Như thường lệ vào tối Thứ Bảy hàng tuần, Tạp chí Văn học do Phạm Ðiền phụ trách lại đến với quí vị thính giả.
Phạm Ðiền:Tạp chí Văn học Nghệ thuật và Phạm Ðiền thân chào quí vị thính giả.
Việt Nam với máu xương chồng chất trong nửa thế kỷ vừa qua trở thành một đề tài cho giới cầm bút người Việt cũng như người nước ngoài khai thác. Thoạt đầu, một nhà văn người Anh là Anthony Grey dựng một tiểu thuyết đặt tên là SAIGON, xuất bản tại Bắc Mỹ vào năm 1982. Khi đọc cuốn sách này, ông Nguyễn Ước đã bị thu hút vì những tình tiết giăng mắc trong bối cảnh lịch sử Việt Nam. Ông Nguyễn Ước đã dịch cuốn này nhưng có sáng kiến thêm thắt một số chi tiết khác nữa. Ông đã đề nghị với tác giả và được tác giả Anthony Grey đồng ý.
Từ đó, ông Nguyễn Ước đưa thêm một số nhân vật phụ và các chi tiết khác vào SAIGON, với khoảng một nửa trong tổng số trang, làm tăng sự phong phú cho tác phẩm. Kết hợp độc đáo này khiến SAIGON được tái tạo với tựa đề mới là TRĂNG HUYẾT.
Ðể thính giả khắp nơi biết thêm về công trình này, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Ước và được cho biết thêm một số chi tiết qua cuộc phỏng vấn dưới đây.
Phạm Ðiền: Kính chào tác giả Nguyễn Ước. Thưa ông, trước hết xin ông cho thính giả biết một số chi tiết về ông và duyên nợ của ông đối với văn chương.Nguyễn Ước: Thưa anh Phạm Ðiền và thưa quí vị thính giả của đài Á châu Tự do,
Tôi người gốc Quảng Bình. Năm 1954, di cư vào Huế. Học xong Ðại học Sư phạm Huế, tôi dạy Văn và Sử tại Tuy Hòa và làm chuyên viên phát triển xã hội cho Caritas Việt Nam.
Từ sau tháng 4 năm 1975, tôi sống loanh quanh ở Sàigòn và lục tỉnh suốt 12 năm, và 2 năm sống ở Hà Nội. Năm 1989, tôi vượt biển sang đảo Galang, Indonesia. Từ năm 1991, định cư tại Toronto, Canada. Trước năm 1975, có xuất bản một tập thơ và một vở kịch. Tại Canada, tôi in được trên 10 cuốn. Hiện nay có khoảng 7 cuốn về văn học và đạo học đã được tái bản trong nước dưới thương hiệu của các NXB Văn Học, Thông Tin Văn hóa, Hội Nhà Văn Hà Nội...
Phạm Ðiền: Thưa ông Nguyễn Ước, xin ông cho biết trong trường hợp nào ông đã biến SAIGON thành TRĂNG HUYẾT, và lý do xuất hiện của nó cũng như cảm hứng đó đến từ đâu?Nguyễn Ước: Thưa anh, có lẽ đến từ những hoài bảo, gian nan và ưu tư của mình về hoàn cảnh đất nước và những chết chóc hoạn nạn của thân nhân, bè bạn.
Năm 1989, tôi tình cờ bắt gặp tại đảo Galang cuốn SAIGON của Anthony Grey xuất bản năm 1982. Ban đầu chỉ mày mò đọc để học Anh văn, rồi càng đọc càng cảm động, cứ lẩm bẩm: "Người ta nước ngoài mà còn viết tới như thế này!" Tuy trong đó có vài điểm tôi cảm thấy lấn cấn nhưng tôi tâm đắc với ý tưởng chủ đạo của tác giả, rằng dân tộc Việt Nam ta đang bị cuộn chặt bởi tầng tầng lớp lớp thù hận và rằng để thành công trong công cuộc cứu nguy dân tộc thì phải giữ gìn và phục vụ toàn thể các chi thể của dân tộc.
Tôi nghĩ tại sao mình lại không vừa dịch ra vừa viết bổ túc nếu cần. Rồi thì, từ nhan đề SAIGON, thủ đô của miền nam, thành phố định mệnh đối với cuộc đời của nhân vật chính, tôi đổi thành TRĂNG HUYẾT, trăng đỏ như máu, trăng báo điềm và làm chứng cho nửa thế kỷ đau thương ly loạn trên khắp nước Việt Nam.
Còn lý do cụ thể để ra mắt gấp Trăng Huyết vì năm nay kỷ niệm 50 năm trận đánh Ðiện Biên Phủ và sang năm là kỷ niệm 30 năm Sàigòn thất thủ. Với hai thời điểm đó, tôi nghĩ có lẽ độc giả dễ chú ý tới bộ trường thiên tiểu thuyết Trăng Huyết và đề tài của nó hơn lúc nào hết.
