Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102297 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 6 -

Người An Nam cất giọng xuỵt xoạt, đầy tự tin dù ông phát âm tiếng Anh chưa đủ độ nhấn:
- Đại úy Sherman ạ, cá nhân tôi bao giờ cũng ngưỡng mộ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Trong thế giới hiện đại, đó là xứ thuộc địa đầu tiên giành được độc lập bằng một cuộc cách mạng. Tôi hy vọng tới ngày nào đó, đất nước nhỏ bé của chúng tôi cũng có thể thi đua thành tích can trường và nhẫn nại với quí quốc. Hết thảy chúng tôi đây đều phải học hỏi rất nhiều về sự chịu đựng ngoan cường của người Mỹ. Và đó chính là lý do khiến chúng tôi liều mạng sống của mình để cứu anh thoát khỏi nanh vuốt của bọn Nhật.
Đối với Joseph, suốt ba ngày vừa qua, bộ mặt có chòm râu lưa thưa vốn chỉ xuất hiện lờ mờ qua màn sương mù mê sảng lúc này định hình rõ nét. Lần đầu tiên bộ mặt ấy nở nụ cười với anh; vẻ biểu lộ đó làm những chỗ hốc hác tiều tụy của nó sáng lên. Đối với Joseph trong tình trạng người rã rời vì đau nhức khắp mình mẩy, nó truyền cho anh cảm giác ấm cúng hiếm hoi và lòng quan tâm quí báu.
Người ấy lại nhìn lên, miệng mỉm cười hóm hỉnh:
- Có thể anh cho rằng hai xứ sở của chúng ta chỉ giống nhau đôi chút  - nhưng có lẽ anh không biết rằng cách đây tám mươi năm, khi nước Pháp bắt đầu xâm lăng xứ sở của chúng tôi, hoàng đế nước An Nam thời đó đã cầu viện chính phủ của quí quốc. Sự thật là thế, tin hay không xin tùy anh. Triều đình Huế đã gởi quốc thư cho Tổng Thống Abraham Lincoln, đề nghị một hiệp ước hữu nghị  - nhưng tôi cho rằng không thể trách ông Lincoln về việc bỏ qua lời kêu cứu nhỏ nhoi ấy. Tôi tin rằng vào lúc đó ông ấy đang để toàn tâm toàn trí vào việc đối phó với các vấn đề cấp bách hơn trong cuộc nội chiến của quí quốc.
Người An Nam đi chân trần và nghiêng mình bên đống lửa. Ông mặc áo bốn túi bằng vải ka-ki bạc màu và quần rộng thùng thình. Thỉnh thoảng ông cầm lên cành cây nhỏ, trầm ngâm cời than hồng. Rõ ràng ông không trông chờ phản ứng nào của Joseph vì lúc này anh nằm trên chiếc giường làm bằng lá gồi và đang lã người kiệt sức với những cơn sốt dai dẳng. 
Trong lúc bị cơn sốt hành Joseph lờ mờ nhận biết có một người An Nam nữa thường hay vô ra hang động này. Đào VănLật lo liệu việc chăm sóc anh suốt ngày suốt đêm. Một bác sĩ bị quân du kích bắt cóc gần tỉnh lị Cao Bằng rồi bịt mắt dẫn về sào huyệt, đã bó nẹp chân tay gãy của Joseph và khâu những vết rách trầm trọng nhất trên đầu và thân thể anh. Lấy một loại rể cây rừng được gọi là nụ áo, họ nướng cho hơi cháy rồi sắc thành một thứ thuốc nam. Cứ mỗi giờ họ lại đổ nước thuốc ấy vào miệng anh, qua hai môi sưng vù vì phỏng nặng. 
Cuối cùng, tới đêm thứ ba, cơn sốt đạt tới điểm tột đỉnh của nó. Lúc trời vừa rạng sáng người luống tuổi gầy gò tất tả bước vào hang. Bưng trên tay một đĩa nhỏ đựng bắp và chuối nghiền, ông bảo mọi người đi nơi khác còn mình tự tay dùng muổng đút cho anh. Kế đó, ông ngồi xổm bên đống lửa, bắt đầu gợi chuyện. Ông nói, mắt vẫn nhìn đống lửa với vẻ trầm ngâm:
- Bản thân tôi từng viếng thăm quí quốc cách đây rất nhiều năm. Tôi rời Đông Dương lúc hai mươi tuổi, làm một chân phụ bếp trên tàu viễn dương đi châu Âu và châu Mỹ. Tôi cũng đã kiếm sống bằng công việc đốt lò sưỡi và xúc tuyết tại Luân Đôn. Tôi cũng từng làm phụ bếp hoặc mấy lần làm bồi bàn ở Boston và khu da đen Harlem. Tôi rất buồn khi thấy cuộc sống tương phản trong các khách sạn giữa những khách giàu có và đám dân nghèo phải làm nô dịch trong nhà bếp để chuẩn bị bữa ăn sang trọng cho họ. Tôi cũng đã thấy vô số người da đen nghèo sống mạt rệp ở khu Harlem.
Vừa nhìn đăm đăm đống lửa ông vừa thở dài:
- Đại úy Sherman ạ, tôi rất ngưỡng mộ lý tưởng dân chủ cao cả của Hoa Kỳ nhưng rủi thay, ánh sáng chiếu ra từ ngọn đuốc Tượng Nữ thần Tự do của quí quốc không toả đều lên hết thảy nhân dân Mỹ, phải vậy không?
Joseph chống tay nhỏm dậy một cách khó nhọc. Anh vẫn cảm thấy yếu ớt và đầu váng vất khi vừa trải qua một cơn sốt hành. Việc rán sức nhẹ nhàng nhất ấy cũng làm giác quan của Joseph choáng váng. Anh hỏi, giọng run run:
- Tôi đang ở đâu đây? Làm sao tôi lại tới đây?
