Mùa xuân năm 1702, một chiếc tàu đưa đến Arkhagensk mười người thợ cả chuyên xây dựng cửa cống do Andrey Artamonovich Matveev đã mộ ở Hà Lan với giá đắt như vàng. - mười bảy rúp hai mươi kopeik một người một tháng, kể cả ăn - Người ta phái một nửa số thợ cả đó đến gần Tula, bên hồ Ivanovo, để xây dựng ba mươi mốt cửa cống bằng đá giữa sông Đông và sông Oka, trên sông Upa và sông Sat - như đã dự định từ năm trước - Còn những thợ cả khác thì đến Vysni Volotsok để xây dựng một cửa cống giữa sông Tveritxa và Msta.
Cống Vysni Volotsok sẽ nối liền biển Kaxpien với hồ Ladoga, các cống ở Ivanovo thì nối liền hồ Ladoga và toàn thể lưu vực sông Volga với Hắc Hải.
Vua Piotr lúc đó ở Arkhagensk, nơi đây người ta đang xây dựng công trình phòng thủ cửa sông Dvina và đóng tàu cho hạm đội Bạch Hải. Các nhà nông nghiệp địa phương đã kể cho nhà vua nghe là từ lậu người ta đã biết con đường đi từ Bạch Hải đến hồ Ladoga, qua sông Vyk, hồ Onega và sông Xvia. Đường đi khó khăn, nhiều quãng phải khiêng hàng trên vai, lại có nhiều thác. Nhưng nếu đào kênh và đặt cửa cống đến tận hồ Onega thì tất cả các nhà buôn ở bờ biển Bạch Hải sẽ chuyển thẳng được hàng hoá của họ đến tận hồ Ladoga.
Ba con đường lớn từ ba biển tới đều đổ vào hồ Ladoga: đường sông Volga, sông Đông và sông Xvia. Biển thứ tư - biển Baltic - bị ngăn cách với hồ Ladoga bởi con sông Neva, nơi đây có hai pháo đài Noterbo và Niensanz bảo vệ. Kỹ sư Hà Lan Ixaac Abraham, vừa nói vừa chỉ vào bản đồ cho vua Piotr thấy: "Cho đào kênh với cửa cống, bệ hạ sẽ làm sống lại những biển đã chết và hàng trăm con sông, nguồn nước của tất cả đất nước bệ hạ sẽ đổ vào dòng sông lớn Neva và sẽ đưa các tàu của bệ hạ ra đại dương mênh mông".
Kể từ mùa thu 1702, tất cả mọi cố gắng đều về phía đó, hướng vào công cuộc chinh phục sông Neva.
Apraxin, con trai vị thuỷ sư đô đốc, đã tàn phá xứ Ingri suốt mùa hạ, tiến tới sông Izora nước chảy xiết, uốn khúc trên cánh đồng duyên hải ảm đạm và trên bờ con sông đó, đã đánh bại tướng Thuỵ Điển Gronhior và dồn hắn về phía đồi Dudechev. Từ Dudechev, viên tướng Thuỵ Điển đã tiu nghỉu rút về bên kia sông Neva và đóng trong thành Niensanz, trên sông Okhotka.
Apraxin dẫn đầu đạo quân, tiến về hồ Ladoga và bày trận trên bờ sông Naxia. Boris Petrovich Seremetiev, từ Novgorod tới, cũng tiến về phía đó, với rất nhiều cỗ pháo và xe lương thảo. Vua Piotr với năm tiểu đoàn thuộc các trung đoàn Xemionovski và Preobrazenski, từ Arkhagensk tới vịnh Onega và đổ bộ lên bờ hồ phẳng lì, cách làng ngư dân Niucsa không xa bao nhiêu. Từ đó, nhà vua cử đại uý Aleksey Brovkin đến một tu viện razkonic ở ngay cửa sông Vyk tại Xoraka. (Hồi mùa hạ, Ivan Artemist đã đánh đổi được con trai mình với một trung tá Thuỵ Điển bị bắt làm tù binh; lão đã thân đến Narva và đã phải trả thêm ba trăm florin). Aleksey đi thuyền suốt dọc sông Vyk để xét xem có thể xây được các cửa cống không.
Từ Niucsa quân đội tiến về phía Povenez qua hồ Pun và giáo khu Vozmoxamma, qua những đường rừng, đường đắp bằng sọt đất, qua nhiều cầu. Viên đội Sepotov đã xây dựng con đường nầy trong ba tháng; để làm con đường đó, hắn đã huy động nông dân và các tu sĩ tại gia ở Kem, ở đại xã Xumi, ở các tu viện và các nơi ở ẩn của những người razkonic. Binh lính kéo hai chiếc du thuyền có đầy đủ buồm cột, đặt trên những khúc gỗ tròn. Họ vượt qua các bãi lầy đầy cây cối mục nát, có những đàn muỗi vo ve như sáo thổi; những tảng đá lớn phủ rêu non như khoác áo cầu lông. Mọi người trông thấy hồ Vyk kỳ diệu với vô số hòn đảo cây cối um tùm, nhô lưng lởm chởm lên trên mặt nước tràn ngập ánh nắng, nom như những quái vật vùng biển. Bầu trời nhợt nhạt không một gợn mây, hồ và bờ hồ vắng ngắt, tựa hồ mọi sinh vật đều ẩn náu cả trong rừng sâu.
Cách con dường chiến lược khoảng mười dặm, tại tu viện Daniel ở Vygoresk, người ta hát lễ đêm ngày như trong Tuần Khổ nạn. Đàn ông, đàn bà, mặc áo liệm, quỳ xuống cầu nguyện, nến luôn luôn cháy sáng không lúc nào tắt.
