Khi sáu đảng viên Quốc Dân Đảng theo bén gót Ngô văn Lộc lao vào phòng ngủ của Trung úy Francois Clichy, viên sĩ quan yêu đời ấy đang cùng cô vợ trẻ Monique đầu gối lên cánh tay nhau, ngủ rất say và rất êm. Bên giường, trên bàn ngủ, leo lét ngọn đèn dầu hạt đậu Monique vẫn chong thâu đêm vì mới từ Pháp sang, nàng chưa yên tâm với bóng tối đặïc quánh của vùng thượng du Bắc kỳ. Tiếng chân rầm rập và đột ngột của các sát thủ gâyï chấn động căn phòng làm ngọn đèn hoa kỳ chao nghiêng, ngã xuống, dầu bắt lửa phụt cháy.
Monique ngủ trong chiếc váy mỏng manh nàng từng mặc suốt tuần trăng mật mới đây tại Pháp. Mắt vừa mở, chưa thấy rõ các nghĩa quân, nàng đã bị họ túm chặt, lôi ra khỏi vòng tay chồng. Phía trên những bộ đồ nâu hoặc đen là các bộ mặt xanh tái gay cấn, răng cắn chặt điên tiết thù hận, trán quấn dải lụa vàng và đỏ, thêm nữa, những cánh tay vung gươm loang loáng sẵn sàng chém xuống. Đối với Monique, mọi hình ảnh ấy y hệt những tình tiết trong một ác mộng thuở nàng còn thơ dại. Bên ánh lửa chập chờn, những chiếc bóng khổng lồ của sáu người bản xứ ấy in lên trần nhà và các bức vách sau lưng khiến họ trông có vẻ lùn tịt. Monique cất tiếng rú kinh hoàng. Để làm cô vợ trẻ ấy im bặt, một kẻ tấn công đưa tay bịt miệng nàng, kéo tuột xuống đất.
Ngay lúc đó trung úy Clichy choàng tỉnh. Tưởng có đám lính khố đỏ say rượu nào đó toan làm hỗn vợ mình, hắn hét lớn, vùng vẫy dữ dội cố gỡ mình khỏi tấm vải trải giường đang quấn quanh người:
- Đồ khốn kiếp, cất bàn tay bẩn thỉu khỏi người vợ tao. Chúng mày là thứ gì mà dám vào nhà tao!
Bất ngờ chứng kiến cảnh một người Pháp đang nằm ôm ấp vợ đầm, Ngô văn Lộc buốt nhói, trong đầu chợt hiện lên ấn tượng vợ mình chết quạnh hiu trong nhà tù tối tăm và lạnh lẽo. Mắt tóe lửa, Lộc lao mình lên, đích thân vung nhát đầu tiên. Hai tay nắm chặt thanh gươm to bản, anh chẻ dọc, ngay giữa sọ viên sĩ quan Pháp. Clichy vừa gục xuống, người vắt ngang giường, hai con trai của Lộc và các nghĩa quân còn lại cùng nhào tới. Khoảng thời gian chờ đợi căng thẳng vừa qua đã làm cơn e sợ trong người họ càng lúc càng dâng cao, rốt cuộc nó tới phút giây vỡ òa thành cơn say máu và hoang dại không kềm chế nổi.
Họ vung gươm và mác chặt xối xả viên trung úy. Rồi họ xẻ đôi người hắn, thẳng từ vai xuống háng. Xong họ mỗ bụng hắn. Trong mê loạn, họ vằm họ chém tới độ máu của nạn nhân bắn tung toé lên quần áo, mặt mày của các sát thủ nhưng tay họ vẫn không chịu ngừng. Tiếp tục, họ hướng ánh mắt cuồng dại sang người vợ trẻ của viên trung úy, vừa bị làm cho thành họ kẻ goá bụa. Thấy vậy, Ngô văn Lộc nhảy tới, dang hai tay trước mặt Monique:
- Không được giết đàn bà! Các đồng chí phải chấp hành mệnh lệnh của đảng!
Quát xong lệnh, Lộc ra hiệu cho kẻ đang túm chặt vợ của Clichy buông nàng ra. Rồi anh dẫn các nghĩa quân im lặng rút khỏi phòng.
