Gần cổng Xpaskie, trong một cái hào sâu, đây đó có những chiếc cọc đã mục nhô lên khỏi mặt tuyết, Roman Borisovich trông thấy khoảng hai mươi chiếc xe có chiếu bằng vỏ gai phủ kín. Những con ngựa gầy gò nhỏ bé, buồn bã rũ đầu xuống. Bên bờ hào, một nông dân cầm cuốc chim uể oải đào xác chết đã cứng đơ của một tên xtreletz ra khỏi băng. Trời xám xịt. Tuyết cũng xám xịt. Ở Hồng trường, những người ăn mặc nghèo nàn, đầu cúi gằm, đang bước đi trong những vết xe đầy phân ngựa. Đồng hồ trên đỉnh tháp kêu rè rè, rền rĩ (xưa kia, tiếng chuông trong trẻo, giòn giã) Roman Borisovich cảm thấy rất buồn.
Chiếc xe trượt tuyết vượt qua một cái cầu cũ và đi vào cổng Xpaskie. Bên trong điện. Krenlin, mọi người đi lại, đội mũ không vành, như ở chợ. Có những chiếc xe trượt tuyết xoàng xĩnh đỗ ở trước bức tường buộc ngựa bị ngựa gậm nham nhở… Lòng Roman Borisovich sẽ lại. Nơi đây đã trở nên trống trải, không còn thấy những cặp mắt trong sáng long lanh ở phía xa, sau cánh cửa sổ nhỏ của Sa hoàng, như những chiếc đèn dong đêm thắp lên để ca ngợi vinh quang của thành La Mã thứ ba! Buồn não thay?
Roman Borisovich dừng lại trước thềm của Bộ. Chẳng có ai đỡ ông ra khỏi xe. Ông tự xuống xe một mình. Ông vừa thở vừa leo lên cầu thang phía ngoài, có mái che. Bậc cầu thang bê bết những tuyết bị dẫm be bét những bãi đờm. Từ phía trên có những người mặc áo bông ngắn xuống cầu thang vừa đi vừa chạy, gần như xô đẩy cả vị vương hầu. Tên cuối cùng có bộ râu hoa râm, con mắt táo tợn soi mói nhìn ông một cách hỗn xược… Roman Borisovich dừng lại ở lưng chừng cầu thang và phẫn nộ, gõ gậy xuống bậc thang:
- Bỏ mũ, bỏ mũ ra, thằng kia!
Thật hoài hơi! Trật tự đã được thiết lập trong điện Kreml là như thế đó.
Trong những căn buồng thấp lè tè của Bộ, sặc sụa mùi thối, mùi khói lò, sàn nhà không được quét dọn.
Ngồi sát cánh nhau ở những chiếc bàn dài, đám thơ lại nghí ngoáy bút trên giấy. Một gã trong bọn ngồi thẳng dậy, gãi cái đầu bù xù, một gà khác gãi nách.
Ngồi ở những bàn nhỏ, bọn ký lục - thầy cò khôn ngoan, người nồng nặc mùi chả nạc, cách xa hàng dặm vẫn ngửi thấy, đang lần giở những cuốn vở: ngón tay họ lần trên những lá đơn. Một ánh sáng nhợt nhạt, khó khăn lắm mới lọt qua được những cửa sổ nhỏ bẩn thỉu. Một tên ký lục chủ sự mũi rỗ, deo kính, đi lại trước các bàn.
Roman Borisovich đĩnh đạc đi qua các phòng, từ bàn giấy nầy đến bàn giấy khác. Ở Bộ Đại Điện không thiếu việc làm và công việc rất rối rắm: đây là nơi quản lý Ngân khố của Sa hoàng, các cửa hiệu, bát đĩa bằng vàng, bạc; đây là nơi thu thuế thương chính và thuế đánh vào bọn Cô-dắc và bọn xtreletz, tiền thu nhập của các trạm xe, và các khoản thuế đánh vào các làng và các đô thị thuộc hoàng gia. Chỉ có tên ký lục và bọn thơ lại già của Bộ mới lần ra nổi. Đám đại thần mới được chỉ định ngồi hàng ngày ròng trong một cãn phòng nhỏ, nóng sực, vướng víu trong bộ quần áo kiểu Đức quá chật; qua những cửa kính mở đục họ nhìn hoàng cung ngày nay vắng vẻ, nơi xưa kia chỉ mặc áo lông hắc điêu thử, đi đi lại lại trên thềm phòng ngủ, trên đầu cầu thang dành cho các đại thần, tay phe phẩy mùi-soa lụa và bàn bạc những công việc quan trọng.
