Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PIE ĐỆ NHẤT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 137716 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PIE ĐỆ NHẤT
Aleksey Nikolaievich Tolstoy

Chương 157

- Thật không sao chịu nổi! Chúng ta dừng lại ở đây đã hàng thế kỷ rồi! Hãy bạo dạn lên một chút, mở một cuộc tấn công mạnh mẽ và ngay đêm nay có lẽ chúng ta sẽ ngủ ở Warsawa - nữ bá tước Koxenxka bực bội nói, đưa mắt qua cửa xe nhìn những đống lửa trại nhiều vô kể vẽ thành một đường vòng rộng sáng rực rỡ, trước thành phố không ai trông thấy trong đêm tối. Nữ bá tước mệt lả, cảm thấy như muốn ngất đi.

Cỗ xe lịch sự của bà ta có gắn tượng thần ái tình mạ vàng, đã gãy khi qua một con sông nhỏ và bà đã phải lên cỗ xe thảm hại, bất tiện và rất xóc của Xobesanxka phu nhân. Nữ bá tước bực tức thấy Anna phu nhân có vẻ tầm thường, bà ta cũng không ngần ngại tỏ ra niềm nở với con bé quê mùa ấy.

- Xe nhà vua dừng lại trước xe ta, - nữ bá tước nói, - nhưng không thấy nhà vua trong xe. Nhà vua nghĩ gì? Có Trời biết? Chẳng thấy chuẩn bị ăn uống, nghỉ ngơi gì cả.

Nữ bá tước kéo một sợi dây da, chật vật mới hạ được tấm kính cửa xe xuống. Bà ngửi thấy mùi mồ hôi ngựa ấm và hơi xúp ngon lành của lính. Đêm tối vang động tiếng ồn ảo của doanh trại: tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng vó ngựa, tiếng súng nổ ở xa xa; có tiếng người gọi nhau í ới, những chiếc xe vướng vào nhau kêu răng rắc. Nữ bá tước chán ngấy những thú vui ấy của cuộc đời con nhà võ: bà kéo cửa kính lên và ngồi chúi vào một góc xe. Mọi thứ đều làm bà khó chịu, cả chiếc áo dài nhàu nát, cái áo khoác ngoài, cả các góc cạnh của hòm xiểng; giá được cắn ai đến chảy máu hẳn bà sẽ rất hả dạ…

- Tôi e rằng chúng ta sẽ thấy cung điện tan hoang, bị cướp phá sạch… Họ Lekzinski nổi tiếng là tham lam, còn Xtanixlav thì tôi biết rõ quá… ngu tín, keo kiệt và bần tiện… Khi trốn khỏi Warsawa, không phải hắn chỉ mang theo có mỗi quyển kinh thánh trong túi. Bà bạn thân mến nầy, tôi khuyên bà nên dành lấy một biệt thự riêng nào đó, nếu cần có thể đến đấy mà ở; lẽ tất nhiên nếu bà có những chỗ quen biết khá giả ở Warsawa… Không nên tin lắm vào vua Auguste. Trời, ông ta mới khốn nạn làm sao!

Anna phu nhân rất lấy làm thú vị được chuyện trò với nữ bá tước; đối với phu nhân, đấy là trường cao đẳng dạy môn xử thế. Từ thuở nhỏ, từ khi dưới chiếc áo lót đã nổi lên những hình tròn đáng yêu, bà đã mơ ước sống một cuộc đời phi thường. Bà chỉ cần soi gương tự ngắm mình: xinh đẹp, mà còn hơn xinh đẹp nữa là khác, - một vẻ đẹp khêu gợi, - tế nhị, cơ trí, linh lợi và không biết mệt mỏi là gì. Gia đình bà nghèo ông bố là một vị quý tộc phá sản, kiếm ăn những mối lợi nhỏ ở các phiên chợ, ở bàn đánh bạc của các chúa đất giàu có. Ít khi ông ta ở nhà. Mệt mỏi, ủ rũ, mặt mầy hốc hác, mặc chiếc áo đã bạc, ông ngồi ở cửa sổ nhìn cảnh tiêu điều của cái gia cơ nghèo của mình.

