Hàng xóm nhà tôi có cô giáo Mùi. Sau bốn năm học Đại học Sư phạm, cô ra dạy học được đúng một năm thì nghỉ việc, ở nhà nuôi đứa con đến nay đã tròn một tuổi. Một hôm, tôi hỏi Mùi: "Con cứng cáp rồi, cô giáo còn tiếp tục đi dạy nữa không?" Mùi cười:
- Có lẽ không... Có chồng nuôi, đi dạy làm chi cho cực.
- Vậy cô đi học sư phạm để làm gì?
Hỏi xong, tôi chợt nhận ra mình đã hỏi một câu thật vô duyên. Những người như Mùi đâu có hiếm. Họ đi học đâu phải để ra làm việc, để góp sức vào sự nghiệp chung mà thực chất là để... kiếm một tấm chồng cho xứng đáng. Bởi có học Đại học thì mới có điều kiện quen sinh viên trường này trường nọ... và những nam sinh viên các trường ấy cũng dựa vào tiêu chuẩn có là nữ sinh viên hoặc tương đương thì họ mới bắt bồ, mới yêu...
Trước đây, cũng có lần tôi hỏi thẳng chồng của Mùi, một kỹ sư kinh tế rằng: "Sao không kiếm vợ cùng ngành mà lại tìm một cô giáo?". Anh ta không ngần ngại, nói thẳng:
- Đi làm suốt ngày thế này chỉ có vợ là cô giáo mới thực sự đảm bảo được về đạo đức. Với lại có là cô giáo mới có nhiều kiến thức nuôi dạy con nên người...
Nghĩ mà buồn. Hoá ra trong trường hợp trên, ngành sư phạm đào tạo ra những người như Mùi chỉ cốt để một bên thì có cớ kiếm chồng giỏi giang, giàu có, còn một bên có vợ chung thuỷ, nhiều kiến thức nuôi dạy con. Họ chả mất gì. Chỉ có ngành sư phạm là mất công, mất tiền để đào tạo ra họ. Đã đến lúc ngành giáo dục cần phải có biện pháp truy thu những khoản tiền đã bỏ ra để đào tạo cho họ trở thành tài. Có thế mới công bằng, tôi nghĩ thế.