Bốn cánh cổng được khoá chặt; rơm và nhựa thông đã được chuẩn bị sẵn sàng, trong nhà những người giữ cửa và ở bên các phòng nguyện. Trong những ngày đó, thánh lão Nectari rời khỏi nơi ẩn dật. Sau khi thiêu chết đám con chiên, lão đã bỏ chạy: không còn việc gì làm, lão đến ở tại tu viện. Nhưng Andrey Denixov vốn chẳng ưa gì lão, không để lão đến gần ai. Lão tức giận, phát nguyện sẽ im hơi lặng tiếng rồi chui xuống hố, ở lỳ đó trong hai năm không hé miệng. Ai đến gần hố phủ cây sào và cỏ lão già lại ném phân ra. Ngày hôm ấy tuy không được phép, lão đã ra mắt dân chúng - râu lão mọc dài đến tận đầu gối, chiếc áo khoác ngoài bị sâu bọ cắn thủng lỗ chỗ, để hở xương sườn vàng khè. Giơ hai cánh tay gầy đét lên trời, lão kêu to: "Andriuska Denixov đã bán Chúa lấy bánh nhồi nấm… Các con còn đợi gì? Đích thân Quỷ vương sẽ đến tìm chúng ta với hai chiếc tàu đặt trên đế có bánh lăn… Chúng sẽ chất các con lên tàu như đàn lợn và sẽ dẫn các con xuống địa ngục. Các con hãy nghĩ cách cứu vớt linh hồn… Đừng có nghe Andriuska Denixov… Hãy nhìn vào cánh cửa sổ nầy xem cái mõm nó đã sưng lên như thế nào… Sa hoàng Piotr đã gửi cho nó một cái bánh nhồi nhân…".
Andrey Denixov nhận thấy tình thế xoay ra bất lợi và có thể có kẻ thực sự muốn chết thiêu, bèn chửi rủa lão già qua cửa sổ phòng kín: "Nectari, hẳn là ở trong hố, ngươi đã trở nên hoàn toàn rồ dại. Ngươi chỉ biết có thiêu người, ngươi muốn thiêu cả thiên hạ… Sa hoàng không đụng gì đến ta, nhà vua cứ việc đi qua không dừng lại, ta sẽ sống yên ổn ở nhà ta… Còn về chuyện bánh nhà ngươi mắng nhiếc ta, thì ròng rã suốt đời ngươi, ngươi còn ăn nhiều hơn ta. Ta biết ban đêm ai đã mang gà giò đến hố cho ngươi rồi, ngươi đã ăn hết cả gà của tu viện, trong hố còn đầy xương kia".
Vài người chạy đi kiểm tra những lời nói đó: quả thật có xương gà vùi trong một góc hố. Mọi người bối rối hoang mang. Andrey Denixov bí mật rời khỏi tu viện; cưỡi một con ngựa tốt, hắn vượt qua sông, đi tìm quân đội: hắn tìm được nhờ có ánh lửa đóng trại ngoài trời, tiếng ngựa hí và tiếng kèn đồng vang vang trong buổi hoàng hôn tranh tối tranh sáng.
Vua Piotr tiếp Andrey Denixov trong một lều vải: nhà vua đang ngồi với các sĩ quan bên bàn; ai nấy đều hút tẩu để xua muỗi. Trông thấy con người lực lưỡng mặc áo thầy tu ngắn và đội mũ trùm đầu, vua Piotr khẽ cười:
- Chào Andrey Denixov, ngươi có điều gì tốt lành nói với ta nào? Bọn các ngươi vẫn nhất định tự vệ chống lại ta bằng cách làm dấu với hai ngón tay chứ?
Theo lời người ta đã dặn, Denixov ngồi xuống bên bàn không nhăn nhó và chỉ xua khói thuốc lá khi khói bay đến gần mũi; hắn nói, cặp mắt trung trực, trong sáng nhìn chằm chằm vào mặt vua Piotr:
- Muôn tâu đại đế chí tôn Piotr Alekseevich… Chúng thần khởi sự tại một nơi hoang dã, đủ các hạng người đã tới nơi đây. Chúng thần đã buộc họ phải phục tùng, người thì bằng vuốt ve mơn trớn, người thì bằng cách làm cho họ sợ hãi. Chúng thần đã nếu tên bệ hạ để đe doạ, xin bệ hạ tha thứ cho… Trong các sự nghiệp lớn, không thể nào không có lầm lẫn được. Thôi thì cái gì cũng có một chút, thậm chí có cả những điều nên quên đi thì hơn.
- Và giờ đây, bọn các ngươi làm gì? - Vua Piotr nói.
- Giờ đây, muôn tâu đại đế, cơ sở làm ăn của chúng thần đã vững chắc. Chúng thần đã phá rừng được hơn năm trăm dexiatin đất cày bừa và ngần ấy đồng cỏ. Đàn gia súc có một trăm hai mươi bò cái. Chúng thần có nơi đánh cá, có xưởng sấy, xưởng thuộc da và xưởng nện da. Chúng thần có hầm mỏ, với những thợ mỏ và thợ rèn đến ngay ở Tula cũng không có.
Piotr Alekseevich không cười nữa; nhà vua hỏi rất nghiêm chỉnh: quặng gì và ở đâu? Khi được biết có quặng sắt bên bờ hồ Onega và ngay cách Povenez không xa, một pud quặng có thể lấy ra được một nửa pud sắt, nhà vua rít tẩu thuốc liên tiếp:
- Thế nào, bọn người không cần cha cố kia, các ngươi muốn gì ta?
