Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102388 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 4 -

Dinh thống đốc Nam Kỳ được xây bằng đá trắng theo kiểu phô trương và tân cổ điển bởi những người Pháp có lòng yêu nước nồng nàn từng dựng lên các công thự vĩ đại ở Paris vào cuối thế kỷ mười chín. Tọa lạc cuối đường La Grandière, bao quanh với các hoa viên kiểu cách, mặt trước của dinh hùng vĩ gồm những cột cao xẻ rãnh kiểu Hi Lạp và các hàng lan can chạm trổ, được vẽ kiểu với dụng ý như một tuyên ngôn kiên định bằng đá về sự kiêu hãnh và tự tin của mẫu quốc thực dân. Chót vót mái dinh là một vòm cao gắn kính, hình bát úp với khung rắn chắc bằng thép. Từ cột cờ trên nóc dinh, lá quốc kỳ tam tài màu xanh, trắng và đỏ của Pháp bay giập giờn trong gió nhẹ buổi tối.
Vừa tới nơi, Chuck và Joseph đã thấy cha với mẹ đang chờ hai anh em trên thềm cao, rộng thênh thang, cóù những bậc cấp bằng đá hoa cương. Một sĩ quan cao cấp, tùy viên của thống đốc, hướng dẫn họ tới khu vực tiếp tân, đi ngang một dãy phòng trần cao vời vợi hơn mười hai thước, sàn bóng láng đá cẩm thạch.
Trong đại khách sảnh, những người hầu An Nam đều mặc áo dài trắng trên tay bưng khay bạc. Họ nhón gót đi thầm lặng giữa các chậu cau kiểng để bồi tiếp rượu sâm-banh ướp lạnh cho một đám đông đảo tây thuộc địa tụ tập sẵn từ hồi nào. Đàn ông Pháp mặc giống hệt nhau, quần dài đen và áo ‘smô-kinh’ — một loại áo ngoài cắt chẽn ngang hông thường dùng để dự tiệc chiều — trong khi phụ nữ chưng diện y phục của các cửa hiệu thời trang trên đường Catinat, đủ trang nhã để làm họ quên Đại lộ La Paix ở Paris, cách Sài Gòn hơn hai chục ngàn cây số đường biển.
Dưới bức chân dung của Đại đế Napoléon to lớn đóng khung mạ vàng, thống đốc Nam Kỳ đích thân đứng nghênh đón gia đình Sherman. Ông tác người cao lớn, ngạo nghễ. Tóc mai dài và râu đen nhánh rậm rạp. Mình mặc bộ đồng phục màu xanh da trời được tô điểm công phu với những hạt nút bằng vàng thật. Nơi ngực bên trái chiếc áo chẽn lấp lánh huy hiệu Bắc đẩu Bội tinh và hàng chục huân chương. Trên chiếc bàn bên cạnh đặt phô trương một chiếc mũ ba sừng có cắm lông chim. Khi cả nhà Sherman tiến đến gần, thống đốc không mỉm cười, chỉ yên lặng chờ, tay đặt trên đốc kiếm nghi lễ. Thái độ tỏ vẻ tách biệt của thống đốc có ý gợi cho người khác thấy rằng ông tự đánh giá phẩm cách của mình ít ra cũng chẳng chút nào thua kém vị anh hùng truyền thuyết của Pháp đang từ trên bức vách đằng sau ông nhìn xuống.
Đưa bàn tay đeo găng trắng, thống đốc trịnh trọng lần lượt bắt tay từng người trong gia đình Sherman và nói: “Hoan nghênh đã tới thuộc địa rất xinh đẹp này của nước Pháp!” Nhưng khi thượng nghị sĩ tươi rói và nhã nhặn bắt đầu nói rằng gia đình mình vô cùng hân hạnh được tới nơi đây, ông liền bị sĩ quan tuỳ viên đưa tay ngăn lại. Anh ta ra hiệu cho cả nhà bước qua một bên để thượng cấp của mình có thể bắt đầu bài diễn văn chính thức.
