Joseph rùng mình khi cánh cửa màu trắng của phòng giam đặc biệt dưới tầng hầm Sở Liêm Phóng cũ, bót Catinat thời Pháp, đóng sầm lại sau lưng anh và Guy. Đôi mắt anh tự động nheo lại dưới ánh chói lọi của những ngọn đèn pha sáng quắc từ bên trên đầu tỏa xuống, chảy lênh láng sàn phòng rồi phản chiếu lên bốn bức vách và dội ngược trở lại trần nhà mà mọi phía đều sơn một màu trắng toát đơn điệu.
Qua các lỗ lưới mắt cáo gắn ở mé cao trên vách, nghe rõ mồn một tiếng nhiều chiếc máy lạnh đặt đâu đó đang chạy vù vù, đều đều, và cái lạnh buốt nhói bên trong phòng cho thấy năng suất cực mạnh của chúng. Trên nền xà-lim diện tích khoảng hai chục thước vuông, người ta chỉ bày biện một xô nước nhỏ, một cái bàn, một chiếc ghế đẩu và một giường ván; tất cả đều sơn màu trắng lấp lánh. Trong góc phòng, bên cạnh xô nước, có một cái lỗ, lộ liễu và không che chắn, dùng làm nơi vừa đại tiện vừa tiểu tiện.
Nhân vật cư trú độc nhất trong xà-lim ngồi trên ghế đẩu xây lưng về phía họ — một dáng người đứng tuổi, nhỏ thó và rất co rút, mặc trên thân độc chiếc quần cụt màu trắng sờn xơ chỉ. Người ấy gần như cụp mình xuống tới hai lần với hai vai rút lên tận mang tai và hai tay ôm chặt hông để cố sức tự cung cấp chút hơi ấm cho thể xác đang run cầm cập của mình.
Guy nói giọng đều đều:
- Chúng tôi lập ra xà-lim này để đặc biệt dành cho hắn. Trong một cuộc hành quân của Lực lượng Đặc biệt, người ta bất chợt phát hiện bộ chỉ huy của hắn nhờ tình cờ bắt gặp một nhà bếp kiểu Điện Biên Phủ thuở trước ở gần Mộc Linh. Bọn cần vụ của hắn gồm sáu tên bảo vệ và hai tên đầu bếp nên chúng tôi biết mình đã lưới được một con cá cực lớn.
Đưa tay chỉ hai hàng lỗ thông gió đục cao trên vách trong khi hai anh em cùng bước tới phía người tù, người CIA nói tiếp:
- Không phải lỗ nào trên lưới mắt cáo kia cũng dùng để dẫn không khí vào. Chúng tôi gắn các mi-crô cực nhạy và các ống kính truyền hình để ghi nhận từng cử chỉ, từng âm thanh của hắn suốt hai mươi bốn giờ trong ngày dù hắn thức hay ngủ. Cho tới lúc này, hắn không để lộ gì cả. Tuy vậy, cũng cho tới lúc này, hắn chưa bao giờ mặt đối mặt với một sĩ quan OSS từng tiếp tay huấn luyện cái đám du kích Việt Minh cỏn con mà đầy mơ mộng hồi năm 1945.
Guy cất cao giọng để âm vang rõ hơn trong xà-lim nhưng khi cả hai tới gần, người Việt Nam còm cỏi ấy vẫn không nhúc nhích, không quay lại. Thậm chí khi hai người Mỹ đi vòng tới đứng trước mặt, anh ta vẫn tiếp tục chúi mình, co ro ôm chặt thân thể tiều tụy bằng hai cánh tay gầy guộc trơ xương, và họ chỉ thấy đỉnh đầu anh ta chúi xuống. Guy thấp giọng, nói bằng tiếng Pháp:
- Này đồng chí, tôi đem một người bạn cũ của bác Hồ tới gặp nhà ngươi đây. Hãy để cho ông ta nhìn rõ ngươi một chút.
Trong một hồi lâu, người tù vẫn yên lặng chúi đầu xuống. Nhưng cuối cùng, khi anh ta nhướng mắt lên nhìn họ, Joseph bỗng căng cứng người và ém bụng hít vào nhè nhẹ. Dù hai gò má hốc hác lõøm sâu và mớ tóc bạc bị cạo sát da đầu, đôi lông mày của một người học rộng và ánh mắt sáng quắc khiến Joseph lập tức nhận ra người Việt Nam ấy. Và ký ức anh quay trở lại thật nhanh thời điểm hai mươi ba năm trước, tới đôi ba ngày ngắn ngủi anh trải qua trên mỏm đá bên ngoài hang Pắc Bó trong thời gian anh được săn sóc phục hồi sức khoẻ sau khi chiếc máy bay Warhawk bị rớt. Trong chớp mắt đôi bên nhận ra nhau. Mắt của Đào Văn Lật cũng mởù lớn, ánh lên một thoáng phù du, rồi nét mặt lại trở về vẻ trống rỗng cũ.
Guy chăm chú quan sát cả hai người và hắn ghi nhận được những dấu hiệu bất giác ấy. Tiếng hắn sắc lạnh, không kềm được âm vang đắc thắng trong giọng nói của mình:
- Joseph, tôi có thể nói là anh nhận ra hắn. Hắn là ai vậy?
