Những chiếc váy đẹp mê hồn của Ansen chỉ quay tít vào ngày chủ nhật - người ta cùng nhau say xưa vui thú mỗi tuần chỉ một lần thôi. Sang ngày thứ hai là dân Kukui lại đội mũ bằng vải bông vào đầu, mặc áo gilê khâu chần, rồi cắm cúi làm việc siêng năng như bầy ong. Họ coi trọng công việc dù là công việc của một nhà buôn hay của một người thợ thủ công bình thường:
- Hắn ta kiếm ăn một cách lương thiện, - họ nói, một ngón tay giơ lên tỏ vẻ kính trọng.
Sáng sớm hôm thứ hai, Alexaska đánh thức vua Piotr dậy rồi báo cho nhà vua biết rằng cụ Kacxten Bran và bọn thợ cả thợ phụ đã đến. Trong một căn phòng ở lâu đài Preobrazenski người ta đã bố trí một xưởng đóng tàu thuỷ: cụ Kacxten Bran dựng những mẫu tàu dựa theo những bản thiết kế của thành phố Amsterdam(1). Bọn thợ cả người Đức và bọn thợ phụ học nghề - theo một quyết nghị, bọn nầy được chọn trong đám dapife thân cận của Sa hoàng và những thanh niên cận vệ khéo chân khéo tay nhất - người bào, kẻ đẽo người đóng đinh, kẻ quét hắc in lên những mẫu chiến thuyền cổ và thuyền buồm, trang bị mọi thứ cần dùng cho chúng, khâu buồm, trang hoàng trạm trổ… Đồng thời người Nga học số học và hình học.
Tiếng búa nện chan chát, tiếng người nói ồn ào như chợ, tiếng hát cùng với tiếng cười oang oang của vua Piotr vang lên trong toà lâu đài còn đang ngủ. Mấy bà cụ già loắt choắt sợ chết khiếp. Thái hậu Natalia Kirilovna vốn ưa tĩnh đã dọn đến một toà nhà nhỏ cách xa lâu đài và ở đó trong làn hương ngát khói bay, dưới ánh những chiếc đèn chong đêm lập lòe trước tranh liệt thánh, bà chỉ nghĩ đến Petrusa của bà và cầu nguyện cho con. Mấy mụ trung thành kể lại với bà mọi việc xảy ra ở điện Kreml: "Hôm nọ, thứ sáu, Sonka lại sơi đẫy cá vào chẳng sợ gì tội lỗi cả… Người ta đã mang từ Axtrakhan về cho bà ta những con cá chiên dài đến một xagien(2). Giá mà bà ta gửi cho lệnh bà, mẹ kính mến của chúng con, chỉ một con cá chiên nhỏ thôi nhỉ… Bà ta đâm ra keo bẩn, bà ta để cho kẻ hầu người hạ chết đói…" Người ta kể lại rằng Sofia sầu não vì nhớ Vaxili Vaxilievich, đã triệu vào phòng mình ở tít trên gác một tu sĩ thông thái tên là Xinvextr Medvedev để sớm tối có người vỗ về an ủi và xem thiên văn: gã tu sĩ mặc một chiếc áo dòng bằng lụa và đeo một cây thánh giá nạm kim cương chi chít, hắn đeo nhẫn lóng lánh như sao sa, xén bộ râu thơm phức đen láy như cánh quạ. Hắn vào phòng Sonka bất kể giờ nào rồi hai người lại loay hoay giở trò phù thuỷ.
Xinvextr trèo lên cửa sổ, ngắm các vì sao qua một ống kính và viết ra giấy những dấu hiệu; rồi đặt ngón tay lên mũi, hắn đoán ra ý nghĩa những dấu hiệu đó; Sonka cúi xuống gí bộ ngực vào người hắn và luôn mồm hỏi: "Thế nào, cái gì, nói đi, thế nào?" Hôm qua người ta đã thấy gã tu sĩ mang một cái túi trong đựng nhau gái đẻ, một bộ hài cốt và rễ cây; hắn thắp ba ngọn nến, lẩm nhẩm đọc mấy câu thần chú rồi châm vào nến đốt tóc của ai không rõ. Sonka thì run bắn người lên, mắt trố ra, mặt nhợt nhạt như người chết.
- Vậy thì hắn đốt tóc ai thế? Có phải tóc màu nâu không?
- Tâu thái hậu kính mến, đúng đấy ạ, con xin thề với lệnh bà là tóc màu nâu ạ.
