Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102321 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 10 -

 Ánh sáng bắt đầu nhạt dần khi Joseph đi qua chiếc cầu nhỏ Thượng Tứ bằng đá, uốn theo hình vòng cung và hoa văn thật đẹp, bắc ngang con hào bọc quanh Kinh thành Huế. Trong chiều tà, ngọn gió nam nhè nhẹ thổi lay động những đóa sen trắng sen hồng đang quần tụ nhau trên mặt nước yên tĩnh đậm màu xanh rêu. Từ lan can cầu nhìn xuống, Joseph thấy hình ảnh lũy thành phản chiếu trên mặt nước bỗng dưng thay đổi sắc màu. Chỉ trong khoảnh khắc, những tường thành cao ngã màu phơn phớt đen với đôi chỗ nứt còn lung linh gạch đỏ tươi, trong nắng hoàng hôn tất cả bất chợt biến thành đỏ thắm, màu của máu.
Joseph quay mình và vừa kịp thấy vầng thái dương từ từ lặn xuống đằng sau các đỉnh núi đỏ tía của dải Trường Sơn ở phía tây. Những tia nắng lịm dần của nó toả hình nan quạt lấp lánh trên mặt nước sông Hương dài hun hút, rộng mênh mang và rợp bóng mát đang nằm lặng yên tịch mịch trong ánh sáng êm đềm của chiều đang trôi. Anh tưởng chừng nghe ra tiếng mấy hàng liễu mảnh mai và lau sậy lướt thướt hai bên bờ đang rì rào chuyện trò trong gió. Và cứ thế, Joseph đứng lặng hồi lâu, uống cho đầy mắt, hoà cho lạc mất mình trong cơn hoài tưởng chuyến viếng thăm năm nào. Kế đó, lòng lặng yên trở lại, anh vội vàng cất bước vào Thành Nội.
Đây là lần thứ nhất Joseph về lại Huế kể từ năm 1936. Theo bản đồ của Guy cung cấp trong phong bì màu nâu sáng nay, Joseph biết rõ góc đông bắc kinh thành kiên cố và xưa cũ của Hoàng đế Gia Long nay đã trở thành Bộ tư lệnh Mang Cá của Sư đoàn 1 Bộ binh thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Anh thấp thỏm chờ thấy các hoạt động quân sự với những đoàn xe vận tải và xe kéo pháo hiện đại tấp nập ra vào, khuấy động không khí yên tĩnh của đất thần kinh. Anh e ngại sẽ chứng kiến những chiếc xe tăng đậu sừng sửng bên cổng thành thay cho các thớt voi đường bệ ngày xưa. Hoặc những người lính quần áo rằn ri mình đầy súng ống sẽ đứng vào chỗ của các ông quan bằng đá hay lính thị vệ đầu đội nón chóp có miếng vải che ngực lắt lay trong gió. Nhưng rồi Joseph thở ra nhẹ nhỏm vì trong thành phố Huế, đặc biệt khu vục nội thành gần như không có dấu vết chiến tranh, ngoại trừ rải rác đôi ba người lính mặc quân phục, vai không đeo vũ khí, chầm chậm chạy xe Honda trên đường về nhà hay tới đơn vị.
