Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102348 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 13 -

- Chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất là sống hoà hợp với các sức mạnh tự nhiên của sự sống.
Trần Văn Hiếu nói nhẹ nhàng và hoa tay về phía các đền đài cung điệän mái ngói hoàng lưu ly ở Đại Nội, vòng Hoàng thành bên trong của vòng Kinh thành Huế. Joseph tròn xoe mắt, ngẩng cao đầu nhìn những con rồng bằng sứ đang dữ dằn nhe răng gầm gừ, uốn mình dọc gờ mái và trên nóc Điện Thái Hoà: “hoà hợp tuyệt vời”. Trong ánh nắng chói chang của sớm mai đầu tiên năm Ất Sửu, chúng lấp lánh và lung linh rực sáng trông như thể được đúc bằng vàng thật. Joseph nói, giọng xuýt xoa:
- Đẹp quá! Nhưng Monsieur Hiếu, tại sao lại dành quá nhiều ưu đãi cho chỗ này vậy?
Cả hai vừa vượt qua cầu Trung Đạo bắc ngang hồ sen, bước theo Dũng Đạo dẫn tới Đại Triều Nghi, sân rồng phía trước điện. Hai bên lối đi lát gạch, có những hàng cây thẳng tắp, rợp bóng mát, dẫn ngang các hồ sen và những hoa viên có lan can vây quanh. Joseph mặc bộ vét-tông trang trọng màu xám, quần chẻn ngang đầu gối. Người An Nam bên cạnh cậu đội sẵn mão quan có ngấn kiểu đời Minh, đi hia và mặc áo bào lụa thêu, bộ triều phục dùng tham dự cuộc lễ bày tỏ lòng trung quân với hoàng đế An Nam vốn được cử hành hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán.
Trần Văn Hiếu trầm lặng nói tiếp:
- Đây là nơi cảm nhận được sự hội tụ của các sức mạnh sinh động nhất trong một hiệp nhất trọn vẹn. Bạch Hổ và Thanh Long vốn thường xuyên xung khắc nhau nhưng tại chốn đế đô, cả hai cùng yên nghỉ thuận hoà ở chính vị trí trên đó đặt ngai vàng của đức vua, nơi nội điện Thái Hoà.
- Bạch Hổ và Thanh Long làø gì vậy Monsieur Hiếu?
Vị quan lưỡng lự tìm lời rồi mỉm cười với cậu bé Mỹ:
- Chúng tôi tin rằng hai con vật ấy là nguyên lý dương và nguyên lý âm của sự sống. Bạch Hổ là nguyên lý âm, có tính phủ định và đe dọa, còn Thanh Long là nguyên lý dương, có tính khẳng định và nhân từ. Chúng cũng tượng trưng cho... Đông và Tây.
Chưa hết thắc mắc, Joseph dương đôi mắt tọc mạch ngó Trần Văn Hiếu:
- Nhưng làm sao ông có thể nói chính xác rằng chúng hoà hợp nhau ngay tại vị trí này?
Chung quanh hai người, những quan chức khác mặc áo bào lụa lộng lẫy, chân đi hia và đầu đội mão cùng một kiểu với Trần Văn Hiếu, đang nhẹ bước băng qua các hoa viên và đi thẳng lên sân điện. Bên các tường thành xưa cũ vây quanh bốn phía, lính hộ thành An Nam nghiêm cẩn đứng gác. Tay cầm súng trường nòng thật dài, đầu đội nón hình nấm, trên chóp lấp lánh một que nhọn bằng đồng, trông họ như thể những người vừa bước ra từ một trang sách phiêu lưu ký. Họ đeo quanh cổ miếng vải ngắn che cho lưng và ngực khỏi nắng gió, đồng thời gia trọng vẻ uy nghi của đồng phục thị vệ. Giờ đây, miếng vải ấy rung nhè nhẹ trong gió sớm. Người nào cũng đi chân trần nhưng Joseph để ý thấy bắp chân họ quấn xà cạp màu vàng — màu vừa rồi Trần Văn Hiếu giải thích với cậu rằng chỉ đặc biệt nhà vua và các cận thần mới có quyền dùng. Vị quan trả lời câu hỏi của Joseph:
- Monsieur Joseph ạ, thật khó giải thích gọn gàng ngay lúc này. Một số nhà thông thái người An Nam chúng tôi dành trọn đời mình để nghiên cứu môn “phong thủy”. Theo chữ nho, hai tiếng đó có nghĩa là ‘gió’ và ‘nước’. Nhà cửa của người sống cũng như mồ mả của kẻ chết chỉ nên xây dựng trên tâm huyệt của cuộc đất hội tụ và hoà hợp được các sức mạnh của tự nhiên.