Denixov suy nghĩ rồi trả lời:
- Tâu Đại đế, bệ hạ cần sắt cho quân đội. Bệ hạ cứ ra lệnh cho chúng thần, chúng thần sẽ dựng các lò đúc và lò rèn ở nơi thuận tiện nhất. Sắt của chúng thần tốt hơn sắt Tula và giá rẻ hơn… Akinfi Demidov ở Ural đòi những năm mươi kopeik
Nhà ngươi nói láo, ba mươi lăm!
- Thì vâng, chúng thần cũng vậy, chúng thần cũng xin ba mươi lăm kopeik. Nhưng Ural thì xa mà chúng thần thì ở gần… Ở đây còn có cả quặng đồng. Rừng già rải rác quanh Povenez trên các ngọn núi Medvedi, gỗ đó có thể làm cột buồm cao bốn mươi arsin, gõ vào kêu coong coong. Khi sông Neva đã thuộc về bệ hạ, thần sẽ thả bè gỗ sang Hà Lan. Chúng thần chỉ ngại có một điều; các cha cố và các thơ lại… Chúng thần không muốn giây với họ… Xin bệ hạ hãy tha thứ cho thần biết sao nói vậy… Xin bệ hạ hãy để chúng thần sống theo sở thích… Những việc đang xảy ra thật là kinh khủng… Tại tu viện, ngày hôm nay là ngày thứ ba mọi người bỏ việc; họ mặc áo liệm và hát thánh ca. Gia súc chẳng được ăn uống gì, rống lên trong chuồng. Nếu bệ hạ cho một cha cố mang thập ác và bánh thánh đến chỗ chúng thần thì mọi người sẽ chạy trốn hết không hề ngoái cổ lại… Không thể nào giữ được họ! Họ đều là những người từng trải, đã từng khổ cực. Họ sẽ trốn vào rừng sâu và cơ sở làm ăn của chúng thần thế là đi đứt!
- Lạ thực - vua Piotr nói. Nhưng tu viện nhà ngươi có nhiều người không?
- Năm nghìn người làm việc, cả đàn ông lẫn đàn bà. Người già thì nghỉ ngơi và trẻ sơ sinh.
- Họ đều được tự do cả chứ?
- Họ đã trốn chế độ nô lệ.
- Ta có thể dùng các ngươi làm gì được? Được, hãy cởi bỏ áo liệm ra. Cứ việc cầu nguyện và làm dấu với hai ngón tay, một ngón cũng được, nhưng trên toàn bộ cơ sở kinh doanh của các ngươi, các ngươi phải đóng thuế gấp đôi cho ta.
- Chúng thần xin vui vẻ tuân theo.
- Ngươi sẽ đưa các thợ cả đến Povenez, loại thợ đóng tàu giỏi ấy. Ta cần loại tàu nhỏ chèo tay và xuồng khoảng năm trăm chiếc.
- Chúng thần xin vui vẻ làm hầu bệ hạ.
- Thế thì hãy uống rượu mừng ta, Andrey Denixov.
Vua Piotr cầm lấy cái bình bằng sắt tây, rót đầy vodka vào chén, và khẽ gật đầu đưa mời Denixov.
Denixov tái mặt. Cặp mắt sáng trợn lên. Nhưng hắn đứng dậy một cách đĩnh đạc, khoát rộng tay chậm rãi làm dấu với hai ngón tay rồi cầm lấy cốc rượu và nốc cạn. Hắn bỏ mũ ra và lau đôi môi đỏ.
- Xin cảm ơn bệ hạ.
- Và bây giờ hãy nếm thử thứ khói nầy.
Vua Piotr đưa tẩu của mình cho hắn, đầu tẩu ướt nước rãi chìa ra phía trước. Lần nầy, một nụ cười lóe lên trong cặp mắt Denixov, hắn thản nhiên định cầm lấy tẩu Nhưng vua Piotr gạt tay hắn ra.
- Còn những nơi… - Nhà vua lại nói như không có gì xảy ra - Còn những nơi nhà ngươi sau nầy tìm thấy quặng và tất cả đất đai xung quanh, cần bao nhiêu cứ lấy ngần ấy; hãy do đạc những vùng đó rồi đóng cọc đánh dấu, Ngươi hãy viết thư về vấn đề nầy cho Viniux ở Moskva. Ta sẽ nói với Viniux không thu thuế các mỏ và các lò đúc của các ngươi, trong mười năm
Denixov nhướn lông mày:
- Chưa đủ!
- Thôi được. Trong mươi lăm năm. Còn về giá sắt, ta sẽ thoả thuận với nhau sau. Khởi công ngay đi, đừng chậm trễ. Nếu nhà ngươi cần nhân công, hoặc cái gì khác, cứ viết thư cho Viniux. Nhưng đừng có hỏi tiền ta… Cạn một cốc nữa đi, thánh nhân…
***
Cuối tháng chín, vào ngày tiết trời xấu, sau khi đã hội nhau trên bờ sông Naxia, ba đạo quân tiến về Notebo. Toà thành cổ nầy sừng sững trên một hòn dảo, giữa sông Neva, nơi dòng sông thoát ra khỏi hồ Ladoga. Muốn tiến vào dòng sông bằng hai nhánh của nó, tàu bè phải đi qua trước mặt thành, cách các pháo đài mười xagien, ngay trước họng súng đại bác.
