Trong lúc Hội nghị Genève bàn về Đông Dương, Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định Ngô Đình Diệm, khi ấy đang ở Mỹ, làm thủ tướng với lời yêu cầu Diệm - trước cây thánh giá và sự chứng kiến của ông, tại Cannes một thành phố nghỉ mát ở vùng đông nam nước Pháp - "hãy thề là sẽ bảo vệ đất nước chống lại bọn Cộng Sản vô thần và nếu cần chống luôn cả người Pháp". Mang theo sự chuẩn y của Paris, Diệm về Sài Gòn và lập xong nội các ngày 7.7.1954. Đêm 20.7.1954 Pháp với Việt Minh ký Hiệp định Genève chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương Thứ Nhất bằng việc chia đôi Việt Nam ngang vĩ tuyến 17; lập khu phi quân sự tính từ lằn ranh năm cây số để làm trái độn; và cho phép lực lượng Liên Hiệp Pháp kéo vào tập trung ở phía nam trong khi lực lượng Cộng Sản tập kết ra phía bắc. Các đại biểu còn đồng ý rằng việc phân chia đó chỉ tạm thời, trong vòng hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hậu quả chiến tranh Triều Tiên khiến Mỹ nhất quyết không nhượng thêm đất cho Cộng Sản nên không ký văn bản Hiệp định và còn khuyến khích chính quyền Diệm không ký, tuy vẫn tôn trọng nó. Liên Sô không phản đối mạnh mẽ và Trung Quốc áp lực Hồ Chí Minh phải chấp nhận, vì lúc ấy, ý đồ của LS là muốn hòa hoản với phương tây và TQ, nước hưởng lợi nhất qua Hội nghị Genève, tạm thời bằng lòng với cơ hội xuất hiện lần đầu tiên trên diễn đàn quốc tế như một thế lực tay ba của thế giới.Sau khi Hội nghị Genève kết thúc và trong lúc HCM từ vùng đồi núi Bắc Việt về tiếp thu Hà Nội, gần một triệu người miền bắc, gồm gia đình quân công cán chính, trí thức, cựu kháng chiến và dân chúng, trong đó có hơn một nửa là tín đồ Công Giáo, di cư vào nam; ngược lại, khoảng 90.000 người miền nam tập kết ra bắc - để Lê Duẫn trốn lại làm Xứ ủy Nam bộ và 10.000 người. Hiện tượng ấy góp phần chia VN thành hai phía đối nghịch: Cộng Sản và Quốc Gia. Ở miền bắc, HCM tạm bằng lòng với việc củng cố chế độ độ toàn trị bằng cách rập khuôn diễn tiến và phương pháp được Mao Trạch Đông áp dụng tại Trung Hoa: - đấu tố cải cách ruộng đất (giết khoảng 100.000 người) để tạm chia cho nông dân rồi thu tóm vào tay nhà nước dưới hình thức tập thể hóa nông nghiệp; - khống chế văn hóa văn nghệ; - độc quyền mậu dịch; - thiết lập chế độ quản lý hộ khẩu; - triệt để phân biệt lý lịch; - phân phối lương thực theo khẩu phần; v.v Tại miền nam, tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Ngô Đình Diệm là người Công Giáo, sinh tại Huế trong một gia đình thượng quan. Ông độc thân, cương trực, sống đời khổ hạnh, và lòng yêu nước, bảo vệ quốc thể của ông thì thậm chí các địch thủ của ông cũng phải nể trọng. Ông tranh thủ được sự giúp đỡ của phương tây, đặc biệt của Hoa Kỳ tuy ban đầu Nhà Trắng không có ý định ủng hộ ông. Thực hiện khẩu hiệu "bài phong (kiến), đả thực (dân), diệt cộng (sản)", trong mấy năm ổn định và hòa bình ngắn ngủi, Diệm đạt nhiều thành quả quan trọng như: - vãn hồi trật tự tại Nam VN bằng cách đập tan những lực lượng võ trang của các