Người ta bảo nước mắt thầy giáo và học trò trong lắm, mặn lắm! Trong lung linh nước mắt, những điều tốt, xấu ở trong đời đều có thể biến thành hoa. Hoa thơm lành, làm đẹp cuộc đời. Hoa độc dại khiến môi trường giáo dục bị ô nhiễm...Tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã viết Cài hoa vào quá khứ từ một cái nhìn như vậy. Bởi thế, đọc các câu chuyện sư phạm của anh, người ta môi mắt thì cười mà lòng thì ầng ậng những giọt nước trong! Vì mừng vui cũng nhiều, mà vì buồn tủi cũng không ít...
Là một thầy giáo nặng lòng với trẻ lâu năm trên bục giảng, các câu chuyện của Nguyễn Khoa Đăng trong Cài hoa vào quá khứ đều xoay quanh những tình huống ứng xử sư phạm. Nhân vật chính xuất hiện nhiều nhất trong truyện là người thầy giáo và người học sinh. Họ thường được đặt trong những tình huống phức tạp, phong phú và tế nhị...Quan hệ của họ bao gồm các mối liên hệ với những người trên hàng, ngang hàng, dưới hàng trong gia đình, trên lớp học và ở ngoài xã hội (như quan hệ giữa thầy cô giáo với thầy cô giáo. thầy cô giáo với học trò, thầy cô giáo với phụ huynh học sinh...).
Từ những tình huống cụ thể ấy, người đọc (theo định hướng của nhà văn) có thể tự đưa ra những lời nhận xét, đánh giá và tìm được những bài học khách quan, bổ ích cho mình...
Bằng một bút pháp già dặn, Nguyễn Khoa Đăng đã biến hơn tám mươi "Câu chuyện sư phạm" trong Cài hoa vào quá khứ thành những truyện ngắn liên hoàn. Nhân vật "tôi" đi dọc tác phẩm luôn luôn là một người nhân hậu, có đôi mắt nhìn nhận, phân tích và đánh giá sự vật, sự việc, hiện tượng thấu tình, đạt lý... Do bị lọc qua lăng kính của nhân vật "tôi", các nhân vật khác của tác phẩm hiện lên trong hai mảng sáng tối khá rõ rệt. Những nét đối lập như tốt- xấu, cao thượng- thấp hèn... thường được người viết thể hiện qua những tính cách nhân vật tĩnh.
Tuy nhiên, do trong truyện có hàng trăm nhân vật nên nhà văn vẫn có đủ mọi mẫu người để dựng lên được bức chân dung xã hội của một thời đã qua...
Đọc văn Nguyễn Khoa Đăng, người đọc sau nhiều năm trăn trở về những khiếm khuyết của ngành giáo dục nói riêng, của xã hội nói chung- vẫn giữ được một niềm tin tươi sáng vào sự khởi sắc tất yếu của dân tộc trong thời kỳ đổi mới hôm nay. Cài hoa vào quá khứ là ước mong đẹp- ước mong cái tồn tại, cái chưa hoàn thiện của ngành giáo dục, của xã hội sẽ vĩnh viễn khép lại- để hoa thơm trái ngọt hạnh phúc đến được với tất cả mọi người trên đất nước tươi đẹp của chúng ta.
NGUYễN Vị XUYÊN
(Báo Sài Gòn Giải phóng)