Các đạo quân tiến vào mũi đất trước Notebo. Qua những đám mây nặng trĩu bay là là, người ta trông thấy các tháp đá với những chong chóng xem chiều gió trên mái tháp hình nón, Tường thành cao ngất và vững chắc quá đến nỗi binh lính Nga đào các đường hào để tiếp cận và các công sự cho pháo ở chỗ mũi đất, chỉ thở dài sườn sượt. Thời dân miền Novgorod xây dựng thành nầy, không phải ngẫu nhiên mà họ gọi nó là Oresek (hạt dẻ); không dễ gì mà gậm được nó.
Quân Thuỵ Điển hình như đang suy nghĩ lung. Không thấy bóng một ai trên tường thành. Mây u ám phủ kín các mái nhà bằng chì. Bỗng trên vọng lâu của toà lâu đài lá cờ hoàng gia có hình con sư tử được kéo lên đỉnh cột, phấp phới bay trước gió… Một khẩu pháo nặng gầm lên trong họng súng bằng đồng đen: viên đạn xèo xèo rơi tõm xuống bùn, ở mũi đốt, trước các đường hào tiếp cận. Quân Thuỵ Điển nhận nghênh chiến.
Hữu ngạn sông Neva phía bên kia thành, được phòng thủ vững chắc; từ phía hồ khó mà tới đó được vì có các bãi lầy. Từ lâu, trước khi đoàn quân tới Notebo, người ta đã mở một con đường xuyên rừng bên tả ngạn, đi từ hồ qua mũi đất tới sông Neva. Giờ đây, hàng ngàn binh lính dùng dây cáp kéo các tàu bè trên hồ Ladoga lên bộ, băng qua đường rừng rồi lại hạ thuỷ xuống sông Neva phía dưới thành. Năm mươi người nắm đầu dây cáp kéo, còn những người khác thì đỡ hai bên mạn để sống tàu trườn trên các khúc gỗ tròn. "Dô ta! Nào, cùng kéo nào!", vua Piotr hét to. Nhà vua đã cởi bỏ áo chẽn, sơ mi ướt đẫm mồ hôi, mạch máu căng phồng trên cái cổ dài ngoẵng thắt một chiếc ca vát quăn queo: Nhà vua bị thương ở mắt cá vì bị lọt chân vào giữa các rầm gỗ. Nhà vua nắm đầu một sợi dây cáp trợn mắt: "Dô ta! Nào, kéo!" Mọi người từ hôm qua chưa được miếng nào vào bụng; tay họ đã rớm máu. Nhưng tên quỷ sứ nầy cứ hùng hục, la hét, chửi rủa, đánh đập, cứ kéo… Đến đêm, năm mươi chiếc thuyền lớn đã được kéo đến sông Neva và hạ thuỷ; trên thuyền phía mũi và phía lái có những sàn phẳng cho lính mang súng trường. Mọi người không còn sức ăn uống nữa, họ nằm vật xuống nền rêu ẩm ướt, ngả lưng lên các mô đất lăn ra ngủ.
Tang tảng sáng, tiếng trống đã khua vang. Các trung uý lay người của mình dậy. Có phải lệnh phải lắp đạn vào súng, cất hai gói thuốc súng vào dưới lần áo sơ mi (để giữ thuốc khỏi bị nước mưa) và ngậm hai viên đạn trong mồm. Quân lính lấy vạt áo chẽn che quy-lát, leo lên các sàn gỗ phẳng của thuyền đang tròng trành.
Sóng vỗ mạnh. Lợi dụng đêm tối, người ta chèo gấp vượt qua dòng sông chảy xiết để sang bên hữu ngạn. Khu rừng bên đó xào xạc. Quân lính nhảy lên các bụi sậy. Các sĩ quan vừa rủa thầm vừa tập hợp các đại đội của họ.
Mọi người chờ đợi. Trời lộng gió, ánh bình minh lóe lên trông như những dải màu hồng tươi mờ mờ dưới làn sương mù đang tan. Trên mặt sông xám như chì, một chiếc thuyền chèo tay tới sát bờ, vua Piotr, Melsikov và Kornigxeg nhảy lên. (Sứ thần xứ Xăc xin tham dự chiến dịch với tư cách tình nguyện, người ta đã cắt hẳn làm tuỳ viên của Sa hoàng). Những tiếng nói kéo dài vang lên: "Chú… ý… ý!". Vua Piotr bám vào bụi cây, leo lên bờ sông dốc người. Gió thổi lật vạt áo chẽn, nhà vua bước đi, bóng dài nghêu lờ mờ; binh lính vội vã theo sau. Bên trái nhà vua là Melsikov, đeo súng ngắn; bên phải là Kornigxeg. Đột nhiên, họ dừng lại. Hàng lính đi đầu tiếp tục tiến vượt quá họ. Vua Piotr ra lệnh:
- Súng lên vai! Lên cò! Từng hàng bắn!
Đá lửa lách cách nổ dữ dội suốt dọc hàng quân… Hàng thứ hai tiến lên trước, vượt qua nhà vua.
- Nhìn phía trước! - Sa hoàng thét lên, giọng dữ tợn. - Hàng đầu, bắn!
Đạn nổ chiếu sáng những cây thông nhỏ đơn độc đang bị gió lay động. Cách đó không xa, dưới cánh đồng, phía bên kia gốc cây đã đốn là bờ luỹ không cao lắm của một đồn quân. "Hàng thứ hai… Bắn!" Vừa bắn xong, hàng thứ hai cũng như hàng thứ nhất, quỳ xuống
- Hàng thứ ba… Hàng thứ ba! - tiếng thét lạc cả giọng.
- Xung phong lưỡi lê! Xông lên!
Vua Piotr chạy trên cánh đồng ngổn ngang gò đống.
