Joseph lại quay về khách sạn Continental. Lúc mở cửa phòng, Joseph tưởng sẽ thấy phòng trống vắng nhưng anh bỗng hoa mắt, đưa tay níu lấy khung cửa khi chợt thấy Naomi đang ngồi đó chờ anh. Mặt nàng không sắc máu, tóc xơ xác rối tung. Vừa thấy Joseph, nàng đứng bật dậy, lao mình vào hai cánh tay chồng. Bên ngoài, đêm lại chất ngất với âm thanh điếc tai buốt óc của một đợt pháo kích nữa nhằm bắn cho tan tành phi trường Tân Sơn Nhứt. Qua khung cửa sổ khách sạn, bầu trời như đang trong một màn trình diễn pháo bông đầy tử khí với các lằn đỏ rực của hoả tiễn bay chéo nhau làm thành hàng chục vạch sáng.
- Trời đất ơi, sao em bỏ về đây?
Dụi đầu lên vai Joseph, giọng Naomi nghẹn ngào:
- Em không thể ra đi mà không có anh. Với lại, em không thể chịu đựng nổi ý nghĩ để Sài Gòn lấy mất anh. Nếu có xảy tới điều gì khủng khiếp, em muốn được cùng anh gánh chịu.
Joseph im lặng. Naomi trầm giọng:
- Trong khi Miền Nam bị đồng minh sấp mặt bỏ đi, dân chúng và lính tráng bị những kẻ lãnh đạo chính trị và quân sự đào ngũ bỏ chạy, anh lại tới đây liều mạng cứu cho bằng được đứa cháu ngoại. Em hiểu đứa cháu máu thịt ấy gắn liền với mạch sống, con người và nhân cách của anh nên em không có lý do gì ngăn cản anh. Nếu em là anh, em cũng chỉ có một chọn lựa như thế. Nhưng Joseph ạ, em không dám nghĩ tới chuyện mất anh...
Hai vợ chồng im lặng níu lấy nhau, lắng nghe âm thanh trận chiến bên ngoài đang lên tới cực điểm. Đầu Naomi vẫn ép sát ngực Joseph và nàng bắt đầu kể lể:
- Cuộc di tản rùng rợn không tưởng tượng nổi. Xe buýt chở ký giả vừa từ đây ra tới đầu đường thì bị mấy người lính Cộng hòa chĩa súng. Họ chạy theo xe, đập thình thịch lên cửa sổ xe, hét lớn yêu cầu dừng bánh, không được kéo nhau đi di tản. Lính TQLC Mỹ áp tải bọn em phải bắn chỉ thiên ngay bên trên đầu họ.
Nàng càng nói càng run lẩy bẩy:
- Tại Tân Sơn Nhứt, lính gác cổng cũng nổ súng bắn thẳng vào xe, may sao tài xế là người Mỹ. Anh ta nhấn ga đâm thẳng xe tới trong khi rất nhiều tài xế người Việt quành xe chạy lui. Rồi tất cả các ký giả phải chờ suốt hai tiếng đồng hồ trong một hầm trú ẩn của Mỹ. Chung quanh hầm đạn pháo rơi như mưa, nổ liên tục. Bãi đáp của Air America bốc cháy phừng phực. Khi đến lượt mình chạy ào ra máy bay, bọn em phải vất hết hành lý. Toán truyền hình của em mất tất cả đồ nghề, mất luôn cả phim mới quay. Em chạy được nửa đường, sắp tới được càng máy bay thì chửng lại — em biết mình sẽ không chịu đựng nổi việc về tới Luân Đôn mà không có anh. Khi đó, hết thảy xe buýt của người Việt đều quành lui ngay ngoài cổng phi trường vì lính Cộng hoà bắn vô xe. Em chạy ra, nhảy đại lên một chiếc. Tới giờ này người nào muốn đi chỉ còn cách duy nhất là cố mà vào cho được Toà Đại sứ.
Joseph nhắm mắt hít vào một hơi thật sâu:
- Trời ơi là trời, tại sao lại kết thúc theo kiểu như thế này?
Naomi không chúi người vào chồng nữa. Nàng đi rót hai ly whisky:
- Em thì em nghĩ trước sau gì cũng sẽ diễn ra một tình trạng vô trật tự nhưng có lẽ không tới nổi tán loạn như thế này. Tán loạn — một sự tán loạn đầy ý nghĩa và rất có chủ tâm. Người ta quẳng Miền Nam cho hổ đói khi thấy nó không còn “quan trọng cho lợi ích quốc gia của Mỹ lẫn hoà bình của thế giới”. Người ta nhẫn tâm bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do và những hy sinh nhân mạng của Mỹ-Việt và năm sáu đồng minh nay trở thành vô ích! Thật chẳng có hoà bình và danh dự chút nào! Không biết đã tới màn chót trong cuộc dối trá hào nhoáng và tàn mạt của Nixon cực kỳ thực dụng chủ nghĩa và Kissinger điêu ngoa xảo quyệt chưa?
