ sụp xuống, trán chạm sàn nhà, thở hổn hển xin hoàng thái tử Aleksey Petrovich(2) cho phép hôn tay.

Công chúa Natalia Alekseyevna, thay thế mẹ hoàng tử từ khi hoàng hậu Evdokia bị đưa đi Xuzdan, nước da đỏ hồng, vui vẻ lên tiếng, giọng như hát:

- Aliosenka, cháu đưa tay ra, đưa tay ra cho ông ta.

Aliosenka chậm rãi nhìn cô rồi ngoan ngoãn chìa mấy ngón tay ra, cổ tay áo viền đăng-ten chùm kín cả mấy ngón tay. Vương hầu Roman áp đôi môi dầy vào tay hoàng tử. Hoàng tử muốn rụt tay lại. Olga và Antonida, theo đúng phép tắc của nghi lễ xòe váy ra trước mặt cậu bé, các công tử người cao lớn, lắc lư bộ tóc giả, dẫm dẫm chân, cùng với gia đình Buinoxov cúi chào hoàng tử, cặp mắt buồn bã của cậu bé giàn giữa nước mắt.

- Lại đây, lại đây, Aliosenka! Mọi người xúm quanh cháu mới đông chứ! - Natalia, bộ ngực nở nang, mái tóc màu nâu nhạt, mặt tròn như mặt vua Piotr, có lúm đồng tiền ở cằm, kéo cháu lại, lấy vạt khăn quàng len tơ khoác lên người cậu bé.

- Không sao cháu ạ. Cháu hãy đợi một chút. Khi nào cháu lớn, cháu sẽ làm cho người khác sợ… Phải không, Aliosenka? - Công chúa hôn vào thái dương, lấy một chiếc bánh ngọt đẹp tẩm mật ong để trên đĩa, cắn một miếng rồi đưa cho hoàng tử. - Các quận chúa, ngồi xuống, ăn đi chứ… Còn ngài vương hầu Roman, mời ngài hãy ngồi lại với các công tử. Các ngài sẽ ăn sau chúng tôi

Ở bàn ăn, ngoài Natalia và Anna Ivanovna, còn có một thiếu nữ cao lêu đêu, mặt vàng lợt, thông minh, lông mày và lông mi cùng một màu với da. Mớ tóc vàng nhạt cuốn thành một búi chặt trên gáy. Vì đã ăn rồi, cô gạt đĩa và chiếc cốc có chân trong hãy còn rượu, rồi tươi cười ngồi đan len màu thoăn thoắc. Đó là một người bạn gái của Sa hoàng Piotr - Amalia Knipercron, con gái viên công sứ Thuỵ Điển.

- Aleksey Petrovich, - cô âu yếm nói bằng tiếng Nga lơ lớ, - nào, áp bộ mặt xinh đẹp của thái tử lại gần đây. - Cô ướm chiếc áo đan vào cổ cậu bé. - A… thái tử sẽ khoác chiếc khăn quàng nầy

Chú bé không cười, cọ má vào bàn tay to lớn của cô gái trông gần như tay nam giới. Anna Monx, ngồi rất thẳng, dịu dàng và lịch sự, khẽ nhếch mép và cũng nói bằng tiếng Nga lơ lớ:

- Cuộc hành trình bằng xe trượt tuyết đã làm hoàng tử mệt mỏi. Nhưng tất cả chúng ta đều tin rằng hoàng tử là một chiến sĩ dũng cảm… Trông ngài đeo thanh gươm nhỏ của ngài mới hiên ngang làm sao.

- Cậu bé, từ dưới nách cô, qua tấm khăn quàng len, đưa mắt gườm gườm nhìn mụ người Đức mặt trắng toát.

Các trang công từ đứng sau lưng các ghế, nhao nhao lên quả quyết rằng hoàng tử thực sự có tất cả những đặc điểm của một người dũng cảm.

- Tâu bệ hạ, cha của chúng thần, niềm hy vọng của chúng thần… - Roman Borisovich bỗng kêu lên; ông ta cong đít khom gối xuống, nhìn thẳng vào mặt cậu bé. - Ngươi hãy nhảy lên một con tuấn mã, cầm lấy một thanh gươm thật sắc và đánh bại muôn ngàn đội quân địch… Người hãy bảo vệ lấy nước Nga chính thống: nước Nga độc nhất vô nhị trên đời nầy, hỡi người cha bé nhỏ của chúng thần.

Ông muốn ôm hôn đầu cậu bé nhưng không dám mà hôn vào vai hoàng tử. Rất mãn nguyện, ông vừa đứng thẳng người lên vừa xoa lưng… Không biết vì sao, công chúa Natalia Alekseyevna hoảng sợ, nhìn ông.

Anna Monx, nhún một bên vai, nói với một nụ cười khoan dung.

- Vương hầu Roman, ngài giận dữ với ai vậy? Hình như ngoài bọn Thổ Nhĩ Kỳ ra, chúng ta chẳng còn kẻ thù nào khác, mà ngay với bọn Thổ, ta cũng muốn ký hoà ước… Phía ta, ta đâu có tính đến chiến tranh… - Nàng khôn ngoan liếc về phía Amalia Knipercron.

- Anna Ivanovna, lệnh bà nói sao, lệnh bà nói sao? Đường xá khô ráo là ta sẽ đứng lên mở một chiến dịch lớn. Không phải là vô cớ mà ta chiêu mộ cả một đạo quân, trang bị bằng súng sản xuất ở Liegiơ… Không phải là để mà chơi!

Amalia Knipercron bỏ chiếc áo đan xuống, con mắt mở to vì kinh ngạc, cái miệng nhỏ lại, mặt dài ra. Các vị công từ đưa mắt nhìn nhau, đứng nghe Buinoxov đang cơn huênh hoang, tả lại công việc chuẩn bị chiến tranh. Sứ thần xứ Xăc Kornigxeg hoảng sợ, vội rút trong áo ra một hộp đựng thuốc lá, gí vào dưới mũi Roman Borisovich. Nhưng ông nầy gạt ra: "Để thuốc lá đấy, mặc tôi".

- Không, không, thưa lệnh bà Anna Ivanovna, cả Moskva đều nói đến chuyện ấy. Chúng ta đang chuẩn bị… Tất cả chúng ta sẽ vùng dậy để thu hồi lại những đất đai cũ của ta ở miền Livonni

Lần nầy, Kornigxeg dẫm lên chân vương hầu Roman.

Công chúa Natalia, mặt đỏ bừng vì tức giận, thét lên:

- Thôi đừng nói xằng nữa… Phải chăng ông đã nằm mơ thấy chiến tranh? Dáng chừng ông say rượu từ hôm qua đến giờ?