Trần Văn Hiếu mỉm cười thêm lần nữa:
- Chúng ta hãy bắt đầu với cái gì đó đơn giản. Cậu đã thấy vẻ đẹp trầm lặng của sông Hương đang chảy qua trước mặt Kinh thành. Mùi hương cỏ hiếm quyện với mùi lau sậy của nó bồng bềnh êm đềm trong gió mang lại sự tịch lặng và an tĩnh cho các bến bờ ven dòng sông ấy. Và trên các mặt hồ nơi đây trổ nhiều hoa sen. Hoa sen tượng trưng cho tinh khiết, biểu tượng của Huế. Dù nẩy mầm và lớn lên trong bùn, sen trở thành phẩm vật xinh đẹp tuyệt vời, tỏa hương thơm rất đổi dịu dàng. Chúng tôi tin rằng dưới ảnh hưởng của hương hoa ấy người thiện đương cự nổi cái ác. Và cậu trông kìa!
Ngưng nói, ông đưa tay chỉ quá lên phía trên vòng tường thành màu vàng của Hoàng thành, tới dáng hình thang xanh thẩm của ngọn núi đơn độc hiện lên nơi phía nam:
- Ngọn núi đó được gọi tên là Ngự Bình, nghĩa là “Bình Phong của Hoàng Đế”. Mọi thần khí uế tạp từ phương nam vận hành thẳng hướng ra phương bắc đều ngọn núi ấy chặn lại, không cho xâm nhập Kinh Thành.
Thêm lần nữa Trần Văn Hiếu ngưng nói rồi tay vẫy liên tiếp mấy hướng:
- Cậu có thấy chung quanh chúng ta đây có nhiều dấu hiệu tốt: cung nữ tay cầm nhành cây đang trổ lộc... con rắn quấn quanh cành sen... chim phụng trong tư thế kính bái nguyện cầu...
Joseph nhìn theo mấy hướng vị quan vẫy tay nhưng cậu chỉ thấy những lùm bụi và cây cỏ đang đưa hương trong các vườn hoa ngay hàng thẳng lối. Cậu vừa nói vừa mỉm cười thích thú:
- Monsieur Hiếu ạ, mắt cháu chả thấy rõ gì cả. Nhưng nơi này đẹp quá, cháu tin chắc những gì ông nói là có thật.
Cậu bé Mỹ bắt đầu trúng bùa mê của cổ thành An Nam ngay khi đi ngang con hào sâu ngào ngạt hương sen, dài gần hai mươi ba thước, sâu bốn thước, dẫn tới cửa Thượng Tứ để vào Kinh thành - thành chốn đế đô. Kinh thành cao sáu thước, dày hai chục thước, vòng ngoài của ba cái “thành” đồng tâm. Vòng kế tiếp là một thành màu vàng nhỏ hơn, cao bốn thước, dày hai thước rưỡi, gọi là Hoàng thành hay Đại Nội. Kinh thành xây toàn bằng gạch, giữa đổ đất, có chu vi gần mười cây số vuông, do Hoàng đế Gia Long khởi đắp từ năm 1805 nhưng mãi tới năm 1824 đời vua Minh Mạng mới hoàn tất. Các tường thành, cung điện và đền đài của nó kiến trúc hoàn toàn mô phỏng đúng theo kiểu thức được các hoàng đế nhà Minh bên Trung Hoa ưa chuộng. Tuy thế, ngày nay, kinh đô Huế là nơi độc nhất trên thế giới còn giữ ba vòng thành: Kinh Thành, Hoàng Thành Đại Nội và Tử Cấm Thành. Ngay cả Bắc Kinh cũng chỉ có Hoàng Thành Đại nội và Tử Cấm Thành. Người ta đến Bắc Kinh chỉ để làm du khách thưởng ngoạn một cổ tích đồ sộ, còn đến Huế để làm hành giả tìm về quá khứ của phương đông, để được thở đậm đà và sống miên man trong bầu không khí nghiêm tĩnh mơ màng của một chốn đế đô phương đông.
Từ sáng sớm, Trần Văn Hiếu đã đứng sẵn chờ cậu trên lối vào thành Đại Nội, dưới bóng im mát của Ngọ Môn: cửa chính của cung vua, trông từa tựa kiểu Thiên An Môn đồ sộ ở Bắc Kinh, nhưng lầu Ngũ Phụng ở Huế trông xinh xắn, tao nhã và sinh động hơn nhiều. Chính giữa mái lầu lợp bằng nhiều lớp ngói hoàng lưu ly, hai bên bằng ngói thanh lưu ly, nó như chim phượng hoàng xoãi năm liếp cánh, phủ phục lên Ngọ Môn của Hoàng Thành Huế.
Khi được tin Phu nhân Sherman đến Huế, Thống đốc Nam Kỳ đã chuẩn bị cuộc gặp gỡ này. Ông mời hai mẹ con cùng đi với đoàn các quan chức tùy tùng của ông để tham dự lễ Nguyên Đán của triều đình. Và đồng thời, ông sắp xếp cho Trần Văn Hiếu dẫn Joseph đi tham quan các cung điện.
