Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> TRĂNG HUYẾT

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 102289 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TRĂNG HUYẾT
ANTHONY GREY & NGUYỄN ƯỚC

- 6 -

Khi Naomi vừa lên đường đi Sài Gòn để theo dõi cuộc nam tiến lộ liễu và ào ạt của mười tám sư đoàn quân Hà Nội, Joseph lui về ngôi nhà nơi trang trại của hai vợ chồngï tại miệt Đông Sussex, cách Luân Đôn một trăm cây số mạn nam. Ở đó, bao quanh với những ngọn đồi xanh biếc chập chùng vùng South Downs, Joseph cố gắng bắt tay viết cuốn sách. Nhưng hết ngày này sang ngày nọ, anh cảm thấy tin tức của Sài Gòn làm mình không tập trung nổi trí óc.
Naomi rời Luân Đôn mới được bốn mươi tám tiếng đồng hồ, quân đội Cộng Sản đã tràn vào Qui Nhơn, Nha Trang và Đà Lạt mà chỉ gặp sức kháng cự yếu ớt của lực lượng quân chính phủ đang tan rã tinh thần. Tin tức dồn dập về những chiếc xà-lan chở người Việt chạy loạn từ Đà Nẵng vào Cam Ranh rồi kẹt lại đó sau gần một tuần lễ lênh đênh trên biển với nhiều người chết vì bệnh tật, đói khát và giành giật nhau trên tàu. Tuyến đường từ Đà Lạt xuống Sài Gòn bị quân Bắc Việt cắt ở Định Quán, vùng đất gia đình Joseph săn bắn thuở nào. Hằng trăm chiếc xe di tản phải quay về Đức Trọng chạy bọc sang ngả Phan Rang, nhập với hàng ngàn chiếc xe từ miền trung chạy vào để rồi mắc cạn tại Bình Tuy vì Bắc quân đã chiếm Rừng Lá, cắt ngang Quốc lộ Một. Joseph nhắm mắt lại khi bất chợt liên tưởng tới hình ảnh đàn bà và trẻ con trơ vơ giữa hàng chục ngàn người đang vật vã vì đói rét, bệnh tật và tuyệt vọng, trong đó có hàng ngàn thanh niên có súng.
Trong khi lắng nghe từ máy phát thanh tin tức liệt kê tên thành phố này tới thành phố khác lần lượt thất thủ trước đà tiến công dồn dập của Bắc Việt, tâm trí Joseph tràn ngập những ký ức ngày cũ. Anh nhớ lại chuyến đi khắc khoải của mình, với Lan bên cạnh, trong chiếc xe díp của OSS năm 1945, lái không ngừng từ Sài Gòn ra phương bắc theo Quốc lộ Một lâu đời, chạy dọc ven bờ những bãi biển trắng xóa và đại dương xanh thẩm của Nha Trang và Qui Nhơn. Cuộc thất thủ Đà Lạt ngày 2 tháng Tư đẩy Joseph vào nỗi hoài cảm vừa ngọt ngào vừa cay đắng khi nhớ lại niềm hoan lạc anh cùng Lan chung hưởng tại khách sạn Lang-Biang Palace năm 1954. Và rồi kỷ niệm ấy tới lượt nó lại gợi lên những hồi tưởng tê dại về cái chết đau thương của nàng ngay trước mắt anh chỉ mấy tháng sau đó trên vĩa hè Sài Gòn, dưới mé tầng trệt khách sạn Continental.
Cuối cùng, càng nghĩ tưởng lòng Joseph càng âm u. Và chẳng mấy chốc tạo ra trong anh cảm giác ảm đạm cùng lo âu cho sự an toàn của Naomi từ đây cho đến ngày nàng trở về. Rồi cứ thế, anh mỗi lúc một khắc khoải trông ngóng từng cú điện thoại của vợ. Hàng tuần, nàng gọi điện cho anh đôi ba lần từ khách sạn Continental Palace nhưng những cú điện thoại ấy thường bị trì hoản, không đâu vào đâu. Và qua đường dây bị nhiễu, Naomi chỉ có thể kể rất ít tới những gì nàng thấy về cuộc đụng độ. Cuối cùng, Naomi tự giới hạn bằng những lời trấn an, lặp đi lặp lại rằng nàng an toàn và đang ở ngoài vùng nguy hiểm. Nhưng cùng với thời gian dần trôi, những cuộc điện đàm không nói được gì ấy thay vì làm Joseph an tâm lại khiến lòng anh thêm bồn chồn. Là phóng viên truyền hình, Naomi không thể tránh việc xông vào những nơi có giao tranh với toán chuyên viên thu hình và máy móc lỉnh kỉnh; càng kềng càng bao nhiêu khi di chuyển càng gặp nhiều nguy cơ bấy nhiêu. 
