Sáng hôm sau, đúng tám giờ rưỡi, trong khi mở khoá cửa văn phòng Joseph nghe bên trong vang ra tiếng điện thoại reo liên tục. Vừa nhấc ống liên hợp lên, anh nghe oang oang giọng khẩn trương của Guy:
- Joseph, anh qua Toà đại sứ liền bây giờ được không? Vừa xảy ra một chuyện rất đặc biệt!
- Chuyện gì vậy?
- Tôi không thể nói qua điện thoại. Suốt đêm qua tôi gọi anh nơi biệt thự cho tới bốn giờ sáng mới thôi gọi vì bác bếp nói anh vẫn chưa về nhà. Anh chẳng để lại số điện thoại nào cho người ta liên lạc cả!
Mắt Joseph nheo lại khi nhận ra cung điệu khiển trách trong giọng nói của chú em.
- Guy ạ, đêm qua tôi có chuyện bất ngờ. Chú có thể nói cho biết đôi chút tại sao tôi phải lập tức chạy qua bên chú không?
Guy trả lời, giọng rất chậm và đắn đo:
- Chờ anh qua đây tôi mới nói thì tiện hơn. Nhưng tôi cam đoan với anh rằng qua đây càng sớm thì càng có lợi cho chính anh.
- Được, tôi sẽ có mặt ở bên đó ngay lập tức.
Bối rối trong bụng về cú điện thoại khẩn cấp của Guy, Joseph lật đật tới Đại sứ quán Hoa Kỳ, một toà nhà kiên cố mới được xây xong trên khu đất trước kia thuộc Trụ sở Bộ binh Pháp, phía bắc Quảng trường Nhà thờ Đức Bà. Guy đã quay lại Sài Gòn cho nhiệm kỳ phục vụ thứ hai, làm viên chức phản gián phụ trách bộ phận điều tra. Thông thường, JUSPAO — Cơ quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ — có rất ít hoặc gần như không có quan hệ trực tiếp với phân sở CIA Sài Gòn, một cơ quan ngày càng phình ra với các phòng làm việc chiếm hết ba tầng trên cùng của toà nhà sứ quán siêu hiện đại, tọa lạc sừng sửng trọn một ô phố góc tây bắc ngả tư Đại lộ Thống Nhất và đường Mạc Đỉnh Chi.
Trong chỗ riêng tư, mức độ ác cảm Joseph từng cảm thấy ngay từ đầu đối với Guy, người em kém mình mười sáu tuổi, đã không vơi chút nào theo với thời gian dần trôi. Và bởi sự khác biệt về tính nết cũng như sự mặc nhiên chấp nhận của cả hai anh em, quan hệ đôi bên lúc nào cũng lạnh nhạt và xa cách. Vì thế, Joseph kết luận rằng chắc chắn Guy gọi anh vì lý do nghề nghiệp. Anh cố lục lọi trong ký ức và nhớ ra giữa một tiệc tiếp tân nào đó mình từng nghe có người nói úp mở tới các báo cáo tình báo gợi ý cho thấy Việt Cộng đang dự tính tung ra một cuộc tấn công trên khắp Miền Nam, trùng vào kỳ nghỉ hằng năm sẽ bắt đầu đúng hai ngày nữa.
Về mặt phản ứng chuyên môn, theo sự hiểu biết của Joseph, nếu các kế hoạch tấn công có tính đều khắp như thế bị lộ một cách quá dễ dàng, chắc chắn chúng chỉ nằm trong một thủ đoạn tuyên truyền mới và vì thế người ta chẳng mấy chút tin rằng đang có một sự đe dọa như thế. Joseph cho rằng biết đâu vừa xuất hiện bằng chứng mới mẻ nào đó và Guy muốn trình bày ngắn gọn cách riêng với anh. Thế nhưng Joseph lập tức buông bỏ sự suy đoán đó khi toà nhà sứ quán Mỹ xuất hiện trong tầm mắt anh với trọn vẹn vẻ thô kệch của nó.
Xây dựng ròng rã suốt hai năm và sau cùng, tới tháng Chín năm 1967, toà nhà sứ quán mới này được sử dụng thay cho toà nhà của một ngân hàng Pháp cũ ở đường Hàm Nghi nhìn xuống sông Sài Gòn, một địa điểm mãi tới cách đây bốn tháng vẫn được dùng làm trụ sở ngoại giao của Hoa Kỳ tại thủ đô Việt Nam Cộïng Hòa.