Từ khi rời trại săn, lần đầu tiên tâm tình u uất của Joseph khởi sự tan biến khi vị quan có chòm râu lưa thưa này bước đi chầm chậm bên cậu trong đôi hia nghi lễ, kể thuộc lòng những danh xưng kỳ bí của các toà nhà đang toả ánh lung linh trong nắng sớm. Cửa Ngọ Môn... Điện Thái Hòa... Thái Miếu... Thế Miếu... Điện Phụng Tiên... Cung Diên Thọ... Cung Trường Sanh...Vườn Cơ Hạ... Và một nơi bí nhiệm hơn mọi nơi đối với tâm trí non trẻ vốn giàu óc tưởng tượng của Joseph, đó là cái thành thứ ba, ở chính giữa, được canh phòng cực kỳ cẩn mật — Tử Cấm Thành. Nó được đặt tên theo Sao Bắc Đẩu, ngôi sao cai quản một cách tượng trưng các tầng trời. Cổ Thành này màu tía, cao ba thước bảy, dày bảy tấc, chu vi gần một ngàn ba trăm thước, nằm phía sau điện Thái Hòa. Trần Văn Hiếu giải thích: cũng giống hoàng đế tại Bắc Kinh, đức vua An Nam ở một nơi hoàn toàn cách biệt, bên trong vòng tường thành của Cấm Thành, khu vực chưa hề có người nước ngoài nào được phép vào. Cung điện hiện nay nhà vua ngự là lầu Kiến Trung, ở chính giữa Tử Cấm Thành, tuy các vật dụng hầu hết được tân trang theo lối hiện đại của phương tây nhưng mặt ngoài vẫn giữ nguyên hình thức cổ kính của phương đông.
Những con kỳ lân bằng đồng và lũ hạc thiếp vàng đứng chầu phía trước cung điện cùng những ông quan bằng đá to như người thật xuất hiện im lặng giữa mấy hàng cây đại đang toả hương hoa sứ thơm ngát khi họ vào tới. Vừa đặt chân lên Đại Triều Nghi, sân rồng cao cao trước điện Thái Hoà, cả hai bất chợt bắt gặp một đoàn ca công và vũ công cung đình đang diễn tuồng với y trang lóng lánh màu vàng, đỏ, lục và lam ngọc. Những thiếu niên mặt không lộ chút cảm xúc. Người ta chỉ phân biệt được nam hay nữ bằng chiếc mão khít khao họ đội trong lúc biểu diễn những bước đi cầu kỳ theo một vũ điệu phương đông thanh nhã, hoà trong tiếng nhạc réo rắt nỉ non được phụ họa bằng âm thanh chiêng, gõ và đàn đá cổ sơ.
Những cảnh tượng ấy, những thanh âm ấy tự chúng làm mê mẩn thần hồn thơ dại của Joseph. Thêm nữa, cậu nghe từ bên kia óc tưởng tượng của mình vọng lại tiếng nói của quỉ thần, thì thầm qua những ông quan thấp nhỏ, từ đầu đến chân tạc bằng đá, đang như lê từng bước sát bên người cậu. Tất cả các cái đó hiệp với những cung điện có tường thành bao bọc, biến nơi đế đô này thành một chốn bí nhiệm đầy mê hoặc, rồi lắng đọng ở tận cùng đáy tâm tư cậu. Tới lúc Trần Văn Hiếu giao Joseph lại cho sĩ quan tùy viên của thống đốc ở bên ngoài Điện Thái Hoà, cậu gần như sẵn sàng tin tưởng rằng thế nào mình cũng sẽ thấy hai con cọp trắng và rồng xanh cùng nhau quấn quít bên nhau, quanh chân vị quân vương.
Bên lối vào, mẹ của Joseph và Thống đốc Nam Kỳ đứng chờ sẵn cùng với Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ, kẻ dẫn đầu đoàn viên chức tùy tùng và quan khách người Pháp. Trong đoàn người mẫu quốc ấy, các sĩ quan quân đội mặc binh phục thuần một màu xanh da trời trong khi các viên chức dân sự mặc lễ phục, áo vét dài tới đầu gối và mũ chóp cao— chapeaux haut de forme.
Theo truyền thống, có nguyên tắc qui định rằng nữ giới không được phép tham quan các nghi lễ cung đình nhưng tạm thời, nguyên tắc đó được miễn áp dụng một lần, khi thống đốc nhân danh mẹ cậu trình bày nguyện vọng. Tỏ lòng đáp tạ, Flavia Sherman chọn bộ xiêm y trang nhã nhất, mặc vào dịp long trọng và hiếm hoi này. Bộ lễ phục màu xanh nước biển thùy mị với áo đầm dài thướt tha quét đất, voan che mặt dưới chiếc mũ vành nhỏ, vừa vặn và tiệp với màu áo, che phần trên khuôn mặt của bà.
Flavia thở ra nhẹ nhỏm khi thấy chuyến đi dạo quanh các cung điện của cậu con trai làm mắt cậu sáng long lanh trở lại với nụ cười chào mẹ rất tươi và đậm đà tình thân như thường lệ. Khi hai mẹ con xếp hàng dọc với các quan khách khác đi tới gian chánh điện đặt ngai vàng, bà thì thầm vào tai con:
- Mọi sự có chút gì đó như trong truyện thần tiên, phải không?
