Cả đời họ, người Nga chưa bao giờ thấy ai đạo đức giả và dối trá như triều thần của hoàng đế ở Viên.
Họ đón tiếp vua Piotr long trọng nhưng với tư cách là một người thường. Hoàng đế Leopol nhã nhặn gọi Sa hoàng là hiền đệ nhưng chỉ gọi thế khi nào có riêng hai người thôi, và vi hành, đeo mặt nạ đến nơi hẹn vào buổi tối.
Bàn đến chuyện giảng hoà với Thổ Nhĩ Kỳ, viên tể tướng tán thành mọi việc không chối từ điều gì, hứa hẹn đủ mọi thứ nhưng khi đi đến quyết định thì ông ta lẩn như chạch. Vua Piotr nói với ông ta: "Người Anh và người Hà Lan chỉ chăm lo đến tiền lời buôn bán của họ thôi. Không thể nhất nhất cái gì cũng nghe theo họ được. Vị giáo trưởng thành Giesusalem đã viết thư yêu cầu chúng tôi bảo vệ Mộ Thánh… Lẽ nào hoàng đế lại không tha thiết đến Mộ Thánh?" Viên tể tướng trả lời: "Đức hoàng đế hoàn toàn thừa nhận những ý nghĩ cao thượng và đáng kính trọng đó, nhưng cuộc chiến tranh mười lăm năm đã hao tổn những món tiền không thể kể xiết được, cho nên hiện nay hành động duy nhất đúng đắn là hoà bình".
"Hoà bình, hoà bình, - vua Piotr nói, - thế nhưng các ngài lại đang chuẩn bị chiến tranh với Pháp. Làm thế nào hiểu được điều đó?"
Nhưng để đáp lại, viên tể tướng chỉ nhìn vua Piotr bằng cặp mắt vui vẻ, đục ngầu và khó hiểu. Vua Piotr nói mình đang cần thành Kesk của Thổ Nhĩ Kỳ; khi ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ hoàng đế chỉ việc đòi Kesk cho Moskva. Viên tể tướng trả lời rằng: không còn nghi ngờ gì nữa, những yêu sách đó được toàn thể triều đình Viên nhiệt liệt tán thành nhưng ông ta dự tính trong vấn đề Kesk nầy sẽ có những khó khăn lớn vì quân Thổ Nhĩ Kỳ thường không quen nộp thành mà không chiến đấu.
Nói tóm lại, cuộc thăm viếng Viên chẳng đem lại kết quả gì đáng kể. Thậm chí người ta cũng không nhận lời tổ chức một cuộc tiếp kiến long trọng cho các sứ thần Nga trong dịp đệ trình quốc thư và trao tặng phẩm. Các sứ thần đã phải chịu nhận để đầu trần, đi qua phòng của các công tử và chỉ đem theo có bốn mươi tám công dân thường để mang tặng phẩm; nhưng họ đã khăng khăng đòi hỏi là ở cửa phòng khách, viên thị vệ đại thần phải xướng to tước vị của Sa hoàng, nói vắn tắt cũng được, và các tặng phẩm của Sa hoàng không phải đặt xuống thảm dưới chân hoàng đế.
"Chúng tôi đâu phải là dân Chuvas (1), - họ nói, - cũng đâu phải là chư hầu của hoàng đế, chúng tôi là một dân tộc ngang hàng với dân tộc các ngài…"
Viên thượng thư Bộ Nội điện dang hai tay ra nói: "Tuyệt nhiên không thể nào thoả mãn những yêu sách lạ lùng đó được."
Ở đây còn chua chát hơn cả ở Hà Lan, người Nga hiểu ra thế nào là đường lối chính trị của châu Âu. Vì buồn chán, họ lui tới rạp ca kịch và rất ngạc nhiên. Họ đi thăm các toà lâu đài quanh vùng. Họ dự một cuộc dạ hội hoá trang lớn của triều đình… Vua Piotr sắp đi Vơnidơ thì có thư từ Moskva gửi tới: Romodanovski và Viniux báo tin về cuộc phiến loạn của quân xtreletz ở Novo-Yeuxalim.
"Myn Herr Koning… Bức thư của hoàng thượng đề ngày 17 tháng sáu đã được trao cho thần, trong đó hoàng thượng viết cho biết là cái nòi của tên Ivan Miloslavski đã nảy nở, - về khoản đó, thần đề nghị hoàng thượng phải cứng rắn vì không có cách nào khác để dập tắt ngọn lửa đó được.
"Mặc dù chúng thần rất lấy làm tiếc phải dời bỏ công việc hữu ích đang tiến hành ở đây nhưng vì lý do đó chúng thần sẽ trở về sớm hơn là hoàng thượng tưởng… Pite"
Chú thích:
(1) Dân tộc thiểu số ở vùng trung lưu sông Volga nước Nga.