Chiếc Dakota sơn trắng của Hội Chữ Thập Đỏ chở Joseph thêm lần nữa vào lòng chảo Điện Biên Phủ bay thấp và lướt thật nhanh qua một kẽ núi rồi chao cánh quành rất lẹ để tránh bay ngang khu vực Việt Minh đã đột kích, lấn chiếm sâu vào bên trong vành đai phòng thủ.
Qua khung cửa sổ bên hông máy bay, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt Joseph là vô số giao thông hào dài như bất tận được đào vội vã trên khắp các sườn đồi, tựa những đường vành khăn chi chít khi quân cộng sản kiên quyết lấn sâu xuống tập đoàn cứ điểm. Tại một số vị trí, anh thấy bộ đội Việt Minh đang tiến tới cách bộ chỉ huy trung tâm chưa đầy một cây số rưỡi. Ngay bên trong vành đai phòng thủ trước đây, máy bay và xe tải cháy rụi, vỡ nát, và những ụ đại bác tan tành là chứng tích bi thảm cho con số thiệt hại lớn lao do những trận pháo kích hàng ngày của đối phương gây ra cho quân cụ và vũ khí của Pháp.
Mang theo máu và huyết tương để giúp di tản những thương binh lúc này bệnh viện dã chiến không còn chỗ chứa, người y tá Pháp có bộ mặt khắc khổ nói:
- Hai cụm cứ điểm phía bắc - Him Lam và Đồi Độc Lập - bị tràn ngập trong mấy giờ đầu tiên địch tấn công. Kể từ lúc đó trở đi, trong suốt mười bốn đêm liền, bộ đội cộng sản liên tục bắn tan nát tập đoàn cứ điểm.
Nghiêng sát người hơn về phía Joseph anh ta đưa tay chỉ một điểm ngay chính giữa căn cứ Điện Biên Phủ, nơi có hàng đoàn binh lính và xe cơ giới lũ lượt vào ra:
- Bệnh viện dã chiến ở chỗ đó. Nó được lập ngầm dưới đất với chỉ bốn chục giường bệnh vì các tay tổ đã khôn ngoan nghĩ ra rằng có thể chở hết thảy thương binh về Hà Nội bằng máy bay. Lúc này pháo của quân cộng sản khoá chặt phi đạo, chỉ chừa mỗi ngày một hai giờ. Hàng trăm thương binh nằm la liệt dưới các giao thông hào dẫn tới bệnh viện. Ban đêm, trời mưa làm hào ngập nước khiến dưới đó, bệnh hoại thư loang nhanh như muối tan trong nước.
Giọng người y tá phẩn uất tới độ chua chát và Joseph chẳng biết phải đối đáp thế nào. Dù tướng tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp từng thừa nhận ở Hà Nội rằng trận chiến Điện Biên Phủ diễn tiến không thuận lợi nhưng cảnh tan hoang trước mắt so với lần ghé lại trước đây làm anh choáng váng mặt mày.
Trong ánh sáng sớm mai Joseph có thể thấy cơn mưa bão suốt đêm qua để lại trên mặt đất một lớp bùn phủ dày, sền sệt, tạp nhạp xám xịt. Khắp thung lũng vứt lung tung những chiếc dù lụa trắng bê bết bùn. Rõ ràng các kiện lương thực và đạn dược được thả từ trên cao lúc này rơi vào vùng đất của đối phương ở bên ngoài chu vi phòng thủ đang càng lúc càng co rút.
Và Joseph tự hỏi không biết Paul xoay xở ra sao trong suốt hai tuần lễ lúc nào cũng đầy bùn sình và hỗn độn như thế này. Trong nửa tháng vừa qua, suốt ngày suốt đêm, chất ngất những cuộc chạm trán ác liệt. Tại Hà Nội, Joseph dự những cuộc họp báo và được biết rằng đã có mấy sĩ quan trong ban tham mưu của đại tá De Castries bị tử thương hoặc ngả quị vì quá căng thẳng.