Cũng như Dinh Độc lập của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khắp mặt tiền của Đại sứ quán Mỹ được bảo vệ bởi những mảnh bê-tông trông như những mu rùa khổng lồ dùng làm lá chắn chống hoả tiễn và đạn pháo, tạo cho tòa nhà sứ quán có diện mạo y hệt một pháo đài và trông gớm ghiếc như một điềm gỡ. Bọc quanh khuôn viên Đại sứ quán là một vòng tường thành cao hơn ba thước. Trên nóc toà nhà sứ quán, người ta xây nhô lên một bệ đáp máy bay trực thăng. Bên trong khu vực, một lực lượng sáu mươi binh sĩ Thủy quân Lục chiến tuần phòng khắp khuôn viên suốt ngày suốt đêm.
Trong khi đứng nơi cổng chính phía đường Thống Nhất chờ một hạ sĩ TQLC xét thẻ tùy thân, Joseph ảm đạm nghĩ rằng chính các tấm lưới mắt cáo chống hoả tiễn của Đại sứ quán và của Dinh Tổng Thống đã biến hai toà nhà ấy thành những đền đài hiu hắt, thường trực nhắc cho dân chúng nhớ tới tinh thần chiến đấu bền bỉ của bộ đội Việt Cộng. Những phòng thủ ở chốn tận cùng này là một xác nhận công khai và rõ ràng hơn bao giờ hết rằng lực lượng du kích có đủ sức mạnh, không ngăn trở nổi, để tiến công vào hai đại bản doanh song lập của kẻ thù ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn.
Trong phòng làm việc của mình trên tầng năm toà nhà sứ quán, Guy không mất thì giờ nhập đề. Thấy Joseph vừa bước chân qua cửa, Guy vẫy anh mình ngồi xuống ghế và ấn nút chiếc máy ghi âm trên bàn giấy. Vì chất lượng âm thanh quá tồi tệ khi ghi và sang băng, Joseph nghe không rõ lời giới thiệu. Nhưng anh bật người ngồi thẳng lưng lên ghế khi tai quen dần với những gì rõ ràng được ghi lại từ một chương trình phát thanh trên làn sóng ngắn:
“...Ông nội của tôi là thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman, người làm thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ của tiểu bang Virginia từ hơn bốn mươi năm nay. Tôi muốn mọi người biết rõ rằng quan điểm của tôi trái ngược với quan điểm của ông nội tôi. Tôi thấy cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo mà Hoa Kỳ đang tiến hành nhằm chống lại nhân dân Việt Nam anh hùng là một tội ác chống lại toàn thể loài người...”Trên thành ghế, các đốt lóng tay của Joseph bíu tới trắng bệch. Anh nhìn đau đáu và chằm chặp chiếc máy ghi âm:
- Cám ơn trời! Ít ra nó còn sống.
Gật đầu khốc liệt, Guy đưa ngón tay lên ngụ ý rằng cả hai nên nghe cho hết đoạn băng ghi âm.
“...Tôi bị bắn rớt trong khi thực hiện các cuộc oanh tạc bất nhân vào nhà thờ, đình chùa, nhà thương và trường học tại Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và tôi đánh giá vai trò của tôi trong cuộc chiến này là ác ôn và đáng hổ thẹn...”Trong nín lặng và choáng váng, Joseph lắng nghe phần tự kiểm còn lại của Mark. Lúc Guy tắt máy ghi âm, Joseph vùi mặt trong hai lòng bàn tay. Sau cùng, khi ngước lên trở lại, mặt anh xanh xao và anh nói qua hai hàm răng nghiến chặt:
- Guy, nó còn sống — nhưng chúng đối xử với nó khốn nạn tới mức nào mới khiến được nó phải nói ra những lời như thế?
Guy trả lời, giọng run rẩy xúc động:
- Chúng nó hành hạ Mark giống y như chúng hành hạ những kẻ khốn khổ nào lỡ lọt vào tay chúng. Mark gan góc cực kỳ nên có lẽ chúng phải hành hạ nó ác liệt nhất — đó có thể là lý do tại sao chúng tốn nhiều thời gian như vậy để vắt cho ra những câu nhảm nhí tục tỉu đó.