Người An Nam nở thêm một nụ cười, trông như thể tiên ông:
- Đại úy chớ bận tâm. Anh đang ở giữa bè bạn. Tôi đích thân tới đây để đảm bảo với anh điều đó. Đây là vùng hang động Pắc Bó ở phía cực bắc Bắc kỳ. Chúng ta chỉ cách biên giới Trung Hoa một cây số. Anh được người sơn cước thuộc dân tộc Nùng kéo ra khỏi chiếc máy bay vỡ nát. Họ cứu anh thoát cuộc tuần tiểu của bọn Nhật  - và của quân Pháp, những kẻ cũng được lệnh bắt giữ anh để trao cho bọn Nhật. Người Nùng liên lạc với chúng tôi và tiếp tay với chúng tôi đem anh về đây. Tới khi nào anh đủ sức khoẻ lên đường, chúng tôi sẽ lén lút mang anh qua mặt lính biên phòng Nhật để vào Trung Hoa. Và người của chúng tôi sẽ đưa anh an toàn trở về với tướng Chennault cùng các bạn “Phi Hổ” lừng danh của anh.
Ông lại mỉm cười khi thấy mắt của Joseph ánh lên vẻ sửng sốt:
- Đại úy ạ, tôi biết tên anh vì tôi đã đọc “thẻ bài” trên cổ anh.
Ông uốn lưỡi phát âm hai chữ tiếng lóng “dog tag” của Mỹ dùng để chỉ thẻ bài với vẻ hóm hỉnh thấy rõ, rồi nói tiếp:
- Và những chiếc răng nhe ra dữ dằn đầu mũi chiếc Warhawk lâm nạn của anh nói cho chúng tôi biết anh là một “Phi Hổ”.
Joseph ngẩng đầu nhìn chằm chặp người An Nam ngồi bên ánh lửa chập chờn, rồi anh thả lưng xuống mặt giường lá gồi:
- Ông là ai? Và tại sao ông giúp tôi?
- Hết thảy chúng tôi đây đều ở trong Mặt Trận Việt Minh. Chúng tôi là những người quốc gia, theo chủ nghĩa dân tộc. Cũng y như Hoa Kỳ, chúng tôi chiến đấu chống bọn Nhật hiếu chiến và xâm lăng. Chúng tôi đang tiến hành chiến tranh du kích, đánh các đồn bót của chúng trong xứ này.
- Việt Minh là cái gì vậy?
- Việt Minh là tên gọi tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội được những người theo dân tộc chủ nghĩa thành lập tám năm trước đây tại Quảng Châu. Hiện nay, nó là một liên minh của những người yêu nước đang chiến đấu giải phóng tổ quốc chúng tôi. Trước tiên chúng tôi đánh đuổi bọn Nhật  - rồi tới một ngày nào đó, đánh đuổi luôn cả người Pháp. Pắc Bó là bộ chỉ huy tạm thời của chúng tôi.
Joseph nhăn mặt và nhắm mắt. Sự rán sức tập trung chú ý vào thông tin đơn giản với quá nhiều danh xưng đó đủ làm anh thấm mệt. Khi gượng người trở mình đôi chút trên giường, anh rêm nhức khắp mình mẩy. Thấy vậy, từ mé bên kia đống lửa, người An Nam vội vàng bước qua và lật đật quì xuống bên Joseph. Dù trông ông có vẻ ẻo lả nhưng khi ông giúp Joseph sửa lại thế nằm cho thoải mái hơn, anh cảm thấy bàn tay ông nắm vai mình vững và mạnh. Ông kéo mền lên đắp ngang vai Joseph và dỗ dành:
- Đại úy cứ nằm nghỉ. Tôi thấy chúng ta còn rất nhiều ngày giờ để chuyện trò với nhau cho thỏa lòng. Tôi chỉ muốn bảo đảm với anh một điều, rằng anh đang an toàn trong vòng tay bằng hữu.
Sáng hôm sau, Joseph lại sức đôi chút và được mang ra khỏi hang. Anh rên thành tiếng khi Đào VănLật và ba người khác nâng chiếc cáng lên. Tới bên ngoài, phải mất mấy phút mắt Joseph mới quen với ánh mặt trời ban mai chói lọi. Sát bên thác nước, một lớp lau sậy mọc rậm rạp che kín mít lối vào hang. Rồi khi được đặt trên tảng đá lớn kế bên cửa hang, Joseph sửng sờ ngắm các mỏm đá cao vời vợi vượt hẳn lên trên rừng rậm nhiệt đới dày đặc. Xa xa bên kia biên giới Trung Hoa, những dáng núi cong cong và đẹp tuyệt vời, trông như hình vòi ổ bánh mì ngọt, càng lúc càng hiện rõ trong sương buổi sớm đang tan. 
Joseph thở ra:
- Thì ra đây là nơi tôi rơi cánh. Chắn chắn quí vị đã chọn địa điểm tuyệt đẹp này để ẩn tránh quân Nhật.
Đứng bên Joseph, Lật cũng đăm đăm nhìn  - nhưng không phải để ngắm cảnh sắc ngoạn mục kia. Dưới ánh nắng chan hoà, Lật thấy rõ nét mặt của Joseph hơn trước đây lúc còn ở trong hang. Người An Nam nhỏ thó đưa đôi mắt sáng quắc nhìn Joseph chòng chọc rồi hỏi với giọng ngập ngừng, bằng một thứ tiếng Anh rất sỏi:
- Trước đây đại úy đã từng ở trong xứ sở của chúng tôi, đúng vậy không?
Joseph quay lại nhìn Lật, lòng phát sinh thêm một tò mò mới:
- Đúng. Tôi biết Sàigòn và Huế  - và có lần tôi ở Hà Nội. Tại sao anh lại hỏi như vậy?
Lật trả lời háo hức:
- Rất nhiều năm trước đây, tôi có gặp tại Huế một thiếu niên Mỹ. Tôi thấy trông anh hình như khá giống cậu ấy.
