- Làm sao thắng được cuộc chiến tranh này khi mình tìm đếch ra quân địch?
Đại úy Lionel Staudt lầm bầm qua kẽ răng khi đứng dạng chân giữa xóm ba. Lúc đó trời mười giờ rưỡi. Lính Nam Việt Nam lờ quờ tập họp lại sau khi lục soát thêm vài nhà tranh trong xóm, cũng không tìm thấy gì. Như thường lệ, bà già và trẻ con bị gom thành một tốp để thẩm vấn nhưng rồi cũng chẳng ghi nhận được gì thêm. Ba-lô lính hầu hết treo lủng lẳng một con gà hoặc một con vịt vừa cắt tiết. Rõ ràng họ chỉ mong mau tới giờ nghỉ trưa để lè phè nấu bữa ăn chính trong ngày vốn đã thành thông lệ trong các cuộc hành quân. Lúc này trên đầu mọi người, mặt trời tháng Tư phả hơi nóng hầm hập khiến ai nấy đều khật khờ, góp phần làm tăng thêm tình trạng căng thẳng giữa các sĩ quan Việt nhỏ thó và các cố vấn Mỹ mồ hôi nhễ nhại.
Bước vào bóng mát của một lùm dừa, Staudt đưa tay quệt lông mày. Viên đại úy Mỹ đứng nhìn trung úy Cát đang bàn soạn với đại úy Hoàng trong sân một túp lều tranh cuối xóm, anh lầu bầu:
- Nếu chúng ta bỏ công sức ra đánh giặc cũng nhiều chẳng kém công sức bỏ ra đi tìm giặc thì cách đây một năm đã kết liễu được cuộc chiến tranh ruồi bu này rồi. Hoặc thực tế, có thể đếch ai đi tìm giặc! Từ sáng tới bây giờ, đối tượng duy nhất bị "lùng-và-diệt" lòng vòng mấy chỗ này là mấy chục con gà con vịt trong chuồng!
Toán truyền hình Anh vốn được đặc biệt chiếu cố, lúc này chất đồ nghề thành một đống trong bóng mát dưới lùm cây và ngồi xuống nghỉ ngơi. Hai chuyên viên kỹ thuật miệng cười hớn hở. Chỉ riêng Naomi Boyce-Lewis trông có vẻ vẫn phớt tỉnh và trầm lặng, hình như không để ý tới cái nóng. Đưa mắt nhìn dọc con đê họ sẽ phải theo đó băng qua cánh đồng ngập nắng để vào xóm kế tiếp, Naomi hỏi Staudt:
- Xin đại úy vui lòng cho biết cuộc hành quân này sẽ kéo dài như thế nào?
Staudt cởi khẩu AR-15, dựa súng vào thân cây. Anh đưa bi-đông nước lên miệng tu một hơi rồi nói:
- Cô Boyce-Lewis ạ, bây giờ cô đã thấy rõ rằng trong cuộc hành quân này tôi không có quyền chủ động. Nếu người Mỹ trực tiếp chỉ huy chiến trường cô sẽ thấy chúng tôi đánh Việt Cộng nhanh nhạy hơn nhiều. Cách đây nửa giờ, tôi đã đưa ra lời cố vấn rằng chúng ta phải lập tức lùng sục khắp Mộc Linh - nhưng chúng tôi phải chờ mấy ông bạn đồng minh nhỏ thó kia quyết định họ sẽ chấp nhận nguyên con lời khuyên đó hay chỉ chấp nhận qua loa đôi chút thôi - hoặïc chả chấp nhận tí ti ông cụ nào cả!
- Thưa đại úy, như vậy ông có cảm thấy chắc chắn người Nam Việt Nam cũng muốn chiến đấu chống Cộng Sản không kém gì ông không?
Đột nhiên đối với người Mỹ, cái giọng Anh ngữ gia giáo học đường đó dường như chõi với cái nóng như thiêu như đốt và mùi gia súc tởm lợm của một thôn ấp quê mùa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó gợi lên trong tâm trí anh những tấm mạng che mặt viền đăng-ten trang nhã, đồ sứ mỏng mảnh làm bằng hợp chất đất sét với tro xương, người quản gia khúm núm từ một phòng ăn mờ mờ tối có vách dán pa-nô bước ra với chiếc khay bạc trên tay. Staudt nhìn Naomi, mắt ánh lên vẻ giễu cợt:
- Có thể có một vài người như vậy. Nhưng cô biết không, Tổng Thống Diệm của họ không bao giờ thật sự chịu thay đổi cái thói quan lại và thực dân cũ kiểu Pháp trong việc quản lý cái mảnh đất nhỏ xíu này của thế giới. Cả thảy bốn mươi mốt tỉnh vẫn do một nhúm các thiếu tá và đại tá cai quản - những ông quan mặc đồ nhà binh!