Còn lại một mình, Monique không la, cũng không khóc. Trong một hồi lâu, nàng kinh hãi tới độ tê cóng cả người. Tiếp đó, Monique bò tới bên Clichy, đặt đầu chồng lên đùi mình, ấp ủ. Choáng váng đờ đẩn, nàng kéo mền đắp lên thi hài còn ứa máu của chồng, dùng tay mình bịt lên các lỗ thủng khủng khiếp trên đầu chồng nơi não đang theo đó rỉ ra. Mắt Monique lạc thần, nhìn thờ thẩn khung cửa phòng, chờ giờ những kẻ vừa sát hại chồng quay lại giết luôn mình.
Trong ngôi nhà bên cạnh, các con của viên sĩ quan thường vụ kinh hoảng thức giấc khi nghĩa quân lùng sục các căn phòng không đèn đóm để tìm cha chúng. Từ trên giường ngủ, hai bé trai và một bé gái nhảy xuống đất, đứng ôm chân mẹ, và hãi hùng chứng kiến cảnh đầu của cha mình bị những kẻ xâm nhập chặt lìa khỏi cổ. Thêm lần nữa chấp hành nghiêm ngặt mệnh lệnh của đảng, các nghĩa quân không đụng tới bốn mẹ con.
Trong dãy cư xá của hạ sĩ quan, một toán nghĩa quân khác im lặng di chuyển thật nhanh trong bóng tối. Họ đạt kết quả không ngờ. Viên trung sĩ tóc ngã muối tiêu — kẻ hồi tối bị trung úy Devraux khiển trách về việc ngáp trong phòng trực — đang nằm ngáy ầm ầm. Hắn ngủ say tới độ tiếng động của các sát thủ xung phong tới kế bên vẫn không làm hắn thức giấc. Từ bên ngoài mùng họ bằm xối xã. Kẻ đang say ngủ quẩy lộn với chăn màn, người co giật như điên rồi mới chết, như cá vùng vẫy khi mắc lưới. Gần đó, nghĩa quân giết chết tươi một viên trung sĩ khác, không để hắn kịp thức giấc. Sau đó, họ lột da đầu, mổ ruột hai viên trung sĩ ấy và chặt đứt chân tay cả hai cái xác không hồn.
Cả thảy bốn người Pháp — một trung úy, một sĩ quan thường vụ và hai trung sĩ — bị hạ sát ngay lúc mới phát khởi cuộc tấn công. Tốc độ nhanh lẹ và hành độngï âm thầm kín đáo của những người xâm nhập khiến các nạn nhân đầu tiên không có cơ hội thoát thân. Nhưng rồi tiếng ồn ào chém giết càng lúc càng tăng làm các sĩ quan thức giấc.
Đang nằm lơ mơ ngủ Paul Devraux nghe tiếng la khóc xa xa của vợ con viên sĩ quan thường vụ. Ban đầu âm thanh ấy hình như phát ra từ giấc ngủ vật vờ của anh. Rồi tiếng huỳnh huỵch của những bàn chân trần chạy dọc hành lang bên ngoài làm anh tỉnh hẳn. Tiếng chân dừng lại trước cửa phòng Paul. Dù có ai đó cố ý nói thật nhỏ, với giọng thì thầm, nhưng qua lớp vách làm bằng ván mỏng, anh vẫn nhận ra tiếng cậu cần vụ Bắc kỳ của mình trả lời:
- Đó, phòng của quan hai Devraux đó!
Paul nghe tiếng nắm cửa xoay cót két khi có bàn tay vô danh nào đó nhớm thử ổ khoá. Tiếp đó, một câu rủa tục bằng giọng Nam bộ. Chụp khẩu súng lục trên mặt bàn cạnh giường ngủ, anh đứng lên, rón rén đi tới, ép mình sát bức vách kế bên khung cửa, và chờ.
Bên ngoài, Ngô văn Lộc khoát tay ra hiệu hai con và hai nghĩa quân khác rút về phía cuối hành lang. Anh lôi trong túi vải bên hông ra quả lựu đạn xi-măng chế tạo ở nhà quê. Dùng răng cắn chốt để làm nẩy bộ phận đánh lửa thô sơ, Lộc lăn quả lựu đạn tới trước cánh cửa rồi chạy lùi lại, núp bên cạnh các con. Quả lựu đạn phát nổ, nháng lửa và xịt khói. Miếng ván cửa sát mặt đất bị rạn vỡ nhưng mảnh đạn và hơi ép không đủ mạnh để phá tan cánh cửa vốn được làm cho vững chắc thêm nhờ kê sẵn chướng ngại vật bên trong. Thấy sức công phá quá tệ, Ngô văn Lộc xẳng giọng lầm bầm rủa tục, rồi ra lệnh cho hai con đứng canh hai bên cửa, còn anh đi tới kho vũ khí lấy súng máy.