Thống đốc phát biểu bằng ngôn ngữ nước mình, giọng sang sảng:
- Thưa Thượng nghị sĩ Sherman và Phu nhân, thật rất vinh dự cho tôi được đón tiếp một gia đình cao quí như gia đình quí vị đến xứ Đông Dương thuộc Pháp này. Quí vị tới đây chủ yếu là để săn các dã thú quí và hiếm nơi rừng núi của chúng tôi hầu cho nhân dân Hoa Kỳ có thể chiêm ngưỡng khi chúng được trưng bày tại Nhà Bảo tàng Sherman ởû thủ đô Washington. Chúng tôi xin chúc quí vị trong thời gian lưu lại trên đất thuộc địa này của chúng tôi được nhiều may mắn và cuộc đi săn đạt kết quả tốt đẹp — nhưng như thế hẳn nhiên chưa đủ!
Ông ngẩng cao đầu, nhìn mông lung trần nhà trong khi sĩ quan tùy viên đọc bản dịch từng lời vừa nói trong một tờ giấy. Kế đó, ông tiếp tục, cũng bằng giọng cao điệu như thế:
- Hết thảy chúng tôi đều tự hào về sự tiến bộ được nước Pháp, trong những năm vừa qua, tạo ra tại Nam Kỳ và những miền đất khác của Liên hiệp Đông Dương thuộc Pháp. Tại đây, tôi hi vọng rằng quí vị sẽ thấy những bằng chứng cho mục đích đạo đức cao cả mà với nó chính quyền Pháp đang nỗ lực hoàn thành sứ mạng khai hoá của mình.
Thống đốc nói chậm lại để nhấn mạnh và kéo dài từng chữ trong thành ngữ Pháp “sứ mạng khai hoá”. Trong khi cố tình làm như vậy, ông kiêu hãnh đưa mắt lấp lánh nhìn chằm chặp khắp đám đông đang tụ tập:
- Chúng tôi đem lại cho cái góc hẻo lánh này của địa cầu những đường sá mới, đường xe lửa và đường dây thép, tới độ nếu không có những thứ ấy, xứ sở này sẽ suy kiệt với những vất vả lao nhọc của một quá khứ không tiến bộ. Chúng tôi đã và đang phát triển các đồn điền cao su, mỏ than và những tiện nghi kỹ nghệ hiện đại trong tinh thần hợp tác với những người An Nam lao động cần cù và siêng năng. Và hết thảy những công cuộc mở mang ấy đều nhằm mục đích phục vụ cho những lợi ích hàng đầu của dân chúng Pháp lẫn dân chúng An Nam. Chúng tôi hy vọng các vị khách quí người Mỹ hôm nay, trong những lúc đi lại trên xứ sở này, sẽ có cơ hội tán thưởng một số thành tựu của chúng tôi. Chúng tôi xin chúc toàn gia quí vị hạnh phúc và thu lượm được nhiều thành quả trong những ngày lưu lại tại vùng đất thuộc địa này.
Nhân lúc người tùy viên thông dịch những lời ấy, Joseph Sherman nhìn quanh phòng. Cái trước tiên đập vào mắt cậu là mấy nhóm người An Nam nhỏ thó đang thầm lặng đứng với vợ giữa những đàn ông và đàn bà người Âu cao lớn. Một số mặc áo thụng kiểu Tàu lấp lánh màu sắc và đội mão quan màu đen. Một số mặc áo dài the đen và quần trắng, đội khăn đóng. Chỉ vài người bận vét-tông. Nhưng người nào dưới cằm cũng để một chòm râu lưa thưa như một dấu hiệu cho hệ quả sự làm người An Nam. Joseph nhận thấy hết thảy họ, dù địa vị cao thấp khác nhau, đều có vẻ không được thoải mái, không nhìn thống đốc, cũng chẳng nhìn nhau và thường đưa mắt ngó xuống sàn nhà.
Nathaniel Sherman đáp từ. Giọng miền nam của ông khi cất lên trước công chúng nghe luyến láy hơn bình thường. Ông nói với cung điệu nhịp nhàng và uyển chuyển, cân nhắc và chậm rãi, vốn thường dùng trên diễn đàn Thượng nghị viện:
- Nếu những đường phố đáng yêu của Sài Gòn là cái gì đó đáng để đánh giá thì, thưa Monsieur Thống đốc, quí vị đã và đang mang những lợi ích văn minh lớn lao tới cho xứ thuộc địa nhiệt đới này của quí vị. Thủ đô xinh đẹp này của quí vị đang làm chứng trọn vẹn cho danh xưng của nó: “Hòn ngọc Viễn đông,” và dân chúng trên những đường phố này dường như mãn nguyện và hạnh phúc. Rõ ràng họ sống thoải mái dưới sự cai quản đầy nhân ái của quí vị...