giáo phái và đảng phái muốn cát cứ; - tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955, truất phế Bảo Đại; ba ngày sau ông tuyên bố thành lập chế độ Cộng Hoà do ông làm Tổng Thống; - quân Pháp hoàn toàn rút khỏi miền nam ngày 28.4.1956; - bầu cử Quốc Hội và ban hành Hiến Pháp; - xây dựng các hạ tầng cơ sở kinh tế, kỹ nghệ và giáo dục; - đào tạo các viên chức hành chánh và sĩ quan để thay thế dần những công chức tướng lãnh thời thuộc địa; - tiến hành cải cách điền địa ôn hòa và bồi hoàn cho địa chủ; - lành mạnh hóa xã hội; - đặc biệt, thực hiện quốc sách Ấp chiến lược để cô lập cán bộ Cộng Sản, v.v. Trước đó, tháng 8.1955, Ngô Đình Diệm bác bỏ việc hiệp thương nam bắc nhằm tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève qui định, vì theo ông: "Miền Bắc vẫn không cho phép người dân hưởng những quyền tự do dân chủ...khi nào Miền Bắc chấm dứt khủng bố và thực thi dân chủ, mới có thể tổ chức tổng tuyển cử được". Hậu quả, lằn ranh tạm thời về quân sự tại vĩ tuyến 17 trở thành một loại biên giới quốc gia. Về phần mình, phản đối lời Khrushchev đề nghị Liên Hiệp Quốc thâu nhận hai miền nam bắc VN làm hội viên, Hồ Chí Minh chuẩn bị phát động cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai. Mục đích của ông là thống nhất nam bắc; xóa hình ảnh ông đã nhượng bộ Nga Hoa và thỏa thuận với thực dân để chia đôi đất nước; và kích động tinh thần dân tộc của nhân dân miền bắc nhằm giải phóng một miền nam bị Hà Nội mô tả là đang sống trong cảnh tù đày, bị giết chóc vì máy chém kéo lê đi khắp nơi, dân chúng bị cướp bóc, hãm hiếp và sống đói rách cực độ dưới ba tầng áp bức của tư bản bóc lột, chế độ Diệm đàn áp và thực dân mới Hoa kỳ. Năm 1957, Hà Nội hạ lệnh cho cơ sở Cộng Sản còn nằm lại ở miền nam thành lập 37 đại đội vũ trang tại vùng rừng sâu và sình lầy ở đồng bằng sông Cửu Long, dùng các vũ khí đã chôn giấu vào năm 1954. Ngày 13.1.1959 Trung Ương Đảng Lao Động ra nghị quyết 15 nhằm "đánh đổ chế độ đế quốc và tay sai, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước". Hà Nội bắt đầu đưa những người trước đây tập kết ra bắc, theo đường mòn Trường Sơn xâm nhập trở lại quê nhà miền nam (Đoàn 759), và mở đường biển bí mật chở vũ khí vào nam (Đoàn 959). Được che giấu nhờ tình cảm ruột thịt của thân nhân, họ vừa tuyên truyền dẫn dụ dân chúng vừa tiến hành khủng bố đẫm máu: ám sát viên chức để làm tê liệt hệ thống chính quyền xã ấp, pháo kích thành phố, đặt chất nổ những nơi thị tứ, các tuyến đường bộ và xe lửa, cầu cống, phá hoại quốc sách Ấp chiến lược, chính sách cải cách điền địa của chính phủ,v.v trên khắp miền nam. Phản ứng lại, ngày 6.5.1959, Diệm ban hành Luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật.Theo với thời gian, Ngô Đình Diệm ngày càng muốn lãnh đạo chỉ bằng quyền lực; không ngăn nổi tham nhũng; và sự áp đặt các giá trị Kitô giáo bị phản tác dụng. Ông hầu như đặc biệt tin dùng tín đồ Công Giáo, người có gốc miền trung và đảng viên Cần Lao, một đảng tập hợp từ những nhóm chính trị và Công