Tiếp tục nhìn Lật đăm đăm, đầu óc Joseph rối tung với những thôi thúc trái ngược nhau. Làm thế nào anh có thể kết hợp ổn thỏa trong tâm trí mình hình ảnh một người An Nam trí thức, trẻ tuổi và đầy lý tưởng, kẻ đã từng đọc thơ của Hồ Chí Minh cho anh nghe trên một sườn núi ở Bắc kỳ, với hình ảnh một lãnh tụ du kích chiến chuyên khủng bố phá hoại, pháo kích khu dân cư, ném lựu đạn vào nơi thị tứ, giật mìn xe đò xe lửa, và rõ ràng cũng đã từng điều hành các chiến dịch đánh phá đẫm máu và không chừa một thủ đoạn nào của Việt Cộng ở Miền Nam? Và nếu anh xác nhận nhân dạng rằng người tù này là một trong những phụ tá thân cận của Hồ Chí Minh, liệu việc đó có khích lệ chính phủ Mỹ trao trả anh ta để đổi lấy một nhóm các phi công bị bắt trong đó có thể gồm luôn cả Mark? Hoặc việc biết rõ người tù này thật sự là ai chỉ khiến cho họ thèm muốn giữ chặt anh ta lâu hơn nữa? Còn nữa, Hồ Chí Minh có thể sẽ không nhả Mark, thậm chí trả thù tàn khốc khi biết ra người chỉ mặt Đào Văn Lật chính là cha của nó?
Trong vài giây, Joseph dằn vặt cực độ. Anh không biết trong hai diễn tiến khả thi đó cái nào có thể đưa tới việc phóng thích Mark. Rồi không biết quyết định nên chọn cái nào, Joseph đột nhiên quay lưng lại với Lật. Anh nói chầm chậm:
- Tôi không biết chắc chắn. Tôi nghĩ mình có thể nhận diện được hắn — nhưng tôi không chắc lắm.
Một vẻ nhẹ nhỏm lướt qua khuôn mặt Lật. Và anh ta lại thêm lần nữa chúi đầu xuống, mắt nhìn chằm chặp sàn phòng.
- Nhưng hắn từng là một tên trong bọn ở chung với Hồ Chí Minh trong động đá ở Bắc kỳ, phải không?
Giọng Guy giận dữ đề quyết. Joseph quay lại đối đầu hắn và nói với nét mặt cau có:
- Guy này, tôi đã ở Việt Nam trong một quãng thời gian rất lâu, suốt bao nhiêu năm trời và gặp gỡ vô số người. Tôi nghĩ mình có nhớ ra mặt của anh ta ở đâu đó — nhưng có thể là vào hai ba chục năm về trước. Và thuở đó anh ta không bị biệt giam suốt cả năm dài trong cái địa ngục trắng xóa này. Tôi thật sự không nhớ rõ mình có thể đã gặp anh ta ở chỗ nào.
Guy nói lẹ làng:
- Ở Toà Đại sứ chúng tôi có hình ảnh ngược trở lại bốn chục năm về trước. Chúng tôi thừa hưởng kho lưu trữ hình ảnh của Sở Liêm Phóng Pháp. Có thể anh nhận dạng được một bức ảnh có ghi tên trên đó.
Mắt người CIA liếc xuống Lật lúc này vẫn ngồi đưa mắt nhìn trống rỗng phía trước mặt với thái độ như thể hai người Mỹ đã bỏ đi tự lúc nào.
- Nhưng Joseph ạ, còn có một cái khác có thể giúp gợi lại trí nhớ của anh — nó được ghi vào hồ sơ là “những vết thẹo và đặc trưng cá biệt về thể xác”.
Nắm một cánh tay đang mắc trong còng của Lật, Guy lôi anh ta đứng lên. Rồi với cử động của bàn tay còn lại, Guy túm chiếc quần cụt lỏng lẻo của Lật tuột thật lẹ khỏi hai ống quyển, xuống tận sàn nhà. Vẫn túm chặt cánh tay của người Việt Nam để anh ta không thể cúi xuống kéo quần lên, hắn quay anh ta về phía Joseph theo cách làm sao để háng của anh ta phô ra trọn vẹn:
- Lúc này anh đã biết tôi có ý nói gì — hắn chẳng có một hòn dái khốn nạn nào cả!
Trơ vơ trong bàn tay nắm cứng của người Mỹ, Lật loay hoay rán hết sức vươn cái thể xác ốm o tàn tệ của mình lên để cố giữ đầu ngẩng thật cao nhìn thẳng tới bức tường trắng trước mặt, nơi đằng xa kia, cố sức phấn đấu giữ cho bằng được cái tư thế mà ít nhất theo tâm tưởng của anh, nó cũng biểu lộ một phẩm cách nào đó.
- Anh giải thích ra sao về cái này, Joseph? Liệu có thể hắn từng là một loại thái giám nào đó ở cung đình Huế ngày xửa ngày xưa? Có phải đó là nơi có thể anh từng gặp hắn?
Lật đang nghiêng qua lắc lại cố giữ thăng bằng. Joseph quay mặt đi ra cửa để khỏi phải nhìn cái thân thể còm cỏi và bị thiến của người Việt Nam sáu mươi lăm tuổi ấy.
- Guy, cái đó chẳng giúp ích được gì — hãy để cho hắn mặc quần vào. Chúng ta đi thôi, về xem các bức ảnh.
Joseph gõ mạnh lên cánh cửa, cố ý cho cai tù bên ngoài biết cả hai muốn đi ra và không quay lại nữa. Nhưng trong khi chờ cửa mở, xuyên qua khoé mắt, Joseph có thể thấy Lật đang run lẩy bẩy ngồi khom người trên chiếc ghế đẩu màu trắng. Hai cánh tay khẳng khiu và bị còng đang cố sức túm chiếc quần cụt tả tơi kéo lên che kín háng mình.