Gavrila Brovkin mang theo công lệnh của Sa hoàng, phi một mạch không nghỉ về Moskva trên cỗ xe trạm nhỏ có bánh xe vành sắt, thắng ba con ngựa, cứ mỗi trạm lại thay ngựa. Hắn đem thư từ của Sa hoàng và một lệnh truyền miệng cho vương hầu chấp chính: thúc giao nộp hàng thiết khí các loại cho Petersburg.
Andrey Golikov đi theo Gavrila. Họ được lệnh không nấn ná trên đường đi. Nấn ná ư? Không lo. Lòng Gavrila bồn chồn như bay trước cỗ xe tam mã đến hàng trăm sải. Hễ đến trạm nghỉ là hắn lại hối hả, bụi bặm đầy người, chạy lên bậc thềm lấy cán roi dập thình thình vào cửa: "Nầy, trưởng trạm! - hắn trợn mắt gọi to, - cho ba con ngựa ngay tức khắc!" Và hắn bước thẩng đến chỗ viên trưởng trạm đang ngái ngủ, chỉ có cái mũ đính lon là dấu hiệu độc nhất của chức vụ y: vì trời nóng như hun nên y đi chân đất, mặc quần đùi và áo lót dài không có thắt lưng. "Cho một bình kvas và phải thắng ngựa vào xe xong xuôi trong khi ta uống đấy…"
Cả Andrey Golikov cũng ở trong một tâm trạng cực kỳ phấn khởi. Tay bám chặt vào thành xe để khỏi ngã lăn xuống đường và gãy cổ, hàm răng nghiến chặt, tóc bay phần phật trước gió, cái mũi chĩa ra như mỏ chim mỏ nhát, hắn như mới được mở mắt bây giờ là một. Hắn ngắm nhìn các khu rừng đang dập dềnh lướt đến, toả mùi hương nồng ấm của chất nhựa thông bầu trời mùa hè và những đám mây nhẹ soi mình trên các hồ lầy, tròn vành vạnh, xung quanh viền một lớp cây cối xanh um, những dòng sông nhỏ uốn khúc quanh co, nước đen ngòm; từ đó chim rừng đủ loại cất cánh bay lên khi bánh xe lăn ầm ầm trên cầu. Tiếng nhạc ngựa loong coong theo nhịp lắc lư của cái ách hình cánh cung, nói lên nỗi buồn man mác của đường trường vô tận.
Người xà ích luôn luôn thúc ngựa vì sau tấm lưng còng của hắn, hắn cảm thấy sự có mặt của người hành khách nóng nảy tay cầm roi.
Thỉnh thoảng xe lại chạy qua những làng dân cư đi đâu mất đến nửa, với những túp nhà gỗ ọp ẹp, cũ kỹ, khoét một cái lỗ rộng bằng hai bàn tay làm cửa sổ, có căng một cái bong bóng và bên trên khung cửa thấp lè tè đục một cái khe khói ám đen sì và dưới một cây liễu cong queo còn có cả một bức tranh thánh nhỏ với con chim bồ câu, để ít ra cũng có nơi cầu Chúa ở chốn xó xỉnh heo hút nầy. Có xóm chỉ còn lác đác hai hay ba túp nhà có người ở, các túp lều khác đều thủng mái hay sụt mái rào giậu siêu vẹo, tầm ma mọc lan khắp nơi.
Còn người thì đi mà tìm họ trong các khu rừng rậm rạp miền Bắc, dọc dòng sông Dvina hay sông Vyk, có ma nào biết được, không thì họ cũng đã trốn vào vùng Ural hay vùng hạ lưu sông Đông rồi.
- Chao ôi? Làng mạc thảm hại quá! Chao ôi! Dân ở đây sống mới xơ xác làm sao chứ! - Golikov lẩm bẩm. Chạnh lòng thương, hắn đưa bàn tay nhỏ nhắn lên má. Gavrila trả lời rất chí lý:
- Người thì ít mà đất nước ta lại rộng mênh mông, đi đến mười năm cũng chưa hết một vòng. Do đó mà có cảnh cùng khổ: người ta đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người dân. Như ta chẳng hạn, đã từng ở bên Pháp. Trời đất ơi! Nông dân đứng không vững nữa, họ chỉ ăn rặt có cỏ và uống rượu chua loét mà không phải ai cũng có rượu cả đâu… Ấy thế nhưng khi một vị hầu tước hay đích thân hoàng thái tử đi săn thì ông ta mang về hàng xe bò thứ săn được… Cảnh cùng khổ đến thế đấy. Nhưng ở bên ấy thì lại vì một nguyên nhân khác!
