Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PIE ĐỆ NHẤT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 128310 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PIE ĐỆ NHẤT
Aleksey Nikolaievich Tolstoy

Chương 104

Từ khắp nơi, người ta giải bọn lính xtreletz bị xích đưa về Preobrazenskoe. Chúng bị nhốt và canh phòng cẩn mật trong các nhà dân và các hầm nhà.

Vào cuối tháng chín, cuộc điều tra bắt đầu. Vua Piotr, Romodanovski, Tikhol Xtresnev và Lev Kirilovich tiến hành hỏi cung những đống lửa cháy thâu đêm trong khu xloboda, trước những ngôi nhà gỗ, nơi tiến hành các cuộc tra khảo trong mười bốn phòng giam, người ta tra tấn quân xtreletz bằng roi và điếu hình rồi lôi chúng ra sân và đem nướng chúng trên lửa rơm. Người ta cho tội nhân uống vodka để hắn tỉnh lại rồi lại trói giật cánh khuỷu treo hắn lên cột điếu hình để bắt hắn khai ra những tên đầu sỏ.

Được hai tuần thì bắt đầu có manh mối… Opsey Rezov tự thấy thương thân và đau đớn quá sức không chịu nổi khi bị bẻ gãy xương sườn bằng kìm nung đỏ, đã khai ra bức thư của Sofia; hắn bảo chính theo lệnh mụ mà quân xtreletz đã định đến tu viện Novodevichi để đưa mụ lên ngai vàng. Konxtantin, em trai Opsey, sau lần tra khảo thứ ba, đã thú nhận rằng quân xtreletz giấu bức thư của Sofia trong đống phân rác dưới chân ngôi tháp giữa ở Novo-Yeuxalim.

Người ta xác định được là cựu hoàng hậu Marfa, mụ lùn Avdochia và Verka, người nữ tỳ hầu cận của Sofia, cũng nhúng tay vào vụ âm mưu nầy.

Nhưng cũng không có mấy người chịu khai khi bị tra khảo. Quân xtreletz chỉ nhận chúng đã có tội gây ra một vụ phiến loạn vũ trang nhưng không có mưu đồ giết ai… Trong thái độ ương bướng chịu chết đó, vua Piotr cảm thấy lòng căm thù dữ dội của chúng đối với mình.

Vua Piotr ngồi suốt đêm trong các hầm giam. Ban ngày nhà vua làm việc cùng các kỹ sư và thợ cả ngoại quốc đi duyệt binh. Tối đến nhà vua ăn ở nhà Lơfo hay ở nhà một viên sứ thần hoặc một viên tướng.

Quá chín giờ, giữa tiếng cười đùa, tiếng nhạc và những trò hề ngông cuồng của lão đại vương - trùm đạo, vua Piotr đứng thẳng người lên, cổ rụt lại, rời phòng tiệc đi ra sân tối om và lên xe ngựa; mặt che khăn quàng len để tránh làn gió lạnh buốt, nhà vua đi xe trên con đường đóng băng trở về Preobrazenskoe mà từ xa người ta đã trông thấy trong ánh lửa nhợt nhạt.

Một viên bí thư trong sứ quán của hoàng đế Áo ghi lại trong nhật ký những điều mắt thấy tai nghe vào thời gian đó: "Mấy nhân viên của sứ thần Đan Mạch - Ông ta viết đã đến Preobrazenskoe vì tò mò. Họ đã đi xem một lượt những căn nhà sửa lại thành nhà tù, họ đến những chỗ có tiếng thét thảm thiết báo hiệu nơi đó đang xảy ra một tấm thảm kịch bi ai nhất… Người run lên vì khiếp đảm, họ đã đi thăm ba căn nhà gỗ, trong đó máu chảy thành vũng trên sàn nhà và ngay cả ở cửa vào, - thì những tiếng kêu rú còn thảm thiết hơn nữa và những tiếng rên rỉ đau đớn rợn người khiến họ lại muốn xem những cảnh thảm khốc đang diễn ra ở căn nhà gỗ thứ tư.

"Nhưng vừa bước vào thì họ khiếp vía vội vã trở ra ngay vì họ đã gặp phải Sa hoàng và các quan đại thần.

Sa hoàng đang đứng trước một người đàn ông trần truồng treo trên trần nhà, nhà vua quay đầu lại nhìn những người mới đến, bực bội ra mặt vì đã bị người ngoại quốc bắt gặp mình đang làm việc đó. Naryskin chạy theo họ hỏi "Các ông là ai? Tại sao lại đến đây?"

