Gọi là khu tập thể nhưng thực ra, chỉ là một căn nhà nhỏ, mái rạ, nằm lẻ loi ở cánh đồng, cách nhà ăn một khoảng đất rộng, trồng đủ loại cây tạp nham gọi là "Vườn sinh vật". Vào những ngày hè, chỗ này vắng lặng đến rợn người.
Cùng sống chung với chúng tôi năm ấy có gia đình ông Vỹ- bà Hiền. Ông là hiệu trưởng, còn bà là giáo viên. Hai đứa con, một trai, một gái, khoảng lên 5, lên 2. Do không có nơi gửi trẻ nên mỗi lần đi đâu, ông bà thường phải bỏ chúng vào nhà rồi khoá cửa lại.
Hè năm ấy, giáo viên toàn huyện phải tập trung vào một chỗ để học nhiệm vụ năm học và chuyên môn. Vì thời gian thì dài mà bài học lại ngắn nên chúng tôi thường bị ngồi thảo luận ở tổ (mỗi trường một tổ) nhiều hơn đi nghe giảng ở hội trường. Cái khó của mỗi vị tổ trưởng là điều khiển làm sao cho các buổi họp không vi phạm 8 giờ vàng ngọc trong khi ý kiến phát biểu chỉ được một lúc đã cạn sạch. Tôi không biết các tổ khác họ làm cách nào, chứ tổ tôi, ông Vỹ có một sáng kiến khá độc đáo. ấy là ông bắt mọi người phải thay lời phát biểu bằng một bài hát đơn ca. Ai cũng phải hát, dù giọng khàn khàn vịt đực hoặc rè rè cóng bơ rỉ. Không ngờ sáng kiến ấy lại thành công. Kỳ bình bầu thi đua đợt 1, tổ tôi được tuyên dương thành tích đảm bảo được "tám giờ vàng ngọc".
Chiều hôm ấy khi đi học, tôi nghe thấy tiếng khóc và tiếng van xin não nề của hai đứa bé:
- ứ ừ... đừng khoá cửa ngoài, chuột đuổi con không chạy được.
Tiếng bà Hiền năn nỉ:
- Anh cho em ở nhà với con! Đến lớp cũng chỉ hát nghêu ngao mà thôi.
Và tiếng ông Vỹ quát tháo:
- Cô làm thế thì tôi còn lãnh đạo ai được nữa?
Đúng 1 giờ 30 phút, buổi họp được bắt đầu. Các tổ viên hấp tấp, phờ phạc, có người miệng còn cắm que tăm, có người quần vẫn xắn móng lợn. Chiều nay chương trình làm việc vẫn là tiếp tục hát đơn ca. Theo vần cánh thì lúc này đến lượt bà Hiền phải "nộp mạng". Tôi thấy bà thoáng tái mặt, tay run run:
- Xin các đồng chí tha cho tôi.
Lập tức ầm ầm tiếng phản đối:
- Không được, chúng tôi đình công à.
Tôi nhìn trộm, thấy ông Vỹ cũng vừa trừng mắt nhìn bà Hiền. Bà đành nhăn nhó, cất giọng lào thào "Bé bé bằng bông... hai má hồng hồng...". Chúng tôi nhìn bà, dở khóc, dở cười. Bỗng bà dừng phắt lại. Như có ai bóp chặt lấy cổ. Ngắc ngắc đầu, bà mếu máo:
-Tôi không thể nào hát được. Hai con tôi đang gào khóc khản cổ ở nhà. Với lại tôi có linh tính...
Mọi người im bặt, ông Vỹ thì vẫn còn bực bội ra mặt:
- Thế là cô giết tôi rồi. Chưa biết con tôi chết hay tôi chết đây. Thôi chuyển sang đồng chí khác. à, đến lượt tôi phải không?
Bỗng dưng, ông cười rất tươi, rồi lên giọng ồm ồm khó nhọc: "Kèn tây toe ra tí toe. Kèn tây toe ra tí toét. Ta thổi kèn mồm chẳng kém kèn tây...". Chúng tôi muốn cười mà phải nín.
Chiều hôm ấy, tan buổi "thảo luận", ông Vỹ phải ở lại họp thi đua, tôi thì vì hỏng xe nên về trường chậm hơn mọi người. Vừa tới cổng đã giật mình khi thấy có bốn năm người đang xúm xít làm một việc gì hơi khác thường ở chỗ sân giếng. Tôi vội vứt xe đạp quay lơ rồi lao nhanh đến chỗ đó. Trời ơi, tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Một đứa trẻ ướt sũng, trắng nhợt, vừa được lôi từ dưới giếng lên, nằm bất động trên chiếc chiếu cũng ướt sũng.
- Trời, con anh Vỹ!
Tôi hét lên, cũng vừa lúc, sau tiếng động đánh rầm một cái, hai tấm cánh cửa bếp bị bật tung và bà Hiền, quần áo lấm lem, đầu tóc xõa xượi chạy vọt ra. Vừa chạy bà vừa cười khành khạch, vừa múa máy đôi tay: "Bé bé bằng bông... hai má hồng hồng... Hai đứa bé bằng bông của tôi đâu rồi. Hì hì... mẹ phơi chiếu lên miệng giếng có phải làm chỗ ngồi chơi đâu mà các con rủ nhau trèo lên... Hà hà.. Ai giết con tôi? Bé bé bằng bông..."
- Còn một cháu nữa đâu? Tôi hỏi.
- Nó bị nhẹ hơn nên đưa đi cấp cứu rồi! Tiếng ai đó trả lời.
Chờ cho bà Hiền đi khỏi, chúng tôi vội vã bế thốc cháu bé vào gian buồng bỏ không bên cạnh nhà ăn để làm hô hấp nhân tạo, cố vớt vát lấy chút hy vọng cuối cùng. Chúng tôi khoá chặt cửa bên trong lại. Bà Hiền đi được một lúc lại quay về. Vừa đi, vừa hát, vừa cười. Đúng lúc đó có tiếng phanh xe đạp rít và tiếng ông Vỹ từ phiá khu tập thể:
- Lại "Bé bé bằng bông"rồi. Khổ, lúc nãy năn nỉ muốn đứt lưỡi, không thèm hát cho. Bà ơi, các con đâu cả rồi. Đưa cả về đây cho tôi. Tôi có quà cho chúng nó đây, bánh ngọt của Hội đồng thi đua chiêu đãi. Tiêu chuẩn mỗi người hai chiếc. Tôi không dám ăn, dành đem cả về cho các con đây... Tổ ta lại được nhất nữa rồi.
Tôi phải vội vã quay đi, không dám nhìn qua khe cửa nữa. Vì ở đó có bàn tay ông Vỹ đang giơ cao gói bánh lên không trung và có cả khuôn mặt của ông. Nó đang sáng lên một hạnh phúc long lanh, nhức nhối.