Tới cuối tuần lễ đầu tiên của tháng Tư, Cộng Sản siết chặt thòng lọng quân sự quanh Sài Gòn. Số quân chính phủ sẵn sàng ứng chiến còn chưa tới năm chục ngàn người. Họ phải đương đầu với khoảng ba trăm ngàn bộ đội Bắc Việt với mũi nhọn đã thọc tới Xuân Lộc, một thị trấn nằm cách thủ đô khoảng bảy mươi cây số. Có lẽ để nhắn nhe Hà Nội phải chầm chậm lại hoặc để làm động tác giả với Sài Gòn, Hoa Kỳ cho đưa tới Tân Sơn Nhứt loại bom CBU với khả năng giết hại mọi sinh linh trong đường kính mười ngàn thước. Đến mức ấy, Joseph thấy dường như chỉ còn một hy vọng duy nhất là có thể Hà Nội muốn điều đình, chấp nhận một thời khóa biểu nào đó của Hoa Kỳ để giảm thiểu mức tử trận và để quân đội của họ xuất hiện trên đường phố Sài Gòn như những chiến sĩ giải phóng chứ không phải là một đoàn quân xâm lược vào chiếm đóng. Hẳn Sài Gòn sẽ không phản đối một đề nghị điều đình như thế vì nó có thể vừa làm chậm lại tiến trình thất trận vừa đưa tới cơ may mong manh là thực hiện phần nào bản Hiệp định Paris về hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Joseph khắc khoải lắng nghe những tường thuật từ Washington về việc tổng thống Ford đang cố thuyết phục Quốc Hội rằng một tài khoản viện trợ quân sự 722 triệu Mỹ kim có thể cứu vãn Sài Gòn — nhưng rồi ngày tiếp ngày trôi qua, các nhà lập pháp ở Điện Capitol vẫn cứng như đá, quyết liệt bảo vệ quyền lực vừa được họ giành lại vào thời hậu “tổng thống đế chế” của Richard Nixon. Cuối cùng, ngày 17 tháng Tư, Quốc Hội quyết định dành phần thắng cho Cộng Sản và chờ giờ đưa Nam Việt Nam vào nhà quàng bằng cách chỉ chấp nhận ngân khoản di tản và cho phép Ford sử dụng quân đội để vận chuyển người Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Từ giờ này sang giờ khác, giữa vùng đồi phương Nam nước Anh, trong khi ngồi bên máy phát thanh lắng nghe tin tức về các biến cố dồn dập đầy tai ương ấy, Joseph lại càng không để được lòng mình vào công việc. Trời chưa rạng sáng, anh đã chỗi dậy, lái xe đi mấy cây số tới Chichester, thành phố có ngôi nhà thờ chính toà cổ, để mua ấn bản đặc biệt của các nhật báo ngay khi chúng vừa tới ga xe lửa. Trong khi chờ giờ đài phát thanh loan tin tức và những cú điện thoại của Naomi, anh quẫn trí, đi loanh quanh không yên qua các bãi tập ngựa hoặc những mảnh vườn cắt tỉa gọn gàng của cái trang trại vốn được lập lên từ thế kỷ mười tám.
Ngày 21 tháng Tư, Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương, một ông lão 74 tuổi, người Miền Nam, kiên cường và bệnh tật. Là một chính khách tiêu biểu cho đức tính bộc trực và khí phách của sĩ phu nam bộ, ông nhận chức tổng thống với lời thề tử thủ Sài Gòn, nơi ông từng là Đô trưởng. Ba mươi năm trước, khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp ở nam bộ, nhà giáo họ Trần ấy là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Tây Ninh rồi sau đó tự động rời bỏ hàng ngũ Việt Minh. Trong diễn văn bàn giao, Nguyễn Văn Thiệu dõng dạc tuyên bố rằng mình từ chức nhưng không đào ngũ và hứa hẹn rằng sẽ sát cánh với quân dân Miền Nam trong bất cứ công tác nào cần thiết cho việc bảo vệ quốc gia. Lối nói chữa thẹn đó của một tổng tư lệnh quân đội từ nhiệm như một báo hiệu đã tới thời điểm sắp sửa kết thúc cuộc chiến. Joseph bắt đầu đi dạo lâu hơn bên ngoài trang trại, thờ thẩn tản bộ khắp vùng đồi chung quanh và không để ý tới những lộc non đang lốm đốm xanh cành cây bên trên đầu mình hay vừa nhú lên khỏi mặt đất quanh chân mình.  Lúc này, với bộ mặt rám nắng không bao giờ xua tan nổi những nếp nhăn mỗi lúc một hằn sâu và lòng càng lúc càng thêm khắc khoải, Joseph đi hai vai lệch hẳn với bước chân hụt hẩng của một người lãng đãng bởi những biến cố nằm bên kia tầm kiểm soát của mình.
 
Joseph không biết rằng cũng đúng vào những ngày ấy, tại Hà Nội, một nơi cách nước Anh hàng chục ngàn cây số, anh ruột của người thiếu nữ bốn mươi năm trước đã biến linh hồn anh thành một con tin lao đao theo vận nước Việt Nam, cũng đang chịu những hội chứng khắc khoải chẳng kém anh chút nào. 
Trong khi Joseph hàng ngày đi lang thang trong miền South Downs, Trần Văn Kim bước bồn chồn quanh quẩn trên sàn nhà không lót thảm của một trong những văn phòng trang bị sơ sài dành riêng cho ủy viên Bộ Chính trị tại Trụ sở Trung ương Đảng Lao Động. Cơn khắc khoải của Kim cũng do bởi các biến cố thời cuộc tạo nên nhưng điều làm anh lo ngại chính là sự an nguy của bản thân.
Chỉ dần dà Kim mới nhận ra rằng sự nghiệp của mình đang tiêu tán, thậm chí có thể mất luôn tính mạng. Những cuộc trao đổi ý kiến suốt ngày suốt đêm và hội họp như điên theo sau thắng lợi bất ngờ của chiến dịch Hồ Chí Minh vào cuối tháng Ba và đầu tháng Tư làm mọi người kiệt sức. Vì thế, thoạt tiên Kim không để ý tới các dấu hiệu cảnh báo. Kim đã tham dự từ đầu tất cả những cuộc thảo luận. Với kinh nghiệm có được nhờ sự dìu dắt lâu ngày của người thầy điêu luyện và lão thành Hồ Chí Minh, kẻ đã qua đời đầu tháng Chín năm 1969, anh thận trọng không hoàn toàn gắn bó mình vào một trong hai quan điểm cực đoan đang nhanh chóng lập thành hai đối cực trong Bộ Chính trị.
Nhờ viện trợ vũ khí ồ ạt của Liên Sô vào cuối năm 1974, đầu năm nay, Bộ Chính trị dự kiến phát động mặt trận cao nguyên để chuẩn bị thời cơ đánh lớn vào 1976 là năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sang năm 1977 sẽ đánh mạnh hơn để hoàn tất công cuộc giải phóng Miền Nam trong vài ba năm sau. Thế rồi đột nhiên kể từ giữa tháng Ba, xảy tới sự kiện Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút khỏi cao nguyên, ra lệnh bỏ Huế Đà Nẵng và rồi quân đội Miền Nam rút chạy tán loạn khỏi các tỉnh duyên hải miền trung.
 Một số ủy viên khác thấy tình hình xoay đổi quá nhanh, sợ rằng đây có thể là bẫy rập của Hoa Kỳ; việc trắng trợn xé bỏ Hiệp định Paris sẽ làm cho Hoa Kỳ có cớ hủy lời cam kết góp phần tái thiết Miền Bắc; và một Việt Nam thống nhất quá sớm có thể đưa tới những gay gắt trong quan hệ chính trị với Bắc Kinh, vô tình tự biến mình thành một loại tiền đồn miễn phí cho phương tây, nghĩa là thay thế vai trò đầy tốn kém của Việt Nam Cộïng Hoà từ hơn hai chục năm nay. Họ đề nghị phải thận trọng cân nhắc các tín hiệu đang cho thấy Trung Quốc và Pháp sẵn sàng thay chân Mỹ để can thiệp nhằm thiết lập một chế độ trung lập tại Miền Nam.
