Tới lúc người Anh chuyển giao trách nhiệm tại mạn nam Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở xuống cho Pháp vào đầu năm 1946, đã có hơn hai ngàn người Việt bị giết bởi binh lính thuộc các lực lượng Anh, Nhật và Pháp. Tại mạn bắc vào tháng Ba, rốt cuộc lực lượng chiếm đóng của Trung Hoa cũng rút quân theo một hiệp ước với Pháp, trong đó qui định một số lượng giới hạn quân Pháp được để cho vào miền bắc, đổi lại Pháp từ bỏ các nhượng địa ở Trung Hoa (có Quảng Châu Loan) và bán lại cho họ tuyến đường sắt Vân Nam. Trong khi đó tại Hà Nội, sau khi cướp được chính quyền, bước kế tiếp của Hồ Chí Minh là củng cố và độc chiếm quyền lực. Ông mua chuộc các tướng lãnh Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Hà Nội để được họ để yên. Ngày 11.11.1945, nhằm đổi vỏ bọc để chiêu dụ quần chúng, đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Thực tế, họ chỉ tạm thời rút vào bí mật với danh nghĩa Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Các Mác do Trường Chinh làm chủ tịch và chuyển đảng viên sang sinh hoat trong bộ khung của Đảng Dân Chủ. Hồ Chí Minh lập Mặt Trận Liên Việt để làm ngoại vi của Việt Minh, qui tụ và lủng đoạn các tổ chức tôn giáo và quần chúng khác. Nó là tiền thân của Mặt Trận Tố Quốc sau này. Sáu năm sau, ngày 19.2.1951, đảng CSĐD lại ra công khai với tên đảng Lao Động do Stalin đặt. Và sau khi hoàn tất cuộc xâm chiếm miền nam, tháng 12.1976, đảng hoàn nguyên hình với tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 1.1946 HCM cho tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu Quốc Hội của VN Dân Chủ Cộng Hoà để chính thức công nhận chính phủ của ông và thông qua Hiến Pháp. Ngày 6 tháng 3, ông tự động ký Hiệp ước Sơ bộ với Sainteny, đại diện của Pháp tại Hà Nội, trong đó ông nghênh đón sự trở lại của Pháp, bù lại, Paris công nhận VNDCCH là một nước trong khối Liên Hiệp Pháp. Kết quả, mười hai ngày sau, 1000 quân Pháp cùng 200 xe vào Hà Nội, và tại Nam Việt, Pháp cho thành lập "Cộng Hòa Tự trị Nam kỳ".Rảnh tay với Pháp, HCM quay qua đối phó với ""Việt Gian"", kẻ thù chính của ông. Các đảng viên cộng sản khống chế chính phủ Việt Minh ra tay khủng bố và tiêu diệt kẻ nào không theo đường lối của cộng sản. Đối với các đảng phái vừa cùng Hoa quân nhập Việt, Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng công an và quân đội, theo nhịp quân Tàu rút lui, tung quân nối gót chiếm lại tất cả các tỉnh lỵ và làng mạc nằm trong tay Việt Quốc (VNQDĐ) và Việt Cách (VN Cách Mệnh Đồng Minh Hội), sau những trận đánh nhau ác liệt. Tại Hà Nội, thực hiện lời tuyên bố của HCM lúc đó đang ở Paris: "Kẻ nào không đi theo đường lối tôi vạch ra, sẽ bị tiêu diệt", Việt Minh ngụy tạo vụ Ôn Như Hầu để triệt tận gốc Việt Quốc và từ đó hạ sát địch thủ của mình càng nhiều càng tốt, đặc biệt các thành viên của Đại Việt QDĐ, ĐV Duy Dân, ĐV Dân Chính, Tân Tả Phái, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. khắp bắc bộ, nam bộ và trung bộ, bằng lối quen thuộc của họ như