Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> PIE ĐỆ NHẤT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 137627 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PIE ĐỆ NHẤT
Aleksey Nikolaievich Tolstoy

Chương 31

Suốt mùa đông người ta tập hợp đội vệ binh quý tộc. Gọi bọn lãnh chúa từ các miền nông thôn thăm thẳm đến là một việc khó khăn. Đại đô thống Vaxili Vaxilievich Golixyn phát đi những pháp lệnh nghiêm ngặt đe doạ tước quyền ưu đãi của họ và làm họ phá sản. Bọn địa chủ quý tộc chẳng vội gì rời bỏ chỗ nằm của họ trên bếp lò ấm áp: "Ý kiến gì mà lạ lùng vậy: chinh phục Krym! Nhờ ơn Chúa, chúng ta đã có được một nền hoà bình vĩnh cửu với phiên vương xứ Krym, chúng ta nộp cống vừa phải. Việc gì mà làm phiền nhiễu những người quý tộc? Bọn Golixyn núp sau chuyện nầy, chúng muốn kiếm chác công danh trên lưng người khác đấy thôi!".

Họ viện cớ ốm đau, nghèo khổ, họ lẩn trốn. Có người giở mánh khóe xỏ xiên ra: mùa đông đài đằng đẵng; rảnh việc ngồi buồn, họ nghĩ ra thiếu gì mẹo!

Bọn dapife Boris Dolgoruki và Yuri Serbaty lẩn tránh được lệnh gọi nhập ngũ, bèn cho binh lính của họ mặc quần áo đen; chính họ cũng mặc toàn đen từ đầu đến chân, cưỡi ngựa ô, trông tựa những người chết từ mồ chui lên, rồi họ tới chỗ quân đội đóng. Mọi người suýt nữa thì chết vì sợ hãi. Trong các trung đoàn người ta nói "Rồi sẽ có tai hoạ cho mà xem: Chúng ta sẽ không sống nổi qua chiến dịch nầy".

Vaxili Vaxilievich nổi giận bèn viết thư về Moskva cho Fedor Leontievich Saklovity do Vaxili Vaxilievich cắt đặt làm người giúp việc thân cận của Sofia: "Nhờ người xin cho ta một sắc chỉ trị tội những kẻ xúc phạm đến ta. Vì đã xử sự như những kẻ ăn cướp, chúng phải bị tước hết của cải. Phải đem nhốt chúng chung thân trong một nhà tu kín, phân phát làng xóm của chúng cho những người quý tộc thiếu thốn, và phải hết sức nghiêm khắc để nêu gương cho kẻ khác phải sợ".

Sắc chỉ được thảo ra. Nhưng Vaxili Vaxilievich do từ tâm, đã tha thứ cho những kẻ can phạm đến khóc lóc xin tha tội. Chuyện nầy vừa mới ỉm được chẳng bao lâu thì lại có tin đồn đại trong quân đội: hình như có kẻ ban đêm lén đặt một chiếc quan tài trong tiền sảnh ngôi nhà gỗ của vương hầu Golixyn. Mọi người run sợ thì thầm bàn tán về cái việc khủng khiếp nầy. Người ta đồn rằng, hôm đó Vaxili Vaxilievich uống rượu say, nhảy chồm chồm trong gian tiền sảnh tối mò, vung gươm chém lia lịa trong bóng tối trống rỗng. Toàn là những điềm gở. Đám người ở những đoàn xe vận tải đến đã trông thấy sói trắng hú lên một cách khủng khiếp trên những ngôi mộ cổ ở thảo nguyên. Ngựa nghẽo bỗng lăn kềnh ra chết, chẳng hiểu tại sao. Một đêm tháng ba, gió nổi đùng đùng, nhiều người đã nghe thấy con dê đực của đoàn xe quân lương của một trung đoàn bỗng rống lên tiếng người: "Sẽ có một tai hoạ!"

Người ta định lấy gậy đập chết con dê đực nhưng nó đã chạy thoát ra thảo nguyên.

Tuyết đã tan; một làn gió êm dịu từ phương nam thổi đến, lau dậy xanh rờn trên các bờ sông, bờ hồ.

Nét mặt Vaxili Vaxilievich tối sầm hơn cả một đám mây tụ bão. Có nhiều tin tức không lấy gì làm vui lắm từ Moskva đến: người ta bảo rằng ở điện Kreml, Mikhail Alegukovich Seckaski, một đại thần thân cận với Sa hoàng Piotr, đã lên tiếng và bọn quý tộc quyền thế đã lắng tai nghe hắn. Người ta nhạo báng chiến dịch Krym. Họ nói rằng: "Phiên vương xứ Krym chẳng còn buồn đợi Vaxili Vaxilievich đến Krym nữa.

