Vị khách xuất hiện kế tiếp bên giường bệnh của Joseph năm ngày sau là người anh chưa từng quen biết, một đại tá tóc đỏ tuổi mới ngoài bốn mươi. Ông cho quây quanh giường bệnh một vòng bình phong che chắn cẩn mật rồi đưa mắt nửa đùa nửa thật, ngó chằm chặp những lằn mực nguệch ngoạc trên lớp bột bó chân Joseph.
Sau khi ngó đã đời, ông nhăn nhó cười gằn và chìa bàn tay:
- Đại úy này, khi cái chân khỏi hẳn, anh nên giữ lại phần bó bột này, đưa cho viện bảo tàng quân đội. Nó là bằng chứng tuyệt vời giúp các thế hệ mai sau biết rõ những ám ảnh tình dục của người lính Mỹ bình thường trong thế kỷ hai mươi. Tôi là đại tá John Trench. Anh không biết tôi, còn tôi, tôi biết nhiều về anh - hầu hết qua ông bạn già người An Nam của anh. Ông ta nói với tôi rằng ông đã thật sự lết từ Bắc kỳ tới đây bằng cả hai chân lẫn hai tay.
Joseph cười thú vị:
- Đại tá gặp ông ấy ở đâu vậy?
- Kẻ thích tự xưng là C.M. Hoo đó mấy tháng nay thường lui tới phòng đọc sách của Cơ Quan Thông Tin Chiến Sự. Mãi cho tới lúc tướng Chennault chuyển cho tôi mảnh giấy của anh viết về ông ta, chúng tôi vẫn thường đem chuyện ông ra đùa giỡn, cho rằng ông là một thứ người An Nam quái đản cứ thích vẽ vời nói đi nói lại chuyện cứu phi công Mỹ nơi rừng sâu núi thẳm. Nhưng khi bọn Nhật thình lình phong tỏa Đông Dương, ngay sau hôm chúng tôi thấy mảnh giấy của anh, chúng tôi lật đật chạy tới tiệm làm đèn cầy được anh ghi trong giấy. Và chúng tôi trò chuyện với ông ta rất lâu.
Ngừng một chút, viên đại tá nhướng cặp lông mày dò hỏi:
- Đại úy có theo dõi tin tức không?
Joseph gật đầu. Suốt ba ngày nay, các bản tin loan qua đài phát thanh đều tường thuật đầy đủ chi tiết việc Nhật bất thần đảo chánh Pháp tại Đông Dương. Vào ngày 9 tháng Ba, lực lượng Nhật gồm sáu mươi ngàn lính thiện chiến tấn công các binh đoàn thuộc địa có quân số tổng cộng chỉ bằng một nửa. Tất cả các cơ sở chính quyền, đài phát thanh, xưởng máy và ngân hàng đều bị chiếm đóng. Quân Pháp tại Sài Gòn, Huế và Hà Nội có kháng cự lẻ tẻ nhưng bị dập tắt ngay. Hết thảy binh lính Pháp, sĩ quan và hàng trăm công chức cao cấp đều bị nhốt trong các doanh trại và các trại tập trung đặc biệt. Vài đơn vị Pháp bỏ trốn. Và theo các bản tin mới nhất, phần đoạn hậu của các đơn vị ấy vẫn chống trả vô vọng với quân Nhật trên đường rút sang Lào.
Joseph hỏi:
- Đại tá nghĩ lý do nào khiến Tokyo đột nhiên trở mặt với Pháp lẹ như vậy?
- Chưa biết ra sao nhưng theo tôi, có vẻ như thể bọn Nhật nghĩ rằng lúc này Chú Sam sẵn sàng đổ bộ vào bất cứ lúc nào lên bờ biển Đông Dương dài trên ba ngàn hai trăm cây số. Có lẽ bọn Nhật cho rằng người Pháp cũng đang sẵn sàng đá vào đít chúng.
- Và cái gì gợi cho họ có ý tưởng đó?
Viên đại tá lại nhăn mặt cười, tỏ dấu hoài nghi:
- Sau năm năm hợp tác chặt chẽ với bọn lùn da vàng, nay người Pháp khá nóng ruột. Họ muốn quất roi ngựa để tỏ ra rằng từ đầu chí cuối họ vẫn là kẻ trung thành và ủng hộ Nước Pháp Tự Do của De Gaulle. Kể từ lúc Paris được giải phóng, khắp Đông Dương họ dán hình De Gaulle lên vách tường và vẽ lung tung các khẩu hiệu ủng hộ Nước Pháp Tự Do trên mọi đường phố.