bắn, chém, ám sát, thắt cổ, chôn sống, cho vào bao vào rọ thả xuống sông hồ,v.v. Khoảng 900 trong số 1000 người tốt nghiệp trường võ bị Hoàng Phố và Liễu Châu bị giết. Trại giam Trung ương Đầm Đùn không đủ chỗ chứa. Những lãnh tụ quốc gia sống sót và một số đảng viên nòng cốt phải rút sang Trung Hoa. Trong hàng ngàn người bị thủ tiêu, có những lãnh tụ có uy tín, được quần chúng hậu thuẫn như nhóm Tân Tả Phái của Tạ Thu Thâu, Phan VănHùm, Trần VănThạch, các nhóm Lập Hiến của Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Bùi Quang Chiêu, Dương VănGiáo, lãnh đạo tôn giáo như Huỳnh Phú Sổ, lãnh tụ các đảng phái quốc gia như Trương Tử Anh, Lý Đông A, Nhượng Tống, Khái Hưng, Nguyễn VănSâm, Hồ VănNgà,v.v., và cả chục ngàn tín đồ Cao Đài. Như thế, trong năm cầm quyền đầu tiên và bằng đủ mọi cách, HCM đã lập được nền tảng vững chắc cho chế độ độc đảng và khích động lòng yêu nước của thanh niên; lập những đoàn quân "nam tiến" tham gia cuộc kháng Pháp ở nam bộ. Nạn đói ở Bắc Việt và mạn bắc Trung Việt được khắc phục nhờ dân chúng tăng gia sản xuất và được mùa trong khung cảnh hòa bình sau Thế Chiến. Kế đó, những cuộc điều đình kéo dài cho tới mùa thu giữa HCM với giới lãnh đạo Pháp tại Paris mà lập trường ngoan cố của Pháp là không chịu trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam. Và rõ ràng đôi bên đều đang chuẩn bị một cuộc xung đột công khai. Tuy vậy, trong tình hình chính trị thế giới bấy giờ, Việt Nam vẫn là một vũng nước đọng không được để ý tới, và trong thời gian này, trước thế đứng dạng hai chân của Hồng Quân Sô Viết tại Trung Âu và Đông Âu, tổng thống Harry Truman lèo lái Hoa Kỳ kiên quyết hậu thuẫn Pháp vì tầm quan trọng của Pháp tại châu Âu, đấu trường chủ yếu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư gởi Truman nhằm mưu tìm sự ủng hộ của Hoa Kỳ nhưng không thư nào được phúc đáp. Thực tế, Bộ Ngoại Giao Mỹ lúc nào cũng ủng hộ Pháp và không để mắt tới quan hệ giữa OSS và Việt Minh. Cuối cùng, Washington chính thức tuyên bố Mỹ có ý định tôn trọng chủ quyền của Pháp tại Đông Dương và phân bộ OSS bị đột ngột rút khỏi Hà Nội vào tháng Mười năm 1945. Mãi về sau, các nhà lãnh đạo Mỹ mới tự hỏi phải chăng họ đã để vuột cơ hội bằng vàng biến HCM thành một Tito châu Á thân thiện với phương tây. Ngày 19.12.1946, nổ ra chiến tranh Việt Pháp. Trong bầu không khí tưng bừng đánh Pháp, "một mùa thu năm xưa cách mạng tiến ra sa trường", toàn dân tham gia kháng chiến. HCM rời Hà Nội quay về các hang động đá vôi cố cựu tại Bắc Việt, nơi 16 tháng trước, ông đã từ đó khải hoàn hạ sơn. Bên cạnh việc dùng các phần tử bất hảo để bắt giết, giam cầm những kẻ không theo mình, mà họ gọi là "Việt Gian", HCM và các đảng viên cộng sản trong MT Việt Minh khích động lòng yêu nước. Kết quả là tầng lớp tiểu tư sản trí thức và nông dân lũ lượt đi theo Việt Minh để đánh Pháp, giành độc lập cho tổ quốc và tự do cho dân tộc. Do đó, khi chiến tranh mới bắt đầu, người Pháp nhận ra rằng dù với quân số 150.000 người tại Việt