Ông bạn tôi là giáo viên về hưu, gia đình bảy tám miệng ăn. ấy vậy mà vừa qua ông lại quyết định đưa cả cái gia đình đồ sộ ấy vào Sài Gòn sinh sống. Thú thật, lúc đầu tôi cũng lo ngại cho ông. Lấy gì mà sống trong khi chỗ bám víu duy nhất chỉ là cô con gái út đang học Sư phạm Ngoại ngữ, môn Hoa văn. Vậy mà rồi tôi lại hoá ra người "lo bò trắng răng". Đến thăm ông, tôi đã không tin ở mắt mình khi thấy trước mặt là một căn nhà lầu tuy không lớn nhưng cũng sang trọng. Tôi cũng không tin ở mắt mình khi được ông rỉ tai giới thiệu người đàn ông bụng phệ, tóc bạc trắng, da bủng như người chết trôi, lớn hơn ông đến chục tuổi:
- Chồng con Bồng, gái út nhà mình đấy!
Tôi nhận ra đó là một ông già người Hoa khi ông đáp lại bằng giọng lơ lớ:
- Tôi là con... dê cụ (con rể cụ).
Từ đó tôi rơi vào thế lúng túng, không biết nói năng, đối xử thế nào. Trong khi đó, vợ chồng ông bạn tôi lại thi nhau "hót" về "anh" con rể. Nào nó là chủ hãng mỹ phẩm nọ, lớn lắm. Nào là nó định nhờ bố mẹ vợ làm cố vấn với lương tháng 500 đô nhưng vợ nó không chịu, bảo bố già rồi cứ ở nhà chơi cho khoẻ!
Hôm ấy chia tay vợ chồng ông bạn về, tôi cứ thấy lòng nặng chình chịch. Từ đó tôi cũng ngại không muốn đến với ông nữa. Cho đến gần đây, nghe thấy người ta nói tờ Trung Quốc thời báo (Đài Loan) có đăng một bài có nhan đề: "Việt Nam cô nương bài đội đẳng giá Đài Loan lang" (Gái Việt Nam xếp hàng chờ lấy chồng Đài Loan) trong đó có những điều xúc phạm đến phụ nữ ta, tôi mới nẩy ý đến nhà ông để nhờ cháu Bồng mượn cho tờ báo ấy. Cũng định lấy đó làm lời khuyên đến gia đình vọng ngoại một cách quá mức này. Nhưng khốn thay, tôi đã choáng váng khi thấy căn nhà ông bị niêm phong. Hỏi ra mới được biết vừa qua con Bồng chỉ là vợ hờ, là gái bao của lão... "dê cụ" kia. Quan hệ này được bắt đầu khi "nàng" đang học ở trường ngoại ngữ và nhận làm gia sư dạy tiếng Việt cho ông già kia. Từ vai trò cô giáo không bao lâu sau dưới tác dụng của đồng tiền nàng đã trở thành gái điếm riêng của ông ấy. Sự việc vỡ lở, vợ lớn và con cái của ông từ Đài Loan đã bay sang kiện cáo và làm đủ chuyện phiền hà. Tôi thấy thương cho ông bạn tôi khi nhớ lại lời ông tâm sự hôm nào lúc còn đang đứng trên bục giảng:
- Dù thế nào cũng không được biến nghề dạy học thành nghề buôn bán kiếm lời!
Vậy mà nay ông lại gặp phải điều ấy.