Anna là con một, rất được cưng chiều, luôn miệng hỏi ông, đòi ông kể những chuyện phiêu lưu của ông. Lúc đầu ông miễn cưỡng kể nhưng rồi bốc lên, ông khoe khoang khoác lác về những kỳ tích, những chỗ quen thuộc sang trọng của mình. Anna nghe những chuyện ông kể có thật hoặc bịa đặt về cuộc sống tráng lệ, xa hoa của các bậc vương giả Xixnevieski, Potorki, Lubomirski, Xactoriski… Khi người cha đã ăn hết con gà dò cuối cùng và bán mất con ngựa còm cuối cùng để trả một món nợ đánh bạc, đem gả con gái cho ngài Xobexanski già nua thì Anna không hề phản đối vì cô ta hiểu rằng cuộc hôn nhân ấy chỉ là một bậc thang vững chắc để sau nầy ngoi lên nữa. Duy có một điều làm cô buồn phiền là chồng cô mê say cô quá, với một sự mặn nồng không hợp với tuổi ỏng ta. Cô có một trái tim nhạy cảm, nhưng hoàn toàn phục tùng lý trí.

Vậy mà giờ đây sự tình cờ đã đưa Anna phu nhân lên tới đỉnh thang cao nhất của hạnh phúc. Nhà vua đã rơi vào lưới bẫy của bà ta. Anna phu nhân không vì thế mà choáng váng như một con bé ngốc nghếch, trí óc tinh tế của bà đã sục sạo như một con chuột nhắt trong vựa thóc tối om: cần phải cân nhắc mọi điều, dự liệu trước mọi điều. Đối với chồng - như một đức ông chồng mê vợ, theo thói thường, ông nầy chẳng hay biết gì hết - bà đã nũng nịu bảo: "Em chán cái xó xỉnh hẻo hút nầy lắm rồi! Anh Josep ạ, ngay anh cũng nên mừng cho em: bây giờ em muốn là bà đệ nhất phu nhân ở Warsawa. Anh đừng lo nghĩ gì, cứ yên tâm mà tiệc tùng và hãy yêu quý em".

Cái khó khăn là ở chỗ khác: cần phải tỏ ra khôn ngoan hơn nữ bá tước Koxenxka và ngoài mặt cứ làm ra vẻ chẳng hay biết gì mà dìm mụ ta xuống tận đất đen; cuối cùng, - điểm tế nhị nhất của việc nầy, - Anna phu nhân không muốn chỉ là trò chơi nhất thời của nhà vua mà muốn cột chặt nhà vua vào với mình

Muốn vậy, sắc đẹp yêu kiều không đủ mà còn cần phải có kinh nghiệm nữa. Và Anna phu nhân đã không bỏ phí thì giờ, thăm dò nữ bá tước, cố moi ra những bí quyết để quyến rũ lung lạc người.

- Ồ không, nữ bá tước thân mến, tôi sẵn sàng sống trong một túp lều ở Warsawa, miễn là tôi được gần bà, như một con ong hèn mọn bên một bông hồng, - Anna phu nhân nói; bà ta ngồi trong góc xe đối diện, hai chân gập lại và nhìn trộm khuôn mặt của nữ bá tước đang nhấm mắt lại, lúc thì ứng hồng dưới ánh lửa trại, lúc thì chìm vào bóng tối. - như mặt trăng lẩn vào mây - Là vì tôi hãy còn là một đứa trẻ. Cho đến nay, mỗi khi nhà vua nói với tôi, tôi vẫn run bắn cả người, tôi không muốn trả lời một câu ngu dại hay một lời thất thố.