Các đơn vị cấp trung đoàn đóng hậu cứ và căn cứ tiền phương xa Huế vài chục cây số. Lính trong bộ tư lệnh sư đoàn hầu hết thuộc các phòng ban hành chánh, hậu cần và đại đội Hắc Báo tăng phái. Bom đạn dường như xa lánh Huế. Trong năm năm trở lại, Huế gần như chỉ bị đối phương pháo kích bằng vài ba phát súng cối lẻ tẻ vào khu dân cư gần Mang Cá. Lần chịu tai ương nặng nề nhất của Huế là bị quân khủng bố ném lựu đạn vào hội chợ Phú Văn Lâu ba năm trước làm chết và bị thương khoảng mười người dân đang xem triển lãm. Trong thành phố không có bóng dáng đi lại của quân nhân Mỹ. Cũng không có quán rượu xập xình, vũ trường xanh đỏ hoặc tiệm ăn tấp nập. Các loại xe quân sự kể cả xe kéo pháo đều không được phép qua cầu Tràng Tiền. Chúng phải dùng cầu Bạch Hổ và bọc đường Quốc Lộ I chạy tới một cửa thành ở mạn đông bắc hoàng thành để vào Mang Cá. Thỉnh thoảng Joseph mới thấy có một chiếc xe díp chở vài ba quân nhân áo quần đầy bụi, súng xếp dưới sàn xe, chạy lạc lỏng trên đường phố, dừng lại trước chợ Đông Ba để uống cà phê Lạc Sơn hay đang tìm đường qua vạn đò Gia Hội. Cuộc sống mộc mạc vật chất và sâu lắng tâm linh của người dân Huế hình như ngày càng kết tinh hơn bởi không còn những xáo trộn chính trị và chỉ chịu ảnh hưởng tối thiểu của viện trợ Mỹ và tiếng động thời chiến. Trong không khí Huế vẫn thoang thoảng mùi hoa sen, hoa huệ và hàng trăm loại hoa cỏ dịu dàng đưa hương từ mỗi vườn nhà nội ngoại thành.
Bất chấp những tàn phá chiến tranh tại các vùng đất khác của xứ sở, đối với Joseph, dọc hai bên bờ sông Hương lặng lờ trôi, lịch sử và truyền thống của đất nước Việt Nam dường như vẫn được bảo tồn trong hoà hợp với vẻ đẹp đằm thắm của cảnh sắc nơi đây. Lòng lâng lâng cảm giác thú vị, anh ngước mắt nhìn lên những con rồng vĩnh viễn nhe răng nơi mái cong bên trên cung điện. Rồi khi rảo bước giữa những lùm bụi và cây cảnh trong những hoa viên thẳng tắp, Joseph ngửi ra mùi hương hoa sứ thoang thoảng. Anh có thể nghe ra tiếng chuông chùa xa xa trầm lắng điểm thu không và thấy mình đang thiết tha hy vọng rằng mọi biểu tượng thanh bình của một thời quá khứ giờ đây có thể trởù thành những điềm lành đầy may mắn cho anh trong cuộc tìm kiếm đứa con gái lạc loài.
Từ Sài Gòn, Joseph phải đi Huế bằng phi cơ dân sự bốn cánh quạt, máy kêu ầm ỉ và thỉnh thoảng thân tàu run bần bật của Air Việt Nam. Khi chiếc xe nhà của một người Việt Nam được sử dụng như một thứ tắc-xi đưa rước, vừa chở Joseph ra khỏi phi trường Phú Bài sau chuyến bay dài hai tiếng đồng hồ, vượt tám trăm cây số cất cánh từ Tân Sơn Nhứt, anh quên hết mệt nhọc bởi có cảm tưởng như thể đang trên một chuyến xe chở mình lần đường tìm về quá khứ. 
Phú Bài nằm cách cố đô An Nam khoảng mười lăm cây số về hướng nam. Con đường quốc lộ hẹp, gồ ghề, chạy qua những cánh đồng Hương Thủy xanh mướt hầu như chưa bị bom đạn chạm tới. Từ những rặng tre vây kín làng mạc, trẻ em cười như hoa mới nở và xúng xính trong bộ quần áo mới ngày Tết màu tươi rói, lật đật chạy ra đầu con đường đất dẫn vào làng, sung sướng đưa tay vẫy vẫy chiếc xe. Nhiều lần tài xế buộc lòng phải dừng xe bên chiếc cống nhỏ chờ cho một con trâu nặng nề đủng đỉnh lê bước băng ngang quốc lộ, ngay trước đầu xe. Trong cuộc hành trình dài nửa giờ ấy, mắt Joseph thường bắt gặp những miếu thờ lẩn khuất và thấp thoáng trong mấy bụi chuối hay dưới các lùm me.
