Ngày nhỏ, mới học tiếng Pháp được mấy bài, tôi đã có câu trả lời ứng khẩu "xuất thần" thuộc vào hàng Trạng Lợn. ấy là một hôm có ông khách đến nhà chơi thấy tôi đang ê a mấy tiếng "Lơ siêng (le chien) là con chó, lơ sa (le chat) là con mèo" , ông liền đố tôi một câu có lẽ ông cho là khó hơn những câu tôi đang học vì nó nhiều âm tiết hơn:
- Bản cửu chương tiếng Pháp gọi là gì ?
Tôi khoanh tay đọc luôn:
- Thưa là: "Táplơ đờ muuntiplic caxiông (Table de multiplication)"!
Ông gật đầu khen tôi giỏi, mới tí tuổi đầu mà đã nhớ được cả một câu tiếng Pháp dài dằng dặc.
Tôi thầm cảm ơn ông, nhưng trong bụng thì nghĩ:" Cháu có giỏi giang gì đâu. Tại cái bìa sau của cuốn vở đó. Lúc nào mở ra cháu chả thấy có dòng chữ trên. Cháu đọc mãi thành thuộc, thế thôi!"
Không ngờ cái từ tiếng Pháp ấy còn theo tôi, làm tôi nhớ dai đến tận bây giờ, dù thời gian trôi qua đã 50 năm có lẻ.
Công lao ấy, phải nói, thuộc về cái? bìa vở.
Vậy mà không hiểu sao ngày nay người ta lại coi thường nó. Người ta đã để cho những Tiểu Yến Tử, những Hoàn Châu cách cách, rồi Tôn Ngộ Không từ nước ngoài tràn sang chiếm chỗ của con em chúng ta.
Chả trách con cháu chúng ta thuộc sử Tàu hơn sử ta!
May sao hiện nay ở một số nhà trường đã có những người thầy sớm nhận ra điều vô lý ấyù và đã kịp thời hành động bằng cách riêng của mình. Tôi muốn nói đến trường "Chất lượng cao quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh". Bức xúc với tình hình nói trên, năm học này nhà trường đã cho in đồng loạt những giấy bọc vở (bao tập) cho toàn bộ học sinh với bìa trước là lời dạy của Bác Hồ cùng bức ảnh toàn cảnh ngôi trường, bìa sau là hình ảnh những em học sinh giỏi, niềm tự hào của nhà trường trong các năm học trước.
Tôi nghĩ không học sinh nào cầm quyển vở lên tay lại không thấy mang nặng trong lòng một trách nhiệm với nhà trường.
Và cũng không phải là quá, khi tôi nghĩ, những tấm giấy bao tập nhỏ nhoi kia không chỉ phủ trùm, che kín các thứ văn hoá lai căng kệch cỡm ấy mà còn làm lá chắn chống lại những "viên đạn" của kinh tế thị trường đang lăm le tấn công vào "pháo đài" trường học!