Binh lính xông lên, hàng ngũ lẫn lộn, lưỡi lê chĩa về phía trước, về phía cái đồn đắp bằng đất; tiếng họ hét vang mỗi lúc một thêm mạnh, thêm dữ dội. Tay những kẻ đầu hàng đã hiện ra trên mặt hào. Một phần quân Thuỵ Điển bỏ chạy về phía rừng.
Các đồn bên hữu ngạn đã bị chiếm. Khi trời sáng rõ, súng cối được đưa từ bên kia sang. Và ngay ngày hôm đó, từ hai bên bờ, đạn bắt đầu rót vào Notebo.
Thành nầy đã chịu đựng một trận bắn phá kịch liệt trong hai tuần, bây giờ một đám cháy lớn bùng lên, các kho đạn pháo nổ tung, do đó tường thành phía Đông sập đổ. Khi ấy, một chiếc thuyền con với một lá cờ trắng cắm ở đằng lái xuất hiện và vội vã tiến về phía mũi đất, về phía các công sự. Pháo Nga ngừng bắn. Một làn hơi dày đặc bốc lên từ các khẩu súng cối vừa được tưới nước. Một viên sĩ quan, mặt nhợt nhạt, người cao lớn, từ trên thuyền bước xuống nhìn quanh.
Aleksey Brovkin, nhảy vọt lên công sự, tiến lại gần viên sĩ quan; y nhìn hắn chằm chằm vôi cặp mắt ngạo nghễ, hỏi: "Ngươi có điều gì tốt lành nói với ta?" Viên sĩ quan nói rất nhanh bằng tiếng Thuỵ Điển: hắn chỉ những đám khói lớn đang từ trong thành cuồn cuộn bốc lên bầu trời yên tĩnh. Aleksey xẵng giọng ngắt lời hắn: "Nói bằng tiếng Nga! Các ngươi có đầu hàng hay không?" Kornigxeg, nhã nhặn, tươi cười, tiến lại giúp Aleksey; y lễ phép bỏ mũ chào viên sĩ quan và sau khi yêu cầu hắn nhắc lại, y dịch: vợ viên tư lệnh và vợ các sĩ quan khác xin phép ra khỏi thành, họ không thể ở lại được trong khói lửa mù mịt. Aleksey cầm lấy trong tay viên sĩ quan một lá thư gửi Boris Petrovich Seremetiev về vấn đề đó. Y vân vê lá thư trong tay.
Đột nhiên, mặt dúm lại vì tức giận, Aleksey vứt lá thư xuống bùn ngay dưới chân viên sĩ quan:
- Ta sẽ không báo cáo gì với đại nguyên soái hết! Như thế nầy nghĩa là thế nào? Để cái bọn giống cái ấy ra khỏi thành à? Để rồi trong hai tuần lễ nữa, bọn ta lại phải hy sinh quân lính trong các trận xung phong hay sao… Biết điều thì hàng ngay tức khắc đi, mọi việc sẽ xong xuôi!
Kornigxeg lễ phép hơn: y nhặt lá thư lên, lấy áo lau sạch, đưa trả viên sĩ quan và giải thích là lời đề nghị đó vô ích. Viên sĩ quan nhún vai và giận dữ bước xuống thuyền. Hắn vừa rời khỏi bờ thì bốn mươi hai khẩu súng cối của các khẩu đội Goska, Ginte và Piotr Alekseevich nhả đạn.
Lửa cháy dữ dội suốt đêm. Trên các tháp, mái chì chảy thành nước, các rầm gỗ cháy sập đổ, lửa bắn tung tóe. Ánh lửa soi sáng dòng sông, hai doanh trại quân Nga và ở phía hạ lưu, khoảng một trăm chiếc thuyền chở đầy quân cảm tứ, đứng chen chúc trên các sàn gỗ, thang xung phong đặt ngang hai mạn thuyền. Quá nửa đêm thì tiếng đại bác ngừng nổ, chỉ còn nghe thấy tiếng lửa cháy dữ dội.
Hai giờ trước rạng đông, một cỗ pháo của khẩu đội Sa hoàng nổ súng. Trống đánh dồn, điên cuồng. Thuyền chèo mạnh về phía thành, lửa chiếu sáng thuyền mỗi lúc một rõ hơn. Thuyền do các sĩ quan trẻ chỉ huy: Mikhail Golixyn, Karpop và Alekxandr Melsikov.
Hôm trước Alexaska, nước mắt chạy quanh, đã nói với vua Piotr: Myn Herz, thế là Seremetiev được thăng chức đại nguyên soái… Mọi người chế giễu hạ thần: "Nầy, tiến lên chứ ông trung tướng, tống trấn thành Pskov! Kỳ thực ngươi vốn chỉ là chân chạy giấy, bây giờ vẫn là chân chạy giấy… Hãy cho phép hạ thần được tham gia trận đánh để kiếm lấy một cấp".
Nhà vua, đại nguyên soái và các trung tá đứng ở mũi đất, gần khẩu đội pháo. Mọi người nhìn qua ống viễn kính. Các thuyền nhanh chóng tiến đến sát thành về phía Đông, nơi bức tường đã sụp đổ - những quả đạn gang nóng bỏng đón tiếp họ. Chiếc thuyền đầu xông vào bờ: quân cảm tử từ trên sàn gỗ lăn xuống như những hạt đậu, kéo lê thang và leo lên. Nhưng thang ngắn quá không tới được bờ lỗ hổng. Họ trèo lên lưng nhau, cố bám vào các chỗ gồ ghề ở tường. Từ trên cao, quân Thuỵ Điển ném đá, đổ chì lỏng xuống. Binh lính bị thương ngã từ trên cao ba xagien xuống đất. Nhiều thuyền bị trúng đạn, cháy bùng bùng như ngọn đuốc, trôi theo dòng nước.