Toàn bộ quang cảnh ấy và vẻ bình yên bất tận của những cánh đồng lúa vắng lặng cùng những xóm nhà tranh nằm rải rác nhắc nhở Joseph, một cách sinh động, về cách mà xứ sở này đang bị hư hoại và tình trạng Mỹ hóa Sài Gòn cùng vài thành phố đông dân khác trong quá trình nỗ lực cứu vãn Miền Nam khỏi bàn tay Cộng Sản. Và anh cảm thấy trong lòng hoài nhớ thấm thía thời thanh xuân của mình, thuở Việt Nam có vẻ như không bị xáo trộn như hiện nay.
Vừa thấy thấp thoáng những con đường thênh thang của thành phố Huế và dòng sông tĩnh lặng trôi êm đềm bên tường thành đế đô, Joseph đã nghe vọng lại trong tâm tưởng lời nhận xét đầu tiên từng được Lan nói với anh hơn ba mươi năm trước: “Joseph ạ, nếu lắng tai thật kỹ anh có thể nghe ra trong Huế nhịp đập của con tim An Nam.” Nhưng khi xe chạy dọc đại lộ Lê Lợi, bên bờ sông phía nam, nhịp đập duy nhất mà anh nghe ra lại chính là của trái tim mình. 
Theo lời người tài xế Việt Nam, địa chỉ do Guy cung cấp ở mãi tận cuối Gia Hội, một khu vực cổ của thành phố, tọa lạc ngoài vòng thành và ở bờ bắc bên kia sông. Những con phố hẹp của khu vực ấy đổ về ngôi chợ Đông Ba đang nằm uể oải không xa chân cầu Clémenceau ngày cũ, nay được gọi là cầu Tràng Tiền. Lòng càng lúc càng khắc khoải, Joseph bảo tài xế cho xe chạy một mạch qua cầu Tràng Tiền, chở anh tới thẳng địa chỉ ấy trước khi ghé vào làm thủ tục nhập khách sạn Hương Giang, nơi Guy đã đánh điện lấy phòng cho anh.
Qua tới khu vực Gia Hội cổ xưa, Joseph thấy những ngôi nhà san sát hai bên đường phố chật hẹp lúc này treo chi chít các dải giấy hồng điều tươi thắm, ghi những câu bằng chữ nho ước mong một mùa xuân mới tràn đầy an lạc. Trước cửa nhà, Joseph để ý thấy có cây nêu trang hoàng một túm lá và bùa để xua đuổi ác thần, cùng một cách thức với loại cây nêu được dựng bên ngoài chánh điện đặt ngai vàng của Hoàng đế Khải Định trong chuyến anh viếng thăm Huế lần đầu tiên, thuở còn là cậu bé mười lăm tuổi.
Đúng giờ giao thừa đêm qua, tại Huế cũng như mọi nơi khác trên khắp đất nước, dân chúng trang trọng cử hành nghi lễ đón hương hồn ông bà tổ tiên đầu năm ngự về cùng ăn tết với con cháu. Và giờ đây, người ta hân hoan nhàn nhã tụ tập thành từng đám đông trên đường phố. Đâu đâu cũng thâáy tà áo dài màu tím Huế đằm thắm hay màu sắc lễ hội vờn bay trong gió vì phụ nữ Huế, từ khuê các tới buôn thúng bán bưng, đều có tập quán mặc áo dài khi ra đường. Lúc trời sắp hoàng hôn, tiếng pháo chào mừng ngày Nguyên đán thêm lần nữa nổ ran. Khi xe chạy qua những ngôi nhà nhỏ mở rộng cửa, Joseph có thể thấy các ngọn nến lung linh trên bàn thờ gia tiên đầy hoa tươi và các dĩa trái cây mới hái. 
Dọc vĩa hè trước nhà, có các đám đông người lớn và trẻ em ngồi chồm hổm, háo hức cười khúc khích hoặc cãi vả om sòm quanh hột xí ngầu hay những trò chơi cờ bạc khác. Và vì ít khi có người Mỹ xuất hiện tại khu vực phố cổ này nên người Việt Nam đang đi trên đường thường đứng lại thành từng đám, nhìn vào cửa xe, trầm trồ chỉ chỏ Joseph.