Joseph nhăn mặt băn khoăn ngó sang Chuck. Rõ ràng cậu vừa kể cho cha nghe việc các cu-li xe kéo bị người đi xe đánh đập và dường như ông đã lắng nghe. Joseph thì thầm: “Anh có nghĩ là cha không tin em?” nhưng Chuck chỉ đáp lại bằng một cái nhún vai. Thượng nghị sĩ tiếp tục, giọng êm như ru:
- Thưa Monsieur Thống đốc, hai quốc gia chúng ta cùng duy trì những niềm tin giống nhau. Cả hai dân tộc chúng ta đều sẵn sàng và mong muốn gánh vác những trách nhiệm và bổn phận đang đặt lên vai các quốc gia thịnh vượng và hùng cường trên thế giới. Chính Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ từng là một xứ thuộc địa và đã chiến đấu gian khổ cho nền tự do và độc lập của mình. Tôi chắc chắn sứ mạng soi sáng và khai hóa của quí vị mà, một cách vô cùng vị tha, đã và đang đem lại những phương tiện liên lạc và kỹ nghệ hiện đại, sẽ bảo đảm rằng nơi này không bao giờ cần tới bất cứ sự xung khắc nào...
Người tùy viên điềm tĩnh dịch sát nghĩa những lời thượng nghị sĩ đang nói. Thống đốc đột ngột ngước mặt ngó khi nghe đề cập hai tiếng “độc lập”. Nhưng ông chỉ thấy thượng nghị sĩ Mỹ đang nhón chân, duyên dáng cười đáp trả, và tiếp tục bài diễn văn của mình bằng giọng kéo dài, chậm rãi, không chút ngập ngừng:
- Tôi nghĩ rằng, thưa quí vị, có lẽ tôi nên vạch rõ mối liên hệ mật thiết hơn nữa giữa gia đình chúng tôi với nước Pháp.
Ngưng nói, ông hoa tay về phía vợ, như một xướng ngôn viên giới thiệu ngôi sao hấp dẫn nhất trong buổi trình diễn tối nay:
- Flavia, người vợ khả ái của tôi, chào đời tại một thuộc địa cũ của nước Pháp đã được bậc vĩ nhân trong bức chân dung đằng sau ông, thưa Monsieur Thống đốc, bán cho Hiệp chúng quốc vào năm 1803 với số tiền mười lăm triệu đô la. Hoàng đế Napoléon được món lợi lớn vì sớm muộn gì nước Pháp cũng phải từ bỏ đất đó, và nhờ thế, tôi cũng được một món lợi vô giá vì Louisiana đã cho tôi một người bạn đời đáng yêu với tất cả những nét quyến rũ có tính truyền kỳ của dân tộc quí vị.
Ông hướng sang Flavia, cười rạng rỡ. Bà cười đáp lại, má ửng hồng. Bà biết rõ, qua những biểu lộ lãnh đạm của các bà vợ Pháp trong buổi tụ họp này và qua sự ngưỡng mộ lộ liễu trong mắt các ông chồng mặt tai tái tươm mồ hôi của họ, rằng bà đã đạt được một thành quả ngoại hạng với sự chưng diện và vẻ diễm tuyệt của mình. Ngoài chiếc áo dạ hội bằng tơ màu tử đinh hương mộc mạc mà trang nhã, Flavia còn bạo dạn cài lên đầu những miếng ngà nhỏ giữ cho tóc gọn gàng và chải tóc ngược ra đằng sau làm nổi bật đôi gò lưỡng quyền cao, rồi để mái tóc buông xuống lưng xỏa thành một suối tóc đậm màu, tương phản rõ nét với chiếc áo dạ hội màu nhạt. Hai má Flavia vốn hồng hào sẵn nhờ cái nóng, kết hợp với niềm sảng khoái được là tâm điểm chú ý của mọi người và điều đó khiến nhan sắc của bà lộng lẫy thêm và tươi mát thêm. Thượng nghị sĩ tiếp tục:
- Nhà tôi đã mất hy vọng vào tôi từ lâu nhưng bà bảo đảm rằng hai con trai của tôi, Charles và Joseph đây, đang nói ngôn ngữ tổ tiên của mẹ chúng, và điều ấy mang lại lợi ích cho chúng tôi khi viếng thăm thuộc địa này của quí quốc.
