Mùa thu năm ấy, pháo đài đã được xây trước đây hai năm trên sông Yauza, phía dưới lâu đài Preobrazenski về mé hạ lưu, được xây lại theo kế hoạch của các tướng Franx Lơfo và Simon Xomme tường thành được xây rộng ra và chống thêm cọc; phía ngoài có đào hào sâu, bốn góc xây tháp canh kiên cố có đục lỗ châu mai. Những sọt đất đan bằng mây và bị cát che khuất hàng dãy cỗ đại bác, súng cối và súng trái phá bằng đồng. Ở giữa thành, người ta dựng một quán ăn cho năm trăm người ăn. Trong dịch lâu xây bên trên cửa thành chuông dóng dả đổ hồi.
Cái thành đó được xây với tính cách là một trò chơi, nhưng khi cần đến người ta có thể cố thủ giữ thành chống bao vây được. Trên một cánh đồng cỏ rộng, cắt trụi, hai tiểu đoàn Preobrazenski và Xemionovski luyện tập từ sáng sớm cho đến tối mịt. Simon Xomme quát tháo không tiếc hơi và đánh lính không hề tiếc tay. Bọn lính răm rắp diễn qua như những người máy, tay cầm súng trường giơ ra phía trước mặt: "Nghiêm, đứng lại!", bọn lính đứng lại, dậm chân tại chỗ, rồi đứng im không nhúc nhích… "Đôi vai phải tiến! Tiến lên! Vorwarts!(1)? Sai rồi! Hỏng rồi! Đồ chó má! Nghe đây! Viên tướng ngồi trên mình ngựa, đỏ tai tía tai như gà chọi. Cả đến vua Piotr, đóng chân hạ sĩ quan cũng phải ưỡn thẳng người và sợ hãi trố mắt ra khi diễn qua trước mặt hắn.
Người ta đã tuyển thêm hai người ngoại quốc nữa ở xloboda: Franx Timmecman giỏi toán học và biết sử dụng máy quan tinh và cụ Kacxten Bran, thông thạo về hàng hải. Timmecman dạy vua Piotr toán học và phép xây đựng công sự, cụ Kacxten Bran thì đảm nhiệm việc đóng tàu theo mẫu chiếc xuồng kỳ lạ tìm thấy trong kho của làng Izmailovo, đi được ngược gió, nhờ một cánh buồm ngang.
Bọn quý tộc đại thần ở Moskva ngày càng năng lui tới đây, để được xem tận mắt những trò chơi trên sông Yauza. Bao nhiêu tiền bạc và bao nhiêu khí giới lấy ở Cung vũ khí đem dùng làm gì vậy? Họ không đi qua cầu mà đứng lại ở bờ sông bên kia: một viên đại thần cưỡi ngựa, mình mặc áo lông thú đắt tiền, to xù như một cái chăn nhồi lông chim, bộ râu xòe ra như cái quạt, đôi má phị mỡ, đứng đằng trước, đằng sau hắn là bọn quý tộc khoác vào người đến ba, bốn chiếc áo nẹp loại đắt tiền nhất. Họ đứng đó đến hơn một tiếng đồng hồ không nhúc nhích. Trên bờ sông đối diện những cỗ xe chở đầy cát và sọt đất nối đuôi nhau hàng dẫy dài; mấy tên lính đang kéo những xà gỗ; trên một cái giá cao ba chân, một con ròng rọc kéo một cái vồ nặng lên rồi "rầm" đóng những chiếc cọc thụt sâu xuống đất; cuốc xẻng hất tung đất; nhiều người ngoại quốc đi đi lại lại tay cầm bản thiết kế, la bàn; tiếng rìu nện chan chát, tiếng cưa kéo xoàn xoạt, đám đốc công tay cầm thước dây chạy đi chạy lại tíu tít. Và đây - Ôi lạy Chúa! Lạy các đấng thánh thần - đáng lẽ phải ngồi vào một chiếc ghế bành nhỏ thiếp vàng, trên đỉnh một ngọn đồi, mà xem những trò chơi đó mới phải, vậy mà không? Sa hoàng đội mũ bằng vải bông, mặc quần áo chẽn ống kiểu Đức và áo sơ mi bẩn, đang lon ton đẩy xe cút kít trên những tấm ván.