Xe không thể chạy nhanh vì phải len lõi giữa các đám người đông đúc rộn ràng khiến Joseph càng lúc càng nôn nóng và căng thẳng cực độ. Dù xảy tới tình huống nào đi nữa, viễn ảnh gặp lại Tuyết cũng làm lòng anh nôn nao bứt rứt, nhất là khi anh cảm thấy mình mỗi lúc một căng thẳng trước hoàn cảnh Tuyết sắp bị bắt và tiếp đó, sẽ bị cáo buộc về tội ám sát và khủng bố. 
Trong nhiều năm trời hun hút, giấc mơ gặp lại con gái chưa bao giờ thành có thật nên lúc này, Joseph bắt đầu e sợ biết đâu phút cuối sẽ xảy tới điều gì đó trục trặc. Có thể người ta không tôn trọng lệnh tạm hoản của Guy hoặc có thể sự việc biến thành một trường hợp nhận diện sai người và Tuyết không chút nào có mặt tại đây, hoặc có thể người ta cho lầm địa chỉ. 
Trong khi xe vẫn trườn lách tới trước, những giả dụ ấy và những e sợ phi lý khác vụt qua tâm trí Joseph làm anh xao xuyến thêm lên, không phải chỉ đơn thuần cảnh giác mà còn bởi một lý do khác. Kể từ sáng nay, từ đáy lòng Joseph càng lúc càng dâng cao một nỗi sợ hãi mơ hồ hơn: trong lúc anh và Guy ngồi dùng điểm tâm nơi biệt thự của anh ở đường Duy Tân, Sài Gòn đang nhận từng chút một các báo cáo về những cuộc giao tranh mới nổ ra. Và sau đó, trong những giờ ngồi làm việc ở văn phòng JUSPAO, anh ghi nhận được chi tiết của những trận tấn công đó.
Trong đêm vừa qua, các đơn vị Việt Cộng đã vi phạm cuộc hưu chiến ba ngày để ăn tết Mậu Thân. Họ tung ra một loạt tấn công bất ngờ và dồn dập vào bảy thành phố phía bắc Sài Gòn. Tướng William Westmoreland, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã hạ lệnh hủy bỏ cuộc ngừng bắn Nguyên Đán và tuyên trố tình trạng báo động tối đa cho các lực lượng Hoa Kỳ trên khắp Việt Nam. Tổng Thống Nguyễn Văn  Thiệu sáng nay cũng làm y như vậy. Ông đặt các lực lượng Nam Việt Nam trong tình trạng báo động tương tự, nhưng vào lúc đó, một nửa số lính của ông đã rời đơn vị đi nghỉ phép và đang ở nhà ăn Tết.
Đà Nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn, Pleiku, Hội An, Kontum và Ban Mê Thuột là những thành phố phía bắc Sài Gòn, duyên hải hoặc cao nguyên, trở thành tâm điểm các cuộc tấn công của Việt Cộng. Chúng được phóng ra cùng một lúc với tiếng pháo nổ đầu tiên trong đêm giao thừa. Và dường như đó là một sáng kiến mới mẻ của lực lượng Cộng Sản vì cho đến nay họ lúc nào cũng chỉ hành quân giới hạn, khi ẩn khi hiện, trong vùng rừng sâu, đồi cao và nông thôn hẻo lánh. 
Mặc dù cuộc đụng độ tại bảy thành phố đó vẫn tiếp diễn trong trời tang tảng sáng, cho tới lúc Joseph rời Sài Gòn, các chỉ huy trưởng liên quân Việt Mỹ vẫn hoài nghi về viễn ảnh của một cuộc tổng tấn công đều khắp. Các sĩ quan cao cấp nhún vai nói với Joseph rằng trước đây, đã có vô số lần “báo động đỏ tối đa” nhưng rồi chẳng xảy ra chuyện gì, và rằng các cuộc tấn công đêm qua cũng chỉ là những cú vi phạm ngừng bắn đã thành thói quen của Cộng Sản.