Vì họ lặng thinh không trả lời, ông ta bảo họ phải lập tức đến chỗ vương hầu Romodanovski… Các nhân viên sứ quán biết mình được hưởng quyền bất khả xâm phạm, không đếm xỉa gì đến mệnh lệnh khá ngạo mạn đó. Tức thì một viên sĩ quan đuổi theo để chặn ngựa họ lại. Nhưng sức mạnh về phía các nhân viên sứ quán: họ đông hơn và bình tĩnh hơn… Tuy nhiên thấy viên sĩ quan định dùng những biện pháp cương quyết hơn đối với họ họ đã chạy trốn vào nơi chắc chắn… Sau nầy tôi được biết tên viên sĩ quan đó: y tên là Alexaska, sủng thần của Sa hoàng, một con người rất nguy hiểm".

"Một khoản thuế mới thu bằng tiền được đặt ra: mỗi viên chức làm việc ở các bộ sẽ trả một số tiền thuế tương đương với chức vụ của mình

Buổi tối, đủ thứ trò chơi giải trí đã được tổ chức tại nhà Lơfo trong một khung cảnh xa hoa lộng lẫy vương giả. Khách đã thường thức một cuộc đốt pháo hoa. Như một vị thần lửa, Sa hoàng chạy khắp khu vườn cây trụi lá và đốt lên những cột tia lửa. Thái tử Aleksey và công chúa Natalia cũng xem pháo hoa nhưng ngồi ở một gian phòng riêng… Trong buổi vũ hội tiếp đấy, Anna Monx đã được mọi người nhất trí công nhận là hoa khôi trong đám phu nhân; người ta đồn cô ta đã thay thế người vợ chính thức của Sa hoàng mà nhà vua có ý muốn bỏ vào một tu viện ở xa".

"Ngày mồng mười tháng mười, ngày xử tử, Sa hoàng đã mời tất cả các sứ thần nước ngoài tới dự.

Một bục cao tiếp cận dãy nhà gỗ dùng làm trại lính trong xloboda Preobrazenskoe. Đó là pháp trường: thường ngày ở đó vản có cái cọc nhục hình trên cắm thủ cấp những kẻ đã bị xử trảm. Một trung đoàn cận vệ mang vũ khí bao quanh ngọn đồi. Rất nhiều dân Moskva đã trèo lên các mái nhà và thành cổng để xem. Những người ngoại quốc đến đó với tư cách thường dân không được phép lại gần pháp trường.

"Thớt trảm quyết đã sẵn sàng. Một ngọn gió lạnh lẽo thổi, mọi người rét cóng cá chân. Phải đợi rất lâu.

Cuối cùng Sa hoàng đi xe ngựa đến cùng với gã Alekxandr nổi tiếng. Sa hoàng xuống xe và dừng lại bên các thớt trảm quyết. Trong khi đó, đám tử tù đã đứng đầy nơi bất hạnh. Ở nhiều nơi trong pháp trường, một viên thơ lại đứng trên một cái ghế do một tên lính đưa đến, đọc cho dân chúng nghe lời tuyên án về bọn phiến loạn. Dân chúng im lặng. Đao phủ bắt đầu làm việc.

"Những con người khốn khổ phải giữ trật tự, đến nơi hành hình lần lượt từng người một… Nét mặt họ lộ vẻ buồn rầu hay ghê sợ trước cái chết kề cổ. Theo ý tôi vẻ thờ ơ lãnh đạm đó không phải là lòng dũng cảm, đó không phải là chí cương nghị của tâm hồn; chẳng qua chi vì nhớ đến những hình phạt tra tấn tàn khốc mà họ đã phải chịu đựng, họ không thiết sống nữa mà thôi, họ đã ghê tởm cuộc sống.

"Một người trong bọn họ đã được vợ con tiễn đến tận thớt trảm quyết trong những tiếng kêu khóc inh tai. Còn y thì bình tĩnh trao đôi bao tay và một chiếc khăn sặc sỡ cho vợ con làm kỷ niệm rồi y kê đầu lên thớt.

"Một gã khác đi đến chỗ tên đao phủ, đã phải đi qua bên cạnh Sa hoàng, hắn đã nói to với nhà vua:

- Chúa công hãy xê ra, tôi sẽ nằm xuống ở đây đấy!"

"Người ta kể lại cho tôi rằng ngày hôm đó, Sa hoàng đã phàn nàn với tướng Gorden về sự cứng đầu cứng cổ của quân xtreletz, lưỡi rìu kề tận cổ mà chúng vẫn không chịu nhận. Quả thực, dân Nga bướng bỉnh một cách kỳ lạ".