Khi máy bay quay mũi hướng về phi đạo nát bấy, những khắc khoải Joseph vừa cố xua đuổi suốt chuyến bay dài dằng dặc từ Hà Nội lên đây lại thêm lần nữa tràn ngập tâm trí. Trong lúc tình hình quân sự suy sụp nhanh chóng với lợi thế nghiêng hẳn về phía Việt Minh, nỗi khao khát đưa Lan và Tuyết âm thầm đi thật nhanh tới một nơi an toàn nào đó tại á đông trở thành cơn ám ảnh đè nặng tâm trí anh suốt ngày suốt đêm. Anh vừa ngủ không yên giấc vừa mất nhiều thời giờ hơn mức cần thiết để săn lùng các bản báo cáo tình hình chiến sự và đuổi theo các manh mối quân sự tại Hà Nội nhằm thu thập tin tức. Cứ mỗi lần thêm một chiến công của Việt Minh được xác nhận, lòng Joseph lại thêm nôn nóng, cảm thấy chẳng còn được bao nhiêu ngày giờ. Cứ mỗi lần thấy thêm một cứ điểm tại Điện Biên Phủ bị sụp đổ nhanh chóng, lòng Joseph lại thêm tê điếng với nỗi sợ hãi mình sẽ mất hết mọi sự nếu không hành động kịp thời.
Những dấu hiệu tan nát của tập đoàn cứ điểm hiện ra bên dưới thân máy bay càng lúc càng rõ dần. Cùng với chúng là một sự liên tưởng kỳ quái nào đó khiến Joseph nhức nhối hơn bao giờ hết vì thấy mình đang phản bội Paul một cách tồi bại. Sống trong căn hầm chật hẹp hôi hám và phấn đấu can trường với những chênh lệch về hỏa lực cũng như về quân số, người sĩ quan Pháp ấy không nghi ngờ chút nào mối liên hệ dối trá và lâu dài giữa Joseph với vợ mình, cũng như không hay biết chút nào sự có mặt của Tuyết.
Nghĩ tới việc tự thú những năm dài cố tình lừa dối bạn dù trong thời gian làm như thế lòng mình cũng đau đớn không ít, Joseph cảm thấy hãi hùng chới với. Khi chứng kiến những giao thông hào lở lói và những hàng rào kẽm gai xiêu vẹo bên dưới thân máy bay, anh chợt nhận ra trong tâm trí mình đang có phần như thể trông mong sẽ tìm thấy Paul tử trận từ bao giờ. Dù biết rằng ý nghĩ ấy rất đê tiện song Joseph vẫn cảm thấy mình đang tự hỏi lòng biết đâu có thể đó là một trò ma mãnh và tử tế nhất của định mệnh vốn đầy bất trắc.
Đã mất sạch ảo giác về tương lai của Việt Nam và về nỗ lực của bản thân nhằm sửa chữa những sai lầm của một thời quá khứ, làm sao Paul chịu đựng nổi sự thảm bại tới ba lần. Đó là cuộc thất trận Điện Biên Phủ kèm với cái tin bất hạnh rằng suốt bao năm trời nay, vợ mình phản bội, yêu thương chính người đàn ông lúc nào mình cũng tin tưởng và đối đãi như một bằng hữu trung thành và thẳng thắn. Toàn bộ sự thật ấy, đối với Paul, chắc chắn sẽ là một đòn trí mạng tối hậu. Joseph suy nghĩ một cách cùng quẫn và bỗng dưng trong lòng anh le lói một niềm hy vọng hoang dại. Vì biết đâu, nó sẽ không là một đòn như thế?
Biết đâu mối dây bằng hữu từng được Paul và anh chia xẻ gần ba chục năm nay lại bền chặt hơn nhờ sự thú tội thẳng thắn của anh. Biết đâu Paul sẽ càng thêm nể trọng anh vì lòng anh chân thật? Nói cho cùng, cuộc tình không may và lâu dài ấy là một thực tế, nằm ngoài tầm chủ động hoặc né tránh của cả ba. Dù người trong cuộc phủ nhận hoặc khước bác, biện minh hoặc qui trách, trước một thực tế bao giờ cũng đòi hỏi phải có giải pháp thích đáng. Joseph tự thấy lỗi lầm quan trọng nhất của mình là ngay từ đầu, không tìm dịp nói thật với Paul. Thuở đó, anh đã suy nghĩ quá giản dị. Anh chỉ biết anh yêu Lan và Lan yêu anh, thế thôi. Anh đã tin rằng sau những ngày ở Huế, chỉ cần vài tuần lễ cầu hôn và kết hôn, anh sẽ được cha mẹ của Lan hoan hỉ chấp thuận cho đem nàng sang Mỹ ngay. Anh đã lồng giấc mộng tình yêu vào tâm thức giấc mộng Hoa Kỳ trong hoàn cảnh có những quan hệ Pháp Việt phức tạp và tế nhị.
