Vua Piotr cùng các đại sứ thần không hiểu gì mấy về chính sự ở châu Âu. Đối với người Moskovi, chiến tranh có nghĩa là bảo vệ thảo nguyên chống quân du mục, chế ngự các cuộc đột kích ăn cướp của bọn Tarta ở Krym, bảo đảm việc vận tải đường bộ và đường thuỷ trên những con đường đi sang phương Đông, đánh thông ra đường biển.
Chính sự châu Âu đối với họ là một câu chuyện mờ ám. Họ tin như đinh đóng cột vào những hiệp ước viết thành văn và lời thề của vua chúa. Họ biết là vua nước Pháp cùng một phe với quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ và Guiom xứ Orange với tư cách là vua nước Anh và Stathouder của nước Hà Lan đã hứa giúp đỡ vua Piotr trong cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy mà giờ đây một tin không thể nào hiểu được bỗng đâu dội đến như một quả bom nổ (một nhà quý tộc, sứ giả của vua Auguste, đưa tin từ Ba Lan đến): hoàng đế Áo Leopol đã mở cuộc đàm phán hoà bình với Thổ Nhĩ Kỳ và chính vua Guiom xứ Orange đặc biệt quan tâm đến cuộc hoà giải đó mà không hề hỏi ý kiến người Nga và người Ba Lan.
Thế còn tất cả những lời thề thốt hữu nghị vừa mới đây của ông ta, những lời chúc tụng thắng lợi của các đội quân Cơ đốc giáo chống lại kẻ thù của Mộ thánh thì ra sao? Thế là nghĩa thế nào? Ông ta đã tặng vua Piotr một chiếc du thuyền. Ông ta đã gọi vua Piotr là tôn huynh… Họ đã cùng nhau yến tiệc… Bây giờ phải suy nghĩ thế nào đây?
Hoàng đế Leopol tiến hành thương thuyết hoà bình với Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó còn có thể được: giữa ông ta và vua nước Pháp đã bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh dành ngai vàng Tây Ban Nha; nghĩa là (theo như các vị sứ thần hiểu) ai trong hai người đó sẽ đặt được con trai mình lên ngôi báu ở Madrit… Đó là một vấn đề quan trọng, tất nhiên, nhưng Anh và Hà Lan dính dáng vào việc nầy để làm gì?
Vua Piotr và các sứ thần khó lòng hiểu được rằng các thương gia và nhà công nghiệp Anh và Hà Lan đã từ lâu mong muốn có một cuộc chiến tranh để đánh đổ sự thống trị về thương mại và quân sự của nước Pháp ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải: rằng kế vị ngai vàng Tây Ban Nha không phải là dành ngôi báu cho con trai vua nầy hoặc con trai hoàng đế nọ, không phải là dành chiếc vương miện quý báu của Saclơmanhơ mà là dành lấy con đường thông suốt cho tàu bè chở đầy len dạ, sắt thép, lụa là, hương liệu, là dành lấy những thị trường giàu có, những hải cảng tự do, và đối với người Hà Lan và người Anh thì xúi bẩy kẻ khác đánh nhau tiện lợi hơn là tự bản thân mình tham chiến
Điều đó có vẻ kỳ lạ hơn nữa là trong khi người Anh và Hà Lan vừa muôn đảm bảo cho hoàng để nước Áo được tự do hành động để ông ta có thể gây chiến với Pháp thì họ cũng lại tha thiết mong muốn người Nga tiếp tục chiến tranh chống quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ… Đó là đường lối chính trị lớn nước đôi của châu Âu. Vua Piotr trở về Amsterdam. Các thị trưởng khi được hỏi về những tin đồn không hay từ Viên đưa đến, chỉ trả lời lờ mờ và lái câu chuyện sang công việc buôn bán… Họ cũng thoái thác không bàn đến một vấn đề khác, quan trọng đối với người Nga
Năm đó, người thợ rèn cả Demidov tìm thấy quặng sắt có từ tính ở Uran. Viniux viết thư cho vua Piotr: "Trên khắp thế giới chưa từng có và hiện nay cũng không có một thứ quặng nào tốt hơn thứ quặng nầy. Nó chứa nhiều sắt đến nỗi nấu một trăm livrơ quặng là được tới bốn mươi livrơ gang. Hạ thần cúi xin chúa công thúc đẩy các vị sứ thần tìm thợ luyện kim giỏi biết cách đúc thép".
Người Anh và người Hà Lan rất chú ý nghe ngóng tin tức về chất quặng có từ tính của vùng Uran; nhưng khi bàn đến chuyện mộ thợ giỏi thì họ trở nên dè dặt, quanh co, nói rằng người Nga không thể điều khiển các nhà máy đó được; họ còn nói thêm rằng họ sẽ đi đến tận nơi xem xét và có lẽ họ sẽ tự đảm nhiệm việc khai thác mỏ… Do đó người Nga không mộ được thợ luyện kim ở Anh cũng như ở Hà Lan.
Bên cạnh tất cả những nỗi lo âu đó lại thêm tin tức về cuộc phiến loạn của quân xtreletz ở Moskva. Một thám tử ở Viên viết thư cho các sứ thần biết ở Áo mọi người cũng đã hay tin - một tu sĩ Cơ đốc giáo phao tin khắp thành phố rằng một cuộc phiến loạn đã nổ ra ở Moskva, vương hầu Vaxili Golitxon đã được gọi từ nơi tù đày về, công chúa Sofia đã trở lại ngôi báu, và dân chúng đã tuyên thệ trung thành với bà ta
"Myn Herr Koning… Trong thư hoàng thượng báo tin cho thần biết về vụ nổi loạn của quân xtreletz và tin chính phủ cùng quân sĩ của hoàng thượng đã dẹp được chúng. Chúng thần rất lấy làm vui mừng… Chỉ có một việc khiến ta không hài lòng; tại sao ngươi không mở cuộc điều tra mà lại để cho bọn kẻ cướp ấy trở lại biên giới? Chúa sẽ phán xứ ngươi… Như vậy là không đúng với những điều chúng ta đã quy ước với nhau ở nơi tiền đình của ngôi nhà nghỉ
"Nếu hoàng thượng tưởng chúng thần đã mất tích vì chuyến thư ở đây về chậm thì, nhờ ơn Chúa, chẳng có ai trong bọn thần chết đâu, chúng thần đều sống cả. Ta không hiểu tại sao các ngươi lại có cái lối lo sợ của bọn đàn bà như vậy… Không nên giận ta vì quả thật ta rất đau lòng mà viết những điều đó… Tuần nầy ta sẽ đi Viên… Ở đó người ta chỉ toàn bàn về việc ta mất tích thôi… Pite…".