- Xoăn chứ?
- Vâng. Tóc xoăn… Nên chúng con ai nấy đều tự hỏi: phải chăng hắn đốt tóc của cha kính mến Piotr Alekxevich của chúng con đó không?
Người ta kể lại rằng Xinvextr Medvedev dậy người ta thờ kính bánh mì theo tà giáo do lão Xinvextr Medvedev đã quá cố và bọn Jeduyt (3) đề xướng. Hắn có viết một cuốn sách nhan đề là Manna trong đó hắn tuyên bố rằng chỉ cần nói: "Cầm lấy, ăn đi" là bánh mì sẽ hoá ra thánh thể chất chứ không phải đọc xotvori ubor v.v… Ở Moskva, người ta chỉ có bàn tán về bánh mì, người giàu cũng như người nghèo, trong những ngôi nhà sang trọng và ở các chợ: nói câu gì thì có sự thánh thế hoá? Đầu óc người ta đâm rối mù không còn biết cầu kinh như thế nào nữa để dọn mình lúc thánh thể hoá. Và để tránh cái tội tà đạo đó, nhiều người đâm liều lĩnh, sa vào cảnh ly giáo.
Có một lão giáo sĩ tóc đỏ, tên là Finka, lảng vảng trong thành phố Moskva; khi thiên hạ xúm đông chung quanh, lão bèn gào lên: "Chính Chúa đã sai ta đến để giảng cho các người đức tin chân chính. Các đấng tông đồ Piotr và Paul là bà con họ hàng với ta. Các người phai làm dấu với hai ngón tay chứ không phải với ba ngón: trong ba ngón tay chập lại có quỷ Kika nhập vào, đó là một cử chỉ tục tĩu, chứa đựng tất cả địa ngục, vậy mà các người làm dấu với cử chỉ đó…"
Liền đấy, nhiều người đứng nghe đâm hoang mang và tin ngay lời lão nói. Và mặc dầu bầy hết mưu nầy mẹo khác người ta vẫn không sao tóm được lão Finka.
Thuế má thu để chi phí cho chiến dịch Krym khiến nhân dân làm vào cảnh khốn cùng. Người ta nói rằng để chi phí cho chiến dịch thứ hai, nhân dân rồi sẽ bị bóc lột đến tận xương tuỷ. Các khu ngoại ô vắng ngắt bóng người. Hàng ngàn người lũ lượt bỏ đi nhập bọn với những người razkonic(4) ở bên kia dãy núi Ural, trên bờ Bạch Hải, trong vùng sông Volga và sông Đông.
Mà bọn razkonic thì chờ đợi Quỷ vương đến; có người trong bọn họ đã trông thấy Quỷ vương hiện ra rồi. Để cứu lấy ít ra là linh hồn chúng sinh, những người giảng đạo razkonic đi viếng làng mạc, các trại ấp hẻo lánh và kêu gọi mọi người hãy tự thiêu sống trong chuồng bò, trong nhà tắm hơi nước. Họ kêu lên rằng Sa hoàng, giáo trưởng và toàn thể Nhà chung đều là tay sai của Quỷ vương hết. Họ trốn vào các tu viện và kháng cự lại những toán quân của Sa hoàng phái đến để bắt họ, xích họ lại. Ở tu viện Paleostrov, những người razkonic đã giết chết hai trăm quân xtreletz, và đến khi thấy bị yếu thế, họ liền vào nhà thờ đóng chặt cửa lại rồi tự thiêu sống. Trên những ngọn núi miền Khvalinsk; ba mươi người razkonic chui vào trong một chuồng bò, lấy bừa chặn kỹ không cho ai vào rồi cũng tự thiêu sống. Trong những khu rừng ở chung quanh thành Nizni Novgorod, nhiều người chết cháy trong những căn nhà gỗ. Trên bờ sông Medvedisa, thuộc vùng sông Đông, tên nông nô Kuzma bỏ trốn tự xưng là giáo hoàng; hắn ngửa mặt nhìn mặt trời làm dấu rồi nói: "Chúa của chúng ta ngự trên trời Người không còn ở dưới thế gian nữa. Ở dưới thế gian nầy chỉ còn Quỷ vương tức là Sa hoàng ở Moskva. Giáo trưởng và bọn đại thần đều là tôi tớ của Quỷ vương". Bọn Cô-dắc tập họp chung quanh lão giáo hoàng đó và tin lão… Toàn miền sông Đông xôn xao.