- Nhưng phải chăng việc đó nhất thiết ảnh hưởng tới phẩm chất của quân đội?
- Nếu cô cai quản một tỉnh hoặc một quận, có nghĩa làø cô thu thuế, cô kiểm soát mọi sự, cô nhận được quà cáp biếu xén, và nhất là suốt thời gian đó, cô có thể chấm mút trong sốâ đồ viện trợ và đồ tiếp liệu Mỹ trị giá có khi lên tới bạc triệu. Lúc đó đối với cô, có phải việc giữ tính mạng ông quan nhà binh của mình để làm giàu thì có lý hơn việc để cho mình tử trận vì đụng độ với Việt Cộng? Vì vậy hầu hết sĩ quan cấp quân đoàn của QĐVNCH chẳng muốn gì hơn là được làm một người ngồi đằng sau bàn giấy, có chức có quyền và có của cải. Đại úy Hoàng kia không là một ngoại lệ.
Người nữ phóng viên đưa mắt nhìn qua bãi đất trống, tới chỗ hai sĩ quan Cộng Hoà hình như đang thảo luận gay cấn với nhau. Nàng thấy đại úy Hoàng gọi lính truyền tin tới, rồi cầm ống liên hợp và bắt đầu nói liến thoắng.
Staudt thì thầm:
- Người ta giả dụ rằng tới mười ngày nữa, khi tôi lên tàu rời khỏi xứ sở này cũng là lúc đại úy Hoàng đã tiếp thu vào đầu hết tất cả những gì tôi học được ở Normandy và Triều Tiên - lý thuyết là như thế! Nhưng nếu cô hỏi tôi thực tế ra sao thì thưa cô nó như thế này. Đầu óc của anh ta chỉ nghĩ tới một văn phòng hành chánh tỉnh đường hoặc quận đường nhỏ bé và an lành nào đó, nơi anh ta có thể thu vén làm giàu cho cá nhân mình.
Vào lúc ấy, trung úy Gary Sherman quay lại nhập bọn và gật đầu đầy ngụ ý với Staudt. Theo lệnh của Staudt, viên sĩ quan trẻ đã âm thầm dùng máy truyền tin riêng của cố vấn Mỹ - không để cho lính Cộng Hoà nghe - truyền lời đề nghị của Staudt về cho viên thiếu tá Mỹ ở bộ tư lệnh Sư đoàn 7 rằng phải hối thúc đoàn quân lẹ làng xuất kích tiến vào ba xóm còn lại. Gary biết rằng viên thiếu tá Mỹ đang ngồi sát một bên viên thiếu tá QĐVNCH chỉ huy trưởng cuộc hành quân này, có thể tiếp tay khai thông bất cứ sự lừng khừng nào của sĩ quan Cộng Hoà tại mặt trận và buộc họ phải tiếp tục hành quân. Cái gật đầu kín đáo của Gary có ý nói rằng bộ tư lệnh đã nhận được và hiểu rõ lời yêu cầu của viên cố vấn Mỹ. Với vẻ hài lòng, Staudt vỗ vai viên trung úy rồi cất chân đi thẳng tới chỗ đại úy Hoàng.
Cấp trên đi rồi, Gary Sherman nhăn mặt cười rầu rĩ với người nữ phóng viên Anh. Anh lột mũ xuống, đưa tay vuốt mái tóc màu hung cụt ngũn và đẫm mồ hôi. Sau khi thận trọng liếc quanh để biết chắc chắn không ai có thể nghe, Gary nói thấp giọng:
- Cô Boyce-Lewis ạ, tôi biết rằng đối với người ngoài, đại úy Staudt trông có vẻ hơi khó tính. Thật ra, đó chỉ là kiểu cách biểu lộ của ông ấy thôi. Ông là kẻ thừa nhận mình trước hết là một người lính, không phải một nhà ngoại giao. Nhưng bên dưới tất cả những lời lẽ cộc cằn đó, ông cũng giống mọi sĩ quan Mỹ tham chiến ở đây. Tất cả đều đặt hết lòng tin vào công cuộc chúng tôi đang ra sức làm.
