Suốt mười hai ngày, người ta nã pháo vào pháo đài Marienburg cổ kính. Không sao tới, gần được: pháo đài sừng sững trên một hòn đảo nhỏ ở giữa hồ Poip, tường thành bằng đá xây ngay từ dưới nước nhô lên, chiếc cầu bắc từ cổng thành sang bờ - bên cạnh cổng có một vọng lâu - đã bị chính quân Thuỵ Điển phá huỷ.
Trong một pháo đài có nhiều kho lớn dự trữ lúa mạch. Quân Nga đói ăn trong cái xứ Livoni đã bị tàn phá, rất cần đến những kho lúa nầy. Boris Petrovich ra lệnh tập hợp quân tình nguyện; ông đến gặp họ và nói với họ như sau: "Trong pháo đài có rượu vang và đàn bà. Cố gắng đi các anh em, ta sẽ cho phép các ngươi hai mươi bốn giờ hoan lạc". Binh lính liền rỡ ngay nhiều ngôi nhà gỗ của xloboda bên sông, đem đóng thành những bè gỗ và khoảng một nghìn quân tình nguyện chống sào chèo về phía tường pháo đài. Đạn trái phá của quân Thuỵ Điển nổ tung giữa đám bè.
Boris Petrovich ra đứng ở thềm ngôi nhà gỗ ông đang ở và giơ ống nhòm lên quan sát. Quân Thuỵ Điển điên khùng, tức tối. Nếu chúng đẩy lùi được đợt tấn công thì sao? Bao vây ư? Không, bao vây nhất định sẽ dằng dai đến tận cuối mùa thu. Bỗng nhiên một ngọn lửa lớn từ mặt đất phụt lên; gần bên cổng pháo đài ngọn tháp nhỏ bằng gỗ tròn bên trên vọng lâu nghiêng ngả. Một phần tường sụp đổ. Các bè gỗ đã tiến đến gần lỗ hổng. Lúc bấy giờ một lá cờ trắng xuất hiện ở một cửa sổ lâu đài, treo lủng lẳng ở đó. Boris Petrovich xếp ống nhòm lại, bỏ mũ ra và làm dấu.
Dân trong pháo đài leo qua những cọc của chiếc cầu đã bị phá huỷ, chạy vào bờ. Họ bồng bế con cái trên tay, kéo lê những bọc áo quần, làn đồ. Đàn bà quay lại nhìn nơi ăn chốn ở họ phải bỏ mà đi, nức nở khóc: họ kinh hoảng lấm lét nhìn quân Nga đang kiểm kê chiến lợi phẩm. Nhưng những người bị nạn cuối cùng vừa rời khỏi pháo đài thì cánh cổng nẹp đai sắt bỗng đóng sầm lại, từ những lỗ châu mai nhỏ phụt ra những tia khói nhỏ - viên trung uý đi thuyền vào để kéo cờ Nga lên trên thành bị bắn chết ngay trước tiên. Từ bờ, súng cối bắn trả lại. Dân chúng đi ngang trên cầu hoảng hốt đánh rơi những bọc quần áo, làn đồ xuống nước. Một ngọn lửa khổng lồ hất tung mái lâu đài lên không; tiếng nổ làm rung chuyển cả mặt hồ, đá từ trên không rơi xuống đập vào mọi người. Thành và các kho tàng bốc cháy. Sau nầy người ta được biết là trung uý Wulf không kịp chạy thoát. Gã quý tộc bị bỏng và máu me đầm đìa, xuất hiện ở lỗ hổng của bức tường thành và rơi xuống nước; người ta vớt hắn lên thuyền.
Viên tư lệnh pháo đài có các sĩ quan đi theo, bước vào ngôi nhà gỗ, nơi đại nguyên soái Seremetiev đang ngồi, vẻ quan trọng, lưng quay ra cửa sổ, trước bàn đã dọn sẵn bữa ăn chiều. Viên tư lệnh bỏ mũ, lễ phép cúi chào và dâng kiếm. Các sĩ quan của y cũng làm theo.