Thái hậu Natalia Kirilovna nghe những chuyện đó chết lặng đi vì lo Piotr yêu dấu của bà mải vui chơi đùa nghịch, nảo có dè đâu đến đám mây u ám đang chồng chất trên đầu. Dân đã quên cả sự phục tùng, quên cả sự sợ hãi… Họ dám nhảy vào đóng lửa tự thiêu sống. Dân mà như vậy chẳng ghê gớm đáng sợ sao?
Toàn thân run lên vì kinh hãi, thái hậu Natalia Kirilovna hồi tưởng lại cuộc nổi loạn đẫm máu của Xtenka Razin. Tưởng chừng như việc đó mới xảy ra hôm qua thôi… Khi đó, người ta cũng chờ đợi Quỷ vương. Bọn ataman của Xtenka cũng làm dấu với hai ngón tay. Thái hậu Natalia Kirilovna bối rối, nhìn ánh đèn chong đêm lắp kính mầu le lói, bà rên rỉ quỳ xuống phủ phục hồi lâu, trán áp vào tấm thảm đã mòn.
Bà nghĩ: "Phải lấy vợ cho Petrusa. Nó đã cao thêm, tật giật gân làm khổ nó, nó uống rượu, lúc nào cũng quấn quýt đám đàn bà con gái Đức. Có vợ rồi nó sẽ thuần tính… Rồi sẽ phải cùng với nó và vợ nó lần lượt đi thăm viếng các tu viện để cầu Chúa ban phúc lành cho chúng ta, che chở chúng ta khỏi bùa phép độc ác của Sonka và làm cho chúng ta vững tâm trước cơn cuồng nộ của dân chúng".
Phải lấy vợ cho Petrusa, cần lắm. Xưa kia, khi bọn đại thần hầu cận vua Piotr đến chầu, nhà vua ít ra cung còn ngồi với họ non một tiếng đồng hồ, chễm chệ trên ngai vàng của vua cha, trong điện Krextovaia đổ nát. Còn bây giờ nhà vua chỉ một việc trả lời: "Ta không có thì giờ". Trong điện Krextovaia, người ta đã đặt một cái vạc lớn chứa tới hai ngàn thùng nước rồi thả những chiếc tàu nhỏ, dùng quạt xếp để thỏi căng các cánh buồm và bắn những khẩu đại bác nhỏ có nhồi thuốc súng hẳn hoi. Chiếc ngai vàng đã bị cháy mấy chỗ và một cửa sổ bị vỡ. Bà thái hậu than phiền với người em là Lev Kirilovich. Lev Kirilovich thở dài, mặt buồn rười rượi: "Thưa chị thân mến, hãy lấy vợ cho nó, cũng chẳng tai hại gì hơn đâu… Nầy chị ạ, quan đại phu Larion Lopukhin có cô con gái đến tuổi gả chồng tên là Evdokia, mười sáu tuổi… Đang tuổi cập kê… Họ nhà Lopukhin được cái to mồm, đông người và sa sút nhiều… Họ sẽ là chó giữ nhà cho chị…".
Khi tuyết bắt đầu rơi, thái hậu Natalia Kirilovna đến tu viện Novo Đevitai, lấy cớ là đi hành hương.
Nhờ một bà tin cẩn, người ta máy cho gia đình Lopukhin biết. Cả nhà Lopukhin vào khoảng bốn mươi người vội vã đến tu viện đứng chật cả nhà thờ, - người nào người nấy gầy gò dữ tợn, vóc người bé nhỏ, họ thao láo nhìn bà thái hậu chòng chọc. Evdokia bảy vía còn ba được dẫn đến hết sức thận trọng trong một chiếc xe trượt tuyết nhỏ đóng kín mít, Natalia Kirilovna chìa bàn tay ra cho nàng hôn và chăm chú nhìn nàng. Sau đó bà đưa nàng vào nhà hậu đường, rồi ở đấy một mình với Evdokia, bà ngắm nghía nàng từ đầu đến chân một cách kín đáo. Thái hậu lấy làm hài lòng về Evdokia.
Lần đó không ai đả động gì đến chuyện cưới xin. Natalia Kirilovna ra về, cặp mắt của Lopukhin sáng hắn lên…
Một niềm vui độc nhất bỗng đến giữa cảnh buồn phiền sầu não: ngày sinh nhật của bà nhiếp chính, vương hầu Boris Alekseevich Golixyn, anh em con chú con bác với Vaxili Vaxilievich, từ chỗ dạo quân Krym đóng ở trước thành Poltava về dự lễ ở nhà thờ lớn.
