Bọn xtreletz hoành hành dữ dội. Chúng giết chết một loạt tên quý tộc quyền thế: hai người anh của thái hậu, Ivan và Afanaxi Naryskin, bọn vương hầu Yuri và Mikhail Dolgoruki, Grigori và Andrey Romodanovski, Mikhail Seckaski, Matveev, Piotr và Fedor Xazukov và nhiều người khác, dòng dõi kém vai vế hơn. Chúng được lĩnh lương tất cả là hai trăm bốn mươi nghìn rúp và thêm mỗi người mười rúp tiền thưởng. Tất cả thành phố đều phải nộp bát đĩa bằng vàng bạc dể đúc tiền trả cho bọn xtreletz). Một cột trụ được trồng ở Hồng trường; trên bốn mặt cột trụ có viết tên bọn quý tộc bị tàn sát cùng những tội lỗi của chúng.
Các trung đoàn xtreletz đòi phải được cấp giấy cam kết trong đó bọn quý tộc quyền thế phải thề rằng trong hiện tại cũng như trong tương lai không bao giờ được dùng những lời lẽ khinh miệt đối với quân xtreletz, không bao giờ được gọi chúng là phiến loạn hay bội phản, không được vô cớ xử tử chúng hoặc đem chúng đi đày. Sau khi lấy lương thực trong điện Kreml ra ăn uống no say, bọn xtreletz trở về doanh trại, bọn thợ thủ công và bọn buôn bán trở về khu phố của họ. Và nếp sống cũ lại trở lại như không có gì xảy ra cả. Những cảnh tối tăm muôn thuở - tình trạng cùng khổ, nô lệ, nghèo nàn - ứ đọng ở khắp nơi, ở Moskva, ở các thành phố, ở hàng trăm quận rải rác trên đất nước mông mênh.
Người nông dân với mông đít ăn đòn nát nhừ, cào đất được chăng hay chớ. Anh ta đã kinh tởm đất. Thợ thủ công chết bẹp dưới gánh nặng của thuế má và cống nạp, rên rỉ trong những căn nhà giá lạnh. Bọn buôn bán nhỏ không tiếc lời than thở. Bọn chúa đất nhỏ đang phá sản. Đất cằn cỗi dần: gặt được gấp ba lần số thóc đã gieo đã là phúc to, phải cảm ơn Chúa. Đến cả bọn quý tộc quyền thế và bọn buôn bán lớn cũng phải lẩm bẩm phàn nàn. Xưa kia, một người quý tộc không cần nhiều lắm cũng giữ được thể diện: chỉ cần một cái áo lót lông hắc điêu thử và một cái mũ lông cao ngất nghểu là đủ. Còn ở nhà thì rau cháo thế nào cũng xong, tối đến đọc kinh cầu Chúa rồi đi ngủ sớm. Bây giờ, người ta chú trọng nhiều đến bề ngoài: bọn quý tộc muốn sống sang trọng như bọn quý phái Ba Lan, bọn Livonien, bọn Đức. Họ được nghe nói đến nhiều sự kỳ lạ và cũng được nhìn tận mắt nhiều sự kỳ lạ. Lửa tham ngùn ngụt trong lòng người. Từ đó, bọn quý tộc có đến một trăm gia nhân. Thế nhưng, còn phải đóng giầy, may áo nẹp có mang gia huy và nuôi cái đám người lộn xộn tham lam vô độ đó - lợi tức cũ của họ không sao đủ được. Sống trong những ngôi nhà gỗ bị coi như là không lịch sự. Xưa kia, ông hoặc bà quý tộc đi ra ngoài đường dùng xe trượt tuyết đóng có một ngựa do một gia nhân cưỡi. Để khêu gợi sự ao ước trong lòng người ta, họ treo những chiếc đuôi cáo ở vòng cổ ngựa, ở đai ngựa, ở dây buộc hậu. Bây giờ thì phải mua một xe ngựa thếp vàng từ Danzich về, đóng bốn ngựa, nếu không làm như thế thì bị khinh rẻ ngay. Nhưng đào đâu ra tiền? Thời buổi nầy khó khăn. Buôn bán ế ẩm. Bán cho người trong nước thì chẳng được bao nhiêu vì họ đã trần như nhộng. Xuất biên ư? Nhưng tàu bè đâu? Biển không phải là của mình. Bọn ngoại quốc đã nắm hết thị trường ngoài nước. Nghe nói đến sự buôn bán ở các nước khác mà bực mình muốn đập đầu chết quách đi cho rồi. Khốn nạn thay cái nước Nga nầy! Bao giờ mi mới chịu nhúc nhích!