Kế đó, cả hai cùng lặng yên trong ít phút. Tâm trí Joseph cũng bắt đầu loé sáng, anh nói chầm chậm:
- Tôi có mặt tại hoàng cung lúc cử hành lễ Tết năm 1925. Rồi tới năm 1936 tôi có quay lại thăm viếng Huế và Hà Nội. Có thể chúng ta từng gặp nhau tại một trong hai nơi đó.
Lật reo lên hoan hỉ:
- Vậy, tôi nhớ ra rồi. Mình từng gặp nhau ở Huế. Lúc ấy anh đi với mẹ.
Joseph sửng sốt gật đầu. Lật nói ngay:
- Tên tôi là Lật  - Đào VănLật. Anh nhớ không. Tôi là người viết báo đứng trò chuyện với mẹ anh và anh sau cuộc lễ “làm lạy”.
Tình trạng thiếu thốn phải chịu trong những năm dài tù đày nơi đảo Côn Lôn còn ghi dấu trên hình hài của Lật cộng thêm hành vi tự thiến trước đó của anh tạo cho anh nét mặt khắc khổ khác thường. Trông anh lúc nào cũng căng thẳng, nhưng qua đôi lông mày của một người học rộng và tia nhìn long lanh dữ dội trong cặp mắt ấy, Joseph vẫn có thể nhận ra anh. Người An Nam này đúng là Đào VănLật năm xưa, một người chỉ biết sống cho lý tưởng, kẻ đã phát biểu với Joseph và mẹ anh những câu nói ngùn ngụt căm hờn nơi khách sảnh trong cung điện của hoàng đế Khải Định.
Sau khi nhíu mày lục lọi quá khứ và thấy ra kết quả, người Mỹ nói:
- Tôi nhớ ra anh rồi. Tôi nhớ lúc ấy anh nổi cơn thịnh nộ về tính đạo đức giả của nghi lễ bày tỏ lòng trung quân. Tôi còn nhớ anh có kể với chúng tôi rằng anh không được phép viết ra những gì anh muốn.
Lật mỉm cười ngậm ngùi rồi nghiêng mình xuống bên Joseph, nồng nhiệt bắt tay người Mỹ:
- Có thể anh có lý. Lúc ấy tôi non trẻ và bồng bột. Giờ đây tôi sung sướng hơn bao giờ hết vì giúp được người Mỹ, lại là một bạn cũ.
Tới lượt Joseph mỉm cười và lúc lắc đầu, rất lấy làm lạ về sự trùng hợp ngẫu nhiên này:
- Anh Lật ạ, anh thôi làm nhà báo và trở thành chiến sĩ du kích từ lúc nào vậy?
Đào VănLật nghiêm nét mặt, càng nói càng tỏ vẻ trầm trọng:
- Vào dịp Tết năm 1930, tôi quyết định dâng hiến trọn đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng tổ quốc khỏi bàn tay bọn Pháp. Sau đó tôi bị bắt trong cuộc nổi dậy ở mạn bắc Trung kỳ và trải qua năm năm trong ngục tối nơi đảo Côn Lôn. Sự huấn nhục đó càng khiến tôi không thể nào để yên cho nước Pháp tiếp tục đô hộ dân tộc tôi. Sau khi được phóng thích, dù gian khổ tới mấy đi nữa, tôi tiếp tục cuộc chiến đấu.
Lật dừng lại, hít vào một hơi thật sâu để lấy lại điềm tĩnh:
- Chắc anh cũng biết, những năm tháng này thật cam go. Lúc mới bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, dù bọn Pháp đã dâng nộp Đông Dương cho bọn Nhật nhưng Tokyo vẫn cho phép bọn Pháp tiếp tục đàn áp những người đấu tranh cho quốc gia dân tộc. Chúng tàn sát sáu ngàn đồng bào chúng tôi trong các cuộc hành quân giết chóc ở Nam bộ và đốt cháy nhiều làng mạc ra tro than. Trong khi quí quốc và phần còn lại của thế giới bên ngoài lâm chiến với Nhật và Đức thì tại đây, các chủ nhân ông thực dân Pháp vẫn tiếp tục đối xử với chúng tôi theo cung cách họ từng đối xử suốt tám mươi năm qua. Thực tế, một cổ chúng tôi chịu tới hai tròng Pháp và Nhật. Đó là lý do tại sao Việt Minh được phục hoạt từ năm 1941, chỉ để thực hiện hữu hiệu lý tưởng đánh Nhật và đuổi Pháp.
Trong khi Lật nói, Joseph trông thấy người An Nam gầy gò thường đến thăm anh mỗi tối, lúc này từ một hang động đang nhô mình ra chỗ đất trống bên dưới tảng đá anh nằm. Ông đội chiếc mũ cối móp méo làm bằng ruột bần, mặc bộ quần áo dày bằng vải ka-ki nâu bạc màu, tay cầm gậy trúc. Joseph nhìn ông lần bước tới bên bờ một con suối nhỏ chảy ngang sào huyệt và bắt đầu cởi áo xăn quần.
Nhìn theo ánh mắt của Joseph, Lật nói:
- Sáng nào cụ cũng tắm trong nước suối lạnh như nước đá và tập thể dục mười phút trước khi ngồi vào bàn làm việc. Khí hậu và đời sống nơi rừng núi này rất khắc nghiệt. Bằng kỷ luật tự giác, cụ làm gương cho tất cả chúng tôi.
Ngay dưới chân tảng đá, lòng suối phình ra thành một chuỗi ao nhỏ. Dọc hai bên bờ suối, nhiều phiến đá tuyệt đẹp nổi lên chênh vênh và buông xuống những thạch nhủ lơ lửng trên mặt nước. Lật chỉ mấy phiến đá bằng phẳng nhất rồi nói:
- Đó, chỗ dưới đó là bàn viết của cụ. Cụ làm việc suốt ngày, lo tổ chức cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật và thực dân Pháp. Sáng nay, cụ đang viết bài cho tờ báo nhỏ của chúng tôi, tờ Việt Lập  - Việt Nam Độc lập.