Những sự kiện ghê gớm đã xảy ra nơi đây. Như chỗ thềm cũ kia, ngày nay không cho ai vào nữa, theo truyền thuyết thì Sa hoàng Ivan Hung đế đã từ đó ra đi với bọn Opritsnic(1), rời điện Kreml đến xloboda Alekxandrokaia để trút lôi đình và bạo tàn vào những gia đình đại quý tộc đại thần. Nhà vua đã chặt đầu, thiêu sống các đại thần trên các lưới sắt và đóng cọc vào người họ. Nhà vua đã tịch thu cơ nghiệp của họ.
Nhưng Chúa đã không cho phép tiêu diệt hoàn toàn những người quý tộc. Các gia đình đại quý tộc đã phục hưng.
Tên Griska Otrepiev đáng nguyền rủa, một tên khác phá hoại dòng quý tộc Nga vinh quang, đã trốn khỏi toà cung đình nhỏ bằng gỗ ở phía kia có nóc hình củ hành, bên trên cắm những hình gà trống bằng đồng. Đất Moskva đã trở thành một bãi sa mạc đầy rãy đổ nát, đường sá ngập xương người. Nhưng Chúa đã không cho phép. Các gia đình đại quý tộc đã phục hưng.
Ngày nay một cơn giông bão mới đã đổ xuống để trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của chúng ta… "Hừ, hừ, hừ", các đại thần ngồi trước những cửa sổ nhỏ trong căn phòng nóng sực, rền rĩ một cách ảo não. Như vậy là người ta muốn trị họ bằng cách nầy hay cách khác. Người ta đã cạo râu tất cả mọi người, ra lệnh cho mọi người phải làm việc cho nhà vua; con cái họ đã phải tòng quân hoặc bị phái đi những nơi xa lá. "Ê, ê, ê, lần nầy chúng cũng không cho phép hoành hành đâu!".
Bước vào phòng, Roman Borisovich nhận thấy ngay rằng trên kia lại gửi một "món quà" nữa xuống. Lão vương hầu già Maxtyn Lykov rung rung đôi má phị.
Nhà quý tộc Ivan Endogurov, đại biểu Viện Duma(2) và viên dapife Lavrenti Xvinin đang ngập ngừng đọc một tờ giấy. Thỉnh thoảng họ lại ngẩng đầu lên và chỉ nói: "à, à!".
- Vương hầu Roman, mời vương hầu ngồi xuống mà nghe, - vương hầu Maxtyn nói, giọng gần như khóc.
- Sắp xảy ra cơ sự gì đây? Bây giờ ai cũng có thể chửi bới và nhục mạ chúng ta được. Chúng ta chỉ có một cách để trị bọn vô lại nhưng người ta đã tước mất của chúng ta rồi.
Endogurov và Xvinin tiếp tục dò đọc từng vần một chiếu chỉ của Sa hoàng. Trong chiếu chỉ nói như sau: các vương hầu và các đại thần, các nhà quý tộc đại biểu Viện Duma và các nhà quý tộc Moskva đã quấy rầy đức Sa hoàng và Đại công tước, v.v… với đơn từ của họ khiếu nại là họ đã bị nhục mạ. Ngày ấy ngày nọ, người ta đã đệ trình lên Đức Sa hoàng một lá đơn của vương hầu Maxtyn Grigorievich Lykov trình bày rằng ông ta đã bị trung uý Alioska Brokin thuộc trung đoàn Preobrazenski chửi bới và nhục mạ trên thềm trước buồng ngủ của Sa hoàng… Khi bước lên bậc thềm, hắn đã hét vào mặt vương hầu Maxtyn: "Vì cớ gì mà nhà ngươi lại nhìn ta với bộ mặt hung tợn như vậy, ngày nay ta không còn là nông nô của nhà ngươi nữa, xưa kia nhà ngươi là một ông hoàng, ngày nay nhà ngươi chỉ còn là một hư ảnh".
- Thằng mất dạy, thằng con nhà dân đen, thằng khố rách áo ôm ấy - vương hầu Maxtyn lắc lư đôi má - lúc đó tôi công phẫn quá nên không nhớ hết, nhưng nó đã hét vào mặt tôi những câu còn tệ hơn thế.
- Sao, lúc đó nó còn hét vào mặt vương hầu những gì nữa? - Roman Borisovich hỏi.
- Gì nữa nhỉ, còn gì nữa nhỉ… Nhiều người đã nghe thấy, nó hét vào mặt tôi: "Maxtyn, con khỉ già, trụi lông, ghẻ lở…".
