Qua cửa sổ, qua làn khói từ các tẩu toả ra, Piotr Alekseevich nhìn thấy vầng trăng khuyết từ nãy vẫn chạy hoài giữa những mảng mây mù, lúc nầy đã dừng lại lơ lửng trên trời.
- Danilys, cứ ngồi yên đấy, không cần phải đưa ta ra, ta đi hóng gió một lát rồi ta sẽ trở lại.
Nhà vua đứng dậy và bước ra ngoài thềm, đứng dưới tượng thần Thuỷ tề và cô tiên nữ vú to tựa tay trên cái bình thếp vàng. Một làn gió mát vật vờ, nồng nồng, sộc vào lỗ mũi nhà vua. Piotr Alekseevich đút tẩu vào túi.
Từ sau cái cột, một người rời bức tường tiến ra, đầu trần, mặc áo vải thô, chân đi giầy gai: người đó quỳ xuống, hai tay nâng một tờ giấy lên quá đầu:
- Mi muốn gì? - Piotr Alekseevich hỏi - Mi là ai? Đứng dậy, mi không biết lệnh của ta sao?
- Muôn tâu hoàng thượng cao minh, - người lạ mặt nói với một giọng nhẹ nhàng, thấm thía, - dưới chân hoàng thượng đây là kẻ hạ thần hèn mọn của hoàng thượng. Andriuska Golikov, nghèo và mang công mắc nợ, chẳng có ai là chủ mà cũng chẳng có ai che chở… Muôn tâu Sa hoàng cao cả hãy rủ lòng thương kẻ hạ thần đang chết, không sao chịu nổi được nữa!
Piotr Alekseevich giận dữ, khịt khịt mũi; nhà vua giận dữ cầm lấy lá đơn thỉnh cầu, rồi lại ra lệnh cho hắn đứng dậy.
- Mi sợ làm việc ư? Hay là mi ốm? Họ có phát vodka nấu bằng quả thông cho mi như ta đã ra lệnh không?
- Muôn tâu Sa hoàng cao cả, kẻ hạ thần vẫn khỏe mạnh, không có lười nhác gì trong công việc, kẻ hạ thần đào đất, đẩy xe chở đá hộc, cưa các xà gỗ… Nhưng trong người kẻ hạ thần có một sức mạnh kỳ diệu đang mai một đi… Kẻ hạ thần là một nghệ sĩ thuộc dòng họ Golikov, những người vẽ tranh thánh ở Palekh. Kẻ hạ thần biết vẽ chân dung, mặt trông như người sống, không già đi mà cũng không thể chết được vì trong đó đã có cái thần vĩnh cửu… Kẻ hạ thần có thể vẽ sóng biển, có chiến thuyền ở trên, các cánh buồm rộng mở, khói súng đại bác bao phủ, rất khéo.
Piotr Alekseevich lại thở, nhưng lần nầy không giận dữ nữa:
- Mi biết vẽ chiến thuyền à? Nhưng có gì chứng minh là mi không dối ta?
- Kẻ hạ thần lẽ ra có thể chạy đi lấy các bức tranh của kẻ hạ thần đã vẽ đề trình lên hoàng thượng xem, nhưng khốn nỗi tranh lại vẽ lên tường, lên vách đất, không phải vẽ bằng màu mà chỉ vẽ bằng than… Kẻ hạ thần không có bút lông, không có thuốc màu. Đêm đêm, kẻ hạ thần luôn luôn mơ thấy những cái đó… Chỉ cần vài lọ màu thôi, dù chỉ nhỏ bằng một cái bao ngón tay để khâu và vài cái bút lông thì, muôn tâu Sa hoàng cao cả, kẻ hạ thần xin đem hết tâm huyết phục vụ hoàng thượng, sẵn sàng nhảy vào lửa
Lần thứ ba, cái mũi ngắn của Piotr Alekseevich lại khụt khịt:
- Theo ta!
Và ngẩng mặt nhìn vầng trăng soi sáng những vũng nước phủ một lượt băng mỏng vỡ lạo xạo dưới gót ủng, nhà vua theo thói quen, phóng đi rất nhanh. Andrey Golikov chạy gần theo sau: mắt liếc nhìn bóng Sa Hoàng, dài một cách lạ thường, hắn cố chú ý không dẫm chân lên trên.
Họ qua quảng trường, đi vào dưới những rặng thông thưa thớt và tới bờ sông Nepka lớn; ở đó những lều đất thấp lè tè, lợp cỏ của thợ làm nhà sắp thành từng dẫy.
Golikov hết sức xúc động, dừng lại trước một căn nhà; vừa cúi chào, vừa ấp úng, hắn mở cánh cửa làm bằng ván bìa. Piotr Alekseevich cúi xuống, bước vào. Có chừng hai chục người nằm trên những phản gỗ; những cẳng chân để trần thò ra dưới những chiếc chiếu gai và những tấm da cừu dùng làm chăn cho những người đang ngủ. Một người râu xổm, cởi trần, ngồi vá áo trên ghế đẩu trước cái giá cắm một mảnh gỗ vụn đang cháy.