Giáo vận động cho giải pháp Ngô Đình Diệm từ đầu thập niên 1950, nay được tổ chức lồng vào hệ thống chính quyền và quân đội, tuy chưa xuống tới cấp đại đội hoặc quận huyện. Với sự can thiệp thô bạo của các anh em, kể cả em dâu, và sự xu nịnh của thuộc hạ, gia đình trị trở thành một đặc trưng của chế độ mà lúc này nằm dưới ảnh hưởng của em ruột Tổng Thống là Ngô Đình Nhu, người tuy có tầm nhìn chiến lược nhưng là một trí thức kiêu căng, bá đạo, thích tổ chức và thiếu thực tế. Nhu dùng bộ máy an ninh mật vụ sách nhiễu các đối thủ đáng gờm, thậm chí còn đưa vào nhà tù những người chỉ trích nhẹ nhàng nhất. Và như thế, chính quyền Diệm tự hạ giá mình xuống ngang hàng với các tổ chức, lực lượng chính trị khác. Kháng thư ngày 26.4.1960 của 18 nhân sĩ nổi tiếng tại Khách sạn Caravelle, cuộc đảo chánh của các đơn vị Nhảy Dù và một số sĩ quan cao cấp và chính trị gia ngày 11.11.1960 là lời cảnh tỉnh cho chế độ nhưng nó không được nghiêm chỉnh lắng nghe. Sau đó, chiến tranh kéo dài góp phần khiến NĐD sa lầy trong chính sách phân biệt đối xử theo tôn giáo và địa phương, gia đình trị và độc tài đảng trị, sự suy tôn lãnh tụ,v.v.Ngày 20.12.1960, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được Hà Nội dựng lên với khẩu hiệu "giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước", theo nghị quyết Đại Hội III của Đảng Lao Động trước đó 3 tháng mà quyền lực rơi dần vào tay Lê Duẫn và Lê Đức Thọ. Mặt Trận dùng lại lá cờ của Đảng Dân Chủ năm 1945. Về mặt tuyên truyền, nó được Hà Nội giới thiệu như một tập hợp của người miền nam chống đối chế độ Mỹ Diệm vì quả thật, trong danh sách thành viên có vài nhân sĩ bất mãn chế độ hoặc thân cộng vừa được Diệm phóng thích. Nhưng bên trong, lãnh đạo nồng cốt của nó là cán bộ cao cấp Cộng Sản trực thuộc Trung Ương Cục Miền Nam, được ngụy trang dưới danh xưng đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam với chủ tịch là Võ Chí Công, Ủy viên Trung Ương Đảng Lao Động.Nương theo sự thách đố của Khrushchev đối với Kennedy và tham vọng bành trướng lộ liễu của Mao, Hồø Chí Minh dưới danh nghĩa Mặt Trận GPMN, lao mình vào việc lật đổ "chế độ thực dân mới Mỹ Diệm". Các đơn vị du kích của Mặt Trận võ trang thêm bằng các vũ khí Mỹ tịch thu được của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, thường được gọi là lính Cộng Hoà. Đến năm 1962, Mặt Trận gây được tình trạng bất ổn tại bốn phần năm làng mạc miền nam. Trần Chánh Thành, bộ trưởng Thông tin của Tổng Thống NĐD, đã đặt cho hết thảy các thành viên của MTGPMN một cái tên quá đáng là Việt Cộng - Cộng Sản Việt Nam - dù phong trào đó, cũng giống như Mặt Trận Việt Minh trước kia, được tổ chức và lãnh đạo bởi chỉ một dàn cán bộ thiểu số và nòng cốt, gồm các đảng viên Cộng Sản cuồng tín, sử dụng lão luyện chiến thuật vừa khủng bố vừa tuyên truyền nhằm o ép các nông dân ít học thành người theo lý tưởng chống "đế quốc thực dân".Bên cạnh đó, Diệm Nhu không đánh giá tình hình đúng với thực trạng và triển vọng của nó. Năm 1962, trong số 41 tỉnh