Ông bạn tôi, một giáo viên tiểu học từ tỉnh xa về. Gặp nhau chưa kịp chuyện trò, ông đã khiêu khích:
- Vừa qua tôi có làm một chuyện, về lĩnh vực văn chương có thể là sai nhưng về phương pháp sư phạm tôi nhận thấy tôi đúng.
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện tôi đến tận nhà ông Phó chủ tịch Tỉnh khuyên ông không nên cho bé út nhà ông làm thơ nữa. Rồi tôi đến trụ sở toà báo Tỉnh đề nghị ông Tổng biên tập ngừng ngay việc cho đăng những bài thơ ấy.
- Sao mà ông rắc rối vậy?
Bạn tôi cau mặt:
- Rắc rối cái gí? Tôi làm thế để cứu cháu út và cứu tôi đấy. Thơ thẩn gì ba cái câu đó. Chẳng qua là mấy câu nói ngây thơ vần vèo của bọn con nít, lọt vào tai mắt mấy vị "nịnh gia", được mấy vị thổi lên tận mây xanh cho là thần đồng... Rồi ông này bình giảng, ông kia phổ nhạc, ông nọ chép vào sổ tay... Cứ xúm nhau vào mà thổi... Chỉ khổ cháu út... Từ ngày ấy đến lớp chả chịu học hành gì cả. Con mắt lúc nào cũng đờ đẫn như bị thần thơ bắt mất hồn. Điểm các môn học, kể cả môn Văn, cứ theo nhau tụt dốc. Tôi bảo cháu thì cháu cãi lại: "Thầy biết gì về thơ. Các chú đến nhà em bảo môn Tập làm văn ở nhà trường không phải là văn. Giỏi văn ở nhà trường lớn lên cũng không thành nhà văn, nhà thơ được".
Tôi an ủi ông bạn:
- Việc ông làm là đúng đấy. Kể cả trong lĩnh vực văn chương.
Tôi chợt nghĩ đến một giai thoại: Nhà văn nổi tiếng và có chức vụ nọ, có một bà vợ làm thơ không hay nhưng lại hay làm thơ. Vì nể ông nên nhiều báo thường đăng thơ của bà. Bữa nọ, nhân có một người hỏi thăm về chuyện làm thơ của bà, ông đã hóm hỉnh đáp:
- Cám ơn anh, hồi này nhà tôi cũng đã ...đỡ ạ...