Buổi sáng. Gặp giáo sư Trần Tuấn Lộ, Phó chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Việt Nam. Thầy kể chuyện: Cách đây hơn 40 năm, trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, thầy dạy ở một trường thuộc huyện Thư Trì (cũ) tỉnh Thái Bình. Thầy trò vừa dạy, học vừa tham gia đánh giặc. Vậy mà có một việc, tất cả học trò (và cả phụ huynh nữa) nhất định không cho thầy làm cùng. ấy là việc đêm đêm núp dưới hố cá nhân, sâu lút đầu người ở sát chân hàng rào đồn giặc, để chĩa lên mặt đất những cái loa sắt tây, phát thẳng vào đồn những tin chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ của quân dân ta. Lúc đầu thầy không hiểu lý do. Mọi người sợ thầy bị hy sinh chăng? Nếu vậy, tại sao khi phục kích chống càn các em lại không ngăn cản? Sau mới rõ: thì ra các em lo ngại khi phát thanh sẽ gặp phải vài tên lính lưu manh từ trong đồn nó văng tục ra với thầy! Như thế là không được. Một người thầy giáo không thể bị ai xúc phạm dù đó là kẻ thù!
Cuối câu chuyện, tôi hỏi thầy về những học sinh ngày ấy. Thầy vui vẻ:
- Khá cả, tốt cả... Có em sau này làm đến Chủ tịch tỉnh... Còn cán bộ, thầy cô giáo, giáo sư, giám đốc Sở thì nhiều. Cũng có nhiều em là liệt sĩ...
Buổi chiều, về nhà, gặp con gái dạy học từ dưới tỉnh lên thăm. Cháu kể:
- Con T.M học sinh của con ấy, nó đi làm điếm trên tàu viễn dương bị nhiễm HIV rồi bố ạ... Mẹ nó nghe tin, nhục quá, uống thuốc rầy định tự tử nhưng chết không được, do được cứu.
- T.M nào nhỉ? - Tôi hỏi lại.
- Bố quên rồi sao. Con bé chuyên cúp cua để đàn đúm chơi bời ở lớp con ấy.Viết thư mời bố mẹ nó lên để trao đổi cả chục lần mà mãi sau mới chịu lên. Không xin lỗi thì thôi còn chửi bới giáo viên ra rả. Nào: "Việc dạy học trò là nhiệm vụ của các anh các chị, chứ đâu phải là việc của chúng tôi mà cứ đòi tôi như đòi nợ". Nào: "Trông bản mặt của các vị thế kia, con tôi nó bỏ học là phải...".
Đúng là hai cách đối xử với thầy thành ra hai kết quả.