Vua Piotr háo hức quan sát trong ống viễn kính. Khi khói thuốc súng che lấp trận địa, nhà vua cặp ống viễn kính vào nách và bắt đầu xoay xoay khuy áo chẽn, đã giật đứt mất nhiều chiếc. Mặt sạm lại, đôi môi thâm sì, mắt trũng xuống, nhà vua nhắc đi nhắc lại, nghe không rõ: "Thế nghĩa là thế nào?" Nhà vua ngoái cổ quay về phía Seremetiev. Boris Petrovich chỉ chậm rãi thở dài; ông ta đã từng thấy nhiều cảnh ngộ trong vòng hai năm nay:
- Lại xén bớt đạn dược chứ gì! Thế ra phải chiếm thành bằng tay không? Không thể được, làm thế nào chứ?
Boris Petrovich trả lời, mắt nhắm lại:
- Chúa lòng lành, dù sao ta cũng sẽ chiếm được…
Vua Piotr đứng giạng hai chân, lại đưa ống viễn kính lên mắt trái.
Nhiều lính bị thương và bị giết nằm sóng sượt dưới chân tường. Mặt trời đã lên cao nhưng bị sương mù che phủ. Khói từ các tháp trên thành bay lên mây, nhưng lửa cháy rõ ràng là đã yếu đi. Lại một đơn vị quân cảm tứ nữa, từ phía Tây tiến tới bằng thuyền, leo lên thang. Miệng người nào người nấy cắn chặt những mồi đã châm sẵn, họ nhanh nhẹn rút thủ pháo trong bao ra, cắn ngòi, đốt mồi rồi ném. Có người đã lọt được vào trong lỗ hổng nhưng từ đó không sao nhô đầu lên được.
Quân Thuỵ Điển chống cự kịch liệt. Tiếng súng đại bác, tiếng lựu đạn nổ ầm ầm, tiếng kêu la từ bên kia sông vọng tới, lúc giảm đi, lúc lại mạnh lên hơn bao giờ hết. Cứ như thế một giờ đồng hồ, hai giờ, tưởng chừng như mọi hy vọng, số phận của mọi sự nghiệp gian khổ, đều tuỳ thuộc vào sự kiên trì của những con người nhỏ bé đang vùng vầy trên thang, nép vào những chỗ gồ ghề của tường thành, để lấy lại hơi thở, nấp sau những đống đá để tránh hoả lực của quân Thuỵ Điển và bắn lại. Không làm sao giúp đỡ họ được. Các khẩu pháo buộc phải ngừng hoạt động.
Nếu có thuyền dự trữ thì có thể chở thêm hai nghìn quân sang tăng viện. Nhưng chẳng còn dư một chiếc thuyền nào, chẳng còn thang và thủ pháo thì thiếu.
- Tâu bệ hạ, bệ hạ nên trở về lều vải, ăn một chút rồi nghỉ ngơi… Bệ hạ bực bội buồn phiền làm gì, - Boris Petrovich vừa nói vừa thở dài như một mụ đàn bà.
Nhà vua mắt không rời khỏi ống viễn kính, nhe răng ra, vẻ sốt ruột. Bên kia, một lão già cao lớn, râu trắng xoá, mặc áo giáp sắt và đội chiếc mũ kiểu cổ, xuất hiện trên mặt tường thành chỉ tay xuống quân Nga ở chân tường, lão há to miệng: có lẽ lão đang hét. Quân Thuỵ Điển vây chặt quanh lão và cũng hét lên: có thể là chúng đang bàn luận. Lão già gạt một tên ra, cầm khẩu súng ngắn đánh một tên khác rồi nặng nề tụt xuống chỗ lỗ hổng, bám vào những chỗ gồ ghề ở tường.
Khoảng năm mươi người theo lão leo xuống. Quân Thuỵ Điển và quân Nga trà trộn vào nhau trong lỗ hổng thành một đám hỗn chiến hung dữ. Xác người rơi xuống chân tường như những cái bị. Vua Piotr rên lên:
- Lão già kia là tên tư lệnh Eric Slipenbac, anh cả tướng Slipenbac mà thần đã đánh bại. - Boris Petrovich nói.
Chẳng mấy chốc quân Thuỵ Điển đã chiếm được lỗ hổng, từ đó chúng dùng súng trường bắn ra. Chúng theo thang tụt nhanh xuống và chỉ có kiếm trong tay, xông vào quân Nga. Lão già cao lớn, mặc áo giáp, đứng trong lỗ hổng, dậm chân giơ tay lên như con gà trống vỗ cánh…
- "hi một gã Thuỵ Điển đã nổi giận thì chết hắn cũng không sờn, - Boris Petrovich nói.
Những quân Nga còn sống sót lùi về phía sông, về phía thuyền. Một người, mặt băng một mảnh giẻ, lồng lộn, chặn bọn lính lại ngăn không cho họ trèo lên thuyền, nhảy lên, đánh đập. Hắn lấy cả sức nặng người mình tì vào mũi một chiếc thuyền không, đẩy nó ra xa bờ. Rồi hắn nhảy tới một chiếc thuyền khác, đẩy nốt ra xa…
- Đó là Miska Golixyn, - Boris Petrovich nói - hắn cũng hăng lắm!