Thánh mẫu lên trời, người say mềm đi không vững ngay trước mặt Sofia. Đến khi ngồi vào bàn ăn, Boris bài bác Vaxili Vaxilievich: "Hắn bôi nhọ chúng ta trước toàn châu Âu, hắn làm gì có tài để chỉ huy quân đội. Hắn chỉ ngồi mát dưới giàn hoa để ghi chép những ý nghĩa sung sướng là được thôi". Hắn chửi bọn hào thần thân cận của bà nhiếp chính, làm nhục bọn họ và nói rằng: "Các ông chỉ nghĩ đến ăn cho đẫy bụng, mặt các ông húp híp những mỡ là mỡ; ngày nay, trừ phi là quá lười nhác chứ không thì người ta có thể tay không cũng thôn tính được nước Nga…" Rồi từ đó, hắn rất năng lui tới Preobrazenskoe. Đứng nhìn người ta xây pháo đài Prexburg nhỏ bé hoặc đến dự những cuộc thao diễn quân sự của hai trung đoàn Preobrazenski và Xemionovski. Boris Alekseevich không lắc đầu cười khẩy như bọn đại thần khác; hắn quan tâm đến mọi việc và tỏ ý tán thành. Sau khi thăm xưởng đóng tàu thuỷ, hắn nói với vua Piotr:
- Trong trận Actium, người La Mã chiếm được tàu của bọn cướp biển mà rồi chẳng biết dùng làm gì. Họ chặt lấy những mũi tàu bằng đồng đem đóng vào những cột trụ. Nhưng đến khi họ đã biết đóng tàu thì họ chinh phục được biển cả rồi chinh phục toàn thế giới.
Hắn chuyện trò rất lâu với cụ Kacxten Bran để thử kiến thức của cụ. Hắn khuyên nên dựng một xưởng đóng tàu nhỏ bên bờ hồ Pereiaslavskoe cách Moskva một trăm hai mươi dặm. Hắn gửi đến xưởng một xe đầy sách la-tinh, bản thiết kế, ảnh khắc, tranh vẽ những thành phố Hả Lan, những xưởng đóng tàu, những chiến thuyền và những trận thuỷ chiến. Để dịch những cuốn sách La-tinh đó, hắn biếu vua Piotr một người A Rập lùn, thông thái tên là Abram với hai người bạn của Abram cũng lùn, là Tomoxa và Xeka - một người cao mười hai versok (5), một người cao mười ba versok một phần tư, mặc những chiếc áo nẹp kỳ cục và chít những chiếc khăn có đính lông công.
Boris Alekseevich là người giàu có, quyền thế và thông minh sắc sảo; về mặt học vấn uyên tham, hắn chẳng kém gì người anh em con chú con bác của hắn nhưng phải có cái tội nghiện rượu và thích ăn chơi đàn đúm không ai bằng. Thoạt đầu bà Natalia Kirilovna cũng ngại: có lẽ Sofia đã ngầm phái hắn đến chỗ mẹ con bà chăng (Vì lý do gì mà một đại thần quyền cao chức trọng như hắn lại bỏ kẻ mạnh để gần những người yếu? Nhưng mỗi ngày Chúa ban, người ta lại nghe thấy cỗ xe lớn của hắn đóng bốn ngựa, có hai tên Ethiopi(6) trông gớm chết ngồi đằng sau, lăn bánh ầm ầm trên sân lâu đài Preobrazenski. Trước tiên Boris Alekseevich hôn tay bà thái hậu. Mặt hắn đỏ gay, mũi to lù lù; dưới cặp mắt, da mọng lên thành túi lèo nhèo; bộ ria vểnh và chòm râu cằm xén gọn rẽ đôi của hắn thơm phức mùi sạ. Nhìn hàm răng của hắn thì không thể nhịn cười được: trắng nhởn…
- Thái hậu ngủ có ngon giấc không ạ? Lệnh bà có còn mơ thấy kỳ lân nữa không? Lại vẫn là thần đến quấy rầy lệnh bà, xin lệnh bà thứ lỗi cho…
- Không, ông bạn thân mến ạ, có gì mà phải xin lỗi mẹ con ta bao giờ cũng lấy làm vui mừng được gặp ông. Thế nào, ở Moskva có gì lạ không?
