Sáng hôm sau, Joseph thức dậy muộn. Gió mùa đông bắc mang mưa phùn với những giọt nước lạnh lẽo rơi lất phất trên cố đô đang lâm trận, làm bầu trời dường như ép xuống sát mặt đất hơn bao giờ hết. Nước mưa đọng lại, hơi nước rịn qua mui đò, đều đặn nhỏ từng giọt lên chiếc mền đắp trên thân anh. Trước khi tỉnh táo hẳn, Joseph thấy mình lơ mơ tự hỏi tại sao trong khi ngủ anh nghe tiếng súng nổ lốp bốp ở một nơi thật xa, tới lúc thức lại nghe như bỗng lan rộng hơn và dày đặc hơn. Nhưng chỉ phút chốc sau, anh nhận ra rằng trận tuyến đang di chuyển về phía vạn đò đang có anh ẩn núp.
Trong khi nằm nhìn lên mui đò, Joseph căng hai tai hy vọng rằng bên trên tiếng động chiến tranh đó mình có thể nghe ra tiếng người hoặc tiếng lục đục phía bên kia bức màn chiếu ngăn đôi khoang đò. Nhưng dần dà anh nhận ra rõ ràng là Tuyết và hai cháu ngoại của anh không còn ở bên ngăn đó nữa. Khi Joseph chống cùi chỏ cố ngóc đầu lên nhìn ra ngoài qua khe hở tấm liếp cót, vết thương bị nhiễm độc trên ngực bỗng đau nhói khác thường. Ngửi ra mùi mủ hôi thối quyện với mùi máu tanh tưởi trên miếng băng vải anh bắt đầu tự hỏi không biết mình còn có thể sống được bao lâu nếu vẫn tiếp tục không được chữa trị đúng cách như thế này.
Qua kẽ hở nơi tấm liếp, Joseph thấy chốc chốc lại phụt lên đám khói trắng của một quả hoả tiễn đang nổ. Dọc theo bờ sông, lửa do cuộc pháo kích của trọng pháo Mỹ đêm qua từ hướng bờ biển Thuận An, cách Huế mười cây số, rót vào thành phố, lúc này vẫn cháy âm ỉ làm bốc lên trời một màn khói đen dày đặc. Anh thấy thật rõ tường thành của cố đô với gạch vôi rơi vãi tứ tung. Mặt thành có những vết thẹo lổ chổ vì đạn pháo của Mỹ và Nam Việt Nam nhưng tường thành dày hai chục thước và cao sáu thước vẫn kiên cố. Nó đủ sức che chắn cho những tay bắn tỉa của Bắc quân thỉnh thoảng nổ súng qua gờ thành hoặc qua các lỗ châu mai trên cao.
Một làn gió mạnh thổi xoay dọc con đò, song song với mé nước. Joseph giật bắn người khi nhìn thấy lá cờ ướt sủng đang treo ủ rủ trên cột Kỳ đài kiên cố, cao ba ngấn và ba chục thước, thẳng hướng cứûa Ngọ Môn, là lá cờ hai màu xanh đỏ với ngôi sao vàng ở giữa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Dù Tuyết có kể cho anh nghe rằng từ một tuần nay, từ bộ chỉ huy đóng trong Tử cấm thành của các hoàng đế nhà Nguyễn, Cộng Sản kiểm soát hầu hết thành phố Huế; lính Thủy quân Lục Chiến của Mỹ và Không lực VNCH không dám dùng phi pháo ào ạt để đánh bật họ ra khỏi nơi mang tính cách biểu tượng đó vì sợ làm tan nát Đại Nội và vài ba cung điện hư hao còn sót lại, nhưng hình ảnh lá cờ và tin tức ấy vẫn làm anh choáng váng.
Joseph cũng thấy ra rằng cầu Tràng Tiền do người Pháp xây lên thuở trước nay chẳng còn đủ mười hai nhịp. Một vài thép khổng lồ bị gãy và rớt chìm xuống lòng sông, do Cộng quân giật sập để chận đường của liên quân Mỹ-Việt từ mạn nam kéo qua giải phóng khu vực Tả ngạn. Mặc dù vấp phải những trở ngại đó, anh vẫn không hiểu tại sao với ưu thế về hoả lực, quân đồng minh lúc này không thể tái chiếm Huế thật nhanh vì đây là lần đầu tiên đối phương thực hiện điều từ lâu liên quân Mỹ-Việt vẫn mong muốn họ làm. Đó là hãy ra khỏi những chỗ ẩn núp nơi vùng rừng xanh núi thẳm chập chờn để quần thảo tay đôi giữa chốn đồng bằng trống trải.
