Ngày cũng như đêm, một đám mây bụi đọng trên con đường đi Yaroslav: những người đi bộ, những người cưỡi ngựa rời khỏi Moskva, xe chạy rầm rập. Bên tường tu viện Ba Ngôi, tại các thị trấn và trên các cánh đồng, nhiều đoàn xe đổ ùn lại, những đống lửa bốc khói mù mịt; bất cứ lúc nào cũng xảy ra những cuộc đánh lộn ầm ĩ để tranh nhau một chỗ, tranh nhau bánh mì, cỏ ngựa.
Tu viện không ngờ lại có nhiều người ùn ùn kéo đến đông như vậy: chẳng bao lâu các kho lúa đều rỗng tuếch; ngoài đồng, người ta ăn trộm các đống cỏ khô. Nhưng cần phải nuôi béo quân xtreletz và các quan chức của triều đình. Người ta phái những toán quân đi kiếm thức ăn trong các làng lân cận; không bao lâu chẳng còn lấy một con gà giò nào nữa.
Tuy vậy xung quanh tu viện Ba Ngôi, người ta sống chen chúc và đói. Nhiều vị đại thần sống trong lều, người thì ở trong sân tu viện, người thì ở bên ngoài. Họ ngồi trên bậc thềm, giữa nắng, ăn vội ăn vàng, đợi vua và các bà hoàng đi ra. Đối với họ, đánh đổi những toà nhà của họ yên tĩnh biết bao ở Moskva mà một con gà hàng xóm cũng không lọt vào được, lấy cái cảnh chen chúc xô đẩy nhau nầy thật là một chuyện cực nhọc.
Nhưng tất cả đều hiểu rằng một sự việc lớn đang được quyết định, chính quyền đang đổi thay. Nhưng có phải thay đổi theo chiều hướng tốt hơn không? Không thể nào sống tồi tệ hơn thế nầy được, hình như vậy: toàn Moskva, toàn dân, toàn nước Nga đều nghèo khổ, mình đầy những vết lở loét che giấu dưới những bộ quần áo tả tơi. Tối đến ngồi xung quanh đống lửa hoặc nằm dưới xe ngựa, mọi người nói chuyện với nhau thả cửa, tự do. Khắp các cánh đồng, xung quanh tu viện, vang lên tiếng người nói. Các đống lửa trú quân cháy đỏ rực. Không biết từ đâu xuất hiện ra những gã nông dân thạo nghề phù thuỷ: chúng nháy mắt một cách quái lạ lắc những hạt đậu trong mũ của chúng; chúng ngồi xổm, trải ra đất một chiếc khăn tay và đoán vận mệnh cho những kẻ ưa chuộng. Gã nông dân xếp ba đống hột đậu nhỏ, múa ngón ta lên trên rồi thì thầm nói:
- Điều ông mong muốn, ông sẽ đạt được, không nên nghi ngờ gì về việc ông định làm, ông cần phải dè chừng những kẻ không đi giầy vỏ gai, không mặc áo lông cừu và mặt trắng. Đừng có đi qua một cái sân thứ ba, đừng có đái nếu trông thấy ba ngôi sao. Ông sẽ được cái ông muốn, có thể sớm thôi và có thể là không được Amen. Đừng nói cảm ơn, hãy cho tôi đồng tiền nhỏ ông giấu trong mồm kia.
Bọn nông dân phù thuỷ nầy bò trong bóng tối giữa các cỗ xe ngựa, tung ra những tin đồn mờ ám. Chúng thì thào:
- Xương sống công chúa đã sụn rồi, vương hầu Vaxili Golixyn sẽ chết trước khi tuyết đầu mùa rơi… Ông bỏ họ là phải lắm… Vua Piotr hãy còn non trẻ đấy nhưng hoàng thái hậu và giáo trưởng nghĩ hộ nhà vua, họ là đỉnh chóp của tất cả. Họ sẽ giữ chặt lấy cái nhân… Và cái nhân sẽ là như thế nầy: người ta sẽ cấm các quan đại thần đi xe ngựa, người ta sẽ chỉ để lại cho mỗi quan đại thần một mảnh đất thôi, vừa đủ để mà sống. Thương nhân và thợ thủ công ở các xloboda, những kẻ cừ nhất trong số được lựa chọn, sẽ vào cung và được ăn nói đường hoàng. Họ sẽ nói: làm cái nầy, không nên làm cái kia. Người ta sẽ tống cổ tất cả bọn ngoại quốc ra khỏi nước Nga và sẽ để nhà cửa của chúng cho mọi người cướp. Người ta sẽ phóng thích nông dân và nông nô rồi họ muốn sống ở đâu cũng được, chẳng phải làm việc đến mất mạng và cũng chẳng phải nộp tô nữa.