Nàng nắm vai Aliosenka, dắt vào sau một tấm màn bằng vải chéo go, ở đó nghe có tiếng cúi nổ lốp bốp trong lò. Anna Ivanovna bệ vệ đi theo, có Olga và Antonida đi vùng. Amalia Knipercron, nét mặt vẫn giữ nguyên vẻ kinh ngạc, một lúc sau cũng theo vào.

Các vị công tử ngồi vào bàn. Chẳng ai buồn nhìn Roman Borisovich, dường như ông ta không có mặt ở đó. Ông hiểu mình đã lầm lỗi… Về vấn đề gì? Thế ra không được quyền lên tiếng bảo vệ nước Nga chính thống nữa sao?

Một người Nga phải im hơi lặng tiếng trước những người nước ngoài ư? Ông sịu mặt nhìn cái bàn. Các món ăn đã được đưa lên. Chỉ còn mỗi một chỗ trống đế ở cuối bàn. Ông thấy hổ thẹn vì mình đã đợi người ta mời ngồi như một thằng ngốc. Xéo đi cho rảnh! Vương hầu Roman quay gót, bước ra phòng ngoài. Ba Avdochia bình thản ngồi trên chiếc ghế, bên đống áo bông.

- Bà làm gì đấy, ngồi đợi như một mụ ăn mầy ấy?

- Người ta không mời tôi vào, ông ạ!

- Người ta không mời bà vào! Thôi đi đi, đồ quạ cái! Bà quên mất dòng dõi nhà bà rồi… Sang phòng bên kia!

Ăn uống no say rồi, Roman Borisovich lại thấy bình tâm. Quá thực có lẽ ông đã vô ý nói cái gì quá trớn, trước mặt hoàng tử và công chúa chăng… Các bậc quyền quý ấy khó tính lắm, nhất là trước mặt người nước ngoài. Nhưng không sao, người ta sẽ miễn thứ cho ông già thôi

Quá trưa, Roman Borisovich vừa buồn ngủ vừa nặng bụng, nằm lăn ra trong xe trượt tuyết; ông ngáp và lấy đít ấn nệm xe để nằm cho êm rồi ngủ ngon lành dưới làn gió hiu hiu tháng ba, phảng phất mùi tuyết tan

Dù cho lương tâm ông có điều gì cắn rứt đi nữa - nhưng không, lương tâm ông rất yên ổn - thì ông cũng chẳng làm sao mà lường được những hậu quả nặng nề và ghê gớm do câu chuyện bề ngoài có vẻ nhỏ nhặt xảy ra ở khách xá của nhà vua sẽ gây ra cho ông sau nầy.

Các lữ khách của chúng ta còn gặp nhiều chuyện bực bội trên đường đến Voronez. Không có trận gió rét lên như bão thì có lẽ họ hãy còn lặn lội ở mãi đâu đâu thậm chí còn có thể chết đuổi khi vượt qua một dòng sông. Họ bỏ ngựa của họ lại và dùng ngựa trạm để đi cho nhanh hơn. Càng gần đến vùng sông Đông, nông dân các nhà càng trở nên ngang người, mắt họ hầm hầm, dữ tợn chỉ khi nào bị quát hỏi họ mới chịu bỏ mũ ra. Roman Borisovich khản cả tiếng vì hò hét ở các quán trọ đề đổi lấy ngựa. Ông xộc vào các nhà, túm lấy ngực người nông dân, lắc mạnh: "Đồ chó đẻ, mầy có biết tao là ai không? Tao sẽ làm cho mầy khánh kiệt cơ nghiệp?

Người nông dân, gườm gườm, nghiến răng, lắc đầu; những con mắt của đàn sói con nằm trong ổ trên mặt lò lóe sáng; đó là bọn trẻ con. Người vợ, thân hình lực lưỡng, vẻ hăm dọa cầm cái chĩa lò hoặc chiếc gậy cời than: "Nầy ngài quý tộc ngài không làm chung ta khánh kiệt được đâu, có người khác đã làm hộ ngài việc đó rồi: chúng tôi không có ngựa, ngài hãy xéo đi và nhờ Thượng đế phù hộ cho ngài".

Gia đình Buinoxov đã phải trú chân hai mươi bốn giờ đồng hồ tại một làng độ mươi nóc nhà, mái rạ tả tơi vì mưa gió, trên một ngọn đồi nhìn xuống một con sông. Trong làng chl toàn là phụ nữ. Không có lấy một người đàn ông, không có một con ngựa nào. Ban đêm, họ ngủ trong một ngôi nhà gỗ không có ống khói, khi đứng thẳng người thì đầu biến vào trong khói. Các quận chúa rên rỉ, nằm trên những ghế dài kê sát lại nhau, đắp áo lông cừu. Khói cay cả mắt. Gió gào thét, cô quạnh.

Roman Borisovich bừng tỉnh dậy, nghe thấy tiếng nói bên ngoài, - có người nào mới tới. Ông miễn cường chui ra khỏi chiếc áo bông, miệng rên rẩm. Bên ngoài, mọi vật đều trắng xoá; sao lấp lánh trên bầu trời giữa những đám mây đang chuyển dộng. Vương hầu Roman đi tiểu tiện, rồi lại gần cống cái. Bên ngoài có tiếng thì thầm.

- Ivan Vaxilievich, mùa xuân tới, anh em mugic ở Zukovo sẽ trốn hết.

- Trước khi có cái chuyện làm bùn nầy, người ta còn sống được, nhờ ơn Chúa. Azmut mà người ta thường gọi là Quỷ vương đã đến và thế là cơ sự bất đầu. Người ta chế tạo đồ xúc, rồi xúc bùn ở bài lầy để làm gạch, đem phơi khô trong các kho lúa… Dân làng ta chuyến cái đống bùn nầy từ sáng đến tối, các kho đều đầy ắp. Ngựa của chúng ta mệt lử, không sao cày bừa, gieo rắc gì được nữa!

- Sa hoàng đã tới… Nhà vua bảo như thế không đủ. Rồi ra lệnh dựng một chiếc cối xay có mắc thùng để múc cái chỗ bùn khốn nạn ấy từ dưới đáy lên… Người ta đã đem gạch trong các kho ra nung trước mặt nhà vua… Không, không sức nào lại được với cái công việc nặng nhọc nầy. Phải trốn thôi, cắm đầu cắm cổ mà chạy trốn.

- Ivan Vaxilievich, họ trốn vào các khe. Chỉ đến đêm, họ mới trở về nhà kiếm một mẩu bánh. Sống thế mà gọi là sống ư?