Trong khi nói, những giọt nước mắt vô vọng chảy dài xuống má Naomi. Nàng run tay cầm ly lên, nhắp một chút rượu:
- Có tới hàng trăm người Việt làm cho các cơ quan của nước anh bị bỏ lại khắp nơi trong thành phố. Trong bọn họ, không biết bao nhiêu người chờ hết giờ này sang giờ khác, đợi một chiếc máy bay trực thăng hoặc một chiếc xe buýt không bao giờ đến. Lúc này, họ vẫn đứng ngóng cổ tại những chỗ đó, rất tin tưởng và đang ngước mắt lên trời ngó theo từng chiếc trực thăng trong khi tay xách nách mang con cái cùng với chút hành lý sơ sài của mình...
Thấy hai vai của Naomi run rẩy, Joseph bước tới vòng tay ôm vợ. Nàng kể tiếp:
- Toà Đại sứ Mỹ y hệt một viện tâm thần. Em tới đó trước hết là để tìm anh. Phải mất mười lăm phút em mới chen vô được bên trong. Có người nói với em rằng Toà Bạch ốc và Kissinger đang đập bàn hét toáng lên đòi ông đại sứ phải kết thúc cuộc di tản vào đúng nửa đêm nay. Nhưng trong khuôn viên Toà Đại sứ còn ít ra một ngàn người Việt và lúc nào cũng có thêm người leo được qua hàng rào. Lính TQLC lùa họ thành từng nhóm sáu chục người rồi nhét thật lẹ vào bất cứ chiếc trực thăng nào từ hạm đội bay trở vô. Chỉ có trời mới biết sẽ có bao nhiêu người bị bỏ lại...
Giọng Naomi càng nói càng uất ức, xen từng tiếng nấc. Joseph chỉ biết im lặng ôm nàng trong khi cả hai cùng cố nhắp rượu cho lắng lòng. Bên ngoài, màu đỏ từ các đám cháy chiếu sáng rực chân trời, làm thành một hình vòng cung dàn từ phương đông sang phương tây và bọc lấy mạn bắc thủ đô. Tới giờ này, Cộng Sản đã tràn tới Biên Hoà và Long Bình nơi tuyến đề kháng sau cùng của quân chính phủ vừa bị vỡ.
Các đội hình xe tăng và các đoàn xe tải dài thườn thượt của quân phương bắc bắt đầu dí mũi chạy dọc theo Xa Lộ Biên Hòa-Sài Gòn, tiến vào thủ đô phương nam. Kim đồng hồ vừa chỉ quá mười giờ tối. Dưới một hầm trú ẩn tại Bến Cát, nằm ở hướng bắc cách khách sạn Continental Palace chưa tới năm chục cây số, tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh mặt trận của chiến dịch Hồ Chí Minh, đang cùng các sĩ quan tham mưu xem xét điện văn báo cáo từ các tuyến mặt trận tuôn về. Chỉ nội trong hai giờ nữa, ông sẽ hạ mệnh lệnh sau cùng của cuộc chiến cho mười lăm sư đoàn đang tiến công và tung họ vào cuộc tàn sát với toàn bộ sức mạnh sấm sét.
Khi lấy lại được bình tĩnh, Naomi hỏi:
- Có phải anh chẳng có chút tin tức nào của Trinh?
Mặt Joseph phờ phạc và căng thẳng nhưng rán mỉm cười, anh đặt cả hai tay lên vai Naomi:
- Anh làm hết mọi sự mình có thể làm. Anh đang hy vọng nhận được lời người ta nhắn thẳng tới đây cho biết Trinh hiện đang ở chỗ nào. Anh chỉ còn mỗi một cách là chờ thôi. Tốt nhất em tới Toà Đại sứ rồi chờ anh ở đó. Anh đem em tới đó ngay bây giờ...
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ khiến Joseph quay ngoắt người. Anh giật toang cửa và thấy một nhân viên gác cửa kiêm bảo vệ khách sạn Continental người tầm thước, nước da đen sạm. Anh ta đứng ngay giữa khung cửa, cười rộng miệngï với vẻ xin lỗi:
- Monsieur Sherman, tôi xin lỗi, nhưng có người Việt Nam dưới tầng trệt đang tìm một người Mỹ...