Thế rồi mọi sự vượt ngoài tầm tay, hụt hẩng như một giấc mộng ban ngày. Sau thế chiến, anh đối diện với thực tế rằng Lan đã có con với anh trước ngày thành hôn với Paul theo lệnh cha. Hôn phối của hai người chưa bao giờ có chất kết dính là tình yêu. Chính Paul là kẻ đã thừa nhận rằng cuộc hôn nhân ấy thất bại từ lâu. Và như thế, chuyện gì phải tới thì sẽ tới. Cởi bỏ được gánh nặng một tương lai vô vọng với Lan, biết đâu Paul có thể nhìn cuộc chiến này và vai trò của chính mình trong đó với một viễn ảnh sáng sủa hơn? Lúc ấy, Paul sẽ nhận ra rằng rốt cuộc phải dứt khoát rứt bản thân khỏi nước Việt Nam nơi lúc này đã trở thành một nguyên cớ thất bại và vô vọng. Từ đó, Paul sẽ nhìn về nước Pháp tìm kiếm cho mình một tương lai...
Tiếng pháo kích của súng cối thình lình vang lên dàn chào chiếc Dakota đáp xuống phi đạo dội vào tâm tư rối bời của Joseph. Anh níu chặt hai bên thành ghế khi bánh máy bay chạm mặt đất đầy ổ gà. Nó thắng thật gấp, đứng chửng lại. Trong lúc thương binh Pháp được hối hả cáng lên máy bay trong tiếng người rên rỉ và tiếng đạn pháo nổ chát chúa, Joseph luồn mình dưới bụng máy bay. Khi cửa máy bay đóng sập lại, Joseph nhảy lên một chiếc xe được tạm dùng làm xe cứu thương đang quay đầu trở về trung tâm chỉ huy, và bảo tài xế thả anh xuống hầm tham mưu trưởng.
Joseph tới Điện Biên Phủ lần này không báo trước. Khi anh đập tay lên cây cột một bên cửa hầm rồi vén tấm vải bạt che cửa và thò đầu vào, Paul đang ngồi trước mặt bàn ngổn ngang giấy tờ, ngước mắt lên, sửng sốt. Viên trung tá Pháp đứng bật dậy, chụp lấy bàn tay đang đưa ra của Joseph:
- Chúa ơi, tôi không tin nổi! Mắt tôi chắc đang quáng gà! Trở lại chỗ này vào lúc này, anh hoặc là người rất can đảm hoặc là một gã điên khùng ngoài sức tưởng tượng!
- Tờ Gazette quyết định họ cần có một bài phóng sự tại chỗ, nhìn từ dưới nhìn lên, ngay bên trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Tôi lẹ làng chụp lấy cơ hội đó để tới đây uống thêm chút rượu cô-nhắc của anh.
Joseph vừa nói vừa toét miệng cười nhưng trong bụng ngỡ ngàng vì diện mạo của Paul. Trên đầu, phần lộ ra bên dưới mũ sắt, vòng băng quấn quanh đầu bạc thếch, loang lổ và cáu bẩn. Mắt Paul đỏ ngàu, mặt xanh mét mệt mỏi. Cử động của Paul cứng nhắc, chậm chạp cho thấy rõ anh vừa trải qua hai tuần lễ căng thẳng quá sức. Paul đưa cho Joseph một cái mũ sắt và chỉ vào chiếc ghế:
- Anh tạm ngồi nghỉ mệt. Khi nào đi quanh nhớ đội thứ này lên. Lúc này trong lòng chảo, trâu cũng phải đội mũ sắt.
Nói xong, Paul cũng thả mình ngồi xuống với nụ cười mệt mỏi. Từ bên ngoài bỗng vang lên tiếng cắc bụp của các loại vũ khí nhẹ, nghe càng lúc càng rõ hơn, xen lẫn với tiếng các loạt đạn pháo nổ uỳnh uỵch. Joseph hỏi thăm dò:
- Tình hình coi bộ tệ hơn lần tôi ghé lại vừa rồi. Anh coi bộ cũng kiệt sức rồi đó Paul.