Boris Petrovich ném kiếm lên chiếc ghế dài và quát mắng bọn Thuỵ Điển tại sao chúng không chịu đầu hàng sớm, tại sao chúng đã làm hại bao nhiêu người, tại sao chúng đã để bao nhiêu người khác chết, và tại sao chúng đã thâm hiểm làm nổ tung thành? Các viên đại tá kỵ binh Nga can trường, da rám nắng, râu tóc rối bù, lúc đó đang ở trong ngôi nhà gỗ, hầm hầm nhìn bọn Thuỵ Điển. Tuy nhiên, viên tư lệnh vẫn dũng cảm trả lời đại nguyên soái:
- Trong số người của chúng tôi có nhiều người đàn bà trẻ con, có cả viên binh lương tổng giám, mục sư Ecxte Gluc đáng kính cùng vợ và các con gái… Tôi đề nghị ngài cho họ được tự do ra khỏi thành, đừng giao họ cho quân lính… Phụ nữ và trẻ con chắc chẳng làm ngài vinh dự gì.
- Ta không cần biết gì hết!- Boris Petrovich quát.
Trong cơn thịnh nộ, bộ mặt ông ta nhẵn nhụi, ẻo lả, có lẽ quen với cuộc sống gia đình hơn, vã mồ hôi. Thót bụng lại, ông đứng dậy rời khỏi bàn.
- Ngài tư lệnh và các ngài sĩ quan, tôi ra lệnh giam các ngài!
Ông xốc lại tấm băng tam tài, hùng dũng khoác lên vai chiếc áo choàng ngắn bằng dạ màu đỏ sẫm rồi bước ra ngoài để ra mắt ba quân, có các đại tá đi theo.
Khói đen từ pháo đài cuồn cuộn bốc lên, che lấp cả mặt trời. Khoảng ba trăm tù binh Thuỵ Điển đứng ủ rũ bên bờ sông. Quân Nga chưa biết sẽ đối xử với chúng ra sao, đi đi lại lại trước đám nông dân xứ Livoni quàu quạu - hai tuần trước đây, đám nông dân nầy đã rời bỏ xóm làng vào nương náu trong thành Marienburg đang bị bao vây để tránh cuộc xâm lăng, - lên tiếng hỏi đám phụ nữ đang ngồi trên bọc quần áo của họ, buồn bã gục đầu vào đầu gối. Tiếng kèn vang lên. Đại nguyên soái trịnh trọng bước đi, vòng hoa thị ở đầu đinh thúc ngựa dài hình sao kêu lách cách.
Từ phía sau một nhóm long kỵ binh đã xuống ngựa, một cặp mắt sáng rực tựa than hồng nhìn ông chằm chằm: ông cảm thấy như tim mình cháy bỏng… Trong thời chiến, một cặp mắt đàn bà đôi khi còn sắc hơn cả một lưỡi dao… Boris Petrovich nghiêm trang đằng hắng "hừm!". Đằng sau những bộ quân phục bụi bậm là một chiếc váy màu xanh da trời… - Seremetiev cáu mặt, nhô hàm ra phía trước và bắt gặp đôi mắt ấy: đội mắt âm thầm, long lanh giọt lệ, một lời cầu khẩn thiết tha, vẻ thanh xuân mơn mởn… Một thiếu nữ khoảng mười bảy tuổi đứng kiễng trên đầu ngón chân, nhìn vị dại nguyên soái qua vai đám quân lính. Một gã long kỵ binh rậm ria đã khoác lên lưng cô gái chiếc áo choàng nhàu nát. Nàng chỉ còn một chiếc áo tàng che thân và thời tiết tháng tám đã chớm lạnh; lúc nầy người lính cố lấy vai đẩy nàng lùi lại để đại nguyên soái khỏi trông thấy. Cô gái chẳng nói chẳng rằng, cứ nghểnh cổ lên; khuôn mặt tươi tắn, bị nỗi hoảng sợ dày vò, cố gắng nhếch cặp môi mỉm cười. Một lần nữa, Boris Petrovich lại "hừm" một tiếng và tiếp tục bước đi về phía đám tù binh.
