Trong văn phòng trang hoàng công phu trên tầng hai Dinh Gia Long, Ngô Đình Nhu, Cố vấn Tối cao của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ung dung mỉm cười khi nghe giọng nói lập cập và khẩn trương của một người Việt Nam khác qua máy điện thoại. Ngửa hẳn người ra ghế, ông gác chân lên mặt chiếc bàn giấy sơn mài màu đen, khoan khoái rít một hơi thuốc rồi chầm chậm nhả thành một làn khói chập chờn bay lơ lửngï lên trần nhà. Trên bức vách đằng sau, người ta vừa trang trọng treo bức chân dung khá lớn của ông. Cao hơn một chút có hai lá cờ cán gắn chéo nhau. Bên phải là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà màu vàng ba sọc đỏ. Bên trái là đảng kỳ Cần Lao Nhân Vị hình chữ nhật, chia làm hai phần theo chiều dọc nửa đỏ nửa xanh màu lá mạ; trên nền xanh có ba ngôi sao đỏ xếp theo hình tam giác.
Ngô Đình Nhu rộng miệng cười tươi tắn và nói với giọng khản đặc:
- Vâng, vâng, đại úy thân mến ạ, đương nhiên tôi biết rõ một trăm phần trăm! Xe thiết giáp và binh sĩ Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến đang bao vây đồn cảnh sát của anh - chuyện đó hoàn toàn chẳng có gì lạ. Họ thực hiện đúng kế hoạch của tôi đấy. Rán giữ bình tĩnh nhá. Chả việc gì phải lo lắng. Cứ giả vờ sửng sốt khi họ tràn vào. Anh cứ để tự nhiên cho họ nắm quyền kiểm soát nhá.
Vẫn mỉm cười ung dung tự tại, Ngô Đình Nhu gác ống điện thoại lên giá máy rồi nhè nhẹ búng bụi tàn thuốc dính trên ống quần đen ủi thẳng nếp và không một vết nhăn. Trong một lúc, ông ngồi yên lắng nghe tiếng súng xa xa rời rạc vọng vào qua cửa sổ dinh Tổng Thống. Kếá đó, ông mở hộp đồi mồi trên bàn, nhón một điếu thuốc mới và châm nối vào mẩu thuốc vừa ngậm.
Trong khi Ngô Đình Nhu mồi thuốc, cửa văn phòng bật mở. Xuất hiện hình dáng vừa thấp vừa mập của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong bộ vét-tông kiểu cài chéo ông ưa thích, may bằng vải mịn, hơi láng, màu xanh đậm. Tướng đi của Tổng Thống vốn nhanh và lạch bạch khác thường nay càng thêm kỳ dị vì vẻ lật đật, khiến người em cảm thấy thú vị. Ông bật cười thành tiếng khi nhìn anh mình hấp tấp bước qua sàn phòng mênh mông, trải thảm, hai bên kê rải rác những chiến lợi phẩm săn bắn nhồi bông gòn hay mạt cưa. Nhưng Ngô Đình Diệm không cười lại với em. Ông dừng chân trước bàn giấy rộng thênh thang của Ngô Đình Nhu, thở hổn hển và bộ mặt đầy đặn của ông đầy vẻ lo lắng, mồ hôi toát ra nhễ nhại:
- Chú Nhu này, chính xác thì ngoài kia đang diễn ra chuyện gì vậy? Nó có hoàn toàn đúng như lời chú mới nói với tôi không? Lần này chú phải cắt nghĩa thật rõ ràng cho tôi nghe.
Nhún hai vai một cách miễn cưỡng, Ngô Đình Nhu từ từ nói:
- Kể từ lúc anh em mình nói chuyện với nhau qua điện thoại mười lăm phút trước đây cho tới phút này, chưa có gì đột biến. Cũng chẳng việc gì khiến anh phải lo lắng, lật đật chạy xuống cầu thang như thế. Anh thường nói với em rằng em muốn làm gì cứ việc làm, miễn sao đừng để dân chúng hoang mang bất mãn và bọn Cộng Sản thừa nước đục thả câu thì thôi. Mọi sự đang diễn ra trên đường phố ngoài kia đều hoàn toàn nằm trong kế hoạch của em.