Ở Constantinop và toàn châu Âu, người ta coi chiến dịch nầy chẳng ra quái gì hết. Bọn Golixyn quả là rất tốn kém cho Ngân khố của Sa hoàng. Thậm chí giáo trưởng Ioakim xưa kia vẫn đứng về phe Vaxili Vaxilievich cũng bỗng nhiên quẳng những chiếc áo lễ và áo nẹp của Golixyn tặng ra khỏi thánh đường Con Chiên và cấm không cho ai mặc để làm lễ. Vaxili Vaxilievich viết thư cho Saklovity những bức thư đầy lo ngại, nhờ hắn để mắt theo dõi Seckaski cẩn thận và tìm cách đừng để vị giáo trưởng ngồi lâu trên gác trong phòng Sofia. "Còn về phần bọn quý tộc quyền thế thì lòng tham lam của họ đã chi phối họ từ lâu, thậm chí phải bỏ ra một kopeik cho một công cuộc lớn lao, họ cũng tiếc…"

Nhiều tin tức chán nản từ ngoại quốc đưa đến. Vua nước Pháp mà hai viên sứ thần Yakov Dolgoruki và Yakov Mysetski sang khẩn khoản hỏi vay ba triệu bảng đã từ chối và thậm chí không tiếp. Về viên đại sứ Nga Usakov ở Hà Lan, người ta viết rằng: "Cả ông ta lẫn bọn tuỳ tùng đều là những tên kẻ cướp chính cống; họ đã tiệc tùng chè chén, ăn nói lỗ mãng ở nhiều nơi làm tổn hại đến danh dự các đấng Sa hoàng…"

Cuối tháng năm, Golixyn cầm đầu một đạo quân một trăm ngàn người, cuối cùng đã lên đường chinh chiến, tiến về phương nam. Trên sông Samara, hắn hợp quân với viên hetman (1) miền Ukraina, Xamoilovich.

Đạo quân tiến chậm chạp, kéo theo sau những đoàn xe vận tải nhiều vô kể. Họ đã vượt qua những pháo đài nhỏ bằng gỗ và những đồn biên phòng, tiến vào thảo nguyên Dikoe Pole. Trên dãy đồng bằng hoang vu nóng như thiêu như đốt, đoàn người chật vật tiến bước trong cỏ cao ngang vai. Lũ chim quen rỉa xác súc vật bay lượn trên bầu trời nóng bỏng. Xa xa phía chân trời, ảo ảnh chập chờn ẩn hiện. Mặt trời lặn rất nhanh khi vàng, khi xanh. Thảo nguyên vang động tiếng xe kêu cót két, tiếng ngựa hí. Khói từ những đám lửa đất bằng phân bò phơi khô bốc lên, toát ra nỗi buồn nhớ những thế kỷ đã qua. Đêm xuống nhanh. Ánh sao đỏ rực trông thật khủng khiếp. Thảo nguyên trống rỗng: không có đường to mà cũng chẳng có đường mòn. Mấy trung đoàn tiên phong tiến sâu về phía trước, chẳng gặp một bóng người nào. Rõ ràng là bọn Tarta định nhử dạo quân Nga vào vùng đất cát khô cằn. Càng ngày càng gặp nhiều những khe suối đã khô cạn. Nơi đây chỉ có những người Cô-dắc từng trải mới biết được ở đâu có nước.

Bấy giờ đã vào trung tuần tháng bảy rồi mà xứ Krym vẫn chỉ là một ảo ảnh. Các trung đoàn đóng rải ra suốt từ đầu nầy đến đầu kia thảo nguyên. Ánh sáng chói chang, tiếng châu chấu đập cánh kêu lách tách, làm người ta choáng váng. Chim uể oải sà xuống đậu trên sườn những xác súc vật chương phình. Nhiều xe vận tải đã phải bỏ lại dọc đường. Nhiều nông dân trong đoàn xe chết khát đã nằm lại với những chiếc xe. Có kẻ đi về phương Bắc, về phía sông Dniep. Trong các trung đoàn, người ta thì thầm oán thán… Bọn đô thống, bọn đại tá và các chỉ huy quân sự khác họp nhau lại trước lều vải của Golixyn vào lúc giờ ăn; họ lo ngại nhìn lá cờ rủ xuống một cách thảm hại. Nhưng chẳng ai dám đến gặp Golixyn để nói: "Nên quay trở về thôi trong khi còn đủ thì giờ. Chúng ta càng tiến xa thì tình hình lại càng khủng khiếp. Đi quá Perekov, chỉ có những vùng cất chết mà thôi".