- Nhưng phải chăng chúng ta đang có dự tính đổ bộ lên Đông Dương?
Trong một chốc viên đại tá đưa mắt ngó xuyên qua các tấm bình phong quây chung quanh giường bệnh rồi thấp giọng:
- Đại úy ạ, nếu nước Mỹ có tính tới chuyện đó thì cũng chẳng ai bỏ công nói cho tôi hoặc cho bất cứ nhân viên nào trong bộ phận Tình báo Đặc Biệt ở Côn Minh này biết.
Ông lại toét miệng cười với Joseph khi buột miệng nhắc tới Cục Công tác Chiến lược OSS (Office of Strategic Services). Là phi công, Joseph biết rất ít về vai trò của OSS tại Trung Hoa. Anh cho rằng các phái viên cải trang của OSS đang tổ chức những toán kháng chiến tại bất cứ địa điểm nào có thể, ở đằng sau phòng tuyến của Nhật, đúng theo loại hoạt động thông thường của OSS. Và ngoài những công tác ấy, các hoạt động khác của cơ quan đó được bảo mật tối đa.
Joseph vừa nói vừa thăm dò thật kỹ vẻ mặt của viên đại tá tình báo:
- Ông Hồ có nói với tôi rằng OSS không để ý mấy chút tới ông ấy hoặc tới Đông Dương. Ông ấy nói rằng quí vị quá băn khoăn về những liên hệ có thể dính dáng tới cộng sản - và quí vị không cứu xét việc đưa vũ khí hoặc đồ thiết bị cho nhóm của ông ấy vì ngại rằng họ sẽ dùng chúng để chống lại người Pháp, đồng minh của chúng ta.
Trench gật đầu:
- Đúng vậy đó đại úy, nhưng chỉ đúng cách đây một tuần thôi.
- Vậy cái gì làm quí vị đổi ý?
- Cuộc đảo chánh của Nhật ở Đông Dương! Nguồn tin tình báo chìm đang dồi dào bỗng tắt tịt như có tay ai khoá vòi nước. Thình lình chúng tôi chẳng nhận được chút tin tức nào về những gì mình cần biết như mục tiêu dội bom, căn cứ phòng không, những vụ chuyển quân... Với hơn sáu chục ngàn lính Nhật đang trụ chân sau, chồm người tới trước trong tư thế ứng chiến ở đồng bằng châu thổ thì điểm nổi bật lúc này là mạn ngược thượng du. Ngày nào cũng phải tăng thêm các cuộc oanh kích, và giờ đây bộ chỉ huy OSS ở Trùng Khánh ra mệnh lệnh ưu tiên số một: “Hãy thiết lập lẹ lên một loại hệ thống tình báo khốn kiếp nào đó ở miệt dưới đó.” Vì thế chúng tôi tuyển mộ ông Hoo bạn anh làm một trong các cụm tiểu tổ tình báo của chúng ta. Mã danh công tác của ông ta là “Lucius”. Tối nay, chúng tôi sẽ cho máy bay chở ông ta về biên giới với một máy truyền tin thu phát hai chiều và một chuyên viên điện đài người Mỹ gốc Hoa. Nếu ông ta có một tổ chức chính trị gồm mấy trăm người rãi khắp Bắc kỳ như anh nói và biết điều động hợp lý, hẳn ông ta có khả năng cung cấp những tin tức tình báo chúng ta đang cần.
Cười thật tươi, viên đại tá đột nhiên tì người vào thành giường bệnh, đưa ngón tay trỏ gõ nhè nhẹ lên ngực Joseph:
- Và đó chính là địa điểm đại úy Joseph T. Sherman, cựu phi công Không đoàn Mười Bốn Hoa Kỳ, sẽ được biệt phái tới - để giúp xử lý công tác. Cho tới khi ông già An Nam ấy mở mắt cho chúng tôi, không ai ở đây nhận ra rằng chúng ta đang sử dụng một người am hiểu lịch sử Á Đông, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Tàu để làm phi công dội bom và nã súng vào bọn Nhật. Rồi khi đọc lý lịch của anh và biết ra rằng anh có xuất bản một cuốn sách mỏng về người An Nam, tôi vội vàng chạy tới gặp Đại Bàng của Phi Hổ để xớt anh cho các chiến dịch của OSS tại Đông Dương. Ông ấy giao tôi quyền thuyết phục anh cho tới khi nào anh gật đầu thì thôi. Anh nói gì, đại úy?
