Ở châu Âu, người ta chế diễu nhưng rồi cũng nhanh chóng quên vị Sa hoàng của bọn dã man suýt nữa đã làm cho các dân tộc vùng Baltic phải hoảng sợ - tựa những bóng ma, bầy khố rách áo ôm của ông ta đã tan tác. Sau trận Narva, vua Charles, người đã dồn chúng về xứ Moskovi man rợ của chúng, nơi chúng sẽ phải sống vất vơ vất vưởng mãi mãi trong cảnh tối tăm ngu dốt từ ngàn xưa - vì qua lời tường thuật của các nhà thám hiểm nổi tiếng, ai cũng biết bản chất hèn hạ và bất lương của người Nga, - chỉ trong một thời gian ngắn, vua Charles đã trở thành người anh hùng lừng danh các thủ đô châu Âu. Ở Amsterdam toà Thị sảnh và Sở giao dịch chứng khoán kéo cờ mừng chiến thắng Narva; ở Paris, tại các hiệu sách, người ta trưng bày trong tủ kính hai kỷ niệm chương bằng đồng - một cái mang hình thần Vinh quang đang đội mũ miện cho vua Thuỵ Điển trẻ tuổi: "Chính nghĩa đã chiến thắng!", còn chiếc kia ghi cảnh Sa hoàng Piotr đang chạy trốn, rơi cả chiếc mũ Kamys: tại Viên, Inhatiux Garien, cựu sứ thần Áo ở Moskva, cho xuất bản những ghi chép, hoặc nhật ký riêng, của viên thư ký của ông ta là Johan George Kooe, tả lại một cách hào hứng những phong tục tức cười và man, rợ của xứ Moskovi, cùng là cuộc hành hình bọn xtreletz đẫm máu năm 1698. Tại triều đình Viên, người ta công nhiên bàn tán về tin thất bại mới của quân Nga trước thành Pskov, vua Piotr phải chạy trốn chỉ có vài người theo sau, về cuộc nổi loạn ở Moskva, về tin công chúa Sofia được giải thoát, đã từ tu viện ra nắm lại chính quyền.
Nhưng tất cả những sự kiện nhỏ nhặt đó liền bị lu mờ ngay trước cơn bão táp chiến tranh rút cuộc đã bùng nổ. Vua Tây Ban Nha băng hà, - Pháp và Áo mưu đồ tranh nhau kế vị. Anh và Hà Lan nhúng tay vào.
Các vị tướng soái lừng danh: Jhon, Churchill, quận công Malbro, vương hầu Ogien xứ Xavoa, quận công Vangdom bắt đầu tàn phá các nước và đốt các thành phố. Tại Ý, tại Bavie, tại xứ Flandre xinh đẹp, trên tất cả các nẻo đường, bọn cầu bơ cầu bất có vũ khí đi lang thang khủng bố dân lành, cướp bóc thực phẩm và rượu. Những cuộc nổi loạn nổ ra ở Hungary và ở miền Xeven. Vận mệnh các cường quốc đến lúc quyết định: nước nào, hạm đội nào sẽ làm bá chủ các đại dương? Do đó họ đành bỏ mặc các công việc của phương Đông.
Sau Narva, vua Charles say sưa với chiến thắng, muốn đuổi theo vua Piotr đến tận cùng xứ Moskovi. Nhưng các tướng lĩnh van nài nhà vua chớ có cầu may đến hai lần.
Quân đội mệt mỏi và bị tiêu hao được đưa về doanh trại mùa đông tại Laixa, gần Dorpat. Từ đó, nhà vua viết cho Thượng nghị viện một lá thư ngạo mạn, đòi viện binh và tiền. Ở Stockholm, những người trước đây không tán thành chiến tranh bây giờ đều im lặng. Thượng nghị viện ký pháp lệnh ban hành những thuế mới và đến mùa xuân, gửi tới Laixa hai mươi nghìn bộ kinh và kỵ binh. Một cuốn sách bằng tiếng La tinh được xuất bản - nguyên nhân cuộc chiến tranh của Thuỵ Điển chống Sa hoàng xứ Moskvi. Tại các triều đình châu Âu, mọi người khoái trá đọc cuốn sách đó.