- Thưa ataman, ngài cho biết đã đến lúc tập trung chưa?

Roman Borisovich - người lạnh buốt trước gió, dưới tấm áo bông khoác trên đầu, nhưng ông không cảm thấy - dán mắt vào khe cửa. Ông nhận ra dưới ánh sao lờ mờ nhiều nông dân, vẻ mặt ủ rũ, đang xúm quanh một chiếc xe, tay cầm cương; hắn mặc áo choàng và đội mũ lông kiểu Cô-dắc; bộ râu đen trắng như lấm tấm vôi. Roman Borisovich hoảng sợ, nghĩ thầm; "Ồ thằng kẻ cướp nầy, ta đã thấy nó ở đâu rồi thì phải".

Một nông dân cúi xuống chỗ đằng sau xe trượt tuyết;

- Thế thưa ataman, trên sông Đông, tình hình thế nào?

Người có bộ râu đen trắng, lắc lắc dây cương, nghiêm trang trả lời:

- Hãy đợi tới mùa hạ

Đám nông dân xúm lại gần:

- Hay là định đợi đến lúc có chiến tranh chăng?

- A, nếu Chúa muốn thế!

- Cầu sao cho tình cảnh nầy chấm dứt cho nhanh, dù bằng bất cứ cách nào.

- Rồi cũng sẽ chấm dứt thôi, - người có bộ râu đen trắng đáp, giọng trách mắng, dậm doạ - Chúng ta cũng có nanh vuốt chứ. Hắn quay ngoắt lại - Nầy các bạn, để ngựa vào đâu đây?

- Đáng lẽ ngài có thể để ngựa ở nhà tôi được, Ivan Vaxilievich ạ… Nhưng hôm qua quỷ đã dẫn đến một quý tộc với bọn đàn bà nhà nó… Cái bọn kẻ cướp ấy, chúng làm loạn cả lên! Chúng bới tung rơm rạ. Lúa mạch tôi đã giấu kín thế mà chúng nó cùng mò ra. Tôi nói ngài muốn tin thì tin, chúng lấy cho mỗi con ngựa của chúng một thùng đầy… Còn tôi thì được cái gì? Nó sẽ chẳng cho tôi lấy một kopeik

Người có bộ râu đen trắng mở miệng cười vang:

- Ha, ha, ha… Lấy con dao con, trong túi của ta để dưới ghế… Rồi anh sẽ có đồng kopeik ấy… Đấy, các anh là một bọn nông dân khốn khố… - Hắn giật dây cương - Nào, ta ngủ đảu đây?

Một nông dân nhảy ra, chỉ đường:

- Tại nhà tôi, Ivan Vaxilievich ạ, có chỗ đấy!

Đến lúc nầy, Roman Borisovich mới đột nhiên thấy lạnh. Răng đánh lập cập, ông vội và chạy vào trong ngôi nhà gỗ tối om om.

- Avdochia… - Ông vừa gọi vừa lay vợ đang bị chếch choáng vì khói trong giấc ngủ. - Bà đút những khẩu súng ngắn của tôi vào đâu rồi? Dậy, Olga, Antonida… Nhóm lửa lên… Bà nhét đá lửa, bật lửa vào đâu rồi? Miska, Vanka, dậy ngay, thắng ngựa vào.

Dinh Sa hoàng mới cất bằng gỗ tròn, sừng sững phía bên kia mặt nước, trên một bán đảo, giữa lòng mới và lòng cũ của dòng sông. Vua Piotr hầu như không ở đấy. Sẩm tối, gặp đâu nhà vua ngủ đấy. Natalia Alekseyevna và hoàng tử đến dinh cùng một lúc với bà thái hậu Praxkovia(3) và các con gái bà: Anna Ivanovna, Ekaterina Ivanovna và Praxkovia Ivanovna. Người ta cũng xếp các phu nhân và các tiểu thư đến dự lễ ở lẫn lộn tại đó. Không thể ra khỏi dinh được; chung quanh toàn là đầm lầy và suối. Nhìn qua các cửa sổ, chỉ thấy những mái kho lợp bằng gỗ ván của các công trường đóng tàu, những khung tàu màu vàng chói còn đặt trên giá, trên bờ con sông Voronez cổ xưa, các khe rãnh phủ tuyết bần và những ngọn đồi lởm chởm gốc cây.

Các tiểu thư Buinoxov, trong đầu óc đang đợi chờ những buổi vũ hội và pháo hoa, ngồi ủ rũ trước cửa sổ: cái nơi nầy mới khốn khổ làm sao! Thật không còn đâu tồi tệ hơn! Chẳng có những khu rừng niềm nở đón khách dạo chơi, chẳng có những bờ sông đẹp đẽ để khách ngồi nghỉ; chung quanh chi toàn là bùn lầy, rác rưởi, vỏ bào. Về phía sông, từ những con tàu vàng khè, vọng lại tiếng búa, tiếng kêu của đám mugic. Thường có những nhóm thanh niên đi ngựa đến đó. Nhưng các cô chi có thở dài mà ngồi xa nhìn những chàng kỵ sĩ mảnh dẻ. Chẳng ai biết bao giờ mới bắt đầu các cuộc vui. Giờ đây, cứ sẩm tối người ta lại nhóm những đống lửa gần các tàu đang đóng, làm việc suốt đêm. Các cô lấy váy che kín hai chiếc cửa nhỏ của phòng ngủ đề khỏi bị những ánh lửa ghê rợn đánh thức dậy

Khi bùn trong cái sân có những bức tường bằng gỗ cây bao quanh, đã khô ráo, các cô ra thềm, ngồi buồn giữa ánh nắng mặt trời. Tất nhiên các cô có thể vui chơi với các cô khác ngồi ở các thềm bên: với quận chúa Lykova, to béo ngốc nghếch, cả ngang và hai con mắt húp híp mỡ, hoặc với quận chúa Dolgorukova, kiêu kỳ, đen đủi, dù cô ta cố giấu, toàn thể Moskva cũng vẫn biết là hai chân cô ta đầy lông, hoặc với tám cô quận chúa Sakhovskaia; nhưng bọn nầy, cái ổ ăn hại đó, lúc nào cũng luôn miệng thầm thì kháo chuyện riêng với nhau. Olga và Antonida không ưa giao du với giới phụ nữ.

