Khi những người tù An Nam tiều tụy kế tiếp nhau xuất hiện và lần lượt đặt chân lên tấm ván dài bắc từ kè đá xuống con tàu chở họ từ đảo Côn Lôn trở về, người ta thấy ai nấy đều mang chung một bộ mặt hốc hác và xanh xao vàng vọt. Có một số kẹp nách vài miếng giẻ cuộn thành bó, có người không mang theo gì cả. Trong hai con mắt rừng rực căm hờn của họ ánh lên tia nhìn cảnh giác như một ám ảnh thường trực của những kẻ bị áp bức tới độ phải chịu đày ải, giam cầm đằng sau chấn song sắt trong một thời gian rất dài.
Cầu ván oằn xuống dưới sức nặng của các tù nhân trong khi Joseph Sherman đứng trên kè đá, chăm chú xem xét cặn kẽõ mặt từng người một. Dù tâm trí anh vẫn lưu giữ rõ nét hình ảnh của Ngô văn Lộc nơi trại săn trong rừng nhưng khi hàng chục người tù bước cao bước thấp đặt chân lên bờ, anh bắt đầu nghi ngờ khả năng nhận diện của mình. Mười một năm trước, Lộc mang vẻ mặt thường thấy của một người giúp việc trong nhà, lúc nào cũng sẵn sàng nở nụ cười săn đón và vâng phục. Nhưng lúc này, trên những bộ mặt cay đắng và đầy uất hận kia, Joseph không tìm thấy đôi chút phản ánh nào đó hợp với trí nhớ của anh.
Con tàu nhỏ này, chiếc thứ hai cập bến Sài Gòn, chở khoảng năm chục người tù cộng sản và quốc dân đảng được phóng thích theo lệnh ân xá. Cùng lúc đó, cũng khoảng chừng ấy con số hiến binh Pháp và An Nam mặc cảnh phục rầm rộ đóng chốt trên bến tàu, giám sát việc lên bờ. Để việc thực hiện côâng tác thêm phần dễ dàng, họ gắn đèn hồ quang cháy sáng quắc dọc chỗ tàu cập bến.
Trong lúc những người tù vừa được phóng thích rời cầu tàu với đôi mắt quáng gà nheo nheo chập chờn, ngay bên kia con đường thênh thang chạy dọc theo bờø sông, từ hàng hiên quán Cà phê La Rotonde cuối đường Catinat, một nhóm người mặc thường phục, hỗn hợp Pháp có An Nam có, đang lỏ mắt âm thầm theo dõi họ. Thỉnh thoảng có người trong nhóm thong thả đứng lên tách khỏi đồng bọn, lật đật bước xuống những đường phố tối tăm, âm trầm đi theo một tù nhân lẻ loi hoặc một tốp tù nhân nào đó. Các nhân viên mật thám ấy của Liêm Phóng bao giờ cũng cẩn thận giữ một khoảng cách an toàn giữa mình và kẻ bị theo dõi để bảo đảm không bị phát hiện.
Joseph vừa nhìn tỉ mỉ từng bộ mặt tiều tụy nối tiếp nhau đi qua vừa cảm thấy tức ngực và khó thở, y hệt cái cảm giác trong người lúc anh mới trở lại Sài Gòn hai hôm trước. Đêm lại thêm lần nữa nóng bức, nham nháp và ẩm. Theo phản ứng tự nhiên của một người không quen với cái nóng ngầy ngật của xứ nhiệt đới, anh cố xua đuổi cảm giác đó nhưng đồng thời lại ngờ ngợ rằng chính các biến cố xảy ra hôm nay và sự kiện anh bốc đồng quyết định ra bến tàu này đang làm thần kinh anh căng thẳng.
Cuộc rối loạn ở Câu lạc bộ Thể thao và tiếp đó, chuyến ngồi chung khoang xe thổ mộ với Lan làm Joseph cảm thấy lòng mình sôi nổi lạ thường, tới độ anh không còn biết đói và không thể một mình ngồi trước bàn ăn tối trong khách sạn. Paul điện thoại tới cám ơn anh đã hộ tống Lan về nhà bình an và kể rằng cuộc rối loạn đã được dẹp yên, không người nào bị thương nặng. Vì đêm nay Paul phải trực nên cả hai hẹn sẽ gặp nhau ngày mai, cùng dùng cơm trưa.