Ngay lúc ấy người An Nam gầy gò nhướng mắt nhìn lên phía trên tảng đá và vẫy gậy trúc lên chào. Rồi với vẻ cường tráng đáng kinh ngạc, ông bước xuống lòng suối và khoát nước suối lạnh buốt lên cơ thể mảnh khảnh của mình, hết vốc này tới vốc khác.
- Ông ấy là ai vậy?
Lật sửng sốt, nhìn chằm chặp người Mỹ:
- Tôi tưởng anh biết rõ cụ. Cụ là lãnh tụ của chúng tôi. Trong nhiều năm trời cụ có danh xưng là Nguyễn Ái Quốc  - nhưng giờ đây cụ lấy tên mới, một bí danh thời chiến: Hồ Chí Minh. Tên ấy có nghĩa là “Người vô cùng sáng suốt, họ Hồ”.
- Anh biết ông ấy bao lâu rồi?
- Lần đầu tiên tôi gặp cụ là ở Hà Nội năm 1930. Dịp đó, cụ cải trang làm cu-li xe kéo để đánh lừa Sở Liêm Phóng Pháp  - và ngay cả tôi lúc đó cũng không biết chắc chắn cụ là ai. Cụ là người lỗi lạc. Thân phụ thi đỗ tiến sĩ và từng làm quan. Cụ từng đi khắp thế giới. Cụ nói được nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật, Tiệp  - và ba phương ngữ Trung Hoa. Cụ người cùng quê hương bản quán với tôi, tỉnh Nghệ An, Trung kỳ.
Lật ngừng lại một chút rồi mỉm cười kiêu hãnh:
- Có một ngạn ngữ rằng: “Dân xứ Nghệ lệ gì cũng chống!
- Và lúc này anh cũng là một thủ lãnh của Việt Minh, phải không anh Lật?
Vẻ mặt Lật lập tức nghiêm trang trở lại:
- Đại úy Sherman ạ, tôi hãnh diện khi nói rằng tôi là một trong những đồng chí gần gũi nhất của cụ Hồ. Đã có thời tôi khá điên rồ khi nghĩ rằng mình biết rành rẽ hơn cụ về phương cách lãnh đạo phong trào quần chúng. Đã có thời tôi cho rằng một người có ý chí sắt thép và có đầy đủ nghị lực, sẵn sàng dâng hiến trọn cả tâm hồn và thể xác cho chính nghĩa, trước sau gì anh ta cũng hoàn toàn đạt được kết quả như ý. Chính cụ đã cảnh cáo tôi rằng một thủ lãnh chính trị phải bén nhạy với tâm trạng và nhu cầu của quần chúng, nhưng thời đó tôi không đủ khôn ngoan để nghe theo lời cụ.
Ngừng một chút, Lật không nhìn Joseph, và quay mặt qua chỗ khác,:
- Hết thảy các biến cố xảy ra đã chứng minh rằng cụ đúng còn tôi sai. Tôi không bao giờ quên bài học đó. Và kể từ lúc ấy, tôi học thêm được nhiều bài khác nữa. Thông thường, khi chúng tôi đi ngang một làng mạc nghèo khổ, cụ dừng lại, bỏ ra nửa giờ tắm cho một em bé có bà mẹ quá bận bịu  - hoặc chất dùm một đống củi lớn cho kẻ bị đau lưng không thể cúi xuống. Cụ quan tâm hết sức sâu xa tới nhân dân  - đó là lý do ai trong chúng tôi đi theo cụ cũng gọi cụ là Cụ Hồ. Họ biết cụ chăm lo cho họ như thể họ chính là người trong gia đình của cụ.
Cảm thấy lòng hiếu kỳ càng lúc càng tăng, Joseph hỏi:
- Ông ấy bao nhiêu tuổi? Ban đầu tôi tưởng ông già lắm nhưng lúc này...
Lật nói với giọng cung kính:
- Không, cụ chưa già, cụ năm mươi tư tuổi. Nhưng mới đây những khổ sở cùng cực cụ vừa chịu trong các nhà tù bên Trung Hoa làm cụ già trước tuổi. Cụ vượt biên giới sang Tàu năm 1941 để đề nghị Tưởng Giới Thạch liên kết với Mặt Trận Việt Minh đánh bọn Nhật. Nhưng tên tổng tư lệnh xảo quyệt ấy tống cụ thẳng vô nhà ngục. Chúng lấy còng sắt xiềng cả hai chân cụ, tròng gông vô cổ cụ, giải cụ đi bộ hàng trăm cây số trên đất Trung Hoa. Chỉ nội một năm, cụ bị nhốt trong ba chục nhà tù khác nhau. Cụ lâm bệnh nặng tới nổi khắp người phù thủng và rụng nhiều răng. Ban đêm trong xà lim lạnh cóng, nhiều tù nhân nằm kế bên cụ bị chết. Rồi tới một ngày kinh hoàng nọ, chúng tôi nhận được tin cụ đã lìa đời. Chúng tôi tổ chức lễ tang tại Pắc Bó này và để tang cụ. ai nấy đều tê dại vì đau đớn.
Trong khi hồi tưởng, trên mặt Lật toát ra vẻ khổ sở. Anh nói tiếp:
- Rồi tới nhiều tháng sau đó chúng tôi nhận được một tờ báo xuất bản bên Tàu. Bên lề trang báo có một bài thơ viết tay. Đó chính là nét chữ của cụ. Xét theo ngày tháng phát hành tờ báo, chúng tôi có thể đề quyết rằng cụ còn sống. Hết thảy chúng tôi đều vui mừng không tả xiết. Đại úy Sherman ạ, để kỷ niệm ngày đó, chúng tôi học thuộc lòng bài thơ viết tay ấy. Anh có muốn tôi đọc bản tôi dịch sang tiếng Anh cho anh nghe không?