Người sĩ quan Pháp nhún vai:
- Có rán sức cãi lại anh cũng chẳng nói được nhiều, anh bạn ạ. Tình thế quyết liệt. Từ lúc mất Him Lam và Đồi Độc Lập, chúng tôi biết tại Điện Biên Phủ mình sẽ chẳng có chiến thắng thần kỳ nào. Đêm nào đối phương cũng rót trọng pháo xuống đầu chúng tôi, rồi tiếp liền đó là những cuộc tấn công "biển người", đông như kiến. Pháo binh của chúng tôi rõ ràng đã bị quất sụm. Việc phi trường Mường Thanh bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian. Tới lúc đó, quân địch tha hồ muốn xử chúng tôi ra sao thì xử!
Paul ngừng nói, chỉ một ngón tay vào Joseph cảnh cáo:
- Tôi khuyên anh chớ ở lại đây lâu quá. Sẽ chẳng còn mấy chuyến phi cơ bay thoát được ra ngoài.
Joseph lắc đầu thất kinh:
- Đại tá De Castries tính đối phó ra sao?
Paul trả lời, mắt bối rối:
- Tôi e rằng đại tá De Castries xử lý mọi sự không được tốt lắm. Từ lúc bắt đầu bị tấn công, ông ấy hầu như chẳng ra khỏi hầm. Ông cũng không chủ toạ phiên họp các chỉ huy trưởng hằng ngày. Đại tá Pierre Langlais, sĩ quan dù người Bretagne, mới thật sự nắm việc chỉ huy. Chính ông ấy vạch kế hoạch phản công lên các cứ điểm C2, 505, 311 và Nà Ngọng, những đồi gần trung tâm chỉ huy nhất.
Ngừng nói, Paul chỉ tay lên tấm bản đồ treo nơi vách đằng sau anh trên đó chu vi co cụm được khoanh lại hằng ngày bằng mực đỏ:
- Nhưng như anh thấy đấy, đối phương đang dồn chúng tôi ngày càng thu hẹp khu vực nhỏ nhoi của mình. Hễ chúng tôi cắm lại được cờ Pháp lên ngọn đồi này, lập tức Việt Minh cắm cờ của chúng lên ngọn đồi khác.
- Anh mất bao nhiêu người rồi?
Mặt Paul tối sầm:
- Có thể nói một ngàn người tử trận, người bị thương thì gấp đôi. Chúng tôi ước lượng quân địch bị giết nhiều tới gấp năm lần con số đó nhưng tướng Giáp nướng quân một cách có tính toán và hắn có quân số bổ sung vô hạn định. Vì gần như không còn dùng được phi đạo nên chúng tôi chỉ có thể điền khuyết số thương vong bằng lính dù nhảy thẳng xuống. Hầu hết lính người An-giê-ri và lính sắc tộc Thái đã đào ngũ và đang núp thật kỹ trong các hang hốc hai bên bờ sông. Chỉ có lính dù của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam là bám trụ chiến đấu.
Paul so vai rồi rụt người xuống sâu hơn trong lòng ghế. Bên ngoài, tiếng động của một cuộc tấn công mới trên ngọn đồi gần bộ chỉ huy nghe càng lúc càng rõ dần nhưng Paul không thèm để ý tới sự việc đó. Anh nói:
- Joseph ạ, nếu tôi là anh, hễ có chiếc máy bay nào sắp đáp được xuống tôi dông liền. Để tôi gọi sĩ quan phụ tá lấy xe díp chở anh đi một vòng thật lẹ cho có cái để viết. Xong anh về Hà Nội ngay. Lẹ chừng nào tốt chừng nấy.
Nhấc máy truyền tin, Paul gọi xe rồi cười mệt mỏi với người Mỹ:
- Mọi sự có thể rất tệ hại nhưng chẳng có lý do gì để một người bạn tốt bị kẹt lại đây như chuột mắc bẩy.
Joseph ngồi im lặng tần ngần vài giây. Anh lắng nghe tiếng ầm ì của trận đánh đang diễn ra ác liệt bên ngoài và hít một hơi thật dài:
- Cám ơn Paul. Tôi rất cảm kích lòng sốt sắng giúp đỡ của anh. Nhưng tôi không chịu đựng nổi khi nghĩ anh phải ở lại đây, dưới cái hang hoả ngục này.