trưởng có 36 quân nhân, nhiều người là Công Giáo hoặc gốc miền trung Bình Trị Thiên, là loại nhân sự NĐD thích tin dùng, nhưng họ sống cách biệt với quần chúng. Gia nhập đảng Cần Lao và theo Công Giáo là hai con đường tiến thân nhanh nhất. Đảng Cần Lao với thành phần chủ chốt là tín đồ Công Giáo, lộng hành trong quân đội và chính quyền, đưa tới những bất mãn, nghi kỵ và xa lánh của quần chúng, nhất là của giới Phật giáo có gốc miền trung và nhân sĩ các đảng phái quốc gia muốn tham gia tích cực hơn vào các sinh hoạt chính trị. Tình trạng đó khiến đa số dân chúng bất mãn hoặc thờ ơ với chính quyền Diệm. Và Hà Nội khai thác tận tình mâu thuẫn ấy để phát triển MTGP ngày càng sâu rộng tại nông thôn và trong giới trí thức thành thị.Tuy thế, Washington cũng đánh giá quá đơn giản rằng MTGP mới được thành lập ấy chỉ là một tổ chức ngụy tạo của Hà Nội dưới sự chỉ đạo của cả Mát-cơ-va lẫn Bắc Kinh nhằm bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản tại Đông Nam Á. Và khi Tổng Thống John F. Kennedy nắm chính quyền năm 1961 với quyết tâm rằng Hoa Kỳ nên "trả bất cứ giá nào và chịu bất cứ gánh nặng nào để bảo đảm sự sống còn của tự do" thì Nam VN dường như là địa điểm thực hành chủ nghĩa lý tưởng đầy kiêu hãnh đó. Mục đích chính của Mỹ là ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng xuống các nước phương nam, nhưng không có ý định giải thể chế độ CS tại Hà Nội. Chiến tranh xảy ra trong bối cảnh được HK mô tả: miền bắc VN là mũi dùi thọc xuống của thế giới Cộng Sản và miền nam VN là tiền đồn chống đỡ của thế giới Tự do.Đội ngũ cố vấn Mỹ vốn được thành lập tại Sài Gòn từ năm 1950, sang tới đầu năm 1961 mới chỉ vỏn vẹn bảy trăm người nhưng trong vòng mấy năm tiếp đó, được Tổng Thống Kennedy liên tục gia tăng số lượng. Tới năm 1963, mỗi ngày Hoa Kỳ chi tiêu hơn một triệu rưỡi Mỹ kim cho mặt trận quân sự nơi rừng núi và nông thôn, với khoảng mười sáu ngàn quân nhân "cố vấn" Mỹ tham gia chiến trường. Con số thương vong ngày càng tăng: trong năm 1961 chỉ có mười bốn người Mỹ tử thương nhưng tới cuối năm 1962, tăng lên tới hơn một trăm. Trên mặt trận chính trị, tài trợ của Mỹ được dùng chủ yếu để cải cách điền địa và lập "Ấp Chiến Lược" - những thôn làng được củng cố kiểu doanh trại, chung quanh quây dây kẽm gai và các vòng rào tre vọt nhọn, mỗi lần nông dân ra đồng canh tác phải chịu sự lục soát cặn kẽ của dân vệ. Tới năm 1963, có 10 triệu dân quê Nam VN, trong tổng số 15 triệu người, bị dồn vào những khu vực vây quanh bằng rào cọc đó. Người ta không thể phủ nhận tác động hữu hiệu của Ấp Chiến Lược trong việc cách ly quân du kích với cơ sở giúp đỡ chính của họ là thân nhân, dồn được MTGPMN vào thế bị động, nhưng chúng cũng làm nông dân bất mãn không ít vì gây trở ngại cho việc mưu sinh của họ.Mặc dù người Mỹ càng lúc càng can dự sâu xa vào mọi lãnh vực, vẫn có tình trạng căng thẳng làm tổn thương mối quan hệ sống chết trên chiến trường giữa các nhân viên quân sự Mỹ và người lính Á Đông nhỏ thó đang được họ ra sức cố vấn. Tổng