Một số ủy viên muốn lợi dụng thời cơ có một không hai này, thừa thắng xốc tới, mạo hiểm lập tức và dốc toàn lực tràn vào Sài Gòn để tiến tới thống nhất đất nước; từ đó chi phối hoàn toàn Cambodia và Lào, làm thành một vùng đất do Việt Nam chủ động và đối trọng trong tình hình chính trị và quân sự tại khu vực Đông Nam Á; và thực hiện giấc mơ từ bốn mươi lăm năm nay của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Đông Dương. Điển hình cho lập trường này là Lê Duẫn và Lê Đức Thọ. Theo hai nhân vật quyền uy nhất Bộ Chính trị từ mười lăm năm nay thì Trung Quốc nay thuộc bọn xét lại, đã biến thể và phản bội nghĩa vụ giải phóng nhân loại của chủ nghĩa Mác-Lênin. Như thế, nếu có việc Trung Quốc nhúng tay vào Việt Nam, Bắc Kinh sẽ bị Hà Nội xem là thù nghịch. Còn Pháp, với tính cách Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ gọi điện nói thẳng vào mặt Đại sứ Pháp ở Sài Gòn rằng nếu nhà ngoại giao ấy còn tiếp tay với Trung Quốc và các thế lực ngoại bang khác ngăn cản đà chiến thắng đế quốc Mỹ ở Miền Nam, thì chỉ 24 giờ sau khi quân Cộng Sản đặt chân vào Sài Gòn, Thọ sẽ tới ngay sứ quán Pháp, trục xuất ông ta ra khỏi Việt Nam, bất chấp những gì Pháp đã giúp đỡ trước đây trong cuộc hòa đàm Paris.
Gần ba mươi năm ở địa vị chóp bu của đảng, Kim thấy nhiều và biết nhiều, đồng thời cũng nhận ra mình ngày càng mắc kẹt trong một guồng máy gồm những kẻ miệng nói thân thương Miền Nam mà bụng dạ rất đa nghi người Miền Nam. Họ đặc biệt phân biệt đối xử những thành phần chưa từng bị tù ở Côn Lôn hoặc đã theo học Học viện Thợ thuyền Đông Phương tại Mát-cơ-va, trong đó có Dương Bạch Mai, kẻ bị đột tử mười năm trước ngay tại trụ sở Quốc Hội. Còn kẻ học ở Nga duy nhất còn sống là Trần Văn Giàu thì mấy chục năm nay ở trong sự ghẻ lạnh. Trong Bộ Chính trị chỉ còn độc nhất Trần Văn Kim là người Miền Nam nên khi thấy con số ngang bằng của các ủy viên theo hai quan điểm vừa kể, Kim chỉ lựa lời tán dương và bổ khuyết cho cả hai, không ủng hộ bên nào nhiều hơn bên nào. Vì quá tự tin vào tính tập đoàn của Bộ Chính Trị và cho rằng mình đang chọn một thái độ khôn ngoan nhất nên Kim không để ý tới sự kiện anh chưa hề được yêu cầu đưa ra lời tuyên bố dứt khoát về quan điểm của cá nhân mình. Chỉ cách đây mấy ngày, anh mới nhận ra mình không mảy may được yêu cầu phát biểu ý kiến.
Sau chiến thắng của Khơ me Đỏ tại Cambodia và việc từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, nhịp độ cuộc họp ngày càng tăng và cực kỳ khẩn trương. Suốt ngày suốt đêm, các hành lang của Trụ sở Trung ương Đảng lúc nào cũng tấp nập những viên chức mặc áo đại cán cổ cao, tất bật cầm từng chồng giấy tờ tối mật, hối hả lao từ cuộc họp này sang cuộc họp khác. Và chính ngay lúc đó, khi lịch trình dự họp dành cho mình đột nhiên thưa hẳn, Kim mới bắt đầu cảm thấy đau nhói và sợ hãi tới điếng người như bị ai đâm: anh đang bị loại trừ hoàn toàn khỏi mọi cuộc họp thượng đỉnh về chính sách sau này sẽ được áp dụng ở Miền Nam — và sự kiện đó chỉ có một ý nghĩa duy nhất!
Bị liên tục bỏ cho ngồi chơi xơi nước hết giờ này sang giờ khác trong phòng làm việc của mình, Kim khởi sự gấp rút lục lọi ký ức để tìm cho ra một lỗi lầm nào đó mà mình vô ý phạm phải. Mối quan hệ của anh đối với Hồ Chí Minh thì có tính cách thân tình và mật thiết suốt hơn ba mươi năm; anh lúc nào cũng biết rằng chính sự việc đó, trên tất cả mọi sự việc khác, giúp cho anh có được một chỗ ngồi trong Bộ Chính trị. Ngay từ những năm đầu thập niên sáu mươi, khi Hồ Chí Minh bị Trường Chinh rồi Lê Duẫn và Lê Đức Thọ lấn lướt, và nhất là vào những năm tiếp theo sau cái chết của vị lãnh tụ ấy, Kim đã lường trước tình trạng ảnh hưởng của mình sẽ bị suy giảm dần. Nhưng anh luôn luôn cảm thấy tự tin rằng uy tín và sự am hiểu các sự vụ của đảng mà anh sở đắc trong ba thập niên làm người thân cận với Bác Hồ và quá trình tham gia cách mạng suốt bốn chục năm nay từ nam chí bắc đủ đảm bảo cho địa vị của mình, và hơn nữa, đảng cần sự hiện điện của một cán bộ chóp bu Miền Nam. Bằng chứng hôm lễ ký kết bản Hiệp định Paris, Lê Đức Thọ đòi hỏi phải có anh ngồi bên cạnh. 