"Trước tu viện Novodevichi người ta đã cho dựng ba mươi giá treo cổ thành một hình vuông, nơi đó đã xứ giảo 230 tên xtreletz. Ba tên cầm đầu trước đây đã đưa đơn thỉnh nguyện của quân xtreletz cho công chúa Sofia bị treo cổ ở tường tu viện trước các cửa sổ phòng của công chúa. Lá đơn buộc vào đôi bàn tay chết của tên bị treo ở giữa".

"Đức Sa hoàng đã dự cuộc hành hình các giáo sĩ tham gia vụ phiến loạn. Hai người trong số giáo sĩ đó bị đao phủ đánh gãy chân tay bằng một thanh sắt; sau đó họ bị đem bêu sống trên một cái bánh xe; người thứ ba bị chặt đầu. Đám giáo sĩ còn sống xì xào khá to; họ phẫn nộ vì thấy giáo sĩ thứ ba được hưởng một cái chết mau chóng".

"Hiển nhiên là để chứng tỏ rằng các bức tường của thành phố mà quân xtreletz muốn dùng vũ lực để đột nhập vào là thần thánh và bất khả xâm phạm, Sa hoàng đã truyền lệnh đặt những xà gỗ vào các lỗ châu mai của tường thành Moskva. Ở mỗi xà gỗ có treo cổ hai tên phiến loạn. Như vậy, trong ngày hôm đó hơn hai trăm người đã bị hành hình… Không có một thành phố nào có một bức tường bao quanh giống như bức tường quân xtreletz bị treo cổ tạo nên quanh Moskva

"Ngày 27 tháng mười… Cuộc hành hình nầy khác hẳn cuộc hành hình trước. Người ta dùng nhiều biện pháp hầu như không thể tưởng tượng nổi… Chỉ trong một lượt, ba trăm ba mươi người đã đổ máu tưới ngập Hồng trường. Cuộc hành hình khổng lồ đó sở dĩ thực hiện được là vì tất cả các đại thần, các đại biểu của viện Duma của Sa hoàng, và các viên lục sự đã phải theo lệnh của Sa hoàng làm nhiệm vụ đao phủ.

Lòng nghi kỵ của Sa hoàng đã lên đến cực độ; người ta đồn rằng nhà vua nghi mọi người thương xót quân phiến loạn đã bị hành hình. Nhà vua tìm cách ràng buộc tất cả các viên đại thần bằng bảo chứng đẫm máu ấy… Tất cả các nhân vật danh gia thế phiệt đó đến trình diện nơi quảng trường, lòng run sợ trước cuộc thử thách đang chờ đợi họ. Trước mặt mỗi người là một tên từ tù. Mỗi người phải đọc lời tuyên án rồi sau đó thi hành bản án bằng cách tự tay chặt đầu tội nhân.

"Sa hoàng ngồi trên một chiếc ghế bành đem từ trong cung ra, nhìn cuộc tàn sát khủng khiếp đó bằng cặp mắt ráo hoảnh. Nhà vua đang đau răng, má sưng vù. Nhà vua nổi giận khi thấy bàn tay số lớn các viên đại thần không quen công việc đao phủ run lên.

"Tướng Lơfo cũng được mời làm nhiệm vụ đao phủ; nhưng ông ta từ chối nói rằng ở nước ông ta không ai làm như thế. Ba trăm ba mươi người gần như bị ném lên các thớt gỗ cùng một lúc và đã bị chặt đầu, nhưng một vài người đã bị chém một cách thảm thương.

Boris Golixyn đã chém vào đầu mà lại chém vào lưng; tên lính xtreletz, người gần như bị chặt làm đôi, sẽ đau đớn đến cực độ nếu như gã Alekxandr vốn thạo dùng rìu không vội chặt luôn đầu kẻ khốn khổ đó.

Gã Alekxandr khoe đã chặt ba mươi cái đầu vào ngày hôm ấy. Vị vương hầu - chấp chính đã tự tay xử tử bốn người. Người ta phải dìu mấy vị đại thần đưa đi vì họ tái mét mặt và lử cả người"

Những cuộc tra tấn, hành hình tiếp diễn suốt mùa đông. Để trả lời, những cuộc nổi loạn nổ ra ở Arkhagensk, Axtrakhan, trên sông Đông và ở Azop các nhà giam đầy ứ người và hàng nghìn xác mới lại lủng lẳng dung đưa trong làn gió lạnh buốt ở các tường thành Moskva. Cả nước kinh hoàng. Lối sống cũ thu mình náu vào các xó xỉnh tối tăm. Đó là những ngày tận chung của lối sống theo kiểu Byzăngxơ của nước Nga cổ xưa. Ngoài khơi bờ biển Baltic, người ta tưởng chừng như thấy bóng dáng các tàu buôn lướt theo chiều gió tháng ba đang thổi.
 

<< Chương 103 | Chương 105 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 293

Return to top