Thống Diệm ngày càng bị ám ảnh về việc giữ sao cho binh lính ít tử thương, và vì ông giáng cấp viên chỉ huy nào để cho đơn vị chịu tổn thất vượt quá mức tối thiểu nên cố vấn Mỹ thường thấy mình sắp ra trận với những sĩ quan Cộng Hoà mang sẵn ý nghĩ tránh đừng đụng độ với đối phương. Tuy có những trở ngại đó, việc Mỹ đưa vào chiến trường máy bay trực thăng và giang thuyền vũ trang đã giúp cho quân đội Nam VN có được tính cơ động mới mẻ và cấp kỳ. Tới cuối năm 1962, lần đầu tiên Việt Cộng bắt đầu chịu thương vong to lớn vì những cuộc hành quân xuất kích chớp nhoáng lùng-và-diệt địch.Trước những thắng lợi của Sài Gòn trên chiến trường và hiệu năng của chương trình Ấp chiến lược cũng như mạng lưới cán bộ thành tại các đô thị bị phá tan nát, Hà Nội bắt đầu phái vào Miền Nam những cán bộ chính trị cao cấp và các cấp chỉ huy quân sự từng chiến đấu tại Điện Biên Phủ để đẩy mạnh chiến tranh du kích và khủng bố, khoét sâu mối mâu thuẫn giữa chính quyền và các tổ chức chính trị, tôn giáo.... Tuy được thực hiện bí mật nhằm tiếp tục bao che lời tuyên truyền dối trá rằng việc nổi dậy tại Miền Nam chỉ là vấn đề địa phương của miền nam, công tác ấy cũng củng cố được sức mạnh của MTGPMN. Vào những tháng đầu năm 1963, ngay tại tâm điểm của đồng bằng sông Cửu Long và chung quanh vùng châu thổ sinh tử ấy, tình hình xung đột gia tăng nhanh và mãnh liệt khi các du kích quân có tổ chức tốt hơn cùng các lực lượng của Tổng Thống Diệm được Mỹ trang bị, lao vào một cuộc đụng độ mới để giành ưu thế cho phía mình.Trong khi tình hình chiến sự vẫn dai dẵng, Hoa Kỳ ngày càng nôn nóng muốn chủ động lãnh đạo cuộc chiến, Phật giáo ngày càng gia tăng chống đối chế độ Ngô Đình Diệm, tin tức ghi nhận rằng đã có những cuộc tiếp xúc giữa các đại diện của Sài Gòn và Hà Nội để tiến tới việc hiệp thương Nam Bắc. - 1 - Gió từ chong chóng của hơn mười chiếc trực thăng võ trang H-21 của Không lực Hoa Kỳ quạt nước xoáy thành từng vũng trên vùng đồng ruộng rộng lớn và sền sệt bùn trong châu thổ sông Cửu Long, làm thành một đường lằn dài và dậy sóng khi đội hình máy bay lên thẳng ấy bay là đà mặt ruộng với độ cao ngang tầm ngọn cây. Nhìn từ xa, người ta chỉ thấy chúng như những con chuồn chuồn đang bay; hầu như không thấy rõ hai cánh quạt quay tít trong không khí nóng bỏng. Còn mặt ruộng ngập nước bên dưới chỉ phản chiếu hình ảnh thân máy bay như những quả chuối đang nhẹ nhàng lướt qua.
Bên trong chiếc trực thăng đầu đàn, hơn mười người lính Nam Việt Nam nhỏ thó và dẻo dai đang đưa mắt nhìn qua khung cửa mở ở hai bên hông tàu, ngó ra bên ngoài với vẻ mặt trống rỗng và dửng dưng. Lưng họ đeo ba-lô hành quân, đầu đội mũ sắt và hai tay ôm chặt khẩu các-bin M-2 hoặc khẩu Garand M-1, loại súng cá nhân cổ lổ thời Thế Chiến Hai của Mỹ. Họ ngồi chồm hổm trên sàn tàu bằng sắt tán ri-vê với thái độ hờ hửng. Trông họ như thể những hành khách buồn chán đang đi trên một chuyến xe đò đường xa dằng dặc và tẻ nhạt. Họa hiếm lắm họ mới nói với nhau vài câu rời rạc về những gì mắt thấy.