Ông ngừng một chút để người nghe thấm lời xác định của ông. Rồi thêm lần nữa ông cười niềm nở với chủ nhân của bữa tiệc:
- Chúng tôi vô cùng cảm kích trước lòng nồng nhiệt cực độ của ông, thưa Monsieur Thống đốc, cùng sự tiếp đón ân cần và hiếu khách của tất cả quí vị.
Khi sĩ quan tùy viên dịch xong những lời của thượng nghị sĩ, hết thảy những ông bà tây thuộc địa đang tụ họp lịch sự vỗ tay. Một người hầu An Nam lảng vảng gần đó từ lúc nào, bước ra tiến rượu sâm banh cho quan khách. Thống đốc lập tức nhướng cặp kính đeo mắt sang phía Flavia, hỏi han cặn kẽ về dòng họ Pháp của bà và sự “ kết hợp đáng kinh ngạc” giữa nhan sắc của bà với hai cậu con xinh đẹp. Lần đầu tiên ông mở miệng cười và nói:
- Bà Sherman ạ, tôi tin rằng bà chẳng dùng hết thời giờ của mình để đi săn. Nếu bà có dịp để mắt tới và tham dự một vài sinh hoạt chung nào đó của chúng tôi, sự có mặt của bà sẽ làm sôi nổi cuộc sống thuộc địa vốn quen nếp tù đọng này.
Flavia cười đáp trả rồi đưa mắt liếc Nathaniel thật lẹ. Thấy chồng đang mải mê chuyện trò với người tùy viên của thống đốc, bà mới để cho mình được phép thấp giọng tâm sự:
- Thưa ông, cuộc sống ở Virginia rất giới hạn. Các chân trời văn hoá và xã hội ở nơi đó quá chật hẹp, cũng vì thế từ lâu tôi mong ước có một chuyến đi như thế này. Joseph, đứa con trai thứ hai của tôi, rất quan tâm tới lịch sử, và chúng tôi sắp đi Huế để ngoạn cảnh chốn đế đô cùng quan chiêm đức vua cử hành lễ Tết cổ truyền.
Thống đốc mỉm cườøi thêm lần nữa:
- Như thế tôi hi vọng lại hân hạnh được gặp bà tại đất thần kinh cổ kính của các hoàng đế An Nam. Tôi cũng sẽ dự các nghi lễ đó trước khi lên nghỉ ngơi vài ngày ở khu nghỉ mát tại vùng đồi núi Đà Lạt.
Ngay lúc ấy, cảm giác có ánh mắt ai đang chạm vào người mình, bà vợ của thượng nghị sĩ vội vàng quay đầu lại. Bà bắt gặp một người đàn ông Pháp cao, mặt rắn rỏi, mặc áo vét trắng kiểu dùng dự tiệc chiều, đứng kế bên tùy viên của thống đốc, đang ngây người âm trầm ngắm bà. Vì Flavia bất thần quay lại nên hắn sửng sờ, mất cảnh giác về sự thiếu ý tứ trong việc chiêm ngưỡng thân xác của người khác. Nhưng cái nhìn chằm chặp u ẩn và lặng lờ của hắn giữ bà đứng yên cho tới khi bà xoay người nhìn qua chỗ khác. Người tùy viên của thống đốc vốn đã để ý khi Flavia quay lại, thấy đây là cơ hội cho mình mở lời đưa người Pháp thầm lặng này tham dự vào nhóm:
- Thưa Thượng nghị sĩ Sherman và phu nhân, tôi xin phép giới thiệu kẻ sẽ làm người hướng dẫn và cố vấn đầy kinh nghiệm của quí vị trong rừng thẳm nhiệt đới này, Monsieur Jacques Devraux. Ông Jacques Devraux trước đây làm sĩ quan trong binh chủng Bộ Binh Thuộc Địa nhưng lúc này ông là một nhà săn bắn rất mạo hiểm và thành công nhất của chúng tôi.
Trong khi nắn rất lẹ các ngón tay của Flavia, Jacques Devraux vội vàng cúi chiếc đầu đen sẩm lên bàn tay bà. Flavia cảm giác môi hắn lướùt nhẹ trên da mình và nghe hắn thì thầm: “Hân hạnh”. Nhưng trước khi quay sang chào thượïng nghị sĩ, hắn không nhìn bà thêm lần nào. Nathaniel Sherman nói lớn, niềm nở chào người Pháp ấy bằng cái bắt tay thật chặt và nồng nhiệt:
- Rất mừng được gặp ông, Monsieur Devraux. Chúng ta có nhiều điều cần thảo luận với nhau. Theo ý ông, sớm nhất là chừng nào chúng ta sắm đủ đồ trang bị? Và khi nào chúng ta có thể nghĩ tới chuyện lên đường?