Joseph lơ đãng gật đầu, mắt vẫn dõi theo người An Nam gầy gò khi ông leo lên bờ suối. Lật đọc:

    MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
    Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
    Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
    Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
    Trông lại Trời Nam, nhớ bạn xưa
  [Nguyên văn phiên âm ra Việt Hán
    TÂN XUẤT NGỤC HOÏC ĐĂNG SƠN
    Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
    Giang tâm như kính tịnh vô trần
    Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh
    Dao vọng Nam Thiên ức cố nhân.]

Joseph ngước lên nhìn Lật. Anh thấy trong khi đọc bài thơ ấy mắt Lật mờ dần. Lật nói, giọng khản đặc vì xúc động:
- Biết được cụ vẫn “Trông lại Trời Nam, nhớ bạn xưa” là tin vui nhất mà chúng tôi hằng khao khát. Trong ngục tù, cụ còn sáng tác nhiều bài thơ nữa để tự giúp mình sống sót trong cuộc thách đố dài dằng dặc ấy  - bài nào cũng viết bằng chữ nho và làm theo lối cổ thi. Tôi đã dịch tất cả các bài thơ ấy ra tiếng Anh và tiếng Pháp.
Anh dừng lại và rút từ túi áo trên ngực ra một tập giấy có nhiều nếp nhăn:
- Đây là một bài thơ khác của cụ viết về những kinh hoàng trong cuộc tù đày dài ngày ấy...

    BỐN THÁNG RỒI
    “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”.
    Lời nói người xưa đâu có sai...
[Nguyên văn phiên âm ra Việt-Hán:
    TỨ CÁ NGUYỆT LIỄU
    “Nhất nhật tù, thiên thu tại ngoại”.
    Cổ nhân chi thoại bất sai ngoa...]

 Joseph nhắm mắt, thả người nằm xuống trong ánh nắng ấm áp. Ngoài tiếng Lật nhịp nhàng đọc thơ, âm thanh duy nhất là tiếng nước thác đang rơi rì rào và chảy tràn mặt đá như vỗ về mơn trớn. Dần dần, không khí tĩnh lặng u tịch của núi cao hiệp với tình trạng đuối người mệt lã do thân đau và cơn sốt gây nên, tất cả đem lại trong anh cảm giác bình an và thanh thản sâu lắng. 
Đột nhiên, những chuyến vào sinh ra tử và những cuộc oanh kích trong ba năm qua giờ đây dường như thuộc về một thế giới nào khác, rất xa xăm và quá đổi diệu vợi. Lòng Joseph càng lúc càng cảm thấy biết ơn sâu nặng những kẻ cứu thoát mình. Anh thấy rõ mình chừng như đang bị cuốn hút cách riêng vào người An Nam gầy gò và phúc hậu như một người cha, đang đứng ở khoảng đất trống dưới kia. Từ người ông toát ra sự ấm áp và mộc mạc, rõ ràng đang ràng buộc toán du kích quân Việt Minh ít ỏi này vào với ông bằng một sợi dây mạnh mẽ như một gia đình ruột thịt. 
Trong chốc lát, Joseph tưởng như thấy mơ hồ trong tâm trí anh cảm giác ân hận rằng mình đã không yêu thương người cha ruột nhiều hơn. Nhưng cảm giác ấy không đủ mạnh để làm xáo trộn những xúc động canh tân và hạnh phúc lúc này đang lan tỏa và tràn ngập châu thân anh. Anh trôi trong nắng ấm bềnh bồng vào một giấc ngủ yên bình và tươi mát.
Tới xế chiều, cùng với mặt trời đang xuống, Joseph bắt đầu ra khỏi giấc ngủ. Ban đầu anh tưởng mình nghe hàng loạt tiếng súng máy nổ ran trong một cơn mơ. Rồi cảm thấy Lật nhè nhẹ lay vai mình, Joseph nhận ra tiếng súng nổ chát chúa từng phát một. Và tiếng bắn trả hàng loạt của nhiều khẩu súng máy ấy là âm vang của một trận đánh thật sự từ một nơi gần đó vọng lại. Vẫy tay gọi mấy người lo việc khiêng cáng tới gần, Lật nói thật gấp với Joseph:
- Vòng đai bảo vệ bên ngoài đang đụng độ bọn lính tuần tiểu Pháp. Chúng tôi phải dời đi ngay.
Joseph ngó xuống thấy bãi đất trống sống động hẳn với các dân quân Việt Minh chạy lúp xúp. Ngay lúc ấy, thân hình đội mũ cối của Hồ Chí Minh nhô ra khỏi bàn đá chỗ ông ngồi làm việc. Ông truyền hết lệnh này tới lệnh khác bằng giọng dứt khoát và dỏng dạc. Rồi chỉ nội trong vài phút, toàn trại lên đường.
Joseph được cáng đi men theo một khe núi cao. Qua những ghềnh đá lởm chởm kế tiếp nhau rồi tới một bìa rừng âm u mọc đầy những lùm cây rậm rạp và đan nhau chằng chịt. Bên dưới vòm lá rừng sinh động đã dựng sẵn năm sáu túp lều trú ẩn làm bằng mây đan với lá gồi. Lập tức các du kích quân bố trí đâu vào đó và lại bắt tay ngay vào việc.
Xa xa, tiếng súng vang lên từng chặp trong khoảng nửa giờ rồi cuối cùng im bặt. Về sau, Lật kể cho Joseph biết có hai lính Pháp bị quân du kích giết trong cuộc chạm trán kịch liệt và khá dây dưa nhằm kéo dài thời gian cho căn cứ nơi hang động kịp thời sơ tán. Sau khi hoàn thành công tác chận địch, các du kích bảo vệ ấy lẫn vào núi đồi trùng điệp và chờ lúc đêm xuống mới kéo nhau về khu trại mới này.