Joseph nao nức gật đầu đáp lời mẹ. Cậu bé Mỹ sung sướng khi Khâm sứ dẫn đoàn tùy tùng tới thẳng chỗ điện tiền. Cậu thấy mình chỉ đứng cách có mấy bước chiếc ngai vàng trên đó Hoàng đế Khải Định đang ngự. Nhà vua vóc người mảnh dẻ, ẻo lã như phụ nữ. Toàn thân ông phủ kín trong chiếc vương bào lộng lẫy bằng lụa thêu. Chân ông đi đôi ủng da thuộc màu đen, ống dài kiểu vua chúa nhà Minh Trung Hoa, đặt vào chỗ lõm trên đầu cái bệ gỗ tạc hai con chó màu vàng đang nằm. Hai tay ông cầm hốt ngà có gắn chiếc kính soi mặt nhỏ, theo Trần Văn Hiếu giải thích, đó là vật ông thường dùng che mặt để tượng trưng cho lòng khiêm tốn và sự hạ mình trước hương hồn các đấng tiên vương. Ở phía bên kia ngai vàng, hai quan hoạn An Nam mặc triều phục, đứng nghiêm trang. Mỗi người cầm một chiếc quạt lông chim cán dài, cùng đều nhịp quạt chầm chậm vào khoảng không bên trên đầu đức vua, để làm dịu và thoáng bầu không khí ông đang thở.
Nơi bức tường đằng trước ngai vàng, các cánh cửa đã được mở toang. Từ sân điện lót đá, ánh mặt trời sớm mai chói lọi tràn vào nội điện làm chiếc vương miện đúc và gò bằng vàng đặc, khảm ngọc quí, chớp lấp lánh và tỏa ánh hào quang mỗi khi nhà vua nhúc nhích đầu. Ngoài sân điện, hết thảy các quan thượng phẩm triều đình xếp hàng đứng sẵn. Trong hàng dọc đầu tiên, Joseph thấy có thân phụ của Trần Văn Hiếu. Ông đứng ở vị trí thứ mười đếm từ hai hoàng thân mặc hoàng bào màu đỏ dẫn đầu cuộc lễ thần phục năm nay.
Thống đốc nói, vờ như thì thầm nhưng cố ý rót rõ từng tiếng vào tai những ai đứng quanh đó:
- Bà và cậu có để ý thấy chúng ta đang đứng ngay bên trái ngai vàng không? Theo phương đông, phía bên quả tim của nhà vua chính là chỗ danh dự nhất.
Joseph liếc thật lẹ đức vua xem ông có nghe không. Và cậu ngạc nhiên thấy, dưới vương miện như chiếc mũ trùm đầu đang phủ khít khao vầng trán, mặt ông có vẻ bồn chồn. Trong khi họ chờ bắt đầu nghi lễ, một hai lần cậu thấy quốc vương An Nam đưa mắt thấp thỏm nhìn về hướng của họ. Thỉnh thoảng, nhà vua chấm nhẹ bộ mặt xanh xao đang rịn mồ hôi của mình bằng chiếc khăn tay lụa ông giấu trong một ống tay áo bào rộng thùng thình. Sau cùng, khi Khâm sứ Pháp bước ra đứng đối diện ngai vàng, hoàng đế An Nam mới hạ ánh mắt nhìn xuống đôi ủng bóng loáng. Ông lắng tai nghe, mắt không nhìn vào mặt người Pháp.
Khâm sứ cất giọng sang sảng bằng tiếng nước mình:
- Thưa hoàng thượng, thật vinh hạnh cho cá nhân tôi được đại diện Quốc gia Bảo hộ để chuyển lời chúc mừng của tổng thống nước Pháp tới hoàng thượng tôn quí và hết thảy đình thần của hoàng thượng trong dịp thiêng liêng và đầy hy vọng này...
Tác người cao lớn, phần thân thể bên trên phình ra, to như thùng tô-nô, kính một mắt đeo bên con mắt trái, tướng mạo của Khâm Sứ bệ vệ trong lễ phục màu vàng và xanh. Thanh kiếm nghi lễ đeo bên trái nằm yên trong vỏ kiếm mạ vàng. Hàng dãy huy chương với cuống ruy băng và mấy lớp huân chương bội tinh kết thành mấy tràng hoa móc lủng lẳng hai bên ngực áo chẽn. Khi nói, ông đặt một tay lên đốc kiếm như có ý làm nổi bật, một cách tinh tế, cái sức mạnh vũ khí người Pháp chưa bao giờ sở hữu nhiều như bây giờ:
- Chín năm qua, kể từ ngày hoàng thượng kế vị trên ngai vàng An Nam vào năm 1916, vương quốc của ngài tiếp tục an hưởng sự bảo hộ đầy bao dung và vị tha của nước Pháp, chúng tôi chân thành hy vọng rằng tình trạng giao hảo tương xứng cho cả đôi bên này sẽ tiếp diễn mãi mãi trong một tương lai lâu bền vì lợi ích của cả hai dân tộc chúng ta...