- Ái chà, ái chà, ái chà, ức thật, - Roman Borisovich lắc đầu nói. - Nhưng nầy, thằng Alioska đó có phải là con lão Ivan Artemist không?
- Có ma quỷ biết nó là con cái nhà ai?
Endogurov và Xvinin tiếp tục đọc:
"Để người ta thôi khỏi quấy rầy hoàng thượng trong thời kỳ quốc gia có nhiều khó khăn nầy, Đức Sa hoàng và Đại công tước v.v… đã ra lệnh cho vương hầu Maxtyn, người đã viết đơn thỉnh cầu phải nộp số tiền là mười rúp, sẽ dùng để phân phát cho người nghèo, và từ nay cấm hắn không được đệ đơn khiếu nại về chuyện nhục mạ nhau".
Họ thở khụt khịt sau khi đọc xong. Vương hầu Maxtyn lại nổi cơn bực tức:
- Một hư ảnh? Hãy sờ vào tôi xem, các ngươi sẽ thấy tôi có phải là một hư ảnh không? Dòng dõi nhà tôi nguồn gốc bắt đầu từ vương hầu Lysko! Thế kỷ thứ XIII vương hầu Lysko với ba nghìn tay giáo đã ra khỏi cõi Hungary. Và từ Lysko đã sinh ra dòng họ Lykov, các vương hầu Briukhaty, Taratakhin, Xuponev và từ người con út đã sinh ra dòng họ Buinoxov
- Ông nói bậy! Nầy vương hầu Maxty, lần nầy, thực quả là ông đã vẽ cho chúng tôi một hư ảnh, - Roman Borisovich quay phắt lại, lông mày cau có, cặp mắt quắt lên (chà? trông vương hầu Roman thật đáng sợ nếu như đôi má ông không nhẵn nhụi trơ trẽn, cái mồm không méo xệch và cũng không nhẵn nhụi trơ trẽn), - Từ xưa đến nay bao giờ dòng họ Buinoxov cũng đứng trên dòng họ Lykov. Dòng dõi nhà tôi bắt nguồn từ các vương hầu Secnigov. Còn dòng họ Lykov nhà ông, chính các ông đã tự ghi tên mình vào danh sách quý tộc dưới thời Ivan Hung đế… Chỉ có ma quỷ mới nhìn thấy vương hầu Lysko ra khỏi cõi Hungary
Vương hầu Maxtyn trợn tròn mắt, quẩng mắt xệ thành túi rung rung, bộ mặt có môi trên dày rung động như muốn khóc:
- Dòng họ Buinoxov! Chẳng phải tên kẻ cướp đã phân phát tài sản cho các người ở trại Tusino đó sao?
Hai vị vương hầu cùng đứng bật dây và trừng trừng nhìn nhau một cách khinh bỉ từ đầu đến chân. Nếu không có Endogurov và Xvinin can thì có lẽ đã xảy ra chuyện ầm ĩ to tiếng. Họ giải thích làm cho hai vương hầu phải hổ thẹn và nguôi giận. Hai đấu thủ lau mồ hôi trên trán, trên cổ và ngồi xuống hai ghế khác nhau.
Để cho mọi người tạm quên không khí buồn tẻ, nhà quý tộc đại biểu Viện Duma Endogurov kể lại đầu đề các câu chuyện của các vị đại thần ở Viện Duma quốc gia. Bọn người đáng thương nầy dang hai tay phàn nàn: Đức Hoàng đế cùng với các cố vấn của Người ở Voronez chỉ biết có một việc: hạch tiền và tiền. Người đã khéo chọn bọn cố vấn, rồi cả bọn người xuất thân bần tiện, rồi bọn thợ mộc thợ rèn, thuỷ thủ, tất cả toàn bộ tụi ăn cắp nhãi ranh mà kẻ đao phủ chưa kịp xẻo mũi. Sa hoàng nghe lời bọn kẻ cướp đó. Viện Duma thực sự của Sa Hoàng là ở Voronez kia. Đơn khiếu nại của bọn thợ thủ công và bọn con buôn từ các thành phố tuôn về tới tấp; bọn chúng đã tìm thấy một người chủ hợp sở thích… Thế mà người ta lại đòi đánh thắng vua Thổ Nhĩ Kỳ với cái lũ người ô hợp đó. Một nhân viên trong phái đoàn của sứ thần Porkovi Voznixyn đã biên thư từ Kaclovitx về Moskva: người Thổ coi khinh hạm đội Voronez; theo họ, hạm đội nầy sẽ không vượt khỏi được cửa sông Đông, mà sẽ mắc cạn vào các bãi cát.