Bọn mê hoặc và bọn phù thuỷ đó nói như vậy và những người nghe chúng nói cũng nghĩ như vậy. Tiếng chuông ngày hội gióng giả không lúc nào ngớt trên tu viện. Các nhà thờ, các giáo đường đều mở cửa, đèn nến sáng trưng; những bài hát trang nghiêm của tu viện vang lên suốt ngày đêm.
Sáng tinh mơ, vua Piotr cùng với hoàng thái hậu ở bên phải và giáo trưởng ở bên trái, từ trên thềm đi xuống, đến nhà thờ đứng nghe lễ chầu. Rồi hoàng thái hậu ra mắt dân chúng và thân mời những kẻ mới đến một cốc vodka. Giáo trưởng, người khô đét đi vì làm lễ và nhịn ăn, nhưng đã vững tâm hơn, nói:
- Các người rời bỏ quân cướp và biết sợ Sa hoàng là làm theo ý Chúa. - Nói đoạn, giáo trưởng nhìn vua Piotr chằm chặp, hai mắt sáng quắc.
Sa hoàng, mặc theo kiểu Nga, hai bàn tay sạch sẽ nắm một chiếc khăn tay nhỏ bằng lụa, kính cẩn đứng đó, đầu cúi xuống, mặt gầy rạc đi. Đã hơn hai tuần nay, nhà vua không hút tẩu, không uống một giọt rượu. Thái hậu, giáo trưởng, hoặc Boris Golixyn bảo gì nhà vua đều làm theo; nhà vua không hề ra khỏi tu viện. Sau buổi lễ chầu, nhà vua vào ngồi trong phòng kín của tu viện trưởng, dưới tranh thánh và chìa bàn tay cho các đại thần hôn. Nhà vua không còn nói năng hấp tấp và không còn trố mắt nữa. Vua Piotr khè trả lời mọi người một cách dĩnh đạc, không nói theo lý lẽ của mình mà nói theo những lời khuyên bảo của các bậc huynh trưởng.
Natalia Kirilovna luôn miệng nói với những người thân cận trong đám đại thần:
- Ta không biết lấy gì cảm tạ Chúa, Sa hoàng của chúng ta đã trở nên đứng đắn, nhà vua đã trở nên lễ độ đức hạnh biết bao…
Lơfo là người ngoại quốc độc nhất được phép gần nhà vua, không phải trong lúc vua và hai bà hoàng đi ra ngoài hoặc tại phòng ăn mà là vào buổi tối, để giáo trưởng khỏi trông thấy: Lơfo đến gặp Sa hoàng ở phòng riêng của nhà vua. Vua Piotr, không nói không rằng, nắm lấy hai má Lơfo hôn vào miệng, rồi thở dài nhẹ nhõm, ngồi sát bên cạnh. Lơfo thì thầm bằng một thứ tiếng Nga chọ choẹ, kể cho nhà vua nghe chuyện nầy, chuyện nọ, làm cho nhà vua phì cười, khuyến khích nhà vua và xen vào câu chuyện bông đùa những ý nghĩ rất khôn ngoan.
Hắn hiểu rằng vua Piotr rất xấu hổ về việc mặc áo ngủ chạy trốn và chỉ nghĩ đến chuyện đó nhà vua cũng đã thấy khổ sở. Cho nên hắn trích dẫn những ví dụ lấy trong cuốn Lịch sử của Broniux trong đó có nói đến các bậc vua chúa và những vị tướng oanh liệt đã từng thoát thân bằng mưu mẹo. "Một vị quận công nước Pháp đã buộc phải cải trang làm đàn bà, nằm vào giường với một người đàn ông. Nhưng ngày hôm sau, ông ta đánh chiếm bảy thành phố… Đại tướng quân Nectariux thấy quân thù sắp sửa thắng thế bèn lấy cái đầu hói nhắn ra doạ cho chúng sợ, làm chúng phải chạy. Nhưng về sau, ông ta cũng không tránh được nỗi nhục và đã cắm sừng lên cái đầu hói của mình nhưng không vì thế mà mất đi một chút vinh quang nào", Broniux nói vậy…
Lơfo cười và siết mạnh hai bàn tay vua Piotr, hai bàn tay đầy những giọt sáp nến.