Ngày như kéo ra dài dằng dặc. Cơn đau trong ngực Joseph càng lúc càng nhức nhối thêm lên. Anh chỉ biết nằm trơ vơ trong khoang đò bồng bềnh, ngủ lơ mơ giữa những khoảnh khắc tạm ngưng tiếng chiến trận. Thỉnh thoảng, qua mui đò, anh thấy thấp thoáng mấy chiếc mũ tai bèo màu vàng nhạt và ba lô không còn cắm cành lá của bộ đội Bắc Việt. Dường như họ đang chúi đầu chạy vội vã dọc theo bờ sông và Joseph đoán có lẽ họ đang rút về phía tây dòng sông, hướng đối diện với mũi tiến quân của liên quân Mỹ-Việt.
Trong lòng đò vắng lặng, thời gian càng trôi qua Joseph càng tin chắc Tuyết đã bỏ trốn, mang theo hai con. Anh tính chuyện rời con đò nhưng rồi lại quyết định rằng nếu để cho mình kẹt giữa làn đạn của binh lính hai bên thì còn nguy hiểm hơn tiếp tục ở lại trong lòng đò. Khắp mình mẩy Joseph, chỗ nào dường như cũng nhức buốt theo với cơn đau nơi vết thương làm anh cảm thấy xây xẩm rủ liệt. Trong mụ mẫm ngây dại, anh tự hỏi phải chăng mình đang ở khoảnh khắc lìa đời. Anh cảm thấy mệt mỏi cùng cực. Càng cảm giác một cách chắc chắn rằng Tuyết đã vĩnh viễn bỏ đi, trí óc anh càng thấm thía một tâm trạng chán ngán. Và cứ thế, anh hầu như chẳng còn lo lắng điều gì sẽ xảy tới cho mình nữa.
Tới xế chiều, Joseph lại buồn ngủ. Anh nghĩ mình đang mơ khi có cảm giác con đò tròng trành và nghe thoang thoảng tiếng người khe khẻ suỵt đằng sau manh chiếu dùng làm màn ngăn. Rồi trong mơ màng, anh nghe tiếng sột soạt của con gái anh châm bếp cồn nhỏ, sửa soạn bữa ăn đạm bạc với sự phụ giúp của hai cháu bé. Cũng vẫn những âm thanh ấy, cử chỉ ấy, y hệt những gì ba mẹ con từng làm trong cõi thật suốt bảy đêm vừa qua. Dù có cảm thấy ấm lòng đôi chút nhưng cũng chỉ là mơ thôi. Anh nhủ lòng như vậy rồi lặng yên nhắm mắt, thiu thiu ngủ.
Joseph chỉ mở mắt ra khi Tuyết vạch manh chiếu qua một bên, mang sang cho anh chén cháo đặc và cá khô như thường lệ. Sau khi đặt cháo và cá xuống trước mặt cha, Tuyết lui ra ngay, không nói một tiếng. Nhưng Joseph đã nhỏm dậy thật lẹ, chụp cổ tay con gái:
- Tuyết, cha tưởng đêm nay con không trở về đây nữa...
Tuyết quay đầu lại ngó cha, không chống cự. Ngay lúc ấy, Joseph nhận ra vẻ mặt của con gái mình xanh xao, run rẩy. Anh nói tiếp:
- Cha rất mừng khi thấy con trở về vì cha muốn cám ơn con về việc chiều hôm qua. Cha không có quyền trông mong một chuyện như vậy...
Tiếng nói của Joseph ràn rạn trong cổ họng. Tuyết nhẹ nhàng rụt cườm tay ra khỏi tay nắm của cha và ngồi xuống. Trong thế ngồi chồm hổm chụm hai chân, nàng thụt lùi một chút. Hai khuỷu tay Tuyết xoắn vào nhau ôm hai đầu gối, mắt đăm đăm nhìn sàn đò. Bên ngoài bỗng vang lên tiếng súng bắn trả nhau, nghe gần hơn lúc nãy.
- Trận tuyến đang tới gần hơn phải không Tuyết? Có phải đó là lý do khiến con lo lắng — có phải vì con sắp mất Huế?