Không hề ngạc nhiên khi trông thấy Sa hoàng Piotr, người đó cắm kim vào áo, đặt áo xuống, đứng dậy và thong thả cúi chào như chào bộ mặt tối sầm của một bức tranh thánh ở nhà thờ.
- Mi phàn nàn cái gì? - Piotr hỏi, sẵn giọng. - Thức ăn tồi ư?
- Tồi ạ, tâu Sa hoàng. - người kia bình thản trả lời.
- Quần áo bọn mi được phát đủ không?
- Mùa thu vừa rồi, chúng thần có được phát quần áo nhưng như bệ hạ thấy đấy, chúng thần dùng đã hỏng cả trong mùa đông rồi.
- Có ai ốm không?
- Rất nhiều người ốm, tâu Sa hoàng, ở đây khí hậu độc lắm.
- Ở nhà thuốc người ta có chữa chạy cho bọn mi không?
- Chúng thần cũng có nghe thấy nói đến nhà thuốc, có thế thật.
- Bọn mi không tin ở nhà thuốc sao?
- Biết nói thế nào với bệ hạ? Có lẽ chúng thần cứ tự khắc khỏi thôi.
- Mi từ đâu tới? Mi đến đây đợt nào?
- Thần thuộc đợt thứ ba, đợt mùa thu… Thần quê ở thành phố Kerensk, khu nhà buôn. Vả lại, ở đó, ai ai cũng là người tự do cả.
- Tại sao mi lại ở đây mùa đông?
- Về nhà vào mùa rét thần ngán lắm, cũng vậy thôi, có về thì cũng đến nằm trên bếp lò mà gào lên vì đói. Cho nên thần đã xin chân đánh xe chở gỗ, được Nhà nước nuôi. Nhưng bệ hạ hãy xem bánh mì người ta phát cho chúng thần đây.
Người đó móc trong tấm da cừu ra một mẩu bánh đen, dùng ngón tay cứng nhắc bóp và bẻ mẩu bánh.
- Mốc xì hết. Thế nầy thì nhà thuốc làm gì được.
Andrey Golikov lặng lẽ cắm một mảnh vỏ bào gỗ thông mới vào giá đèn: căn phòng thấp, tường trát đất sét và chỉ quét vôi loang lổ từng chỗ, sáng hơn lên. Mấy người nằm dưới chiếu gai ngóc đầu dậy
Piotr Alekseevich ngồi lên mép phản và hai tay ôm lấy một đầu gối, cặp mắt sắc sảo nhìn thẳng vào mặt người râu xồm:
- Thế nào Kerensk mi làm gì?
- Thần bán rượu mật ong pha gia vị. Nhưng bây giờ mọi người ít uống lắm, hồi nầy chẳng ai có tiền cả.
- Lỗi tại ta, ta đã lột hết của mọi người, có phải không?
Người râu xồm nhún đôi vai để trần lên rồi lại hạ xuống, đồng thời cây thập tự đồng đeo trên bộ ngực giơ xương của hắn cũng nhô lên, rơi xuống; rồi người đó lắc đầu cười gằn:
- Bệ hạ muốn moi thần nói sự thật ra ư? Chúng thần không sợ nói sự thật đâu, chúng thần đã từng trải qua nhiều cảnh ngộ rồi… Tất nhiên thời trước, đời sống nhân dân có dễ chịu hơn. Không phải đóng nhiều thuế má như bây giờ… Còn như ngày nay, chúng thần chỉ có móc túi xì tiền ra hoài… Xưa kia, phải đóng thuế nhà, thuế bếp, thuế cày, nhưng thường thường bằng cách tương trợ bảo lãnh cho nhau, người ta vẫn có cách thoả thuận với nhau, miễn cho nhau một vài khoản thuế, được điều kiện đóng thuế dễ dàng… Ngày nay, bệ hạ đã ra lệnh bắt đóng thuế thân ở khắp nơi, ghi tên tất cả dân chúng vào sổ thuế và người nào cũng có ông cò ông thu thuế lượn quanh ra lệnh: "Nộp thuế đi!". Hơn nữa, những năm gần đây, lại phải gửi đến cho bệ hạ, đến Petersburg nầy, ba kíp thợ trong mùa hè. Bốn mươi ngàn con người, bệ hạ tưởng dễ kiếm đấy chắc! Ở nơi chúng thần, cứ mười hộ tuyển một người, đem theo rìu, tràng hoặc xẻng và một cái cưa vạn năng. Chín hộ kia, mỗi hộ phải đóng bốn mươi mốt kopeik để nuôi người đó… Nhưng số tiền đó thì cũng còn phải kiếm đâu ra cho có chứ… Thế là người ta ra chờ gào đến khản cổ: "Rượu mật ong nóng đây!" Kể ra cũng nhiều người muốn uống đấy, nhưng túi tiền của họ lại chỉ đựng có qui ở trong. Bệ hạ đã bắt các con trai thần vào long kỵ binh. Ở nhà chỉ còn có mụ vợ già của thần với bốn đứa con gái, những đứa trẻ ranh, cao chỉ bằng ngần nầy thôi… Chắc hẳn, bệ hạ là Sa hoàng, ở địa vị bệ hạ nhìn sự việc bao quát hơn.