Thống đốc nhướng đôi lông mày rậm lên nhìn Flavia Sherman, tỏ vẻ thiện cảm trong khi chồng bà bắt đầu thảo luận chi tiết các kế hoạch đi săn. Nâng nhẹ khuỷu tay của Flavia, thống đốc đưa bà đi về phía đám đông đang chờ đợi, và bắt đầu giới thiệu bà.
Cả hai vừa đi, một người hầu An Nam chợt thầm lặng xuất hiện kế bên Joseph Sherman, đưa cho cậu ly sâm-banh khác. Cậu bé Mỹ nhìn xuống chiếc ly rỗng trên tay mình do cậu vừa bộp chộp uống ực một hơi, rồi ngó mông lung bóng dáng mẹ đang nhanh chóng biến mất trong đám đông. Trước khi cả gia đình rời khách sạn, mẹ đã căn dặn cậu không được phép uống quá một ly, còn Chuck anh cậu, không bị sự cấm đoán ấy ràng buộc. Chuck đang vừa nhấm nháp ly rượu thứ hai một cách tự tin vừa nhìn Joseph và nở nụ cười hiền hậu trước vẻ tần ngần của em:
- Ngó như thể má mình chơi trội hơn em. Nói tóm lại, bà là người đẹp thật sự của buổi dạ vũ này chứ chưa phải em. Thôi thì làm một ly nữa cho nguôi sầu hận — ông anh này gánh trách nhiệm cho.
Trợn mắt làm bộ tịch dữ dằn chế nhạo lại anh, Joseph cầm thêm một ly. Lần này thận trọng hơn, cậu nhắp từng chút một. Lúc ấy, một cậu trai Pháp tóc đen tuổi chừng mười tám, vừa cười toe toét đi tới phía hai anh em vừa chìa bàn tay:
- Xin chào nhị vị, tôi là Paul Devraux. Tôi phụ việc cho ba tôi và tôi lấy làm sung sướng được biết các anh nói rất giỏi tiếng Pháp. Cho tới nay tôi chỉ học lóm được có mấy câu tiếng Anh, thí dụ như: “Cô ơi mặt cô đẹp tuyệt vời đấyï!”... “‘Cô có chịu lên giường với tôi không ạ?”... “Anh yêu em cực kỳ em ơi!”... Và tôi thấy giữa nhị vị và tôi, không việc gì phải dùng tới mấy câu đại loại như thế!
Hai anh em rộ lên cười vì những câu tiếng Anh đưa ra có ý chọc cười ấy. Cả ba vui vẻ bắt tay nhau. Vóc dáng của Paul Devraux rất giống cha chỉ trừ đôi mắt sẩm màu long lanh tinh quái trên khuôn mặt rám nắng và khắp người toát ra vẻ dí dỏm, ưa bỡn cợt.
Nghiêng mình đầy tự tin về phía hai anh em, Paul nói:
- Tôi hy vọng các anh thưởng thức bài diễn văn của thống đốc chúng tôi. Nhưng chớ tin hết thảy những gì ông ấy nói. Một số người quả quyết rằng thực tế chẳng có chút nào gọi là “sứ mạng khai hóa” trong mọi việc người Pháp đang tiến hành ở đây. Các anh thấy, trước khi chúng tôi đến đây thì tại xứ thuộc địa này chẳng có nhà thổ nào — nhưng ngày nay thành phố nào cũng tổ chức thi đủ loại hoa hậu, thực tế là tuyển lựa mỹ nữ cho các quan chức. Vậy có lẽ đúng ra nên gọi là “sứ mạng giang mai hoá”, phải không?
Chuck không nín nổi, bật cười ha hả. Joseph cũng cười nhưng hơi bứt rứt tự hỏi chẳng biết mình có hiểu đúng ý sự hài hước ngược ngạo của cậu trai Pháp không. Dứt tiếng cười, Chuck xuống giọng góp ý và dò hỏi:
- Thế thì đúng ngay chóc Paul ạ. Còn một điều chúng tôi từng nghe nói về đàn ông Pháp thì sao: rằng hết thảy họ đều là kẻ điên cuồng sinh lý?