Chiếc máy bay DC-4 của hãng Hàng Không Việt Nam chở Joseph ra phương bắc bay lơ lửng giữa mây trời. Dù thường đưa mắt nhìn xuống mặt đất, anh vẫn không thể dò tìm được bằng chứng nào về những cuộc đụng độ đang được tường trình. Sau khi đi xe hơi từ Phú Bài ngang qua vùng quê Dạ Lê đầy vẻ thanh bình và nhận thấy kinh đô lâu đời của An Nam vẫn nằm yên trong ánh hào quang tĩnh mịch của quá khứ, lòng Joseph vơi bớt nỗi sợ. Và rồi anh lại càng cảm thấy tin tưởng hơn với ý nghĩ rằng phản ứng chính thức của Sài Gòn sáng nay là hợp lý. 
Nhưng tới lúc nghe tiếng pháo bắt đầu nổ ran trở lại trên đường phố Gia Hội Joseph chợt nhớ đến chiến công thần tốc và lẫy lừng trong ngày Tết của một vị Đại đế An Nam, vào thế kỷ mười tám. Thuở ấy, đạo binh nam mười vạn quân từ Đàng Trong vượt sông Gianh kéo ra Đàng Ngoài, rồi tràn vào thành Thăng Long, tàn sát kẻ thù Mãn Thanh giữa cuộc truy hoan mừng xuân của hai chục vạn ngoại nhân phương bắc. Và nay nhớ tới chuyện ấy, lòng Joseph bỗng dưng thêm lần nữa tràn ngập sợ hãi. Anh chồm mình tới trước, thúc giục tài xế cố rướn cho xe chạy tới nhanh hơn, qua những con đường nhỏ đông đúc. Và tài xế bắt đầu bóp còi inh ỏi. 

Cuối cùng, khi xe lách qua được các đám đông đang túm tụm quanh mấy khu vực chợ búa, nó lăn bánh dọc theo một con đường đất dơ dáy và ra tới gần vùng Bãi Dâu, mõm đất cuối của thành phố. Joseph mất tinh thần khi thấy những túp lều xiêu vẹo, mái lợp tôn dợn sóng cong vòng. Người tài xế gầy gò chỉ tới các túp lều rồi lờ quờ hoa tay về phía khu nhà tồi tàn sát mé sông, đối diện với bờ bên kia, nơi rõ ràng là khu vực cấm thườnh dân đi lại. Anh ta nói láu táu bằng tiếng Pháp:
- Lính tráng gọi đây là “Đường Cung Tần Mỹ Nữ”. Ông thấy đó, lính bộ tư lệnh Sư đoàn 1 chỉ cần chống sào nhảy qua con sông nhỏ này là nhập cung ngay.
Nhìn qua cửa xe, Josep thấy thấp thoáng xa xa một pháo đài đặt trên tháp canh Cửa Trài, góc đông bắc của hoàng thành. Người tài xế dừng xe tại một góc đường và chỉ tay về phía một toà nhà lớn và đổ nát, trông như thể được dùng làm kho gạo, với lan can bằng gỗ nứt nẻ chạy men theo mé ngoài của tầng bên trên. Anh ta lém lỉnh nói tiếp:
- Có điều người ta không mở cửa cung trong ba ngày tết nên cung phi mỹ nữ phải lưu vong xuống các vạn đò kiếm ăn. Nhưng biết đâu đầu năm ông gặp hên. Đó, địa chỉ ông tìm đó. Ông nhìn kìa, có người đứng chờ sẵn đấy!