- Lạy Chúa? Chúng ta không thể ngồi yên được sao? Gây sự với người Thổ Nhĩ Kỳ để làm gì? - Lavrenti Xvinin vốn tính ôn hoà nói. Ba người con của ông ta đã bị xung vào các trung đoàn, và người con thứ tư làm thuỷ thủ, ông lão rất buồn phiền.
- Ngồi yên à? Sao lại thế? - Roman Borisovich nói giận dữ nhìn lão Xvinin trừng trừng. - Trước hết, Lavrenti, nhà ngươi xuất thân từ một gia đình tầm thường, đáng lẽ nhà ngươi không nên nói leo. Thế là một! - Roman Borisovich vỗ đánh đét một cái vào đùi - Vậy theo nhà ngươi, chúng ta nên ngồi yên trước mặt bọn Thổ Nhĩ Kỳ, trước mặt bọn Tarta sao? Nếu vậy thì tại sao chúng ta đã hai lần cử vương hầu Vaxili Golixyn đến Krym?
Vương hầu Maxtyn, mắt nhìn về phía lò sưởi, nói xen vào:
- Không phải ai cũng có dinh cơ ở phía nam Voronez và Ryazan.
Roman Borisovich nhìn về phía Maxtyn khụt khịt mũi, nhưng làm ngơ không thèm đáp lại câu nói chống dối ấy.
- Ở Amsterdam, người ta trả tiền mỗi cân lúa mì Ba Lan một florin(3) và ở nước Pháp còn cao hơn nữa. Ở Ba Lan, bọn quý tộc giàu sụ. Nhà ngươi hãy nói chuyện với Ivan Artemist Brovkin, ông ta sẽ cho biết tiền bạc hiện nay ở đâu… Còn ta đây, năm ngoái ta đã phải khó khăn lắm mới bán nổi lúa mì của ta cho các hãng cất rượu mạnh, mỗi pud được có ba kopeik rưỡi. Như thế chẳng bực bình lắm sao? Đây là sông Vorona, kia là sông Đông. Và ta có khả năng xuất cảng lúa mì của ta bằng đường biển… Nếu Chúa đoái thương giúp chúng thắng vua Thổ thì thật là một việc lớn… Thế mà nhà ngươi lại khuyên chúng ta nên ngồi yên! Chúng ta cần phải có hải cảng dù chỉ một hải cảng thôi, chẳng hạn như Kesk… Vả lại chúng ta đây, chúng ta hiện nay là La Mã thứ ba, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ Mộ Thánh. Hay là chúng ta đã mất hết lương tâm rồi chăng?
- Chúng ta không thể thắng nổi vua Thổ, không. Chúng ta diễu võ dương oai là sai lầm, - vương hầu Maxtyn nói, như trút được gánh nặng. - Và nếu chúng ta có được đầy đủ lúa mì thì nên cảm tạ Chúa. Chúng ta sẽ không chết đói. Nhưng muốn vậy thì không nên móc thêm những cái đuôi dài lê thê vào gấu áo con gái chúng ta, và nhập vào nhà những cung cách đàng điếm.
Roman Borisovich ngồi im lặng một lát, mắt đăm đăm nhìn qua khe hở giữa hai đầu gối xuống một mắt gỗ trên mảnh ván lát sàn nhà. Rồi ông hỏi:
- Đồng ý. Vậy ai là người móc những cái đuôi dài lê thê vào gấu áo con gái mình?
Dĩ nhiên những kẻ ngu dại vác tiền đi mua cà-phê tại xloboda Đức, với giá một livre(4) là năm mươi và bảy mươi lăm kopeik, những kẻ đó, người nông dân sẽ không nuôi họ đâu, - vương hầu Maxtyn, liếc mắt về phía lò sưởi, lắc lư cái cằm nhẽo, rõ ràng. là đang tìm cách gây ra một cuộc cãi lộn nữa
Có người đẩy mạnh cửa. Từ bên ngoài giá rét, một sĩ quan, mặt tròn, má đỏ, mũi hếch, nhảy vào không khí ngột ngạt trong phòng. Bộ tóc giả của y rối bù và chiếc mũ ba cạnh nhỏ của y xụp xuống tận tai. Đôi ủng nặng và chiếc áo nẹp màu lục, viền đỏ ở cổ tay, vấy đầy tuyết. Hiển nhiên là y đã cho ngựa phóng nước đại trong thành phố Moskva.