Bên trong phòng, nghe tiếng lựu đạn lăn tới trước cửa, Paul nhoài người nằm rạp xuống đất. Sau tiếng nổ, anh đứng lên, hai chân loạng choạng và ho sặc sụa, oẹ mửa vì khói lựu đạn bốc lên cay xè. Mắt nhắm mắt mở, anh lật đật kéo chiếc rương nhiều ngăn của mình tới chêm thêm một lớp bên trong chướng ngại vật cho chắc chắn hơn, dù thấy nó chịu đựng nổi cú nổ vừa rồi.
Vài phút sau, nghe có tiếng kêu lẻng kẻng của cái giá súng máy ba chân kéo lết trên hành lang, Paul chạy tới góc phòng xa cửa nhất, co mình núp. Từ bên ngoài, khẩu súng máy khai hỏa. Sức công phá của đạn làm nứt bức vách, gỗ bay tứ tung. Nhưng không thể làm cánh cửa bật tung vì bị hai lớp chướng ngại vật ép sát bên trong. Paul thở ra, cảm thấy nhẹ nhỏm đôi chút vì tạm thời cái tủ và chiếc rương vẫn đứng vững, chẹn kín cửa.
Trong lúc nghĩa quân dưới quyền của Ngô văn Lộc tấn công khu cư xá của sĩ quan và hạ sĩ quan, Thanh Giang dẫn bộ phận chủ lực chạy lên đồn binh trên đỉnh đồi. Hai hạ sĩ mở toang cổng trại đúng theo kế hoạch hợp đồng từ trước. Cũng theo hợp đồng từ trước với cách mạng, người lính kèn đồng thổi lên bài “
Générale”. Nghe bài kèn ấy, viên trung sĩ Pháp phụ trách việc giữ vũ khí tưởng sĩ quan của mình hạ lệnh giải toả vũ khí như mọi lần, y vội vàng theo thói quen chạy tới mở khóa các giá súng. Hai trăm năm mươi lính khố đỏ của Đại đội Bảy lập tức chụp súng lấy cá nhân, cùng nhau lao ra sân đồn.
Viên đại úy chỉ huy trưởng đại đội thấy lộn xộn và thấy có kẻ xâm nhập, y cố tập họp lính khố đỏ lại để phòng vệ. Những người nổi loạn bắn chết y tại chỗ rồi cùng nhau kéo hết xuống trại binh dưới chân đồi. Tại đó, đáp lại hiệu lệnh của bài kèn “Générale”, Đại đội Năm và Đại đội Sáu cũng chụp lấy súng của mình. Lính khố đỏ thuộc hai đại đội đó, được Thanh Giang vận động từ trước, mở toang cổng trại, hân hoan chào đón nghĩa quân và đồng đội vừa từ trên đồi kéo xuống. Với tâm trạng phấn chấn mê loạn, lính khố đỏ và nghĩa quân cùng nhau hò hát, nhảy múa và nổ súng lên trời. Một số người bắt đầu chạy vào đường phố của tỉnh lỵ để phân phát truyền đơn và cùng nhau hô to các khẩu hiệu đã in sẵn: “Giết sạch giặc Tây!”
Rồi họ hô lớn:
- Đông Dương vùng lên muôn năm! — Muôn năm! - Nhân dân Yên Bái cương quyết ủng hộ khởi nghĩa! — Cương quyết!- Đồng bào nhiệt liệt tham gia cách mạng! — Nhiệt liệt!Xuyên qua cửa sổ nhỏ và độc nhất, trổ ở mé cao trên vách thẳng đứng với giường ngủ, lúc này đã bị bít kín bằng chiếc tủ nhỏ thường ngày kê sát đầu giường, Paul nghe xa xa rền vang tiếng hô khẩu hiệu, cùng với tiếng đùa giỡn la hét của quân khởi nghĩa; tim anh chùng xuống. Thỉnh thoảng trong khu vực các ba-rắc kế cận, có tiếng lựu đạn nổ bùm bụp cùng tiếng súng máy vang lên ròn rã từng chặp làm Paul tin chắc các sĩ quan khác cũng lâm vào tình thế như anh, bị bó tay mắc kẹt trong phòng của mỗi người. Mấy phút trôi qua, khẩu súng máy chĩa vào cửa phòng Paul đang bắn ròn rả bỗng im bặt; anh đoán có lẽ nó bị hóc. Nhưng, với tiếng thầm thì nghe lọt qua vách ván, Paul hiểu rằng những kẻ tấn công anh chưa buông tha con mồi.
