Tôi đã từng được nghe một giai thoại về nhà văn Nguyễn Khải. Rằng lần đó, ngày đó, ông có làm giúp cậu con trai bài tập làm văn cô giáo cho về nhà làm (tất nhiên cô không biết em là con nhà văn).
Đầu đề: " Em hãy phân tích chủ ý của nhà văn Nguyễn Khải qua tác phẩm...". Được bố, một nhà văn có tiếng làm văn cho, lại là bài văn trực tiếp viết về bố mình thì còn gì hơn nữa. Không điểm 10 thì cũng phải là điểm 9. Từ đó cậu cứ nóng lòng chờ ngày cô giáo trả bài. Ngày ấy đến và thật bất ngờ cho cậu, bài của cậu chỉ đạt điểm trung bình bởi lời phê thật oái oăm: "Không hiểu ý tác giả!".
Để kiểm tra lại sự chính xác của giai thoại này,vừa qua tôi có điện thoại cho nhà văn. Đầu dây bên kia, ông cười thành tiếng: " ờ... ờ... có đấy!".
- Vậy anh có tán thành ý kiến của cô giáo không?
- Tán thành quá đi chứ! Vì tác phẩm văn chương khi ra ngoài đời nó có cuộc sống riêng của nó. Độc giả đọc nó chính là lại sáng tạo lần thứ hai. Mà đã sáng tạo thì họ có quyền nghĩ theo cách của họ chứ!
Cuối cùng tôi nói với nhà văn Nguyễn Khải:
- Chuyện anh kể làm tôi nghĩ đến Vua hề Sạc lô. Nghe nói có lần đi qua thành phố nọ ở nước Anh , thấy ở đây có cuộc thi với nội dung "Bắt chước Sạc- lô", ai bắt chước càng giống thì được điểm càng cao. Sạc lô liền cải trang vào dự thi. Kết quả cũng thật bất ngờ. Ông chỉ đạt được giải ba trong khi giải nhất thuộc về một người không hề quen biết ông. Nghệ thuật là thế phải không anh?
Phía đầu dây bên kia nhà văn lại cười...