Trông thấy viên sĩ quan, vương hầu Maxtyn từ từ há hốc mồm: chính đây là kẻ đã làm nhục ông. Aleksey Brovkin, trung uý trong trung đoàn Preobrazenski, một trong số những sủng thần của Sa hoàng
- Nầy các vị đại thần, hãy đình công việc lại. - Alioska trong lúc vội vã, để cửa mở toang. - Franx Yakolevich đang hấp hối.
Y lắc bộ tóc giả, đôi mắt long lanh một cách hỗn xược, như mắt của tất cả những kẻ nguồn gốc hèn kém được Sa hoàng Piotr che chở, rồi lại xồng xộc bỏ đi, gót giầy và đinh thúc ngựa nện mạnh trên những mảnh ván mục lát sàn nhà. Bọn thơ lại đầu hói lườm mắt nhìn theo: "Nầy, anh chàng táo tợn, không thể khẽ khàng hơn được sao? Đây có phải là chuồng ngựa đâu".
Một tuần trước đây, Franx Yakovlevich Lơfo dang yến tiệc linh đình trong lâu đài của hắn cùng với các sứ thần Đan mạch và Brandeburg. Mùa tuyết tan đã đến, tuyết tan nhỏ giọt từ mái nhà xuống. Phòng tiếp khách rất ấm áp. Franx Yakovlevich ngồi quay lưng vào lò sưởi có những khúc củi tạ đang rừng rực cháy, và hào hứng trình bày những dự kiến cốc làm bằng sọ dừa và uống mừng khối đồng minh huynh đệ giữa Sa hoàng Piotr với vua Đan Mạch và Tuyển hầu Brandeburg. Khi người quản gia đứng trước cửa sổ dùng khăn mùi-soa ra hiệu thì mười hai khẩu đại bác đặt trên những giá màu xanh tươi nổ một loạt đạn vang động như sấm. Những đám khói trắng che mờ bầu trời nắng chói.
Lơfo ngả lưng vào chỗ dựa của chiếc ghế nhỏ thếp vàng, mở mắt rất to, những món tóc giả của hắn bết vào đôi má xanh xao:
- Những cánh rừng già xào xạc trên đất nước chúng tôi dọc những con sông lớn… Riêng cá của chúng tôi cũng đủ nuôi sống tất cả các nước theo đạo thiên chúa.
Chúng tôi có thể trồng đay, trồng gai trên hàng nghìn dặm. Lại còn những cánh đồng hoang, những đồng cỏ miền Nam, cỏ cao đến nỗi một người ky mã có thể ẩn nấp bên trong được! Khi nào chúng tôi tống cổ được bọn Tarta ra khỏi những nơi đó, chúng tôi sẽ có những đàn gia súc hằng hà sa số như sao trên trời. Chúng tôi cần sắt ư? Quặng có sẵn có ngay dưới chân chúng tôi. Ở miền Uran có những quả núi toàn là sắt. Các nước châu Âu có thể lấy gì mà làm chúng tôi ngạc nhiên được? Các ông có nhà máy… thì chúng tôi sẽ gọi người Anh, người Hà Lan đến. Chúng tôi sẽ bắt dân chúng tôi làm việc. Các ông chưa kịp thở phào một tiếng thì chúng tôi đã có đủ tất cả các thứ nhà máy. Chúng tôi sẽ dạy khoa học và mỹ nghệ cho thợ thủ công của chúng tôi ở các đại xã. Chúng tôi sẽ nâng các nhà công thương lên một địa vị mà chính họ cũng không hề dám mơ tưởng.
Lơfo chếnh choáng hơi men đã nói như vậy với các viên sứ thần cũng say mèm. Rượu và diễn văn của gia chủ đã làm họ mụ cả người. Người ta hầu như ngạt thở trong phòng khách. Lơfo ra lệnh cho người quản gia mở cửa sổ, hắn khoái chí hít thở không khí lạnh đượm mùi tuyết tan. Cho đến tận lúc chập tối, hắn uống cạn hết cốc nầy đến cốc khác để chúc tụng những dự kiến vĩ đại. Buổi tối, hắn đến nhà sứ thần Ba Lan và khiêu vũ uống rượu ở đó cho đến sáng.
Hôm sau, trái với thường lệ, Franx Yakovlevich cảm thấy mệt. Hắn mặc một chiếc áo ngắn bằng lông thò, bịt đầu bằng một chiếc khăn quàng và ra lệnh không cho một ai vào buồng. Hắn bắt đầu viết một bức thư cho vua Piotr nhưng không viết xong. Ngồi trước lò sưởi hắn rùng mình ớn lạnh, kéo áo chùm kín người.