Golikov không hỏi tại sao nông dân Pháp lại đứng không vững… Đầu óc kém mở mang của hắn không hiểu nổi căn nguyên của sự vật: bằng mắt, bằng tai, bằng mũi, hắn uống thứ rượu ngọt ngào hay cay đắng của cuộc đời, và vui thú hay đau khổ cũng đều quá mức
Trên cao nguyên Vandai, phong cảnh tươi tắn hơn, có những cánh đồng cỏ với những đụn rơm năm ngoái có con chim cắt đậu ở trên đỉnh, những con đường mòn mất hút trong rừng cây um tùm, vào đó hái dâu hẳn là thú vị. Ngay cả đến tiếng rừng cây lao xao nghe bây giờ cũng khác, êm ái hơn, phóng khoáng hơn. Làng mạc cũng trù phú hơn, với các cổng lớn vững chãi và bậc thềm bằng gỗ chạm trồ. Khi dừng xe nghỉ trước một cái giếng cho ngựa uông nước, các du khách nhìn thấy một cô bé chừng mười sáu tuổi, tóc bện thành bím to, trán chít một vành kokosnic(1) tết bằng vỏ phong, mỗi múi đính một hạt cườm xanh lơ; cô bé nom xinh đến đỗi người ta những muốn nhảy xuống xe, hôn cô ta lên môi. Golikov khe khẽ kín đáo thở dài. Còn Gavrila thì không mảy may chú ý đến cô thôn nữ vô nghĩa lý đó hắn bảo cô bé:
- Thế nào, tại sao lại cứ đứng trố mắt ra như thế, không thấy chúng ta bị gãy vành bánh xe hay sao, chạy đi gọi thợ rèn đi nào!
- Ừ nhỉ! - cô gái nông dân khẽ thốt lên. Cô vứt thùng và đòn gánh xuống rồi chạy trên đám cỏ lơ thơ, hai gót chân hồng hồng lúc ẩn lúc hiện dưới gấu áo thêu bằng vải thô. Chắc hẳn cô ta đã đi tìm giúp vì chỉ một lát sau, người thợ rèn đã ra. Nhìn thấy anh ta, nhất định ai cũng phải trầm trồ: "Chà, khỏe quá?" Khuôn mặt như tạc, như đẽo, đóng khung trong bộ râu quăn ngắn; một nụ cười ngạo nghễ thoáng hiện trên môi như thể hắn đã hạ cố chịu phiền đến giúp bọn du khách ngốc nghếch nầy; có thể lấy một quả tạ nặng hai pud, đánh anh ta vào ngực cũng chẳng vần gì. Hắn thù lù hai bàn tay to khỏe dưới yếm tạp dề bằng da. Vẻ giễu cợt hắn hỏi, giọng trầm trầm nghe như hát:
- Có phải các ông bị gãy một vành bánh xe không? Của nầy làm ở Moskva đây mà, cứ trông cũng biết!
Vừa lắc đầu, hắn vừa đi vòng quanh cỗ xe, nhìn xuống gầm, nắm phía sau xe và không cần phải gắng sức hắn lắc mạnh cỗ xe với cả những người ngồi trên.
- Nát lắm rồi. Chỉ để cho quỷ dùng chở củi thì được thôi!
Gavrila bực dọc mặc cả. Golikov ngẩn người say sưa ngắm nhìn anh thợ rèn: trong tất cả các kỳ quan hắn đã từng thấy, đây có lẽ là cái kỳ lạ nhất. Làm sao hắn không nhớ tiếc cây bút lông, thuốc vẽ và những miếng gỗ ván thơm của hắn cho được? Mọi cái đều trôi qua, phai mờ trước mắt ta, biến mất vào đám sương mù của quên lãng, không bao giờ trở lại. Chỉ có nhà hoạ sĩ là có thể, bằng nghệ thuật của mình, ngăn chặn sự tàn phá mù quáng bằng cách ghi lại giây phút mong manh lên tấm ván gỗ sồi phủ một nước sơn trắng làm nền.
- Nhưng liệu có lâu không? - Gavrila hỏi. - Mỗi phút đối với ta là rất quý, ta đi đây là theo lệnh của Sa hoàng.
- Cũng tuỳ thôi, - anh thợ trả lời. - Có thể dềnh dàng mà cũng có thể làm nhanh.
Gavrila đanh nét mặt lại nhìn cái roi của mình, rồi liếc nhìn anh thợ rèn:
- Thôi được… Ngươi đòi bao nhiêu?