Đột nhiên, một chiếc xe thiết giáp bảo vệ dinh khai hỏa, tiếng súng gầm lên rung rền cửa kính. Ngô Đình Diệm giật mình quay phắt người. Bước tới khung của sổ mé trên vườn hoa thẳng tắp, ông thò đầu nhìn ra và thấy xa xa bên kia hàng rào sắt bao quanh dinh hình dáng lờ mờ xe tăng và thiết vận xa của quân nổi loạn án ngữ dưới bóng mát hai hàng cây dọc theo đại lộ trước mặt. Trong khi Tổng Thống quan sát, một máy bay C-47 của Không quân bay chầm chậm, ì ạch lê mình qua các mái nhà xa xa, rải truyền đơn xuống thành phố.
Giận bừng mặt, Ngô Đình Diệm quay lại nói với em:
- Nếu những cái tôi đang thấy quả thật nằm trong một ý đồ liều lĩnh nào đó của chú thì tôi không chấp nhận. Chính xác, những cái đó sẽ mang lại kết quả cụ thể nào?
Bằng một cử chỉ đầy kịch tính, Ngô Đình Nhu vẩy vẩy điếu thuốc như tỏ vẻ cảm thấy nhọc lòng khi phải giải thích những dàn dựng đầy mưu trí của mình cho ông anh hiểu:
- Thưa anh, để chỉ một cú ra tay thôi là quất sụm, là đánh gục hết tất cả các kẻ thù của chúng ta! Anh với em đều biết rõ rằng trước sau gì chúng nó cũng tung ra một cú đảo chánh lật đổ chúng ta nên em quyết định mình ra tay trước. Cái đích em nhắm tới chỉ có vậy thôi!
Ngô Đình Diệm nhìn chằm chặp người em đang mỉm cười đắc ý:
- Mình ra tay trước! Chú nói như vậy với ý nghĩa gì?
Lần này, Ngu Đình Nhu bật cười thành tiếng:
- Dĩ nhiên là với "cuộc đảo chánh của chính chúng ta". Thậm chí nó còn có một mã danh: Bravo Một! và sau đó có thêm, Bravo Hai! Tới thời điểm kết thúc của nó, những đứa phản bội như thằng André Đôn và thằng Minh Cồ sẽ thấy hai tay của chúng nằm gọn trong còng sắt.
Hít một hơi thật dài, Ngô Đình Diệm cố kiểm soát cơn giận:
- Tôi đã nói với chú nhiều lần, mình vì dân vì nước thì cứ đường đường chính chính mà làm. Mọi sự có thánh ý Chúa quan phòng. Đối với tôi, những xe tăng ngoài kia đang chỉa thẳng họng súng vô chúng ta không có vẻ giả bộ chút nào.
- Anh Diệm ạ, dĩ nhiên nó rất thật, chẳng giả vờ tí nào. Điểm mấu chốt là ở chỗ đó. Nó phải y hệt một cuộc đảo chánh thật sự chống lại chúng ta. Các binh sĩ ngoài kia thuộc Sư đoàn 5 của đại tá Nguyễn Văn Thiệu nhưng điều động theo lệnh của Tôn Thất Đính. Hắn thừa lệnh của em đưa bốn tiểu đoàn tới vây Dinh Gia Long để làm như thật tình lật đổ chúng ta. Thậm chí em còn ra lệnh cho bốn trong năm tiểu đoàn thuộc Lực lượng Đặc biệt của chúng ta đi khỏi Sài Gòn, để tạo một thời điểm có vẻ thuận lợi cho phe đảo chánh ra tay...