- Lúc này, con chẳng còn lo ai thắng ai thua nữa!
Hai má săn lại, răng cắn răng, Tuyết thì thầm câu nói ấy với vẻ khốc liệt. Tuy vẻ mặt dữ dội nhưng hai con mắt Tuyết đầy ứ nước mắt.
- Tại sao vậy Tuyết?
Tuyết dụi dụi mắt, lắc lắc đầu:
- Con càng ngày càng thấm mệt vì giết chóc và máu đổ! Lính ngụy chiến đấu lì lợm không ngờ. Quân giải phóng bị tổn thất ngoài sức tưởng tượng. Nhất là hôm nay con thấy và nghe nói tới cả trăm người không vũ khí bị tàn sát không chút xót thương. Một số bị bắn vào đầu, một số bị đập tới chết bằng khúc cây, bằng báng súng.
Joseph choáng váng rụng rời. Tuyết vừa nói vừa rùng mình rúng động, nổi gai ốc khắp hai cánh tay trần:
- Thậm chí, một số còn bị chôn sống!
Joseph chóng mặt, ngó con gái:
- Những người ấy là ai? Ai giết họ?
Giọng Tuyết bỗng cay đắng và tỏ vẻ khinh miệt:
- Các chiến hữu dũng cảm và quí báu của con. Các đồng chí thân thương của con giết họ vì tất cả đã tính sai nước cờ.
- Con có ý nói gì vậy?
- Con không giấu gì cha nữa. Chúng con sai lầm về vấn đề khởi nghĩa. Trước đây, theo dự kiến thì tiếp liền sau cuộc Tổng Công Kích của quân đội giải phóng là lập tức có cuộc Tổng Khởi Nghĩa vĩ đại của toàn thể nhân dân thành thị Miền Nam. Khắp nơi trên Miền Nam, lý ra nhân dân phải tưng bừng hoan hỉ kéo nhau ra đường để nghênh đón các lực lượng giải phóng tiến vào thành thị trong chiến thắng — nhưng nhân dân đã không làm như vậy. Nhân dân vẫn giữ thái độ lãnh đạm, xa lánh, thậm chí còn kéo nhau vượt phòng tuyến, chạy về phía lính ngụy. Tại Huế cũng vậy. Còn nữa, ngụy quân ở đây phản công rất ngoan cố. Bọn Mỹ lại đổi ngay vũ khí hiện đại cho chúng. Lính dù và lính thủy đánh bộ ngụy từ Sài Gòn vừa đổ bộ ra Huế. Hai trung đoàn giải phóng quân bị tổn thất nặng nề. Hiện nay bộ chỉ huy mặt trận bị khoá chặt trong Đại Nội, không rút ra được theo cửa Chánh Tây hoặc cửa Hữu. Bộ đội tiếp ứng trên La Chữ bị phi pháo không băng đồng Hương Trà nổi. Máu sẽ đổ rất nhiều. Chưa kể những gì còn lại trong Đại Nội, luôn cả điện Thái Hòa cũng sẽ tan tành. Con nghe nói cóù vài lãnh đạo đang nổi điên. Họ nói trung ương bị trúng kế “điệu hổ ly sơn” của Mỹ Thiệu.
Joseph kinh hãi:
- Chẳng lẽ không có phương án hai sao?
Tuyết lắc đầu:
- Hoàn toàn không. Hoàn toàn tin vào Tổng Khởi Nghĩa và tin một trăm phần trăm rằng chính quyền chắc chắn sẽ về tay nhân dân. Vì thế, hàng ngàn cán bộ nằm vùng bao nhiêu năm nay, lúc này hoàn toàn bị lộ diện vì đã ra công khai để huy động tổng khởi nghĩa và lùng bắt ngụy quân ngụy quyền. Không có kế hoạch dự trù cho họ rút theo quân giải phóng nên họ lúc này như cá nằm trên cạn. Cơ sở nội thành xây dựng bằng khổ nhục tù đày giờ đây không ai giật mà sập. Ngượïc lại, phía giải phóng đang hạ sát những kẻ bị bắt gồm các lính ngụy, thủ trưởng ngụy quyền, rất đông các công chức cán bộ cấp thấp, các thanh niên trong hạng tuổi quân dịch, các tên cầm đầu đảng phái phản động, các cha cố...