Phạm Ðiền: Thưa ông, TRĂNG HUYẾT có nhiều nhân vật khác nhau, lối sống khác nhau, thuộc nhiều thế hệ và trong bối cảnh xã hội cũng khác nhau, nhưng có chung là hoàn cảnh ly loạn của đất nước trải qua nhiều triều đại lịch sử. Sự dàn dựng phong phú đó chắc hẳn cũng có lý do? Nhưng phần thực của nó là bao nhiêu và phần vẽ lại lịch sử của nó thì như thế nào?Nguyễn Ước: Thưa anh, truyện Trăng Huyết bắt đầu từ năm 1925 với các nhân vật gắn bó đời mình vào dòng lịch sử cách mạng và chiến tranh của Việt Nam.
Các nhân vật chủ yếu xuất xứ từ bốn gia đình: —Nathaniel Sherman, người Mỹ, thượng nghị sĩ —Jacques Devraux, người Pháp, cựu sĩ quan rồi thanh tra mật thám —Trần văn Hiếu, quan sứ thần, phú hộ Nam kỳ —và Ngô văn Lộc, người "bồi" của J. Devraux, chống Pháp, theo chủ nghĩa dân tộc rồi cộng sản.
Không gian truyện là Việt Nam, Paris, Washington, Anh. Thời gian kéo dài từ năm 1925 khi nền đô hộ của Pháp vững vàng nhất, cuộc vận động cách mạng của các sĩ phu cựu học chuyền sang các thanh niên tân học, với những ngày Pháp đàn áp tàn bạo các phong trào chống thuế của nông dân, cuộc khởi nghĩa của VNQDÐ, Sô viết Nghệ Tỉnh, hành tung của Hồ Chí Minh, nạn đói Ất Dậu, tới trận đánh Ðiện Biên Phủ, vụ ám sát Ngô Ðình Diệm, biến cố Mậu Thân và sau cùng, cuộc thất thủ Sàigòn.
Lý do dàn dựng mà anh gọi là phong phú đó chỉ cốt để trình bày đời sống, tư duy và cảm xúc của các nhân vật hư cấu hoặc có thật trong suốt 50 năm nghiệt ngã với hận thù cá nhân, gia tộc, dân tộc chồng chất và quyện chặt vào nhau, trong đấu tranh và chiến tranh giữa hai bên. Một bên là những người lấy dân tộc chủ nghĩa làm nền tảng, một bên là những kẻ lấy cộng sản bôn-sê-vich làm phương pháp. Rồi cuối cùng người dân cả hai miền bị cuốn vào vòng quay chiến tranh lạnh, trong sự thất trận của người Pháp, tháo chạy của người Mỹ và đất nươc Việt Nam điêu tàn xơ xác...
Có thể xem Trăng Huyết là hư cấu vì các nhân vật chủ lực của nó là hư cấu. Cũng có thể xem Trăng Huyết là một thực tế vì nó đề cập đến rất nhiều nhân vật có thật trong suốt 50 năm lịch sử; họ chi phối và làm điêu đứng các nhân vật hư cấu. Trăng Huyết được đặt trong những biến cố có thật mà một số tồn đọng cho tới hôm nay.
Nói như thế nhưng Trăng Huyết không có tham vọng lý giải hoặc vẽ lại lịch sử vì mọi kết luận về biến cố lịch sử chỉ là kết quả tạm mà thôi, và chính các sử gia cũng phải liên tục tìm kiếm.
Trăng Huyết chủ yếu là một tác phẩm văn học. Có thể tiêu khiển qua cốt truyện gay cấn với đầy đủ các tình huống yêu đương, chiến tranh và chết chóc. Nhưng nội dung của nó cố đào thật sâu tâm tư tình cảm của các nhân vật với những gút mắc trong tình yêu, cách mạng và chiến tranh. Hướng mà Trăng Huyết nhắm tới là cùng với độc giả, qua văn chương và nghệ thuật, nhìn sâu vào lòng mình, nhìn lại quá khứ và hoàn cảnh để góp phần xóa ngộ nhận, giải hận thù, để cùng nhau yêu thương trong tình người và sống hoà hợp trong nghĩa đồng bào.