Ngoài hành lang, Ngô văn Lộc cố tháo hai dây đạn đang kẹt nhau trên ổ súng. Gỡ không được, anh hất khẩu súng vô dụng qua một bên rồi bước tới trước cửa phòng Paul.
Thanh Giang xuất hiện ở cuối hành lang trong lúc Lộc đang nằm ép bụng sát đất, bất lực nhòm lớp chướng ngại vật ngoan cố. Mặt trắng bệch, người thủ lãnh cuộc tấn công cứ điểm Yên Bái vẫy vẫy Lộc:
- Đồng chí Sơn Thủy, tới đây mau. Đồng chí giúp tôi một tay. Lính khố đỏ Đại đội Tám vẫn ở đồn binh trên đồi, không chịu hưởng ứng. Chúng ta phải tập họp người của mình kéo lên tấn công. Cứ để cho các đồng chí khác canh chừng mấy phòng này.
Lộc ra hiệu cho hai con ở lại giữ hai bên cửa rồi cùng hai nghĩa quân kia chạy theo Thanh Giang. Đằng sau chướng ngại vật Paul cảm thấy lên tinh thần một chút. Những lời Thanh Giang nói vang tới tai anh nghe khá rõ, cho anh một tia hy vọng nhỏ. Lính Đại đội Tám của anh không tham gia cuộc nổi dậy. Ít nhất cũng có viễn ảnh phản công nào đó từ đồn binh trên đồi phóng xuống. Đứng bất động giữa căn phòng tối hơn đêm thượng du không trăng, Paul căng tai nghe ngóng, tìm cách cắt nghĩa từng âm thanh lao xao từ đêm đen bên ngoài lọt tới tai mình — và cầu nguyện.
Phải mất khoảng thời gian khá lâu, Thanh Giang và Ngô văn Lộc mới tổ chức được đợt tấn công thứ nhất xung phong lên đỉnh đồi. Giờ đây, khi hay biết hai trăm đồng đội kia quyết định ở lại đồn binh bên cạnh các sĩ quan Pháp, anh em lính khố đỏ khởi nghĩa bắt đầu xuống tinh thần. Mặt họ mất dần vẻ hào hứng phấn chấn ban đầu. Quay vũ khí đi theo các nghĩa quân từ Hà Nội tới là một chuyện; tấn công ngược lên đồi trong đêm tối, chống lại những anh em của mình trong Đại đội Tám có võ trang và được chính tiểu đoàn trưởng đích thân chỉ huy lại là chuyện hoàn toàn khác.
Lính khố đỏ khởi nghĩa không vượt qua được tâm lý dùng dằng ấy nên đợt tấn công đầu tiên của họ lừng khừng và rời rạc. Thêm nữa, dù có sử dụng súng máy nhưng sự chỉ huy thiếu chuyên nghiệp của Thanh Giang không tạo nổi phấn chấn cho binh sĩ dưới quyền. Cuối cùng họ bị đẩy trở lại chân đồi. Trong nửa giờ kế đó, Thanh Giang dẫn quân xung phong nhiều đợt lên đồi nhưng đợt nào cũng bị đẩy lùi dễ dàng.
Bên trong đồn, tiểu đoàn trưởng người Pháp dần dần lấy lại tinh thần. Lúc mới bắt đầu cuộc nổi dậy, hắn choáng váng khi thấy mình đang cận kề cái chết, ngay chính trong bàn tay của binh sĩ thuộc quyền. Kế đó, việc có một đại đội khố đỏ không theo loạn quân khiến hắn bình tĩnh lại. Tới lúc các sĩ quan Pháp đẩy lùi được những đợt xung phong của nghĩa quân, hắn lại càng vững tin có thể giữ đồn cho tới khi trời sáng.