Joseph cảm thấy hốt nhiên ở đâu đó sâu trong lòng mình vang lên rộn ràng những tiếng đập háo hức:
- Thưa đại tá, chính xác ông muốn đề nghị tôi làm loại công tác nào?
- Bắt đầu với việc tiến hành nghiên cứu và phân tích tin tức dự trữ tại Côn Minh. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thả người nhảy dù xuống Bắc kỳ.
Ngừng nói, ông gật gật đầu nhìn xuống chỗ chân bó bột của Joseph:
- Khi anh bỏ hẳn được cái bộ sưu tập loằng ngoằng những nét vẽ này, có thể chúng tôi sẽ phái anh tới đó với một toán đầy đủ nhân viên để anh vùng vẩy ngang dọc khắp chốn núi cao rừng sâu đó. Có thể là tổ chức huấn luyện và phá hoại kiểu biệt kích. Ông bạn già An Nam của anh ca ngợi anh hết lời. Ông ta coi anh là Người Số Một và nói sẽ rất vui mừng được sớm nghênh đón anh ở chốn đồi núi đó. Anh thấy việc đó có hấp dẫn không?
Joseph bật cười, đáp lại:
- Ăn đạn dưới đất có thể là một thay đổi đáng hoan nghênh hơn ăn đạn trên trời, lúc này tôi chỉ nghĩ thế thôi.
Đại tá Trench cười theo, vỗ vai Joseph:
- Tốt. Anh có thể chống nạng đi tập tểnh được rồi phải không? Trước lúc ông Hoo lên đường, tôi có sắp xếp cho anh đi với ông ta chiều nay đến gặp thiếu tướng. Tôi cũng sẽ có mặt tại đó.
Trong khi viên đại tá OSS khởi sự dọn dẹp các tấm bình phong chung quanh giường bệnh, Joseph nói thật lẹ:
- Tôi có một điều kiện tối hậu.
- Điều kiện gì?
- Tôi cần nửa tá súng Colt .45 còn nguyên xi trong bao bì với một hoặc hai thùng đạn - và cần ngay hôm nay.
Cặp lông mày của Trench nhướng nhướng trêu chọc:
- Đại úy ạ, chuyện vùng vẫy dọc ngang là để cho về sau. Người trong tình trạng như anh lúc này muốn ba cái thứ đó để làm gì chớ?
- Tôi muốn làm quà tặng cho ông Hồ bạn già của chúng ta - như một loại đền đáp riêng tư của Phi đội 308.
Với vẻ mặt cực kỳ trầm trọng Trench làm bộ cứu xét lời thỉnh cầu của Joseph rồi nói:
- Thôi đành vậy, đại úy, tôi thua anh. Nhưng về phần anh, anh phải ra sức bảo đảm rằng trước khi cuộc chiến này chấm dứt, sáu khẩu Colt đó đáng giá với công tác của OSS.
Chiều hôm đó cả ba người bị giữ ngồi chờ bên ngoài phòng làm việc của tướng Chennault nửa tiếng đồng hồ trong lúc các sĩ quan Mỹ và Hoa với vẻ mặt khẩn trương, tất bật ra vào hội ý cấp tốc với vị tư lệnh của mình. Nơi phòng khách, người An Nam chào hỏi Joseph bằng cái bắt tay nồng nhiệt và nụ cười rạng rỡ như thường lệ. Joseph để ý thấy vào dịp này chiếc áo bốn túi bạc màu của ông được mạng và ủi thẳng nếp. Đại tá Trench khi vào có xách theo một xắc-cốt kéo phẹc-mơ-tuya lên kín miệng. Ông nháy nhó làm bộ làm tịch về hướng Joseph rồi đặt xắc-cốt xuống sát chân ghế mình ngồi.
Dù vách tường thuộc loại cách âm người ngồi trong phòng vẫn nghe vọng vào tiếng gầm rú của máy bay cất cánh và hạ cánh nơi phi đạo bên ngoài. Cuối cùng, cả ba được đưa vào văn phòng của Chennault. Họ thấy vị tướng tư lệnh đang ngồi làm việc đằng sau chiếc bàn to tướng với giấy má bề bộn trên mặt bàn. Sát bức vách sau lưng ông, cắm lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Mé trên túi áo ngực bên trái của chiếc áo khoác nhà binh lấp lánh ba dãy tua huy chương sáng loáng.