Nữ bá tước nói, như đáp lại những ý nghĩ chua như dấm của bản thân mình:

- Khi nhà vua đói, ông ta ăn một miếng bánh lúa mạch cũng ngon lành thích thú như ăn một miếng paté Strasburg(1). Tại một quán rượu bên đường, ông ta đã say mê một đứa con gái Cô-dắc mặt rỗ đang chạy ào qua sân để xuống hầm, đem các vò rượu vang lên quán. Ông ta cho đấy là một người đàn bà… Một cái váy là điều duy nhất đáng kể đối với ông ta…Thật là một con quái vật! Nữ bá tước Konixmac đã làm ông ta mê mẩn là vì, trong khi khiêu vũ, con mụ ấy đã để hở cho ông ta trông thấy nịt bít tất của nó: những băng nhung đen, thắt trên tất màu hồng.

- Lạy Chúa, cái đó tác động đến thế kia ư? - Anna phu nhân lẩm bẩm.

- Ông ta đã say mê mụ quý tộc Nga Volkova như một tên súc sinh; trong buổi vũ hội, mụ ta thay áo dài và áo lót rất nhiều lần; ông ta đã vào buồng, lấy áo lót của mụ mà lau mặt… Ở thế kỷ trước, vua Pháp Henri đệ nhị cũng đã làm như thế… Nhưng chuyện ấy là khởi đầu một cuộc dan díu lâu dài, còn đằng nầy mụ quý tộc Volkova đã chuồn mất ngay dưới mũi Auguste ai cũng lấy thế làm hả dạ.

- Chắc là tôi ngu ngốc ghê lắm! - Anna phu nhân kêu lên, - nhưng tôi không hiểu cái áo lót của bà ấy thì có liên quan gì đến chuyện nầy.

- Không phải cái áo lót mà là da dẻ mụ ta, cái mùi đặc biệt của nó… Da dẻ đàn bà cũng như hương thơm của một bông hoa, đến các cô gái nhỏ ở nhà tu kín cũng chẳng lạ gì điều đó… Với một người dâm đãng đàng điếm như nhà vua yêu quý của chúng ta thì cái mũi ông ta quyết định mọi tình cảm.

- Ôi lạy Đức bà đồng trinh!

- Hẳn bà đã chú ý nhìn cái mũi to tướng của ông ta rồi chứ, ông ta rất tự hào về cái mũi đó và ông ta cho rằng nó làm ông ta trông giống vua Henri đệ tứ(2) Lúc nào ông ta cũng hấp háy cái lỗ mũi như một con chó săn đánh hơi gà gô.

- Như vậy, điều quan trọng nhất là nước hoa, bột hổ phách, sức nước thơm, có phải không" Tôi hiểu thế có đúng không, thưa nữ bá tước đáng mến?

- Nếu bà đã đọc Odytxe(3) rồi thì hẳn bà nhớ là nữ phù thuỷ Xiêcxê đã biến đàn ông thành lợn… Bà bạn thân mến, đừng giả đò ngây thơ… Vả lại, tất cả những chuyện ấy kể ra cũng khá khó chịu, bực mình và nhục nhã.

Nữ bá tước im bặt. Anna phu nhân phân vân tự hỏi không biết trong hai người - bà ta và nữ tá tước - thực ra ai đã lừa bịp ai? Qua kính cửa xe, bà trông thấy đầu một con ngựa với đôi môi đen sì sùi bọt.

Nhà vua lại gần cỗ xe… nhảy xuống ngựa và mở cửa xe. Lỗ mũi nhà vua nở ra, một nụ cười rạng rờ soi sáng khuôn mặt hớn hở, rõ nét. Dưới ánh đuốc do một tên quân kỵ cầm, trông nhà vua thật là lộng lẫy với chiếc mũ nhe mạ vàng, vành mũ hất lên và chiếc áo bào đỏ thắm oai vệ khoác trên vai; nom nhà vua đường bệ đến nỗi Anna phu nhân phải tự nhủ: "Không, không, không được làm những chuyện dại dột". Nhà vua vui vẻ kêu lên:

- Xin mời các phu nhân xuống xe, các phu nhân sẽ dự một cảnh tượng lịch sử!