Nam, Pháp chỉ có thể kiểm soát các trung tâm thành thị và các đường giao thông giữa các thành phố lớn trong khi Việt Minh có ảnh hưởng sâu rộng hơn tại nông thôn và rừng núi.Sau một ít chiến thắng ban đầu của Pháp, cục diện quân sự đạt tới thế dằng co ngang ngửa. Tình thế đó kéo dài tới tháng 11.1949, khi những người cộng sản theo Mao Trạch Đông chiến thắng cuộc nội chiến tại Trung Hoa và biến cố ấy làm phát sinh sự thay đổi lớn lao trong ngọn triều lịch sử thế giới. Biến cố ấy cũng cuốn hút cuộc chiến tranh Đông Dương vào vòng quay Chiến Tranh Lạnh giữa chủ nghĩa cộng sản và các nước phương tây. Chỉ qua một đầu hôm sớm mai, Trung Quốc trở thành an toàn khu nằm dọc biên giới phía bắc Bắc Việt và các lực lượng du kích của HCM có thể an toàn lui quân về bên đó để thao luyện dài ngày dưới sự chỉ huy của tướng Giáp. Thực tế, từ năm 1947 tới 1949, với vũ khí thô sơ và lối đánh du kích, lực lượng Việt Minh cũng đã đạt được những bước tiến lớn lao. Tới đầu năm 1950, họ đã có thể lập những sư đoàn (đại đoàn) chính qui để chiến đấu với Pháp nhưng sự tiến bộ đó phải trả bằng giá máu ghê gớm. Thí dụ năm 1948, lực lượng chính qui mới của Việt Minh tung trận đánh đầu tiên vào đồn Phủ Thông do 100 quân Pháp trấn giữ; họ dùng tới 3.000 quân nhưng vẫn không chiếm nổi đồn.Với viện trợ vũ khí, quân dụng, lương thực, huấn luyện và đặc biệt, sự kềm cặp của các cố vấn Trung Quốc từ trung ương xuống tới các đại đơn vị và từng chiến dịch, lực lượng Việt Minh vươn lên hẳn. Chỉ cần đôi ba tháng, dân quân du kích chuyển hóa thành các đội ngũ tác chiến hoàn chỉnh, trang bị vũ khí pháo binh hiện đại của Mỹ được tận dụng từ những kho súng đạn của bại quân Tưởng Giới Thạch và như thế, chiến thắng quân sự của Pháp trở thành một điều không thể nào đạt.Vào cuối năm 1950, bốn mươi ba tiểu đoàn Việt Minh trong số những tiểu đoàn tân trang từ Trung Hoa ồ ạt tràn về biên giới, chọc thủng phòng tuyến yếu ớt của các đồn binh Pháp và giáng cho Pháp một đòn thất bại nhục nhã nhất tại một xứ thuộc địa, tính từ ngày tướng Montcalm bị thua và tử trận trong tay quân Anh tại Québec năm 1759. Bốn ngàn binh lính Pháp vừa bị giết vừa bị bắt làm tù binh, vô số vũ khí cùng phương tiện vận chuyển bị tịch thu. Rốt cuộc Việt Minh, với các thủ lãnh cộng sản khống chế, công khai liên minh bền vững với Mát-cơ-va và Bắc Kinh. Họ kiểm soát từ biên giới Trung Hoa tới cách Sài Gòn chưa đầy 150 cây số, chỉ trừ chu vi phòng thủ của Pháp quanh châu thổ sông Hồng và Hà Nội. Chiến thắng của Mao Trạch Đông lại càng làm phương tây thêm sợ hãi chủ nghĩa cộng sản vốn đang bành trướng vững chải. Nỗi sợ đó mang cuộc chiến tranh Đông Dương ra khỏi hoàn cảnh khuất lấp vì mãi đến lúc ấy các bên tham chiến vẫn còn quần thảo nhau trong tình trạng ít được công luận thế giới biết tới. Tháng Giêng 1950, Liên Sô công nhận chính phủ HCM tại một căn cứ địa vùng thượng du của Việt Minh. Hành động ấy thúc bách Hoa Kỳ công nhận một chính phủ VN khác do Pháp bảo trợ và Bảo Đại làm quốc trưởng. Từ tháng 3.1946 nhân chuyến sang công tác Trùng Khánh và theo lời đề nghị của HCM, Bảo Đại ở lại Trung Hoa. Sau đó ông qua Hồng Kông. Tại đây ông được các nhân sĩ theo chủ nghĩa dân tộc móc nối rồi tiếp xúc với Pháp. Năm 1948, Cựu Hoàng về nước thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam; Quân đội Quốc gia VN, v.v... Chế độ mới này qui tụ được nhiều thành phần không cộng sản, đặc biệt những người từng tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng rồi bị cộng sản tìm cách đấu tố, loại trừ hoặc chính họ vỡ mộng, tự động rời bỏ hàng ngũ Việt Minh. Họ chính thức sử dụng danh xưng "quốc gia" (vốn có từ thời Hồ VănNgà) như một căn bản phân biệt với tính "quốc tế" của cộng sản, Ngày 8.3.1949, tại Điện Elysée (Paris) Vincent Auriol nhân danh Tổng thống Cộng hòa Pháp kiêm Chủ tịch Liên hiệp Pháp cùng ký với Quốc trưởng Bảo Đại Hiệp định Elysée công nhận VN thống nhất và độc lập trong LHP. Nhưng mọi sự đã trễ so với tiến độ giành quyền lực của HCM; nhâát là sau 80 năm bị đô hộ, nhân dân VN đã quá hiểu người Pháp và không còn tin tưởng lá bài Bảo Đại. Người quốc gia lúc này bị lâm vào tình thế nan giải mới, chính nghĩa bị tổn thương trong tình trạng chia rẽ giữa các đảng phái, các giáo phái; không vận động nổi quần chúng làm hậu thuẫn bởi sự kiện Pháp vẫn nắm quyền chỉ huy guồng máy chiến tranh; và Bảo Đại chỉ quanh năm an dưỡng bên các thứ phi tại biệt điện ở Đà Lạt hoặc tại Cannes ở Pháp.Sự chúc lành của Mát-cơ-va và Bắc Kinh đối với chính quyền HCM, theo nhận xét của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Dean Acheson, đã "lột trần những ảo tưởng sau cùng về tính cách quốc gia dân tộc" trong cứu cánh của HCM và tỏ cho thấy ông ta là kẻ tử thù của độc lập dân tộc. Washington bắt đầu tuôn ào ạt viện trợ quân sự và kinh tế vào VN và các xứ khác tại Đông Dương để giúp Pháp ngăn chận sự lan tràn của cộng sản. Và như thế, lập tức biến cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp thành cuộc thập tự chinh chận đứng sự bành trướng của cộng sản tại châu Á, đặc biệt Trung Quốc Cộng sản của Mao Trạch Đông.Những e ngại của phương tây về Đông Dương dâng cao thêm nữa vào tháng Sáu năm 1950 khi Bắc Triều Tiên xâm lấn người anh em miền nam. Dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc, các lực lượng phương tây bị lôi kéo vào cuộc đụng độ với các đạo quân cộng sản của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hậu quả là tổng thống Truman cử một phái bộ quân sự từ Washington tới Sài Gòn vào mùa hè năm đó để giữ liên lạc mật thiết với Pháp. Hành động ấy đánh dấu khởi điểm cho sự dính líu có tính định mệnh của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Những giúp đỡ dưới hình thức viện trợ quân sự ngày càng tăng cho tới năm 1954, ba tỉ Mỹ kim đã được rót vào kho bạc quân sự của Pháp tại Đông Dương.Năm 1953, ngưng bắn ở Triều Tiên giúp cộng sản rảnh tay tập trung mọi nỗ lực quân sự vào Đông Dương và quân viện của Nga Hoa cho các lực lượng của HCM tăng mạnh. Ngược