Joseph trải qua đêm ấy nghỉ ngơi thoải mái trong một túp lều lá gồi. Hôm sau, anh thức giấc lúc trời vừa rạng sáng và thấy một đám du kích quân đông hơn số người hôm qua, đã tập họp sẵn trên bãi đất trống để chuẩn bị thao diễn theo đúng quân cách. Họ được trang bị bằng nhiều loại vũ khí cổ lổ. Một người An Nam khôi ngô và linh hoạt đang di chuyển lanh lẹ giữa các du kích quân, khi điều chỉnh tư thế cho người này khi sửa lại y phục cho người nọ. Người ấy mang bên hông một khẩu súng lục để yên trong bao. Chân đi giày quấn xà cạp trắng. Đầu đội mũ phớt đen. Mỗi lần lấy mũ xuống, để lộ một mái tóc đen nhánh chải không thành nếp và rủ lòa xoà xuống trán,
Lật ngồi xổm xuống bên cạnh Joseph, thấp giọng kể:
- Đó là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Anh tốt nghiệp trường võ bị Hoàng Phố và là chỉ huy trưởng quân sự của chúng tôi. Tuy anh ấy là cựu sinh viên luật Đại học Hà Nội, phải bỏ dỡ sau năm thứ hai, nhưng lại thích nghiên cứu các trận đánh lừng danh trong lịch sử thế giới. Anh có thể vẽ theo trí nhớ các kế hoạch hành quân tất cả những trận đánh của Napoléon. Anh căm thù Pháp cực độ vì chị dâu của anh bị Pháp xử tử và vợ anh chết trong nhà tù của Pháp.
Joseph quan sát lực lượng ít ỏi ấy. Trong khi họ xếp thành đội ngũ anh đếm được ba mươi bốn người, trong đó có ba người nữ. Một nửa nắm chặt những khẩu súng kíp cổ lổ còn hầu hết những người khác được trang bị bằng súng trường lỗi thời, loại bật cơ bẩm nạp từng viên đạn rồi bắn từng phát một. Có hai người đeo súng lục ngang thắt lưng. Chỉ có một người hãnh diện ôm chặt khẩu tiểu liên độc nhất vào ngực. Áo chẻn và quần ka-ki màu phân ngựa hay màu xanh đậm của họ đều sờn và bạc màu. Nhiều người là dân sơn cước thuộc sắc tộc Tày hoặc Nùng trong vùng và đi chân đất. Ai nấy đều khoác chéo qua thân trên một ruột tượng, có lẽ để chứa lương thực và vật dụng cá nhân khi đi rừng. Đằng sau họ, trong ánh nắng ban mai chói lọi, giập giờn trên đầu một chiếc cột là lá cờ đỏ chính giữa điểm ngôi sao vàng. Lật đưa tay chỉ và nói:
- Đó là ngọn cờ của chúng tôi  - lá cờ Việt Minh. Lá cờ này xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa của nhân dân Nam bộ cách đây bốn năm. Chúng tôi quyết định rằng đã tới thời điểm bắt đầu xây dựng quân đội để một ngày nào đó sẽ giải phóng toàn bộ xứ sở. Chúng tôi tập họp lại đây những chiến sĩ xuất sắc nhất từ các nhóm rải rác khắp vùng đồi núi Bắc kỳ. Đại úy Sherman ạ, hết thảy những người anh thấy đằng kia, tới một lúc nào đó họ sẽ là thủ lãnh các toán võ trang cứu quốc quân của chính họ  - họ đều là những chiến sĩ dũng cảm, những kẻ khẳng định mình bằng hành động.
Joseph ngọ ngoậy, co người ngồi lên và xem xét thật kỹ đám đông đang tập họp đó. Tuy tất cả ba mươi bốn du kích quân đều hãnh diện đứng thẳng người dưới tia mắt chằm chặp của vị chỉ huy trưởng nhỏ thó nhưng nếu bảo rằng đó là một lực lượng chiến đấu thì họ mong manh quá. 
Joseph cảm thấy kinh ngạc về tinh thần cực kỳ kiên quyết, rõ ràng đang làm sinh động đám người vừa ít ỏi vừa xộc xệïch này. Trong khi anh quan sát, hình dáng gầy gò của Hồ Chí Minh từ một lều cỏ bước ra. Joseph đoán ông xuất hiện để duyệt binh. Lúc này ông vẫn đội chiếc mũ cối móp méo làm bằng ruột bần, một tay vẫn cầm gậy trúc còn tay kia cầm ngọn cờ đỏ sao vàng có cán dài. Sau khi trịnh trọng trao ngọn cờ ấy cho một người đứng ở hàng đầu  -Đào VănLật nói với Joseph rằng đó là chính trị viên của đội  - ông nghiêm trang đi qua đi lại trước hàng quân. Kế đó, ông bước tới đứng cạnh cột cờ, bắt đầu nói chuyện với họ với giọng chậm rải và thân tình. Joseph lắng nghe lời dịch của Lật.
Hồ Chí Minh vừa nói vừa lần lượt nhìn chiếu cố vào mặt từng du kích quân:
- Ngay từ lúc mới bắt đầu, tất cả mọi người đều phải hành động kiên quyết và hành động lẹ làng. Chúng ta phải động viên hết thảy nhân dân cả nước, kêu gọi họ cùng nổi dậy với chúng ta  - vì thế, chúng ta phải tập trung tâm trí, chú ý tối đa và ưu tiên cho các hoạt động chính trị tuyên truyền hơn là các chiến dịch quân sự. Nhưng hễ đã tấn công kẻ thù thì phải đảm bảo rằng ta ra tay cú đầu là thắng ngay! Xuất hiện bất ngờ  - rồi biến đi nhanh như chớp, không để lại dấu vết nào cả!
Ông ngừng lại một chút. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, một nụ cười rạng rỡ toả sáng khắp bộ mặt hốc hác của ông:
- Hôm nay là ngày 22 tháng Mười hai năm 1944. Tất cả các chú các cô trong đơn vị này là những thành phần lâu năm của một gia đình mà càng ngày sẽ càng lớn mạnh. Tới một ngày nào đó chiến trường hành quân của nó sẽ là cả nước Việt nam  - từ phương bắc xa xôi xuống sâu tới tận phương nam bao la. Các chú các cô phải bảo đảm rằng tác phong phục vụ của mỗi người sẽ là gương mẫu cho hết thảy những người đi theo mình!