Kim cũng đã nhiều lần tự hỏi rằng biết đâu vì trình độ trí thức của anh cộng với số lượng thời gian anh được Bác Hồ cực kỳ tin tưởng là nguyên nhân ganh tị của một số ủy viên trong Bộ Chính Trị. Trước hết là Võ Nguyên Giáp, người thường bị Kim xem là đã được đảng vì nhu cầu chính trị, đánh bóng anh ta lên hàng đại danh tướng, vượt quá năng lực và khí phách thật sự. Võ Nguyên Giáp cũng cảm nhận được Kim đánh giá mình ngang mức nào, và vì thế, có thể nọc độc tị hiềm mưng mủ lâu năm giờ đây mới phát tán. Nhưng nếu sự thể này hoàn toàn xuất xứ từ Võ Nguyên Giáp thì hẳn không trầm trọng lắm vì hiện nay, ngoài vai trò cố vấn quân sự, Giáp chỉ còn là nhân vật trình diễn của chế độ, không còn ảnh hưởng đáng kể lên cán cân quyền lực trong Bộ Chính trị.
Thứ đến và hiểm độc nhất là Lê Đức Thọ. Vào những năm bắt đầu thập niên bảy mươi này, Thọ không màng che giấu tính cách quyền thần với tham vọng muốn trở thành một nhân vật có uy danh nhất, không những tại Việt Nam mà còn trên toàn cõi Đông Dương. Khi đi loanh quanh trong văn phòng mình vào ngày đầu của hạ tuần tháng Tư năm 1975, Kim kết luận rằng mối đe dọa trực tiếp hầu như phát xuất từ vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng ấy, người đang gần như có toàn quyền đánh giá lẫn phân phối nhân sự của đảng và là người hình như mấy năm gần đây, có khuynh hướng muốn biến truyền thống chuyên chính tập đoàn của đảng thành chuyên chính của cá nhân như Mao Trạch Đông và Brezhnev.
Kim đã thử liên lạc gián tiếp với vài ủy viên trong bộ phận tổ chức đảng, những kẻ rất thân tình với anh trong quá khứ, để khám phá cho ra liệu mình có bị qui chụp là thông đồng với những kẻ khác trong một cuộc thanh trừng rộng lớn nào đó hay không. Nhưng tất cả những kẻ ấy đều lạnh lùng nhún vai. Và như thế, xác nhận những e ngại tệ hại nhất của Kim — anh cô đơn, anh bị vứt bỏ về mặt chính trị một cách đột ngột và không cắt nghĩa nổi.
Kim hầu như chẳng ăn chẳng ngủ được chút nào. Mãi tới sáng Thứ Ba ngày 21 tháng Tư, anh thở phào gần như nhẹ nhỏm khi nhận được giấy triệu tới văn phòng của người phụ trách bộ phận kiểm tra trong ban Tổ chức Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm vấn đề thẩm định kỷ luật nội bộ. Người đồng chí mặt mỏng và mắt đỏ kè ấy, kẻ thuở sinh thời của Hồ Chí Minh luôn luôn tỏ ra khúm núm tôn kính Trần Văn Kim, lúc này không đứng lên khi anh bước vào phòng làm việc của y, cũng chẳng mời anh ngồi. Thay vào đó, y phát biểu bằng giọng sắc và gọn, hai con mắt đầy gân máu chỉ nhìn xuống tờ giấy trên bàn:  - Đồng chí ạ, các ủy viên khác trong Bộ Chính trị của Đảng Lao Động vĩ đại và quang vinh đã chỉ thị tôi yêu cầu đồng chí làm sáng tỏ vấn đề. Như đồng chí biết đấy, đảng ta đang gần kề chiến thắng lịch sử mà sẽ làm cho nhân dân Miền Nam lần đầu tiên phục tùng sự kiểm soát của đảng, trong đó gồm hàng triệu đứa có nợ máu với nhân dân. Chúng là quân công cán chính của chế độ ngụy và gia đình họ hàng của chúng, từng làm tay sai cho thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Chúng là kẻ thù chủ chốt trong vô số kẻ thù khác của nhân dân, sản phẩm của một xã hội Miền Nam nô dịch, phản động và đồi trụy. Chúng cần được cải tạo để triệt tận gốc mọi mầm mống. Đây là giai đoạn đòi hỏi kỷ luật tự giác triệt để của hết thảy các đồng chí thuộc mọi cấp bộ. Trước mặt chúng ta đang có nhiều khó khăn lẫn nguy cơ. Và thật không dễ dàng gì khi ta thực hiện công tác cải tạo nhằm thay đổi đường lối tư duy của nhân dân Miền Nam, thậm chí một bộ phận cán bộ của cái từng được đảng gọi là Mặt trận Dân Tộc GPMN và mấy trí thức trong danh sách Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hoà bình. Bên cạnh đó còn có những tay trí thức tiểu tư sản thành thị lãng mạn cách mạng, từ mấy năm nay mưu tìm danh phận chính trị bằng việc tự xưng là thành phần thứ ba và đeo đuổi giấc mơ hoà giải hoà hợp không tưởng.
Y ngước mắt, nhìn vào cổ áo đại cán của Trần Văn Kim rồi cúi xuống đọc tiếp:
- Đảng đã quyết định, trước sau như một, rằng ngay sau khi Mỹ cút ngụy nhào, chúng ta lập tức tiến hành thống nhất Nam Bắc. Tiếp đó, từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chúng ta bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng nước Việt Nam theo con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, không thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Việc tiếp quản của cái từng được đảng gọi là Chính Phủ Cách mạng Lâm thời MNVN chỉ là hình thức quân quản tạm thời cho phù hợp với luật pháp quốc tế và để lấy chính danh nhằm hợp thức hoá một hội nghị hiệp thương nam bắc. Danh sách Liên minh DTDCVHB cùng với Mặt Trận GPMN sẽ được đảng cho lập tức hủy bỏ ngay khi đảng đặt chân vào Sài Gòn. Sau đó, mọi hội đoàn quần chúng và tôn giáo phải gia nhập và chịu sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc. Tiếp đó, các cán bộ quân sự lẫn chính trị trung cao và cao cấp từng bị Mỹ ngụy giam giữ và thẩm vấn, sẽ được đảng kiểm điểm và cho nghỉ hưu; đồng thời đảng điều trên năm trăm đoàn cán bộ từ bắc vào nam để giúp thành lập cơ quan và kềm cặp mọi ban ngành ở khắp các tỉnh huyện kết nghĩa. Ngay khi đảng đặt chân vào Sài Gòn, bọn phóng viên quốc tế còn nấn ná lại sẽ bị cô lập và cấm triệt để mọi hình thức thông tin ra nước ngoài. Tên Sài Gòn sẽ biến mất và thành phố thân thương ấy được vinh dự mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Kế đó, vấn đề cấp bách là khẩn trương tiến tới thống nhất đất nước và đặt mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động vĩ đại và quang vinh, vì e rằng để lâu thì đêm dài lắm mộng. Đồng chí thừa biết rằng kẻ nào phê bình hoạt động của nhà nước là tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng. Kẻ nào chống đối chủ trương đường lối của đảng là chống lại tổ quốc và dân tộc. Kẻ nào chống Đảng Lao Động tiên phong và bách chiến bách thắng là phản động phản quốc và là kẻ thù của nhân dân. 