Anna phu nhân khẽ kêu lên một tiếng, lập tức lao ra cửa xe, còn nữ bá tước thì nói:

- Thiếp đau lưng như giần, hẳn bệ hạ muốn vậy. Thiếp chẳng ăn mặc điểm trang gì, thiếp sẽ ở lại đây, nhịn đói mà ngủ gà ngủ gật vậy.

Nhà vua xẵng giọng đáp:

- Nếu phu nhân cần có một ổ rơm, ta sẽ sai người đi lấy!

- Lấy ổ rơm cho thiếp!

Ánh lửa xanh lè vụt lóe trong cặp mắt bỗng mở to của nữ bá tước làm vua Auguste phải lùi lại. Nữ bá tước như cầm một cái mồi đang cháy, nhảy ra ngoài xe, mình choàng áo khoác màu hoa đào, rực rỡ trong ánh chân ngọc lấp lánh ở tai, ở cổ ở ngón tay, tóc hơi rối nhưng không phải vì thế mà kém phần kiều diễm.

- Lúc nào cung xin tuân theo lệnh hoàng thượng, - bà ta nói, và luồn cánh tay để trần vào tay vua. Một lần nữa, Anna phu nhân thấy người đàn bà nầy tài nghệ quả thật cao cường.

Cả ba người đi về phía cỗ xe của vua, bên cạnh có một trung đội quân kỵ tinh nhuệ túc trực dưới ánh đuốc - toàn là quý tộc Ba Lan - mặc áo giáp, có những lông thiên nga cắm vào những vòng sắt ở lưng. Auguste và hai vị phu nhân - mỗi người một bên nhà vua và hơi lùi lại sau một chút - ngồi vào ghế bành đặt trên thảm.

Tim Anna phu nhân đập rất nhanh: những kỵ sĩ cao lớn kia, vây quanh bà ta, với cánh, áo giáp và mũ sắt lấp loáng dưới ánh đuốc, trông tựa những thiên thần của Chúa giáng xuống trần để đem cung điện Warsawa vinh quang và của cải trả lại cho vua Auguste. Bà nhắm mắt lại và niệm một bài kinh ngắn:

- Cầu cho nhà vua hiền như một con cừu non trong tay con!

Bỗng có tiếng vó ngựa. Trung đội kỵ binh rẽ ra nhường lối cho những người mới đến. Người ta trông thấy từ trong bóng tối hiện ra vương hầu Lubomirski, đi theo có một đoàn kỵ sĩ cũng có cánh sau lưng nhưng là lông đen. Tới sát chỗ vua ngồi, vị đại thủ lĩnh gò mạnh cương ngựa, chiến bào bay phồng lên, rồi nhảy xuống ngựa quỳ một gối xuống thảm, trước mặt vua Auguste:

- Tâu hoàng thượng, nếu có thể được, xin hoàng thượng hãy tha thứ cho sự phản nghịch của thần.

Cặp mắt đen của ông ta náy lừa, biểu lộ một quyết tâm hung dữ, khuôn mặt đỏ rực lầm lì, giọng nói nghẹn ngào. Ông đang cố nén lòng kiêu kỳ của mình xuống.

Ông không bỏ chiếc mũ lông thú có đính một chuỗi kim cương, chỉ có hai bàn tay khô khan của ông run lên:

- Sự phản nghịch của thần là một việc điên rồ, một sự mất trí… Nhưng hoàng thượng hãy tin ở thần, dẫu sao thần cũng không một lúc nào thừa nhận Xtanixlav là vua… Sự xúc phạm ấy làm thần đau đớn trăm chiều. Cuối cùng giờ phút thần mong đợi đã đến… Thần đã ném chiếc gậy chỉ huy của thần xuống chân hắn… Thần đã nhổ toẹt xuống đất và bước ra khỏi nhà hắn… Trong sân hoàng cung, quân lính của tên quan trấn thủ đã xông lại đánh thần… Nhờ ơn Chúa, tay thần cầm gươm còn vững, thần đã lấy máu của những tên khốn kiếp ấy đánh dấu việc thần cắt đứt với Lekzinski… Thần xin dâng tính mạng lên hoàng thượng.