Trong lúc đọc lời chúc mừng trong tờ giấy cầm trước mặt mình bằng bàn tay đeo găng trắng, thỉnh thoảng Khâm sứ liếc nhà vua qua chiếc kính một mắt. Giọng ông oang oang tự tin, không tương xứng chút nào với lòng tôn kính cực độ ông hàm chứa trong ngôn từ. Ngược lại, quốc vương An Nam hình như rụt người xuống sâu hơn trong lòng ngai nạm vàng, dù ông biết rõ những tinh tế có tính ngoại giao trong diễn từ của người Pháp ấy chẳng những không có tác dụng mà còn chẳng làm thay đổi chút nào cái thực tế rằng ông và người của ông đang mắc nợ — một cách không đền đáp nổi — ý chí và ý thích của người Pháp.
Tuy thế Joseph hoàn toàn không để ý chút nào tới những tinh tế ấy vì lối nói oai vệ và nặng phần trình diễn của Khâm sứ đã đẩy tâm trí cậu đi lang thang. Cậu kính sợ đưa mắt nhìn quanh nội điện trang hoàng lộng lẫy. Một rừng cột gỗ lim to lớn, đỏ thắm, chống đỡ mái điện. Quấn quanh thân cột là những con rồng năm móng hình như đang gầm gừ dữ tợn cái bóng phản chiếu của chúng trên sàn điện bóng loáng lót bằng gạch sứ vuông vắn. Những chiếc lư đồng đời Minh chạm trổ trang nhã và những chiếc độc bình đặt trên các bàn nhỏ bằng gỗ chạm lộng, kê sát mỗi chân cột.
Kế đó, trước sự ngạc nhiên của Joseph, khi Khâm sứ vừa hạ tờ giấy xuống, từ chỗ khuất đằng sau đoàn tùy tùng, một viên chức trẻ bước thật nhẹ, âm thầm xuất hiện. Bằng giọng đều đều, anh ta thông ngôn bài diễn văn ra tiếng An Nam cho nhà vua và triều thần nghe. Dịch xong, viên chức ấy lại biến mất, âm thầm như khi xuất hiện.
Joseph thấy nhà vua rút từ trong tay áo bào ra một cuộn giấy cuốn theo kiểu Tàu. Với giọng xuỵt xoạt, run rẩy vì kích động, từ trên ngai vàng ông đọc đáp từ bằng tiếng An Nam. Nhưng không giống cách đọc của quan Khâm sứ Pháp lúc nãy, giọng của Hoàng đế Khải Định lắp bắp, căng thẳng. Một đôi lần, ông dừng lại giữa câu để nuốt nước miếng. Nhà vua vừa đọc xong, một vị quan già dưới cằm có chòm râu bạc lưa thưa, từ tốn xuất hiện từ phía sau một chiếc cột khác bên cạnh ngai vàng.
Vị lão quan ấy trịnh trọngï thông ngôn bài diễn văn ngắn ngủi của đức vua ra tiếng Pháp với những trọng âm nghe dịu dàng và êm ái. Có mấy lần Khâm sứ nhè nhẹ gật gù, hạ ánh mắt xuống như thể chuẩn nhậm sự đề cập có tính cách sẵn sàng chu toàn bổn phận đối với “Nước Pháp bảo hộ vĩ đại”. Khi việc thông dịch chấm dứt, Khâm sứ nghiêng đầu trang trọng hơn, không cúi đầu. Ông chăm chú nhìn từng chút khi nhà vua đứng lên khỏi ngai vàng. Thấy nhà vua cúi thấp đầu xuống về hướng mình, ông khẻ hé miệng cười đáp lại một cách mãn nguyện. Chờ cho nụ cười hài lòng ấy toả đều khắp khuôn mặt, ông mới quay lưng, đường bệ sãi chân bước trở về đứng chung với đoàn tùy tùng.
Kế đó Khâm sứ đưa tay khoát nhẹ có ý bảo các viên chức và quan khách của mình nên lùi một hai bước, đứng vào lối đi giữa các dãy cột tiếp giáp nhau, chừa một lối trống đằng trước ngai vàng và mặt tiền điện. Sau đó một chút, ca công và nhạc công kéo lên xếp thành hàng trước các bức tường hai bên sân điện. Và nhạc trổi lên một khúc nỉ non rền rỉ.
Vừa nghe điệu nhạc ấy, hai hoàng thân dẫn đầu vội vàng sấp mình xuống, ngay dưới bậc thềm Điện Thái Hòa, thẳng trước ngai vàng, trán áp sát sân gạch với thái độ cực kỳ tôn kính. Đằng sau hai ông, các thượng quan, người nào cũng cầm trên tay một chiếc hốt nhỏ có gắn kính soi mặt giống như của đức vua, lẹ làng phủ phục và đê đầu, giống hệt và còn kính sợ hơn hai hoàng thân dẫn đầu. Họ bái lạy thấp hết mức có thể, nhoài người trên các phiến đáù lát sân điện.
Joseph thấy Trần Văn Hiếu và thân phụ bày tỏ lòng trung quân bên cạnh các quan thượng phẩm An Nam khác. Họ sấp mình phục lạy ba lần sát đất theo lệnh xướng của quan thượng thư Bộ Lễ. Suốt thời gian ấy, các nhạc công và ca công đánh chiêng trống và tiếp tục một điệu nhạc não nùng kỳ dị. Trên ngai vàng, vua Khải Định ngồi yên không nhúc nhích, chấp nhận sự bày tỏ một cách khốn khổ lòng trung quân của các quan mà trên mặt ông không thoáng chút cảm giác nào.