- Tôi đòi bao nhiêu ấy à? - Anh thợ rèn phá lên cười - Công tôi đắt lắm. Tôi mà nói đúng giá thì tất cả tiền của ông cũng không đủ để trả đâu. Nhưng thôi, tôi biết ông, Gavrila Ivanovich ạ. Vào mùa xuân, ông đã đi qua đây cùng với người anh, ông lại còn ngủ ở nhà tôi nữa kia. Ông quên rồi à? Anh ông là một người có trí lực. Cả Sa hoàng Piotr nữa, tôi cũng biết rõ và hoàng thượng cũng biết rõ tôi. Không lần nào hoàng thượng đi qua đây mà không tạt vào lò rèn nhà tôi. Nhà vua cũng là một người có trí lực. Thôi, ông hãy cho xe quay lại, đến lò rèn, ta sẽ liệu xem làm được cái gì chăng.
Lò rèn dựng trên sườn đồi nhìn xuống đường cái; đó là một ngôi nhà thấp cất bằng những cây gỗ tròn to tướng, mái bằng đất và có ba cái khung để đóng móng ngựa; xung quanh bừa bãi bánh xe, cày, bừa.
Trước cửa có ba người đàn ông đeo tạp dề da, trán buộc một sợi dây da mỏng để giữ mớ tóc quăn cho khỏi xoã xuống; họ là hai người em của anh thợ rèn, và người anh hắn, chuyên quai búa, một gã thô kệch râu xồm, mặt mầy cau có. Không vội vàng, nhưng khéo léo, như vừa làm vừa chơi, anh thợ rèn bắt tay vào việc. Hắn tự tay tháo ngựa ra khỏi xe, lật sấp thùng xe, tháo bánh và rút các trục sắt ra. "Xem nầy! Cả hai chiếc đều rạn cả. Cái lão thợ rèn Moskva nầy thật đáng nện vào sọ!". Hắn vùi các trục xe vào lò, đổ vào đó một túi than rồi gọi người em: "Vaniusa, kéo bễ mạnh vào! Làm khỏe lên!".
Công việc của mấy anh em tiến hành nhộn nhịp. Gavrila đứng tựa cửa, nt cái tẩu nhỏ. Golikov ngồi trên ngưỡng cửa cao. Lúc đầu, họ cũng đã đề nghị giúp một tay để công việc thêm nhanh chóng nhưng anh thợ rèn khoát tay từ chối. "Các ông cứ ngồi yên, mấy khi các ông có dịp được trông thấy thợ rèn vùng Vandai làm việc".
Vaniusa kéo mạnh bễ, làm tóe ra từng đám tàn lửa nổ lách tách cuồn cuộn bay lên mái nhà. Người anh cả râu xồm, đứng trong ánh lửa sáng nom như một pho tượng thờ, bàn tay đặt trên cái cán dài của chiếc búa nặng hai mươi cân. Anh thợ rèn xoay đi lật lại cái trục xe trong lò lửa đang toả ra một làn hơi nóng hối.
- Cần nói để các ông biết thiên hạ gọi chúng tôi là anh em nhà Vorobiev. - hắn tuyên bố, vẫn tủm tỉm cười trong bộ ria quán. - Chúng tôi là thợ rèn, thợ đúc vũ khí, thợ đúc chuông… Cái nhạc kêu lanh lảnh ở ách ngựa của các ông là làm theo kiểu của chúng tôi đấy! Năm ngoái Sa hoàng Piotr đến đây, cũng ngồi như các ông ở ngưỡng cửa, và luôn miệng hỏi tôi: "Hãy ngừng tay búa đã. Kondrati Vorobiev, - hoàng thượng bảo tôi - Hãy trả lời ta đã. Tại sao nhạc của nhà ngươi đúc lại có tiếng kêu lanh lảnh ấy? Tại sao những lưỡi kiếm do tay nhà ngươi làm ra lại uốn cong được mà không gãy? Tại sao súng ngắn của nhà Vorobiev bắn xa hơn súng của các thợ đúc vũ khí khác đến hai mươi bước và lại nhạy thế?". Tôi trả lời: "Tâu bệ hạ Piotr Alekseevich, nhạc ngựa của chúng thần có tiếng kêu đặc biệt đó là vì chúng thần cân đồng và kẽm theo lời dạy của những người lành nghề và chúng thần nấu kim khí không để có bong bóng. Nếu lưỡi kiếm của chúng thần cong lại mà không gãy là vì chúng thần nung thật đỏ lên rồi tôi vào dầu gai. Còn như súng ngắn của chúng thần mà bắn được xa và nhạy là nhờ ông thân sinh ra chúng thần là Xtepan Xtepanovich, cầu Chúa hãy cho ông cụ được sống ở thiên đường; ngay từ khi chúng thần còn bé, cứ mỗi lần sơ suất, dù nhỏ, là ông cụ lại nện chúng thần những trận nên thân và vừa đét chúng thần vừa luôn miệng nhắc: "Việc làm dối trá còn quá ăn gian!" Vâng như thế đấy!