Người ta cho mờì Policolo, một thầy thuốc người Ý đến.
Policolo ngửi nước tiểu và đờm, rồi gãi gãi mũi và tặc lưỡi. Người ta cho đô đốc uống một liều thuốc tẩy và trích máu cho hắn. Nhưng vô hiệu. Đến đêm, Franx Yakovlevich lên cơn sất hầm hập rồi hôn mê bất tỉnh.
Đầu đội thánh thể, mục sư Xtrum (có người phụ tá lắc chuông đi trước), phải chật vật mới lách được một lối đi qua phòng khách lớn. Lâu đài của Lơfo vang động tiếng nói, tất cả Moskva đều tập họp tại dây. Các cánh cửa luôn luôn mở ra, đóng sầm, lại, gây ra những luồng gió hút. Đám gia nhân cuống quýt, nháo nhác; một số đã say rượu. Vợ Lơfo, Elizavet Franxevna, nét mặt tàn tạ lấm chấm đỏ, sụt sịt, bơ phờ, đứng đón vị mục sư ở cửa buồng ngủ của chồng. Chiếc áo màu quả dâu của bà thắt dải lỏng lẻo, những mớ tóc lưa thưa xoã sợi thò ra bên dưới bộ tóc giả. Bà đô đốc sợ đến chết khiếp trước đám đông những nhân vật tai to mặt lớn nầy. Bà hầu như không biết nói một câu tiếng Nga nào vì suốt đời sống trong các hậu phòng.
Hai bàn tay chắp lại để lên ngực ông mục sư, bà ấp úng nói bằng tiếng Đức:
- Tôi phải làm gì đây? Nhiều khách quá… Mục sư Xtrum ạ, ông hãy bảo dùm tôi: có lẽ nên dọn một bữa ăn nhẹ chăng? Bọn gia nhân đều như điên như dại, chẳng đứa nào nghe tôi. Các chìa khoá tủ đựng thức ăn đều ở dưới gối ông Franx tội nghiệp nhà tôi. - Đôi mắt màu vàng nhạt của bà đô đốc trào lệ; bà thọc tay vào trong áo lót rút ra một chiếc khăn mùi soa ướt và vùi kín mặt vào khăn - Mục sư Xtrum, tôi sợ không dám vào phòng khách, tôi cứ luống cuống chẳng biết làm gì nữa… Điều gì sẽ xảy ra, điều gì sẽ xảy ra đây, mục sư Xtrum?
Ông mục sư với giọng nói trầm trầm thích hợp với hoàn cảnh, nói mấy lời an ủi bà đô đốc. Ông lấy tay vuốt bộ mặt màu xanh lơ cạo nhẵn nhụi của mình, phủi sạch mọi sắc thái phù phiếm của trần tục rồi bước vào phòng ngủ.
Lơfo nằm trên chiếc giường rộng, chăn đệm nhàu nát, mình tựa vào một xếp gối. Trên đôi má hóp và trên khuôn mặt dài của hắn, râu tóc mọc lởm chởm.
Hắn thở gấp, hơi thở rít lên, cố căng bộ xương vai vàng khè tựa hồ hắn kéo một vòng cổ ngựa đang gắng sức để trở về với cuộc sống. Đôi môi hé mở đã khô lại vì sốt. Chỉ có cặp mắt là còn giữ được sinh khí đen láy và bất động.
Viên thầy thuốc Policolo kéo mục sư Xtrum ra một chỗ, nheo mắt, nheo má lại một cách có ngụ ý:
- Trường hợp đô đốc, - y nói, - thì các mạch thở, theo khoa học của chúng tôi, nối liến linh hồn với thân thể, đã đầy đờm đặc đến nỗi linh hồn chạy về thân thể qua những ống quản mỗi phút một co hẹp thêm và rất có thể các ống quản ấy sẽ tắc hoàn toàn.
Mục sư Xtrum nhẹ nhàng ngồi xuống đầu giường người sắp chết. Lơfo vừa tỉnh cơn mê sảng, có vẻ lo sợ.
Khi nghe thấy gọi tên mình, hắn cố gắng đưa mắt nhìn ông mục sư một lát rồi lại quay nhìn về phía lò sưởi có một khúc củi ướt đang bốc khói. Bên trên những guột trôn ốc tô điểm mặt lò sưởi, có tượng Hải vương Neptun nằm dài, tay cầm chiếc đinh ba, dưới khuỷu tay là một cái lọ thếp vàng có nước thếp vàng chảy ra cuồn cuồn. Ở giữa, trong cái lỗ đen ngòm, khúc củi đang toả khói.