Thống đốc Nam Kỳ nói qua vai của Joseph với giọng nửa đùa nửa thật:
- Người Tàu gọi nghi thức ấy là “khấu đầu” nhưng người An Nam gọi là “làm lạy”!
Ông nói tiếp rồi nhăn nhở cười tự tán thưởng lời giễu cợt của mình; một số người Pháp chung quanh họ mỉm miệng cười theo:
- Nhưng dù có gọi gì đi nữa, nó cũng không dễ chịu cho lắm đối với vài hoàng thân lớn tuổi hơn trong đám huynh đệ nhà ông ấy. Đôi khi tôi tự hỏi chẳng biết có bao nhiêu người trong bọn họ đang âm mưu để được thay vào chỗ của ông ấy!
Ánh mắt Joseph không rời thân phụ của Trần Văn Hiếu khi ông vất vả nhoài người đê đầu xuống mặt sân lần thứ ba. Trông ông có vẻ khôi hài nếu trên bộ mặt nhăn nheo và hãnh diện ấy không hằn sâu nét thành kính lẫn trang trọng suốt thời gian ông khởi sự và hoàn tất những nghi thức rõ ràng là một nỗ lực ghê gớm so với sức khoẻ đang trong thời mòn mỏi của ông.
Nhóm quan nào thực hiện xong nghi lễ liền chầm chậm bước giật lùi về hai bên sân điện, nhường chỗ cho nhóm khác. Hết đợt này tới đợt nọ, các triều thần trong áo bào lụa đủ màu sắc lượn dập dềnh trên sân lót gạch màu xám dưới ánh nắng vàng chói lọi của mặt trời sớm mai.
Nhóm cuối cùng khấu đầu bái lạy long nhan xong vừa lùi ra, điệu nhạc của nhạc công cung đình đột nhiên chuyển nhịp nhanh hơn. Trước con mắt sửng sốt của Joseph, các lối vào lập tức bị trám kín bằng những thớt voi xám lực lưỡng, lắc lư. Bành voi phủ một vuông vải vàng lớn, có đính tua. Chót vót trên bành, một quản tượng người An Nam đội mũ lác, ngồi dạng chân đằng sau tai voi.
Mười hai con voi ầm ầm lê chân qua sân đá, dàn ngang một hàng sát thềm, trước cửa điện. Bị quản tượng thọc bằng dùi tre đầu bịt sắt, lũ voi chầm chậm quì xuống, hướng mặt về phía ngai vàng, và tiếp tục quì như vậy trong đôi ba phút. Vòi voi ve vẩy ra đằng trước đúng theo nhịp điệu của tiếng nhạc inh tai. Xong, với vẻ lừ đừ đường bệ, từng con lần lượt đứng lên rồi theo nhau lùi xuống khỏi sân điện.
Con voi sau cùng vừa lê chân khuất tầm mắt, bỗng dậy lên hàng loạt tiếng nổ đì đùng. Joseph giật bắn người. Những tiếng ròn rã ấy vang lên nghe như thể ngàn khẩu súng trường cùng bắn một lượt. Những tiếng nổ liên tiếp và không ngừng, tạo thành một cuộc bắn phá liên tục. Sân điện ngập ngụa khói trắng dày đặc. Mặt trời hóa ra mờ mịt. Joseph hoang mang nhìn vô điện, có ý chờ xem nhà vua và Khâm sứ vọt chạy tìm chỗ núp. Nhưng hoàng đế vẫn ngồi yên trên ngai và Khâm sứ lại nhướng nhướng cặp lông mày hoan hỉ về phía một đồng sự của ông.
Thấy thái độ của Joseph, Thống đốc thét vô tai cậu, lớn hơn tiếng lủng tai thủng óc ấy, cậu mới nghe ra:
- Đừng lo. Đó chỉ là cách đón mừng Tết theo truyền thống của người An Nam. Họ tin rằng những tiếng nổ ghê gớm này sẽ làm hết thảy tà ma quỉ dữ kinh hãi và bảo đảm họ gặp may mắn suốt cả mười hai tháng tới.
Nhìn ra bên ngoài lần nữa, Joseph lúc đó mới nhận ra khói và những tiếng nổ ấy phát ra từ các sào tre dài được bố trí sẵn chung quanh sân điện. Trên mỗi đầu ngọn sào buộc một chùm lá non mới nẩy lộc. Lủng lẳng từ ngọn tới gốc sào, treo san sát những phong pháo quấn bằng giấy. Lúc này, tất cả đang nổ vang đinh tai điếc óc. Cậu thở phào, đưa tay lên bịt tai mình:
- May quá! Thế mà cháu cứ tưởng lại bắt đầu Chiến tranh Thế giới lần nữa.