Thình lình có tiếng nổ thật lớn gần con đò, hai cha con chửng lại, lắng tai cảnh giác. Tiếng vũ khí cá nhân lắc cắc tiếp tục nổ vang nghe lớn hơn. Tiếng khạc đạn ròn rả của tiểu liên xung phong AK-47 do Nga chế tạo tương phản rõ rệt với tiếng lụp bụp nghe âm vang hơn của súng M-16 hoặc AR-15 của Mỹ
- Có lẽ đây là lần duy nhất con nói thật với cha. Con cần có người nghe con nói để nhẹ bụng đôi chút. Công tác của con ở đây là tiếp tay sưu tập danh sách các viên chức ngụy quyền, sĩ quan ngụy quân, lãnh tụ tôn giáo, giáo chức, hội viên hội đồng tỉnh, thị và xã ấp... và những người đại loại như vậy. Trước đây, người ta bảo chúng con rằng sẽ mang những người ấy đi cải tạo, nhưng giờ đây, thực tế đó chỉ là danh sách những kẻ bị tử hình vì họ đều bị Mặt Trận liệt vào thành phần ác ôn. Hôm nay, vì cấp lãnh đạo thấy rằng chúng con sắp bị đánh bật khỏi Huế, công lao xương máu bao nhiêu năm trời nay hóa thành tro thành bụi nên họ uất hận, bắt tay vào chiến dịch giết người tập thể, không một chút xót thương. Chắc chắn sẽ có tới hàng ngàn người bị giết.
Tuyết ngừng nói, rồi giọng lắng xuống thành tiếng thì thầm:
- Các chị em thuộc tổ công tác của con trước khi trốn người mỗi ngả đã kể với con những chuyện không ai tin nổi. Trong số những kẻ bị giết có rất nhiều người nước ngoài — ba bác sĩ người Đức đến dạy thiện nguyện ở đại học y khoa Huế; có một bác sĩ chết chung với bà vợ người Đức. Có một giáo sư bác sĩ còn rất trẻ, cao, tóc vàng giống y như tóc của cha. Họ trói quặt tay anh ta ra sau, đẩy anh ta quì xuống sát một bên lỗ huyệt. Rồi họ bắn vô gáy anh ta. Họ chôn anh ta trong khi người anh ta vẫn còn nhúc nhích. Còn có hai người Mỹ, một giáo sư đại học người Pháp bị giết vì lầm là Mỹ. Rồi còn hai linh mục Pháp và một số người Phi luật tân...
Tuyết ôm đầu, mắt đăm đăm nhìn manh chiếu cói:
- Tại sao ra nông nổi này. Sinh viên thoát ly quay về giết sinh viên nội thành. Bạn học cũ theo cách mạng tìm giết bạn học cũ về phép ăn tết. Người ta lập tòa án nhân dân trong trường học, trong chủng viện, xử qua loa các thành phần bị liệt kê là ác ôn hoặc phản động, rồi chôn sống, rồi đập đầu... Rồi nã đạn pháo lung tung vào khu vực dân chúng ở bên kia phòng tuyến. Gần như chỗ nào cũng có xác chết. Heo sổ chuồng đi lang thang khắp nơi, dân chúng sợ nó gặm xác người, không dám bắt làm thịt. Người ta còn lùa hàng ngàn người xuống Phú Vang, lên Nam Đông. Để làm gì chớ. Để cho phi pháo của Mỹ rượt theo bắn ư? Để chết dần chết mòn với nhau sao?
Nước mắt bắt đầu nhỏ xuống má từng giọt, Tuyết nhắm mắt lại. Nàng ngồi như thế hồi lâu. Các ngón tay run rẩy hết co vào lại duỗi ra cuốn lấy nhau, mỗi lúc một rối loạn. Càng nghe Tuyết nói Joseph càng thất kinh, lặng người. Sau cùng, chúi mình tới phía con gái, anh cầm tay Tuyết nài nỉ:
- Tuyết ạ, con hãy để cha mang cả ba mẹ con qua Mỹ. Con trả thù chồng như thế đủ rồi. Có thêm nữa thì chỉ tự làm tan nát đời con và tương lai của hai cháu thôi. Con vẫn có thể để mọi sự đó ở lại đây, ở lại đằng sau con. Còn kịp mà con.
Vẫn nhắm mắt, Tuyết lắc đầu thật lẹ:
- Không thể được!