Chennault lập tức đứng dậy, chìa bàn tay chào đón người An Nam, và nói nhã nhặn:
- Mừng được gặp ông, ông Hoo ạ. Đây là cơ hội cho tôi được nói lời cám ơn cách riêng của mình về việc cứu thoát một trong các phi công xuất sắc nhất của tôi.
Trên bộ mặt khoằm khoặm của vị tướng nhá lên một nụ cười. Nhưng thái độ của ông vẫn trầm ngâm như thể tâm trí đang phân vân cân nhắc làm cách nào mưu trí nhất để sử dụng số nhân sự, súng ống và đồ tiếp liệu hữu hạn trong tay mình mà đánh bại quân Nhật.
Người An Nam nghiêng đầu đầy vẻ tôn kính:
- Thưa thiếu tướng, chính tôi mới là kẻ được đặc ân cực độ. Chưa bao giờ tôi dám có ý nghĩ rằng mình có đủ may mắn được bắt tay một chiến binh Hoa Kỳ lừng danh như thế này. Tôi ngưỡng mộ thiếu tướng từ nhiều năm nay, ngay từ thuở số lượng các “Phi Hổ” tình nguyện chưa được bao nhiêu người, ông đã cùng họ dũng cảm đánh đuổi các oanh tạc cơ của Nhật ra khỏi bầu trời đầy mây đen vần vũ trên các thành phố Trung Hoa.
Lối nói tiếng Anh văn vẻ không ngờ của vị khách mặc quần áo tồi tàn và sự nồng ấm chân tình trong lời lẽ của khách lập tức khiến bộ mặt của vị tướng Mỹ bừng nở thật tươi một nụ cười thú vị và khoáng đạt. Ông lật đật kéo ghế, ra đứng hẳn một bên bàn giấy và trả lời một cách sảng khoái:
- Thưa ông, tôi xin cám ơn lời khen ngợi đầy thiện ý của ông. Tôi ngạc nhiên khi thấy nơi xứ sở của ông lại có người biết tới những chuyện như thế.
Liếc thật lẹ tấm bản đồ Trung Hoa và Đông Nam Á trên vách phía sau người Mỹ, Hồ Chí Minh nhìn thẳng vào mắt vị tướng, miệng mỉm cười:
- Thưa thiếu tướng, hầu như khắp Á Đông không ai không nghe nói tới một con người đã và đang chứng tỏ mình là trở ngại độc nhất và lớn nhất cho cuộc xâm lăng Trung Hoa của bọn Nhật. Nay gặp thiếu tướng tôi mới hiểu tại sao một số phi công dưới quyền ông đã nói về ông như là “kẻ thân cận nhất của Chúa mà tới nay người ta mới biết.”
Mọi người Mỹ có mặt đều bật cười hể hả và thân thiện trước việc Hồ Chí Minh sử dụng tinh tế tiếng mẹ đẻ của họ. Và khi một nữ thư ký xinh đẹp trong bộ quân phục ka-ki bưng vào các tách trà có đậy nắp theo kiểu Tàu, cả chủ lẫn khách cùng ngồi xuống, trò chuyện bông đùa tở mở về việc cứu thoát Joseph và chuyến trở về Côn Minh đầy kinh ngạc của anh.
Họ cũng đề cập tới khả năng giải cứu phi công trong tương lai. Nhưng người An Nam giữ đúng lời khuyến cáo của đại tá Trench, thận trọng né tránh những ngõ ngách có thể dẫn tới việc thảo luận về chính trị. Khi viên đại tá OSS thấy Chennault liếc đồng ho, ông liền đứng dậy tỏ dấu rằng đã tới lúc từ giã.
Thêm lần nữa Hồ Chí Minh mỉm cười duyên dáng và nói:
- Thưa thiếu tướng, tôi xin hạ mình cám ơn ông đã bỏ chút thì giờ tiếp kiến tôi. Nhưng trước khi ra về liệu tôi có thể xin ông một chút đặc ân không ạ?
Chennault nôn nóng ngó xấp giấy tờ thư ký vừa đặt lên bàn trước mặt ông và lơ đãng gật đầu. Hồ Chí Minh nói thêm thật nhanh:
- Thưa thiếu tướng, đây chỉ là lời thỉnh cầu có vẻ như của một học sinh đang trên ghế nhà trường. Nhưng tôi muốn có một vật kỷ niệm lần được diện kiến ông hôm nay. Khi kể lại với kẻ khác việc mình từng gặp người Mỹ đã xây dựng Phi Hổ thành một lực lượng không quân vũ bão và hiện đại, tôi muốn mình có thể trưng ra cho họ thấy một tấm ảnh của thiếu tướng.