Chưa nghe hết câu nói, Joseph đã lao mình lướt qua người bảo vệ, chạy xuống ngả cầu thang gần nhất. Trên vĩa hè, một gia đình người Việt đông lúc nhúc đang đứng chờ, tay giữ chặt túi xách và va li. Người mẹ bồng đứa con khoảng một tuổi. Ba đứa nhỏ khác níu quanh chân bà. Đang đi tới phía Joseph là một cậu bé lớn hơn và một cô bé cùng với cha chúng, một người gầy gò với vẻ mặt cực kỳ khắc khoải. Áo sơ mi trắng ông mặc đẫm mồ hôi trên quần tây đen nhăn nhíu rộng thùng thình và cổ đeo chiếc cà-vạt màu xanh nước biển lúc này nới lỏng và quăn queo như một khúc dây chão.
Người cha lập tức túm cánh tay Joseph, nói lúng búng như mê như sảng bằng thứ tiếng Anh lắp bắp, lơ lớ. Joseph đăm đăm nhìn ông và các bộ mặt hoang mang, vô danh của cả gia đình.
- Tôi xin ông... Ông phải giúp chúng tôi... Ông giúp chúng tôi với! Tôi là viên chức dân vận, từng làm việc chung với các cơ quan Mỹ suốt 15 năm nay! Cộng Sản sẽ giết hết chúng tôi, không chừa một mạng...
Joseph quay lại, thấy người gác cửa sạm đen vẫn đứng đằng sau anh, trên tầng cấp. Anh nói với anh ta bằng giọng thất vọng:
- Anh lầm rồi. Tôi đâu có quen biết mấy người này.
Người bảo vệ khách sạn nhăn bộ mặt chữ điền, vừa cười vừa lắc đầu quả quyết:
- Không. Tôi không lầm đâu Monsieur Sherman. Họ nói với tôi rằng họ đang tìm một người Mỹ — bất cứ người Mỹ nào.
Người mẹ làm như thể ấn đứa con đang bồng vào tay của Joseph. Bà cũng bắt đầu van nài anh trong khi lũ con ngó lên anh chằm chặp, mắt tròn xoe e sợ. Anh cố lạng người thoát ra nhưng họ hớt hãi níu chặt quần áo anh. Joseph thở hổn hển:
- Tôi xin lỗi. Tôi không giúp gì được. Các người phải cố tới Toà Đại sứ thử xem.
Anh bất giác cho tay vào túi, muốn cho họ ít tiền. Nhưng anh rụt tay lại, bắt đầu cố lùi người vào bên trong cửa khách sạn. Thình lình, người cha buông anh ra. Trong chớp mắt, vẻ mặt ông ta chuyển từ năn nỉ sang khinh miệt. Ông gằn mạnh bằng tiếng Anh, chêm vào đôi ba chỗ bằng tiếng Pháp.
- Tụi tao đã cố vào Toà Đại sứ khốn nạn của chúng mày — nhưng không cách gì vào nổi. Tụi tao đã gãy cổ ngóng chúng mày tới đón tụi tao suốt mười hai tiếng đồng hồ nay — nhưng xe buýt của chúng mày không bao giờ tới. Mẹ kiếp! Vì tin lời bọn Mỹ chó đẻ chúng mày nên chúng ông mới ra nông nổi này! Đồ đểu! Chúng mầy cùng một giuộc với bọn Tây! Chó cả lũ!
Đầu ông ta bỗng gặc mạnh và một luồng nước bọt bắn trúng áo vét của Joseph. Người vợ ngăn chồng không được, cất tiếng khóc tấm tức. Rồi với cái liếc mắt sau cùng ngùn ngụt căm hờn, ông ta lùa cả gia đình trơ vơ và nhỏ thó của mình ra xa khách sạn. Joseph đứng nhìn theo. Khi Naomi đến bên Joseph và đặt tay lên vai chồng, nàng thấy anh run lẩy bẩy, không mở nổi miệng. Hai vợ chồng đứng ở lối cửa ra vào cho tới khi gia đình ấy lủi thủi đi khuất tầm mắt họ ở một góc đường bên Công trường Lam Sơn.
Không nhìn Naomi, Joseph thở dài. Lúc lắc đầu, anh thảm não nói qua kẽ răng:
- Vậy đó! Vậy đó! Bây giờ chỉ còn cách tốt nhất là anh đưa em tới ngay Toà Đại sứ.
Trước khi cùng vợ ra đi, Joseph gọi người gác cửa rám nắng ấy tới. Ấn vào tay anh ta hai tấm giấy một trăm Mỹ kim, anh vừa nói chầm chậm vừa nhấn thật mạnh bằng tiếng Việt:
- Bây giờ, anh lên phòng của tôi ngay. Anh ngồi chờ trong phòng cho tới khi tôi trở về đây. Anh đừng ra khỏi phòng, cho dù bom có rớt trúng nóc khách sạn. Anh phải ghi lại, rất cẩn thận, bất cứ lời nào nhắn tôi qua máy điện thoại.