lại, chính phủ thứ 19 của Pháp lên nắm chính quyền sau thời gian chín năm khủng hoảng tả tơi, đề ra nỗ lực đầy tuyệt vọng để tìm một con đường danh dự cho Pháp thoát ra khỏi cái nay đã trở thành một mục đích vô vọng và lẩn quẩn. Pháp chấp nhận kế hoạch của cấp lãnh đạo quân sự nhằm nhử đại bộ phận chủ lực quân nòng cốt của Việt Minh vào một cuộc chạm trán có dàn dựng trước và mang tính quyết định, nằm đằng sau phòng quyến của Việt Minh tại Điện Biên Phủ. Đó là một thung lũng heo hút phương bắc nơi người ta cho rằng ưu thế về không quân và hỏa lực mạnh mẽ hơn của Pháp có thể tiêu diệt dễ dàng một đối thủ không sở hữu máy bay, xe tăng và chỉ có các phương tiện vận chuyển rất hạn hẹp. Trước đó, người Pháp đã có lần toàn thắng một cú táo bạo khi thả dù binh sĩ và quân khí xuống để thành lập cụm cứ điểm Nà Sản tại một thung lũng đá vôi chật hẹp đằng sau phòng tuyến của Việt Minh. Khi tướng Giáp thiếu chuẩn bị thích đáng đã vội tấn công cứ điểm ấy, ông mất trọn một đại đoàn trên các bãi mìn và giữa các hàng rào kẽm gai công sự phòng thủ. Lần này tư lệnh tối cao của Pháp tại Đông Dương hy vọng rằng kết quả đó có thể được lặp lại và mang tính quyết định hơn nữa. Nhưng thay vì đem đến chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng, Điện Biên Phủ lại biến thành nơi dàn quân cho một trong những trận đụng độ định mệnh và có tính lịch sử nhất từ xưa tới nay giữa Đông và Tây. - 1 -Chiếc áo choàng xanh thẳm - qua hàng hàng thế kỷ, trong cái nóng và ẩm ướt, cây rừng rậm rạp đan quyện nhau dệt trên những sườn núi uốn lượn như lưng rồng - chỉ lộ ra từng mảng bên dưới các dải mây thấp khi chiếc máy bay bà già Dakota của Không lực Pháp ì ạch lướt mình dưới ánh bình minh xám xịt để bay vào Điện Biên Phủ trong một sáng tinh sương tháng Hai năm 1954.
Để tới được cái góc heo hút phía tây bắc Việt Nam và gần biên giới Lào này, phải mất tiếng rưỡi đồng cho một chuyến phi hành chỉ dài ba trăm cây số. Trong thời gian đó, Joseph phải ngồi khom lưng trên chiếc ghế xếp bằng sắt đặt giữa một đống đồ tiếp liệu gồm những tấm ván dùng để đóng quan tài, huyết tương, đồ hộp và một tá két bia Pháp chở lậu. Trên đùi anh trải tấm bản đồ không thám cho thấy thung lũng Điện Biên như một ốc đảo nhỏ bé được tô màu xanh lá cây, nổi bật giữa một vùng mênh mông bất tận vây quanh nó, tô màu xám nhạt, tiêu biểu cho khối núi đá vôi bò lan ngổn ngang tại Bắc Việt.
Thung lũng có hình thể lòng chảo ấy chiều dài mười sáu cây số và chiều ngang chín cây số. Trước đây, nó là chốn lưu cư của khoảng hai chục bản làng với những nhà sàn làm bằng tre và tranh. Tới cuối tháng Mười một năm 1953, lính nhảy dù Pháp chiếm lĩnh và biến nó thành một căn cứ quân sự. Xây dựng theo hình thức một tập đoàn gồm nhiều cụm cứ điểm, với chu vi phòng thủ là một vòng đai khoảng năm chục cây số. Kể từ lúc ấy, ngoài việc củng cố căn cứ quân sự và gia tăng quân số của binh đoàn phòng ngự lên tới mười ba ngàn quân, người ta còn thả dù xuống trọng pháo, xe tải và kể cả xe tăng.