Lòng tin ấy được củng cố thêm khi có một liên lạc viên người bản xứ băng ngang phòng tuyến, tìm được đường lên đồi và thông báo rằng hết thảy người Pháp dân sự dưới tỉnh lỵ đều bình yên. Viên công sứ Pháp đã tập kết họ vào doanh trại kiên cố của bọn lính khố xanh vẫn trung thành với hắn.
Tới hai giờ sáng, một sĩ quan trong khu cư xá thoát được lên đồi, sau khi tử thủ trong phòng với các chướng ngại vật. Lúc trời chưa rạng sáng, có một số lính khố đỏ từ ba đại đội nổi dậy lúc đầu, lục tục về lại cổng đồn, năn nỉ xin được tái thu nhận. Họ trình cho thấy các túi đạn vẫn y nguyên, như một bằng chứng rằng mình vô tội. Cứ thế, viên đồn trưởng Pháp lúc này đủ táo bạo để gởi một toán thám sát nhỏ xuống đồi tìm những quân nhân Pháp sống sót.
Trong trại binh, Thanh Giang kiệt sức, lả người ngồi ủ rủ trên băng ghế. Anh nản lòng, khóc tấm tức vì thấy mình không đủ năng lực hoàn thành kế hoạch đánh chiếm. Ngô văn Lộc đứng tần ngần bên anh, lắng nghe tiếng súng rời rạc từ bên ngoài vọng vào do một số nghĩa quân vẫn chỉ huy các toán lính khố đỏ tấn công lên đồi. Đột nhiên, Ngô văn Lộc nhận ra rằng dù còn vài giờ nữa trời mới rạng sáng nhưng tính tới lúc này, sự thất bại của cuộc nổi dậy là điều không thể tránh khỏi. Anh lại ngó xuống, thấy Thanh Giang giờ đây gục đầu vào hai lòng bàn tay, không còn quan tâm tới những gì diễn ra chung quanh. Lộc xoay người chạy trở lại khu cư xá sĩ quan.
Đồng và Học vẫn đứng canh hai bên cửa phòng Paul, tay nắm chặt thanh gươm và ngọn mác khô máu. Bức vách và cánh cửa lổ chổ vết đạn nhưng mấy lớp chướng ngại vật vẫn ngăn không cho ai vào. Điên tiết, Lộc đá văng khẩu súng máy bị hóc đạn đang nằm trơ trẻn giữa hành lang. Khẩu súng vừa lật qua một bên, anh bỗng thấy bộ mặt cậu cần vụ của Paul Devraux lấp ló trong nhà bếp cách đó mấy thước và đang run rẩy nhìn ra. Trong một thoáng Lộc nhíu mày, ngó người Bắc kỳ nhỏ thó ấy, rồi anh tuốt thanh gươm dắt trong dải vải đỏ quấn quanh hông, vẫy tay ra hiệu cho cậu cần vụ mặt đang xanh rờn bước lại phía mình.
Hai phút sau, Paul giật mình nghe trên cánh cửa gỗ nứt nẻ có tiếng gõ nhè nhẹ. Ngô văn Lộc nói bằng tiếng Pháp:
- Monsieur Paul, lúc này ông có thể an toàn ra khỏi phòng. Tất cả những kẻ ở đây đều đi hết rồi.
Nghe giọng nói hình như quen thuộc, viên sĩ quan Pháp thấy vững bụng đôi chút:
- Ai đó?
- Ông không nhận ra tôi sao? Lộc đây! Chú “bồi” trại săn, người tài xế của cha ông đây. Lúc này tôi có thể giúp đưa ông lên đồi. Các sĩ quan khác hầu hết đều bình an, đã lên tập họp trên đó. Lính Đại đội Tám của ông vẫn trung thành với ông và với tiểu đoàn trưởng.
Mặt Paul lộ vẻ hoang mang. Anh nhận ra giọng nói của người bồi “nhiều biến hóa và đa năng đa hiệu” dù từ khi gặp nhau lần cuối tới nay đã năm năm. Nhưng hành tung trước đó và sự có mặt bất thường của anh ta tại trại binh này làm Paul không khỏi nghi ngại:
- Lộc này, anh làm cái gì ở đây, anh chung một lũ với bọn người nổi loạn phải không?