Y dừng lại, gỡ kính đeo mắt. Sau khi nuốt ực một cái, y vói tay lấy bình thuốc lào, xoi xoi cọng thép, hất mạnh xái thuốc rồi vê một điếu cho lên nỏ. Y bật lửa, đốt đóm nhưng thay vì châm lên nỏ, không hiểu sao y lại thổi tắt đóm. Nuốt ực thêm một cái, y đeo kính vào, cầm tờ giấy lên, đọc tiếp. Lần này giọng y có vẻ sống động và hùng hồn:
- Thế mà vẫn có kẻ mơ tưởng hão huyền rằng sẽ duy trì hai Miền Nam bắc riêng biệt, tiếp tục giữ vĩ tuyến 17 làm ranh giới, với hai chính phủ hai thể chế khác nhau, để gọi là tôn trọng bản sắc của mỗi miền, thu hút tối đa viện trợ và đầu tư của hai khối đông và tây cho mỗi miền phát triển thịnh vượng rồi năm mười năm sau mới tính tới chuyện thống nhất! Thật là không tưởng và cực kỳ phá hoại. Tình hình phức tạp mới đó đưa tới nhiều nhiệm vụ cấp bách mới và nhiều biện pháp triệt để mới. Đã có sự nhất trí rằng vào thời điểm này, đảng không thể khoan hồng cho bất cứ kẻ nào đang ở cấp bậc cao mà thiếu sự hiến thân triệt để cho chính nghĩa của dân tộc. Còn nữa, cũng đã có sự nhất trí rằng bất cứ kẻ nào ăn ở hai lòng, phản bội các mục tiêu tối hậu của ta ở Miền Nam vì những trung thành riêng tư sai trái thì không được tin tưởng và phải bị loại trừ tức khắc!
Kim đăm đăm nhìn cái đầu đang cúi xuống của người cán bộ kiểm tra trong khi y đọc tất cả những lời đang nói đó với giọng gần như đều đều, chắc hẳn không sót, không thừa một chữ trong tờ giấy y cầm chặt trên tay. Bây giờ anh đã thấy khá rõ rằng mình được mời tới đây chỉ để tự mở miệng lên án mình nhưng anh không hiểu tại sao có chuyện đó. Kim nói với giọng bị xúc phạm:
- Tôi đã và đang dâng hiến trọn cuộc đời mình cho đảng. Tôi muốn biết mình bị tố cáo về vấn đề gì.
Không trả lời, người cán bộ đẩy tới mép bàn Kim đang đứng một bản báo cáo chữ đánh máy và hai bức ảnh kẹp vào đó. Kim cầm lên. Thoạt đầu anh không nhận ra ý nghĩa bức ảnh thứ nhất trong đó cho thấy một toà nhà ở Paris, tại góc đại lộ Léopold II và đường La Fontaine. Kế đó, trong bức ảnh thứ hai, anh nhận ra lưng của mình, đang bước vào cửa trước và ông anh Tâm chào đón. Tim đập thình thịch trong lồng ngực, Kim quay qua bản báo cáo và trong đó anh đọc thấy lời tường trình của nhân viên mật vụ về việc theo dõi anh khi anh tới Khu vực Mười sáu ở Paris.
Thả bản báo cáo rơi trên mặt bàn, Kim nói thì thào, hầu như không nghe rõ:
- Đó chỉ là chuyện gặp gỡ riêng tư giữa hai anh em ruột, không hơn không kém. Trong đó chẳng thảo luận chút nào chuyện chính trị...
Người cán bộ tổ chức nhìn lại anh với hai con mắt vô hồn:
- Đã có quyết định rằng đồng chí phải trình diện tại Trung tâm Thẩm vấn của Đảng trên Phúc Yên đúng bốn giờ chiều nay. Để tiện di chuyển, đồng chí được cấp xe nhưng không có tài xế. Đồng chí phải tự lái lấy — chạy bọc theo con đường hướng bắc. Thôi nhé.
Chầm chậm trở về phòng làm việc của mình, Kim với lòng ảm đạm đi như kẻ mộng du suốt dãy hành lang. Có phải cái bằng chứng người ta vừa đưa cho anh xem chính là lý do thật sự của việc anh bị thất sủng? Anh không biết. Có phải người ta dùng nó để che đậy mối hận thù cá nhân, một sự ganh tị lâu năm nào đó về sự nổi bật của anh? Anh cũng không chắc. Qua kinh nghiệm bản thân, Kim biết rằng những cừu hận cay đắng ở cấp bộ chóp bu của đảng thường có gốc rễ trong những ác cảm cá nhân và lâu bền. Dưới bề mặt có vẻ đoàn kết của Bộ Chính trị là những sóng ngầm do bởi khát vọng quyền lực, tị hiềm và đủ thứ mặc cảm của các ủy viên xuất xứ từ những thành phần và những địa phương khác nhau. Càng suy nghĩ Kim càng nguyền rủa mình vì đã tự tin tới mức cô độc và đã điên rồ để cho những kẻ thù tiềm tàng đó có đủ đạn dược để bắn mình.