Chennault mỉm cười nhẹ nhỏm với một chút ngượng nghịu. Ông ra hiệu thư ký mang tới chiếc cặp hồ sơ trong đó đựng một xấp ảnh giấy láng. Khi cầm tấm ảnh từ nữ thư ký trao, Hồ Chí Minh bước tới bàn giấy, đặt tấm ảnh lên tờ giấy thấm:
- Và thưa thiếu tướng, nếu ông vui lòng ký tặng thì thật hân hạnh gấp bội cho tôi.
Chennault mở nắp bút máy, viết nguệch ngoạc ngay phía dưới tấm ảnh: “Người bạn chân thành - Claire L. Chennault”, và trao lại cho người An Nam. Xong, ông nói với giọng dứt điểm:
- Ông Hoo ạ, nắm vững công tác nhé.
Khi các vị khách theo nhau chưa bước ra khỏi văn phòng, ông đã quay trở lại với đống hồ sơ của mình.
Ở phòng đợi bên ngoài, Joseph trao chiếc xắc-cốt đựng sáu khẩu Colt .45 và một ngàn viên đạn cho Hồ Chí Minh. Bộ mặt của người An Nam sáng lên rạng rỡ với vẻ biết ơn. Ông siết chặt tay Joseph bằng cả hai bàn tay mình và nói:
- Đại úy Sherman ạ, anh trả cho tôi gấp bao nhiêu lần cái việc nhỏ nhoi tôi đã làm cho anh. Đại tá Trench có nói với tôi rằng tôi có thể hi vọng một ngày nào đó sẽ được gặp lại anh khi anh hoàn toàn bình phục. Tôi vô cùng sung sướng trông mong mau tới ngày ấy.
Hai giờ sau, chiếc máy bay chuồn chuồn nhỏ L-5, loại có thể đáp xuống chỗ đất trống và hẹp trong rừng, cất cánh rời Côn Minh bay về phương nam, vượt qua vùng đồi vòng đai xanh của thành phố Tĩnh Tây, mang theo “C.M Hoo”, một máy truyền tin hai chiều của OSS và một kỹ thuật viên điện đài người Mỹ gốc Hoa.
Khi máy bay vừa đáp xuống, cả hai hành khách liền thay quần áo kiểu dân Nùng sơn cước, giả dạng làm kẻ buôn lậu vùng biên giới và lao mình vào cơn mưa, lội bộ xuyên qua bóng đêm tìm đường về Bắc kỳ. Người Mỹ gốc Hoa đeo chiếc ba lô to tướng chứa cơ phận máy truyền tin, còn người An Nam gầy gò tự mình vác xắc-cốt đựng những chiến lợi phẩm quí báu, biểu hiện cho sự sở đắc đầy mưu trí lập trường ủng hộ của Hoa Kỳ: mấy khẩu súng lục còn nguyên si trong bao và tấm ảnh có chữ ký của Chennault.
Vì kể từ ngày đảo chánh, Tokyo đặt các sư đoàn Nhật tại Đông Dương trong tình trạng báo động biên phòng suốt ngày suốt đêm nên cả hai buộc lòng đêm đi ngày núp, làm chuyến trở về Pắc Bó phải mất gần hai tuần lễ. Nhưng kể từ khi đặt xong máy truyền tin, những tin tức tình báo nhanh nhạy và chính xác về các mục tiêu quân sự và các cuộc chuyển quân của Nhật bắt đầu được chuyển dồi dào về Côn Minh và được mau lẹ phân phối cho các đồng minh của Mỹ.
Hai tháng sau, đại úy Joseph Sherman hoàn toàn bình phục. Vào lúc anh được chính thức thuyên chuyển từ Phi đội 308 sang văn phòng của bộ chỉ huy OSS tại Côn Minh, các máy truyền tin, vũ khí và đồ tiếp liệu được thả dù đều đặn xuống rừng già Bắc kỳ. Đồng thời phái viên người An Nam, mã danh “Lucius”, kẻ tự xưng là Hồ Chí Minh, trở thành đầu não của một trong những mạng lưới tình báo quân sự hữu hiệu nhất của Mỹ tại Á Đông.