Một hôm, người ta đưa đến một đám mugic: trong một buổi sáng, họ đã dựng xong ở ngoài sân các cột đu và một vòng ngựa gỗ, có cả gió ngồi. Nhưng không thể lại gần được: khi thì hoàng tử muốn cưỡi ngựa gỗ, ngài đẩy bọn hầu gái không cho họ giữ thắt lưng ngài, khi thì các cô công chúa nhó chơi. Một gia sư đi kèm đám ông hoàng bà chúa ấy: hắn mặc áo dài màu thuốc lá, một bên túi có chiếc mùi soa lụa đề sỉ mũi và túi bên kia đế mấy cái roi. Johan Oxterman là người Đức, hắn có một khuôn mặt bè bè ngốc nghếch, lúc nào cúng quàu quạu tưởng mình quan trọng và đeo kính tròn.

Hắn đặt các cô công chúa vào các giỏ ngồi, chính hắn cùng leo lên lưng một con ngựa sơn màu sặc sỡ và bảo những người mugic đứng đó để quay vòng ngựa gỗ: "Quay đi, aber langsam, langsam(4)", mắt nhắm lại dưới kính, đế giầy to tướng của hắn lết trên sàn gỗ, hắn cứ quay mãi đến chóng mặt mới thôi.

Đôi khi từ phía thềm lớn, người ta thấy nhảy ra một đám đông quần áo sặc sỡ: bọn hề mặc áo nẹp mặt trong lộn ra ngoài, những người Ethiopi đen như bồ hóng hai người làm trò già mặc áo đàn bà, bọn con gái hầu phòng mông đít to bè bè; sau cùng là thái hậu Praxkovia, mặc áo nhung đen rộng, đường bệ bước ra: người ta đờ khuỷu tay bà đưa bà bước xuống bậc thềm.

Người ta đem ra cho bà một chiếc ghế và gối tựa: bà ngồi xuống và quay mặt đi đề tránh ánh nắng, khuôn mặt trát phấn sáp, tròn như quả dưa với đôi mắt xanh. Vì có bộ tóc đen đẹp, bà không mang tóc giả. Đám người lùn, người làm trò, bọn hề phồng má trợn mép, chạy lại ngồi dưới chân bà. Các cô gái hầu phòng, đứng cả phía sau ghế, vẻ mặt cảm động.

- Ngồi xuống, người xuống, các cô - bà thái hậu uể oải nói, bảo các tiểu thư đừng lạy chào nữa và cứ việc ngồi trên thềm bà nhìn các đu quay, vòng ngựa gồ, và ngoẹo đầu sang một bên khẽ rên rỉ. Đám phụ nữ hoảng sợ lại gần:

- Tâu lệnh bà, ánh sáng trong trẻo của chúng con, lệnh bà làm sao vậy, lệnh bà đau ở đâu?

- Không sao… - Cứ để mặc ta… - Thái hậu, người ốm yếu lúc nào cùng đau mình đau mẩy. Nầy, Johan. Đừng quay nữa! ngươi làm các công chúa chóng mặt bây giờ. Cái anh người Đức nầy mới ngu ngốc làm sao chứ, lạy Chúa… Cái lão lênh khênh đeo kinh nầy, hắn mà đã quay thì không còn cách nào hàm hắn lại được nữa… Johan Oxterman dẫn các cô bé lại gần mẹ. Bà thái hậu rất thương cô con gái lớn Ekaterina lên tám, vừa rỗ lại vừa lác; bà quý cô út, cô Praxkovia mũm mĩm và vui tính, bà xiết chặt cô bé vào lòng giữa hai đầu gối, vuốt ve mái tóc búp và hôn con vào trán. Cô giữa, Anna Ivanovna(5), một cô gái nhỏ nhắn, da sạm, môi tái nhợt, vẻ ủ rũ, rụt rè lại gần bà, bao giờ cô cũng lấn sau chị và em.

Thái hậu nói:

- Có cái gì mà con cứ nhìn xuống chân thế, mẹ có ăn thịt con đâu! - Bà lấy bánh kẹo trong chiếc đĩa do lão hề già nhỏ bé dâng lên, rồi đưa cho Pasenka(6) yêu quý, cho Katenka(7) rất nhiều, còn Anna thì bà chỉ giúi cho chiếc bánh ngọt mà bảo: "Nầy, cầm lấy". Bà thở dài, nhìn viên gia sư từ đầu đến chân, từ đôi tất dạ màu nâu đến bộ tóc giả nhỏ bé bẹp gí - A, ta giao các con cho hắn sớm quá, lẽ ra chúng còn được vui chơi với nhũ mẫu của chúng lâu hơn nữa mới phải?

Các mụ hầu phòng đít to, giũ váy sau chiếc ghế:

- Tâu lệnh bà, sớm quá ạ, bắt các công chúa học sớm quá đấy ạ!

- Các ngươi im đi, đừng thét vào tai ta nữa… - Thái hậu nhăn mặt. Bà gọi Oxterman. - Thế nào lão người Đức kia, ngươi đã đọc sách cho các công chúa nghe chưa? Ngươi đã dạy các cô tiếng Đức, các con số chưa? Johan Oxterman, cong chân, sửa lại kính, lên tiếng trình bày dài lê thê, rất lờ mờ. Thái hậu thong thả gật gù chẳng hiểu cái gì hết. Bà chỉ hiểu có một điều: ngày nay không thể sống theo kiểu cũ như xưa được. Phái thích ứng với những phép tắc mới dù rằng như vậy có khó khăn. Bà còn nhớ rõ cái năm 1698, khi người ta gạt bỏ các "nhân vật tai to mặt lớn" ở điện Kreml vẫn khăng khăng muốn giữ lại trật tự cũ: công chúa Sofia và các cô em bà ta chỉ suýt nữa thì bị trượng hình; hoàng hậu Evdokia, chồng vẫn còn sống sờ sờ mà đã phải làm một nữ tu sĩ áo xám đang nhỏ lệ ở Xuzdan.

Praxkovia thực xứng đáng dòng dõi nhà Xantykov, - bà hay đau ốm nhưng thông minh. Anh bà, Vaxili, là cố vấn, quản lý và quản gia của bà, cũng thông minh.

Hai người đều hiểu rằng Piotr Alekseevich không thể không cần đến một triều đình hẳn hoi ở Moskva: các sứ thần, các thân hào nước ngoài đều khó tính:

- Không phải muốn lôi ai đến nhà mụ Monx ở Kukui cũng được… Thái hậu Praxkovia đã đưa những phép lịch sự vào cung mình và tiếp các sứ thần, các lữ khách, các nhà buôn lớn từ nước ngoài tới. Trật tự cũ mà bà ưa thích vẫn còn tồn tại ở nhà bà trong các phòng phía sau, - khi cần, người ta sẽ che giấu cái trật tự ấy khỏi con mắt thiên hạ. Vì tất cả những cái đó, vua Piotr yêu quý thái hậu Praxkovia và chẳng tiếc gì bà.