Hoặc là... Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong óc làm Kim toát mồ hôi. Tại sao gã đồng chí mặt mỏng ấy lại được lệnh tiết lộ với anh quá nhiều dự tính quan trọng đến thế? Gã đâu phải loại người có nhiệm vụ và có tầm cỡ thuyết phục anh. Có lẽ cũng không cần thiết phải mất công thuyết phục anh. Qua những gì gã tiết lộ về sách lược sắp áp dụng tại Miền Nam thì Quân đội Nhân dân sẽ là một đạo quân chiếm đóng chứ không là đoàn quân giải phóng và sẽ chỉ là lực lượng vũ trang duy nhất tại Miền Nam. Thế thì phải chăng bằng giọng điệu ngạo mạn, những tiết lộ hào phóng ấy chính là phát súng ân huệ dành cho một kẻ thất sủng, sắp bị loại trừ vì gốc gác Miền Nam của hắn? Và những thông tin ấy chỉ được phô trương cho một kẻ sẽ câm và sẽ điếc, sẽ bị hất cho văng vòng từ lưng cọp ra đằng trước miệng cọp, theo kiểu như gã nói: đề phòng “đêm dài lắm mộng”!
Ngước mặt về phía bức tường trắng đối diện, vô tình ánh mắt Kim đậu lại trên khuôn mặt của Hồ Chí Minh. Người thầy thuở nào đang nhìn xuống anh với đài trán cao, hai mắt sáng và hàm râu dài được trau chuốt thêm, thật công phu, trông phất phơ và phúc hậu như một tiên ông. Kim tự hỏi, một người uyển chuyển và cao cường trong việc chuyển nguy thành an và mượn sức kẻ khác như Bác Hồ sẽ phản ứng ra sao nếu lâm vào tình thế của anh lúc này. Đột nhiên, những ký ức và suy nghĩ của Kim về vị cố chủ tịch xuất hiện rõ mồn một trong trí não.
Ngay từ lúc bắt đầu lên tàu xuất dương vào năm 1911 tới ngày qua đời, nhân vật Nguyễn Tất Thành không bám trụ lâu dài vào một chỗ dựa, một sách lược trường kỳ hay một tư tưởng chủ đạo nào. Sau sáu năm lang thang lao động nhiều nơi trên thế giới, ông dừng chân ở Pháp và bắt đầu hoạt động cách mạng. Tại đó, ông theo nhóm Tứ Long để mình thành Đệ Ngũ Long và sau đó rút tĩa được danh xưng Nguyễn Ái Quốc. Từ bàn đạp đó, ông nổi bật trong Đảng Cộng Sản Pháp rồi sang Liên Sô, trở thành học trò của Quốc Tế Đệ Tam. Ông về Trung Quốc hoạt động trong hàng ngũ những người theo chủ nghĩa dân tộc, dùng cơ sở và nhân sự của Tâm Tâm Xã để lập Đồng Chí Hội. Sau đó, dùng danh nghĩa Phái viên Cộng Sản quốc tế, ông kết hợp và thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Từ Trung Hoa về lại Pắc Bó nhân thất bại của cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa 1940, ông củng cố cơ sở đảng ở Miền Bắc thành đầu não trung ương, dùng nó làm hạt nhân cho Mặt trận Việt Minh do các đệ tử của cụ Phan Bội Châu lập từ năm 1936. Từ Pắc Bó, ông dùng tên Hồ Chí Minh để đi Trung Quốc. Từ Liễu Châu, ông nhận được yễm trợ của Trương Phát Khuê về lại Cao Bằng.
Trong cải cách ruộng đất, quyền lực chính trị tuột khỏi tầm tay của Hồ Chí Minh, chuyền sang lòng bàn tay của Trường Chinh. Khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đi vào qui mô, quyền lực ấy sang tay Bí thư thứ nhất Lê Duẫn, kẻ nắm công cuộc giải phóng Miền Nam từ năm 1954 tới nay. Từ đầu năm 1960 tới ngày qua đời, trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, ông ít khi bày tỏ lập trường cụ thể, chỉ phát biểu ý kiến khi được mời góp ý, thường là vài câu nói động viên, khích lệ. Ngược lại, ông sử dụng mọi thời gian, nắm bắt mọi cơ hội để xuất hiện trong vai cha già dân tộc, một người yêu nước đã đi vào huyền thoại và biểu tượng cho cách mạng trên toàn thế giới. Dường như ông rất thoải mái khi thực hiện đúng những yêu cầu do Lê Duẫn và Lê Đức Thọ đề ra cho ông. 
Nhiều lúc Kim tự hỏi phải chăng tới tuổi bảy mươi, Hồ Chí Minh mệt mỏi và tự bằng lòng vì đã đạt tới cực điểm danh vọng giữa cuộc đời và trong lịch sử. Lúc này nhìn lại, anh không biết người thầy mà anh kính ngưỡng đó thật sự là ai? Một người quả thật yêu nước, sống chết với lý tưởng, tận dụng mọi vốn liếng, sức bật và phương thế mình kiếm đuợc để đưa dân tộc đi tới tận cùng con đường nó phải đi? Hay ông chỉ là một kẻ cực kỳ táo bạo, mưu lược, cơ hội và đầy may mắn trong cuộc đấu tranh giành quyền lực nhằm thành đạt những mục tiêu cá nhân, rồi sau khi đạt tới tột đỉnh danh vị thì chỉ còn nhu cầu bảo toàn tính mạng? 
Nếu chẳng may bác đúng là loại người thứ hai thì rõ ràng bác đang có những đồng chí hậu duệ tuyệt luân. Bác giỏi dùng người khác thì nay bác bị người ta tận dụng. Chỉ bốn tháng nữa thôi, Lăng Bác sẽ được khánh thành làm nơi trưng bày di hài bác, trái với lời di chúc của bác chỉ muóán được hoả thiêu. Từ nay, người ta sẽ tha hồ sử dụng hình ảnh bác làm môät thứ ngẫu tượng chính trị và dùng luôn cả thịt xương khô héo của bác làm con bê vàng cho những liên hoan lễ lạc của các kẻ tà đạo.