Hiện giờ vua Charles có một đạo quân vào loại mạnh nhất châu Âu. Chỉ có quyết định xem nên đánh về hưởng nào: về phía Đông - xứ Moskovi hoang vu, thành phố thưa thớt, cùng khổ, hứa hẹn những chiến lợi phẩm nghèo nàn và ít vinh quang - hay về phía Tây Nam, chống tên vua Auguste tráo trở, đánh vào tận nội địa nước Ba Lan, vào xứ Xăc, ngay trung tâm châu Âu?
Tiếng súng đại bác của các vị tướng soái lừng danh đã nổi vang ở đó. Vua Charles ngây ngất nghĩ đến vinh quang của một Cséza thứ hai. Binh lính dội cận vệ của vua Thuỵ Điển, vốn dòng dõi trộm cướp, đã mơ tưởng đến lụa là lộng lẫy xứ Florence, vàng bạc trong các hầm ở Excurian(1) những cô thiếu nữ xứ Flandre tóc vàng óng các quán rượu ở các ngã tư đường miền Bavie.
Đến mùa hạ, khi đường xá đã đi lại được dễ dàng, vua Charles cử một đạo quân mạnh tám nghìn người do Slipenbac chỉ huy và ra lệnh tiến về biên giới Nga.
Đích thân nhà vua cầm đầu toàn đội binh mã, hành quân gấp, vượt qua xứ Livoni; cách Riga hai dặm về mé thượng lưu gặp địch, nhà vua vượt qua sông Dvina bằng thuyền và đánh tan đội quân xứ Xăc của vua Auguste. Trong trận nầy, xảy ra ngày mồng tám tháng bảy, Johan Patkun bị thương: y chỉ vừa kịp lên ngựa chạy trốn, thoát khỏi tay quân giáp kỵ của vua Thuỵ Điển đuổi theo; lần nầy y thoát được cảnh bị cầm tù và nhục hình.
Trước thành Riga, không phải là đám lính Nga rách rưới mà là đội quân oai hùng của xứ Xăc nổi tiếng khắp châu Âu đã, bị đánh bại. Đôi cánh của Vinh quang như dng rộng trên lưng vua Charles. "Vua Charles chẳng còn nghĩ đến gì khác ngoài chiến trận… - Tướng Xtenboc đã nói về vua Thuỵ Điển như vậy trong những bức thư gửi về Stockholm - Nhà vua không còn nghe những lời khuyên can khôn ngoan nữa… Nhà vua nói năng cứ như là chính Chúa trời trực tiếp truyền đạt cho mình mọi dự định. Nhà vua hết sức tự phụ và vô lý… Tôi cho rằng dù chỉ còn một nghìn người, nhà vua vẫn cứ cùng với họ lao vào cả một đạo quân. Nhà vua chẳng hề bận tâm về chuyện quân lính ăn uống ra sao, khi một người trong chúng ta chết, nhà vua cũng chẳng hề mủi lòng nữa…"
Từ Riga, vua Charles đuổi theo Auguste. Ở Ba Lan, một cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ giữa bọn quý tộc: một phe theo Auguste chống lại người Thuỵ Điển phe kia la lớn rằng chỉ có người Thuỵ Điển mới thiết lập được trật tự và giúp người Ba Lan lấy lại vùng hữu ngạn xứ Ukrain cùng với Kiev, và nước Ba Lan cần có vua mới.
Vua Auguste chạy trốn khỏi Warsawa. Không phải giao chiến, vua Charles tiến vào thủ đô. Tại Krakow, vua Auguste vội vã tập hợp một đạo quân mới.