Sau khi ngồi giữa nắng mãi đã chán, thái hậu Praxkovia Fedorovna cùng các cô con gái và những người hầu cận rút lui. Các cô tiểu thư Buinoxov trèo lên vòng ngựa và ra lệnh cho bọn mugic quay thật nhanh. Các cô kêu rú lên. Từ xa vọng lại tiếng đại bác và tiếng kêu của đám mugic đang dựng cột buồm trên tàu. Rồi đến bữa ăn trưa. Mọi người ngủ trưa trong các phòng được sưởi nóng sực, nồng mùi nhựa thông. Đã hai lần, Roman Borisovich cho người từ tỉnh về lấy quần áo. Người đó kể lại rằng vương hầu sống rất chật chội, tại nhà Apraxin, bốn người một căn phòng nhỏ, và chẳng ai biết được bao giờ thời gian ở lại Voronez chấm dứt.

Một hôm, giữa trưa, vua Piotr, người hốc hác, má sạm nắng râu vừa cạo, đi ngựa vào trong sân. Nhà vua vui vẻ quay đầu về phía vòng ngựa gỗ, đưa mắt nhìn lên các khung cửa sô nhó; sau cửa sổ, đám phụ nữ nửa thức nửa tỉnh đang rối rít nhốn nháo. Nhà vua xuống ngựa, xốc lại cái dai thắt ngang áo chẽn, rồi chạy vội lên gác tới phòng thái hậu Praxkovia.

Một phút chưa qua mà cả cung điện đã biết: sáng ngày kia, một chiếc tàu sẽ được hạ thuỷ và các cuộc vui chơi sắp bắt đầu.

Bên bờ sông thoai thoải, con tàu Định mệnh có hai tầng và năm mươi khẩu đại bác, sừng sững trên giá. Phần đuôi tàu cao ngất, bằng gỗ sồi, được chạm trồ rất khéo, có ba hàng cửa sổ vuông. Hai sườn tàu sơn đen, kẻ hai vạch trắng, nắp đậy các lỗ súng đại bác lắp bản lề đồng đều lật ngửa. Buồm bằng vải thô được cuộn vào các trục buồm. Ở mùi tàu nguýt tròn thấp hơn phần lái nhiều, một nữ thuỷ thần khoả thân, giơ hai cánh tay to như những thanh xà đỡ lấy cột buồm cái, rất cao, và khác với những tàu đã đóng trước, cột buồm nầy chỉ mang những cánh buồm tam giác. Tàu đã được đóng theo các bản thiết kế của vua Piotr và dưới sự trông coi của nhà vua cùng với Feodoxi Xkliaev và Aladuskin.

Mặt trời đã mọc sau những quà đồi xanh lá mạ ngả màu vàng non, sau những ngọn tháp cổ kính của thành Voronez. Bầu trời màu lam tươi, không gợn một bóng mây. Gió hiu hiu mát mẻ gợn sóng lăn tăn, như giục giã kéo buồm, đi về phía dòng sông cuồn cuộn chảy, tới những nơi xa xăm một màu xuân sắc.

Bên cạnh con tàu, trên một cái bục lắp bằng gỗ ván, có kê những bàn ăn chất đầy thức ăn đồ uống. Gió lay động các góc khăn trải bàn bằng dạ đỏ, các lông chim cắm trên mũ, búp tóc các bộ tóc giả, quả tua trên đai các sĩ quan. Ngồi xung quanh bàn ăn có thái hậu Praxkovia và công chúa Natalia với các con cháu, các sứ thần, phái viên, một số thương nhân Hà Lan, Anh, một số người Ba Lan, Đức, một vị tu sĩ dòng Tên ở Paria, Amalia Knipercron, kỹ sư quân sự Halac người xứ Xăc và quận công Karx Oghen Von Kroi vừa tới mang theo một lá thư của vua Auguste. Các vị khách, dù dòng dõi danh gia thế tộc, nhưng nay kém quyền thế, đều đứng phía sảu các bàn.

Quận công Von Kroi, uể oải, tựa trên khuỷu tay, ngồi giữa thái hậu và công chúa vừa xoăn xoăn bộ ria mép vàng hoe vừa lơ đãng nhìn qua đầu mọi người. Mũi hắn dài, hơi vẹo, mặt mềm nhẽo với những túi quầng dưới mắt; bộ tóc giả bẹp gí chụp xuống tận lông mi.

Hắn đeo một dái băng lớn dưới cái áo mùa hoa cà, cổ đeo một dây chuyền vàng, hai bên ngực dính những hạt kim cương hình ngôi sao. Ngay cả thái hậu và công chúa cũng cảm thấy e dè trước mặt hắn: điều đó không phải không có lý do! Ông quận công của Đế quốc La Mã thần thánh nầy, một vị tướng bách chiến bách thắng, đã từng tham dự mười lăm trận đánh nổi tiếng. Nhưng rõ ràng là - người Moskva nghĩ vậy, mà không để lộ ra - túi hắn rỗng tuếch, nếu không việc quái gì hắn phải đến Voronez… Đứng sau ghế hẳn là Pitor Paplovich Safirov, người phiên dịch.

Quận công lên tiếng, nhấp nháy đôi mi đó nhạt:

- Nước Nga là một đất nước tuyệt vời, dân tộc Nga chăm làm và kính Chúa. Phụ nữ Nga thật đáng yêu. Ở châu Âu, người ta hơi lấy làm lạ tại sao người Nga lại cứ cố bắt chước phong tục tập quán kiều quần áo của chúng tôi. Chính Chúa Trời đã ra lệnh cho nước Nga phải nhìn về châu Á. Dẫn đến chân ngai vàng cửa Sa hoàng vô số các dân tộc châu Á, vạch một con dường thênh thang đến Ba Tư và Trung Quốc, đó là một nhiệm vụ đẹp đẽ vì lợi ích của toàn thế giới Gia Tô giáo.

Quận công chưa nói hết lý lẽ, các vị khách đã làm ồn ào cọ xát đế giầy vào sàn ván, Sa hoàng, từ phía chiếc tàu bước nhanh tới; nhà vua mặc quần chẽn bằng nhung kiểu Hà Lan ngắn tới đầu gối, áo sơ-mi vải thô, ống tay xắn lên, đội mũ tròn bằng vải sơn, hất ra đằng sau, Sa hoàng dừng lại trước bục và kính cẩn bò mũ trước viên đô đốc Golovin to béo, đầu đội một bộ tóc giả to sù, tay cầm một cốc rượu nho Hungary:

- Thưa ngài đô đốc, tôi hân hạnh được chào ngài!