Viên phi công Pháp nói, giọng khẩn trương, mắt vẫn nhìn thẳng tới trước:
- Monsieur, bám chặt ghế! Để đáp xuống cái bô này ta phải vọt lên cao tránh các ổ súng cao xạ của Việt Minh, rồi xuyên qua mây, ta lao thẳng xuống theo tín hiệu độc nhất phát ra từ máy truyền tin ở dưới đất.
Siết dây nịt an toàn thêm một nấc nữa, Joseph mỉm cười trước lời khôi hài trắng trợn của viên phi công Pháp. Anh ta dùng chữ pot de
chambre - cái bô nước tiểu - một từ ngữ dung tục được các đoàn phi hành Pháp dùng để gọi lòng chảo Điện Biên Phủ. Một nơi suốt hai tháng nay, họ phải hằng ngày bay xuyên qua màn sương mù và mưa bụi dày đặc để hạ cánh hoặc thả dù tám mươi tấn đồ quân dụng xuống cho tập đoàn cứ điểm.
Khi chuyện trò riêng với nhau, vài nhân viên phi hành không giấu việc họ xem thường phương án quân sự này của Tướng Navarre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương. Và khi chiếc Dakota lao ra khỏi lớp mây dưới cùng, viên phi công khịt khịt mũi chế giễu:
- Đó monsieur, trước mắt ông là quang cảnh đầu tiên của cái mà các cấp chỉ huy của chúng tôi nhận thức theo trí tuệ của họ là "một căn cứ quân sự mang tính tấn công để từ đó đánh tập hậu đối phương".
Với vẻ châm biếm, anh ta hất hàm về phía kính chắn gió của máy bay và nói tiếp:
- Ngó coi bộ có lý khi nó nằm trong bản đồ treo trên vách văn phòng của tướng Navarre tại Sài Gòn. Nhưng ở đây, từ trên cao này nhìn xuống, ông có thể thấy thật ra nó là cái gì - một nhà tù mình dựng lên để tự nhốt mình vô đó.
Joseph thấp thỏm nhìn chằm chặp xuống những thửa ruộng đất sét chắp vá, với những ổ súng máy trong các ụ bao cát và các giao thông hào đan nhau chằng chịt như những lằn sẹo rạch ngang rạch dọc. Dưới đáy thung lũng uốn lượn một dòng sông nước cạn. Hai bên bờ cuồn cuộn những hàng rào kẽm gai dài như vô tận. Anh có thể thấy những đám lính đông đảo dùng xẻng nhà binh đang tất bật đào giao thông hào trên sườn các ngọn đồi thấp, trên đó. dựa theo địa hình thiên nhiên của chúng, người ta lập thành các cứ điểm phòng thủ bên trong vòng đai của tập đoàn cứ điểm.
Đưa mắt lần lượt quan sát các đỉnh núi cao vượt hẳn lên trên đang bọc quanh mọi phía lòng chảo, Joseph hít một hơi thật gấp:
- Anh có lý. Có một nguyên tắc hành quân cực kỳ cổ điển là "chớ bao giờ để đối phương chiếm giữ cao điểm ở phía trên quân ta", thế mà các đỉnh này lại hoàn toàn để dành cho Việt Minh!
Viên phi công gật đầu:
- Bây giờ hẳn ông đã hiểu tại sao chúng tôi gọi nó là cái bô nước tiểu? Từ các đỉnh núi ấy, lũ "da vàng" có thể đái lên trên hết thảy chúng tôi. Tướng Navarre và bộ tham mưu của ông ta chắc đang sống trong thế giới mộng mị. Họ nghĩ rằng quân địch từ trên các ngọn đồi chung quanh sẽ lại ào xuống, như chúng từng làm tại Nà Sản, để sẵn sàng đứng chôn chân trong dây kẽm gai cho quân ta có thể dùng máy bay tiêm kích và pháo binh nghiền chúng nát như cám - có điều tôi sẽ hết sức ngạc nhiên nếu tướng Giáp mắc bẫy cái trò lừa đó tới hai lần!
Joseph nói và gật gật đầu:
- Có vẻ chẳng ai lại điên rồ tới như thế!