Vào lúc hoàng hôn, sau khi ngủ trưa, Boris Petrovich ngồi trên ghế, thở dài. Trong ngôi nhà gỗ, chỉ có ông và Yaguzinski đang ngồi viết, ngòi bút sột soạt trên góc bàn:
- Cẩn thận không hỏng mắt đấy, - Boris Petrovich khẽ nói.
- Thưa đại nguyên soái, tôi viết xong rồi đây ạ.
- Ừ được được nếu thế thì viết cho xong đi… - Và tự nói với mình - Đấy bọn ta thì bây giờ thư thế đấy! Hừ… A, lạy Chúa tôi?
Vừa nhẹ nhẹ gõ ngón tay xuống bàn, ông nhìn qua tấm kính mờ mờ của cánh cửa sổ nhỏ. Trên mặt hồ, lửa còn cháy trong pháo đài… Yaguzinski, đôi mắt giễu cợt liếc nhìn vị đại nguyên soái: chẳng hiểu ông ta làm sao vậy? Cổ ông bạnh ra, mặt mầy ngơ ngác.
- Anh đem lệnh nầy đến cho đại tá. - Boris Petrovich nói - Rồi anh tới trung đoàn hai long kỵ binh. Ở đó anh sẽ gặp viên hạ sĩ quan Oska Đemin, Hắn có giữ một người đàn bà trẻ, trong đoàn xe quân lương.
Bọn long kỵ binh sắp đem cỏ ta ra hành đấy. Như thế thì thật đáng tiếc… Dẫn cô ta về đây… Khoan… Đây cho Oska đồng rúp nầy, nói là ta thưởng cho hắn.
- Thưa đại nguyên soái, xin tuân lệnh!
Boris Petrovich ngồi lại một mình trong ngôi nhà gỗ rầu, rĩ lắc đầu. Làm thế nào được: cố gắng giữ gìn cũng không thể nào sống mà không phạm tội… Năm chín mươi bảy, ông ta đã tới Naple… Một nàng tóc nâu bé nhỏ đã chiếm đoạt trái tim ông… Thật khóc lên được. Boris Petrovich đã leo lên ngòn núi Veguve, đã ngắm nhìn ngọn lửa địa ngục: ở đảo Capri, ông đã trèo lên những ngọn núi đá kinh khủng, đã tới thăm đền các vị thần La Mã ô trọc, và các tu viện Thiên Chúa giáo. Ông đã nhìn thấy và đã tận tay sờ vào tấm ván xưa kia Đức Chúa đã ngồi để rửa chân cho các tông đồ, miếng bánh sữa ăn cuối cùng của Chúa với các tông đồ một cây thập ác gỗ trong đựng một mẩu rốn và da bọc quy đầu của Chúa, một trong hai chiếc dép của Người đã mòn nhẵn, đầu nhà tiên tri Zacari, thân sinh ra Thánh Jean người Tiên khu, và nhiều vật khác rất lạ lùng và kỳ diệu… Thế mà, không, nàng Julia với đôi mắt lanh lợi đã làm lu mờ tất cả; nàng múa theo nhịp một chiếc trống nhỏ và hát… Ông muốn đưa nàng về Moskva, ông đã lê gối dưới chân đứa con gái bé nhỏ ấy… A, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!
Yaguzinski đi một mạch trở về theo thường lệ, y khẽ đẩy vào trong ngôi nhà gỗ người thiếu nữ trẻ tuổi lúc nãy, mình mặc áo màu xanh da trời, đi đôi tất trắng sạch sẽ, một chiếc khăn vuông buộc chéo trên ngực, mấy cọng rơm vương trên mái tóc sẫm và quăn. Rõ ràng là trong đoàn xe quân lương, bọn long kỵ binh đã vày vò cô gái dưới gầm xe ngựa… Trên ngưỡng cửa, người con gái quỳ xuống, cúi rạp đầu, tỏ rõ một thái độ ngoan ngoãn, van nài.