Joseph thấy ở đó có một dãy cửa sổ dùng làm cửa ra vào, ăn thông với lan can gỗ. Dọc theo chiều dài của lan can, đang phơi mấy dây quần áo bạc thếch, bay phất phơ trong gió nhẹ. Sơn phai màu tróc và bung ra từng mảng trên các vách ván cong vòng, có vẻ như đã tới lúc sụm hẳn. Ngay đầu tầng cấp cao nhất dẫn lên lan can, có hình dáng vặn vẹo của một người đàn bà lớn tuổi mặc bộ đồ đen, đang lom khom bên lan can, ngó xuống chiếc xe.
Người tài xế nháy mắt với Joseph và nói:
- Monsieur, có thể nó không đẹp nhưng “đi” rẻ là cái chắc...
- Chờ tôi tại đây!
Joseph giận dữ ngắt lời và lao mình ra cửa xe nhưng chưa vội trả tiền cho anh lái. Trong khi anh nhảy một bước hai bậc, chạy lên tầng cấp, người đàn bà luống tuổi trên lan can quay mình, nhấc chân đi khập khểnh về phía một khung cửa long cánh và đang khép hờ. Nhưng Joseph bắt kịp dễ dàng và túm lấy cánh tay của bà ta. 
Rút trong túi bức hình của con gái do Guy sáng nay bỏ chung trong phong bì, anh vừa dí vào mũi người đàn bà vừa hỏi bằng tiếng Việt, cố ý nói thật chậm:
- Chị Tuyết Lương có đây không?
Người đàn bà nhìn bức hình rồi lắc đầu, không ngó Joseph. Ngoác miệng như sắp kêu cứu và vùng vẫy với sức mạnh không ngờ, bà ta cố gỡ mình thoát khỏi tay nắm của người Mỹ. Thấy thế Joseph buộc lòng phải buông ra. Bà vọt lẹ vô phía trong rồi đóng sầm cửa lại. Joseph chầm chậm đi lui dọc theo lan can, ướm từng cánh cửa mỏng mảnh. Anh đưa tay túm nắm cửa, rung lách cách cho tới khi mở bật ra được một cánh.
Cửa mở thẳng vào một buồng nhỏ, tồi tàn, mốc meo, xông mùi tanh tưởi. Lập tức mắt Joseph bắt gặp một bàn thờ ông địa đặt dưới đất, mặt khói ám lem luốc. Căn buồng làm bằng ván ọp ẹp, chỉ có một bức màn tả tơi vừa che vừa ngăn với hành lang bên trong. Joseph đi dọc tới cuối hành lang, lên tầng trên, vạch hết bức màn này tới bức màn khác. Đồ đạc độc nhất trong mỗi căn buồng dơ dáy đó là một giường ván sần sùi, trải manh chiếu lác đen sì ở giữa. Đầu giường vắt chiếc khăn nhỏ nhớp nhúa, sờn tới độ sắp rách. Cuối chân giường để một cái xô bằng nhôm và chiếc ca nhựa múc nước. Đâu đó trong phòng vương vãi mấy miếng giấy kẽm màu vàng, như hai mặt của một đồng đô-la tròn trịa úp vào nhau. Joseph rùng mình khi thoáng nghĩ tới công dụng của những đồ đạc ấy. Sau khi xem xét tới căn buồng cuối cùng, Joseph quay mình trở lui. 
Để ý thấy hình dáng lờ mờ của người đàn bà luống tuổi từ cuối hành lang đang lấm lét nhìn theo mình, Joseph lật đật quay lại, ấn vào tay bà tờ giấy con cọp năm trăm đồng. Và thêâm lần nữa, anh rút bức ảnh của Tuyết ra. Anh nói bằng tiếng Việt, cố ý phát âm thật chậm từng tiếng một:
- Đúng nửa đêm nay, tôi sẽ tới đây lần nữa. Bà phải nói với Tuyết Lương rằng nó phải gặp tôi ở đây.  Bà phải nói với nó rằng tên tôi là Joseph Sherman. Việc này rất quan trọng. Một vấn đề sống chết.