Người Pháp nhún vai không nói, tay lơ đãng lật lật xấp hồ sơ trên bàn rồi mắt ngước nhìn Joseph:
- Ông bạn ạ, trên thế giới bên ngoài mọi sự ra sao? Kể từ chuyến anh tới đây vừa rồi, có chuyện gì xảy ra cho anh không?
Joseph lưỡng lự và cảm thấy hoảng hồn, tự hỏi chẳng biết Lan có viết thư cho Paul kể chuyện gặp anh ở Đà Lạt hay không:
- Hầu hết thời gian của tôi chia đều, khi ở Sài Gòn khi ở Hà Nội. Tôi cố theo dõi tình hình chiến sự u u minh minh của đôi bên nhưng không thu lượm được mấy kết quả. Tôi rán tranh thủ nghỉ vài ngày ở Đà Lạt, nơi khách sạn Palace Lang-Biang. Lúc này, trên đó mọi sự đã thay đổi, nhưng khung cảnh vẫn đẹp tuyệt vời.
Paul lại bâng quơ xốc xốc chồng hồ sơ:
- Tôi nghĩ lúc này Lan cũng đang ở Đà Lạt. Anh có gặp cô ấy đôi chút không?
Joseph thấy khó giữ cho giọng mình tự nhiên:
- Có. Khi nghe nói Lan có mặt trên đó, tôi ghé lại thăm để kể chuyện tôi có gặp anh. Tôi nói với cô ấy rằng dù tình trạng ở đây khó khăn, anh vẫn mạnh khoẻ.
Paul gật đầu, không nhìn lên:
- Vậy cô ấy ra sao rồi?
Joseph do dự, cảm thấy tim mình đập nhanh hơn:
- Paul ạ, lúc nào cũng đáng yêu. Và có vẻ rất quan tâm tới anh.
Paul nhướng nhướng mắt nhìn Joseph nhưng ngay lúc đó, có người vén tấm bạt che cửa và viên sĩ quan phụ tá đi vào. Paul nghểnh đầu, có ý lắng nghe tiếng súng trong khi khắp thung lũng đang yên lặng trở lại. Anh nói giọng nhanh nhảu:
- Tốt nhất là anh đi xem một vòng lúc mặt trận còn tạm lắng. Khi anh về lại đây, mình sẽ uống rượu.
Cảm thấy nhẹ nhỏm hẳn, Joseph theo sĩ quan phụ tá đi ra. Anh trèo lên bờ hào và leo vào xe díp, ngồi xuống kế bên ghế tài xế. Suốt một giờ tiếp đó, khi xe chạy quanh các vị trí phòng ngự còn lại, anh vui mừng vì phải tập trung tâm trí vào lời dẫn giải của viên sĩ quan trẻ. Khi Joseph về lại hầm tham mưu trưởng, Paul đã khui sẵn một chai cô-nhắc mới, đưa chai lên rót thật đầy hai ca thiếc. Paul đẩy một ca tới trước mặt người Mỹ, cười cam chịu và nói với giọng đượm vẻ mai mỉa:
- Nào Joseph, anh có cảm tưởng ra sao về căn cứ Điện Biên Phủ oai hùng của chúng tôi? Anh thấy đã xảy ra vài biến đổi kể từ chuyến tham quan vừa rồi của anh, phải không?
Joseph buồn bã gật đầu:
- Tình trạng đúng y những gì anh nói trước khi tôi đi ra ngoài. Trông nó chẳng còn chút hứa hẹn nào.
Paul thêm lần nữa mệt mỏi, ưởn người trên ghế:
- Vậy ông bạn ạ, ta hãy uống cho những thời kỳ tốt đẹp hơn trong tương lai. Như thế tốt hơn cứ mải miết chúi đầu vào hiện tại. Có một chuyến máy bay tải thương đang trên đường tới đây. Sĩ quan phụ tá của tôi sẽ chở anh ra gặp nó; hôm nay không còn chuyến nào khác nữa.
Joseph gật đầu cám ơn. Cả hai cùng uống rượu và cùng im lặng nhìn nhau. Paul nâng ca rượu lên, chăm chú nhìn Joseph qua mép ca:
- Anh bạn Joseph của tôi, tôi không khỏi không cảm thấy rằng ngoài cái cơ sự tan nát này ra còn có một cái gì đó đang làm anh bứt rứt. Trước đây mình luôn luôn cởi mở với nhau nhưng sao lúc này anh dường như biến thành một con người khác. Không một lần nào nhìn thẳng vào mắt tôi, anh có thái độ lén lén lút lút.