Viên phi công khịt mũi thêm lần nữa rồi nhún vai. Anh ta lại ngó xuống những sườn đồi rậm rạp bên dưới thân máy bay khi chiếc Dakota sà xuống:
- Ba cái thứ đó đều dựa theo lý thuyết quân sự nơi trường lớp. Tại bộ tư lệnh, người ta chăm chỉ nghiên cứu các sa bàn nhỏ xíu và không kẻ nào tin rằng lũ "da vàng" có thể chuyển vận vũ khí và đồ tiếp liệu tới đây, vượt qua mấy trăm cây số đường núi, đủ để kéo dài một cuộc vây hãm thật sự. Nhưng nếu người ta sai lầm, tập đoàn cứ điểm này tới giờ cuối sẽ là miếng mồi ngon cho bọn Việt xơi tái.
Joseph tiếp tục xem xét từ cụm cứ điểm này sang cụm cứ điểm khác với con mắt chuyên nghiệp. Khi chiếc Dakota sà xuống thấp hơn, lông mày anh cau lại, hằn rõ nét hơn. Cuối cùng anh nói:
- Dường như người ta đặt quá nhiều đức tin vào các đồi cứ điểm bên trong vòng đai phòng thủ. Nhưng nếu người Việt Nam tới được những chỗ đó, sẽ có cận chiến cực kỳ ác liệt.
Viên phi công gật đầu. Thêm lần nữa anh ta khoa tay chỉ qua kính chắn gió:
- Gần như mỗi ngọn đồi là một cụm cứ điểm. Ba đồi cực bắc thung lũng được đặt tên Gabrielle mà bọn Việt Minh gọi là Đồi Độc lập, Béatrice là Him Lam và Anne-Marie là Bản Kéo. Một đồi ở phía Nam được đặt tên Isabelle là Hồng Cúm và một nhóm nhỏ nằêm rải rác bọc quanh trung tâm chỉ huy ở giữa, Claudine là 310, Francoise là Nà Ngọng, Elaine là A+, C+... Hugette là B+... Dominique là các cứ điểm E+, D+... và vị trí pháo binh 210.
Nói tới đây, anh ta liếc Joseph thật lẹ, mặt nhăn lại không chút đùa cợt:
- Nếu ông chưa từng nghe, có lẽ tôi phải kể với ông rằng đại tá De Castries, chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm này, được người ta đồn là kẻ đào hoa nổi tiếng. Binh lính của ông ấy tin rằng những ngọn đồi cụm cứ điểm được đặt theo tên các tình nhân hiện nay của ông ta - nhưng họ không thú vị lắm cái ý tưởng đó.
Qua kính chắn gió, Joseph nhận thấy có những luồng khói trắng phụt lên dọc thung lũng, sát đường băng hạ cánh. Giữa tiếng gầm của động cơ Dakota, anh nhận ra tiếng hú đặc biệt của các khẩu sơn pháo loại nhẹ 75 li. Anh chúi người tới sát bên tai viên phi công và nói:
- Ngó như thể Quân đội Nhân dân Việt Nam đang nồng nhiệt dàn chào chúng ta.
Người Pháp lại gật đầu ác liệt, không quay mình lại:
- Địch cũng sẽ pháo kích phi đạo khi chúng ta đáp xuống. Lúc này chuyện đó thành thông lệ. Hễ bánh phi cơ chửng lại, ông phải lập tức phóng thật lẹ lên xe díp của bộ chỉ huy được người ta phái ra đón ông.
Khi chiếc Dakota sà xuống gần mặt đất, Joseph nhìn chòng chọc từng chỗ đạn pháo nổ vang, bắn đất vàng văng tung toé dọc đường băng làm bằng vỉ sắt do người Nhật lót thời Thế Chiến Hai. Qua cửa sổ máy bay, anh có thể thấy một chiếc xe díp chỉ huy chạy dic-dăc giữa các loạt đạn pháo đang nổ. Dù ở cách xa một trăm thước, anh vẫn nhận ra một dáng người cao, vai vuông, thẳng lưng, ngồi bên cạnh tài xế. Trên mình người ấy mặc bộ đồ trận rằn ri và đội mũ bê-rê màu đỏ thẩm của Tiểu đoàn Dù Thuộc địa Số 2.