Joseph hất hàm về phía máy ghi âm:
- Cái đó phát đi từ đâu vậy?
- Đài phát thanh Havana Cuba loan đi đêm qua.
Joseph lầm bầm chửi thề rồi nhắm mắt lại. Guy nói, giọng sôi sục:
- Giả dụ Mark không phải là cháu của tôi đi nữa thì những lời đó cũng làm tôi lộn ruột. Hơn nữa, vì biết nó vốn là thằng chân chất gan dạ nên cái đó khiến cho mình cảm thấy tệ hại gấp cả chục lần.
Đứng lên khỏi ghế, Guy giận dữ sải chân bước ngang phòng và đứng nhìn chằm chặp ra ngoài cửa sổ:
- Anh Joseph này, liệu cái đó có làm cho trí óc anh suy nghĩ về mọi sự đơn giản hơn một chút không? Liệu nó có làm cho anh ít quan tâm hơn một chút tới “những phức tạp sâu xa và lâu đời” mà anh lúc nào cũng cảnh giác tôi? Liệu nó có khiến cho anh tự hỏi rằng có phải toàn bộ những phức tạp này đều quả thật phát sinh từ “sự bóc lột bất nhân” đám dân chúng từng chịu đau khổ dưới thời Pháp thuộc?
Bằng giọng cáu tiết, Guy tiếp tục trau chuốt bản trích dẫn những lời Joseph từng nói với hắn trước đây:
- Và phải chăng bản thân những kẻ ấy sở hữu tính nết khoái trá những trò tàn ác và vì thế chúng muốn sát hại, làm tàn phế hoặc làm trì độn người khác chỉ đơn giản là vì cái thú tính khốn kiếp đó?
Joseph mệt mỏi thở dài và đứng lên. Anh nói trầm tĩnh:
- Guy ạ, có lẽ chúng ta sẽ thảo luận vấn đề cũ rích ấy vào một dịp khác. Trong lúc này, tôi muốn mượn cuốn băng để nếu được thì tự mình nghe lại.
Người em đột nhiên hoà hoản. Hắn quay lại bàn giấy, ngồi xuống và dịu giọng:
- Joseph, xin anh ngồi xuống đã. Anh có lý — có lẽ đây không phải là lúc chúng ta nói toạc ra những điểm bất đồng. Tôi yêu cầu anh qua đây không chỉ để nghe cuốn băng đó thôi. Có một vấn đề khác còn lớn hơn chuyện đó nữa.
Joseph ngồi thật yên trong lòng ghế, cặp lông mày lo lắng nhíu lại thành một đường lằn:
- Chú muốn nói tới vấn đề gì?
- Tất cả những chi tiết tôi sắp nói ra đây được chính thức xếp loại là mật — chỉ một mình anh nghe thôi, chịu không?
Joseph gật đầu đồng ý.
- Mấy tháng vừa qua, Việt Cộng bắt đầu đưa ra các thăm dò bóng gió về việc thảo luận trao đổi tù binh và về những cái mà chúng gọi một cách ởm ờ trêu nhữ là “các vấn đề chính trị khác...”
Joseph mở lớn mắt kinh ngạc:
- Có phải chú có ý nói Việt Cộng muốn thương lượng? Chuyện như thế nghe không hợp chút nào với tính cách của chúng, phải không?
- Trước đây, chưa từng xảy ra chuyện như thế. Nay thì nó có thể là vỏ bọc bao che cho một cái gì khác — chúng tôi không thể loại trừ khả năng đó. Nhưng dù sao đi nữa, rải rác suốt hai ba năm vừa qua, chúng tôi tóm được một số tù nhân quan trọng ở Miền Nam: các cán bộ đầu não của Mặt Trận Giải Phóng. Lốt của chúng dày cộm tới độ mấy ông bạn thẩm vấn người Việt của chúng tôi ở đây, tại Sài Gòn này, cũng không thể lột tới tận tên họ thật của vài đứa trong bọn chúng. Thông thường, bọn chúng vứt hẳn vào sọt rác cái tên do cha mẹ đặt cho và mỗi đứa đều có ít nhất sáu bí danh. Anh thừa biết rằng không tên nào trong tập đoàn lãnh đạo chính trị và quân sự ở Miền Nam này là không do Hà Nội phái vào — nhưng chứng minh cho được điều đó lại là một chuyện khác.