Ở Moskva có hai Sa hoàng - Ivan và Piotr và trên cả là công chúa Sofia nắm quyền phụ trách. Đây chỉ là chuyện thay bậc đổi ngôi của bọn quý tộc quyền thế, có thế thôi. Chán nản vô cùng! Thời gian như dừng lại và chẳng có gì mà mong đợi cả. Một thời gian, trước cái một trụ kỷ niệm của quân xtreletz ở Hồng trường có một người lính cầm kích đứng gác, rồi sau không thấy đâu nữa. Dân chúng đem rác rưởi đến đồ thành đống chung quanh cái cột trụ. Và ở các chợ, người ta lại bắt đầu thì thầm xì xào. Bọn xtreletz đâm nghi: vậy ra họ chưa làm đến nơi đến chốn; họ đã làm om sòm lên, nhưng chẳng được lợi lộc gì cả. Có lẽ phải làm cho xong xuôi việc nầy trước khi quá muộn chăng?
Những người già cả nhắc lại những thời tốt đẹp xưa kia. Đời sống lúc đó không đắt đỏ bằng bây giờ, người ta no đủ hơn, sống đường hoàng hơn. Ở nông thôn, trai gái nắm tay nhau ca múa. Ở ngoại ô người ta đâm béo ra vì chẳng phải làm gì cả. Tuyệt nhiên không nghe nói đến chuyện cướp bóc. Thật thế đấy, nhưng tất cả những cái đó là chuyện đã qua!… Sáu người razkonic(1), sáu người không chịu quy phục quốc giáo, chuyên giải thích Kinh thánh, người gầy như mõ không ai lay chuyển được niềm tin, đến xloboda của quân xtreletz. "Con đường sống duy nhất, - họ nói với bọn xtreletz - con đường sống duy nhất cho các bạn là lật đổ lão giáo trưởng theo phái Nikon và tất cả bè lũ quý tộc quyền thế đã theo phái Nikon và tiêm nhiễm phong tục Ba Lan, để trở lại đức tin chân chính và lối sống cũ". Mấy người razkonic đó đọc những quyển vở mang từ tu viện Xolovetski về trong đó có dạy cách thoát khỏi bùa phép mê hoặc của bọn Nikon và cách cứu vớt linh hồn mình như thế nào. Bọn xtreletz lắng tai nghe, nước mắt ròng ròng. Ở chợ, lão razkonic Nikita Pustosviat, một ông già đạo mạo, đứng trên một xe ngựa nhỏ có mui, đọc quyển vở của tu viện Xolovetski cho dân chúng nghe:
"Hỡi các đạo hữu, tôi đã trông thấy Ma Vương, thật vậy tôi đã trông thấy hắn… Mới đây tôi đang chìm đắm trong những tư tưởng buồn nản bụng nghĩ đến thời Ma Vương sẽ xuất hiện, tôi đọc kinh nhưng rồi, khốn nạn thân tôi, tôi đã thiu thiu ngủ. Bỗng tôi thấy một đám đông trên một cánh đồng. Có người đứng bên cạnh tôi. Tôi hỏi người đó: Cái đám người đông đúc kia là thế nào? Hắn trả lời: Ma Vương sắp đến, cứ đứng yên đấy, đừng sợ. Tôi chống cây trượng có hai sừng đứng sững. Và người ta dẫn đến một người trần truồng, da thịt ghê tởm xông ra một mùi hôi thối, hắn thở ra lửa, từ mồm mũi và hai lỗ tai hắn bốc ra một ngọn lửa tanh tưởi đến lộn mửa. Theo sau là Sa hoàng của chúng ta, các thủ lĩnh, những người quý tộc, những quan đại thần của triều đình và những uỷ viên của viện Duma… Tôi bèn nhổ vào mặt Ma vương và cảm thấy hết sức đau đớn… Kinh thánh có nói đến việc đó: chẳng bao lâu nữa Ma Vương sẽ đến…".