Bên ngoài im lặng một lúc. Rồi có giọng Lộc nói như tỏ ý hổ thẹn:
- Vâng, đúng vậy Monsieur Paul ạ. Nhưng ông từng là bạn tốt của các con tôi và tôi. Khi biết được ông là sĩ quan ở đây, tôi hiểu rằng mình có nghĩa vụ phải giúp ông. Tôi bảo đảm chắc chắn rằng ông sẽ an toàn. Tôi sẽ đích thân đưa ông lên tận cổng đồn binh.
Ngừng một chút, Lộc xuống giọng dỗ dành:
- Monsieur Paul, cuộc nổi dậy của chúng tôi đã thất bại. Nếu lúc này tôi giúp ông, biết đâu sau này ông có thể giúp lại tôi...
Người Pháp hỏi lại, vẫn dè dặt:
- Làm sao tôi tin nổi anh?
- Anh cần vụ của ông đang ở đây với tôi. Anh ta sẽ nói cho ông biết.
Tay kẹp chặt hai vai gầy guộc, Lộc miết lưỡi gươm vào cần cổ cậu cần vụ. Cậu ta nói ngay, giọng thì thào nghèn nghẹt:
- Vâng, vâng, thưa trung úy, đúng vậy. Lúc này ra ngoài không sao cả. Bọn người kia đi hết rồi.
Paul mở khuy gài chuôi kiếm. Tay phải cầm súng lục, anh bắt đầu tháo gỡ chướng ngại vật. Sức công phá kết hợp của quả lựu đạn xi măng và khẩu súng súng máy làm nứt nẻ cánh cửa và rạn vỡ tủ áo. Khi Paul kéo chiếc tủ tan nát qua một bên, cánh cửa đổ sập vào bên trong làm anh chớp mắt. Chính trong chớp mắt đó, Paul bắt gặp cảnh cậu cần vụ đang đứng tròng nhìn anh từ bên kia hành lang. Ngô văn Lộc một tay bịt chặt miệng cậu ta, tay kia ấn thanh gươm khô máu vào cuống họng đang lẩy bẩy co giật. Người bồi cũ trại săn kẹp cứng người Bắc kỳ nhỏ thó đằng trước mình, dùng tấm thân èo uột của cậu làm khiên che cho mình. Dù Paul, theo phản xạ, nâng mũi súng lên ngay lúc chợt nhận ra mình mắc bẩy nhưng nguy cơ bắn chết cậu cần vụ khiến ngón tay anh chửng lại trên cò.
Cũng ngay chớp mắt ấy, từ chỗ núp bên cạnh cửa, Đồng lao ra vung gươm chém vào cánh tay người Pháp, cắt phăng một đoạn tay áo và làm khẩu súng lục văng khỏi tay Paul. Cùng một lượt, cậu em Học từ bên kia khung cửa, phóng người vung mác lên xả xuống. Dù viên sĩ quan Pháp vặn người cúi đầu tránh được cú chặt thẳng xuống sọ nhưng lưỡi mác phập vào u thịt trên vai.
Lảo đảo Paul vọt ngược vô phòng. Tay anh vừa tuốt được kiếm, hai thiếu niên An Nam đã nhào vào người anh, hất thanh kiếm văng khỏi tay anh, vật anh xuống giường. Học lại vung mác lên, rõ ràng muốn xả thêm một nhát nữa xuống cái đầu vô phương tự vệ của Paul. Lúc ấy Ngô văn Lộc nhảy vào giữa hai anh em, mặt méo mó vì thù hận:
- Khoan! Giữ nó đó cho cha. Cha sẽ giết chết con trai của thằng Jacques Devraux bằng chính tay cha.
Hai cậu bé đè lên người viên sĩ quan Pháp, gài giật cánh anh lại. Mặt Paul trắng bệch, choáng váng, nhễ nhại mồ hội. Máu từ các vết thương trên vai, trên cườm tay ứa ra ướt đẫm chiếc áo nhà binh. Thấy bộ mặt hung ác của cả ba cha con, Paul thì thầm kinh hãi:
- Tôi đã từng đối đãi với các người như bè bạn. Tại sao các người giết tôi? Tại sao, anh Lộc, tại sao?
Người An Nam đưa thanh gươm lên, dí mũi gươm vào chỗ lõm nơi cổ họng viên sĩ quan:
- Cha mầy giết vợ tao!
Paul lặp lại những tiếng ấy của người bồi cũ bằng giọng lúng búng, kinh hoàng:
- Cha tôi… giết… vợ anh? Chuyện đó không đúng!
