Hàng tuần, người bưu tá ấy đến tòa soạn để nhận bài chuyển phát nhanh ra Hà Nội. Tôi để ý thấy anh ta viết bằng tay trái rất nhanh, chữ lại đẹp. Tôi hỏi anh: "Hồi nhỏ, học vỡ lòng, ông thầy không bắt anh phải tập viết bằng tay phải hay sao?". Anh đáp: "Không!". Tôi hỏi thế vì nhớ hồi mới đi học, ông thầy của tôi thường dùng thước kẻ nẻ tay rất đau, đến nỗi ngón tay sưng lên như bị ong đốt, mỗi khi cu cậu nào ngo ngoe định viết bằng tay trái theo bản năng của mình. Những người học trò này do đó viết chữ không đẹp và không thành thạo bằng người. Đó là chưa kể đến nỗi ám ảnh "kinh hoàng" của những ngày đi học "viết bằng tay trái" này sẽ theo họ suốt đời, gây nên những sức ép tâm lí giả tạo mà họ phải gánh chịu từ thuở ấu thơ. Cũng vì thế, lứa tuổi chúng tôi hầu như không ai viết giỏi bằng tay trái cả.
Xem trên tivi, thấy Tổng thống Mĩ và một số nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng thường viết rất thành thạo bằng tay trái. Những người này, chắc chắn thời nhỏ không bị cha mẹ và thầy giáo khắt khe, gò bó, đánh sưng tay vì tội "không giống mọi người".
Từ việc nhỏ trên, tôi nghĩ đến một cái lớn hơn của nghề dạy học. Aỏy là không nên bắt học trò của mình phải làm giống mình, giống số đông, trong khi họ lại có khả năng "khác người"!.