Một cuộc săn đuổi kỳ lạ bắt đầu - một ông vua rượt theo một ông vua khác. Tại các triều đình châu Âu - một lần nữa người ta lại ca ngợi vị anh hùng trẻ tuổi tên vua Thuỵ Điển được nêu lên bên cạnh tên vương hầu Ogien và quận công Maolbro. Người ta nói rằng vua Charles không để một người đàn bà nào tới gần, thậm chí để nguyên cả ủng mà ngủ; trước cuộc chiến đấu, nhà vua ra mắt bá quan, - cưỡi ngựa, đầu không mũ, mặc chiếc áo chẽn màu xám xanh muôn thuở cúc cài đến tận cổ, và miệng cầu Chúa, xông trước tiên vào kẻ thù, cuốn theo cả đoàn quân. Nhà vua đã giao nhiệm vụ cho tướng Slippenbac đánh bại Sa hoàng Piotr ở miền Đông chán ngắt.
Suốt mùa đông, vua Piotr khi thì ở Moskva, khi thì ở Novgorod hoặc Voronez, nơi đây đang ráo riết tiếp tục đóng tàu cho hạm đội Hắc Hải. Người ta đã nấu các quả chuông, chở đến Moskva chín mươi ngàn pud đồng. Viniux, viên lục sự già của viện Duma vốn thông thạo về khoa luyện, được chỉ định làm quản đốc xưởng đúc súng đại bác mới. Viniux đã tổ chức, cạnh xưởng đúc ở Moskva, một trường gồm hai trăm năm mươi học sinh: con các nhà quý tộc, dân các đại xã và thanh niên dòng dõi thấp hèn nhưng thông minh, học nghề đúc, học toán, học cách xây dựng đồn luỹ và sử học. Thiếu đồng đỏ để pha vào đồng chuông. Vua Piotr cử Viniux đi Siberi tìm quặng. Ở Liege, Andrey Artamonovich Matveev, con vị đại thần Matveev đã bị giết chết trên Thềm Đỏ, mua mười lăm ngàn khẩu súng trường kiểu mới, súng đại bác bắn nhanh, ống nhòm và lông đà điểu cho mũ sĩ quan. Năm nhà máy sản xuất da và vải hoạt động ở Moskva; người ta mộ thợ cả ở khắp châu Âu với giá cao. Binh lính tập tành từ sáng đến tối. Việc khó khăn nhất là đào tạo sĩ quan.
Họ phải huấn luyện binh lính và đồng thời tự huấn luyện cho mình; hễ được thăng cấp một cái là quyền hành làm họ say sưa choáng váng; hoặc họ ăn chơi phè phỡn hoặc sinh ra rượu chè be bét
Hai tuần sau trận thất bại ở Narva, vua Piotr viết thư cho Boris Petrovich Seremetiev, đang tập hợp tàn quân của các trung đoàn kỵ binh ở Novgorod, người thì mất ngựa, kẻ mất gươm, kẻ thì chẳng còn mảy may gì hết:
"Để mất hết trong cảnh bất hạnh thì thật là vô lý. Vì vậy ta ra lệnh cho nhà ngươi tiếp tục nhiệm vụ ta đã giao phó, tức là chỉ huy kỵ binh. Trong tương lai, nhà ngươi sẽ giữ các miền kế cận, sẽ tiến lên đánh cho quân địch thiệt hại nhiều hơn. Nhà ngươi không có lý do gì để từ chối: nhà ngươi có đủ quân lính; sông ngòi và đầm lầy đã đóng băng… Ta nhắc nhà ngươi một điều nữa; đừng có tìm cách lẩn tránh với bất cứ lý do gì ngay cả lý do bệnh tật… Nhiều kẻ bỏ trốn đã mắc bệnh đó. Tên thiếu tá Lobanov đã bị treo cổ vì lý do ấy đấy Nhưng vì đạo kỵ binh quý tộc chế ngoại không được chắc chắn, người ta mộ quân tình nguyện ở mọi tầng lớp - nông dân và nông nô: họ sung vào quân đội với lương mười một rúp một năm kể cả ăn. Mười trung đoàn long kỵ binh được thành lập. Người xin đăng vào kỵ binh để trốn tránh cuộc đời nông nô, đông quá đến nỗi phải lựa chọn những người cao lớn khỏe mạnh nhất.