Xtrum cố gắng để vị đô đốc chú ý nhìn cây thánh giá của y và nói về niềm hy vọng vào một sự siêu thoát vĩnh cửu mà người trần nào cũng được hưởng… Lơfo ấp úng cái gì đó không nghe rõ. Xtrum cúi xuống gần đôi môi tím ngắt của người sắp chết. Giữa hai hơi thở hổn hển, Lơfo thốt ra được một câu:
- Đừng nói nhiều!
Tuy nhiên, ông mục sư vẫn làm nhiệm vụ của mình: rửa tội và làm thánh lễ cho người sắp chết. Khi y đã đi ra, Lơfo chống khuỷu tay nhỏm dậy. Người ta hiểu ý hắn muốn gọi người quản gia, bèn chạy đi tìm. Họ tìm thấy ông lão đang ngồi khóc nức nở ở dưới bếp.
Mắt sưng húp vì khóc, đầu đội chiếc mũ cắm lông đà điểu tay chống gậy, người quản gia dừng lại ở chân giường. Franx Yakovlevich nói với lão:
- Hãy đi gọi nhạc công. Các bạn ta… Lấy cốc.
Bọn nhạc công không kịp thay đổi y phục: họ để nguyên quần áo đang mặc rón rén bước vào. Người ta bưng vào những cốc rót đầy rượu. Đám nhạc công vây quanh giường, đưa lên miệng sáu mươi chiếc kèn bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ và chơi một điệu vũ nhịp ba, điệu vũ của lớp người sang trọng.
Mặt Lơfo tái nhợt, đầy tử khí, đôi vai hắn vùi vào dưới gối, thái dương lõm xuống như thái dương ngựa. Đôi mắt hắn rực sáng, thèm khát vô biên. Người ta đưa cho hắn một chiếc cốc, nhưng hắn không nâng nổi tay lên và rượu đổ tràn trên ngực. Nghe tiếng nhạc, hắn lại ngất. Mắt hắn không nhìn thấy gì nữa.
Lơfo đã chết. Dân Moskva vui mừng khôn xiết. Giờ đây thế là quyền hành của người ngoại quốc đã đi đứt xloboda Kukui đã hết thời. Tên cố vấn đáng nguyền rủa đã toi mạng rồi. Mọi người đều biết, mọi người đều thấy rõ là nó đã cho Sa hoàng uống bùa mê nước lú. Nhưng không ai dám nói. Những nỗi đau khổ của quân xtreletz đã được trả thù. Từ nay cảnh tang thương khổ não sẽ ngự trị trong lâu đài của Lơfo, cái hang của Quỷ vương.
Người ta kể lại rằng trong khi hấp hối, Lơfo đã ra lệnh cho đội nhạc công của hắn cử nhạc, cho những thằng hề của hắn nhảy múa, cho vũ nữ khiêu vũ, và chính bản thân hắn xanh lè như tàu lá, như một xác chết, đã chồm ra khỏi giường và cũng nhảy múa. Còn Quỷ vương thì huýt còi và gào thét trên các buồng sát mái lâu đài.
Ròng rã bảy ngày, các quan đại thần và đủ các loại công chức đến viếng quan tài viên đô đốc. Họ giấu kín niềm vui và nỗi sợ, tiến vào gian phòng cao rộng. Giữa phòng, chiếc quan tài, phủ một tấm màn lụa đen che kín một nữa, sừng sững trên một cái bục. Bốn sĩ quan, gươm tuốt trần, đứng gác quanh quan tài, bốn sĩ quan khác đứng ở chân bục. Người quả phụ, mặc áo tang, ngồi ở phía dưới, trước bục, trên một cái ghế xếp.
Các viên đại thần bước lên bục và để tránh dơ bẩn, quay mồm, mũi đi phía khác, chạm má vào bàn tay tím ngắt của viên đô đốc ma quỷ. Rồi tiến lại gần người quả phụ, họ cúi rạp xuống chào, ngón tay chạm sàn nhà rồi rút lui.
Ngày thứ tám, vua Piotr từ Voronez tới, sau khi đã làm mệt lử nhiều ngựa trạm. Chiếc xe trượt tuyết nhỏ của nhà vua, có mui bằng da, đóng sáu ngựa, lao qua thành phố Moskva, tới thẳng sân lâu đài của Lơfo. Bầy ngựa màu lông khác nhau, bụng đầm đìa mồ hôi, thở hồng hộc một cách khó khăn. Một bàn tay thò ra bên dưới tấm rèm da, lần tìm dây để tháo khoá.