Vẻ mặt của Ngô Đình Diệm từ đỏ bỗng chuyểng sang tái:
- Vậy có nghĩa mình chỉ còn một tiểu đoàn LLĐB lo bảo vệ dinh? Còn thằng Đính, cái thằng lấc cấc, xin chức bộ trưởng quốc phòng hoài mà anh không cho. Liệu có tin nổi nó không?
Ngô Đình Nhu nói, đều đều và rất chậm rãi:
- Anh yên chí! Để em nói từng chi tiết cho anh nghe. Hồi đầu tháng Mười em đã nới rộng phạm vi tư lệnh biệt khu thủ đô của Tôn Thất Đính, bao gồm cả quyền điều động Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho và Sư đoàn 5 ở Biên Hòa. Nắm vững tin tức Trần Văn Đôn và Dương Văn Minh sẽ làm đảo chánh, em tương kế tựu kế. Khi làm đảo chánh, thế nào hai thằng André Đôn và Minh Cồ cũng sẽ sử dụng Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến, Lữ đoàn Nhảy dù và Không quân. Theo Chiến dịch Bravo Một, Lê Quang Tung điều bốn tiểu đoàn LLĐB và Tôn Thất Đính điều binh sĩ của Sư đoàn 7 ra Vũng Tàu Bà Rịa. Rồi Tôn Thất Đính giả bộ theo phe đảo chánh, điều bốn tiểu đoàn còn lại của Sư đoàn 7 tới bao vây dinh Tổng Thống.
Ngô Đình Diệm vội vàng hỏi tiếp:
- Rồi sao nữa?
Rít một hơi thuốc, Ngô Đình Nhu phà khói và thủng thẳng nói tiếp:
- Chúng ta phải để cho bọn đảo chánh có vẻ như thành công trong một lúc. Sau đó mở màn Chiến dịch Bravo Hai! Các đơn vị LLĐB và binh sĩ của Sư đoàn 7 sẽ từ Vũng Tàu Bà Rịa quay về đánh đuổi bọn tấn công, giải cứu chúng ta. Lúc đó anh em mình sẽ từ cái dinh bị bao vây này tái xuất hiện trong chiến thắng. Nếu thế giới thấy chúng ta dập tắt được cuộc nổi loạn và họ nhận dạng ra Trần Văn Đôn và Dương Văn Minh là chính danh thủ phạm thì vị trí của chúng ta sẽ vững mạnh thêm lên và hết thảy các bọn chống đối chúng ta sẽ bị rối loạn. Anh có thấy như vậy không. Lúc này, thằng Đính đang chờ lệnh của em để phát động Chiến dịch Bravo Hai.
Nét lo âu trên mặt của Ngô Đình Diệm giản ra phần nào:
- Nhưng làm thế nào chú biết Tôn Thất Đính thật sự đáng tin và chắc chắn hắn sẽ tới đây giải cứu chúng ta?
- Anh biết không kém gì em rằng thằng quân trấn trưởng Sài Gòn kiêm tư lệnh biệt khu thủ đô đó rất tự cao tự đại và ham mê chức quyền. Em đã hứa khi thành công, sẽ tưởng thưởng hắn và cho hắn một ghế bộ trưởng trong nội các. Như vậy, hắn sẽ làm bất cứ điều gì em kêu làm!
Ngô Đình Diệm vẫn ngần ngại:
- Nhưng nếu Tôn Thất Đính trở mặt thì sao?
- Nó không dám trở mặt. Em biết chắc và đại tá Đỗ Mậu cũng đã báo cáo rõ ràng. Nhất là vì ta còn có Lê Quang Tung với LLĐB, còn có Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho, và nhất là Quân đoàn IV của Huỳnh Văn Cao ở Cần Thơ, Quân đoàn II của Nguyễn Khánh ở Cao Nguyên. Để đề phòng trường hợp xấu nhất, em đã chuẫn bị sẵn người và xe cộ cho anh em mình rút vào Chợ Lớn trong thời gian chờ phản công.