Người nữ phóng viên Anh gật đầu mỉm cười cảm động vì lời nói chí tình của viên sĩ quan Mỹ nhỏ hơn nàng mấy tuổi:
- Tôi hiểu rất rõ trung úy ạ. Tôi có thể thấy công việc của quí vị chẳng dễ dàng chút nào.
- Tôi nghĩ ông đại úy của tôi có khuynh hướng đối xử khá cứng rắn với lính Nam Việt Nam - cũng như với các sĩ quan của họ. Nhưng không phải hết thảy họ đều là những người u ám như ông ấy tô màu. Họ có rất nhiều người, như trung úy Cát, có lý do rất chính đáng để không yêu thương gì Việt Cộng. Và họ cũng có khả năng chiến đấu giỏi không kém gì Việt Cộng, vì nói cho cùng, cả hai phía cũng chỉ là một dân tộc. Từ thời chiến tranh Việt Pháp, gia đình dòng tộc của họ đã bị chia phe bên này bên kia. Và toàn bộ vấn đề chung qui chỉ là việc họ có được cấp lãnh đạo quyết tâm và hữu hiệu ngang mức nào...
Nhìn tốp lính Cộng Hoà đang nấu ăn, Gary nói thấp giọng:
- Hầu hết họ là lính quân dịch mới ra trường, không được huấn luyện chu đáo như ở các quân trường phương tây. Vũ khí thuộc loại cổ điển, cách đây hai chục năm. Kẻ thù lại như bóng ma, tìm thì không thấy, chưa thấy đã bị bắn tỉa. Còn chuyện mấy con gà con vịt... họ chỉ suy nghĩ giản dị rằng thà mình làm thịt ăn còn hơn chừa lại để người ta tiếp tế cho quân du kích.
Naomi Boyce-Lewis lại mỉm cười, lần này vui vẻ hơn:
- So với người mới tới đây chỉ có hai tuần, rõ ràng trung úy là kẻ nắm tình hình cực nhanh và rất giỏi.
Bộ mặt đẹp trai và trẻ thơ của Gary Sherman chợt nhíu lại thành một nụ cười bối rối:
- Tôi xin lỗi cô Boyce-Lewis - tôi không cố ý tỏ ra mình là kẻ am hiểu. Tôi thấy vẫn còn nhiều cái mình cần phải học hỏi. Nhưng cha tôi đã ở xứ này một thời gian. Ông từng làm phóng viên tại đây vào những năm năm mươi.
Gary ngừng nói, đưa tay quệt lông mày lần nữa. Trên mặt anh thoáng chút ngượng nghịu:
- Đã lâu tôi không gặp cha tôi, nhưng tôi nghĩ mình tiêm nhiễm sâu xa cái năng khiếu ấy của ông tuy mình không nhận ra.
- Vậy chắc chắn tôi sẽ tìm cách tham khảo ý kiến của anh vào lúc nào đó khi chúng ta có cơ hội bình tĩnh nói chuyện với nhau.
Naomi tỏ ra ưu đãi Gary bằng một nụ cười tâm phúc, thuộc loại sở trường, vốn từ lâu đã trở thành bản tính thứ hai của nàng khi trò chuyện với người nào có thể giúp mình điều này điều nọ để làm thành một bản tin sốt dẻo. Và quả đúng như nàng tính toán, người thanh niên Mỹ được tán tụng ấy hoác miệng ra cười sung sướng, tới tận mang tai:
- Thưa cô, tôi rất hân hạnh được giúp cô, bất cứ lúc nào.
Nhìn qua vai Gary, Naomi thấy đại úy Hoàng gọi thông dịch viên tới một bên và bắt đầu cao giọng sôi nổi nói với đại úy Staudt bằng tiếng Việt. Trong khi những lời ấy được dịch sang tiếng Anh, viên đại úy chỉ huy trưởng Việt giận giữ ngó chằm chặp viên đại úy cố vấn Mỹ:
- Tôi đã quyết định rằng chúng ta ngưng cuộc hành quân và rút về. Nhưng khi báo cáo dự tính đó với bộ tư lệnh thì tôi hết sức kinh ngạc là nó bị cấp trên bác bỏ. Họ nói lực lượng tiếp viện hiện vẫn ứng chiến; chỉ trong vài phút nữa thôi là sẽ có mặt tại đây.