Paul lập tức tỏ vẻ bị xúc phạm:
- Cái đó chắc chắn không đúng! Chỉ hầu hết chúng tôi là bị điên cuồng sinh lý thôi!
Cậu cười, vân vê một bên chốt ria mép màu đen với dáng điệu ta đây hiên ngang, làm hai cậu trai Mỹ lại bật lên cười. Chuck nói:
- Qua những gì chúng tôi vừa thấy dọc đường tối nay, tôi phải nói rằng đàn bà con gái xứ này hình như không dễ xáp vô dù họ trông có vẻ bắt mắt trong bộ quần áo lụa nhỏ nhắn và hấp dẫn.
Cậu trai Pháp nói, lại xoắn chốt ria mạnh hơn nữa:
- Cực kỳ chí lý đấy, anh bạn. Họ không sẵn lòng chút nào. Anh thấy, giai cấp quan lại phẩm cách rất nghiêm khắc. Khi một thiếu nữ An Nam kết hôn, đêm đầu tiên trong tuần trăng mật, người chồng trải một vuông lụa trắng như tuyết ra giữa giường. Nếu cô dâu không vượt qua nổi cuộc thử nghiệm đó thì hắn được phép đuổi tân nương dọn đồ đạc trở về nhà gái, và hắn công khai tuyên bố lý do.
- Thế thì làm thế nào tất cả những người Pháp điên cuồng sinh lý của anh giữ được sức khoẻ của mình?
Paul nói và đưa ngón tay lên giảng giải:
- A! Rõ ràng là anh không nghe nói tới một chế độ cao quí và trang nhã là “con gái”.
Chuck thừa nhận:
- Không. Tôi chưa nghe. “Con gái” là gì vậy?
- “Con gái” là đầy tớ gái, chị em của các đầy tớ trai, các cậu bồi chú bếp — hoặc đôi khi thậm chí là vợ của hắn. Hầu hết là những thiếu nữ từ nhà quê lên.
Paul vừa nói vừa đưa tay hoa một vòng về phía những người còn lại trong phòng:
- Thấy không, tại xứ thuộc địa này có quá ít các bà vợ. Hầu hết tây thuộc địa người Pháp chúng tôi tới đây một mình — vì “con gái”. Đó là lý do hiện có tới bốn chục ngàn “con lai” tại một xứ thuộc địa như thế này.
Joseph lật đật hỏi, lo lắng sợ mình bị gạt ra bên lề cuộc nói chuyện hấp dẫn của người lớn:
- Con lai? Là cái gì vậy?
- Người pha tạp chủng tộc, ông bạn ạ — nửa Pháp nửa An Nam. Chúng tôi gọi bằng tiếng Pháp là đầu gà đít vịt, chẳng phải giống này cũng chẳng phải giống kia. Khi tây thuộc địa người Pháp chúng tôi hồi hương, bọn chúng bị bỏ lại. Nếu may mắn, “con gái” ấy và những “con lai“ của bà ta sẽ được bàn giao cho người sẽ tới tiếp quản ngôi nhà đó, tính chung một thể với đồ đạc trong nhà. Nếu không, thê thảm hết chỗ nói, không ai ngó ngàng tới họ. “Đời thuộc địa là thế!” người ta chỉ nói vậy thôi rồi nhún vai.
Chuck cười cười, đế vào:
- Nhưng tôi dám cá rằng chắc chắn mẹ anh giữ riết anh, không cho anh tới gần “con gái”.
Giọng trầm hẳn, cậu trai Pháp nói:
- Chẳng may má tôi qua đời rồi. Bà bị chết bốn năm trước, trong một tai nạn sông nước.
Chuck vội vàng nhẹ giọng:
- Tôi thành thật xin lỗi.
Cậu trai Pháp phất tay xua lời xin lỗi của Chuck:
- Nhưng dù trường hợp nào đi nữa tôi cũng không trọng nễ bất cứ kẻ nào trong đồng bào tôi có hành động đối xử tệ bạc với “con gái” An Nam. Tôi tới Sài Gòn cách đây tám năm, lúc ba tôi còn ở trong quân đội. Sau ngày má tôi qua đời, ông quyết định lưu lại đây thêm một thời gian, kiếm sống bằng nghề săn bắn, nên ở đây tôi lớn lên chung với con trai và con gái An Nam cùng lứa tuổi. Có thể tôi có quan điểm khác với thế hệ lớn tuổi hơn tôi.