Kondrati tay kìm cặp chiếc trục xe rút ra khói lò, đặt lên đe và lấy cái chổi con phủi những vẩy phồng, khiến cái chổi bén lửa: rồi hắn hất hàm ra hiệu cho người anh cả. Gã nầy lùi lại một bước và ưỡn người ra đằng sau rồi ngả mạnh ra đằng trước, gã vung búa bắt đầu đập: những giọt kim khí chảy bắn tung tóe lên tường. Kondrati ra hiệu cho người em: "Ra tay đi, Xtiopa!" Anh chàng nầy cầm một cái búa nhỏ hơn đến đứng trước mặt người anh râu xồm: thế là bắt đầu những tiếng nện choang choang nghe như tiếng chuông ngày lễ Phục sinh: người anh cả nện một búa thì Xtiopa nện hai; Kondrati lật đi lật lại thanh sắt trên đe, tay đập búa nhỏ. "Thôi!" hắn bỗng kêu lên. Rồi hắn vứt cái trục xe đã rèn xuống nền nhà bằng đất nện. "Vaniusa thổi lửa to lên!"
- Rồi thì hoàng thượng hỏi tôi, - anh thợ rèn nói tiếp vừa lấy mu bàn tay quệt khuôn mặt đẫm mồ hôi. - Kondrati Vorobiev, ngươi có nghe nói đến người thợ rèn Nikita Demidov ở Tula không? Bây giờ hắn có xưởng ở Ural và có cả hầm mỏ, cả nông dân làm lụng trên ruộng đất của hắn và nhà của hắn còn sang hơn cả nhà của ta nữa kia… Thế mà lúc đầu hắn cũng chỉ làm công việc lặt vặt như ngươi thôi… Đối với ngươi cũng vậy, đã đến lúc ngươi nên nghĩ đến một công việc lớn đi thì vừa: chẳng lẽ ngươi lại cứ suốt đời đóng móng ngựa bên cạnh đường cái mãi ư? Nếu không có tiền thì ta sẽ cho, mặc dầu ta cũng chẳng lấy gì làm sung túc lắm. Lẽ ra ngươi nên mở một xưởng đúc vũ khí ở Moskva, hay tốt hơn, ở Petersburg. Ở đó thật là thiên đường". Tóm lại, hoàng thượng cứ nói đi nói lại mãi, tôi cảm thấy hoàng thượng muốn dụ dỗ tôi… Ồ! tâu hoàng thượng Piotr Alekseevich - tôi trả lời. - Chúng thần sống bên cạnh đường trong cảnh vui vẻ no ấm. Ông cụ thân sinh ra chúng thần thường nói: "ăn ngon chẳng hại gì, ăn cho nhiều, ngủ cho đẫy giấc và làm việc cho chăm", những lời giáo huấn đó, chúng thần đã theo đúng. - Chúng thần cần gì cũng có đầy đủ. Mùa thu chúng thần nấu rượu bia, rượu mạnh đến nỗi vỡ tung cả thùng đựng, rồi muôn tâu đại đế, chúng thần uống rượu, chúc mừng sức khỏe của hoàng thượng. Chúng thần xỏ bao tay thêu vào rồi ra ngoài trời đấm nhau chơi cho vui… Cho nên chúng thần chẳng tội gì mà đi khỏi nơi nầy". Tôi trả lời nhà vua như vậy đó. Nhưng hoàng thượng nổi giận đùng đùng: "Kondrati Vorobiev - hoàng thượng bảo tôi, - câu trả lời của ngươi thật là tệ hại, không còn thể nào tệ hại hơn được. Kẻ nào tự bằng lòng với những cái mình có sẵn, không muốn đổi cái tốt lấy cái tốt hơn nữa rồi sẽ mất sạch cả. Chà? - nhà vua bảo - bao giờ các ngươi mới hiểu ra điều ấy, hử, đồ quỷ lười kia… Thật tình, nhà vua đã đưa ra cho chúng tôi một vấn đề khó nghĩ quá thể.