Nói xong những lời ấy, ông đứng yên bên cột cờ tiếp nhận “Mười lời thề danh dự” của toàn đội do chính trị viên tuyên đọc. Các du kích quân quì xuống. Sau mỗi lời thề, họ đưa nắm tay quả quyết lên trời, đồng thanh lớn tiếng hô thề hứa. Kế đó, không thêm một nghi thức nào, Võ Nguyên Giáp, kẻ tổ chức và lãnh đạo toán quân ấy, nhanh nhẹn dẫn đầu họ đi đều bước theo lá cờ trên tay chính trị viên, ra khỏi bãi đất trống. Người mà họ gọi là “Cụ Hồ” đứng chăm chú nhìn theo bước chân của họ. Họ vừa biến mất trong rừng rậm, Hồ Chí Minh thả bộ tới bên lều của Joseph, mỉm cười với anh rồi ngồi lên một gốc cây cụt cạnh cửa. Nâng ca sắt cùng uống chung nước dừa với người Mỹ và Lật, ông lên tiếng trước:
- Đại úy ạ, hôm nay anh được ưu tiên lớn lao, đó là chứng kiến sự ra đời của “Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân” đấy.
Ông dừng lại, nở một nụ cười hóm hỉnh và nói tiếp:
- Cái tên to tát cho một lực lượng cỏn con, có lẽ vậy  - nhưng chúng tôi có cao vọng rằng phát xuất từ những khiêm tốn này nó sẽ lớn mạnh rất nhanh. Lúc này chiến lược của chúng tôi là làm công tác tuyên truyền khắp nơi và đoạt lấy vũ khí tốt hơn của bọn Pháp và bọn Nhật. Anh thấy đó, chúng tôi cần vũ khí, cần ghê gớm.
Hồ Chí Minh trầm ngâm nhắp từng hớp nước dừa. Trong một lúc, ông không nhìn Joseph:
- Chúng tôi đã tranh thủ được các dân tộc miền núi. Người Nùng và người Tày thuộc trong số những chiến sĩ giỏi nhất của chúng tôi. Việt Minh hứa cho họ tự trị khi đất nước được giải phóng và vì thế họ lũ lượt kéo tới tham gia đại nghĩa.
Nói tới đó ông ngước mắt nhìn Joseph và mỉm cười:
- Đại úy Sherman ạ, họ giữ đúng lời hứa của họ và anh thật may mắn. Chính người Nùng đã cứu mạng anh.
Joseph nở nụ cười ấm áp với vị cao niên hơn mình:
- Tôi hết lòng biết ơn sự giúp đỡ của ông. Tôi hy vọng có một lúc nào đó và bằng cách thức nào đó tôi có thể đền đáp.
Hồ Chí Minh nghiêng mình về phía chiếc cáng, dịu dàng vỗ vai Joseph:
- Đại úy không cần phải nghĩ tới việc đền đáp chúng tôi. Việc giúp được một người Mỹ trở lại cuộc chiến đấu với bọn Nhật tự nó là phần thưởng đầy đủ cho chúng tôi rồi.
Và thêm lần nữa ông nở nụ cười rạng rỡ:
- Chẳng mấy chốc nữa chúng tôi sẽ đưa anh về lại đơn vị. Đồng chí Lật đã cho tôi biết hai người là bạn cũ. Và đồng chí ấy nghĩ rằng anh đã khá mạnh để có thể bắt đầu chuyến đi sang đất Tàu ngay sáng nay. Tôi muốn đi bộ với đại úy tới biên giới, để được nói lời tạm biệt anh bằng câu chúc “lên đường bình an”, có phiền anh không?
Joseph lúc lắc đầu, cười hớn hở:
- Không  - nhưng hầu như tôi luyến tiếc phải rời khỏi nơi này. Tôi bắt đầu thích sự bình an và tĩnh lặng tại chốn mật khu rừng núi của ông.
- Thế thì đại úy cứ trở lại đây thêm lần nữa  - nhưng lần tới mình mẩy đừng có đau nhức nữa.
Hồ Chí Minh vừa nói vừa cười khúc khích và đứng lên:
- Tôi phải đích thân đi kiểm tra những thứ tiếp liệu đang được chuẩn bị, để bảo đảm anh có đủ lương thực đi đường.
Vị lãnh tụ Việt Minh đi sát bên chiếc cáng của Joseph, leo trèo suốt quãng đường dài dẫn tới điểm vượt biên. Đích thân đeo túi xách đựng lương khô cho Joseph, ông còn tiếp tay với Lật cùng những người khiêng cáng khác đang đổ mồ hôi nhễ nhại những lúc họ vấp váp hoặc trượt chân khi băng qua hẽm núi đá lởm chởm. 
Lúc nào Hồ Chí Minh cũng gợi chuyện để làm Joseph quên cơn đau xóc mỗi lần chiếc cáng nảy lên dằn xuống. Ông nói về những kinh nghiệm của mình tại Mỹ, về lịch sử của đất nước ông và của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông hỏi han Joseph về gia đình anh, chăm chú lắng nghe khi anh, qua hai hàm răng cắn chặt nhịn đau, nói tới nghề nghiệp chính trị của cha mình và về công trình nghiên cứu lịch sử Á Đông của mình.
Khi đoàn người tới điểm vượt biên trên đỉnh một ngọn núi và dừng lại trong hơi thở hổn hển, Hồ Chí Minh nhìn sang đất Trung Hoa. Ông phát biểu với giọng đầy vẻ thán phục:
- Đại úy ạ, đối với tôi, nghe như thể anh biết cặn kẽ hơn tất cả chúng tôi đây về mảnh đất này của thế giới. Anh cũng biết rất rõ rằng chúng tôi đã chịu biết bao nhiêu thất bại trong cuộc đấu tranh giành tự do. Thật đáng tiếc anh không thể ở lại đây lâu hơn đặng phụ tôi giảng dạy lịch sử cho các thành viên mới tuyển mộ của Việt Minh.