Joseph nói thật lẹ:
- Chỉ vì trận giặc khốn kiếp này thôi Paul ạ. Có thể phóng viên chiến trường tuy không đánh đấm chút nào nhưng cũng khổ sở mệt mỏi vì chiến cuộc.
- Anh có chắc hoàn toàn như vậy không?
Joseph tránh cặp mắt của Paul:
- Chắc, tôi chắc chắn.
Paul tiếp tục nhìn chằm chặp Joseph. Dưới tia mắt ấy, Joseph cảm thấy mình cấn cái nhấp nhổm. Rồi anh nghe tiếng của Paul, giọng rất điềm đạm:
- Ông bạn ạ, có thể cuộc sống trong cái hang thỏ lúc nhúc này làm lệch lạc khả năng đánh hơi của tôi nhưng theo con mắt của tôi, trông anh vờ vịt hơn bao giờ hết khi tôi hỏi anh về Lan. Có thể cô ấy đang làm điều gì đó tôi không được biết? Phải chăng cô ấy đang ngoại tình với ai đó?
Joseph vẫn đứng bên mép bàn, nhìn xuống Paul đang ngồi. Câu hỏi nửa đùa nửa thật ấy quất vào mặt anh như một lằn roi, và anh quay nhìn chỗ khác. Anh hối hả lục lọi tâm trí, tìm cho ra một lý do nào đó để nói lãng. Nhưng rồi nhận ra mình đang không trung thực với các cảm xúc của mình, anh chầm chậm quay lại, đối mặt với Paul thêm lần nữa. Joseph bắt đầu mở lời, giọng ngập ngừng nhưng rõ ràng cố gắng tự chủ:
- Paul này, việc sau cùng tôi muốn làm ở đây là nói với anh về chuyện đó. Thật ra Lan bắt tôi hứa đừng nói gì với anh cho tới khi xong trận Điện Biên Phủ. Nhưng Paul ạ, vì lúc này anh đã nói ra những gì anh suy nghĩ, có lẽ tốt hơn cho chúng ta khi anh biết được thực tế. Càng giữ không cho anh biết sự thật, tôi thấy tôi càng rất khổ tâm.
Người Pháp ngồi thẳng lưng lên ghế, mặt biến sắc:
- Anh đang nói tới chuyện gì vậy Joseph?
- Paul ạ, tới chuyện tôi, tôi yêu Lan. Tôi yêu Lan từ lúc tôi mới gặp cô ấy lần đầu tiên, cách đây gần hai chục năm.
Phản ứng duy nhất của Paul là nheo hai con mắt, ngoài ra, người anh vẫn ngồi bất động trên ghế.
- Tại Sài Gòn suốt một hai năm nay, thỉnh thoảng tôi âm thầm gặp gỡ cô ấy. Anh hiểu cho rằng tôi vô cùng phiền muộn vì những gì đã xảy ra.
Paul nhấc mũ sắt trên đầu xuống. Bàn tay ấn ấn lên lớp băng cứu thương cáu bẩn, lem luốc, như thể nó đột nhiên làm anh đau đớn, nhưng vẫn không nói. Joseph tiếp tục, giọng cố rán:
- Chuyện đó không phải mới xảy ra gần đây. Lan và tôi từng là hai kẻ yêu nhau, cũng khá lâu trước khi anh thành hôn với cô ấy. Vậy đó. Mọi sự bắt đầu trước khi Lan đồng ý làm vợ anh. Tôi đã yêu cầu Lan kết hôn với tôi, trước khi anh cầu hôn, nhưng cô ấy từ chối.
Paul hỏi chậm từng tiếng:
- Hai người bắt đầu yêu nhau ở đâu vậy?
Joseph lưỡng lự, rồi hít vào một hơi thở nữa, thật dài:
- Tại Huế, trong thời gian có cuộc tế lễ ở đàn Nam Giao lần sau cùng. Lan xin tôi đừng kể cho anh nghe điều này nhưng tôi nghĩ anh nên nghe hết cả câu chuyện. Trước khi lấy anh, cô ấy đã sinh cho tôi một bé gái, con của tôi. Tôi không biết có nó trên đời này cho tới khi tôi trở lại Sài Gòn lúc chấm dứt cuộc thế chiến. Tôi chỉ biết khoảng nửa giờ trước lúc gặp anh ở Quân y viện Đồn Đất. Lúc ấy con béù tám tuổi và được gia đình của một người giúp việc bí mật nuôi dưỡng tại làng bên ngoại của Lan ở mạn bắc Trung kỳ.