Lúc mặt trời sắp lặn, Joseph đang ngồi một mình nơi tầng trệt của khách sạn bỗng thấy trong tờ báo buổi chiều bức ảnh chụp nhóm tù nhân đầu tiên từ đảo Côn Lôn trở về. Nhìn thật gần các bộ mặt nhòe vết mực in ấy một hồi rất lâu, anh bỗng giật mình nhận ra mình đang bất giác tìm kiếm Ngô văn Lộc. Nơi phần cuối bài phóng sự, tờ báo loan tin rằng hy vọng nhóm thứ hai sẽ về tới vào một lúc nào đó tối nay. Anh liền đứng lên, lật đật ra bến tàu.
Tiếp theo là hai tiếng đồng hồ trôi qua trong tẻ nhạt và bực bội. Trong khi bồn chồn đi tới đi lui dọc mé nước tối tăm và ngắm tàu vào tàu ra, Joseph có cảm tưởng trí óc mình đang chia làm hai phần trái ngược nhau, liên miên xung đột nhau tùy theo từng thôi thúc và từng cảm xúc. Một phần của trí óc - cái tôi lý trí - cứ thôi thúc anh bỏ đi, đừng chờ tàu cập bến. Liệu việc tìm kiếm người “bồi” trại săn ngày cũ có ích lợi gì không? Dù sao đi nữa quá khứ ấy cũng qua hẳn rồi - liệu có thu lượm được thành quả nào không hay chỉ mở ra những vết thương ngày cũ? Và liệu khi tìm thấy Ngô văn Lộc mình có đủ can đảm phóng những câu hỏi đau xót vào một người mình gần như không biết rõ, lại là người vừa thoát cảnh tù khổ sai đầy khắc nghiệt và lâu năm? Anh tự đặt cho mình những câu hỏi ấy cả trăm lần rồi nhưng vẫn không chịu rời bờ sông Sài Gòn oi ả.
Suốt thời gian chờ đợi dài dằng dặc, tâm trí Joseph lại bị ám ảnh bởi vẻ ngoài cứng cỏi khắc nghiệt của Jacques Devraux, hình ảnh bà vợ của Lộc trần truồng ôm manh quần áo che ngực vừa khóc tấm tức vừa lao mình vào cơn mưa bão, quyện với âm thanh những tiếng rên rỉ nghèn nghẹt xuất thần của mẹ anh. Thêm lần nữa, trong dữ dội và điên đảo, Joseph nhớ lại cơn rối loạn choáng váng và hoang mang do các biến cố đó gây ra trong anh lúc anh mới mười lăm tuổi. Từ đó, trong khi anh càng ngày càng khôn lớn và càng hiểu thêm về cuộc đời, cảm giác mơ hồ của anh trong cơn mưa bão rừng khuya đó về sự bất định, khả năng phản bội và sức mạnh của bản năng con người, theo với thời gian, đã ăn sâu vào tiềm thức anh, đồng thời để lại trong anh một di sản đầy hoài nghi và cảnh giác đối với con người, đặc biệt đối với phụ nữ.
Nhưng tối nay, trên bến cảng bên sông này, Joseph nhận ra mình chưa bao giờ hoàn toàn buông bỏ niềm hi vọng rằng ở bên kia trí tưởng tượng của anh có thể hiện hữu một giải thích nào đó về những gì đã xảy ra, một giải thích dù thế nào đi nữa, cũng có thể giải toả nỗi băn khoăn khắc khoải đã và đang in hằn tâm trí anh suốt mười một năm nay, kể từ phút giây mưa bão ghê rợn ấy.
Joseph mơ hồ nhận ra rằng một hy vọng như thế là cực kỳ mong manh nhưng anh hiểu rõ, chính khả năng hắt hiu đó đang níu giữ anh tiếp tục có mặt trên bến tàu trong bóng đêm nóng và ẩm này, chân bước sải đi tới đi lui, áo sơ mi đẫm mồ hôi dán sát lưng.
Cuối cùng, vừa thấy con tàu xuất hiện Joseph vội vàng chạy tới đứng chung với nhóm người An Nam ít ỏi, hình như là thân nhân ra đón tù trở về. Đúng lúc ấy, một nhân viên mật vụ Liêm Phóng băng ngang đại lộ lần đầu tiên để ý tới sự có mặt của Joseph. Và khi anh bước tới gần cầu ván để nhìn cho rõ hơn các tù nhân đang rời tàu, từ đằng sau quán cà phê La Rotonde, viên thanh tra chỉ huy chiến dịch bí mật này âm thầm ra lệnh cho một người Pháp vạm vỡ giám sát anh ngay lập tức.