Các trung đoàn long kỵ binh vừa được huấn luyện xong được đưa ngay đến Novgorod: ở đó tướng Anikita Repnin tập hợp và huấn luyện các sư đoàn đã tham trận Narva.
Trước ngày năm mới, người ta đã hoàn thành việc củng cố Novgorod, Pskov và tu viện Peseski. Ở phía Bắc, Khomogory và Arkhagensk cũng được xây thành đắp luỹ. Cách thành phố Arkhagensk mười lăm dặm, tại cửa sông Berezovski, một thành trì bằng đá được xây dựng cấp tốc, thành Novo-Dvinka. Đến mùa hạ, nhiều tàu buôn từ Anh và Hà Lan cặp bến Arkhagensk để dự hội chợ tháng sáu. Năm ấy, Ngân khố đã giữ độc quyền: những hàng hoá mới về ngoại thương: hải sản, keo cá, hắc ín, bồ tạt, sáp ong. Thương nhân của Sa hoàng vơ vét cho Ngân khố, các nhà buôn tư nhân chỉ con buôn bán các đồ da và ngà chạm. Ngày 20 tháng sáu, hạm đội Thuỵ Điển đột nhập vào cửa sông Dvina miền Bắc. Trước thành trì mới xây dựng, hạm đội đó không dám vượt qua để tiến về phía Arkhagensk, chỉ nã hết súng trên tàu vào các pháo đài của Novo-Dvinka.
Trong trận đánh ấy, một trong bốn chiếc thuyền Thuỵ Điển mắc cạn trên bãi cát trước thành; rồi đến lượt một chiếc thuyền buồm. Quân Nga nhảy xuống xuồng và sau một cuộc chiến đấu, đã chiếm được chiến thuyền và thuyền buồm các tàu khác liền quay đầu chạy và nhục nhã tiến ra Bạch Hải.
Suốt mùa hạ; luôn luôn có các cuộc giao chiến giữa các đơn vị tiên phong của Seremetiev và của Slipenbac.
Quân trinh sát Thuỵ Điển tiến đến tận tu viện Peseski nhưng chỉ đốt phá được các làng mạc xung quanh, không chiếm được thành. Slipenbac lo lắng, đòi thêm tám ngàn quân nữa và viết thư cho vua Charles: "Quân Nga ngày càng táo bạo hơn; thật không ngờ, chúng có vẻ đã phục hồi nhanh chóng sau thất bại tại Narva, thậm chí lại còn có nhiều tiến bộ trong nghệ thuật quân sự và về vũ khí là đằng khác; hiện nay khó mà đánh thắng được quân Nga với hai lữ đoàn…". Trong khi đó, vua Charles đã chiếm được Krakow, dồn vua Auguste về xứ Xăc cứ làm ngơ trước tiếng nói của lẽ phải.
Tình hình cứ như thế cho tới tháng chạp năm 1701.
Giữa mùa đông, qua lời khai của một tù binh, Boris Petrovich Seremetiev được biết là tướng Slipenbac đang đóng doanh trại mùa đông tại ấp Erexfe, gần Dorpat.