- Chào thợ cả Piotr Alekseevich, - Golovin nghiêm trang trả lời.

- Thưa ngài đô đốc, tàu đã sẵn sàng hạ thuỷ. Ngài cho phép rút đòn kê.

- Cầu Chúa phù hộ, làm đi!

Ông quận công, ngừng xoắn bộ ria mép, kinh ngạc nhìn Sa hoàng: không khác gì một người thợ mộc bình thường, một người dòng dõi thấp kém, nhà vua cúi chào viên đô đốc, đội mũ vào rồi hấp tấp bỏ đi, chân dẫm lên đống vỏ bào.

- Chuẩn bị! - nhà vua thét to ra lệnh cho thợ; đám thợ nhốn nháo hai bên sườn tàu dựng đứng. Đang đi, nhà vua vớ lấy một cái búa bằng gang - Đứng sát vào đòn kê… Chú ý! Tất cả cùng đập nào, đập!

Người ta nghe thấy tiếng búa nện trên các rầm chống phía trước thân tàu đồ sộ. Tiếng kèn vang lên hồi lâu. Khách khứa đều đứng cả dậy, tay nâng cốc thật cao. Dưới lần áo sơ-mi của Sa hoàng, xương bả vai nhô lên thụt xuống mỗi lần nhà vua nện búa. Các cột buồm lắc lư, thân tàu nhẹ nhàng hạ xuống các đế trượt, ngập ngừng một lát rồi trôi tuột trên các đòn kê đặt nghiêng trát đầy mỡ. Mọi người trên bục kêu: "Xuống rồi, xuống rồi…"

Tàu trượt mỗi lúc một nhanh hơn về phía sông.

Mỡ bốc khói dưới các đế trượt. Mũi tàu chạm nước. Nữ thuỷ thần thếp vàng ngập nước tới ngang lưng. Con tàu nhào xuống sông, rẽ nước, tung lên hai làn sóng: tàu quay đi và đung đưa. Cờ được kéo lên dọc các cột buồm, gió thổi các lá cờ đuôi nheo bằng lụa bay phấp phới. Lửa tóe ra ở hai bên mạn tàu, súng đại bác nổ ầm ầm.

Tại nhà Melsikov, tiệc tùng linh đình kéo dài đã hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ liền, hắn đóng tại một ngôi nhà về phía thành phố gần cầu. Một số khách không hề chợp mắt, một số khác nằm lăn lóc dưới gầm bàn trong đống cỏ khô, người ta đã phải thay tất cả cỏ khô trái trên sàn buồng ăn nhiều lần. Các vị phu nhân sau khi nghỉ ngơi một chút, đã thay áo, rồi phấn sáp xong, lên xe ngựa phi nước đại trở lại, tiếng xe chạy rầm rầm. Đêm trước đã có đốt pháo hoa, hôm nay sẽ có một buổi vũ hội rất lớn. Khách nước ngoài rất hài lòng về cuộc vui chơi đó.

Piotr Paplovich Safirov không quản khó nhọc, đãi họ một loại rượu vang Hungary hảo hạng và rượu vang nặng - người ta mời người Nga loại rượu không ngon bằng - Gã Do Thái nầy rất tinh ranh đã tìm cách làm cho một số sứ thần viết thư cho bạn bè của họ ở Constantinop kể lại tất cả những gì họ đã thấy ở đây: sau chiếc Định mệnh, người ta đã hạ thuỷ năm chiếc tàu lớn và mười bốn thuyền có chèo tay; người ta vội và hoàn thành những tàu khác; mọi người trông thấy những khung tàu rải ra đến tận xloboda Shiovka.

Tất cả những tàu đó sẽ bổ sung cho hạm đội Azop; hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đang canh giữ Hắc Hải như một cô gái đồng trinh trong trắng, sẽ không còn có thể quá vênh váo trong các cuộc đàm phán hoà bình

Antonida, mặc áo màu lam dịu, Olga mặc áo màu vàng chóe ngồi ở phòng trên, cất vội vã bằng ván. Một trăm năm mươi khách ngồi phía ngoài bàn đặt theo hình móng ngựa; ở khoảng giữa bọn hề đang múa may, chơi trò nhảy cừu, đánh nhau bằng những bong bóng nhét đầy đậu, bắt chước chó sủa, mèo kêu, làm ồn ào dữ dội đến nỗi cỏ khô bay cả vào các đĩa ăn và lên các bộ tóc giả. Không còn ai chú ý đến nữa. Vị đại vương trùm đạo, đầu đội mũ tế bằng sắt tây, ngồi dưới tán; lão mệt nhoài vì vẫy mãi chiếc khăn tay ra hiệu cho các pháo thủ mỗi lần chúc rượu; súng đại bác nổ làm rung chuyển các bức tường. Lão hề Yakov Turgenev đã làm cứ toạ lăn ra cười: lão cưỡi trên lưng một con lợn gù, gớm ghiếc đi vào phòng ăn, đầu quấn khăn mặc áo nẹp và đi giầy mõm nhái kiểu Tarta; lão lắc lư bộ mặt phị, có đính một chòm râu. Lão la to: "Lại đây, lại đây hãy hôn gót chân đức hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ". Bây giờ, say như chết lão nằm lăn dưới gầm bàn.

Các thuỷ thủ hát đã khản cả giọng, những người thổi tù và dạo một bản nhạc kỳ quái. Mọi người đều mong đợi đến lúc khiêu vũ. Ngồi bên Olga là Leopondux Mirbac, người bạn nhảy của cô, đóng trung uý ở trung đoàn Preobrazenski; bên cạnh Antonida là một thuỷ binh, trung uý hải quân Vacfolomey Bram.

Người bạn nhảy của Olga líu la líu lô bằng tiếng Nga câu được câu chăng: hắn lấy hai tay bóp mặt cho rã rượu.

Nhưng anh chàng Bram, người Đan Mạch, mặt đỏ như thịt sống chỉ ra sức nốc rượu, vừa uống vừa nháy cô gái đang ngây ngất. Ôi, nói làm gì, mà nói cái gì mới được chứ? Tất cả những cái đó chẳng là gì hết? Nàng chi ao ước có một điều: nhón đầu ngón tay đưa cho người bạn nhảy, khè nâng gấu váy lên và theo tiếng đàn vĩ cầm, vừa lướt trên sàn xi vừa cúi đầu chào. Các cô gái xôn xao như mặt nước hồ trong rừng buổi giông tố.