Vừa lúc ấy, Alekxandra Ivanovna Vonkova từ trong lâu đài đi ra. Tình cờ, nàng đứng một mình trên thềm.
Cứ trông bầy ngựa mà xét đoán, Xanka cho rằng đó là một khách thành phần hạ lưu đến viếng. Thấy xe mình bị chắn mất lối, nàng nổi nóng, bảo người đánh xe của Sa hoàng:
- Cút đi thằng kia với đàn ngựa khốn nạn của mi! Nầy, sao mi cứ đứng sừng sững ra đấy chắn lối đi của ta?
Không tìm thấy khoá, bàn tay giật đứt cái dây buộc tấm rèm da; từ trong chiếc xe che kín mít, một người bước ra, đầu đội mũ cát két bằng nhung có tai, mình khoác chiếc áo lông cừu phủ dạ xám, chân đi ủng dạ. Khi người ấy đứng thẳng lên, Xanka nhận thấy người đó rất cao lớn. Nàng ngẩng đầu lên… Một khuôn mặt tròn, vẻ mệt nhọc, mi mắt sưng húp, bộ ria màu sẫm dựng người. Ôi! Lạy chúa, đúng là Sa hoàng!
Vua Piotr co duỗi chân cho giãn gân cốt. Đôi lông mày nhíu lại. Nhà vua đã nhận ra người con gái nuôi của mình và khẽ nhếch miệng mỉm cười. Nhà vua nói, tiếng không rõ:
- Thật là tai hoạ! Tai hoạ!
Rồi nhà vua đi vào trong lâu đài, vung vẩy tay áo lông cừu. Xanka đi theo.
Nhác thấy Sa hoàng, người quả phụ sững sờ ngồi ngay đơ trên ghế. Rồi bà đứng phắt dậy và định quỳ xuống chân nhà vua. Vua Piotr ôm lấy bà, xiết chặt vào lòng vâ nhìn chiếc quan tài qua đầu người quả phụ. Những người hầu chạy đến, cởi áo lông cừu cho nhà vua. Vua Piotr, chân đi ủng dạ, bước đi như con gấu, tiến lên vĩnh biệt người quá cố. Nhà vua đứng rất lâu, tay đặt lên thanh quan tài. Nhà vua cúi xuống, hôn dải băng liệm, trán và hai bàn tay người bạn chí thiết của mình. Đôi vai nhà vua rung động, dưới chiếc áo nẹp màu xanh, cổ vươn thẳng.
Xanka nhìn lưng nhà vua, mắt tràn lệ. Má tì vào bàn tay như kiểu phụ nữ nông thôn, nàng khẽ rên rỉ, giọng nho nhỏ, yếu ớt. Nàng xót thương, xót thương lắm, nhưng tại sao, nàng khó mấ nói lên được. Từ trên bục, vua Piotr bước xuống, miệng thở phì phò như một đứa trẻ. Nhà vua dừng lại trước mặt Xanka. Xanka lắc đầu vẻ mặt sầu não.
Nhà vua đưa tay lên mắt, hất mớ tóc quăn màu sẫm đã ẹp lại trong khi đi đường:
- Ta sẽ không còn ai là bạn như Lơfo nữa. Lơfo với ta đã cùng nhau chia sẻ vui buồn. Hai chúng ta đều có những ý nghĩ như nhau… - Bỗng nhà vua rụt tay lại và quay đi, mắt ráo hoảnh, và trông nhà vua giống như một con mèo. Chừng một chục viên đại thần bước vào phòng khách, hấp tấp làm dấu thánh.
Theo cấp bậc, người cao chức đi đầu, họ cung kính tiến đến gần Piotr Alekseevich rồi quỳ xuống, bàn tay áp xuống sàn nhà, dập mạnh trán vào các mảnh ván ghép bằng gỗ sồi.
Vua Piotr không nâng ai dậy, không ôm hôn ai và cũng không chào hỏi ai, ngay đến gật đầu cũng không.
Nhà vua đứng đó, kiêu kỳ, xa lạ, hai cánh mũi phập phồng.
- Các ngươi thoả lòng lắm, các ngươi thoả lòng lắm, ta biết! - nhà vua chỉ nói thế. Rồi liền đó, nhà vua rời khỏi lâu đài, lên xe trượt tuyết.
Chú thích:
(1) Lính chiến của đạo quân do Ivan đệ tứ lập ra.
(2) Duma: Hội đồng. Có hội đồng thành phố, Hội đồng quốc gia, Hội đồng đại thần… Đây là Hội đồng nhà quý tộc.