Ngô Đình Diệm rút trong ngực áo ra chiếc khăn tay xếp gọn gàng và chậm rải đưa lên lau lông mày. Ngô Đình Nhu tiếp tục nói, nhưng lần này với giọng hờn trách:
- Anh Diệm ạ, em đã nói là từ nay anh cứ yên chí tin em cho quen. Hồi năm 1960, khi tụi nhảy dù đảo chánh có phải chính em đã phản công phá tan bọn chúng. Rồi hồi năm 1962, khi hai thằng phi công Quốc Dân Đảng dội bom Dinh Độc lập, có phải chính tay em đã làm cho chúng ta thoát ra khỏi cơn khủng hoảng chính trị lúc đó? Anh thấy chưa, cứ thêm một âm mưu mới mẻ nhằm lật đổ chúng ta thì đòi hỏi từ phía chúng ta phải có một phản âm mưu tân kỳ hơn nữa - một loại thần kỳ khác nữa!
Ngô Đình Diệm chăm chú nhìn bộ mặt nghiện ngập của em một cách nghi ngại, rồi quay mình chầm chậm đi ra cửa. Ngay lúc đó, đèn điện thoại chớp nháy. Ngô Đình Nhu cầm ống liên hợp lên, im lặng lắng nghe. Rồi đưa tay bịt ống nói, ông gọi anh mình:
- Anh Diệm, anh có điện thoại. Thằng Minh Cồ có điều gì đó quan trọng muốn nói với anh. Hắn không chịu nói cho em nghe.
Bộ mặt của Ngô Đình Diệm bỗng đầy vẻ bồn chồn lo lắng khi ông quay lại cầm ống điện thoại. Ngay khi ông vừa xưng danh, Minh Cồ với giọng lâm chiến, tuôn ra một hơi những lời đã chuẩn bị sẵn:
- Nhân danh tổng chỉ huy các lực lượng quân sự đang bao vây Dinh Gia Long, tôi kêu gọi ông và em ông đầu hàng chúng tôi. Dân chúng Việt Nam chịu đau khổ tới hôm nay như vậy là quá đủ. Lúc này, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân, toàn thể quân đội đã đứng lên cứu nguy dân chúng.
Tổng Thống bặm môi, hít vào một hơi thở thật mạnh:
- Này, đừng lường gạt tôi. Trung tướng Dương Văn Minh, tôi ra lệnh cho trung tướng và tất cả tướng lãnh, các sĩ quan cao cấp phải lập tức trình diện Phủ Tổng Thống, ngay.
Dương Văn Minh lãnh đạm trả đũa:
- Ông phải đầu hàng ngay - bằng không, chúng tôi không thể bảo đảm an toàn tính mạng cho ông. Đã hết rồi cái thời ông có thể ra lệnh cho tôi hoặc cho bất cứ người nào khác!
Tổng Thống nói với giọng nghiêm nghị:
- Này trung tướng, khi việc này xong, chúng tôi sẽ không khoan hồng với anh chút nào. Ngay lúc này, Tôn Thất Đính với Sư đoàn 5 và Lực lượng Đặc biệt của Lê Quang Tung đang chuẩn bị phản công các đơn vị chung quanh dinh Tổng Thống. Một khi cuộc phản loạn bị dẹp tan, anh và bọn đồng lõa sẽ bị trừng trị đúng với pháp luật.
Dương Văn Minh nói, giọng nhẹ nhàng:
- Tướng Đính hiện ở đây với chúng tôi tại bản doanh Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi đã đề nghị với anh ấy rằng kèm theo một ngôi sao mới trên cổ áo là chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ mới, và anh ấy đã quyết định đứng về phía chúng tôi. Đại đa số các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp đơn vị trưởng đều đã thề hứa cùng nhau lật đổ ông.