Trên mặt đất, tiếng uỳønh uỵch bùm bụp của đạn pháo khi nổ nghe lớn hơn nhưng không giống tài xế xe díp, viên sĩ quan ngồi cạnh anh ta chẳng màng đội mũ sắt. Trước vẻ can trường điềm tĩnh thấy rõ ấy, trong lòng Joseph, những ray dứt mơ hồ về mặc cảm đắc tội và ân hận càng ngày càng nhiều suốt hai ba năm nay lúc này bỗng dưng kịch liệt thêm.
Chiếc Dakota vừa chửng bánh, Joseph lao mình ra cửa máy bay, khom người chạy thật lẹ về phía xe díp. Tài xế cho xe chạy chậm lại ứng nhịp với bước chân người đi bộ để Joseph có thể vọt lên xe. Sau đó, tài xế quành xe, chạy một mạch về những căn hầm kiên cố của bộ chỉ huy được lập sâu dưới mặt đất hai thước.
Túm bàn tay viên trung tá Pháp bằng cả hai tay mình, Joseph thét lớn:
- Tôi cứ tưởng thung lũng này là một pháo đài rất vững chắc!
- Nó đúng là thế, ông bạn ạ, tôi bảo đảm với anh.
Paul Devraux trả lời, cười miệng rộng tận mang tai và hét thật to, cố át tiếng đạn pháo đang gầm rú, để cho Joseph nghe ra anh đang nói cái gì:
- Đừng lo! "Người Mỹ đa tình" sẽ không bị bắn rớt lại đây hai hòn bi ngọc ngà đâu - bọn chúng không cách gì lập nổi hàng rào hỏa lực thật sự hữu hiệu bằng mấy khẩu 75 li nhỏ xíu thứ ống thổi hột đậu của con nít đó!
Khi xe díp rít lên ken két rồi ngừng bánh trước giao thông hào dẫn xuống hầm trú ẩn kiên cố của Paul, từ chốn mịt mù bụi trồi ra một chi đoàn xe tăng ầm ầm chạy ngang chỗ hai người. Paul chỉ hướng đông bắc và nói:
- Xe thiết giáp lên đường để xử mấy khẩu sơn pháo nơi các chân đồi đằng kia. Chỉ chút nữa thôi bọn chúng sẽ câm họng. Nếu anh muốn, chúng ta có thể đứng lại đây quan sát.
Một hai phút sau, Joseph và Paul nghe tiếng nổ rất sâu của các khẩu pháo trên xe tăng từ đầu kia lòng chảo vọng lại, rồi cuộc pháo kích của Việt Minh xuống phi đạo thình lình tắt tịt. Paul nói với vẻ hả hê và đưa tay trìu mến quàng qua vai Joseph:
- Anh thấy chưa, tôi nói có đúng không? Đây không phải chỗ an toàn nhất trên toàn cõi Đông Dương thì nó là cái gì?
Joseph cười đáp trả nhưng không thể ngăn nổi mình cứ thỉnh thoảng lại đưa mắt nghi ngại nhìn lên các đỉnh núi bên trên thung lũng. Viên sĩ quan Pháp cười lớn rồi làm điệu bộ hoa tay nửa vòng, ra hiệu mời Joseph đi trước vào hầm:
- Nếu anh không tin tôi, tôi sẽ sắp xếp cho anh nói chuyện với đại tá Piroth, chỉ huy trưởng pháo binh của chúng tôi. Ông ấy sẽ làm anh yên lòng. Nhưng cái quan trọng hơn tất cả là tôi đang có một chai cô-nhắc thật ngon. Mình uống mừng sự đoàn tụ của chúng ta và chào đón anh tới Điện Biên Phủ.
Paul thêm lần nữa nồng nhiệt vỗ vai người Mỹ:
- Đã bao nhiêu năm rồi, Joseph ạ, nay gặp lại anh thật tuyệt vời.