Phạm Ðiền: Thưa ông, như ông vừa nói thì Trăng Huyết ban đầu do tác giả Anthony Grey viết dưới tên là SAIGON, sau nhờ sự đóng góp thêm của ông, một số nhân vật phụ và những chi tiết về vấn đề lịch sử lại được ông thêm vào cuốn này. Ông có thể cho thính giả của đài chúng tôi biết làm thế nào ông có cơ duyên và có khả năng phối hợp được một kết cấu như vậy?Nguyễn Ước: Thưa anh, có lẽ cái chính là với cảm quan thiên phú của nhà báo và nhà văn, Anthony Grey thấu hiểu được lịch sử và dân tộc Việt nam dù khi viết cuốn SAIGON, ông chưa hề tới Việt Nam bao giờ. Nhưng mà như thế thì ông ấy chỉ có thể dựa vào những tài liệu có được trước năm 1982 mà thôi. Khi bắt tay tái chế cuốn SAIGON của Anthony Grey thành TRĂNG HUYẾT tôi tự hỏi tại sao mình không nỗ lực trình bày cái nhìn của người trong cuộc để hợp thành một tác phẩm đa diện cho độc giả người Việt. Nhất là từ năm 1982 tới nay, đã biết thêm nhiều sự thật và có thêm nhiều tài liệu, và người Việt lúc này, nam cũng như bắc, thế hệ già cũng như thế hệ trẻ, cũng đã nhìn quá khứ và cuộc chiến cũng như nhìn nhau bình tĩnh, độ lượng và đồng cảm hơn trước đây.
Tôi sưu tầm thêm tài liệu, về Việt Nam tới các địa điểm mà Anthony Grey đề cập tới trong cuốn SAIGON, phỏng vấn những người liên hệ. Rồi trong khi chuyển ngữ thành TRĂNG HUYẾT ngang đâu thì tôi bổ túc ngang đó. Khi nguyên một chương, khi thì vài nhân vật, về tôn giáo, về phong tục và phong cảnh, về biến cố lịch sử.v.v... Có khi thay đổi hẳn cái nhìn nguyên thủy của Anthony Grey về những người dân tộc chủ nghĩa, VNQDÐ, quân dân miền nam, Hồ Chí Minh, Ngô Ðình Nhu, Dương văn Minh,v.v...
Sau đó tôi truy cập và may mắn tìm ra A. Grey trên internet. Nhận được bản thảo tiếng Việt và các emails trả lời của tôi về việc tôi giữ nguyên cốt truyện và giải thích những gì tôi thêm bớt, Anthony Grey chẳng những không phản đối mà còn hào phóng khích lệ, hy vọng sẽ có sự đóng góp tích cực của tôi khi một ngày nào đó SAIGON được quay thành phim.
Phạm Ðiền: Thưa ông, xem thế thì TRĂNG HUYẾT cũng giống như một bản nhạc được hoà âm, được phối hợp lại độc đáo. Ông có nghĩ rằng điểm đặc sắc ấy sẽ thu hút được độc giả trong khung cảnh hiện nay, khung cảnh của 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc và người Việt hiện nay đang tản mạn khắp năm châu bốn biển?Nguyễn Ước: Thưa anh, trước hết xin cám ơn lời khen của anh. Sự hòa âm mà như anh khen đó nếu có giữa hai tác giả Anh và Việt thì có lẽ là mới lạ đối với độc giả, còn độc đáo hay không thì tôi không dám nói. Tuy các độc giả của ta tản mác nhưng tôi cảm thấy hình như dạo sau này, các độc giả, nhất là độc giả lớn tuổi, lại thích đọc các tác phẩm liên quan tới chính trị và đạo học. Cái khó là hiện này việc phát hành sách ở hải ngoại gần như bế tắc. Tại Canada, lần in thứ nhất vừa qua với 500 ấn bản đã được độc giả ở Canada tiêu thụ gần hết. Tôi đang tìm người tái bản ở California để tiện việc phát hành ra khắp nơi tại hải ngoại.
Phạm Ðiền: Với kết quả tốt mà ông nhận được đó, ông có dự tính viết tác phẩm khác không, và độc giả có thể chờ đợi gì nơi tác phẩm sắp tới của ông?Nguyễn Ước: Thưa anh, là người viết văn thì lúc nào cũng có nhiều dự tính. Cưu mang thì có nhưng hoàn tất chắc là còn lâu. Có lẽ tôi cũng sẽ cố gắng để viết một bộ trường thiên tiểu thuyết nữa, lấy bối cảnh giai đoạn lịch sử từ năm 1975 tới năm 1990 hoặc 1995. Hiện nay, có một bộ như Trăng Huyết được dư luận chú ý là cực kỳ may mắn trong cuộc đời viết văn rồi. Có lẽ tôi cũng chẳng có tham vọng gì hơn nữa. Và lúc này, tôi lại quay về với việc nghiên cứu và dịch thuật của mình.
Và nhân đây, xin thêm lần nữa cám ơn anh Phạm Ðiền, quí vị thính giả, và các thân hữu, các tạp chí đã cổ vũ và hỗ trợ cho cuốn Trăng Huyết.
Phạm Ðiền: Chúng tôi thành thật cám ơn nhà văn Nguyễn Ước đã dành cho cuộc phỏng vấn này.
Chào ông.• Phát trong Chương trình 11:00 tối, ngày 14.8.2004