Ông liền nảy ra một kế hoạch táo bạo mà ngay bản thân ông cũng phải kinh sợ: bất ngờ đột nhập vào sâu trong đất địch để đánh úp kẻ thù đang nghỉ ngơi. Cơ hội hiếm có. Xưa kia, chắc có lẽ Boris Petrovich chẳng ưa mạo hiểm như vậy: nhưng năm đó, Piotr Alekseevich trở nên khó tính hơn bao giờ hết: nhà vua chẳng để cho ai yên ổn nghỉ ngơi, quở mắng về chuyện làm sai việc nầy việc nọ ít hơn là quở mắng việc bỏ lỡ một cơ hội tốt.
Cho nên Seremetiev buộc phải liều một phen may rủi. Boris Petrovich cho mười ngàn quân mặc áo cầu lông, đi ủng dạ - số quân mới mộ nầy vừa mới được tổ chức - và bổ sung cho họ mười lăm khẩu pháo nhẹ đặt trên xe trượt tuyết; ông tiến nhanh nhưng hết sức thận trọng, phái những trung đoàn kỵ binh nhẹ người Cherkassy, Kalmys và Tarta đi tiên phong; sau ba ngày, ông tới Erexfe. Khi quân Thuỵ Điển nhìn thấy trên bờ cao đầy tuyết của dòng sông nhỏ Aa, những mũ chụp có tai của đoàn kỵ binh cầm cung và giáo đầu có buộc túm lông đuôi ngựa thì đã quá muộn. Trung tá Lieven chạy ra sông với hai đại đội và một khẩu pháo. Bờ bên kia, những con người man rợ, mắt xếch người, giương cung lên, bắn ra một trận mưa tên; một tiếng hú như tiếng chó sói vang lên, mỗi lúc một to hơn; từ bên phải và từ bên trái, quân Tarta mặc áo kẻ sọc, cầm gươm cong và quân Cherkassy mặc áo nẹp xanh, tay cầm giáo và dây thòng lọng, lao xuống dốc lởm chởm những đống tuyết dày, vượt qua dòng sông đóng băng trong bốc lên mù mịt, quân Kalmys thét lên những tiếng kêu chói tai, tấn công chính diện. Ba trăm quân mang súng trường người Estonia của Lieven và ngay cả viên trung tá đều bị chém chết, bị cắt cổ và lột hết quần áo.
Toàn thể doanh trại Thuỵ Điển chuyển động. Một đơn vị mới, có sáu khẩu pháo yểm hộ, đẩy lui đám kỵ binh trinh sát sang bên kia sông. Slipenbac phi nước đại khắp trại, có lính kèn chạy theo sau; quân Thuỵ Điển mặc vội quần áo, vớ được gì mặc nấy, từ các ngôi nhà gỗ và các hầm trú ẩn nhảy ra, chạy về đơn vị trên lớp tuyết dày. Toàn quân sắp hàng trước ấp và đón quân Nga đang tiến lại bằng một loạt đạn đại bác. Boris Petrovich, chỉ mặc áo nẹp dạ thường, băng tam tài quàng chéo vai, phi ngựa giữa đội quân bày trận theo hình vuông.
Hoả lực của quán Thuỵ Điển reo rắc sự rối loạn trong các đơn vị long kỵ binh tiến lên trước, các đơn vị nầy chưa hề biết mùi lửa đạn. Quân Thuỵ Điển tiến công. Nhưng mười lăm khẩu khinh pháo trên xe trượt tuyết xông lên và khạc ra một trận mưa đạn ghém dày đặc và nhanh đến nỗi quân Thuỵ Điển kinh ngạc, ngần ngừ dừng lại. Các trung đoàn long kỵ binh của Krovotop, Zybin và Gulitxa đã trấn tĩnh lại, từ hai bên cánh xông vào.
- Anh em! - Seremetiev đứng ở giữa ô vuông thét lên, giọng khản đặc, - Anh em! Giã mạnh vào quân Thuỵ Điển!