- Tâu lệnh bà, buồn lắm, không thể tưởng tượng được ở điện Kreml buồn đến thế nào… Toàn thể cung điện như chăng đầy mạng nhện…
- Nói gì lạ vậy? Ông nói đùa rồi…
- Trong các cung điện, bọn đại thần ngồi ngủ gật trên ghế. Chán quá thể! Công việc không chạy, hỏng bét, chẳng ai tôn trọng cái gì cả… Đã ba hôm nay, bà nhiếp chính cấm cung không ló mặt ra ngoài… Tôi đã cố vào hôn tay đức Sa hoàng Ivan. Hoàng thượng nằm dài buồn thiu buồn thiu trên một cái bục, mình mặc áo lông cừu trong lót lông cáo, chân đi ủng dạ. Đức vua nói: "Nầy, Boris, trong cung điện của ta buồn lắm phải không? Gió gào trong ống khói lò sưởi đến phát sợ. Cái đó là điềm gì vậy?".
Và Natalia Kirilovna mãi mới vỡ lẽ ra là hắn nói đùa. Bà đưa mắt nhìn hắn rồi phá lên cười…
- Tâu lệnh bà, thật chỉ đến đấy với lệnh bà thần mới thấy phấn chấn lên. Lệnh bà đã cho chúng thần một con người tốt, một quý tử. Nhà vua sẽ tỏ ra thông minh, lỗi lạc hơn tất cả mọi người. Hãy kiên nhẫn. Nhà vua có con mắt tin đời chẳng để sót một việc gì đâu.
Sau khi Boris Alekseevich ra về, cặp mắt của thái hậu Natalia Kirilovna còn sáng mãi một hồi lâu. Bà cảm động đi đi lại lại trong phòng ngủ nhỏ hẹp, lòng miên man suy nghĩ. Trong cảnh mưa rơi tầm tã, giữa những đám mây trôi lờ lững, bầu trời trong xanh bỗng hiện ra, vầng thái dương mỉm cười niềm nở. Vậy ra là chiếc ngai vàng Sonka ngự trị cũng không lấy gì làm chắc chắn lắm, nếu có những con người anh tuấn như thế mà bỏ đi…
Vua Piotr đem lòng mến Boris Alekseevich. Khi đón tiếp hắn, nhà vua thân mật hôn môi hắn, hỏi ý kiến hắn về đủ các thứ việc, vay tiền hắn và vương hầu chẳng từ chối nhà vua điều gì cả. Nhiều lúc hắn dẫn vua Piotr cùng các tướng tá, thợ cả, lính hầu và mấy chú lùn đến vui chơi, đùa giỡn ở Kukui - hắn bày đặt ra những trò giải trí lạ lùng. Nhiều khi, ngà ngà hơi men, hắn đứng phắt dậy, một bên lông mày hạ thấp, một bên vểnh cao, hai hàm răng lóng lánh, mũi đỏ chữ…
Rồi hắn đọc thơ của Viêgin (7) bằng tiếng La-tinh.
- Ta hãy ca tụng các vị thần đã rộng lượng rót đầy rượu nho vào cốc làm cho lòng ta tràn ngập vui sướng và đem lại cho tâm hồn ta một món ăn tinh thần thú vị
Vua Piotr sung sướng ngây người nhìn hắn. Bên ngoài, gió đang ra sức gào thét; gió thổi ào ào trên những đồng bằng bát ngát, trên những khu rừng rậm rạp và trên những cánh đồng lầy heo hút, tốc người mái tranh của một căn nhà gỗ nghèo nàn không có ống khói, vật ngã một nông dân say khướt vào một đồng tuyết và làm cho quả chuông giá lạnh của một ngọn tháp xiêu vẹo kêu boong boong. Còn như trong nầy thì chỉ thấy những bộ tóc giả bù xù, những khuôn mặt đỏ gay, khói thuốc từ những chiếc tẩu dài cuồn cuộn toả bay, những cây nến cháy xèo xèo. Thật là om sòm. Thật là vui vẻ…
- Cách say rượu chúng ta cần phải đoàn kết mãi mãi? - Vua Piotr ra lệnh cho Nikita Zotov thảo một đạo dụ: "Kể từ ngày hôm nay, tất cả những người say rượu và những kẻ điên rồ phải họp nhau lại ngày chủ nhật và cùng nhau đồng thanh ca tụng những vị thần Hy Lạp". Lơfo đề nghị họp ở nhà hắn. Và việc đó trở thành một tục lệ. Zotov, nghiện rượu nặng nhất bọn, được cử làm tư tế và được đeo một cái bầu đựng rượu có dây xích buộc vào cổ. Người ta để Alexaska ngồi trên một thùng rượu bia, người trần như nhộng, và hắn hát những bài làm mọi người ai cũng phải cười đến nôn ruột.