- Đúng thế, ở địa vị ta nhìn sự việc bao quát hơn? - Piotr Alekseevich gay gắt nói. - Đưa ta mẩu bánh mì.
Nhà vua cầm lấy miếng bánh mì mốc, bẻ ra, ngửi rồi đút miếng bánh vào túi.
- Ngay sau khi sông Neva tan hết băng, ta sẽ đem đến cho bọn mi quần áo mới, giầy gai, bột mì. Sẽ cho làm bánh mì ngay tại đây.
Nhà vua đi ra cửa, quên bẵng mất Golikov, nhưng Golikov lao lại một cách tuyệt vọng, mắt nhìn nhà vua khẩn khoản đến nỗi Piotr Alekseevich đổi ý và khẽ nhếch mép cười, nói:
- Thế nào! Gã vẽ tranh, chỉ cho ta xem nào.
Giữa các tấm phản gỗ, có một mảnh tường được cạo thật phẳng và quét vôi trắng cẩn thận, trên phủ một manh chiếu gai. Golikov thận trọng bỏ manh chiếu xuống, gí sát cái giá đèn trên có mảnh vỏ bào đang cháy, đốt thêm một mảnh nữa và tay run run cầm cái giá đèn nặng, hắn nói the thé, đều đều như tụng kinh;
- Trận chiến thắng rất mực vẻ vang trên mặt biển tại cửa sông Neva ngày 10-5-1703: chiến thuyền địch Axtren mang mười bốn khẩu đại bác và chiếc kỳ hạm Gedan mang mười khẩu đại bác đã đầu hàng ngài pháo thủ Piotr Alekseevich và trung uý Melsikov.
Trên bức tường đất có vẽ hai chiến thuyền Thuỵ Điển trên mặt sóng ngầu bọt, phủ kín trong khói súng đại bác, thuyền quân Nga xúm xít vây quanh, lính Nga đang nhảy sang thuyền địch; nét vẽ bằng than rất tinh vi nghệ thuật. Bên trên các chiến thuyền, từ trong một đám mây thò ra hai bàn tay cầm một dải băng dài trên có ghi những dòng chữ đã được nói lên trên đây.
Piotr Alekseevich ngồi thụp xuống: "Chà chà, chà!" Nhà vua lẩm bẩm. Mọi chi tiết đều rất chính xác, từ dây dợ, trục cột cho đến cánh buồm căng phồng, cờ xí. Nhà vua còn nhận ra cả Alexaska đang leo thang xung phong, tay cầm gươm và súng lục và nhận ra cả mình, quần áo quá lộng lẫy nhưng đứng ở mũi một chiếc thuyền, đúng như hôm đó nhà vua đã đứng, ngay dưới đuôi một chiến thuyền địch, miệng hò hét, tay ném thủ pháo.
"Chà, chà, chà? Tại sao mi lại biết được trận chiến thắng nầy?".
- Tâu bệ hạ, khi đó hạ thần chèo thuyền của bệ hạ.
Piotr Alekseevich lấy ngón tay quệt vào bức vẽ: quả đúng là vẽ bằng than thực. Sau lưng nhà vua, Golikov khe khẽ rên rỉ.
- Nếu vậy, có lẽ ta sẽ cử mi sang Hà Lan học. Nhưng mi sẽ không đem tài năng dìm vào trong rượu đấy chứ? Là vì ta biết bọn mi lắm, đồ chết tiệt?
Piotr Alekseevich trở về nhà ông toàn quyền và ngồi vào chiếc ghế thếp vàng. Nến đã lụi hết, khách khứa đều say mèm. Ở cuối bàn, đám kỹ sư đóng tàu, đầu gục xuống, đang hát một bài bi ca. Riêng chỉ có Alekxandr Danilovich còn giữ được hoàn toàn tỉnh táo. Nhận ngay thấy bên mép Myn Herz giật giật, hắn cố đoán ra nguyên nhân thật nhanh.
- Nầy, hãy nếm xem! - Bỗng Piotr Alekseevich quát lên, móc phăng mẩu bánh mốc ở trong túi ra. - Ông toàn quyền, ông hãy ăn cái nầy đi cho thơm miệng.
- Myn Herz, thần không dính gì vào việc nầy cả, chính Golovkin phân phối bánh mì, cầu sao cho hắn chết nghẹn vì mẩu bánh mì nầy! A! đồ kẻ cướp! A! quân phản phúc!
- Ăn đi! - mắt Piotr Alekseevich trợn lên một cách dữ tợn - Ngươi nuôi người bằng cứt thì ngươi hãy ăn đi. Thuỷ tề! Ngươi phải chịu trách nhiệm về tất cả chuyện nầy! Về từng mạng người một.
Alekxandr Danilovich ngước con mắt đau đớn và hối hận nhìn Myn Herz rồi nhai mẩu cùi bánh, làm ra bộ nuốt rất khó khăn như thể nghẹn ngào nước mắt.