Hai bên giáp lá cà, đánh nhau ngay bên cạnh chỗ thuyền đậu. Mười hai xuồng lớn chở đầy quân càm tử giơ cao vũ khí bơi ngược dòng về phía thành. Đó là đơn vị dự trữ cuối cùng, đơn vị của Melsikov. Alexaska, mình chỉ mặc một chiếc sơ mi lụa màu hồng, đầu để trần, tay cầm kiếm và một khẩu súng ngắn, nhảy lên bờ trước tiên…
Quân Thuỵ Điển thấy có lực lượng địch mới tới, vội chạy về phía tường thành; nhưng chỉ có một số leo lên được: tất cả bọn còn lại đều bị tiêu diệt. Đá, rầm gỗ lại từ trên tường thành lao xuống, một khẩu pháo khạc đạn ghém. Và quân Nga một lần nữa lại leo lên thang. Vua Piotr cầm ống viễn kính theo dõi chiếc sơ mi màu hồng, Alexaska ra sức chiến đấu dũng cảm để kiếm thêm một cấp và vinh quang… Hắn leo được lên lỗ hổng và chạm trán lão già Slipenbac; né tránh một viên đạn súng ngắn, hắn tấn công bằng kiếm; quân Thuỵ Điển vừa kịp cứu thoát được lão già và kéo lão lên trên… Qua đợt tấn công mới nầy, quân Thuỵ Điển chống cự có yếu đi…
- A, thằng quỷ? - vua Piotr kêu lên, chân đi ủng dậm mạnh xuống đất…
Chiếc sơ mi màu hồng của Alexaska đã vẫy vùng trên cao kia, giữa những lỗ châu mai của tường thành. Qua ống viễn kính, nhà vua nhìn không rõ. Ánh sáng bao la, đỏ rực của buổi chiều tà miền Bắc đã lan rộng trên bầu trời, phía sau thành:
- Piotr Alekseevich, theo thần thì hình như chúng đã trương cờ trắng, - Boris Petrovich nói. - Cũng không sớm lắm đâu, chúng ta chiến đấu đã mười ba tiếng đồng hồ rồi còn gì nữa!
Đến đêm, quân lính đốt những đống lửa lớn bên bờ sông Neva. Trong doanh trại chẳng ai ngủ. Những chảo đồng đầy sôi sùng sục, cừu từng con treo lủng lẳng trên cọc được quay chín. Những viên đội rậm ria đứng bên những thùng rượu đã cưa đứt đôi, rót vodka cho tất cả những ai muốn uống, uống được bao nhiêu tuỳ sức.
Quân cảm tử còn đang hăng về cuộc chiến đấu mười ba giờ đồng hồ ròng rã, hầu hết đều băng bó với những mảnh áo cũ dẫm máu, ngồi trên các gốc cây, trên những cành thông, quanh đống lửa, kể lại những giờ phút bi thảm, những trận giao chiến, những vết thương, cái chết của những bạn đồng ngũ. Những người không tham dự trận đánh, mồm há hốc, vây tròn xung quanh, sau lưng những người kể chuyện. Họ vừa nghe vừa đưa mắt nhìn những tháp đã bị đốt cháy, bóng tháp đen ngòm lờ mờ in bóng trên mặt sông. Xa xa, dưới chân tường thành nay đã vắng ngắt, xác chết nằm chất đống.
Hơn năm trăm quân cảm tử đã chết và khoảng một nghìn người bị thương đang rên rỉ trên những xe ngựa của đoàn xe vận tải và trong các lều vải. Quân lính vừa thở dài vừa nhắc đi nhắc lại: "Đấy, quả hạt dẻ, ta đã cắn vỡ nó rồi".
Phía bên kia suối, trên một ngọn đồi, tiếng kêu và tiếng kèn đồng vẳng ra, từ chiếc lều sáng trưng của Sa hoàng. Khi nâng cốc chúc tụng, người ta không bắn những loạt đạn mừng, súng đã nổ khá nhiều ngày hôm ấy rồi. Thỉnh thoảng có những viên sĩ quan say rượu bước ra khỏi lều để đi ngoài. Một viên đại tá bước tới đống lửa trại của quân lính trên bờ bên kia, y hét lên, giọng khàn khàn vì rượu.
- Hoan hô, anh em! Giỏi lắm!
Vài người lính ngẩng đầu lên lẩm bẩm: "Làm cái gì mà gào lên thế? Hừ, cứ tiếp tục, người chiến sĩ can trường kia, cứ tiếp tục mà say sưa đi!". Đến lượt vua Piotr ra khỏi lều. Nhà vua đi giải, chân loạng choạng.
Lửa trại nhấp nhô trước mắt: ít khi nhà vua say, nhưng hôm đó, nhà vua đã say mềm. Melsikov và Kornigxeg cũng theo ra.
- Myn Herz, có lẽ cần đem đến cho bệ hạ một cây nến chăng? - Alexaska hỏi, giọng say rượu. - Sao bệ hạ lâu thế?
Kornigxeg cười như gà túc túc: "Ha, ha", vừa nhảy múa vừa nâng vạt áo sau lên.
Piotr nói với y:
- Kornigxeg!
- Tâu bệ hạ, xin nghe lệnh
- Khi ngồi ăn, nhà ngươi khoe khoang cái gì thế?
- Tâu bệ hạ, đâu có ạ?
- Nhà ngươi nói dối, ta đã nghe thấy hết… Nhà ngươi đã kể gì với Seremetiev? "Vật trang sức nầy đối với tôi còn quý hơn cả sự siêu thoát của linh hồn…" Vật trang sức đó là cái gì?"