Ngô văn Lộc rạch mũi gươm nhọn hoắt vào bộ ngực đang bị kẹp cứng, ưỡn vồng lên của Paul. Xuất hiện thêm một lằn máu ri rỉ chảy.
- Cha mầy đem vợ tao vô giam ở Sài Gòn — rồi để cho tụi tra tấn của hắn giết chết.
Cố gượng người lên, Paul nói trong tuyệt vọng:
- Anh Lộc, anh nghe tôi nói đây. Ba tôi kể với tôi rằng ông tìm thấy giấy tờ bị mất tại chỗ của vợ anh. Hiến binh phải thẩm vấn chị Mai. Sáng hôm sau, ba tôi phải đi ngay ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi hoàn toàn không biết gì việc chị Mai bị chết.
Lộc dữ dằn rạch thêm một đường gươm nữa:
- Mầy có láo khoét tới mấy cũng không cứu nổi mạng mầy! Vợ tao đã chết — bị nước Pháp giết — và mầy sắp chết vì tội ác đó! Một cuộc cách mạng sắt máu đã bắt đầu...
Không nhìn bộ mặt ngây ngất hận thù của người cha nữa, Paul quay qua ngó hai con trai của Lộc đang liên thủ ghìm chặt vai anh xuống giường. Máu của các nạn nhân lúc nửa đêm đang khô trên quần áo của Đồng và Học. Những con mắt kề sát mặt của hai anh em làm Paul chớp nhoáng nhớ lại những lần anh dạy chúng bắt chước tiếng hót của lũ chim rừng bằng cách thổi vào cạnh cọng cỏ. Lúc này, từ những bộ mặt tiều tụy, khắc khổ và bê bết máu, những con mắt ấy đang nhìn lại anh, ngây ngất và long lanh hận thù man dại. Paul bắt đầu nói bằng tiếng An Nam, giọng sâu lắng:
- Học ơi, Đồng ơi, nghe anh nói đây. Hai em không hiểu...
- Câm họng!
Tiếng Lộc thét lớn. Bộ mặt Lộc rúm ró trong khi miệng anh gầm gừ. Rướn người cao hết cỡ, hai tay Lộc ác liệt hoa thanh gươm lên và chầm chậm chém xuống đầu viên sĩ quan Pháp.
Trong gọng kềm siết chặt của hai thiếu niên An Nam Paul vùng vẫy dữ dội nhưng các vết thương đã lấy mất sức mạnh của anh. Anh chỉ còn biết bất lực nhìn lưỡi gươm của Lộc đang từ từ chẻ xuống! Vì mắt Paul dán chặt vào lưỡi gươm nên không thấy một trung sĩ Pháp từ đồn binh trên đồi xuất hiện nơi ngưỡng cửa, theo sau có hai lính khố đỏ trung thành trong Đại đội Tám của anh. Paul chỉ nghe vang mấy tiếng súng lục nổ. Liền đó, anh cảm thấy, sát bên anh, thân thể Học rùng lên khi bị đạn cắm phập vào người.
Rồi thình lình căn phòng nhỏ vỡ oà với những thân người quyết liệt va đập vào nhau. Hai lính khố đỏ chĩa lưỡi lê nhào vô Lộc và Đồng trong khi viên trung sĩ nạp đạn khẩu súng lục. Hai người An Nam chống cự dữ dội, mở được đường chạy ra hành lang. Viên trung sĩ vừa rượt theo vừa bắn nhưng hai cha con đã vọt qua một khung cửa sổ vỡ nát, thoát khỏi ba-rắc, biến mình vào vùng đồi tối đen mịt mùng và hổn độn bên ngoài. Cậu bé Học vận hết sức hơi, nhấc chân lên cố chạy theo cha và anh nhưng vết thương trên vai làm cậu hoa mắt xây xẩm mặt mày. Viên trung sĩ Pháp quay lại căn phòng. Thấy trung úy đại đội trưởng của mình lúc này nằm bất tĩnh trong bộ quân phục đẫm máu, hắn cung cả hai tay, đấm cậu bé An Nam té ngửa xuống sàn nhà. Dù Học vẫn rên rỉ đau đớn, bộ mặt viên trung sĩ không lộ chút xót thương. Thù hận tràn trề hai mắt, hắn gườm gườm nhìn xuống Học trong một lúc rồi chân hắn bắt đầu tàn bạo đá tới tấp vô đầu cậu, vô người cậu.