Điểm những khuôn mặt còn lại trong Bộ Chính trị tính từ ngày mới nắm tay nhau lên đường, Trần Văn Kim bỗng nhận ra một hiện tượng làm anh rùng mình. Những người tha thiết với tinh thần quốc tế vô sản đã biến mất. Những người kiên trì đấu tranh cho độc lập dân tộc cũng đã biến mất. Tới lúc sắp về tới đích thì những kẻ còn lại hầu hết có xuất xứ từ gia đình quan lại hay địa chủ và từng ở tù với nhau tại Côn Lôn, Lao Bảo hay Sơn La. Như thế, phải chăng đảng đã bị tiếm đoạt và chỉ còn là một tập đoàn phong kiến mới giả danh Cộng Sản để sử dụng phương pháp Cộng Sản, khi tinh vi khi thô bạo, nhằm loại bỏ những kẻ không cùng bản chất, trấn áp quần chúng và duy trì đặc quyền đặc lợi của nó?
Suốt nửa giờ, Kim ngồi khòm người sau bàn giấy, mắt đờ đẩn nhìn đăm đăm bức hình của Hồ Chí Minh, rồi anh choàng tỉnh, thấy mình đã lạc mất câu hỏi tự đặt ra cho mình. Trấn tĩnh lại, Kim tự nhủ, kinh nghiệm cuối đời của bác thụ động đến thế thì mình có suy nghĩ tới mấy đi nữa cũng chẳng ăn thua gì. Đảng là một guồng máy hoạt động để cướp quyền lực và bảo vệ quyền lực, Kim biết rất rõ. Guồng máy ấy phải thường xuyên đấu tranh cả trong lẫn ngoài và xốc tới nên nó cần đối tượng trấn áp để lấy đà. Nó lúc nào cũng cần kẻ thù; không có thì phải vẽ ra. Đấu tranh với kẻ thù tưởng tượng để loại trừ những đối tượng mình muốn loại trừ. Lúc đó, đảng mượn danh nghĩa tiêu diệt kẻ thù tưởng tượng để huy động âm binh nghiền nát đôái tượng. Mình đã tham gia lập nên guồng máy hiểm độc đó, đã góp phần tạo nên răng cưa sắc lẽm của nó, phải chăng giờ đây mình trở thành nguyên liệu bổ béo cho nó? Anh chặc lưỡi, liếc đồng hồ và thấy đã hai giờ. Sau một thoáng đăm chiêu, Kim rút trong hộc bàn ra hai tờ giấy trắng và bắt đầu viết rất nhanh. Khi viết xong hai trang thư, một bằng tiếng Việt với những dòng chữ chi chít và nguệch ngoạc, một bằng tiếng Pháp ngắn và rõ nét, Kim cho cả hai vào một bì thư. Anh dán lại, rồi dùng điện thoại gọi người phụ tá. 
Một thanh niên từ văn phòng đặt xéo phòng làm việc của Trần Văn Kim bước qua. Anh nói thật gọn với người trẻ tuổi ấy:
- Đồng chí mang cái này tới cho Triệu Hồng Trinh, cháu gái của tôi, ở nhà máy quân khí. Lập tức và đích thân giao cho bằng được. Nói với nó là cực kỳ khẩn trương.
- Tuân lệnh đồng chí.
Người thanh niên báo cáo nhận lệnh với giọng lo lắng. Anh cất chân đi nhưng tới cửa anh dừng lại và quay lui, tần ngần nhìn cấp trên:
- Thưa đồng chí, có vấn đề gì không ạ? Trông đồng chí không được khoẻ.
Trong một thoáng, Kim trơ vơ ngó anh ta:
- Đi lẹ lên. Giao xong bì thư đó, anh đừng trở về đây. Cố tìm cách đi phương nam rồi tới một nơi nào đó không ai tìm ra anh.
Bộ mặt của người thanh niên bỗng xanh lè:
- Tại sao, đồng chí, tại sao như thế?
- Vì tôi được lệnh tới Phúc Yên cho người ta thẩm vấn. Đi ngay — không thì trễ mất.
Nửa giờ sau, Kim đi xuống nhà xe mé sau trụ sở, khom người chui vào chiếc xe hòm Moskwa của Nga do một thợ máy mặc quần yếm đánh tới tận cửa ga-ra cho anh. Lấn cấn với chiếc xà cột vướng nơi cửa xe, Kim quên gật đầu đáp lại cái chào ngượng ngập của người thợ máy. Kim cũng không để ý hai bàn tay anh ta dính vết dầu nhớt và bộ mặt hơi tái, cố tỏ vẻ khúm núm lâu hơn thường lệ. Vào trong lòng xe, Kim nhăn mũi vì lâu lắm anh mới ngửi lại mùi xà phòng Liên Sô ngai ngái bốc lên từ tay lái.
Xe lăn bánh giữa rừng cờ đỏ thắm và hàng hàng lớp lớp người dân thủ đô đang nhập cơn đồng thiếp đại thắng. Họ say sưa nhìn các tấm bản đồ thật lớn, ánh điện chớp nháy liên tục theo đường tiến quân mùa xuân. Từ vạn chiếc loa phóng thanh, tiếng hợp ca trùng điệp, líu lo, hùng tráng và nôn nao rượt đuổi nhau như cơn bão nổi lên từ Trị Thiên, Đà Nẵng băng qua Tây Nguyên tiến về Sài Gòn. Thỉnh thoảng có một giọng nam vận hơi thật đầy rồi cất lên cao vút, hát vang ngàn lời ngợi ca lãnh tụ đẹp nhất tên người và ngôi sao mai Hà Nội mến yêu. Đâu đó bên hồ Thuyền Quang, trên căn gác nhỏ, người nhạc sĩ héo hắt của khúc Tiến Quân Ca sắt máu ba chục năm trước nay bắt đầu sáng tác trở lại với những nốt nhạc rạo rực giấc mơ mùa xuân đầu tiên có những người từ đây biết con người, biết thương người và biết yêu người.
Len lõi giữa rừng người mắt long lanh niềm tự hào dân tộc, mừng mừng tủi tủi vì thấy mình sống sót và hân hoan chờ phút giây chiến tranh với những gian nan khốn khó cùng kéo nhau vào dĩ vãng, Kim thận trọng lái xe qua thủ đô, qua cầu Long Biên, nhắm hướng Phúc Yên, một địa điểm nằm cách Hà Nội gần năm mươi cây số ở mạn bắc dọc theo các triền dốc trong châu thổ sông Hồng.