- Có lẽ phải chờ tới lúc xong cuộc thế chiến này.
Joseph mỉm cười đáp lại trong lúc những người vừa khiêng cáng lên núi chuyền nó cho sáu du kích quân võ trang khác đang chờ sẵn để mang anh xuống thung lũng đi sang đất Tàu. Khi Đào VănLật chìa tay chào từ giã, Joseph bắt bằng cả hai bàn tay của mình và niềm nở cám ơn. Lật nói đầm ấm:
- Đại úy Sherman ạ, tôi hy vọng tới ngày giải phóng chúng mình lại gặp nhau nữa.
Vẫn ấp bàn tay người An Nam trong tay mình Joseph ngập ngừng hỏi:
- Anh Lật ạ, thuở đó, lúc chúng ta gặp nhau, anh cùng đi với quan sứ thần ở Sài Gòn, anh còn nhớ không?
Lật gật đầu:
- Làm sao quên được. Ông ấy là anh rể của tôi.
Joseph cố giữ cho giọng mình như thể buột miệng mà nói:
- Anh có biết hiện nay Monsieur Trần VănHiếu và gia đình ông ấy ra sao không? Trong lần ghé lại trước đây, tôi có gặp hai con trai của ông ấy và Lan, cô con út.
- Trần VănKim hiện là thành viên xuất sắc của Việt Minh. Cậu ấy đang hoạt động chìm ở Phúc Yên, phía nam nơi này.
Joseph gợi thêm:
- Còn Tâm và Lan, cả hai ra sao?
Lật nhún vai, mắt nhìn xuống đất, bối rối:
- Đại úy ạ, tôi e mình chẳng biết gì về hai anh em ấy. Đã nhiều năm nay tôi không liên lạc gì với chị tôi và các cháu  - cả đồng chí Kim cũng thế. Thời gian này thật khó khăn cho tất cả chúng tôi.
Joseph lẹ làng gật đầu:
- Hiển nhiên là vậy, tôi biết.
Tới lượt Hồ Chí Minh cầm tay Joseph và nói:
- Đại úy ạ, khi anh đã an toàn về tới Côn Minh, xin vui lòng trình bày với các sĩ quan cao cấp rằng Hoa Kỳ đang có tại vùng rừng núi Bắc kỳ những đồng minh sẵn sàng tiếp tay với mình. Việt Minh rất hân hạnh sát cánh với người Mỹ để đánh bọn Nhật. Bằng việc phá hoại các đường tiếp liệu và các kho vũ khí, ta sẽ đạt được rất nhiều kết quả tốt.
Joseph vừa siết chặt bàn tay người An Nam vừa hứa:
- Tôi sẽ trình lên cấp trên. Họ sẽ biết ơn những gì ông đã làm cho tôi.
Trên khuôn mặt của Hồ Chí Minh toả sáng một nụ cười trìu mến và chân tình:
- Chúng tôi giúp bất cứ phi công nào lỡ bị bắn hạ trong vùng rừng núi này và quí vị có thể trông cậy vào chúng tôi. Anh là vị khách Mỹ đầu tiên nên anh luôn luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng chúng tôi. Tại Côn Minh, nếu người của Nước Pháp Tự Do hoặc của Tưởng Giới Thạch vẫn cứ tiếp tục ngoan cố qui kết chúng tôi là cộng sản bôn-sê-vich, xin anh chớ bao giờ tin vào lời của họ. Xin anh vui lòng nói với họ rằng Việt Minh là một liên minh của những người yêu nước, lập ra cách đây tám năm, từng được Trung Hoa Quốc Dân Đảng công nhận. Và Việt Nam của chúng tôi hôm nay cũng y hệt Hoa Kỳ của quí vị năm 1775 vậy. Đối với dân tộc chúng tôi, không có gì quí hơn độc lập tự do. Và chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của tất cả những ai muốn chiến đấu cho độc lập và tự do của dân tộc.
Joseph hỏi, và nhìn thẳng vào mắt người An Nam ấy:
- Ông có bao giờ là người cộng sản?
Hồ Chí Minh cười thật tươi:
- Đại úy ạ, nếu có người nào thắc mắc về hoạt động chính trị của tôi, xin anh cứ giản dị nói với người ấy như thế này: “Đảng phái của ông ta là đất nước của ông ta, chương trình của ông ta là nền độc lập.” Dù có xảy tới điều gì đi nữa, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu cho nền độc lập  - và nếu cần, con cháu chúng tôi sẽ kế tục chúng tôi chiến đấu. Chúc anh “lên đường bình an”.
Trong khi các du kích quân trầm trầy trầm trật khiêng chiếc cáng của Joseph xuống núi, vấp chân trên những lối mòn đá lởm chởm và chênh vênh dẫn sang đất Tàu, Joseph nhắm nghiền mắt, nghiến chặt răng nhịn đau. 
Đoàn người khẩn trương đi tới chỗ kín đáo trong rừng nơi mé dưới sườn núi. Thỉnh thoảng Joseph không nín được, phải thét lên đau đớn. Khi họ xuống tới vùng cây cối rậm rạp, Joseph ngoái đầu nhìn lui. Anh bắt gặp hình dáng lờ mờ sau cùng của người An Nam đang đứng nghiêng bóng trên bầu trời xanh ban mai đầy ánh nắng chói lọi. Joseph đưa tay lên vẫy. Ở đỉnh núi trên cao, hình dáng gầy gò ấy cũng đưa chiếc mũ cối và nâng cây gậy trúc lên quá đầu mình làm thành một cử chỉ giã biệt nhau lần cuối.

<< - 5 - | - 7 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 926

Return to top