Anh thợ rèn ngừng nói, nét mặt sa sầm, và nhìn xuống đất. Mấy người em im lặng nhìn anh; cố nhiên họ cũng muốn góp ý kiến nhưng lại không dám. Kondrati gật gù rồi mỉm cười trong bộ râu:
- Nhà vua làm rối đầu óc mọi người như thế đấy! Chúng tôi mà lười biếng à? Thế mà, theo nhà vua, thì chúng tôi quả là lười biếng thật đấy!
Bỗng hắn quay ngoắt lại phía lò than, trong có chiếc trục xe thứ hai đang nung đỏ, cầm lấy kìm rồi gọi anh em hắn: "Về chỗ!".
Chừng một giờ rưỡi sau, cỗ xe được lắp lại, hoàn toàn sẵn sàng, trông vững chãi, nhẹ nhàng. Suốt thời gian đó, cô gái đầu chít dải kokosnic cứ luấn quẩn quanh lò. Cuối cùng Kondrati nhìn thấy cô ta:
- Masutka nầy? - cô bé hất bím tóc dài ra sau lưng và đứng chừng lại như bị đóng đinh tại chỗ - Chạy mau lên, đem sữa lạnh ra mời các vị đây… Họ sẽ giải khát trước khi lên đường.
Gavrila chớp chớp mắt nhìn cặp gót chân hồng thoăn thoắc của cô gái quê, hỏi anh thợ rèn:
- Em gái ngươi đấy à? Một cô gái đẹp đấy chứ?
- Chậc! Con bé đang gây cho chúng tôi nhiều chuyện phiền lắm, - anh thợ rèn trả lời - Gả chồng cho nó ư? Nó còn trẻ quá, chúng tôi không nỡ. Nhưng ở nhà nó chẳng được cái tích sự gì hết, dệt cũng không biết, vắt sữa bò cũng không, chăn ngỗng cũng không nốt. Đầu óc nó chỉ luẩn quẩn mỗi một chuyện: nhào đất xét xanh và chơi nặn bất cứ cái gì, như con mèo cưỡi trên lưng con chó chẳng hạn, hay một một mụ già chống gậy trông cứ như thật, quả có vậy… Nó nặn những con chim, con thú chưa ai từng thấy bao giờ. Buồng của nó đầy những thứ đồ chơi vớ vẩn đó. Chúng tôi cũng đã định quẳng tất cả những của ấy đi nhưng nó la hét inh ỏi đến nỗi dành phải để mặc nó vậy!
- Trời ơi! - Golikov lẩm bẩm. - Phải xem những thứ đó ngay lập tức mới được
Và như bị một nỗi kinh hãi thiêng liêng chiếm lấy, hắn trố mắt nhìn anh thợ rèn. Anh nầy vỗ bụng cười ha hả. Vaniusa và Xtiopa kín đáo mỉm cười, mặc dù cả hai cũng đều đang muốn cười ồ lên. Cô gái chít kokosnic đem ra một vò sữa nấu ở lò.
- Maska, - Kondrati nói, - Ông nầy muốn xem các ông phỗng của mầy, để làm gì, tao cũng chẳng biết. Đưa cho ông ấy xem.
Cô gái tái mặt, vò sữa run run trong tay.
- Ồ không đâu, tôi chẳng cho xem đâu.
Cô đặt vò sữa xuống cỏ, quay gót bỏ đi, thất thần như một người mê ngủ, biến mất sau lò rèn. Chuyến nầy thì tất cả các anh cô đều ôm bụng lắc đầu cười rũ rượi… Chỉ có Golikov là không cười… Hắn vươn cổ nhìn về phía cô bé đã mất hút.
- Thế nào, Kondrati Xtepanovich. - Gavrila hỏi, - Chúng ta trả công cho ngươi sao đây?
- Trả công ấy à?
Anh thợ rèn chùi mắt, vuốt ria và trở nên đăm chiêu, vừa vuốt râu vừa nói:
- Khi nào gặp Sa hoàng Piotr, ông hãy chào nhà vua giúp tôi và thêm thắt hộ những lời chúc tụng thường lệ của ông… Nhờ ông hãy tâu với nhà vua là Kondrati Vorobiev xin nhà vua đừng giận hắn, rằng Kondrati Vorobiev không chịu làm thằng ngốc hơn người khác đâu. Sa hoàng sẽ hiểu tôi muốn nói gì.
Chú thích:
(1) Một thứ dải để giữ tóc của phụ nữ Nga thời cổ.