Người gác khách sạn đưa đôi mắt xếch ngó xuống hai tờ giấy bạc rồi gật đầu cười:
- Chuyện nhỏ! Monsieur yên chí. Tôi biết chút đỉnh tiếng Anh mà.
Khi Naomi và Joseph lật đật chạy qua quảng trường Nhà Thờ Đức Bà, cuộc pháo kích bằng hoả tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhứt tạm ngừng. Khu vực trung tâm Sài Gòn rơi vào một cơn yên tĩnh kỳ quái và tiếng gào thét của đám đông bu bên ngoài Toà Đại Sứ Mỹ vang ra xa hơn tới độ còn cách một quãng đường nữa mới tới nơi, hai vợ chồng đã nghe rõ.
Họ thấy trong bầu trời đêm bên trên nóc toà nhà sứ quán hình dáng to lớn và đen sẩm của chiếc máy bay trực thăng võ trang Cobra lượn lờ giống một con cá mập đang phơi mình. Các khẩu đại liên có thể khai hỏa một phút sáu ngàn viên đạn, chúc liên tục mũi súng xuống các nóc nhà quanh đó lẫn đám đông đang sôi sục bên dưới. Thỉnh thoảng, có máy bay phản lực F-5 của Hải quân hoặc Không lực Hoa Kỳ gầm rú trên đầu nhưng dù sao đi nữa, đô thành vẫn có vẻ như đột nhiên nín thở trong tình trạng chờ đợi khủng khiếp thời điểm kết liễu cuộc chiến.
Khi Naomi và Joseph tới trước Toà Đại Sứ, cả hai thấy thậm chí chỉ ở mé ngoài của đám đông thôi, tính khí của người Việt lúc này đã đáng sợ. Trong lúc lấn mở đường tới cổng hông Mạc Đỉnh Chi, hai vợ chồng bị người ta xô đẩy và phỉ nhổ liên tục. Đôi khi Joseph phải vòng hai tay ôm chặt Naomi để bảo đảm không bị người ta đẩy rời nhau ra. Khi tới gần vòng tường cao, họ thấy dây kẽm gai đã được giăng ra làm chướng ngại vật dọc trên đầu tường. Và trong đám đông, những người trẻ hơn đang leo lên các trụ đèn, cố đu người níu lấy bờ tường để nhảy qua hàng rào kẽm gai.
Một thanh niên bị kẹt cứng nơi cổng trước mé dường Thống Nhất. Người anh ta đong đưa đầu ngược xuống đất và máu chảy nhỏ giọt nhưng chẳng người Việt nào để ý tới anh ta. Họ chới với vươn tay lên phía TQLC Mỹ, vẫy vẫy những bức thư của các chủ nhân người Mỹ hoặc điện tín do thân nhân ở nước ngoài gởi về. Hễ có ai gan lì níu được bờ tường liền bị lính TQLC dùng báng súng trường M-16 nện tới tấp hoặc dùng giày trận bốt-đờ-sô nặng nề đạp liên tiếp lên đầu ngón tay để kẻ đó chịu đau không nổi, phải buông ra rồi té lộn nhào xuống đường. Và cứ mỗi lần xảy ra chuyện như vậy, đám đông lại gào lên la ó giận dữ.
Khi Naomi và Joseph chỉ còn cách cổng sắt vài thước, một thanh niên người Việt bỗng quẫn trí. Rút trong người ra một con dao dài, anh ta chĩa thẳng vô mặt Joseph đồng thời một tay túm tóc Naomi. Anh ta hét lớn:
- Mầy phải đem tao đi với mầy, bằng không, vợ mầy chết tươi tại chỗ!
Hai tròng mắt hung dữ và đáng sợ của anh ta đảo lia đảo lịa. Naomi thét lên đau đớn. Joseph nghiến chặt răng. Anh thình lình co tay lấy hết sức đấm thẳng vào mặt anh ta, và rồi nhẹ nhỏm thấy người thanh niên ấy buông dao, lảo đảo ngã xuống. Thở muốn hụt hơi vì dùng sức quá mạnh, Joseph đẩy Naomi ra đằng trước. Một TQLC nãy giờ nhìn họ chen lấn tới gần, cúi xuống và đưa tay kéo Naomi lên đứng bên mình.
Chênh vênh bám trên đầu cánh cổng, Naomi ngoái lui nhìn Joseph và thấy chồng lùi trở lại đám đông. Nàng la lớn, với ánh mắt van lơn:
- Joseph, anh phải cẩn thận! Mau quay lại đây nghe!