Tiếng đồn về những cuộc tụ tập om sòm đó bay về đến tận Moskva. Bọn đại thần lo sợ thì thầm: "Ở Kukui, bọn người Đức trời đánh thánh vật đã làm cho Sa hoàng nghiện rượu thực thụ rồi. Chúng báng bổ Chúa và làm những việc bất kính" Vương hầu Primkov Rostovski, một ông già sùng đạo, bèn đến Preobrazenskoe. Lão dập đầu xuống đất lạy chào vua Piotr rồi nói với nhà vua suốt một giờ liền bằng tiếng Slavon(8), lời lẽ văn hoa kiểu cách, về cách thức cần phải giữ lễ tiết và lòng mộ đạo kiều Byzăngxơ, nền tảng của nước Nga. Vua Piotr yên lặng nghe lão nói (lúc đó đang buổi hoàng hôn nhà vua đang đánh cờ với Alexaska trong phòng ăn), rồi hất tung bàn cờ lẫn quân cờ, đứng lên đi đi lại lại, miệng cắn xước móng tay. Vị vương hầu người khô đét, râu dài, khoa ống tay áo lông nặng trịch, vẫn nói không thôi… Đó không phải là một con người mà là một cái bóng quấy rầy, một cơn đau răng dữ dội, một sự chán ngán đến chết đi được! Vua Piotr cúi xuống, ghé vào tai Alexaska: nó liền thở phì phì như mèo, rồi cười rộ, bỏ đi. Chẳng bao lâu người ta đánh một chiếc xe trượt tuyết đến và vua Piotr truyền cho vương hầu lên xe: nhà vua dẫn lão đến nhà Lơfo.
Nikita Zotov, đầu đội mũ miện bằng giấy, ngồi cạnh bàn trên một chiếc ghế cao chót vót, một tay cầm tẩu một tay cầm quả trứng ngỗng. Vua Piotr không cười, cúi chào hắn và xin hắn ban phép lành. Vị tổng tư tế cầm tẩu và trứng, nghiêm trang ban phép lành cho nhà vua và cho phép nhà vua uống rượu. Thế là tất cả mọi người có mặt (khoảng hai mươi người) cất giọng lè nhè hát lên những bài thánh ca. Vương hầu Primkov Rostovski sợ thất lễ với Sa hoàng, lấy vạt áo che, lén lút làm dấu rồi nhổ trộm xuống đất. Nhưng khi một gã đàn ông trần truồng, tay cầm cốc tót lên ngồi trên một thùng rượu và vị Sa hoàng, đại quận công toàn cõi Đại Tiểu Nga… trỏ vào hắn, lớn tiếng tuyên bố: "Đây là thần Baccux mà chúng ta tôn thờ" thì vương hầu Primkov Rostovski tái mặt rồi loạng choạng ngã người ra khiêng ông lão bất tỉnh nhân sự đặt vào trong xe trượt tuyết.
Kể từ ngày hôm đó, vua Piotr truyền đặt tên cho Zotov là vị Giáo hoàng say mèm, tổng tư tế của thần Baccux và đặt tên cho những buổi tụ tập ở nhà Lơfo là Giáo nghị hội rất say, rất điên.
Tiếng đồn về việc nầy cũng đến tai Sofia. Sofia tức giận liền cho Fedor Yurievich Romodanovski, đại thần của triều đình đến nói chuyện với vua Piotr. Hắn từ Preobrazenskoe trở về, vẻ mặt tư lự. Hắn báo cáo với bà nhiếp chính:
- Ở đó có nhiều trò chơi và nhiều cuộc vui đùa nhưng cũng có nhiều việc nghiêm chỉnh… ở Preobrazenskoe, người ta không mơ ngủ đâu…
Căm thù và khiếp sợ vu vơ tràn ngập tâm hồn Sofia. Thế là chưa kịp trở mình thì con sói con đã lớn lên rồi.
Chú thích:
(1) Thủ đô Hà Lan.
(2) Bằng 2,13 mét.
(3) Tu sĩ thuộc dòng Tên của đạo Gia Tô.
(4) Giáo sĩ thuộc phái ly khai với đạo chính thống.