Trong những giờ phút dó. Vaxili Vaxilievich cởi áo, tháo ủng nằm nghỉ trong lều. Nằm dài trên mấy tấm thảm, hắn đọc Plutac(2) bằng tiếng La-tinh. Những hình bóng vĩ đại từ nhưng trang sách hiện lên đem lại can đảm cho tâm hồn chán nản của Vaxili Vaxilievich: Alekxandr(3), Pompe (4), Xipion (5), Luculut (6), Juyle Xêda (7) đang vung lên những huy hiệu La Mã có hình chim ưng, Vinh quang! Vinh quang! Hắn cũng lấy được thêm sức mạnh trong những lá thư của Sofia mà hắn đem ra đọc lại: "Nguồn ánh sáng của em, anh Vaxia của em! Chào anh, chúc anh mạnh khỏe mãi. Cầu Chúa ban cho anh sự chiến thắng quân thù. Còn em, nguồn ánh sáng của em ạ, em khó mà tin được rằng anh sẽ trở về để sống bên em và những người thân thuộc. Em chỉ tin khi nào em lại được ôm anh trong đôi cánh tay của em, nguồn sáng của em ạ. Tại sao trong thư anh lại dặn em phải cầu nguyện; làm như trước mặt Chúa em là kẻ có tội và không xứng đáng. Tuy nhiên, dầu rằng có tội, em cũng vẫn trông mong vào lòng từ bi của Chúa. Em xin thề với anh như vậy! Em vẫn cầu nguyện để được thấy nguồn ánh sáng của em có hạnh phúc. Đến đây, chúc anh luôn luôn và mãi mãi mạnh khỏe, nguồn ánh sáng của em…"

Khi oi bức đã dịu bớt. Vaxili Vaxilievich đội mũ, mặc chiến bào vào rồi từ trong lều đi ra. Trông thấy hắn, bọn đại tá và đại uý nhảy lên ngựa. Kèn thổi, tù và rúc lên ngân nga kéo dài. Lúc nầy đạo quân tiến ban đêm và suốt buổi sáng cho đến trưa, trước khi trời trở nên nóng bức quá đỗi.

Hôm đó cũng vậy. Từ trên đỉnh một ngôi mộ cổ, Vaxili Vaxilievich đưa mắt nhìn làn khói nhỏ nhiều vô kể của những đống lửa trại, những đám quân trông như những vệt đen ngòm, những đoàn xe quân lương nối đuôi nhau thành những hàng dài lẩn trong sương mù. Hôm đó sương mù lại dày đặc khác thường, xung quanh bụi bốc mù trời trông như một bức tường thành.

Người ta thở hít một cách khó khăn trong cái không khí ngột ngạt ấy. Ánh mặt trời lặn nhuộm đỏ tía một nửa bầu trời. Từng đàn chim đang bay, dường như tìm lối thoát… Mặt trời lặn, như phình to ra, mờ mờ, trông thật khủng khiếp… Ánh sao vừa mới mọc đã bị một màn sương mỏng che lấp. Một ánh lửa lập lòe bốc khói toả ra khắp bầu trời. Một lản gió nóng hôi hổi đột nhiên nổi dậy. Những ngọn lửa chập chờn hiện ra rõ rệt hơn và vây kín đạo quân., Một tốp kỵ sĩ dừng ngựa trước ngôi mộ cổ. Một người trong bọn họ cho ngựa nặng nề chồm lên đồi đến tận chỗ lều, rồi nhảy xuống đất, sửa lại chiếc mũ lông cao cho ngay ngắn. Vaxili Vaxilievich nhận ra khuôn mặt béo phị và bộ ria bạc phơ của viên hetman Xamoilovich.

- Tai hoạ rồi, vương hầu ạ, - lão nói nhỏ. - Bọn Tarta đã châm lửa đốt thảo nguyên.

Bộ ria của viên hetman rủ xuống hai bên mép che lấp một nụ cười diễu cợt; mắt lão tối sầm lại.

- Tứ phía đều cháy, - lão nói, tay cầm roi vung tròn.

Vaxili Vaxilievich chăm chú nhìn ánh lửa cháy một hồi lâu.

- Thế thì chúng ta sẽ đèo bộ binh trên hông ngựa rồi vượt qua lửa.

- Nhưng làm thế nào mà tiến quân được trên những vùng đầy tro? Không có rơm cỏ mà cũng chẳng có nước. Chúng ta sẽ bỏ mạng mất thôi, vương hầu ạ.

- Vậy phải lui quân ư?