Staudt hỏi với vẻ mặt hả hê không thèm che đậy:
- Thế thì đại úy ạ, anh hạ lệnh sao đây?
Nét mặt của Hoàng cho thấy rõ ràng anh ta đã biết mình bị Staudt qua mặt. Quay đầu chỉ tới xóm kế đó, vầng trán cau có của Hoàng tối sầm:
- Chúng ta lập tức tiến quân vô xóm bốn. Tôi đã ra lệnh cho lính di chuyển thật nhanh trên đường đê, theo hàng một, không được đi sát nhau.
Staudt thất kinh ngó chằm chặp viên đại úy người Việt. Giọng anh ré lên với vẻ sửng sốt không tin nổi:
- Đại úy vừa ra cái lệnh gì vậy? Đại úy Hoàng này, bộ anh không thèm ngó tới địa hình sao? Từ sáng tới bây giờ, mặt đê đó là nơi lộ thiên trống trải nhất. Nó là chỗ mai phục khỏi chê. Nếu đích thân tôi phục kích, chắc chắn tôi sẽ ra tay ngay chỗ đó. Người của anh phải xuống dưới mấy thửa ruộng khốn nạn kia mà đi. Dàn ra thật rộng theo hàng ngang mà đi.
Bộ mặt người Việt Nam vẫn cứng nhắc như chiếc mặt nạ. Dù biết chắc chắn viên sĩ quan Việt hiểu hết những gì vừa được nói bằng tiếng Anh nhưng viên đại úy Mỹ vẫn phải chờ câu trả lời, vì Hoàng nhất quyết buộc viên trung sĩ phải thông ngôn lời cố vấn của Staudt. Kế đó, đại úy Hoàng tuôn một tràng tiếng Việt và thông dịch viên lại ngập ngừng chuyển sang tiếng Anh:
- Lính của tôi mệt rồi. Trời quá nóng. Cánh đồng ở hai bên đê trống trải, chỗ đâu cho địch mai phục. Ra lệnh cho họ xuống dưới ruộng để thêm lần nữa lội trong bùn sình là điên rồ. Thưa đại úy cố vấn, lệnh của tôi đã phát ra rồi. Và lệnh đó không thay đổi.
Staudt sửng người nhìn Hoàng. Rồi anh cáu kỉnh thở ra một hơi dài thườn thượt và cam chịu:
- Thế thì thôi - vậy ai đi đầu mũi?
Viên đại úy Việt Nam nghiến chặt răng mấy lần, cố giấu cơn giận vì bị cật vấn:
- Đại úy Staudt này, việc người nào đi đầu có thành vấn đề không khi ta sẽ tới cái xóm rõ ràng là chẳng có ma nào kia?
- Có. Chắc chắn một trăm phần trăm đó chính là vấn đề! Người đó phải là kẻ giỏi nhất của anh ở đây! Trong tình trạng một trăm lính di chuyển dọc theo hàng một, người này sát ngay sau lưng người kia, thì chỉ một viên đạn đủ sức bay xa thôi cũng có thể xâu chết cả lũ. Nếu đụng địch, chỉ hai người có khả năng bắn trả là kẻ đi đầu mũi và kẻ đi kế anh ta. Còn hết thảy những người kia nếu lúc đó nổ súng, họ sẽ bắn thủng đít nhau ngay!
- Vậy, trung úy Cát đi đầu mũi!
Sau khi thô lổ khạc ra câu đó viên đại úy Cộng Hoà sấp lưng bước thẳng xuống đằng đuôi đội hình. Anh ta vẫy vẫy những người lính đang chờ, ra lệnh cho họ vượt qua mình. Với bộ mặt trắng trẻo khôi ngô và không lộ chút xúc động nào, trung úy Cát chọn kẻ đi theo mình là một trung sĩ nhỏ con mà rắn chắc, mang súng phóng lựu M-79. Và đại úy Staudt bất chợt nảy ra một quyết định. Anh hất hàm về phía Gary Sherman. Viên trung úy xuất thân West Point lập tức cởi ba-lô máy truyền tin PRC-10 xuống. Ba mươi giây sau, hai viên sĩ quan trẻ dẫn đầu đội hình bước lên con đê dưới ánh mặt trời chói chang của vùng châu thổ.