Sau khi số lượng người tù rời tàu được hơn một nửa, Joseph mới thấy có kẻ hao hao giống Ngô văn Lộc. Tuy vậy thật khó nhận diện vì cũng giống mọi tù nhân khác, vẻ mặt người ấy lờ mờ xanh xao vàng vọt do bị giam hãm lâu ngày. Người ấy khoác trên thân hình trơ xương chiếc áo vải bông màu đen xác xơ mòn trơ chỉ với chiếc quần ống thấp ống cao. Joseph để ý thấy cạnh sườn anh ta lắt lẻo một cánh tay tàn phế. Vừa đặt chân lên bờ, anh ta thờ ơ nhìn bộ mặt của người Mỹ rồi sấp lưng đi thẳng.
Trong một giây, Joseph nghĩ mình lầm. Rồi bỗng nổi cơn thôi thúc, anh bước tới sau lưng người ấy, chạm tay vào vai anh ta. Joseph thấpï giọng hỏi bằng tiếng Pháp:
- Xin lỗi, có phải anh là Ngô văn Lộc?
Người tù vừa được thả ấy quay lại nhìn Joseph, có vẻ giật mình, mắt ánh lên tia nhìn e ngại lẫn nghi kỵ và không trả lời. Anh ta thận trọng liếc xéo bộ mặt của các hiến binh mặc cảnh phục đang tụ tập đông đảo quanh bờ và trên bến tàu rồi quay lại nhìn Joseph thêm lần nữa. Cảm thấy thất vọng, Joseph hỏi tiếp:
- Có phải anh từng là người “bồi” trại săn của Jacques Devraux?
Trong một chớp mắt phù du Joseph tưởng chừng bộ mặt hốc hác của người An Nam nhá lên vẻ sửng sốt. Nhưng anh ta không nói và quay lưng bước thật lẹ, bắt cho kịp một người tù khác vừa được thả chung chuyến. Joseph đứng ngó theo hai người băng ngang đại lộ rồi lại quay nhìn con tàu. Nhưng trong số những người còn lại chẳng có bộ mặt nào đáng cho anh để ý. Anh bất chợt quyết định và vội vã băng qua bến tàu, lật đật bước theo hướng đi của người An Nam có cánh tay bại liệt.
Đường phố tấp nập. Sợ mình có thể mất dấu, Joseph nhấc chân chạy. Mắt anh thoáng bắt gặp anh ta và người bạn đồng hành khi cả hai rẽ sang con đường dẫn thẳng tới chợ Bến Thành. Nhưng tiếng bước chân chạy của Joseph làm hai người An Nam ngoái đầu nhìn lui. Và đáp ứng cơn hớt hãi của anh, cả hai thấy mình đang bị theo dõi cũng bắt đầu co chân chạy.
Trước một vòm cửa hình vòng cung của nhà lồng chợ, họ lại gay cấn ngoái đầu về phía Joseph thêm lần nữa rồi biến mất vào bên trong. Không chút ngần ngại Joseph vào theo. Dù khung cảnh tù mù tối tăm rồi đen đặc, anh vẫn nghe rõ tiếng chân đang chạy và hơi thở phì phò của hai người An Nam. Joseph hối hả nói lớn bằng tiếng Pháp:
- Monsieur Lộc, xin đứng lại. Tôi chỉ muốn hỏi anh một hai câu thôi.
Tiếng của Joseph vang lên, dội ồm ồm trong nhà lồng với bốn phía vách chỗ lồi chỗ lõm của ngôi chợ về đêm vắng lặng, nhưng hai người ấy không dừng bước. Anh lao mình về hướng có tiếng chân của họ. Khi đứng lại lần nữa, lắng tai, anh sửng sốt thấy chẳng nghe ra được gì ngoài tiếng thở hổn hển của chính mình.
Cảnh giác hơn, Joseph tiếp tục bước xuyên qua bóng tối vắng lặng đang bốc lên mùi trái cây nhũn và mùi cá ươn. Thỉnh thoảng anh gọi tên Lộc nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Rồi anh sửng người khi có cánh tay ai đó kẹp chặt cuống họng mình đồng thời anh cảm thấy từ đằng sau, mũi nhọn của một con dao dí ngang hông mình. Giọng của một người thì thầm bằng tiếng Pháp sát tai anh:
- Mầy là ai? Tại sao đi theo tụi tao?
Người Mỹ thở hổn hển, vùng vẫy để làm lỏng cánh tay đang siết cứng cần cổ mình:
- Tôi tên là Joseph Sherman. Jacques Devraux từng hướng dẫn gia đình tôi trong một chuyến đi săn, lúc đó Ngô văn Lộc làm việc cho ông ta.
Joseph nghe hai giọng đàn ông thì thầm liến thoắng với nhau bằng ngôn ngữ của họ nhưng sức ép trên cần cổ anh vẫn không giảm và thêm một lưỡi dao nữa chọc mạnh vào mạng mỡ anh:
- Có phải thằng Devraux hiện sống tại Sàigòn?