Giọng của Ngô Đình Diệm giận dữ, nói như quát:
- Anh nói dối! Tôi không tin anh!
- Cũng đứng về phía chúng tôi có cả đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt lo việc bảo vệ ông và người em quỉ sứ của ông.
Ngô Đình Diệm gằn từng tiếng:
- Đại tá Tung không bao giờ phản bội chính phủ.
Dương Văn Minh nói với giọng thản nhiên:
- Có thể là không. Nhưng chúng tôi không cho anh ta cơ hội nào. Để chứng minh anh ta có mặt ở đây, tôi cho phép anh ta nói mấy lời với ông. Sau đó, anh ta sẽ được chúng tôi đối xử tùy nghi và thích đáng. Xin giữ máy chờ chút.
Ngô Đình Diệm quay bộ mặt khổ sở qua em mình:
- Chúng nó nói Tôn Thất Đính đã về phe chúng nó và chúng nó đang giam giữ đại tá Tung.
Vẻ mặt nghiện ngập của Ngô Đình Nhu thình lình rúm ró thành những đường lằn cau có giận dữ. Ông vừa gắt giọng đòi hỏi vừa giật ống liên hợp trên tay anh:
- Để em nói chuyện với đại tá Tung!
Khoảnh khắc sau, giọng hụt hơi như bị nghẹt mũi của viên chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt, người chỉ huy các đơn vị biệt kích ở miền nam và mạng lưới điệp báo ở miền bắc, vang lên trong ống điện thoại. Ông nói với vẻ khó nhọc:
- Thưa ông cố vấn, xin ông trình với cụ rằng tôi bị giữ lại chỗ này trái với ý muốn của mình. Tôi bị đánh lừa tới đây để ăn bữa trưa Thứ Sáu hàng tuần với các chỉ huy trưởng như thường lệ. Tôi không hề tham dự vào diễn tiến phản loạn. Chúng nó đang kê súng vô đầu tôi để ép buộc tôi ra lệnh cho lính Lực lượng Đặïc biệt tại bộ chỉ huy đầu hàng chúng nó...
Ngô Đình Nhu bỗng điên tiết thét lên, giọng the thé:
- Anh an tâm nghỉ ngơi. Không bao lâu nữa cuộc nổi loạn của bọn chúng sẽ bị nghiền nát. Đại tá Tung, tôi biết anh không sợ bọn chúng vì không việc gì phải sợ. Anh sẽ được giải thoát an toàn.
Tiếng nói của Dương Văn Minh lại cất lên, điềm tĩnh và tự chế như lúc nãy:
- Tôi lặp lại mệnh lệnh của tôi rằng ông và người anh của ông phải đầu hàng ngay. Nếu hai ông không tin là toàn thể quân đội đang chống lại các ông, các ông hãy bật máy phát thanh lên mà nghe.
Đường dây đột ngột tắt lịm. Sau khi dương mắt tròn xoe nhìn chằm chặp anh mình trong một hai giây, Ngô Đình Nhu lật đật bước tới mở máy phát thanh đặt trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh. Ông đưa mắt trống rỗng nhìn lên đảng kỳ Cần Lao Nhân Vị với bức chân dung của mình rồi nhìn bức chân dung đầy quyến rũ và lớn như người thật của vợ trên bức vách trước mặt. Trong khi đó, tiếng của các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp tuyên bố trung thành với cuộc nổi loạn vang lên tràn ngập căn phòng. Hai anh em chăm chú lắng nghe trong vài phút cho tới khi có giọng nói háo hức của tướng Tôn Thất Đính thề từ bỏ họ, Ngô Đình Nhu tắt máy và lầm bầm nguyền rủa. Sau đó, ông lại mở miệng. Lần này giọng của vị cố vấn trầm xuống một cách bất thường:
- Cách tốt nhất là chúng ta đi xuống trung tâm truyền tin. Một khi chúng ta liên lạc được với Mỹ Tho và Cần Thơ thì chẳng bao lâu Sư đoàn 7 và Quân đoàn IV sẽ kéo quân lên Sài Gòn và bắt hết những kẻ phản trắc đang quị lụy thằng André Đôn và thằng Minh Cồ.