- Vương hầu cho thế nào là phải thì làm… Quân Cô-dắc sẽ không chịu tiến vào một thảo nguyên cháy trụi đâu!

- Ta sẽ lấy roi quất chúng, bắt chúng phải vượt qua lửa? - Cơn tức giận nồi lên, Vaxili Vaxilievich không còn tự chủ được nữa. Hắn tức tối đi đi lại lại trên ngôi mộ cổ, gót sắt nhỏ của ủng hắn đâm thủng mặt đất khô - Đã từ lâu ta biết bọn Cô-dắc đi theo ta một cách miễn cưỡng… Thật là lố bịch: chúng nó ngủ gật trên lưng ngựa… Ta đánh cuộc rằng xưa kia chúng phục vụ phiên vương xứ Krym một cách vui vẻ hơn. Còn nhà ngươi nữa, hetman, ngươi cũng lừa dối ta… Liệu hồn đấy… ở Moskva, có những kẻ quyền cao chức trọng hơn ngươi mà còn bị túm tóc lôi xềnh xệch lên đoạn đầu đài… Còn ngươi, con đồ thầy tu kia, ngươi buôn bán nến và cá trước dây đã lâu chưa?

Lão Xamoilovich béo phị thở hồng hộc như một con bò mộng khi nghe những lời nhục mạ đó. Nhưng lão thông minh và quỷ quyệt; lão nín lặng. Lão vừa nhảy lên mình ngựa vừa khịt mũi, cho ngựa xuống đồi rồi biến vào sau đám xe ngựa. Vaxili Vaxilievich cho gọi lính kèn, tiếng kèn khàn khàn nổi lên trên thảo nguyên mù khói. Kỵ binh, bộ binh, các đoàn xe vận tải bất đầu lục tục lên đường vượt qua lửa.

Tờ mờ sáng hôm sau, họ thấy không thể nào tiến xa hơn được nữa: thảo nguyên trải ra đen sì, im lìm như chết. Chỉ có những cột lốc bụi bay vật vờ trên thảo nguyên. Gió nam thổi mạnh hơn, xua những đám mây tro bay đi. Đội quân tuần tiễu Cô-dắc mà họ trông thấy ở đằng xa đã quay ngựa lộn lại trước tiên. Đến trưa, bọn đô thống, bọn đại tá và bọn ataman (8) hợp nhau lại trong đoàn xe. Lão hetman nét mặt lầm lì, đi ngựa đến, đút chiếc gậy chỉ huy của lão vào ống ủng, rồi châm tẩu. Vaxili Vaxilievich đặt bàn tay đeo đầy nhẫn lên áo giáp và cố nén lòng kiêu kỳ, nghẹn ngào nói:

- Ai đi người được lại ý muốn của Chúa? Sách đã có câu: Ngươi hãy chế ngự lòng kiêu hãnh, vì ngươi sẽ phải chết. Chúa đã đưa đến cho chúng ta một tai hoạ lớn… Trên hàng trăm dặm xung quanh đây không có rơm cỏ, không có nước. Ta không sợ chết nhưng ta sợ nhục. Hỡi các ngài đô thống, hãy suy nghĩ rồi quyết định: phải làm gì bây giờ?

Sau một hồi suy nghĩ, bọn đô thống, đại tá, ataman trả lời:

- Phải rút quân ngay về phía sông Dniep, không nên chậm trễ.

Và thế là chiến dịch Krym kết liễu không một chút vinh quang. Đạo quân vội vã rút lui, chết mất nhiều người, bỏ lại nhiều xe cộ. Tới tận Poltava, đạo quân mới dừng lại.

 

Chú thích:

(1) Thủ lĩnh người Cô-dắc.

(2) sử gia Hy Lạp cổ (50-125 trước công nguyên) tác giả "Đời các danh nhân Hy Lạp và La Mã".

(3) Alekxandre đại đế (356 - 323 trước công nguyên), vua xứ Maxeđoan, nổi tiếng vi tải thao lược và chiến công lửng lẫy.

(4) Tướng tài thời La Mã cổ (107- 48 trước công nguyên).

(5) Tướng tài thời La Mã cổ, đã chiến thắng Anniban ở Zama (235 - 183 trước công nguyên).

(6) Tướng La Mã cổ, nổi tiếng xa hoa, cùng thời với Pompe.

(7) Một trong những tướng tài giỏi nhất thời cổ, lập nhiều chiến công oanh liệt, sau trở thảnh tổng tài của La Mã (101- 44 trước công nguyên)

(8) Ataman: chỉ huy Cô-dắc.

<< Chương 30 | Chương 32 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 476

Return to top