Vừa lắng nghe, vua Auguste vừa từ từ tháo đôi bao tay bằng sắt ném xuống thảm. Mặt nhà vua tươi tỉnh lên. Nhà vua đứng dậy, vẫy hai bàn tay chìa ra:

- Đại thủ lĩnh, ta tin ngươi… Ta thực lòng tha thứ cho ngươi

Và nhà vua lấy hết sức ghì chặt mặt Lubomirski vào ngực, áp mạnh vào những vị thần đầu người mình ngựa và các tiên nữ chạm trổ trên bộ áo giáp Ý của nhà vua. Sau khi đã ôm chặt Lubomirski hôn như vậy, hơi lâu quá sự cần thiết một chút, vua Auguste ra lệnh mang một chiếc ghế thứ tư tới. Nhưng ghế đã để sẵn rồi Viên đại thủ lĩnh vừa xoa bên má bị đau vừa kể lại những sự việc đã diễn ra từ sau khi ông từ chối không cẩm vũ khí đánh lại Auguste và quân Nga.

Nỗi kinh hoàng tràn lan khắp Warsawa. Hồng y giáo chủ Ratzidpski, - năm ngoái tại Nghị hội ở Lublin, còn quỳ gối trước cây thánh giá, công khai thề trung thành với vua Auguste và nền tự do của quốc gia Ba Lan, một tháng sau, tai Warsawa, lại tuyên thệ với vua Charles trên kinh thánh của giáo phái Lute rồi sùi bọt mép, đòi truất vua Auguste và đề cử vương hầu Lubomirski lên nối ngôi rồi ngay sau đó, lại phản lại Lubomirski theo mệnh lệnh của Arvit Horne - tên phản bội đã ba lần phản lại lời thề của mình đó, là người đầu tiên trốn khỏi thành phố, và đã tìm được cách đem theo rất nhiều hòm xiểng đựng đầy những bảo vật của nhà thờ.

Vua Xtanixlav lang thang ba ngày ròng trong cung điện trống rỗng của mình; mỗi sáng, đám đình thần đến hầu lúc vua dậy lại càng vắng thêm. Arvit Horne, đã từng thề với nhà vua sẽ giữ vững thành phố với riêng quân lính Thuỵ Điển, không rời nhà vua một bước.

Vì nghi lễ cấm hắn không được ngồi vào bàn của vua, trong bữa ăn trưa và bữa ăn tối, hắn ở phòng bên cạnh, gõ đinh thúc ngựa kêu choang choang. Để khỏi phải nghe thấy cái tiếng khó chịu ấy, Xtanixlav giữa hai món ăn, cất cao giọng ngâm những bài thơ bằng tiếng la tinh của Apule(4). Tuy nhiên, đến đêm thứ tư, trá hình làm một nông dân và đeo râu giả, Xtanixlav đã trốn được khỏi cung điện cùng với người cạo râu và người hầu phòng của hắn. Hắn đi qua cửa ô của thành phố, trên một chiếc xe ngựa chở hai cái thùng gắn nhựa thông đựng tất cả kho tàng của hoàng cung. Arvit Horne lúc ấy mới hiểu ra nhưng quá muộn, rằng vua Xtanixlav, đúng là dòng dõi Lekzinski, không phải chỉ có ngâm thơ Apule bằng tiếng La tinh và cùng với con chó cái, chán chường tha thẩn qua các căn phòng trống rỗng, mà còn có những mối bận tâm khác trong những ngày đó. Arvit Horne giật đứt các rèm giường của nhà vua, dẫm lên, rút gươm đâm chết viên đại quan thần trông coi hoàng cung và đem xử bắn viên chỉ huy đội tuần phòng ban đêm. Nhưng giờ đây không còn gì ngăn nổi các công hầu Ba Lan, có quan hệ cách nầy hay cách khác với Lekzinski, trốn khỏi Warsawa.