Từ bờ sông bên kia, lão đại thần trật chiếc mũ chụp trên đầu khâu bằng lông bốn mươi con hắc điêu thử, bọn quý tộc cũng làm theo như thế rồi cả bọn cúi rạp chào. Rồi họ lại tiếp tục nhìn, tay dang ra vì ngạc nhiên. Ông cha họ xưa kia dựng lên chung quanh Sa hoàng một bức tường thành không gì phá vỡ nổi, giữ gìn không để một hạt bụi, một con ruồi bám vào người đấng Hoàng thượng chí tôn. Hiếm hoi lắm người ta mới để cho dân chúng chiêm ngưỡng Đức vua như một đức Thượng Đế sống, hay cũng gần như thế với tất cả nghi thức huy hoàng kiểu Byzăngxơ(2) thời cổ. Còn như thế kia là cái quái gì? Sa hoàng đang làm gì? Cùng với tụi nông nô, và chính bản thân Sa hoàng trông cũng chẳng khác gì một tên nông nô khố rách áo ôm, nhà vua đang trơ tráo chạy trên những tấm ván mồm ngậm tẩu nhồi một chất độc ghê tởm gọi là thuốc lá… Nhà vua làm rung chuyển cả nền tảng quốc gia… Như thế không còn là một trò chơi hay một sự vui đùa nữa. Trông xem kìa, tụi nông nô đang cười sằng sặc ở bên kia sông…
Một đại thần lấy hết can đảm, lắc lư bộ râu, giọng run run kêu to:
- Muôn tâu Sa hoàng, xin bệ hạ cứ giết kẻ hạ thần nầy đi vì đã nói ra sự thật nhưng kẻ hạ thần nầy già quá mất rồi nên không thể nhịn được, nhìn bệ hạ thật là cả một sự xấu hổ, nhục nhã, chưa từng thấy thế nầy bao giờ…
Vua Piotr, cao lênh khênh như một con sào, trèo lên mặt thành chất đầy sọt đất nheo mắt nhìn:
- À nhà ngươi đấy à… Nghe đây… Golixyn viết thư về nói gì: hắn đã chiếm được Krym hay chưa?
Thế là cái bọn ngoại quốc khốn kiếp kia phá lên cười ha hả ở bên kia tường thành và bọn người Nga nhẽ ra phải quỳ xuống khi trông thấy một người thân cận của các đấng Sa hoàng thì lại hùa theo bọn ngoại quốc mà cười ầm lên. Cũng có khi, một lão đại thần thà chết thì chết cứ khăng khăng thuyết phục Sa hoàng, cố làm cho nhà vua phải xấu hổ:
- Thần đã từng bế Đức Thái thượng hoàng trong lòng, - lão đại thần nói, - thần đã túc trực hết ngày nầy qua đêm khác bên linh cữu cố Sa Hoàng, thần là dòng dõi vua Russ(3), chính thần cũng đã từng giữ quyền cao chức trọng. Bệ hạ nên nghĩ đến danh dự của chúng ta. Bệ hạ dừng nô nghịch nữa, nên suy nghĩ, hãy đến nhà tắm hơi nước hay đến đền thờ Chúa.
- Alexaska, đưa cho ta cái ngòi pháo, - vua Piotr nói. Rồi chĩa một cỗ súng trái phá nặng sáu cân, nhà vua bắn một loạt hột đậu vào lão đại thần. Tướng Xomme ôm bụng phá lên cười, Lơfo cũng cười, anh chàng Timmecman lặng lẽ cũng cười một cách hiền hậu, cụ Kacxten Bran béo lùn, khuôn mặt nhăn nheo như quả táo chín cũng rũ ra cười. Rồi tất cả những người ngoại quốc và tất cả người Nga đều nhảy lên mặt thành để xem chiếc mũ cao lêu nghêu rơi như thế nào, xem lão đại thần sợ chết khiếp, thiếp đi trong tay bọn quý tộc đứng gần lão ta như thế nào và xem lũ ngựa chồm sang một bên rồi đá hậu như thế nào. Suốt ngày hôm đó, người ta hết cười lại kể chuyện cho nhau nghe.
Pháo đài được đặt tên là thủ đô Prexburg.
Chú thích:
(1) Tiến lên (Tiếng Đức).
(2) Tên thành Constantinop (Thổ Nhĩ Kỳ) thời cổ.
(3) Thủ lĩnh bộ lạc Varege, người sáng lập ra đế quốc Nga (thế kỷ thứ 9).