Roman Borisovich, ngồi với bà vợ Avdochia ở tít cuối bàn, buồn rầu thấy mình cách hoàng thượng quá xa. Xung quanh vua Piotr toàn là khách nước ngoài: một bên là quận công Von Kroi, say đến nỗi chỉ còn biết lúc lắc cái đầu như một con ngựa bị ruồi đốt, phía bên kia là Amalia Knipercron. Cho đến phút cuối cùng, vua Piotr vẫn vui vẻ, bỡn cợt, vui đùa… Nhưng có chuyện gì đó đã xảy ra: Melsikov lại gần nhà vua và ghé vào tai thì thầm. Nụ cười biến mất trong khóe mắt nhà vua. Rõ ràng là Sa hoàng đang cố kìm mình lại. Khi một loạt món ăn mới được dọn ra, tay nhà vua cầm dao và đĩa rối loạn lúc đâm vào đĩa lúc đâm vào mặt, đến nỗi Amalia Knipercron, trìu mến đặt bàn tay lên lại tay áo của nhà vua:

- Herr Pite, xin bệ hạ hãy bình tâm lại!

Nhà vua vứt đĩa, vứt dao, nhăn mặt cười.

- Bàn tay ta là kẻ thù của ta… - Nhà vua đút hai tay xuống dưới bàn - Sao, cô em bé bỏng ngoan ngoãn kia, tại sao cô em lại nhìn ta như vậy? Đợi đấy, hôm nay chúng ta sẽ nhảy đến gãy gót chân thì thôi!

Những nếp nhăn nhỏ lăn tăn trên trán người con gái, Nàng khẽ nói, giọng trách móc:

- Herr Pite, thần thiếp không còn xứng đáng với sự tin cậy của bệ hạ nữa chăng?

Mắt Sa hoàng long lên sòng sọc, hai cánh mũi phồng lên:

- Hừ, sao lại nói bậy nói bạ thế!

- Herr Pite, thần thiếp linh cảm một sự gì không hay.

- Chắc có mụ già nào bói hạt đậu lại đoán cho cô cái gì rồi phải không?

Nhà vua quay mặt đi. Đôi môi Amalia run lên:

- Thân phụ thần thiếp cũng rất lo lắng… Hôm nay, thần thiếp vừa nhận được một bức thư…

- Một bức thư à? - nhà vua đưa cặp mắt tròn xoe như mắt một con mãnh cầm chòng chọc nhìn vào khuôn mặt xúc động của người con gái. Knipercron đã viết cái gì?

- Herr Pite, chúng thần không muốn nhìn vào cái điều đã rõ ràng… Chúng thần không muốn nghe. Nhưng người ta đã nói đến rồi, không hề giấu giếm… - Amalia sợ nói ra một lời gì đó, mũi nàng đỏ lên - Cái đó trái với đạo lý Làm thế sẽ là một sự phản trắc… - Nàng cố gắng đến ứa nước mắt - Chỉ một lời nói của bệ hạ…

Nàng hé miệng, như để thở dài. Vaxili Volkov, vẻ nghiêm trang, đến đứng sau ghế vua Piotr. Bộ mặt sạm gió không được cạo, tấm áo dạ đã nhàu rách - rõ ràng là hắn vừa lôi bộ áo ở hòm hành lý ra; góc một bức thư lòi ra khỏi lai tay áo. Amalia tái mét mặt, đôi mắt hốt hoảng hết nhìn Sa hoàng lại nhìn Volkov. Nàng biết là Vaxili và vợ mới đây còn ở nước ngoài… Hắn vội vã về đây rõ ràng là mang những tin chẳng lành.

Vua Piotr chỉ cho hắn một chiếc ghế bên cạnh mình:

- Ngồi xuống đây!

Melsikov lại gần, đầu đội một bộ tóc giả tuyệt đẹp nhếch mép cười nửa miệng. Vua Piotr đưa tay ra, Volkov vội vàng trao bức thư cho nhà vua.

Sa hoàng nói không nhìn Amalia:

- Đây là thư của vua Auguste… những tin xấu. Tình hình ở Livoni không ổn. - Nhà vua xoay xoay bức thư trong tay rồi cương quyết nhét bức thư vào bên trong tay áo - Nhưng kể ra thì Livoni cũng xa… Chẳng ai ngăn ta vui chơi được… - Và nói với Volkov - Cứ kể cho ta nghe cũng được

Volkov định đứng dậy. Melsikov đặt hai tay lên vai hắn, ấn hắn ngồi xuống còn chính Melsikov thì vẫn đứng, dựa lưng vào ghế, - Quân đội xứ Xăc của vua Auguste đã đột nhập Livoni mà không tuyên chiến, - Volkov lựa lời kể. - Họ đã đến gần Riga nhưng chỉ chiếm được có pháo đài Kobersanz nhỏ bé. Họ sợ không dám tấn công thành phố vì hoả lực ác liệt của người Thuỵ Điển… Cuộc hành quân nghi binh đó thất bại, tướng Carlovit bèn tiến ra biển và đã hạ được pháo đài Dunamunde. Dưới chân pháo đài nầy, vào cuối trận đánh, Carlovit đã bị một phát súng chết tươi.

- Đáng tiếc, ta rất tiếc Carlovit, - vua Piotr nói. - Thế nào, tin tức của nhà ngươi tất cả chỉ có thể thôi ư? - Nhà vua đặt bàn tay lạnh ngắt lên bàn tay Amalia.

Người con gái thở hổn hển. Nhà vua xiết chặt tay nàng đến đau lên. Volkov ngập ngừng không dám kể tiếp.

Alekxandr Danilovich, đưa ngón tay deo đầy nhẫn vuốt những búp tóc của bộ tóc giả, thủng thắng nói:

- Thần đã hỏi anh ta, anh ta không biết gì hơn. Anh ta ở Warsawa khi có tin tức từ Riga tới. Ngay ngày hôm đó, vua Auguste phái anh ta đến đây. Người Xăc không chiếm và sẽ không chiếm được Riga, - Người Thuỵ Điển có nanh nhọn, có mỏ sắc. Đây là một việc chưa làm đã thấy rõ là thất bại.

Amalia không rút tay ra, vội cúi khuôn mặt run rẩy:

- Thế là chiến tranh rồi, thế là chiến tranh rồi Herr Pite, - nàng thì thầm. - Không nên giấu thần thiếp… Thần thiếp đã được biết trên đường đi đến đây, Ôi thật là tai hoạ

Trong một phút, vua Piotr nín lặng. Rồi giọng khàn khàn, nhà vua nói:

- Trong cô đã biết cái gì? Người ta đã nói với cô cái gì chăng? Ai nói?

Giọng ngập ngừng, Amalia bèn nói lên nỗi ngạc nhiên của nàng về câu chuyện của vương hầu Roman ở quán trọ.