Trong hành lang bản doanh cạnh Tân Sơn Nhứt của Bộ Tổng Tham Mưu. Guy Sherman đứng đưa mắt thản nhiên ngó khi binh sĩ vũ trang túm lấy đại tá Lê Quang Tung, kéo ông ra xa chiếc máy điện thoại vừa được dùng để nói chuyện với Dinh Gia Long. Ông vẫn mặc trên mình bộ đồ trận rằn ri, hai tay bị khoá ngược ra sau lưng, hai chân bị chằng dây ngang mắt cá. Lúc sắp bước lóng cóng ra khỏi phòng, ông ngoái cổ lại mắng vào mặt các tướng lãnh:
- Tụi bây có nhớ ai móc sao cho tụi bây không?
Bất chợt mắt ông rơi đúng vào đại tá Đỗ Mậu lúc đó đang lom khom thì thầm một bên tai của Tôn Thất Đính. Trong óc ông chợt lóe sáng lý do sự phản bội của viên quân ủy đồng hương với Tổng Thống, kiêm Giám đốc Nha An ninh Quân đội. Đã nhiều lần ông trình với Tổng Thống lời năn nỉ của Đỗ Mậu xin được lên thiếu tướng nhưng ông Diệm nguây nguẫy lắc đầu, bảo rằng cho hắn đeo lon đại tá là quá đáng cho công lao khai quốc công thần rồi vì hắn chưa học hết bậc tiểu học và xuất thân lính khố xanh.
Bị lính lôi đi xềnh xệch, Lê Quang Tung vùng vẫy, lết hai bàn chân sền sệt dọc hành lang tới phía cầu thang dẫn xuống chiếc sân bên trong bộ tư lệnh, chung quanh có tường bao bọc. Guy bước sang một bên nhường lối cho toán người áp tải. Khi viên đại tá chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt bị kéo đi ngang và sát Guy Sherman, mắt ông bắt gặp ánh mắt hắn. Vẻ mặt thườn thượt của ông xoắn lại, bỉu môi khinh bỉ người Mỹ:
- Lý ra ta phải biết bọn Mỹ khốn nạn bẩn thỉu đáng tởm tụi bay đứng đằng sau bọn phản bội đê hèn này!
Lê Quang Tung thét lên lời ấy bằng tiếng Anh rồi trước khi quay mặt đi, ông nhổ một bãi nước bọt trúng ngay chóc và văng tung toé trên má người CIA. Một người lính nhấc báng súng M-16 nện xuống lưng Lê Quang Tung và ông vấp chân, chúi người loạng choạng. Lính phải lật đật đẩy ông xuống cầu thang và gần như nhấc bổng người ông lên. Guy bước tới cửa sổ, rút khăn tay lau mặt và đứng ngó toán áp tải kéo Lê Quang Tung vô sân sau, bên dưới.
Ở đó, Lê Quang Tung đứng choáng váng nhìn quanh sân. Trong cùng một lúc, ông cố xem xét mấy lối ra nhưng không để ý tới một đại úy QĐVNCH thình lình từ một cửa trong góc sân, tất tả đi vào với vẻ mặt khốc liệt. Vừa tới nơi, viên sĩ quan rút súng lục ra ngay. Vào khoảnh khắc cuối cùng ấy, chỉ huy trưởng LLĐB quay đầu qua và bắt gặp cử chỉ đó của viên đại úy nhưng anh ta đã kê súng lên thái dương của Lê Quang Tung không một chút khó khăn. Cò vừa bóp, người của đại tá Tung lập tức rủ xuống trong tay những kẻ áp tải. Và họ lẹ làng lôi thân thể không còn sinh khí của ông ra ngoài, qua một vòm cửa trống, mở thẳng ra Nghĩa trang Bắc Việt.