Bộ mặt choắt cheo của người đàn bà nhăn lại lưỡng lự nhưng dù gì đi nữa, bà vẫn túm chặt tờ giấy bạc bằng cả hai tay. Trong một hồi lâu bà nhìn Joseph với ánh mắt kỳ dị rồi lê chân đi một mạch, chẳng tỏ vẻ mình có hiểu hay không lời vừa nói của người Mỹ.

Joseph bảo người tài xế chở anh tới khách sạn rồi nói anh ta chờ trong khi anh mang túi đồ ngủ qua đêm lên nhận phòng. Sau cùng, Joseph trả tiền cho người tài xế khi anh ta thả anh xuống bên cạnh chiếc cầu nhỏ bằng đá bắc qua hào sen bên ngoài cửa Thượng Tứ, lúc mặt trời đang lặn. Nhìn những con đường xanh bóng cây và nhà cửa bên trong Kinh thành, Joseph thấy lòng dịu lại. So với thành Bắc Kinh khô khan đầy nắng gió thì thành nội Huế thơ mộng, sinh động và có hơi người vì dân chúng ăn ở đi lại đông đúc, nhà cửa khi leo lên gần bờ thành, khi núp bóng trong những vườn cây rậm rạp. Joseph khấp khởi mừng, nghĩ rằng dù sao lần này mình cũng sẽ được đặt chân vào Tử cấm thành u tịch. Nhưng qua cửa Hiển Nhân, vào hẳn bên trong Đại Nội và nôn nóng đi vòng ra mé sau điện Thái Hòa, Joseph bàng hoàng khi thấy những thâm cung huyền bí bốn mươi ba năm trước từng hiện lên thấp thoáng trong đôi mắt mê mẩn và tò mò của cậu bé mười lăm tuổi, nay chỉ là hoang tàn bình địa. 
Tử cấm Thành không còn thành nữa. Vườn Thượng uyển đằng xa kia lồ lộ trên cao như sân khấu trống trơn của một vận động trường điêu tàn mà khán giả chỉ là hàng chục luống rau tím, bụi cải vàng lay lắt trong gió hoàng hôn. Hầu hết miếu đền cung điện chỉ còn trơ lại nền. Kể cả lầu Kiến Trung, nơi tháng 8.1945, đại diện địa phương của Việt Minh long trọng cam kết với hoàng đế Bảo Đại là sẽ giữ gìn đền miếu lăng tẩm của nhà Nguyễn. Đó đây ngả nghiêng vài di tích như những trang thờ bằng gạch xanh biếc màu rêu, nằm xiêu lệch làm dấu mốc cho các vườn rau hay mấy vạt cỏ hoang. 
Trên mỗi nền đất hoang giờ đây có cắm tấm bảng, bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh, đề tên cung điện và ghi thêm rằng tháng Hai năm 1947, khi mặt trận Huế vỡ, Việt Minh giật sập bằng chất nổ trước khi họ rút khỏi cố đô, bắt đầu cuộc tiêu thổ kháng chiến chống Pháp nơi đồng ruộng. Cũng may còn lại vài ba đền đài. Riêng Điện Thái Hòa không hiểu sao họ chỉ chất củi đốt nên lính Pháp vào cứu kịp. Hay là Cộng Sản cũng sợ làm kinh động long mạch, nơi giao hòa của Thanh long và Bạch hổ. Thở đều một lát cho những xúc cảm ấy lắng xuống, Joseph  tiếp tục một mình đi bộ loanh quanh trên sân Đại Triều Nghi để thấm thía vẻ sâu thẳm của Ngọ Môn dưới lầu Ngũ Phụng và tận hưởng mùi hương hoa đại thoang thoảng từ các vườn hoa cỏ dại mọc đầy. 