Thế là người ta hiểu cần phải đòi hỏi những gì.
Bọn xtreletz chạy ùa đến điện Kreml. Ivan Andreevich Khovanski, thủ trưởng Bộ cấm quân xtreletz đã tuyên bố theo giáo phái ly khai. Sáu người razkonic gầy như que củi, đứng đầu là Nikita Pustosvita đã ba hôm nay tuyệt không ăn uống một tí gì, mang những giá tán kinh, những cây thập ác bằng gỗ, những bản kinh cổ đến điện Hữu Giác rồi trước mặt Sofia, họ chửi rủa và nói xấu vị giáo trưởng và giáo hội. Bọn xtreletz tụ tập trước Thềm Đỏ hét lên: "Chúng tôi muốn trở lại đức tin cũ, chúng tôi muốn có đời sống tốt đẹp như xưa". Có người nói những lời lẽ mạnh mẽ hơn: "Đã đến lúc công chúa nên lui về một tu viện, công chúa gây cho quốc gia khá nhiều chuyện rắc rối rồi. Đủ rồi".
Sofia tức giận chỉ còn cách hăm doạ:
- Các ngươi định đánh đổi chúng ta lấy sáu tên thầy tu, sáu tên nông dân dốt nát ư? Vậy thì chúng ta, những người trong gia đình của Sa hoàng, chúng ta không thể sống ở đây được nữa. Chúng ta sẽ đi đến những thành phố khác báo cho nhân dân biết sự suy tàn của chúng ta và sự phản bội của các ngươi.
Bọn xtreletz hiểu rõ điều Sofia hăm doạ chúng, chúng đâm hoảng. "Nếu bà ấy định tung đoàn vệ binh quý tộc đánh về Moskva thì làm thế nào?" Chúng bèn rút lui rồi bắt đầu thương lượng. Trong khi đó, theo lệnh của Vaxili Vaxilievich Golixyn, người ta đem đến quảng trường từng chậu rượu vodka và rượu bia lấy ở hầm rượu của Sa hoàng. Bọn xtreletz đâm ra nao núng, đầu óc choáng váng. Có kẻ kêu lên: "Bọn mình cần quái gì đến đức tin cũ kia chứ? Đó là việc của bọn thầy tu. Tóm cổ lấy bọn razkonic!". Nói xong họ lôi một người trong bọn mấy ông già gầy đét ra chặt đầu và bóp cổ chết hai người nữa, mấy ông già còn lại chỉ đủ thì giờ chạy tháo lấy thân.
Bọn quý tộc trời đánh thánh vật ấy đã thoát được cơn hiểm nghèo bằng cách đổ rượu cho người dân chất phác say mềm. Ở Moskva, thiên hạ ồn ào bàn tán như ong vỡ tổ. Bạ ai người ấy nói, bạ đâu kêu đấy. Không có ai là người có đầu óc đứng ra cầm đầu cả. Người ta nổi loạn một cách hỗn độn vô trật tự, cướp phá những quán rượu Sa Hoàng, lùng bắt bọn thơ lại của các bộ, các vụ và đem băm họ ra từng mảnh.