Trái lại, hai viên sĩ quan da trắng người Mỹ đang khom lưng giữa đám lính Cộng Hoà ấy có thái độ khác hẳn. Cả hai đội mũ sắt, mặc đồ trận rằn ri, đều đưa mắt nhìn xuống, chăm chú xem xét từng chút một quang cảnh các thửa ruộng và các kênh xáng đang loang loáng biến đổi. Thân hình đồ sộ so với những người lính Á Đông vóc dáng mảnh mai, cả hai phân công nhau nhìn thật kỹ, ngó thật sát phía bìa rừng mé bên mình. Và đặc biệt họ chú ý tới những lùm cây người ta thường thấy mọc khắp nơi, quanh các làng mạc vùng châu thổ sông Cửu Long. Hai trung sĩ xạ thủ Mỹ ngồi nơi cửa trước và cửa hông, cũng đưa mắt soi mói quan sát không ngừng khắp mặt ruộng trong khi hai tay quay qua quay lại khẩu đại liên gắn sát bên trong mép cửa. Mũi súng chĩa xuống những điểm bị nghi có Việt Cộng ẩn núp, đang dương sẵn nòng súng chực bắn tỉa.
Thỉnh thoảng mấy người Mỹ da trắng to con và cả chục người Á Đông nhỏ con ấy chuyển ánh mắt chú ý vào bên trong khoang máy bay. Họ liếc thật lẹ người nữ phóng viên truyền hình Anh có nước da rất trắng với mái tóc dài màu hung cuộn trong chiếc mũ sắt không gắn phù hiệu, đang ngồi riêng một bên trên chiếc ghế có buộc dây nịt. Họ thấy nàng thỉnh thoảng nói nho nhỏ với hai người Anh khác mặc quần áo dân sự đang lom khom bên cạnh, giữa các xắc cốt, túi xách và thùng đựng đồ nghề quay phim và thu thanh, loại dùng cho vô tuyến truyền hình.
Ngoài mấy khoảnh khắc ấy, đôi mắt to màu xám của người nữ phóng viên vẫn nhìn thẳng vào khoảng không gian xa xa và lung linh ánh sáng bên kia khung cửa máy bay để mở. Trên mặt nàng không có dấu hiệu sợ hãi nào ngoài vẻ hoàn toàn say mê phong cảnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi ngày nay vẫn giữ nguyên tính cách mộc mạc có từ thời cổ đại. Và thậm chí nếu biết rằng bộ đồ trận thô nhám màu xanh lục đang mặc trên người vẫn không làm giảm sức quyến rũ của một người nữ giữa đám người nam chung quanh, nàng cũng không để lộ ra mặt chút dấu hiệu nào.
Cũng như mọi người ngồi trong lòng chiếc trực thăng đang bay, nàng hiểu rõ cảnh tượng êm ả bất tận trên các thửa ruộng đang lướt qua dưới thân máy bay lúc này chỉ là vờ vịt. Những lớp phù sa mầu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long kia có thể đã được cày bừa từ thuở bình minh của văn minh, cũng bằng con vật có sừng và chiếc cày gỗ thô sơ ngày nay dân quê Nam Việt Nam vẫn sử dụng. Có lẽ không khác tổ tiên xa xưa của họ, các nông dân ấy giờ đây vẫn sống trong cũøng một kiểu nhà thuở trước. Cột là những thân tre hoặc tràm sần sùi, vách kết bằng lá dừa nước và mái lợp tranh hoặc rơm. Nhưng lúc này, bên dưới bề mặt có vẻ yên tĩnh ấy đang có nhiều thay đổi.
Nhìn bằng mắt người quan sát thấy có vẻ chẳng có gì đáng chú ý. Nhưng mọi người ngồi trong lòng máy bay này đều biết rằng lúc này dưới kia có thể ẩn núp các du kích quân kính ngưỡng Hồ Chí Minh và tin vào lời tuyên truyền cổ vũ của những kẻ trung thành với ông ta. Giấu mình dễ dàng ngay phía dưới mặt nước bùn sền sệt kia, họ đang thở bằng ống đu đủ hoặc ống nứa rỗng ruột. Hoặc có thể họ đang núp trong địa đạo bên dưới các làng mạc vùng châu thổ. Và nếu muốn, họ còn có thể ngồi hay nằm ở đó suốt ngày đêm để tránh đụng độ với những người lính đang tìm tới nhằm ""lùng và diệt"" họ nhân danh tự do và dân chủ, hoặc đơn giản, chỉ thực hiện nhiệm vụ của một người lính.