- Tuyết ạ, nếu con tha thiết muốn việc đó thì không có gì là không thể được. Nếu con đủ lòng tin vào việc đó thì nó trở thành có thể được. Con còn có cha đây. Cứ để cho cha lo. Cha muốn đem con đi khỏi Việt Nam còn hơn muốn mọi sự khác trên đời.
Tuyết lại lắc đầu, hít vào thật sâu rồi chầm chậm nhắm mắt và thở ra nhè nhẹ. Lát sau, nàng mở mắt, thấy cha đang nhìn mình đau đáu. Mím chặt đôi môi run rẩy, Tuyết cố lấy lại bình tĩnh:
- Con cũng đã làm nhiều điều ghê gớm. Vâng, ở Sài Gòn con đã ném lựu đạn giết những kẻ tra khảo chồng của con, chẳng biết cha có nghe người ta nói tới chuyện đó không. Và con không ân hận nếu phải hành động như vậy thêm lần nữa! Bằng việc giết chết anh Lương của con, bọn ngụy quyền đã cướp mất niềm hạnh phúc duy nhất mà con bắt đầu biết tới trong suốt cuộc đời con! Và suốt một thời gian dài, con ôm ấp trong lòng con nỗi khao khát trả mối thù ấy. Con đã tiến hành nhiều vụ khủng khiếp. Con đã chiến đấu, làm trung đội trưởng xung kích Giải phóng quân ở lục tỉnh suốt hai năm. Con đã nhiều lần giết người — lính Mỹ có, lính Diệm có, tụi ác ôn xã ấp có.
- Cha đã biết hết mọi sự đó.
Joseph nói như thế với giọng thật điềm đạm. Tuyết nhìn cha chằm chặp, miệng mở lớn kinh ngạc:
- Cha biết tất cả những chuyện đó — vậy mà cha cứ tới đây tìm con?
Joseph im lặng gật đầu. Tuyết tròn xoe mắt như thể đột nhiên kinh hãi vì những gì mình vừa nói. Rồi trong tiếng khóc đau xót sụt sùi, nàng đưa hai tay lên dịu dàng ôm cổ Joseph và chúi đầu xuống cho tới khi trán dựa vào bộ ngực trần của cha. Trong mấy phút, tiếng khóc ngắt quãng và cố nén làm cả người Tuyết rúng động. Joseph cũng thầm lặng khóc, hai tay ôm thật chặt con gái. Bên ngoài, dọc theo mé nước tan hoang, trận chiến tiến đều đặn về phía hai cha con.
Trong khi ôm con gái trong tay, Joseph thấy hai bộ mặt run rẩy của bé Trinh và đứa em trai tên Chương ló ra bên mép chiếu cói, len lét nhìn lo lắng. Cực chẳng đã Joseph phải thả hai tay xuống. Anh hỏi dịu dàng:
- Tuyết ạ, con tính sao đây? Chỉ vài giờ nữa thôi, có thể khu vực này sẽ rơi vào tay quân Mỹ hoặc quân chính phủ. Tại sao con không nhân cơ hội này mà ở lại đây với cha? Cha sẽ mang cả ba mẹ con sang Hoa Kỳ.
Anh đưa mắt về phía hai cháu ngoại, mỉm cười và nhấn mạnh:
- Tất cả bốn chúng ta.
Tuyết lùi lại, hai tay ôm lấy thân mình như thể để giúp cho quyết định của nàng thêm phần dứt khoát. Sau một lúc im lặng, Tuyết lắc đầu một cách quả quyết:
- Con không đi theo cha. Nước Mỹ không có chỗ trong tâm hồn con. Tám năm thù hận, dốc hết trí tuệ, dùng hết thể xác để trả thù Mỹ, tới nay thì sự căm thù Mỹ đã lậm vào máu của con. Có qua tới bên đó con cũng không thể thích nghi với đời sống Mỹ. Con không thể nào quên chuyện anh Lương đã vì ai mà chết.
- Nhưng ở đây cũng đâu có chỗ cho con!