Ở Moskva, không thể nào qua lại được dù đi bộ hoặc đi xe. Họ bao vây dinh thự của bọn quyền quý, bọn nầy phải tự tay nổ súng, chật vật lắm mới đánh lui được những cuộc tấn công - những trận đánh nhau trong những ngày đó thật là ác liệt. Lắm nơi cả một dãy nhà gỗ bốc cháy. Xác chết không có người chôn cất nằm ngổn ngang trên các đường phố và ở các chợ. Có tin đồn rằng bọn quý tộc đã đưa một đoàn vệ binh đến trước thành Moskva: chúng định chỉ một tuần là dẹp xong cuộc nổi loạn. Một lần nữa bọn xtreletz lại cùng với đám nông nô đang trốn tránh đông như kiến cỏ xông vào điện Kreml xiên trên mũi giáo một lá đơn yêu cầu phải giao cho họ tất cả bọn quý tộc quyền thế, không chừa một ai, để đem ra xứ…
Sofia ra đứng ở Thềm Đỏ, mặt tái đi vì tức giận:
- Người ta bịa đặt để nói xấu ta, ta không hề nghĩ đến việc tuyển một đoàn vệ binh, ta xin hôn thánh giá mà thề như vậy - Sofia kêu lên, tay giật chiếc thánh giá nạm kim cương lóng lánh đeo trên ngực - chính thái tử Matveika bịa đặt nói xấu ta.
Và từ trên thềm cao người ta quẳng thái tử xấu số người Tarta là Matveika vào mũi giáo mác dựng lên tua tủa. Đấy, cho bọn mi xâu xé lẫn nhau…
Bọn xtreletz xé xác Matveika làm trăm mảnh cho hả giận và một lần nữa lại tiu nghỉu ra về… Suốt ba ngày ba đêm, Moskva tựa hồ như biền động; tiếng chuông báo động làm cho hàng đàn quạ cất cánh bay lên. Chính lúc đó, trong đấu óc những kẻ hung hăng nhất nảy ra ý kiến đánh rắn phải đánh dập dầu: đem giết phăng cả hai Sa hoàng lẫn Sofia. Nhưng đến ngày thứ tư khi dân thành Moskva tỉnh dậy thì điện Kreml đã rỗng tuếch: chẳng còn Sa hoàng, chẳng còn công chúa đâu nữa, họ đã cùng bọn quý tộc quyền thế rời Moskva đi nơi khác. Dân chúng rất đỗi hoảng sợ.
Sofia trú lại làng Kolomenskoe và tức tốc cho người về các quận tuyển mộ một đoàn vệ binh quý tộc.
Suốt tháng tám, Sofia đi khắp các làng mạc và tu viện ở các vùng lân cận Moskva, đứng ở thềm nhà thờ than khóc kể lể những nỗi oán hờn và sự bất hạnh của mình. Ivan Andreevich Khovanski ở lại điện Kreml với bọn xtreletz. Người ta bắt đầu tự hỏi xem có nên tôn hắn lên làm Sa hoàng không? Hắn là một người nhã nhặn, dòng dõi quý tộc lâu đời và tha thiết những phong tục cũ. Nếu như thế thì người dân đen sẽ có một Sa hoàng của riêng họ, do chính họ tôn lên ngôi.
Những mong sau nầy được hưởng ân huệ lớn, bọn quý tộc vui lòng nai nịt lên ngựa ra đi. Một đoàn vệ binh lớn gồm hai trăm ngàn người tập hợp tiến về phía tu viện Ba Ngôi của Thánh Xecgiơ. Tựa như một con chim, Sofia luôn luôn lởn vởn chung quanh thành Moskva. Đến tháng chín, một chi đội kỵ binh do Sofia cấp tốc điều động đến và do Xtiovka Odoievski chỉ huy tấn công làng Kuskino vào lúc tờ mờ sáng. Ivan Andreevich Khovanski sau khi cùng quân xtreletz đi tuần tra chung quanh thành Moskva đã ngủ lại đêm ở đó trong một chiếc lều dựng trên một ngọn đồi nhỏ. Bọn xtreletz thản nhiên ngủ kỹ chẳng đề phòng gì cả nên bị chém chết hết không kịp trở mình.