- Tâu bệ hạ, Seremetiev khoe người hầu của ông ta, một người phụ nữ Livoni. Nhưng hạ thần nhớ là không có khoe khoang gì cả.
Kornigxeg ngừng bặt, tựa hồ vừa tỉnh rượu ngay tức thì. Nhà vua nhếch mép nhe răng ra, như con cò từ trên nhìn xuống bộ mặt hoàng sợ của y.
- A, tâu bệ hạ… Có lẽ hạ thần khoe hộp đựng thuốc lá của hạ thần, một hộp đựng thuốc lá của Pháp, hạ thần để trong hành lý… Hạ thần xin đem lại hầu bệ hạ.
Y vội vàng lảo đảo đi về phía suối; y lo sợ, cởi khuy áo lót trên ngực… "Trời ơi, trời ơi, làm sao mà hắn biết được? Phải giấu đi, phải vứt đi ngay tức khắc…". Ngón tay y vướng vào lớp đăng ten; y nắm lấy chiếc trái tim đựng ảnh buộc vào sợi dây lụa đeo ở cổ, y cố giật, sợi dây thít sâu vào cổ y… Vua Piotr vẫn đứng trên đồi nhìn theo. Kornigxeg hất đầu về phía nhà vua, như muốn nói để nhà vua yên tâm: hạ thần xin đem lại ngay bây giờ đây.
Một thanh rầm gỗ bắc ngang con suối sâu, nước réo ầm ầm giữa những tảng đá hoa cương lớn. Kornigxeg bước lên rầm gỗ; giầy y dính đất sét, trơn tuột. Y vẫn cố giật sợi dây lụa. Y bước hụt, chới với giơ tay lên một cách tuyệt vọng rồi ngã ngửa xuống suối.
- Một thằng say rượu ngu ngốc, - vua Piotr nói.
Họ chờ đợi. Alexaska cau mầy; vẻ lo âu, hắn từ trên đồi chạy xuống:
- Piotr Alekseevich, hình như một tai hoạ đã xảy ra… Phải gọi người?
Mãi người ta mới tìm thấy Kornigxeg, mặc dù suối không sâu hơn hai arsin. Rõ ràng là trong khi ngã xuống, y đã đập gáy vào một hòn đá và đã chìm nghỉm. Quân lính khiêng y lại gần lều và đặt y trước đống lửa… Vua Piotr uốn người y, giang tay y ra, hà hơi vào miệng y… sứ thần Kornigxeg đã kết liễu cuộc đời một cách ngu xuẩn… Khi cởi khuy áo y, vua Piotr trông thấy trên ngực, ngay trên người y, một trái tim đựng ảnh to bằng bàn tay trẻ con. Nhà vua lục túi y, lôi ra một xấp thư và lập tức trở về lều với Alexaska.
Melsikov lớn tiếng nói:
- Thưa các vị, chúng ta tiệc tùng khá lâu rồi, Sa hoàng muốn đi nghỉ!
Mọi người vội vã rời khỏi lều. Phải sốc nách vài người lôi đi, đinh thúc ngựa cào lên mặt đất. Giữa những đĩa thức ăn dở và cây nến sắp tàn, nhà vua bày ra những lá thư ướt. Vua Piotr lấy móng tay bật nắp trái tim đựng ảnh; đó là chân dung Anna Monx, nét vẽ tinh xảo một cách kỳ lạ. Ansen nom như sống thật, mỉm cười với cặp mắt xanh ngây thơ, hai hàm răng đều đặn.
Dưới lần kính, quấn quanh bức chân dung là một món tóc vàng óng mà vua Piotr đã bao lần hôn hít. Mặt trong nắp, có mấy chữ tiếng Đức viết bằng mũi kim: "Tình yêu và chung thuỷ".
Piotr lấy móng tay nậy mặt kính, sờ món tóc và vứt chiếc trái tim vào vũng rượu trên khăn trải bàn, rồi đọc các bức thư. Tất cả đều là của Anna Monx viết cho Kornigxeg, những lá thư ngu ngốc, nũng nịu của một con đĩ đang ngây ngất say sưa vì sung sướng:
- Thế đấy, - vua Piotr nói. Nhà vua chống khuỷu tay xuống bàn, nhìn ngọn nến. - Ngươi hãy giải thích cho ta nghe. - Nhà vua lắc đầu, cười gằn - Nó đã đánh đổi ta… Thật ta không hiểu… Nó đã nói dối, Alexaska, nó nói dối mới gớm chứ, phải không? Suốt đời, có lẽ từ ngày đầu? Ta không hiểu… "Tình yêu và chung thuỷ"!
- Myn Herz, nó là đồ chó chết, một con đĩ rạc, một mụ chủ quán rượu… Lâu nay, thần đã muốn nói để bệ hạ biết.
- Câm ngay, câm ngay, điều đó, ta cấm nhà ngươi không được nói… Cút đi!
Sa hoàng nhồi thuốc vào tẩu, rồi lại chống khuỷu tay xuống bàn và rít thuốc. Nhà vua nhìn bức chân dung nhỏ nằm trong vũng rượu… "Ấy thế mà ta đã đến thăm mi, leo qua hàng rào…, biết bao lần ta nhắc đến tên mi… Ta tin cẩn nằm ngủ trên vai ấm của mi… Mi mới ngốc làm sao, đồ ngốc… Đáng lẽ mi đã phải đi chăn gà… Thôi được… Thế là hết…"
Nhà vua uể oải khoát tay một cái, đứng dậy và quăng tẩu thuốc đi rồi nằm vật xuống giường cọt kẹt, lấy chiếc áo lông cừu đắp lên người.