Kế đó, từ một khu vực khác trong hoàng thành ầm ầm dội lại tiếng súng thần công mừng năm mới, đánh dấu kết thúc cuộc lễ. Đức vua chầm chậm bước xuống ngai vàng. Ông đưa tay lên bắt tay Khâm sứ theo lối châu Âu. Cả hai đi bên nhau, dẫn đầu triều thần và quan khách vào khách sảnh.
Ban nhạc ngoài sân điện bắt đầu tấu bài “Marseillaise”— quốc thiều Pháp. Thị vệ nội cung mang ra rượu sâm banh ướp lạnh để quan khách nâng ly chúc mừng hoàng thượng và năm mới. Đồng thời cũng mang ra những tráp nạm ngọc đựng cau trầu kèm theo bình vôi cho các vị quan Nam Triều muốn ăn trầu, và những hộp khảm đá quí đựng thuốc điếu hoặc xì-gà cho các quan khách Pháp muốn hút thuốc.
Trong lúc Joseph đang nhâm nhi sâm banh, Trần Văn Hiếu thầm lặng xuất hiện bên mẹ cậu, với một người An Nam rất trẻ. Vị quan trịnh trọng cúi đầu chào và lịch sự nói bằng tiếng Pháp:
- Madame Sherman, tôi xin được hân hạnh chào mừng phu nhân và công tử tới tham quan triều đình An Nam. Tôi hi vọng bà cảm thấy có phần nào thích thú cuộc lễ Nguyên Đán của chúng tôi.
Tới lượt mình, người phụ nữ Mỹ mỉm cười đáp lại:
- Thật rất vinh dự cho tôi được có mặt nơi đây, đặc biệt khi tôi được biết rằng thông thường nữ giới không được phép quan chiêm nghi lễ cung đình.
- Truyền thống hẳn là mười phần quan trọng nhưng thật không tốt nếu cứ sống mãi với quá khứ. Như bà đã thấy, người Pháp đang mang nhiều tiện ích tới cho xứ sở chúng tôi,
Nói xong vị quan nghiêng mình ra hiệu cho người An Nam trẻ tuổi bước tới để ông giới thiệu:
- Madame Sherman, tôi xin được giới thiệu với bà một thân nhân trong gia đình bên vợ tôi, Monsieur Đào Văn Lật. Cậu Lật là em ruột của nhà tôi, và đang làm ký giả cho một tờ báo ở Huế. Cậu từng sống ở Paris, tốt nghiệp Đại học Sorbonne. Khi nghe nói có người Mỹ hiện diện trong buổi lễ hôm nay cậu tỏ ý mong ước được gặp bà.
Tuổi mới ngoài hai mươi với thân hình thấp nhỏ, Đào Văn Lật nhanh nhẹn chìa tay cho Joseph và mẹ cậu. Người thanh niên mảnh khảnh ấy có ánh mắt nhìn thẳng, sắc bén cùng vầng trán cao của một người học rộng. Khác với những người An Nam hiện diện đều mặc triều phục, Lật bận áo dài đen cổ truyền tà hơi cao, quần dài trắng y phục dân giả, chân đi giày đen và trên đầu đội chiếc khăn đóng cũng màu đen.
Joseph háo hức hỏi:
- Monsieur Lật ạ, anh có sẽ viết về cuộc lễ hôm nay trên tờ báo của anh không vậy?
Người An Nam trả lời với nụ cười mai mỉa:
- Tôi sẽ viết rất ngắn gọn, y như đã viết năm ngoái và năm kia rằng: “Cuộc lễ truyền thống bày tỏ lòng trung quân đã được cử hành tại Điện Thái Hoà”. Tôi sẽ không cho phép mình viết rằng chúng tôi thật sự chào đón Khâm sứ của nước Pháp.
Trần Văn Hiếu vội vàng xen lời:
- Cậu em của nhà tôi đây tuy được giáo dục tại Pháp nhưng cậu là người duy lý tưởng với quan điểm phi chính thống, vốn không được tôi cùng nhiều đồng bào của chúng tôi chia sẻ. Cậu Lật ạ, cậu nên cẩn trọng về những gì mình phát biểu.
Nói xong, với nụ cười căng thẳng, vị quan xin phép rút lui. Ông bước nhanh tới đầu kia khách sảnh, trò chuyện với một nhóm quan chức Pháp. Đào Văn Lật nói với vẻ thản nhiên:
- Điều quan sứ thần vừa nói đó không chính xác. Nhiều người trong xứ sở này không chia sẻ loại tình cảm anh rễ của tôi dành cho nước Pháp.
Flavia Sherman thắc mắc một cách lịch sự:
- Nhưng tại sao anh không viết về cuộc lễ này theo cách anh muốn?
Người An Nam liếc đằng sau một chút, xem có bị ai nghe lén không. Rồi anh hỏi nhỏ:
- Thưa phu nhân, bà không là người Pháp, vậy tôi nói thành thật có được không ạ?