Ngược lại, nếu quân du kích quyết định sẵn sàng chạm trán, họ đã tập trung quân số đông gấp đôi gấp ba đối phương và đang ứng chiến trong những lùm cây bao quanh ấp Mộc Linh, nơi họ chủ động chọn làm chiến trường. Lính Cộng Hoà cùng "cố vấn" Mỹ chỉ có thể phát hiện họ ngay lúc vừa nhảy ra khỏi trực thăng, đặt chân xuống mặt ruộng ngập nước và bắt đầu xung phong vô ấp. Cũng vì lý do đó, khi sắp tới mục tiêu, trực thăng bay rất nhanh, chỉ cách mặt đất khoảng ba thước, để bất ngờ đổ bộ và gây nguy hiểm tối đa cho đối phương.
Đoàn quân phát xuất từ Mỹ Tho, nơi đặt bộ tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, một tỉnh lỵ cách Sài Gòn khoảng bảy chục cây số về hướng nam. Suốt cuộc hành trình họ bay cách mặt đất gần ngàn thước, một độ cao đủ để tránh các tay súng bắn tỉa của Việt Cộng có thể đang ẩn mình đâu đó trong các lùm cây phía dưới. Khi tới gần khu vực đổ bộ Mộc Linh, phi công sẽ cho máy bay sà xuống là đà mặt đất, mượn vành đai cây cối rậm rạp và đầy thù nghịch của mục tiêu làm bình phong che tầm mắt của quân địch.
Càng xuống gần mặït đất, người ngồi bên trong chiếc H-21 càng cảm thấy có vẻ như máy bay lướt đi nhanh hơn. Khi sắp đến điểm đổ bộ, đàn trực thăng bắt hầu hụp lên hụp xuống tới độ chóng mặt bên trên các lùm dừa và các bụi chuối bao quanh mấy ấp gần Mộc Linh. Người nữ ký giả Anh đưa tay chạm nhẹ vai chuyên viên thu hình, nhắc anh ta bắt đầu quay cận cảnh những gì đang nối tiếp nhau lướt qua khung cửa trực thăng. Rồi đột nhiên trong ống kính hiện lên mấy xóm nhà tranh vách lá.
Trong cảnh sắc lờ mờ bên kia khung cửa, xuất hiện những bộ mặt đàn bà và trẻ con giật mình ngó lên. Gà kêu quang quác và heo thét eng éc, đua nhau chạy trốn tiếng máy bay rền vang không khí bên trên. Kế đó, đà lao xuống của trực thăng chửng lại trên một mặt đê rộng cách xóm đầu tiên của ấp Mộc Linh khoảng hai trăm thước. Chong chóng vẫn xoay và đàn H-21 lờ lửng chờn vờn trên mặt đất. Lập tức lính Cộng Hoà cùng hai cố vấn Mỹ cao lêu khêu phóng người xuống mặt nước ruộng đục ngàu, cất chân lội thật lẹ về phía rặng cây.
Chiếc trực thăng đầu tiên vừa bắt đầu nhả quân, người nữ ký giả Anh và toán truyền hình lẹ làng bắt tay vào việc. Nàng nhảy xuống mặt đê, khuỵu đầu gối quì cách chiếc H-21 chừng hai chục thước để dùng thân máy bay khổng lồ bằng sắt làm hậu cảnh cho mình. Đằng sau nàng, lính Cộng Hoà nhỏ thó, đầu cột chặt chiếc mũ sắt Mỹ rộng quá cỡ, đang lội bì bỏm trong cánh đồng ngập nước, hai tay nâng vũ khí lên quáù đầu. Người nữ phóng viên nhẫn nại chờ trong khi chuyên viên quay phim nhìn xéo qua vai nàng, điều chỉnh ống kính để thu trọn quang cảnh trước mắt. Khi thấy vừa ý, anh ta bấm cho phim chạy. Đồng thời, chuyên viên thu thanh ấn mi-crô vào tay người sắp nói rồi bước qua một bên, bật nút mở máy ghi âm.