- Buinoxov nói những chuyện đó à? - vua Piotr hỏi, giọng đe doạ. - Thằng nào, thằng hề kia đấy à?

Amalia lắc những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên má, gật đầu.

- Cô lại đi tin cái thằng ngu xuẩn ấy à? Thế mà ở đây, người ta cứ cho cô là người thông minh đấy. Lấy mùi-soa lau nước mắt đi! - Vua Piotr cảm thấy Amalia, dù không đồng ý cũng vẫn nghe mình và bình tâm lại.

Viết rõ cho ông thân sinh ra cô biết: không bao giờ ta đồng ý gây ra một cuộc chiến tranh bất công, phá vỡ nền hoà bình lâu dài với vua Charles. Ngay dù cho vua Ba Lan có chiếm được Riga đi nữa thì hắn cũng không giữ được thành phố nầy trong tay, ta sẽ đoạt lại trong nanh vuốt của hắn. Ta thề trước Chúa như vậy!

Vua Piotr, vẻ ngay thật, tròn xoe đôi mắt. Alekxandr Danilovich gật đầu tán thành; nhưng y lấy ngón tay che miệng: bây giờ mà mỉm cười thì quả là không đúng lúc.

Amalia cầm chiếc mùi soa nhỏ thấm thấm nước mắt và ngượng ngùng mỉm cười. Đúng, nàng đã tin và lấy làm hối hận. Vua Piotr vui vẻ ngả người vào lưng ghế bọc da và gọi:

- Vương hầu Roman, lại đây.

Bọn hề đang tranh ăn ầm ĩ chung quanh đĩa cá nhịch, chúng lăn lộn, giật những con cá nhịch ở mồm nhau, làm Roman Borisovich không nghe thấy ngay, ông cười nấc lên, Antonida và Olga trợn mắt ra hiệu cho bố biết là Sa hoàng gọi ông. Bà Avdochia thì kéo quần chồng. "Ra mà nhận ân huệ vua ban, ra đi, đến lượt nhà ta rồi đấy!".

Roman Borisovich tất tả chạy lại: thanh gươm nâng đuôi áo lên, ông cúi chào.

- Tâu bệ hạ, niềm hy vọng của chúng thần thần xin bái kiến trước long nhan, cả sinh mệnh và linh hồn thần là của bệ hạ!

Vua Piotr không thèm quay mặt lại, nói với Amalia:

- Người nầy là một nhà chính trị xuất sắc và táo bạo. Có lẽ phải phong ông ta lên làm tổng tư lệnh chăng? Chỉ sợ ông ta gây ra đổ máu nhiều quá. Hay là ta lấy ông ta để hầu hạ trong nhà?

- Nói đến đây, nhà vua quay ngoắt về phía Roman Borisovich khiến ông vương hầu cảm thấy như có một làn sương mù đỏ làm mờ mắt.

- Ta nghe nói nhà ngươi đang chuẩn bị chiến tranh. Để thu hồi những đất đai miền Livoni từ bao đời nay vẫn là của ta có đúng thế không? Ta hỏi ngươi đấy?

Roman Borisovich chớp chớp mắt, người nôn nao như muốn mửa.

- Ta đang cần những tướng soái gan dạ. Vì tinh thần dũng cảm lớn lao của ngươi, ta cứ ngươi làm tổng tư lệnh toàn thể đoàn quân hề.

Nhà vua đứng phắt dậy và nắm lấy tay Roman Borisovich, lôi ông về phía bục, đến chỗ đại vương trùm đạo đang ngồi, hai tay buông thõng, bộ mặt phị nhăn nhó, đang mơ màng gầm thét, tướng như sắp chết.

Nhà vua lắc mạnh y. "Cút đi!" đại vương trùm đạo lè nhè. Khách khứa đoán chừng sắp có một trò giải trí mới, túm tụm quanh bục gỗ. Bọn hề chui qua chân khách đến ngồi ở các bậc. Người ta nhét vào tay đại vương trùm đạo cây thánh giá làm bằng hai cái tẩu buộc vào nhau và nhét vào tay kia một quả trứng sống, rồi bắt Roman Borisovich quỳ xuống. Đại vương trùm đạo lúc đó đã tỉnh dậy, nuốt nước bọt:

- Lễ thăng cấp à? - y hỏi. - Được, cho nó đáng kiếp!

Và y đập quả trứng lên đầu Roman Borisovich, - lòng đỏ trứng chảy ròng ròng trên bộ tóc giả; y gí những chiếc tẩu vào mũi Roman và đá ông ta ngã quay đơ ra đó. Bọn hề hét to: "Cúc cù cu!" Người ta bắt vương hầu Roman cưỡi lên một chiếc ghế, nhét vào tay một ông khúc xương đùi lợn đã gặm nhẵn rồi lôi ông ra giữa nhà. Roman Borisovich sững sờ, ngơ ngác; ông há hốc mồm, tay nắm chặt khúc xương. Khách khứa chỉ trỏ ông, ôm bụng cười. Amalia Knipercron cũng cất tiếng cười vang: tất cả những nỗi lo sợ băn khoăn của nàng đã chấm dứt bằng một trò vui.

Antonida và Olga chỉ hiểu hết tầm tai hoạ của mình khi quay đầu lại, các cô không còn thấy các bạn nhảy bên cạnh nữa Leoponduyx Mirbac và Vacfolomey Bram, đứng ở cửa phòng khiêu vũ đang cúi rạp chào với thái độ khăng khăng của những gà say rượu, các cô quận chúa gian xảo nhà Sakhovski. Tám cô quận chúa, cánh tay trần cong cong, lắc bộ tóc giả đầy phấn vừa cúi chào lia lịa vừa ranh mãnh liếc nhìn các tiểu thư nhà Buinoxov.

 

Chú thích:

 

(1) Anh hùng dân tộc Nga, cầm đầu phong trào chống xâm lược Ba Lan ở đầu thế kỷ 17.

(2) Con trai Sa hoàng Piotr đệ nhất và hoàng hậu Evdokia, sinh năm 1690, sau nầy âm mưu chống lại bố, bị bắt, tra tấn và chết trong tù năm 1718.

(3) Vợ goá của Sa hoàng Ivan (chú thích của tác giả). Sa hoàng Ivan là anh của Sa hoàng Piotr.

(4) Tiếng Đức: làm chứ, chậm chứ (chú thích của tác giả)

(5) Tức nữ hoàng Anna về sau nầy (chú thích của tác giả) trị vì nước Nga từ 1730 đến 1740.

(6) Gọi Praxkovia một cách trìu mến.

(7) Gọi Ekaterina một cách trìu mến.
 

<< Chương 122 | Chương 124 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 201

Return to top