- Hiện nay, nó vẫn sống ở đó?
Joseph lắc đầu:
- Trong khi anh dưỡng thương ở Đà Lạt, tôi lái xe cùng đi với Lan ra phương bắc kiếm nó. Chúng tôi tìm thấy nó kịp thời. Con bé hầu như sắp chết đói. Chúng tôi mang nó vào Sài Gòn. Từ đó nó được nuôi dưỡng âm thầm tại nhà của anh Tâm.
Paul và Joseph ngồi yên một hồi lâu. Cả hai im lặng nghe tiếng súng lại bắt đầu nổ ran bên ngoài. Đột nhiên, Paul nhìn Joseph chằm chặp, mặt sạm lại giận dữ:
- Thì ra suốt thời gian này, tại Sài Gòn, hai người vụng trộm với nhau sau lưng tôi!
Joseph gật đầu khổ sở:
- Paul ạ, tôi ghét việc lừa dối anh nhưng tôi không ngăn nổi mình. Lan và tôi không còn là tình nhân của nhau cho mãi tới khi chúng tôi gặp lại nhau tại Đà Lạt hơn mười ngày trước đây. Đó là lần thứ nhất, kể từ năm 1945. Trước đó, cô ấy lúc nào cũng kiên quyết tiếp tục chung thủy với anh. Nhưng giờ đây tôi tin chắc chúng tôi có thể sống hạnh phúc với nhau. Tôi muốn sửa sai quá khứ. Tôi đã yêu cầu Lan kết hôn với tôi. Và tôi cũng sẽ yêu cầu Tuyết sống chung một nhà với chúng tôi.
Bàn tay Paul đang đặt trên bàn bỗng nắm chặt lại, các đốt ngón tay chợt trắng bệch:
- Có phải cô ấy đã đồng ý rằng sẽ đi với anh?
- Cô ấy không chịu đưa ra quyết định nào cho tới khi...
Nói tới đây, giọng Joseph mắc nghẹn. Dưới tia mắt đau đáu của Paul, anh lại cảm thấy mình đắc tội:
- ...cho tới khi cô ấy gặp lại anh.
Paul chầm chậm đứng lên khỏi ghế. Vẻ mặt anh nhăn nhúm, co rút, thịnh nộ và lạnh lẽo:
- Anh có ý nói cho tới khi Lan biết được tôi ra khỏi chỗ này còn sống hay đã chết! Cả hai người đều chờ xem bọn cộng sản có quét sạch đường cho mình không, đúng không?
Giọng Joseph chợt thấp xuống như thể nài nỉ:
- Paul ạ, chính anh đã nói với tôi rằng cuộc hôn nhân của anh từ lâu không mặn nồng. Anh không thấy sao, mọi sự đối với tôi thay đổi từ khi tôi biết ra tình trạng đó.
Paul nói qua hai hàm răng nghiến chặt:
- Lan là vợ tôi gần hai chục năm nay! Chúng tôi có một đứa con đã lớn. Không lẽ anh quên chuyện đó rồi sao?
Thấy vẻ mặt người Pháp săn lại, Joseph cảnh giác lùi ra sau một bước:
- Không, tôi không quên.
- Lan yêu anh?
- Cô ấy không bao giờ cho phép mình nói ra điều đó vì lòng chung thủy đối với anh. Nhưng tôi chắc chắn Lan yêu tôi. Tôi nghĩ cô ấy yêu tôi từ đầu.
- Thế tại sao cô ấy kết hôn với tôi?
- Vì cha của cô ấy muốn như thế! Ông ấy muốn bày tỏ lòng trung thành với nước Pháp bằng con gái của mình, anh không thấy sao? Lan chỉ làm theo nguyện vọng của cha cô ấy.