Vua Auguste nghe kể những sự việc đó, cười ha hả nắm hai bàn tay đấm xuống chỗ tựa tay ở ghế bành và quay lại phía hai bà phu nhân. Mắt nữ bá tước Koxenxka chỉ biểu lộ một thái độ khinh bỉ lạnh lùng, trái lại Anna phu nhân cười rũ rượi, tiếng cười nghe như tiếng chuông vàng, khánh bạc.

- Đại thủ lĩnh, ngươi khuyên ta nên làm gì? Bao vây hay mở cuộc công phá ngay?

- Công phá, công phá ngay, muôn tâu thánh thượng. Quân lính của Arvit Horne đồn trú trong thành không đông. Cần phải chiếm lấy Warsawa trước khi vua Charles tới.

- Công phá ngay lập tức, văng-trơ-xanh-gri(5), đó là lời khuyên sáng suốt. - Vua Auguste lắc vai áo giáp kêu loảng xoảng một cách hung hăng - Muốn cho cuộc tấn công thắng lợi, quân của ta cần phải ăn no, dù chỉ là ăn thịt ngỗng luộc… Vậy thì tối thiểu cần phải có năm nghìn con ngỗng! Hừ! - Nhà vua nhăn mũi - Cũng nên trả lương cho lính… Vương hầu Dimitri Mikhailovich Golixyn chỉ cung cấp cho ta được có hai mươi ngàn rixdan… Chẳng thấm tháp vào đâu! Về tiền nong thì Sa hoàng Piotr chẳng lấy gì làm rộng rãi lắm, ồ không… Ta vẫn trông đợi ở ngân khố của hồng y giáo chủ và của hoàng cung… Thế là chúng ăn cắp mất của ta rồi! - Nhà vua kêu lên, mặt đỏ tía. - Dẫu sao thì ta cũng không thể cưỡng bức chính thủ đô của ta phải nộp tiền chuộc được.

Vương hầu Lubomirski lắng nghe tất cả những lời nói đó, mắt nhìn xuống đất. Ông khẽ nói:

- Quỹ quân sự của thần chưa cạn… Thánh thượng chỉ cần ra lệnh!

- Cảm ơn, ta vui lòng nhận, - vua Auguste đáp lại, hơi vội quá nhưng với một vẻ lịch sự hoàn toàn đúng kiểu Vecxay. - Ta cần vào khoảng một trăm ngàn rixdan… Sau trận tấn công, ta sẽ hoàn lại cho nhà ngươi… - Mặt mũi nở nang, nhà vua đứng dậy và lại ôm hôn vị đại thủ lĩnh, má ép má - Bây giờ thì vừơng hầu hãy đí nghỉ. Ta cũng cần nghỉ ngơi.

Vị đại thủ lĩnh nhảy lên ngựa và không ngoái đầu lại phóng ngựa lao vào đêm tối. Vua Auguste nói với hai phu nhân:

- Bây giờ thì hai phu nhân sẽ được đền bù lại những nỗi mệt nhọc của cuộc hành trình… Hai phu nhân chỉ cần ngỏ cho ta biết ý muốn… Ý muốn đầu tiên và là ý muốn nhỏ mọn nhất, ta đã đoán được, là ăn bữa tối.

Đừng nghĩ rằng ta quên khuấy mất những tiện nghi và giải trí của hai phu nhân… Bổn phận ông vua là không bao giờ được quên cái gì hết… Mời hai phu nhân hãy lên xe ta.

 

Chú thích:

 

(1) Thành phố Pháp.

(2) Vua Pháp (1553-1610) nổi tiếng can đảm và nhiều nhân tình.

(3) Trường ca kể chuyện phiêu lưu của Uylitxơ, tác phẩm trứ danh của đại thi hào Hôme, thời Hy Lạp cổ.

(4) Nhà thơ La Mã cổ, thế kỷ thứ II.

(5) Tiếng Pháp, một tiếng rủa của vua Pháp Henry đệ tứ hay dùng, vua Auguste bắt chước.
 

<< Chương 156 | Chương 158 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 291

Return to top