Bắt đầu nói bằng thứ tiếng Anh đúng tiêu chuẩn thường được dùng trong trường trung học, nàng cẩn thận uốn giọng khi lên khi xuống để khán thính giả nghe rõ tiếng người giữa tiếng máy bay trực thăng kêu phành phạch:
- Những thửa ruộng oi ả mà quí vị đang thấy đây, là tại một góc trời mờ mịt ở Đông Nam Á và là nơi đột nhiên biến thành tuyến đầu của cuộc chiến tranh nóng bỏng và mới mẻ giữa thế giới Cộng Sản và phương tây. Nhưng đây không phải là loại chiến tuyến mà bất cứ người nào từng chiến đấu trong Thế Chiến Hai hoặc Chiến Tranh Triều Tiên có thể nhận ra. Lúc này, những người lính Nam Việt Nam và các cố vấn Mỹ kia đang kỳ vọng sẽ bất ngờ chộp được một cuộc tập trung quân du kích Việt Cộng tại Mộc Linh, tên của cái ấp mà quí vị đang thấy đằng sau tôi - nhưng Mộc Linh chỉ là một trong năm ngàn làng mạc như thế tại miền châu thổ này. Và vì quân du kích ẩn núp dễ dàng trong rừng hoặc trà trộn giữa dân làng nên nhiều cuộc hành quân giống như thế này không tìm thấy dấu vết của họ. Dù tới giây phút này, cuộc đột kích vào tâm điểm này của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả là gây bất ngờ cho Việt Cộng nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác kết quả của nó sẽ ra sao - vì bao giờ cũng thế, sau một cuộc tấn công là quân du kích biến dạng vào rừng, kéo theo tất cả những đồng đội vừa tử trận...
Thình lình, từ hướng rặng cây vang lên một loạt súng nổ sắc và gọn, làm náo động thêm tiếng gầm rú của đàn máy bay trực thăng. Người nữ phóng viên hụp đầu qua một bên trong khi chiếc H-21 nhấc lên lưng chừng để các xạ thủ nơi khung cửa hai bên ra tay hành động. Những người lính QĐVNCH đi đầu lội thật lẹ, sắp sửa tới rặng cây. Chuyên viên quay phim thu hình họ trong vài giây bằng ống kính viễn vọng rồi lại chĩa máy về phía người nữ phóng viên. Nàng lại nhìn thẳng vào ống kính, bình tĩnh nói tiếp:
- Loạt đạn quí vị vừa nghe có thể do một tân binh quân dịch Nam Việt Nam vì quá căng thẳng mà bắn ra. Anh ta nổ súng có lẽ để tự trấn an hoặc khích động tinh thần xung kích của đồng đội. Chuyện như vậy thường xảy ra khi người ta truy lùng quân du kích, những kẻ dường như xuất hiện hoặc biến mất lúc nào đều tùy vào ý muốn của chính họ. Trong tình trạng thách đố ấy thì câu hỏi chủ yếu là: liệu Hoa Kỳ với tài nguyên quân sự dồi dào và đầy ưu thế có giúp được cho người Nam Việt Nam tiêu diệt nhanh chóng một đối phương thường né tránh đụng độ và hay lẩn núp trong dân chúng, để người Mỹ không bị buộc càng ngày càng phải can dự sâu xa thêm vào cuộc chiến này, hoặc liệu cuộc chiến tranh nhỏ bé và nãn lòng này có thể là sự khởi đầu của một cái gì đó to tát hơn? Đó là điều mà chúng tôi đang tới tận nơi này để cố tìm hiểu cho ra...
Nói xong, người nữ phóng viên rời bờ đê, bước xuống mặt nước ruộng sền sệt bùn và bắt đầu lội bì bỏm tới phía rặng cây xa xa. Trong hơn một phút, chuyên viên quay phim tiếp tục thu hình bóng dáng xa dần của nàng, cho tới khi viên trung sĩ người Việt nhỏ thó và hay cười có nhiệm vụ bảo vệ toán truyền hình đưa tay vẫy anh ta đi theo. Giữ cho đồ nghề khỏi vấy nước, hai chuyên viên thu hình và thu thanh trườn mình lên mặt ruộng, mặt tỏ vẻ cực kỳ gớm ghiếc và lê bước đi theo nàng.