Vua Piotr nóng nảy và thiếu kinh nghiệm. Lơfo nhắc lại với nhà vua rằng đấu tranh với Sofia trước hết phải thận trọng: không phải lăn vào đánh nhau - đánh nhau thì mọi người chán lắm rồi - mà phải theo tiếng chuông tôn nghiêm của tu viện, hứa hẹn hoà bình và phồn vinh cho dân chúng đang từ Moskva ùn ùn kéo tới. Sofia sẽ tự nhiên mà đổ như một cái cột mục. Lơfo thi thầm với Sa hoàng:
- Pete nầy, bệ hạ hãy đi đứng đạo mạo, nói năng dịu dàng hãy dập tắt ngọn lửa trong con mắt đi, hãy dự lễ chầu thật lâu chừng nào mà hai chân còn đỡ nổi mình, như vậy bệ hạ sẽ được mọi người quý mến. Người ta sẽ nói: Chúa đã phái đến cho chúng ta một ông vua tốt biết bao, với vua nầy, mọi người sẽ dễ thở đây. Hãy để mặc cho Boris Golixyn hò hét, đánh nhau.
Vua Piotr ngạc nhiên về trí thông minh của người bạn thân. "Cái mà tiếng Pháp gọi là chính trị là biết được ưu thế của mình, - Lơfo giải thích -. Vua nước Pháp Louis 11, khi nào cần đến một tên tiện dân là đến thăm đứa nghèo khổ nhất trong đám tiện dân; và khi nào cần, vua chặt ngay đầu một quận công hay một hầu tước lừng lẫy không thương tiếc. Vua Louis chăm lo chính trị nhiều hơn đi chinh chiến, khi thì vua là cáo khi thì lại là sư tử. Vua đó đã làm kẻ thù của mình lụn bại và làm giàu Nhà nước".
Nghe Lơfo nói thật là kỳ lạ: một gã ham nhảy múa: một tay truỵ lạc, một anh chàng nghịch ngợm, thế mà hắn lại nói ra những điều người Nga không hề biết đến, "Ở nước của bệ hạ, - Lơfo nói, - người nào cũng vồ lấy phần mình, chẳng ai nghĩ gì đến Nhà nước; người nầy thì nghĩ đến lợi của mình, kẻ kia thì chỉ nghĩ đến danh vọng, kẻ khác thì chỉ nghĩ đến chuyện ních cho chặt dạ dày. Có lẽ chỉ ở châu Phi mới tìm thấy một dân tộc mọi rợ đến như thế. Họ chi biết có mỗi một điều: lột da người ta ra bóc lấy ba mảnh da mà ba mảnh da ấy đều thối cả".
Lơfo mạnh dạn nói những điều đó, không sợ vua Piotr bênh vực La Mã thứ ba… Tường chừng như hắn cầm một ngọn nến trong tay, đi sâu vào những chỗ thầm kín nhất trong cái đầu óc dã man, háo hức, ngỗ người của vua Piotr. Ngọn lửa nhỏ của chiếc đèn thờ trước tranh thánh Xecgiơ đã liếm vào cái cốc thuỷ tinh màu lam, bên ngoài tiếng chân bọn lính gác đã tắt, - nhưng Lơfo, sau khi nói một chuyện bông đùa làm vua Piotr bật cười, lại nói tiếp:
- Pete nầy, bệ hạ là một người rất thông minh… Ồ thần đã lang thang khắp đó đây trên thế giới, thần đã thấy đủ các hạng người… Thần xin đem lưỡi gươm và cuộc đời thần phụng sự bệ hạ… (Hắn trìu mến nhìn vào cặp mắt lồi màu nâu của vua Piotr; nhà vua có vẻ như đứng đắn ra, như thể mấy ngày nay, nhà vua đã sống qua nhiều năm dài dằng dặc). Pete nầy, bệ hạ cần có những người trung thành và thông minh… Không nên hấp tấp, hãy chờ đợi, chúng ta sẽ tìm ra những người mới, những người mà vì sự nghiệp, vì để tuân lệnh bệ hạ, sẽ nhảy vào lửa, sẽ không thương tiếc một ai, kể cả bố mẹ mình… Hãy để mặc cho bọn quý tộc đại thần tranh dành nhau địa vị danh vọng. Bệ hạ không cần phải lắp cho họ những cái đầu mới. Còn chuyện chặt những cái đầu đó đi, thì muộn một chút cũng chẳng sao… Hãy đón đợi thời cơ, hãy thu thập lực lượng, bệ hạ hãy còn yếu chưa đủ sức chống lại bọn quý tộc đại thần đâu. Rồi chúng ta sẽ vui chơi, sẽ còn nhiều thú vui, nhiều gái đẹp… Hãy hưởng thụ cuộc đời khi máu bệ hạ còn nóng. Ngân khố đủ để chi dùng cho những chuyện đó, bệ hạ là Sa hoàng kia mà.