Lúc nãy, khi lái xe ven Hồ Hoàn Kiếm, bất giác Kim tự hỏi chẳng biết mình có bao giờ còn thấy thêm lần nữa Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn trên cồn đất và hòn đảo nhỏ ấy không — rồi anh để ý qua kính chiếu hậu và thấy có một chiếc Moskwa khác với ba công an mặc thường phục đang theo dõi anh, không chút giấu diếm. Từ đường quành đổ dốc Gia Lâm và suốt con đường quốc lộ lộng gió cho tới khi xe leo lên đồi cao nhìn xuống vùng đồng bằng, chiếc xe công an giữ một khoảng cách đều đặn đằng sau xe Kim, không màng tới việc bị anh nhận rõ mặt. Hai bàn tay bắt đầu run rẩy trên tay lái, Kim vừa cho xe chạy vừa không ngớt nhìn vào kính chiếu hậu. Trong lúc đó, những vết dầu thắng thoát ra từ lỗ thủng mà người thợ máy mặc quần yếm trước khi giao xe đã chích nơi hệ thống thủy lực của nó nhỏ những giọt đều đặn và li ti tới độ ngay cả mắt người bình thường cũng khó nhận ra. Và Kim không biết rằng thắng xe anh đang bị người ta làm cho thành vô dụng.
Vì con dốc quá cao, Kim vẫn giữ nguyên tốc lực cho tới khi xe đổ xuống một triền dốc dài và dựng đứng ở mé bên kia một ngọn đồi lớn nằm ngoài tỉnh lị. Từ một mỏm đá cao, con đường quành thật gắt. Khi chiếc xe Moskwa của Kim lao xuống khúc quẹo cùi chỏ ấy, anh khởi sự đạp mạnh chân lên bàn đạp thắng. Kim tái mặt. Chân thắng mất sức nhún, bật ngược rồi văng ra trên sàn xe. Và tốc lực chiếc xe tăng nhanh hơn. 
Chiếc xe đâm thẳng vào một lỗ trống giữa rào chắn bảo hộ mà qua vết gỗ cưa còn mới, Kim có thể thấy rõ nó vừa được người ta cố ý trổ ra. Khoảnh khắc trước khi chiếc xe lao ra ngoài ghềnh đá, Trần Văn Kim nhớ lại lời sau cùng cha anh đã nói với anh trong đêm xưa ở Sài Gòn khi anh khinh mạn ném tờ giấy bạc năm đồng vào mặt ông: “...Kim ạ, cuối cùng, giả dụ như chủ nghĩa bôn-sê-vich thành công, con sẽ đem sự tan nát tới cho đất nước con, gia đình con — và cho chính bản thân con...”
Chiếc xe xoáy vòng trên không rồi rơi xuống, va trúng một tảng đá nhô ra cách ba mươi thước ở mé dưới và phát nổ. Nó nảy lên thêm lần nữa trên mặt mỏm đá thứ hai ở mé dưới nữa rồi văng ra ngoài. Các mảnh vỡ và xăng dầu bốc lửa toé lên như mưa khắp mọi hướng. Tiếp đó, mặt nước cuồn cuộn của sông Hồng nuốt lấy nó và sau cùng, làm tắt ngúm những ngọn lửa cuồng nộ.
 
Ba hôm sau, lúc ba giờ sáng, trong ngôi nhà nơi trang trại lâu đời vùng South Downs, đang ngủ chập chờn, Joseph bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại reo vang bên giường. Anh cầm ống nghe lên và lập tức nhận ra giọng của Naomi. Nàng nói rất nôn nóng nhưng khó nghe rõ vì đường dây quá xấu:
- Joseph ơi... có thanh trừng...trong Bộ Chính trị... Đảng Lao Động...
Naomi cố ý ngừng lại sau mỗi cụm từ vì tiếng máy kêu lè xè:
- Một ký giả Pháp ở Hà Nội cho em biết chuyện đó từ một nguồn tin rất bất thường.
Joseph dụi hai con mắt ngái ngủ, ngồi bật dậy. Anh thét lớn lại:
- Rất đáng quan tâm. Nhưng tại sao nửa đêm lại kêu anh dậy mà kể chuyện đó.
- Joseph! Anh nghe đây. Chính Trần Văn Kim là kẻ bị thanh trừng — thậm chí có thể ông ta đã chết. Anh ký giả Pháp biết chuyện đó từ một cô gái người Việt đang quẫn trí tìm tới văn phòng của anh ta. Cô ấy yêu cầu anh ta bí mật móc nối với anh. Cô xưng tên là Trinh và sắp vào tới Sài Gòn trong ba ngày nữa. Cô nói cô cần anh giúp đỡ.
Joseph bật người ngồi thẳng lên khi thấm ý nghĩa những lời Naomi nói:
- Trinh? Có phải em nói là Trinh? Con gái của Tuyết?
Naomi hét to:
- Đúng tên Trinh, họ Triệu, và hình như vậy. Anh muốn em làm sao đây — em sẽ làm bất cứ điều gì anh bảo.
Các đốt ngón tay của Joseph trắng bệch trên ống liên hợp. Anh gào lớn:
- Đừng làm gì cả. Hoàn toàn không làm gì cả.
Naomi hỏi lại, giọng sửng sốt:
- Tại sao không? Trời đất ơi, tại sao không?
- Vì anh sẽ đích thân tới Sài Gòn.
Joseph dằn ống điện thoại xuống, mặc quần áo thật lẹ,ï chạy ào tới phòng sách lấy sổ thông hành. Không sửa soạn hành lý, cũng không tắt đèn nhà, anh lật đật chạy ra nhà xe. Sau khi nhận được cú điện thoại của Naomi chưa đầy mười phút, Joseph đã ngồi trên xe phóng thật lẹ qua những con đường nhỏ hẹp trong vùng thôn dã Sussex, nhắm tới Luân Đôn để bắt kịp chuyến máy bay đầu tiên may ra còn chỗ đi Viễn Đông.
Bốn giờ sau, vào sáng Thứ Sáu ngày 25.4.1975, khi trời rạng sáng và ánh nắng đầu tiên rọi tới thủ đô Luân Đôn, Joseph khởi hành từ Phi trường Heathrow để bắt đầu chặng đường thứ nhất bay đi Sài Gòn, một thủ đô đang bị vây hãm mà tuổi thọ của nó chỉ còn vỏn vẹn năm ngày.

<< - 5 - | - 7 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 964

Return to top