Yaguzinski láu lỉnh húng hắng ho và quay ra. Boris Petrovich ngồi im một lát ngắm nhìn người con gái. Thân hình cân đối, rõ ràng là khéo chân khéo tay, cổ và cánh tay trắng nõn nà… Thật là gợi tình. Ông hỏi nàng bằng tiếng Đức:
- Tên em là gì?
Người con gái khẽ thở dài:
- Helen Catherine(1)
- Catherine… Tốt… Bố em là ai?
- Tiện tì là con mồ côi… hầu hạ ở nhà mục sư Ecxte Gluc.
- Em là người hầu… Tốt lắm… Em giặt được quần áo chứ?
- Tiện tì biết giặt giũ… biết làm nhiều việc… Giữ trẻ
- Ra thế kia đấy… Thế mà ta thì chẳng có ai để giặt quần áo. Nầy, cho ta hỏi em, em còn là con gái phải không?
Catherine nấc lên một tiếng và không ngẩng đầu lên, trả lời:
- Không ạ… Tiện tì đã lấy chồng cách đây không lâu.
- A? Chồng em là ai?
- Johan Rap, lính giáp kỵ của nhà vua.
Boris Petrovich sa sầm mặt. Ông hỏi giọng khó chịu.
- Anh ta giờ ở đâu? Có trong số các tù binh không? hay có lẽ anh ta bị giết chết rồi?
- Tiện tì đã trông thấy Johan và hai người lính bơi qua hồ… Từ đó tiện tì không thấy anh ấy nữa
- Đừng khóc, Catherine… Em còn trẻ… Rồi em sẽ tìm được một người khác… Em có muốn ăn không?
- Thưa có ạ - cô gái nhỏ nhẻ đáp. Nàng ngẩng khuôn mặt hốc hác lên, rồi lại mỉm cười, một nụ cười kính cẩn, tin cậy.
Boris Petrovich bước tới, nắm lấy vai nàng, nâng nàng dậy và hôn lên mái tóc tơ ấm áp. Đôi vai nàng cũng ấm, thanh tú.
- Ngồi vào ăn đi! Ta sẽ cho em ăn. Ta không làm hại gì em đâu. Em có uống rượu không?
- Tiện tì không biết có…
- Vậy thì uống đi!
Boris Petrovich gọi người lính hầu; vẻ nghiêm nghị (để người lính đừng nghĩ gì quá quắt, và lạy Chúa, để hắn đừng có nhăn răng ra cười), ông ra lệnh dọn bữa ăn tối. Trong bữa ăn, ông ăn thì ít mà nhìn Catherine thì nhiều. Trông cô ta mới đói làm sao chứ! Cô gái ăn một cách gọn ghẽ, khéo léo; đôi lúc, nàng đưa đôi mắt ướt nhìn Boris Petrovich, hé mở đôi hàm răng trắng tỏ lòng biết ơn. Thức ăn và rượu đã tô hồng đôi má nàng.
- Ta cuộc rằng quần áo của em đã cháy hết.
- Mất hết cả ạ, - nàng trả lời, tỏ vẻ không hề bận tâm.
- Không sao, ta sẽ mua quần áo khác. Tuần nầy, ta sẽ rời đến Novgorod, ở đó em sẽ dễ chịu hơn… Hôm nay, thời chiến đành phải ngủ ở ổ trên lò vậy…
Catherine người đôi mắt ủ rũ liếc nhìn ông; nàng đỏ mặt, quay đi và lấy tay che mặt.
- Nào, sao lại thế… Em Catherine…
Boris Petrovich không kìm được nữa, ông thích cô bé hầu phòng nầy quá… Ông vươn tay qua bàn, nắm lấy cổ tay nàng. Nàng vẫn lấy tay che mặt, mắt long lanh một cách tinh quái qua kẽ ngón tay.
- Nào, nào, ta sẽ không coi em như nông nô đâu, đừng sợ… Em sẽ sống ở trong phòng… Đã lâu ta cần một người quản gia.
Chú thích:
(1) Sau nầy là vợ thứ hai của Sa hoàng Piotr và là nữ hoàng Catherine đệ nhất kế vị chồng, trị vì nước Nga từ 1725 đến 1727.