Cặp môi mỏng của hắn thì thầm sát ngay bên, bộ ria nhỏ vểnh lên cù vào má vua Piotr, cặp mắt khi thì trìu mến khi thì cứng rắn, lộ rõ vẻ thông minh và sự trác táng… Con người đáng quý mến biết bao ấy đọc được ý nghĩ của người khác, nói ra thành lời những ý muốn hỗn độn đang nảy ra trong óc vua Piotr.
Natalia Kirilovna cứ ngạc nhiên mãi vì thấy Petruska của mình biết điều đến như thế. Cách cư xử đĩnh đạc của vua Piotr khiến bà vui sướng hết sức: nhà vua kính trọng mẹ và giáo trưởng, lắng nghe những vị đại thần thân cận, ngủ với vợ và tắm trong phòng tắm hơi nước nóng. Sống trong tu viện, Natalia Kirilovna tươi hẳn lên như một bông hoa hồng mùa thu: suốt mười lăm năm trời, bà đã sống trong cảnh cô quạnh, ấy thế mà giờ đây, các vương hầu dòng dõi cao quý lại chen vai thích cánh nhau đến để chào bà hoàng thái hậu. Các vị quý tộc, các quan đại thần của triều đình mò theo dõi từng lời của bà để chạy đi thi hành những lệnh của bà. Trong buổi lễ chầu, bà ngồi ở chỗ danh dự và giáo trưởng đưa cây thánh giá cho bà hôn đầu tiên.
Lúc các vị vương tế bước ra, dân chúng nằm rạp đầu xuống đất, đám ngây ngô đần độn, tàn tật, đám ăn mầy, cất cao giọng ca ngợi bà, xô đấy nhau để tới hôn gấu áo của bà. Giọng nói của Natalia Kirilovna trở nên bình tĩnh và chậm rãi, cái nhìn trở nên oai vệ.
Trong phòng riêng của bà, bọn quý tộc đại thần mặc áo lông đại trào, ngồi im không cựa vì quá nóng, trên những chiếc ghế dài, trên các mặt hòm: Tikhol Nikitievich Xtresnev, người thân cận của hoàng thái hậu, trước đây là sư phó của vua Piotr hồi còn bé ngồi đó, một nụ cười mãn nguyện nở trên môi, lông mày che kín cặp mắt như một bức rèm để mọi người không thể xét đoán được ông ta láu cá hay thông minh; vương hầu Ivan Borisovich Troekurov, khắc khổ, tóc đỏ, mặt to; anh rể của hoàng hậu Piotr Abramovich Lopukhin, da gò má căng ra và đỏ gay, mi mắt đỏ không có lông mi vì ông lão thân hình cứng cỏi khỏe mạnh nầy rất thèm khát quyền hành; vương hầu Mikhail Alegukovich Seckaski, mũi khoằm khoằm khiến ông ta trông giống một gã Digan (1), đang tựa vào lò sưởi ngủ gà ngủ gật, hai tay khoanh lại một cách bình thản. Vào khoảng giữa tháng, Fedor Yurievich Romodanovski đã tới, ông ta cũng vào ngồi trong phòng hoàng thái hậu, vuốt ve bộ ria mép, đảo cặp mắt lồi đục lờ lờ nhìn quanh và thở dài, lắc lư cái bụng phệ.
Bước vào trong phòng, bà hoàng thái hậu gọi mọi người bằng tên riêng và tên đệm của người đó, rồi ngồi xuống một chiếc ghế dựa thường, nhón tay cầm chiếc bánh thánh lấy trong khăn tay ra. Bên cạnh hoàng thái hậu là người em trai của bà, Lev Kirilovich trịnh trọng, bụng phệ, da dẻ hồng hào. Và đám đại thần ung dung bàn bạc công việc quốc gia với nhau: phải hành động thế nào đối với Sofia, phải xử trí thế nào với anh em nhà Miloslavski, - đứa nào sẽ phải đi đày và đứa nào sẽ bị nhốt vào một tu viện, và bộ nào sẽ trao cho vị đại thần nào.