Đột nhiên Joseph kéo mạnh tay áo anh mình, đưa cằm về phía đằng kia phòng:
- Anh Chuck, nhìn kìa, có cái ông anh em mình mới gặp trên đường phố...
Nhìn theo em, Chuck thấy gã đàn ông Pháp khòm lưng, càm ràm hai anh em bằng tiếng Anh hồi chiều. Ăn vận giống mọi tây thuộc địa khác, hắn đang trò chuyện với một người đàn ông mặt xanh mét, vàng vọt, nhỏ con hơn và mắt cũng thâm quầng y hệt hắn. Joseph quay sang Paul Devraux, giải thích:
- Chúng tôi thấy có vài tù nhân bị đánh đập nhưng ông ấy nói với chúng tôi rằng chớ thương hại họ. Ông ấy nói hết thảy người An Nam đều lười biếng, vô tích sự.
Liếc thật lẹ người đó, cậu trai Pháp nhún vai:
- Ông ta và bạn của ông ta là đại diện điển hình cho tầng lớp vệ binh cũ. Có thấy quầng thâm nơi mé dưới con mắt họ không? Chắc chắn đó là dấu hiệu của người nghiện á phiện. Tôi đã từng gặp “ông bạn” ấy của các anh — quần áo ông ta lúc nào cũng mốc meo mùi khói. Tôi đoán chừng ông ta làm thanh tra hầm mỏ hoặc một nghề đại loại như vậy.
Paul Devraux thấp giọng, nghiêng mình về phía hai cậu trai Mỹ:
- Và ngẫu nhiên á phiện chưa phải là thói xấu độc nhất của cặp bài trùng đó. Sau khi rời chỗ này có lẽ họ sẽ đi bộ dọc đường Catinat, ra tận bờ sông. Nếu có dịp dạo chơi trên kè đá trước mặt tiệm cà phê La Rotonde, các anh sẽ thấy có những cậu bé An Nam nghèo cực mặt bôi bột gạo trắng, lượn tới lượn lui để phục vụ cho hạng người như hai “ông bạn” ấy. Hoặc cả hai sẽ gọi phu xe trẻ tuổi kéo họ chạy lòng vòng suốt đêm, để ngắm cái mông đít nhỏ xíu và vàng khè của anh ta nhô lên hụp xuống trước con mắt thèm thuồng của họ — và sẽ đánh đập anh ta nếu anh ta không chịu để yên cho họ làm tới.
Cậu trai Pháp đột nhiên bỉu môi tỏ vẻ kinh tởm:
- Loại người như vậy rất thường thấy ở đây. Người từ nước Pháp tới thuộc địa không phải bao giờ phẩm chất cũng hạng nhất. Thôi, đừng nói thêm về họ nữa.
Chuck nhấp sâm banh, nhìn quanh các nhóm nhỏ người An Nam đang có khuynh hướng càng lúc càng co cụm vào nhau trong khi tiếng chuyện trò rì rào của người Pháp chung quanh họ mỗi lúc một thêm rôm rả. Cậu hạ giọng:
- Vậy anh kể cho chúng tôi nghe thêm đôi chút về người bản xứ. Những vị phương đông mắt xếch đang có mặt giữa chúng ta, mặc áo thụng bằng lụa hoa hoè và đội những chiếc mão buồn cười ấy, chính xác họ là ai vậy?
- Chúng tôi gọi họ là những “kẻ hợp tác”. Còn người An Nam không muốn dính dáng gì tới người Pháp thì gọi họ là “quân ăn cướp có môn bài”.
Joseph ngập ngừng hỏi với nụ cười hoang mang:
- Tại sao lại “quân ăn cướp có môn bài”?