Quân Nga xông lên, lưỡi lê trên cắm đầu súng. Ánh lửa đạn chiếu sáng buổi hoàng hôn đang đổ xuống nhanh. Slipenbac ra lệnh lùi lại, nấp vào sau những ngôi nhà của ấp. Nhưng tiếng kèn não nuột vừa vang lên báo hiệu rút lui thì từ tứ phía, quân long kỵ binh, Tarta, Kalmys, Cherkassy càng thêm phần hung dữ ập tới những ô vuông của quân Thuỵ Điển lởm chởm gươm súng đang lùi, đánh chúng tan vỡ hàng ngũ, đè bẹp chúng. Cuộc tàn sát bắt đầu… Nhờ đêm tối tướng Slipenbac chỉ vừa kịp phóng ngựa trốn thoát với ba người đi theo và chạy về Revan.
Tại Moskva, nhân dịp chiến thắng đầu tiên nầy, người ta đốt lửa ăn mừng và thắp đèn lồng. Ở Hồng trường, hàng thùng vodka và bia được đưa ra; người ta quay cừu cả con trên lửa, phân phát bánh cho dân chúng. Cờ Thuỵ Điển được trưng bảy ở tháp Xpaskaia. Melsikov phi ngựa tới Novgorod trao tặng Boris Petrovich bức chân dung của Sa hoàng nạm kim cương lấp lánh và hơn nữa, chức đại nguyên soái, xưa nay vốn chưa hề có. Mỗi người lính tham gia trận chiến thắng đều được thường một rúp bạc - những đồng rúp nầy đã được đúc lần đầu tiên ở nhà tiền Moskva, thay thế tiền bạc cũ.
Boris Petrovich ứa nước mắt cảm ơn và nhở Melsikov chuyển một bức thư đệ lên nhà vua, yêu cầu được phép trở về Moskva vì có công việc cấp bách.
"Cho đến nay - ông viết, - tiện nội không có nơi ở, thần phải tìm cho tiện nội một ngôi nhà nhỏ nào đó để tiện nội có được nơi ăn chốn nằm…"
Nhà vua trả lời: "Ngài đại nguyên soái, nhà ngươi chẳng cần phải trở về Moskva. Nhưng trẫm để nhà ngươi suy nghĩ và tự quyết định lấy việc đó… Và nếu nhà ngươi có về thì về trong tuần Khổ nạn để trở lại vào Tuần lễ Thánh".
Sáu tháng sau, Boris Petrovich lại một lần nữa gặp tướng Slipenbac trước thành Humenshop: trong trận đánh đẫm máu nầy, trong số bảy nghìn quân Thuỵ Điển, năm nghìn đã bị tiêu diệt. Chẳng còn ai để bảo vệ xứ Livoni nữa: con đường dẫn đến các thành phố miền duyên hải đã thông suốt. Và Seremetiev cho quân tàn phá miền đó, tản phá các xóm làng, các trại ấp, các lâu đài cố của các hiệp sĩ… Vào khoảng mùa thu, ông viết cho vua Piotr:
"Đức thượng đế và Đức Bà Đồng trinh Rất Thánh đã thực hiện ý muốn của bệ hạ: trên đất địch chẳng còn gì mà cướp nữa. Chúng thần đã cướp phá, huỷ hoại hết. Chỉ có các thành phố Marienburg, Narva, Revan và Riga là toàn vẹn. Và giờ đây, thần chỉ còn một nỗi lo âu: làm gì với bọn tù binh? Các trại giam, các nhà tù đã chật ních cả rồi, thậm chí phải nhốt chúng cả vào nhà các sĩ quan… Bọn nầy dữ tợn, nghĩa là nguy hiểm. Thần cúi xin bệ hạ ký một sắc chỉ: trong số các tù binh, chọn lấy những tên tốt nhất, những tên biết sử dụng rìu, hoặc là nghệ sĩ, và đưa chúng đến Voronez hoặc Azop, để có thể dùng chúng…"
Chú thích:
(1) Cung điện của vua chúa Tây Ban Nha, gần Madrid (Chú thích của tác giả).