Trong trung tâm truyền tin dưới đất ngay bên dưới Dinh Gia Long, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người em của ông cởi áo vét-tông, mặc sơ-mi trần, tất bật làm việc suốt một giờ kế tiếp. Đằng sau cửa thép gài kín mít, hai anh em đích thân giám sát các hiệu thính viên đang điều khiển hệ thống điện thoại và các máy truyền tin, cố sức liên lạc nhiều lần với các tỉnh trưởng và chỉ huy trưởng các đơn vị đồn trú gần Sài Gòn. Nhưng mỗi lần như thế, họ chỉ nói chuyện được với các phụ tá cấp dưới. Sau hơn chục lần cố sức vẫn không kết quả, Ngô Đình Nhu quyết định liên lạc với bộ tư lệnh Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho, cách hướng nam Sài Gòn khoảng bảy chục cây số.
Tổng Thống bồn chồn đứng một bên khi người em của ông nghe tiếng lốp bốp trong ống liên hợp. Nhưng dù Ngô Đình Nhu thét lên, từ cao giọng hăm dọa tới xuống giọng dụ dỗ, vẫn không thể đúc kết thành một mệnh lệnh cụ thể nào. Cuối cùng ông tắt máy truyền tin rồi phờ phạc sụm người xuống lòng ghế.
Ngô Đình Diệm hỏi, giọng run rẩy:
- Sao rồi? Xảy ra chuyện gì rồi?
Ngô Đình Nhu trả lời đờ đẩn:
- Chỉ huy trưởng các đơn vị ở Mỹ Tho đều bị quản thúc. Sáng nay, thằng Đính đã cử thằng đại tá Nguyễn Hữu Có xuống nắm tư lệnh Sư đoàn 7.
- Vậy còn Quân đoàn IV thì sao?
- Nguyễn Hữu Có cho dàn quân bên này sông Tiền Giang và rút tất cả các phà qua hết bên này bắc Mỹ Thuận. Quân của Huỳnh Văn Cao từ bên kia không qua sông được.
Một phút sau, có tiếng gõ dồn dập lên cửa thép. Khi Tổng Thống mở ra, một trung úy tùy viên hốt hoảng đi vào. Anh ta đưa tay lên chào đúng quân cách và thở hổn hển:
- Thưa cụ, quân nổi loạn hiện bao vây các ba-rắc của Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng Thống. Họ đang di chuyển pháo binh và súng cối tới - chắc hẳn họ dự tính chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu pháo kích chặn đường giải vây.
Nói xong, trên mặt vẫn không hết nét căng thẳng, sĩ quan tùy viên run rẩy đưa bản công điện đánh máy cho Tổng Thống, bằng cả hai tay. Không cần đọc, Ngô Đình Diệm gài cửa lại và bắt đầu trầm ngâm:
- Giờ đây chỉ còn một con đường cuối cùng mở ra cho chúng ta.
Nói xong câu ấy, Tổng Thống điềm tĩnh ngồi xuống bên một máy điện thoại. Nhìn đồng hồ đeo tay, ông thấy lúc này đã bốn giờ rưỡi chiều. Lấy ra cuốn sổ nhỏ ghi địa chỉ riêng, ông từ từ dò tìm số điện thoại tư thất của Henry Cabot Lodge, đại sứ Hoa Kỳ. Ngay sau khi Ngô Đình Diệm quay số, có tiếng một người Việt Nam giúp việc trả lời. Và hai anh em căng thẳng chờ cho tới khi nghe tiếng của đại sứ Mỹ liến thoắng vang lên trên đường dây.