Khi những lời đó vừa vọt ra khỏi cửa miệng, Joseph hối hận ngay. Paul giật mình lùi lại, ngó Joseph bằng cặp mắt bắt đầu rực lên ánh ghê tởm. Trong một hồi lâu, không ai nói với ai. Ở bên ngoài hầm, tiếng súng nổ càng lúc càng dồn dập. Mắt không rời khuôn mặt Joseph, Paul cho tay xuống nắp bao súng lục. Anh bật khuy, báng súng lòi ra:
- Joseph, chắc chắn anh không tin nếu tôi kể với anh rằng sau chuyến ghé lại vừa rồi của anh, tôi cảm thấy tình bạn của anh là một trong vài cái đáng giá nhất còn lại trong suốt cuộc đời của tôi?
Joseph cảm thấy quả tim mình chới với và trương lên trong lồng ngực. Bất giác anh bước một bước tới sát người Pháp:
- Paul ạ, tôi xin lỗi. Tôi ân hận vô cùng. Tôi là một thằng khốn kiếp đến thế...
Paul rút súng, lùi một bước, chĩa mũi súng vào ngực Joseph:
- Đừng bước tới gần tôi! Sẽ không ai thắc mắc bằng cách nào một nhà báo Mỹ điên rồ lại để cho hắn ta bị giết trong thời điểm như thế này.
Joseph nhìn xuyên qua mũi súng:
- Paul, hãy để tôi ở lại đây. Hãy để tôi cùng nhìn cùng chịu với anh cho tới cuối. Chuyện đã tới như thế này, tôi không đành lòng đi khi anh còn ở lại đây. Với lại, ở đây có vô số điều cho tôi viết.
Ngực Paul phập phồng đứt đoạn. Anh bỗng sắc giọng, mỗi tiếng nói như một viên đá ném vào mặt Joseph:
- Tới lúc này anh còn nghĩ rằng có thể thanh lý được lương tâm của anh sao? Anh còn nghĩ rằng có một lối thoát danh dự dành cho anh sao?
Tiếng máy bay gầm rú khi lướt qua thật thấp bên trên hầm tạm thời át tiếng súng bên ngoài. Nghe tiếng gầm rú ấy, Paul dang thẳng cánh tay tới trước, kềm cứng. Với sự cân nhắc kỹ lưỡng và điềm tĩnh, anh nâng súng lên ngang đầu Joseph. Ngón tay Paul ngoéo dần trong ổ cò.
Ngay lúc đó, miếng vải bạt che cửa bị vạch qua một bên, viên sĩ quan phụ tá của Paul ào vào. Anh ta há hốc miệng chằm chặp ngó cấp chỉ huy, mấy giây sau mới lấy lại được bình tĩnh:
- Trình trung tá, máy bay tải thương vừa đáp xuống. Nếu Monsieur Sherman muốn về theo nó, phải đi lập tức.
Vẫn nhìn chằm chặp vào mặt Joseph, Paul duỗi tay:
- Monsieur Sherman không chịu tuân lệnh tôi lên máy bay. Anh áp tải ông ta ra phi đạo, dí súng bắt lên tàu.
Viên trung úy trẻ lật đật móc súng, đưa tay vẫy Joseph đi trước và nhảy lên trên bờ chiến hào. Năm phút sau, chiếc Dakota của Hội Chữ Thập Đỏ, không kịp chở theo thương binh nào, chậm chạp cất cánh trên phi đạo lồi lõm và Joseph quay lại nhìn về phía cụm hầm của bộ chỉ huy. Anh thấy tấm vải bạt che cửa hầm Paul bị vén qua một bên rồi Paul trồi người ra, mắt chớp chớp dưới ánh sáng ban ngày.
Paul không đội mũ sắt. Dù giữ cho thân mình đứng thật thẳng, vòng băng cáu bẩn quấn quanh đầu làm anh có vẻ dơ dáy và èo uột. Trong bàn tay phải của Paul, khẩu súng lục đong đưa lỏng lẻo. Khi chiếc Dakota vọt thẳng lên, xuyên qua ánh chớp của đạn cối pháo kích, Paul ngước mắt trống rỗng nhìn lên bầu trời xám xịt. Chỉ khoảnh khắc sau, máy bay khuất bên kia đám mây thấp đang lơ lửng trên lòng chảo. Hình ảnh cuối cùng của Điện Biên Phủ Joseph mang theo là hình dáng tuyệt vọng và nhỏ dần của Paul đang đứng cô đơn chính giữa một căn cứ quân sự mà phần số đã được định sẵn.