Boris Alekseevich Golixyn ít khi tới buồng hoàng thái hậu trừ những trường hợp tối khẩn thiết; ông xấu hổ cho người anh em họ của mình, vả lại ông cũng không có thì giờ: suốt ngày đêm, ông thảo các đạo cụ tiến hành các cuộc đàm phán với Moskva, tung tiền mua chuộc các trung đoàn, điều khiển các cuộc hỏi cung, lo việc cung cấp cỏ ngựa cho quân lính.
Ông chẳng nghe lời khuyên bảo của ai, ông ta còn tự phụ và kiêu căng hơn cả Vaxili. Mặc áo giáp nhẹ mạ vàng, đội mũ kiểu Ý trên có chùm lông đỏ, lịch sự, bảnh bao, hơi ngà ngà rượu, râu vểnh lên, ông cưỡi một con ngựa cái hăng như lửa, bờm và đuôi có tết sợi vàng, đi thăm các trung đoàn. Ngồi trên cái yên bọc nhung, ông cúi xuống ôm hôn các viên đại tá mới tới. Một tay chống nạnh, ông phi ngựa tới gần quân xtreletz, bọn nầy quỳ rạp cả xuống như cỏ bị cắt đổ.
- Chào những con người dũng cảm? - Ông kêu to, giọng khàn khàn. Ở chỗ cằm không có râu, đỏ ửng lên. - Chúa sẽ tha thứ cho các ngươi, Sa hoàng sẽ mở lượng bao dung các ngươi. Hãy tháo ngựa ở xe ra, hãy nấu cháo đi, Sa hoàng tặng các ngươi một thùng vodka…
- Cái nhà ông Boris nầy mới vui chứ, - quân xtreletz nói với vợ chúng trong các đoàn xe. - Như vậy tức là ở đây ổn. Chúng ta chạy sang phe nầy là đúng.
Boris Golixyn giải quyết công việc cho tất cả mọi người. Các quan địa thần chẳng mong gì hơn, - họ càng yên tâm mà suy nghĩ trong phòng bà hoàng thái hậu. Riêng có anh em Dolgoruki, - Yakov và Grigori, ở trong một chiếc lều căng thảm trong sân của đại chủ giáo, càu nhàu về Boris: "Chúng ta đã chịu đựng thằng Vaxili trong bảy năm trời, thế mà bây giờ, hãy xem kìa, thằng Boris lại cưỡi lên lưng chúng ta! Chúng ta đã đánh đổi một con chim cu lấy một con cắt!" Giáo trưởng cũng không ưa gì Boris vì ông ta đã cùng ăn chơi với vua Piotr ở Kului, vì ông ta biết tiếng la-tinh và chuộng tất cả những thứ gì của ngoại quốc đưa vào. Nhưng trong khi chờ đợi thì cả giáo trưởng cũng nín thinh.
Ngày hai mươi chín tháng tám, một tên xtreletz cưỡi ngựa phi nước đại tới trước cánh cửa bọc sắt của tu viện; hắn để đầu trần, chiếc áo nẹp mở phanh ra: trên khuôn mặt đầy bụi chỉ trông thấy lòng trắng của cặp mắt trợn người. Ngửa đầu ra đằng sau, bộ râu nhọn xồm xoàm, chỉa lên phía vọng lâu, hắn hét lên bằng một giọng kinh khủng:
- Công vụ Sa hoàng!
Người ta mở cánh cửa kêu ken két, đỡ tên xtreletz từ trên con ngựa mệt nhoài bước xuống, - gã nông dân coi bộ lực lưỡng, nhưng hắn mệt quá chừng vì đã cố sức làm việc cho Sa hoàng đến nổi hình như không đi nổi nữa; người ta thận trọng dìu hắn tới trước mặt Boris Golixyn. Vừa đi hắn vừa quay đầu nhìn tứ phía. Trông thấy Boris đứng trên thềm, hắn sụp xuống chân vị vương hầu.
-Lệnh bà Sofia đến cách đây mười dặm, ở Vozvizenskoe…
Chú thích:
(1) Một dân tộc đi lang thang ở châu Âu, sống bằng nghề ca múa, bói toán.