Tuyết gật đầu, xoắn một sợi dây thun thắt lại mái tóc:
- Cha nói đúng. Con biết rất rõ điều đó, kể cả với những kẻ trong Mặt Trận GPMN đang gọi con là đồng chí của họ. Họ dùng con để chiến đấu cho những mục đích của họ. Còn con, con nương theo họ để trả thù. Những thứ khác đối với con chỉ là khẩu hiệu có cố nuốt vào bụng cũng không tiêu hóa nổi. Con là con lai, học trường Tây, cha Mỹ gia đình chính khách, mẹ Việt dòng dõi quan lại. Trinh và Chương mang ba dòng máu Mỹ, Hoa, Việt. Có chung một hàng ngũ với người ta thì cũng chẳng êm thắm lắm. Và nhất là, kể từ mấy hôm nay, hình ảnh của MTGPMN trong con không còn như cũ.
Trong khi Tuyết nói, Joseph tưởng chừng mình nghẹt thở. Anh hít lẹ vào một hơi thật mạnh rồi thở ra mà như nén lại:
- Vậy con tính tương lai như thế nào?
Tuyết trả lời thật nhanh:
- Con ra bắc, mang theo Trinh và Chương. Dù sao Việt Nam cũng là quê hương của con. Con tin rằng xã hội ngoài ấy người ta sống khắc khổ, có nền nếp, đạm bạc, thuần nhất và đùm bọc nhau hơn trong nam này. Con sẽ cố không nhớ tưởng tới hận thù nữa, sống cuộc đời bình thường. Ổn định và yên thân.
Nàng liếc Joseph thật lẹ:
- Cậu Kim đang giữ địa vị cao trong Bộ Chính trị của Đảng Lao động. Cậu ấy là người gần gủi và tâm phúc của Hồ Chủ tịch. Năm ngoái, cậu Kim muốn con ra ngoài đó và có ý giúp tìm cho con một căn hộ ở gần cậu, tại Hà Nội. Rồi thế nào cũng còn ông cậu Lật...
Tuyết vội vã quay mình, dẫn hai con trở ra ngăn khoang đằng lái. Joseph nghe có tiếng lục đục rồi lời thì thầm dặn dò khi ba mẹ con thu xếp những đồ vật còm cỏi của mình. Sau vài phút, Trinh lại leo qua ngăn đò của Joseph, lật đật tới bên ông ngoại. Con bé nhìn Joseph một lúc, bằng đôi mắt buồn rượi, rồi nó đưa tay ra, một ngón tay sờ nhẹ lên lớp băng vải. Bỗng dưng mặt nó đỏ ửng, giọng thủ thỉ:
- Ông ngoại, con cầu mong cho ông ngoại mau lành.
Trinh nín thở, mím môi như thể sắp nói thêm một câu gì nữa. Nhưng từ bên kia bức màn chiếu vang lên tiếng mẹ nó gọi sang, giọng rất gấp, làm bộ mặt bầu bỉnh của con bé ánh lên vẻ cảnh giác. Sau khi liếc ngược trở lại đằng sau rất lẹ, nó cúi xuống thật sát Joseph và thì thầm vào tai anh: “Thưa ông ngoại con đi.” Nói xong, Trinh lẹ làng áp chiếc miệng nhỏ nhắn lên một bên gò má râu ria lởm chởm của Joseph, rồi lủi thật nhanh về phía mẹ, vừa đi vừa gãi môi.
Joseph khốn khổ nằm chờ Tuyết sang để nói lời từ biệt với con gái, nhưng chỉ tới khi cảm thấy con đò lắc qua lắc lại ba lần thật mạnh, anh mới nhận ra con gái mình đã cố ý tránh cuộc từ giã đau lòng. Tim nhức buốt, Joseph gọi lớn tên Tuyết, lết hai đầu gối trườn tới. Anh bò như điên qua ngăn đò trống trải phía sau và bò ra ngoài, tới phía đầu lái bằng phẳng.
Tiếng đạn súng cối và vũ khí cá nhân vang vang điếc tai buốt óc. Tuyết đã đi xa được khoảng ba chục thước, chân bước thoăn thoắt dọc theo bờ sông, nhắm hướng tây. Người Tuyết hoá thành một hình bóng vô danh trong bầu trời ảm đạm đang tối dần. Hai ống quần đen rộng thùng thình phồng lên hai bên đùi khi Tuyết cố giữ cho thăng bằng chiếc đòn gánh gác qua vai trái. Trong cặp gióng là một đôi thúng chất lưa thưa bếp lò nấu ăn cùng các vật dụng linh tinh hèn mọn khác, thu dọn từ con đò và gánh đi. Hai đứa bé hớt hãi. Đứa níu lấy tay phải, đứa túm chặt quần áo mẹ. Mỗi đứa một bên mẹ, vừa đi vừa chạy, vượt qua những tiếng nổ làm điếc đặc tai người của trận chiến chất ngất trong trời hoàng hôn bảng lảng.
