Đời sống khốn khó, chật vật. Thời Sofia tuy vậy cũng còn có chừng mực, chứ bây giờ quan lớn quan bé đều moi ruột móc gan người ta… Xử kiện thì bất công; người ta trắng trợn ăn của đút, hà lạm của công. Nhiều người bỏ vào rừng sinh nhai bằng nghề lạc thảo. Một số trốn tránh cuộc sống chết tiệt ấy, lánh nạn đến các vùng hẻo lánh, vùng sông ngòi miền Bắc, để khỏi phải đổ mồ hôi nuôi béo một đám những quan tổng trấn, lãnh chúa, thơ lại, lý trưởng, thẩm phán của Bộ Hình, toàn một bọn khát máu không biết luật pháp và thương xót là cái gì ở miền Bắc, họ sống ẩn dật không ai biết tới; sông và rừng nuôi họ. Họ đơn cây ở các khu rừng thưa và gieo lúa mạch. Họ ngã những cây thông cổ thụ về dựng những ngôi nhà kiểu thôn ổ, rộng thênh thang, có nhiều cột chống cách xa nhau. Họ vĩnh viễn từ bỏ chốn cũ chỉ mang theo lên nơi heo hút nầy những câu chuyện cổ tích, những bài anh hùng ca dân gian và những điệu hát buồn. Họ tin có thần giữ nhà và thần rừng. Họ tìm đến cầu nguyện ở nhà các cụ già razkonic khắc khổ, các cụ dùng bột và nham lê đỏ làm lễ ban thánh thể cho họ. "Quỷ vương ngự trị trên thế gian, - các cụ bảo họ, - chỉ riêng những người trốn tránh Sa hoàng và giáo trưởng mới tìm được con đường siêu thoát…".
Nhưng thỉnh thoảng bọn tay sai của Quỷ vương phái đi lùng những kẻ không quy phục và bọn chống đối sục vào tận các xó xỉnh hẻo lánh, nơi sơn cùng thuỷ tận nầy. Thế là các nông dân bèn bỏ cả nhà cửa, gia súc đem vợ con tụ tập trong sân nhà một cụ già hoặc ở nhà thờ và bắn vào quân lính; nếu không có gì để bắn thì họ chửi rủa bọn chúng và không chịu tuân lệnh; để khỏi bị bắt, họ tự thiêu sống trong căn nhà gỗ hoặc trong nhà thờ, kêu thét ầm ĩ và gào to các bài thánh ca…
Những kẻ vô tâm, trốn tránh cảnh nghèo đói và áp bức để vào rừng sinh sống bằng cướp bóc, dần dần đi tới các vùng sông Volga và sông Đông ấm áp, phì nhiêu. Nhưng ở đấy vẫn còn mùi vẻ Nga, các đạo dụ của Sa hoàng vẫn tới được, các giáo sĩ đạo chính thống vẫn hoành hành, và nhiều người tụ tập thành những đội vũ trang bỏ đi xa hơn nữa - đến xứ Dagestan, miền Kabarda, bên kia sông Terek; hoặc giả họ nhập bọn với dân Tarta xứ Krym và trở thành thần dân của vua Thổ Nhĩ Kỳ. Ở các dải đất mênh mông phương Nam, người ta không tin ở vị thần giữ nhà tăm tối, người ta tin hơn vào thanh gươm và một con ngựa tốt.
Đất Nga tàn tệ hơn cả chốn ngục thất cực nhục nhất: cấm cười, không hiếu khách, đã hàng ngàn năm nay những đôi ủng gai dẫm lên mảnh đất ấy, lưỡi cày hờn giận cào lên mảnh đất ấy, phủ đầy tro tàn của những làng mạc bị tàn phá, đó đây rải rác những nấm mồ vô chủ một nước man rợ, bất hạnh.