- Không. Ông ấy đang chỉ huy Sở Liêm Phóng ở Huế. Có phải anh là Ngô văn Lộc?
- Phải!
Đèn một chiếc xe hơi chạy ngang cửa nhà lồng chợ hắt vào chút ánh sáng le lói và ngay lúc ấy cần cổ anh được thả ra. Joseph quay lại thấy Lộc vẫn cầm con dao trong bàn tay còn lành lặn, đứng thủ thế. Bên cạnh anh, một người An Nam khác đang trong tư thế khom lưng lấy đà, sẵn sàng nhảy xổ vô người Joseph để khống chế lần nữa. Giọng nói của Lộc vẫn đầy hăm dọa nhưng pha chút tò mò:
- Tại sao anh biết chỗ tìm tôi? Tại sao anh biết tôi ở tù?
Joseph trả lời, tay xoa cổ họng:
- Tôi nói chuyện với Paul Devraux. Anh ấy ở trong quân đội tại đây. Paul nói với tôi rằng anh ấy nghĩ anh đang ở tại đảo Côn Lôn.
Joseph lại nắn nắn cổ mình rồi lưỡng lự:
- Paul cũng kể tôi nghe chuyện bi thảm về cậu Học con trai anh. Tôi rất buồn khi nghe chuyện cậu ấy chết.
- Thằng Học không “chết” - nó bị bọn Tây sát hại bằng máy chém! Bộ thằng Paul không kể với anh rằng chúng nó giết cả vợ tôi nữa sao? Và rằng một cánh tay của tôi trở thành vô dụng khi tụi phi công gan dạ của bọn chúng bỏ bom và quạt súng máy xuống những nông dân không có gì tự vệ ở Vinh sao? Hắn không kể cho anh nghe rằng bọn Tây giết mười ngàn người An Nam vì họ dám thách thức sự cai trị tham tàn bạo ngược của bọn chúng sao?
Joseph nói một cách tuyệt vọng:
- Paul cảm thấy ân hận sâu xa về tất cả những chuyện xảy ra đó. Anh ấy xem anh và các con của anh là bạn thiết.
Lộc khịt mũi khinh bỉ:
- Có phải chính hắn sai anh tới đây để kể cho tôi nghe những lời láo khoét đó?
- Không, anh ấy không biết tôi đi gặp anh.
- Vậy anh muốn nói với tôi chuyện gì?
Đột nhiên Joseph cảm thấy không thể diễn tả thành lời như mình muốn. Anh nói một cách ngần ngại:
- Anh Lộc ạ, đây chỉ là chuyện riêng. Tôi chỉ muốn nói với một mình anh.
Hai người An Nam thì thầm với nhau vài lời rất nhanh bằng tiếng bản xứ. Joseph chờ cho tới khi hình dáng đen đủi của người đi chung với Lộc bước ra khỏi chỗ tối, tới đứng canh phía trong vòm cửa chợ gần nhất, anh mới cất tiếng, giọng run run:
- Anh Lộc ạ, anh có nhớ cái đêm mưa bão thật lớn nơi trại săn lúc mới bắt đầu cuộc thám hiểm của gia đình tôi không? Anh còn nhớ chuyện gì xảy ra đêm đó không?
Trong bóng tối không vang lên tiếng trả lời nào nhưng Joseph nghĩ mình có thể cảm giác được vẻ căng thẳng trên mặt người nghe tuy anh không thấy rõ. Anh tiếp:
- Tôi không ngủ được và ra ngoài đi lang thang trong mưa. Tôi đi ngang lều của Monsieur Devraux thì thấy vợ anh từ trong đó lao ra, vừa chạy vừa bưng mặt khóc.
Nói tới đây bỗng dưng Joseph cảm thấy trái tim trương lên trong lồng ngực làm anh sắp nghẹt thở. Cùng lúc ấy anh nhận ra mùi hôi nồng nặc, buồn mữa, của những thứ thối rữa trong nhà lồng chợ tối thui:
- Tôi muốn hỏi...
- Không được hỏi gì về đêm đó!
Sự hung tợn trong trong cung giọng ré lên của Lộc làm Joseph rùng mình. Anh cảm giác sát bên anh, trong bóng tối, người An Nam ấy đang run lẩy bẩy:
- Năm năm trời trong xà lim đảo Côn Lôn, ngày nào tôi cũng phải ăn nằm với sự khốn khổ của chính mình. Và trong giấc mơ tôi thường thấy ngườiø vợ đã chết hiện ra với bộ mặt lên án tôi!