Dù mắt Joseph nhìn không rời ba mẹ con, cả Tuyết lẫn Chương đều không nhìn lui. Chỉ có bé Trinh ngoảnh lại một lần về hướng ông ngoại. Thấy như vậy, anh đưa cánh tay không bị thương lên buồn bã vẫy chào vĩnh biệt. Con bé ngước đầu lên, vừa hăm hở nói gì đó với mẹ vừa chỉ chỏ về phía ông ngoại. Nhưng nó đang nói thì bị trượt chân và anh thấy Tuyết túm lấy Trinh, giận giữ lắc lắc nó với vẻ la rầy. Dần dần, hình ảnh mong manh ấy mất biệt trong trời chạng vạng tối và đầy sương mù. Trên đò, Joseph chầm chậm gục xuống đầu lái, người lạnh buốt, ruột quặn thắt vì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ gặp lại con và hai cháu nữa. Nước mắt Joseph ứa ra đầy mặt. Anh không biết giọt nào khóc cho Tuyết vì chồng giọt nào khóc cho Lan mẹ của nó vì cha, giọt nào khóc cho Trinh và Chương sẽ lưu lạc trên đất bắc. Và giọt nào khóc cho bản thân bị mọi người thân yêu kẻ oán hận, kẻ bỏ đi; chỉ còn lại một mình trên dòng sông mênh mông, trong con thuyền mỏng mảnh, giữa tiếng động kinh hoàng của chiến trận đang tràn tới.
Nửa giờ sau, một đại đội Thủy quân Lục Chiến VNCH trên đường truy kích Bắc quân, tìm thấy Joseph đang lom khom nơi đầu lái con đò. Trước đó, anh đã bò vô lại khoang đò, lấy chiếc áo sơ mi dính đầy máu ra, rồi chầm chậm vẫy áo lên quá đầu để ngăn những người lính mặc đồ rằn ri có gắn huy hiệu con trâu nổi điên ấy đừng bắn mình. Một thượng sĩ người đen đủi, mặt rỗ và đầy thẹo, miệng ngậm điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ, từ trong bóng tối lờ mờ bước ra với hai TQLC khác. Làm như không nghe Joseph kể lắp bắp bằng tiếng Việt, anh ta tay cầm khẩu AR-15 dí lom lom mũi súng tay vuốt khắp người Joseph cho đến khi chắc chắn đối tượng không có vũ khí hoặc không phải người Nga. Anh ta lên bờ và lát sau đi xuống với viên đại úy đại đội đội trưởng. Nhìn con đò và nhìn Joseph, mặt viên đại úy lộ vẻ sửng sốt. Anh ta nói bằng tiếng Anh:
- Trời đất ơi! Có phải ông muốn nói ông là người Mỹ. Và một người Mỹ làm cho Juspao Sài Gòn như ông lại ẩn núp trong khoang chiếc đò khốn nạn nhỏ xíu này, suốt một tuần lễ, với vết thương nặng như thế kia?
Nói xong, anh ta gọi viên hạ sĩ mang máy truyền tin tới, bốc máy báo về bộ chỉ huy. Còn tay thượng sĩ mặt rỗ thì cười tủm tỉm với vẻ tiếu lâm khi giúp Joseph lên bờ. Kế đó anh ta bước xuống đò, bò cả hai chân hai tay vào kiểm soát bên trong khoang. Lát sau, anh ta vọt lẹ lên bờ, phủi mạnh quần áo và nhăn mũi rồi cười khà khà:
- Đại úy ơi, thằng cha Mẽo này mà bỏ được cái chốn dzui dzẻ đó chắc “nó” mừng hết lớn. Dưới đó mùi gì cũng có!
Joseph chỉ nhìn viên thượng sĩ, không cự nự cũng không tỏ ý giận. Trời vẫn còn đủ sáng cho anh lần đầu tiên nhìn thấy toàn cảnh con đò. Lúc này nó cắm sào đối diện với bờ sông bên kia, chỗ thuở nào anh đã trải qua đêm đầu tiên sum vầy với Lan trên sông Hương ba mươi hai năm trước.