- Sáu chục năm trước, khi các chiến thuyền hùng mạnh của người Pháp chúng tôi dong buồm tới đây, giới trí thức lớn tuổi của xứ An Nam này bất hợp tác với chúng tôi. Nhưng chúng tôi rất xảo quyệt: chúng tôi mua lòng trung thành. Quan lại cấp thấp nào chịu đồng ý làm việc cho chúng tôi, như làm thông ngôn chẳng hạn, thì được ban thưởng các vùng đất rộng mênh mông có đồng ruộng phì nhiêu ở đồng bằng sông Cửu Long. Dần dà ý tưởng đó tự nhiên biến thành một lối trả công cho sự tích cực hợp tác trong nhiều lãnh vực, đặc biệt quân sự và hành chánh. Trải qua nhiều năm, các gia đình “kẻ hợp tác” ấy trở thành cự phú. Vì họ là những người trung thành, chúng tôi giúp họ mở rộng thêm ruộng đất. Rồi họ lại cho chính nông dân sống tại chỗ thuê lại ruộng đất đó với giá cắt cổ — đó là lý do tại sao dân chúng An Nam gọi họ là quân được cấp giấy phép ăn cướp thường trực.
Paul Devraux ngưng một chút rồi hất hàm về phía đằng kia phòng:
- Thí dụ trường hợp gia đình họ Trần đằng kia, kẻ vừa được giới thiệu với thân phụ của hai anh. Họ là những đại địa chủ — tài sản có thể đáng giá tới mấy triệu bạc Đông Dương.
Hai anh em Sherman quay mặt nhìn, thấy thống đốc và cha mình đang trò chuyện với một người An Nam già. Người ấy dưới cằm có chòm râu bạc và dài, đầu đội mũ cánh chuồn kiểu đời Minh, mình mặc áo bào thêu bằng lụa lấp lánh màu xanh nước biển. Họ để ý thấy ông ta cứ cúi mặt, giữ mãi hai bàn tay thụt sâu trong ống tay áo dài thườn thượt, rộng thùng thình và hiếm khi ngước lên nhìn thẳng mặt thống đốc hoặc thượng nghị sĩ. Đứng bên ông, một người An Nam trung niên mặc áo quan thụng màu đậm hơn, vẻ mặt cẩn trọng, đang theo dõi cuộc trò chuyện. Paul cắt nghĩa:
- Người An Nam có vẻ đáng kính với chòm râu dài và bạc ấy là một người lanh lợi khác thường. Ông ta có mặt thường trực ở Sài Gòn tuy vẫn giữ chức thượng quan tại triều đình Huế. Theo tôi, gia đình này có gốc gác Trung kỳ nhưng Trần Văn Hiếu, con trai của ông ta — người mặc áo thụng màu đậm hơn đó — sống tại Sài Gòn và làm quan sứ thần của nhà vua tại Nam Kỳ. Điều đó cho phép ông ta đích thân trông coi hết thảy ruộng đất mênh mông của gia đình mình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và bằng cách ấy, gia đình này giữ vững chân đứng ở cả hai phía.
Chuck nói châm biếm:
- Họ có vẻ chẳng giống chút nào các tay triệu phú hãnh tiến người Mỹ.
Paul Devraux cười không một tí hài hước:
- Thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Họ đang đứng trước mặt những người kẻ quyền cao chức trọng của chủng tộc chủ nhân, phải không? Chính phủ Pháp gần như không cho phép người An Nam góp chút ý kiến nào vào sự cai quản công việc của người Pháp ở đây. Bên dưới cái bề mặt “khai hóa” này, có vô số bất mãn.
Joseph ngạc nhiên, thắc mắc:
- Nhưng cái gì xảy tới cho toàn bộ nguyên tắc “tự do, bình đẳng và bác ái” lừng danh của người Pháp mà vì chúng quí vị đã đấu tranh cách mạng? Những chữ đó hoàn toàn không áp dụng chút nào ở đây sao?
Paul Devraux nhếch mép cười trống rỗng, không trả lời. Nhìn lên, cậu thấy thượng nghị sĩ đang ra hiệu cho hai con trai tới tham gia nhóm của ông. Paul nói đều giọng:
- Tôi nghĩ thượng nghị sĩ đang muốn hai anh gặp mặt mấy ông quan An Nam. Các anh nên tới đó ngay thì tốt hơn.
- Nhưng còn câu trả lời cho thắc mắc của tôi thì sao?
Lập tức Paul Devraux nhe răng cười trước khi nhướng cặp lông mày ngổ ngáo:
- Joseph ạ, chẳng may “bình đẳng và bác ái” bị bỏ lại bên chính quốc rồi. Còn tại các xứ thuộc địa của mình, nước Pháp dành quyền sử dụng bất cứ thứ “tự do” nào mà nó muốn.

<< - 3 - | - 5 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 880

Return to top