Ngô Đình Diệm nói chầm chậm bằng tiếng Anh, cố đè nén cảm giác lo lắng trong lòng:
- Tổng Thống đang nói đây. Vài đơn vị quân đội và không quân đang làm loạn; tôi muốn biết thái độ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ như thế nào?
Đại sứ Mỹ không trả lời ngay, kế đó ông ta mở miệng với lối nói thượng lưu kiêu kỳ và kiểu cách:
- Tôi cảm thấy mình không được thông báo đầy đủ tin tức để có thểâ phát biểu với Ngài. Tôi có nghe tiếng nổ nhưng không được biết hết các sự kiện. Hơn nữa tại Washington lúc này là bốn giờ sáng nên chính phủ Hoa Kỳ không thể nào có ngay quan điểm.
Giọng của Tổng Thống xúc động với âm điệu hoài nghi và buồn bã:
- Nhưng hẳn ông đại sứ có vài ý tưởng khái quát! Xét cho cùng, tôi là một nguyên thủ quốc gia. Tôi đã và đang ra sức thi hành nhiệm vụ của mình, và lúc này, tôi muốn làm những gì mà nhiệm vụ và lương tri đòi hỏi.
Ngô Đình Diệm lưỡng lự rồi cao giọng kiêu hãnh:
- Tôi tin vào nhiệm vụ của mình trên tất cả.
Cuối đường dây bên kia, phía ông đại sứ, nín lặng khá lâu rồi có tiếng nói:
- Chắc chắn Ngài đã và đang làm nhiệm vụ của Ngài - tôi ngưỡng mộ lòng can đảm và sự đóng góp lớn lao của Ngài cho xứ sở Ngài. Không ai có thể lấy đi uy tín của Ngài về tất cả những gì Ngài đã làm. Lúc này tôi lo âu về sự an toàn thể lý của Ngài. Tôi có tin tức rằng những người có trách nhiệm trong hoạt động hiện nay đề nghị đưa Ngài và quí bào đệ an toàn ra nước ngoài nếu Ngài từ chức. Ngài có nghe nói tới điều đó chưa?
Tổng Thống ngấm cú sốc một cách chầm chậm: việc đại sứ Mỹ sử dụng thuật ngữ chính trị hoạt động hiện nay - chứ không gọi là đảo chánh hay nổi loạn - đã làm lộ rõ, không còn chút nghi ngờ nào nữa, rằng những kẻ bảo trợ chính yếu của ông cuối cùng đã quay lưng lại với ông. Sau cùng, Ngô Đình Diệm bật lên thành tiếng, một cách ngỡ ngàng:
- Tôi không nghe nói tới điều đó.
Tiếp đó, Tổng Thống ngừng một lúc khá lâu, rồi ngập ngừng nói thêm:
- Ông có số điện thoại của tôi chứ?
- Vâng.
Viên đại sứ trả lời và liền sau đó, lại im lặng bối rối. Kế đó, ngại có thể mình nói chưa đủ rõ, Henry Cabot Lodge nhắc lại thêm lần nữa:
- Nếu tôi có thể làm được gì cho sự an toàn thể lý của Ngài, xin cứ điện thoại cho tôi.
Vị Tổng Thống Việt Nam cảm thấy cơn giận bốc lên khi nghĩ tới lời đề nghị sỉ nhục vừa được đưa ra cho ông - lánh nạn tại chính cái sứ quán mà lúc này ông nhận ra đó chắc chắn là nơi ngấm ngầm bao che cho cuộc lật đổ ông. Đột nhiên, toàn bộ tính cách kiêu hãnh đầy thách thức và khí phách từng làm Ngô Đình Diệm nổi tiếng, và thậm chí còn có thêm đôi chút khinh bỉ, tất cả loé lên trong giọng nói của ông:
- Tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực của chính mình để vãn hồi trật tự.
Ông nói như thế một cách dữ dội - và ngay khi nói xong, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt đứt hẳn mọi liên lạc tối hậu với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.