Trong một lúc lâu, Joseph và Lộc yên lặng đứng đối mặt nhau trong bóng tối nồng nặc mùi hôi ác liệt. Sau cùng Joseph thì thầm:
- Anh có ý nói gì vậy anh Lộc?
- Tôi ép buộc bà ấy phải làm chuyện đó. Rốt cuộc chính vì lỗi của tôi mà bà ấy rơi vào tay bọn Tây hiếu sát.
Lộc ngưng nói, hơi thở rối loạn, rồi giọng anh thấp xuống thành tiếng thì thào:
- Như thế, ông thượng nghị sĩ và tôi có chung một cái với nhau, phải không? Có phải ông ta cũng có những cơn ác mộng?
Joseph giật mình khi bất ngờ nghe nhắc tới cha:
- Anh Lộc, tại sao cha tôi lại phải như vậy?
- Chính sự ngu xuẩn của tôi đưa tới cái chết của vợ tôi - và cũng chính sự ngu xuẩn của cha anh gây ra cái chết cho người anh của anh, không đúng sao?
Joseph nói, cao giọng ngờ vực:
- Cha tôi đã cố cứu Chuck. Trong khi ra sức cứu anh tôi, ông bị thương rất nặng. Ông mất một cánh tay.
Tiếng cười của Lộc rộ lên không một chút khôi hài làm Joseph giật nảy người:
- Có phải chính ông ta kể với anh như vậy?
- Đúng.
- Chuyện xảy ra hoàn toàn khác hẳn.
Joseph khắc khoải chúi người tới trước. Đột nhiên anh nhớ lại vẻ lưỡng lựï trên mặt Paul khi anh nhắc tới tai nạn đó:
- Anh giả thuyết ra sao anh Lộc?
- Monsieur Sherman, tôi không “giả thuyết, giả dụ” gì cả. Chuyện xảy ra đúng một trăm phần trăm như thế này. Anh của anh bị giết trong khi ra sức cứu ông thượng nghị sĩ. Lúc đó cha anh bị sốt rét - ông bệnh không đủ sức đi săn. Ông nốc rượu kèm với thuốc tây ông mang theo và ông ngu xuẩn rượt theo con min bị thương vô bụi tre gai rậm rạp đó trái với lệnh của thằng Devraux. Anh của anh bỏ mạng trong khi cố cứu mạng cha anh.
Miệng Joseph vọt ra một câu nói trước khi anh kịp cân nhắc mình có ý nói gì:
- Chắc chắn anh nói đối!
Người An Nam hỏi bằng giọng lạnh lùng:
- Tại sao tôi lại phải nói dối?
Thêm một chiếc xe chạy ngang cửa vòm. Dưới ánh sáng của đèn xe phản chiếu trong nhà lồng chợ, Joseph thấy người An Nam kia quay mình chạy rất lẹ về phía hai người. Trong một thoáng Lộc lắng nghe tiếng thì thầm báo động của đồng bạn rồi quay người qua phía Joseph, Lộc xẳng giọng kết án:
- Có hai thằng mã tà Liêm Phóng đang canh mấy cửa chợ. Vậy tóm lại, mầy cũng chung một bè một lũ với bọn chúng nó.
Joseph giật mình phản đối nhưng người An Nam không chịu đứng yên nghe. Sau khi văng tục mắng chửi anh thậm tệ bằng tiếng An Nam, họ bỏ chạy theo hai hướng ngược nhau, còn lại Joseph một mình trong bóng tối ngập ngụa mùi thối rữa. Trong vài phút anh đứng chôn chân tại chỗ, vật vã với hành động khủng khiếp của cha do Ngô văn Lộc vừa tiết lộ. Rồi anh bàng hoàng rời nhà lồng chợ, chầm chậm quay về khách sạn Continental.
Joseph lầm lũi bước, không nhìn hai bên đường phố mình đi qua và không để ý hai nhân viên mật thám Liêm Phóng đang làm cái bóng của anh. Hai phút sau khi Joseph lên phòng khách sạn, họ ngang nhiên bước vào phòng lễ tân. Thấy bộ mặt lầm lì nguội ngắt của họ, người thư ký lo việc tiếp tân đưa cho họ danh sách khách trọ, không một chút thắc mắc. Qua kinh nghiệm trước đây, anh đã biết họ muốn gì nơi anh.
Anh quay mình vùi đầu vào một công việc tẻ nhạt nào đó trong khi nhân viên mật vụ có thân hình vạm vỡ chép vào sổ tay tên và địa chỉ của Joseph Theodore Sherman, Đồn điền Sherman, Hạt Charles, Virginia, H.K.