- Và chú hiện có những tiếp cận nhất định liên quan tới các tù nhân ấy, có phải chú đang có ý nói tới vấn đề đó?
Guy gật đầu:
- Đúng thế. Cách đây ba tháng, những móc nối đầu tiên qua các thành phần thứ ba đã làm lộ ra một danh sách nửa tá tù nhân mà Mặt Trận muốn ta phóng thích ngay. Chúng đề nghị rằng để đổi lại, các phi công Mỹ ở Hà Nội cũng sẽ được phóng thích. Suốt mấy tuần lễ vừa rồi chúng tôi không nghe thấy gì cả ngoại trừ đêm qua — chỉ mấy giờ sau khi lời tự kiểm của Mark được Đài phát thanh Havana loan đi.
Joseph vội vàng hỏi:
- Có phải chú cho rằng việc chúng cho truyền thanh lời của Mark tối qua là có dụng ý?
- Gần như chắc chắn. Dường như chúng đánh giá Mark là con chủ bài vì nó là cháu nội của thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman nổi tiếng. Đêm qua, Mặt Trận đưa ra danh sách mười hai tù binh Mỹ, lần đầu tiên nêu rõ họ và tên — và trong số đó có tên của Mark.
- Nhưng Guy này, đó là một tin tuyệt diệu!
- Chúng ta hãy cố giữ cái tuyệt diệu đó như một triển vọng — hiện hãy còn quá sớm. Và âm mưu ấy còn dày đặc hơn nữa.
- Chú có ý nói gì?
- Trong danh sách các tù nhân của Sài Gòn mà Mặt Trận muốn ta phóng thích để trao đổi, có thêm một đòi hỏi mới — cho một tù nhân quả thật rất đặc biệt. Hắn bị bắt ở đồng bằng sông Cửu Long cách đây một năm. Kể từ lúc đó, hắn bị biệt giam trong một xà-lim vách sơn trắng, có gắn máy lạnh, tại tầng hầm của Sở Liêm Phóng Pháp thuở trước ở đầu đường Tự Do. Hắn cực kỳ cứng cỏi tới độ ngay cả họ và tên của mình hắn cũng không tiết lộ. Hắn chỉ được chúng tôi đề cập tới với biệt hiệu “người trong phòng trắng” — và đó cũng là cách mà Mặt Trận gọi hắn ở trong danh sách. Chúng tôi biết chắc chắn rằng ít nhất hắn cũng ở trong Ủy Ban Trung Ương của Đảng Lao Động — thậm chí còn có thể là Ủy viên Bộ Chính Trị. Chúng tôi đang bắt đầu nghĩ rằng có thể hắn chính là đối tượng của toàn bộ việc trao đổi tù binh này. Và có thể Việt Cộng chờ cho tới lúc này mới đòi hỏi tới hắn để giả bộ hạ thấp tầm quan trọng của hắn. Suốt mười hai tháng qua, hắn không nói một tiếng. Nhưng chúng tôi biết chắc chắn, một cách tuyệt đối, rằng hắn là một tên Hà Nội cao cấp nhất từ trước tới nay đang nằm trong tay của chúng tôi.
- Vậy tại sao chú kể hết chuyện đó cho tôi nghe?
- Vì đêm qua, sau khi xuất hiện tên của Mark, bỗng dưng tôi giật nảy người — anh có thể biết rất rõ một điều mà không một người Mỹ nào ở Sài Gòn này biết.
- Điều gì vậy?
- Trong thời kỳ hoạt động phản gián cho OSS, anh từng sống quanh quẩn nơi rừng núi Bắc kỳ suốt mấy tuần lễ với một nửa các Ủy viên Bộ Chính Trị hiện nay, đúng không?
Joseph thận trọng ïgật đầu. Guy tiếp:
- Tôi nghĩ khi nhìn “người trong phòng trắng” anh có thể biết ngay hắn là ai. Hắn có thể là một trong các người bạn cố cựu của anh. Việc xác định ra hắn sẽ giúp chúng tôi lượng giá được cuộc trao đổi tù binh này.
Nói tới đây, từ phía sau bàn giấy, Guy đứng bật dậy:
- Tôi thấy là mình có thể tới đó ngó qua hắn một chút.