Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PIE ĐỆ NHẤT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 137624 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PIE ĐỆ NHẤT
Aleksey Nikolaievich Tolstoy

Chương 61

Chiến dịch tu viện Ba Ngôi đã chấm dứt. Cũng như bảy năm trước đây, người ở tu viện đã thắng Moskva. Sau khi đã suy nghĩ, bọn đại thần, vị giáo trưởng và Natalia Kirilovna đã nhân danh Sa hoàng Piotr viết cho Sa hoàng Ivan: "Ngự huynh, giờ đây đã đến lúc hai chúng ta phải tự cai trị lấy vương quốc mà Chúa đã giao cho chúng ta, vì chúng ta đã đến tuổi rồi; còn kẻ thứ ba không xứng đáng kia, tức là chị gái chúng ta, chúng ta không muốn bà ấy chia xẻ chức tước và uy quyền với nam giới chúng ta…".

Một đêm, không ồn ào lắm, người ta chuyển Sofia từ điện Kreml đến tu viện Novodevichi. Người ta chặt đầu Saklovity, Tsecmony, và Obroxim Petrov; những tên gian ác khác thì phải chịu nhục hình quất roi trên một quảng trường ở ngoại ô; người ta cắt lưỡi chúng và đày chúng đi Siberi chung thân. Về sau viên tổng trấn ở Dorogobuz bắt được tên giáo sĩ Medvedev và Nikita Gladki. Hai bên nầy đều phải chịu những cực hình tàn khốc rồi xử trảm.

Người ta phân phát phần thưởng bằng đất đai và tiền bạc: các quan đại thần thì được 300 rúp một người; các vị đại quan được mỗi người 270 rúp, các vị quý tộc ở Duma(1) mỗi người 250 rúp. Các dapife tới tu viện cùng một lúc với vua Piotr, mỗi người được 37 rúp; các dapife đến sau mỗi người được 32 rúp. Những người đến trước ngày 10 tháng tám được 30 rúp một người, những người đến trước ngày 20 tháng tám: 27 rúp một người. Các nhà quý tộc từ các tỉnh tới thì được thưởng 18, 17 hoặc 16 rúp. Các lính xtreletz thì được một rúp, không được đất, để thưởng lòng trung thành tận tuỵ của họ.

Trước khi trở về Moskva, các quan đại thần chia nhau các bộ: bộ thứ nhất và bộ quan trọng nhất - Bộ Ngoại giao - được trao cho Lev Kirilovich, nhưng không được tước vị "người bảo vệ vương quyền". Không còn cần đến chiến tranh và các nhu cầu khác, người ta rất có thể hoàn toàn không cần đến Boris Alekseevich Golixyn, - giáo trưởng và Natalia Kirilovna không thể tha thứ cho ông ta về nhiều chuyện, nhất là về việc ông ta đã cứu Vaxili Vaxilievich thoát khỏi nhục hình quất roi và bục xử trảm. Nhưng các quan đại thần cho rằng không nên làm nhục một dòng dõi danh giá như thế: "Nếu chúng ta cho phép làm như vậy thì chẳng bao lâu nữa, ngay chúng ta đây cũng sẽ bị trục xuất ra khỏi các bộ. Hãy thử nhìn xem: bọn thương gia thô tục những tên thơ lại nguồn gốc ti tiện, bọn ngoại quốc và đủ các loại vô lại xúm quanh Sa hoàng Piotr để xin xỏ những của cải tịch thu được, để dành lấy địa vị nầy nọ". Người ta trao cho Boris Alekseevich Bộ Nội điện Kazan để đảm bản cho ông ta có nguồn thu nhập và được danh giá. Được tin ấy, Boris Alekseevich nhổ toẹt xuống đất, rồi ngay ngày hôm đó, ông ta uống rượu say và quát lên: "Quỷ tha ma bắt chúng nó đi, tài sản riêng của ta cũng đủ cho ta chi tiêu rồi". Rồi vẫn say rượu, ông sai gia nhân đưa mình về lãnh địa của tổ tiên để lại, gần Moskva, để ngủ cho thích mắt…

Các vị bộ trưởng mới, - đám ngoại quốc bắt đầu gọi họ như vậy, - đuổi bọn viên chức, thơ lại ra khỏi các bộ, đưa những viên chức khác vào thay và lại bắt đầu cai trị theo lối cũ. Không có thay đổi gì đặc biệt.

Chỉ có ở điện Kreml, bây giờ không phải là Ivan Miloslavski nữa, mà là Lev Kirilovich mặc áo lông hắc điêu thử, đóng sầm các cửa một cách hách dịch và đi những bước ngắn, gõ mạnh gót giầy kêu choang choang.

Tất cả những con người ấy đều già nua, ai cũng biết tên tuổi. Lụn bại, hối lộ và rối loạn, người ta chỉ có thể chờ đợi ở họ có thế thôi. Ở Moskva và ở Kukui, đám nhà buôn, chủ thầu, buôn bán nhỏ và thợ thủ công ở các ngoại ô, đám thương nhân ngoại quốc, thuyền trưởng, - người Hà Lan, người Hanovre, người Anh, - đều nóng lòng sốt ruột chờ đợi một trật tự mới và những con người mới. Có đủ các thứ tin đồn về vua Piotr: rất nhiều người đặt tất cả mọi hy vọng của họ vào nhà vua. Nước Nga, cái vốn vàng vốn bạc ấy, bị vùi sâu dưới một lớp bùn đã có hàng trăm năm nay… Ai là người có thể đem lại cho nó sức sống nếu không phải là vua mới?

Vua Piotr không về ngay Moskva. Nhà vua rời tu viện với đạo quân của mình và tiến về xloboda Alekxandrovskaia, nơi hãy còn sừng sững những bức tường bằng gỗ phiến đã mục của toà lâu dài khủng khiếp của Sa hoàng Ivan đệ tứ. Tại đó, tướng Xomme đã tổ chức một trận đánh kiểu mẫu, kéo dài suốt một tuần, cho đến khi hết thuốc súng mới thôi. Và chính tại đó, vũ nghiệp của Xomme đã chấm dứt - Ông tướng đáng thương đó ngã ngựa và què chân suốt đời.

Đến tháng mười, vua Piotr đi Moskva, chỉ có những trung đoàn cận vệ trẻ đi theo. Cách Moskva chừng mười dặm, tại làng Alekseyevskoe, một đám đông rất lớn tới đón nhà vua. Họ mang theo những tranh thánh, cờ xí, những chiếc bánh mì tròn đặt trên đĩa. Hai bên đường, có những thanh xà và những súc gỗ với những chiếc rìu cắm chặt vào đấy; những tên xtreletz, đại diện cho những trung đoàn đã không đi đến tu viện Ba Ngôi, nằm dài trên mặt đất ẩm ướt, cổ đặt lên những thanh xà… Nhưng vị Sa hoàng trẻ tuổi không ra lệnh xử trảm; nhà vua không có vẻ tức giận nhưng cũng không tỏ vẻ niềm nở.

 

Chú thích:

(1)    Ở đây là Hội đồng các nhà quý tộc

<< Chương 60 | Chương 62 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 473

Return to top