Phát sinh từ lòng ngưỡng mộ những truyền thống quân vương và tôn trọng các chùa chiền lăng tẩm, Hoa Kỳ không bao giờ để cho lực lượng quân sự của mình trú đóng tại Huế ngoại trừ một số ít ỏi các cố vấn quân sự chiếm cứ toà nhà khách sạn Thuận Hóa ở mạn nam sông Hương. Một nhóm nhỏ dân sự Mỹ sống trong thành phố đảm trách công tác lãnh sự và tình báo. Joseph làm theo lời khuyên được Guy ghi trên một mảnh giấy để sẵn trong phong bì, dặn rằng khi tới cố đô, anh nên thông báo sự có mặt của mình tại Huế với văn phòng CORDS — Civil Operation Revolutionary Development Support: Cơ Quan Bình Định và Phát Triển — tên gọi một bộ phận lúc đó điều hợp chương trình bình định nông thôn của Mỹ. Tại đó, anh bắt gặp một nữ thư ký người Việt đang một mình trực văn phòng.
Joseph cho cô ta biết họ và tên của mình, địa chỉ khách sạn, và chỉ nói rằng anh tới Huế trong hai ngày nghỉ để ngoạn cảnh hoàng cung. Cô ta viết các chi tiết đó vào một cuốn sổ. Một viên chức CIA trong lớp vỏ nhân viên CORDS, được Guy báo trước chuẩn bị đón một quan chức JUSPAO cao cấp từ Sài Gòn ra, đã để lại số điện thoại riêng cùng lời mời Joseph dùng cơm tối với anh ta. Nhưng Joseph cảm thấy không có bụng dạ hào hứng với chuyện giao tiếp xã hội nên anh một mình đi bộ trở lại khách sạn. 
Ở đó, Joseph rán ăn uống đôi chút bữa cơm chiều tại phòng ăn nhìn xuống dòng sông, nhưng không chạm nổi dĩa thức ăn. Suốt một tiếng đồng hồ, anh ngồi đưa mắt nhìn qua cửa sổ, ngó xuống những con thuyền treo đèn ú ngũ sắc đậu thành từng chòm nhỏ dọc bờ sông. Trời bên ngoài càng về chiều theo với tiếng pháo nổ ran từ mọi hướng, lòng Joseph càng nôn nóng. Cuối cùng, anh bước ra đường, lang thang dọc bờ sông, tìm cách giết cho hết khoảng thời gian đang chầm chậm trôi qua làm nặng trĩu thêm cái tâm trạng vốn đã khắc khoải cực độ.
Đi hết công viên đầy hoa ven bờ sông, trước hai ngôi trường trung học nam và nữ lớn nhất của Huế, bất giác Joseph thấy ra mình đang rẽ qua hướng nam, bước dọc theo những hàng cây thẳng tắp dẫn lên đàn Nam Giao, nơi thuở nào anh cùng Lan quan chiêm Lễ Tế Trời. Và rồi anh thấy ra rằng những tường thành cao của tế đàn nay cỏ bò lan khắp, rêu bám đầy và nhiều chỗ sụp lỡ. Cây trong Rừng Thông Công xơ xác, bị dân địa phương đốn làm củi hoặc trẻ mục đồng bẻ cành làm trò  đánh giặc. Trong trời nhá nhem tối, quần thể tế lễ thái cổ đó không những đã mất sức mê hoặc mà còn đầy vẻ thê lương hiu quạnh. Joseph lại lãng đãng đi lang thang suốt một lúc trên những con đường đất chung quanh tế đàn. 
Joseph bắt đầu cảm thấy chán nản và lòng dạ ủ ê hơn khi khám phá ra tại khu vực ven đô này không kiếm nổi phương tiện cơ giới về lại thành phố. Cuối cùng, anh đi bộ một quãng rất xa tới đầu dốc Bến Ngự, chỗ ngó thẳng xuống con sông đào, mới vẫy được một chiếc xích-lô ọp ẹp. Xe chở Joseph thẳng tới nhà thổ xiêu vẹo để anh giữ đúng lời hẹn nửa đêm với đứa con gái lúc này không chỉ là người xa lạ đối với anh mà còn là kẻ tự khẳng định công khai, suốt bảy năm qua, rằng sẽ dùng hết trí tuệ và thân xác đối đầu quyết tử với đất nước của cha mình để trả thù chồng.

<< - 9 - | - 11 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 877

Return to top