Ivan Andreevich mặc quần áo lót, nhảy bổ ra khỏi lều, tay khoa một lưỡi búa. Mikhail Tyktov từ trên mình ngựa, nhảy cưỡi lên vai hắn. Khovanski bị trói vào yên ngựa rồi giải về làng Vozdvizenskoe, nơi công chúa đang linh đình ăn mừng ngày sinh của mình: hôm đó là ngày Thánh Sofia. Mikhail Tyktov ném Khovanski từ trên mình ngựa xuống đất; quần áo chẳng có vừa buồn rầu lại vừa xấu hổ, Khovanski quỳ xuống cỏ khóc. Saklovity, viên thơ lại của viện Duma đọc bản tội trạng. Ivan Andreevich tức giận kêu ầm lên: "Nói láo! Không có ta thì ở Moskva máu đã ngập đến đầu gối từ lâu rồi".
Bọn đại thần do dự, không biết có nên làm đổ máu một dòng dõi quý tộc lâu đời như vậy không. Vaxili Vaxilievich mặt nhợt nhạt không còn một giọt máu. Khovanski và hắn, cả hai đều dòng dõi Gedymin. Vậy mà, bây giờ có những kẻ nguồn gốc nghèo hèn, mới được giàu sang, lại xử một người dòng dõi Gedymin.
Thấy mọi người do dự, Ivan Mikhailovich Miloslavski liền tiến về phía những kỵ sĩ rồi ghé vào tai Xtiovka Odoievski thì thầm. Lập tức gã nầy cho ngựa phi nước đại phóng qua làng đến chiếc lều bằng lụa của công chúa Sofia rồi lại phi như bay trở về, mặc cho ngựa giầy xéo lên gà què và trẻ con. "Bà nhiếp chính ra lệnh không do dự, phải kết liễu số phận vương hầu ngay". Nghe thấy thế, Vaxili Vaxilievich vội vã lánh đi nơi khác, lấy khăn tay che mắt. Khovanski rú lên một tiếng rùng rợn khi Mikhail Tyktov nắm lấy tóc hắn lôi xềnh xệch trên quãng đường bụi bậm. Ra đến đầu làng, người ta chặt đầu vương hầu Khovanski.
Thế là bọn xtreletz mất chủ tướng. Khi biết tin Khovanski bị xử tử, chúng đâm hoảng sợ, kéo ùa cả vào trong điện Kreml đóng chặt cửa lại, nạp súng đại bác và chuẩn bị phòng thủ.
Sofia vội vã trở lại tu viện Ba Ngôi của Thánh Xecgiơ để lánh mình sau những bức tường dày bất khả xâm phạm. Công chúa giao cho Vaxili Vaxilievich nhiệm vụ điều khiển đoàn vệ binh. Hai bên đóng quân đối diện nhau hầm hè diễu võ dương oai xem bên nào nhụt trước. Bọn xtreletz hoảng trước; chúng cho người đến tu viện Ba Ngôi xin tạ tội với Sofia. Thế là chúng mất hết tự do. Người ta hạ ngay cái cột trụ dựng ở Hồng trường. Người ta thu lại những giấy cam kết và những khoản miễn trừ đã cấp cho chúng. Saklovity được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ cấm quân xtreletz vì đã tỏ ra nhanh nhẹn trong việc thi hành luật pháp. Dân chúng không dám ho he gì nữa và một làn không khí im lặng bi thảm lại đè nặng lên thành Moskva và toàn cõi đất nước. Năm, tháng trôi qua.
Chú thích:
(1)Giáo sĩ thuộc phái ly khai với đạo chính thống.