Người phụ nữ Mỹ gật đầu. Đôi mắt Lật bỗng nhiên long lanh và giọng anh sôi nổi hẳn:
- Ở đây chúng tôi không có tự do báo chí. Báo sẽ bị đóng cửa, nhà báo sẽ bị bắt nếu họ làm mất lòng các chủ nhân ngoại quốc của chúng tôi. Chúng tôi không được tự do theo đuổi niềm tin chính trị của mình. Chúng tôi không được tự do hội họp hoặc đi lại. Thậm chí thư chúng tôi viết cũng có thể bị kiểm duyệt, chặn lại và tịch thu ngay tại nhà bưu điện!
Joseph thắc mắc:
- Nếu được tự do nói điều mình muốn, anh sẽ viết thế nào về cuộc lễ hôm nay trên tờ báo của anh? Em thấy cuộc lễ này thật hấp dẫn. “Làm lạy” là một nghi lễ rất xưa. Tại những xứ khác người ta chỉ có thể đọc nó trong sách sử ký thôi.
Lật lại liếc thật nhanh quanh sảnh đường:
- Đúng thếù Monsieur Joseph. Những nghi lễ do các vua Tàu dạy cho chúng tôi ấy ngay tại Trung Hoa mười bốn năm nay cũng đã không còn cử hành, kể từ lúc cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên chấm dứt triều đại Mãn Thanh. Lời giáo huấn về quan hệ quân thần của Khổng Tử chỉ có ý nghĩa nếu đấng Thiên Tử được chúng tôi bày tỏ nghĩa vụ và lòng trung quân hôm nay, tiêu biểu xứng đáng cho hùng khí và phẩm giá của dân tộc. Đã từ lâu người Pháp phá hoại thẩm quyền của Khổng Tử, cái vốn là nền tảng của xã hội cũ chúng tôi. Hôm nay, bà và cậu đã thấy các quan của chúng tôi đập đầu trên nền đá — nhưng không phải cho đức vua của chúng tôi! Đó là những gì tôi sẽ viết ra hôm nay nếu tôi được tự do chọn lựa. Nhưng thay vào đó, tôi chỉ viết rằng: “Cuộc lễ cổ truyền đã được cử hành”, thế thôi.
Lật ngừng nói, môi cười mỉm, hai mắt lại long lanh rực lửa. Pháo vẫn nổ lác đác ngoài sân điện. Thỉnh thoảng tiếng của các loạt súng thần công vẫn dội lại ầm ầm từ bên kia vòng Hoàng Thành Đại Nội. Joseph liếc thấy vua Khải Định vừa đứng lên khỏi ghế, đang chầm chậm bước đi trong đôi ủng nặng nề đời Minh, hướng về phía cửa. Có lần hình như nhà vua hơi lảo đảo và một hoàng thân mặc áo bào đỏ vội vàng bước tới bên ông, đỡ khuỷu tay ông. Lật nói khi thấy Joseph quay mặt ngó nhà vua:
- Chẳng may Thiên Tử của chúng tôi long thể rất bất an. Cậu có để ý thấy đức vua thường thấm mặt bằng khăn tay? Ông chỉ mới bốn mươi hai tuổi nhưng người ta e rằng có thể ông đang bị bệnh phổi. Chúng tôi cũng không được viết điều đó trên báo.
Tiếng trò chuyện rì rào khắp phòng chợt ngưng hẳn. Tiếng pháo cũng bỗng nhiên im bặt theo một mệnh lệnh âm thầm nào đó khi đức vua cáo từ Khâm sứ và thống đốc Nam Kỳ. Các viên chức Pháp và quan khách lập tức xếp hàng dọc, đi ngang và bắt tay chào từ giã nhà vua. Lật nói thấp giọng:
- Madame và Monsieur Sherman, lúc này đúng là cơ hội thuận tiện để bà và cậu có kỷ niệm về một cái bắt tay với hoàng đế An Nam. Dù chúng tôi không có tục bắt tay nhưng ông ấy muốn làm vui lòng các chúa tể người nước ngoài của ông ấy. Vậy nhị vị hãy cứ tận dụng dịp may này của mình vì không bao lâu nữa, cũng giống xứ Trung Hoa láng giềng, các đức vua của chúng tôi sẽ không hiện hữu ngoài đời nữa — mà chỉ còn ở trong các trang sách đầy bụi bặm của những cuốn sử ký. Xin chào tạm biệt.
Đào Văn Lật bước vội ra khỏi khách sảnh theo cửa hông còn Joseph và mẹ tới đứng vào hàng dọc theo các quan khách sắp ra về. Khi Hoàng đế Khải Định đưa bàn tay mảnh khảnh như tay phụ nữ của mình cho Joseph, cậu cảm thấy nó có vẻ mềm, mỏng và ươn ướt. Trong khi cậu bé Mỹ thì thầm lời chào từ giã một cách lịch sự bằng tiếng Pháp, đấng quốc chủ An Nam vẫn không ngẩng lên nhìn cậu. Vì người Joseph cao hơn ông một chút nên ký ức sau cùng của cậu về vị quân vương ấy là hình ảnh những viên ngọc sáng lung linh trên đỉnh vương miện bằng vàng của ông và lấp lánh ngay trước mắt cậu.

<< - 12 - | - 14 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 916

Return to top